Saturday, September 20, 2014

Vai Trò Của Các Mạng Truyền Thông Xã Hội


Vai Trò Của Các Mạng Truyền Thông Xã Hội 

Tư pháp VN dàn dựng vụ án để hại LS Lê Quốc Quân

https://www.youtube.com/watch?v=QYr0cS5kFG4


TS. Nguyễn Hưng Quốc 
September 11, 2014
0 Bình Luận

Tôi chơi facebook đã được trên 5 tháng. Càng chơi càng thích. Thế giới facebook đa dạng vô cùng. Nhảm nhí: nó có thừa. Khoe khoang để tự sướng: cũng có thừa. Nhưng tôi chỉ chú ý nhiều nhất đến các trang facebook nghiêm túc, ở đó, người viết và người đọc bày tỏ những thao thức về tình hình chính trị Việt Nam.

Phải nói ngay, những bài viết cũng như những ý kiến phản hồi về chính trị như vậy khá giống nhau. Khác ở góc nhìn. Khác ở giọng điệu. Và khác ở tiểu tiết. Nhưng nhìn chung, tất cả đều nhắm vào hai vấn đề chính: Một, lên án sự độc tài và bày tỏ ước vọng dân chủ hóa để đất nước được tự do và phát triển; và hai, lên tiếng báo động trước âm mưu xâm lấn của Trung Quốc và phê phán thái độ nhu nhược và bất lực của chính quyền Việt Nam.

Bản thân tôi, từ mấy tháng vừa qua, cũng chỉ tập trung vào hai vấn đề chính ấy.
Từ góc độ một nhà văn, chỉ quanh đi quẩn lại với hai loại đề tài ấy, nguy cơ rất dễ thấy: trùng lặp, đơn điệu và nhàm. Tôi biết vậy nhưng lại không thể thoát được. Có hai lý do: Một, đó là những ám ảnh lớn cứ đau đáu trong lòng; và hai, tôi nghĩ, trong cuộc đấu tranh cho dân chủ, mọi tiếng kêu gào đều cần thiết. Bởi không phải ai cũng hiểu tất cả những thảm họa đất nước đang đối diện. Nếu hiểu, chưa chắc mọi người đã biết phải làm gì. Hơn nữa, tiếng kêu gào, tự nó, cũng là một thứ vũ khí.

 Một tiếng kêu gào đơn độc của một cá nhân là một sự tuyệt vọng của nạn nhân. Nhưng khi tiếng kêu gào ấy được vang âm và bắt gặp sự đồng điệu của đám đông, nó sẽ trở thành một bản hùng ca của những người ra trận. Khi cả hàng triệu người cùng gào, tiếng kêu của họ sẽ trở thành những bài ca chiến thắng.

Nhưng làm cách nào để cả triệu người cùng gào? Có hai điều kiện: Một, do một tác nhân bên ngoài khiến mọi người phẫn nộ và quên cả sợ hãi để dám xuống đường gào thét phản đối lại bạo quyền (như những gì đã xảy ra ở Trung Đông và Bắc Phi vào đầu năm 2011); và hai, khi mọi người ý thức rõ những bất công mà mình đang gánh chịu là một sự phi lý, không thể chấp nhận được (như những gì xảy ra tại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào cuối thập niên 1980). Điều kiện thứ nhất có thể đến một cách bất ngờ, không thể lường trước; còn điều kiện thứ hai thì cần thời gian để chín muồi  Các trang truyền thông xã hội có thể góp phần đắc lực để thúc đẩy quá trình chín muồi của điều kiện thứ hai này.

Để làm được điều ấy, người ta không cần phải kích động hay xúi giục ai cả. Các trang truyền thông xã hội, khi cố gắng vạch trần bộ mặt thật của chế độ, chỉ nhắm đến một mục tiêu đơn giản và rất khả thi: giành quyền viết lại lịch sử. Ở đây có hai khía cạnh cần chú ý: Một, như nhiều học giả từng ghi nhận, lịch sử bao giờ cũng được viết bởi những người thắng cuộc; và hai, lịch sử ấy nhắm vào hai mục tiêu chính: Thứ nhất, huyền thoại hóa các chiến công của họ, và thứ hai, bôi nhọ kẻ thù. Ở cả hai khía cạnh này, chính quyền Việt Nam, từ năm 1954 và đặc biệt, từ năm 1975, khi cả nước được thống nhất, được chính quyền Việt Nam thực hiện một cách đầy tự giác và triệt để. 

Họ bôi nhọ chính quyền miền Nam là ngụy quyền và Mỹ, kẻ từng giúp chính quyền miền Nam, là đế quốc và thực dân kiểu mới. Họ cũng tích cực tô vẽ hình ảnh của họ như những bậc anh hùng được cả thế giới ngưỡng mộ; ngưỡng mộ đến nổi nhiều người ngoại quốc từng nằm mơ thấy mình là người Việt, dĩ nhiên, là Việt xã hội chủ nghĩa. Không những anh hùng, họ còn là những con người mới xã hội chủ nghĩa đẹp đẽ, nói theo hai câu thơ của Tố Hữu: “Còn gì đẹp trên đời hơn thế / Người với người sống để yêu nhau” hoặc một câu thơ của Chế Lan Viên: “Ôi ta là ta mà ta vẫn cứ mê ta”.

Từ trước đến gần đây, chính quyền là những kẻ duy nhất có quyền viết lịch sử. Quyền ấy, không ai được chia sẻ cả. Ngay cả những người từng nắm giữ những chức vụ cao cấp với họ cũng không được quyền chia sẻ. Đó là lý do tại sao cuốn hồi ký Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm của Trần Văn Trà, vị tướng trong quân đội của họ, cũng bị thu hồi. Lý do? Nó lệch ra ngoài, dù chỉ một chút, thứ lịch sử chính thống của họ. Đó cũng là lý do tại sao gần đây, chính quyền Việt Nam ra lệnh tất cả các cuốn hồi ký, của bất cứ người nào, cũng phải qua kiểm duyệt trước khi được in. Các loại sách khác có thể được xuất bản qua phương thức liên kết với tư nhân hay tổ chức xã hội. Trừ hồi ký.

Bây giờ, với sự phát triển ào ạt của các trang mạng xã hội như blog hay facebook, người dân có thể lên tiếng bày tỏ quan điểm cũng như kinh nghiệm của mình, thế độc quyền của những người cai trị bị thách thức. Họ không thể kiểm duyệt hay cấm đoán hết được. Những câu chuyện người thật việc thật, hoàn toàn có thực, được tung lên internet. Qua những câu chuyện ấy, người ta có thể nhìn thấy chính quyền mang một bộ mặt khác hẳn. Họ độc đoán. Họ tàn bạo. Họ có những chính sách lầm lẫn một cách tai hại. Hay nói theo cách nói cô đúc được lưu hành trên internet lâu nay: Họ “lấy thù làm bạn, hèn với giặc, ác với dân”; còn về chiến lược, họ loay hoay giữa hai hướng: theo Mỹ thì mất đảng, theo Trung Quốc thì mất nước, họ thà chọn mất nước.

Với những lịch sử như thế, vai trò độc quyền của những kẻ chiến thắng bị hẹp lại; các huyền thoại của họ, do đó, có nguy cơ bị phá vỡ dần dần. Với một chế độ độc tài, huyền thoại là một trong những trụ cột chính trên đó người ta xây dựng quyền lực. Khi huyền thoại bị phá vỡ hoặc xói mòn, nền tảng của chế độ cũng lung lay.
Làm chế độ lung lay, dù một cách tiệm tiến, tự nó, đã là một thành tích quan trọng rồi.

Tôi Hãnh Diện Có Quá Khứ Làm Người Tị Nạn Cộng Sản Việt Nam

Bai viết của Thầy Phạm Cao Dương cho học trò thầy (là tôi người đang viết mấy giòng này) những bồi hồi, làm mắt tôi rưng rưng và tôi cảm thấy tôi hãnh diện biết bao khi có một quá khứ làm người Tị Nạn Cộng Sản Việt Nam.
Chúng ta sinh sống trên quê hương thứ hai là chúng ta đươc tái sinh để làm người. Quê hương VN trên mỗi bước chân của người Việt tị nạn Cộng Sản và của con cháu những người Việt này . Chúng ta chạy ra Biển Đông tìm tự do chứ không tìm miếng cơm manh áo như các đợt di dân trong lich sử nước Mỹ. Chi có khối người VN chạy giặc Cộng trôi nổi trên Biển Đông sau ngày 30 tháng tư 1975 đã cho thế giới biết thế nào là sự tàn ác ác của Cộng Sản Việt Nam và cho quê hương thứ hai biết thế nào là sức mạnh của chứng ta.
Con cháu chúng ta hiện nay và mãi mãi vẫn là những công dân đóng góp rất nhiều cho quê hương: bất cứ nơi nào chúng ta có tự do và được quyền sống trên thế giới. Cộng đồng vũng mạnh, người Việt có tiếng nói mạnh.
Quốc gia Ái Nhĩ Lan chỉ có 4 triệu 800 ngàn người sống tại quê. 20% dân Mỹ là gốc Ái Nhĩ Lan và 22 Tông Thống trong số 44 Tổng Thống Mỹ có giòng máu Ái Nhĩ Lan.
Chúng ta không phải về VN để chứng tỏ là người yêu nòi giống Việt. Hãy sống và làm được những gì quan trọng để mỗi lá phiếu của khối người VN Hải ngoại là những lá phiếu quan trọng mà bât cứ ai cũng cần lá phiếu của chúng ta.
Cám ơn Thầy với bài viết cho em hãnh diện hơn rằng em vẫn thấy quanh em còn có những người yêu quê hương nòi giống Việt Nam đích thực .
Kính chúc Thầy luôn có sức khỏe cho lòng chúng em những đứa học trò ngây thơ ngày nào biết mình vẫn còn có một quê hương và những bậc thầy yêu mến.
Kính.
Thu Hương
sinh viên Văn Khoa 65/68 và Đại Học Sư Phạm Saigon khóa 1970
Cô Thu  Hương thân mến,
Tôi rất muốn gọi Cô Thu Hương là “Thu Hương” như gọi các sinh viên cũ của tôi hơn nửa thế kỷ trước và xưng là “thày”.  Nhưng vẫn thấy bất tiện.  Hồi đó Cô chỉ là một thiếu nữ mới lớn, trên dưới hai mươi, mới vào ngường cửa đại đọc và bây giờ mọi chuyện đã đổi khác rồi. Tạm thời gọi Cô bằng “Cô” vậy.
Cảm ơn Cô đã quan tâm tới bài tôi viết.  Bây giờ tôi xin thưa với Cô như thế này:
Ý chính của tôi liên hệ tới chủ đề “Dựng Tượng Đức Thánh Trần ở Little Saigon” là  qua ba tiếngĐức Thánh Trần mà tôi dùng, tôi muốn khơi dậymạch sống đầy sinh lực, đầy linh khí đã và đang tiềm tàng, ẩn náu trong mỗi một con người Việt Nam chúng ta dù chúng ta ở bất cứ nơi nào trên thế gióimà bây giờ chúng ta rất cần vì sau bao nhiêu đau thương, chếtchóc, nước mắt tràn ngập Biển Đông, chúng ta đã có được một Việt Nam thứ hai, mộtViệt Nam Trẻ với lãnh thổ trải rộng toàn cầu, chỗ nào cũng có Việt Nam nếu có người Việt.  

Chúng ta đã có được môt Siêu Quốc gia Việt Nam trên đó mặt trời không bao giờ lặn mà người Anh hồi thế kỷ 19, và người Tầu hiện tại không có được vì nó không hình thành bằng xâm lăng, chém giết và đô hộ hay do tha hương cầu thực hay bành trướng kinh tế làm giàu.  Siêu quốc gia của chúng ta hình thành bằng sự đau khổ, tủi nhục, bằng máu và nước mắt của hàng triệu dân tị nạn đã liên tục bỏ nước ra đi từ sau biến cố 1975 với hàng nửa triệu bỏ thây ngoài biển cả hay chết thê thảm nơi rừng rậm hoang vu, vào không có lối ra ở Kampuchea, không ai biết đến.  Chúng ta không bao giờ được quên điều đó.  Quên là vô ơn, là có tội. 

Siêu quốc gia của chúng ta là món quà Trời cho ngàn năm một thuở chỉ dân ta mới có cái may có được.  Nó hợp với sinh hoạt của thời đại mới giữa lúc biên giới, giữa các nước mỗi ngày một mờ nhạt dần trước sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, kinh tế và thương mại.  Nó sẽ giúp cho Việt Nam thoát khỏi tình trạng nhược tiểu để có cơ hội vươn lên nếu chúng ta biết nắm bắt.  Nhưng vì nó hình thành bởi con người nên cần phải có sư tin tưởng của chính con người vào tương lai của chính mình, con cháu mình và cả dân tộc mình.  Sau ngót bốn mươi năm tranh đấu để sinh tồn, để phát triển, các cộng đồng của chúng ta đã bắt đầu đứng vững.  Các con cháu chúng ta đã bắt đầu thành công và lập nên sự nghiệp không nhỏ,  với sự đóng góp rất là khiêm nhượng của chúng ta.   

Chúng ta đã quá quan tâm đến quá khứ và đến Việt Nam ở bên kia mà quên đi chính con em của chúng ta ở bên này.  Bây giờ thì chúng ta phải nghĩ lại và sửa đổi.  Việc chỉnh trang lại những nơi mình đang ở là một việc làm vô cùng quan trọng.   Chỉnh trang từ hình thức, vật chất tới tinh thần, từ cách suy tư,  tín ngưỡng cao, thấp để người trẻ có thể tìm thấy một cái gì đó mà trở về với chính mình và với cộng đồng của mình và người già có chỗ để nương dựa trong lúc tuổi xế chiều.  chúng ta có đầy đủ tư do đển làm điều này, nếu chúng ta muốn.  Các nhà cầm quyền đia phuơng không bao giờ ngăn cản chúng ta cả nếu đó là hợp pháp. 

Chúng ta phải trở về để  đến với con cháu chúng ta và chăm sóc cho họ.  Họ ở đâu, quê hương của chúng ta ở đó.  Vợ con, chồng con chúng ta ở đâu, nhà chúng ta ở đó. Sáng đi, chiều về, chúng ta lại về đó , “về nhà”.   Hãy dành một phần thì giờ, công, sức, tiền bạc cho con cháu chúng ta, cho chính quê hương trước mắt của chính chúng ta thay vì cho một nước Việt Nam quá già nua, cũ kỹ, cạn kiệt sinh lực, bạc nhược tinh thần nhưng con người ở đó vẫn một mực tin tuởng vào những gì lãnh đạo của họ chọn lựa và cho rằng mình đã chiến thắng, đã tiến bộ nếu không hơn thì cũng ngang với các nước tiền tiến trên thế giớivới đầy nhà chọc trời, với xa lộ chạy khắp lãnh thổ, với biệt thự nguy nga nhờ chiền thắng Miền Nam của họ.  
Đã đến lúc chúng ta phải  dùng thành ngữ bình dân “Bỏ đi Tám” hay “Tạm quên đi, Tám”, phải xét lại tất cả để khỏi phải hối tiếc là khi con cháu chúng ta còn nhỏ, còn nằm trong tầm tay chúng ta, chúng ta đã mải mê những chuyện khác hơn là chăm sóc họ, chơi với họ lúc chiều về hay bế ẵm họ, thay tã cho họ truyền lại linh khí của tổ tiên lại cho họ dạy họ học bài buổi tối trước khi họ có cuộc sống riêng, vượt khỏi tầm tay của chúng ta.  Bây giở thì tự họ đã ý thức được họ là ai, đã cố gắng, đã thành công và lập được sự nghiệp và đứng vững.  Phải chăng một lần nữa, đó là do Trời định, là do mạch sống chứa đựng đầy linh khí cuả ông cha chúng, tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam của chúng ta, của các em? là linh khí, là khí hạo nhiên trong mỗi con người chúng ta, trong mỗi con ngưòi các em?  Tôi không có câu trả lời, nhưng tôi vẫn tin ở tương lai lâu dài của dân tộc, ở “Sách Trời.”  Kẻ kia có muốn  chẳng làm gì được chúng ta.   Chúng ta đã đứng vững hơn hai ngàn năm. Không cò lý do gì chúng ta không đứng vững thêm vài ba ngàn năm nữa để dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi trường tồn.

Cuối cùng tôi xin gửi Cô những câu thơ của Nguyễn Văn Giai mà  tôi được học ttrước đây, trích tứ bài Hà Thành Chính Khí Ca nói về Tổng Đốc Hoàng Diệu:
Một vùng chính khí lưu hình 
Rộng trong Trời Đất nhật tinh, sơn hà.
Hạo nhiên ở tại lòng ta.
 
Tấc gang son sắt hiện ra khi cùng. 
Hơn thua theo vận truân phong.
Ngàn thu để tiếng anh hùng sử xanh.

 Nhớ lại nhưng câu này, bây giờ tôi vẫn còn bồi hồi, xúc động.  Các cụ Nhà Nho chúng ta ngày xưa là thế đấy ! Chúng ta đứng vững ngàn năm là nhờ thế đấy!
Xin Cô Thu Hương coi đây như một bài học ngắn ngoài chương trình để bài giảng thêm vui của tôi bên cạnh những bài học ngày xưa.  
Mong Cô cho tôi thêm chi tiết để tôi liên lạc.

Thân mến,
Phạm Cao Dương, TS


“Thoát Trung”?!

Huỳnh Thục Vy
June 21, 20142 Bnh Luận
“Thoát Trung”?!
Gần đây tôi tình cờ đọc “Thoát Trung luận” của Tiến sĩ Giáp Văn Dương. Tôi khá ngạc nhiên với lời khẳng định “Lịch sử nước ta có thể được diễn giải tương đối đầy đủ dưới góc nhìn thoát Trung”. Nếu khẳng định này đúng, thì hệ lụy của các “giá trị Á Đông” Khổng Nho không đến nỗi sâu sắc đến độ trở thành não trạng của người dân Việt Nam và nặng nề đến nỗi gây cản trở quá trình tiến về phía thế giới tự do của chúng ta hôm nay. Nói vậy không phải để thất vọng mà để nhận thức được rằng người Việt chúng ta phải nỗ lực một cách thành thật, kiên trì và thậm chí là đau đớn để thực sự “thoát Trung”.
“Thoát Trung” giả hiệu hay “tự Hán hóa”
Từ sau một ngàn năm Bắc thuộc, các chế độ quân chủ “nội địa” được thành lập và nối tiếp nhau cai trị đất nước theo mô hình phương Bắc từ chế độ khoa cử đến hệ thống quan. Quả thật, việc áp đặt tư tưởng ngoại lai bởi những kẻ xâm lược luôn khó khăn và gặp phải nhiều kháng cự hơn là bởi chính những “ông vua nước Nam” đầy tính chính đáng và có cả lực lượng quan lại đông đảo cai quản đến các vùng xa xôi nhất của đất nước. Thật nghịch lý là không phải 1000 năm Bắc thuộc mà chính là thời kỳ độc lập lại khiến văn hóa Trung Quốc nở rộ ở nước Nam. Chính cái thời kỳ được gọi độc lập này, tư tưởng Khổng nho chủ đạo trong nền văn hóa và chính trị Trung Hoa trở thành tư tưởng và văn hóa chủ đạo của Việt Nam, lấn át tư tưởng Phật giáo đã âm thầm bám rễ vào các làng xã Việt Nam ngay dưới thời còn bị đô hộ.

Sự kiện toàn bộ máy quân chủ tập quyền ở Việt Nam song hành cùng với sự thể chế hóa tư tưởng và văn hóa Khổng Nho. Năm 1070, đời Lý Thánh Tông, Văn miếu Quốc tử Giám được xây dựng, là nơi thờ các vị “Thánh hiền” và là trường đào tạo các trí thức Nho học để chuẩn bị nhân sự cho hệ thống quan lại. Thời Trần Thái Tông, Quốc Tử Giám này còn có điện thờ Chu Cơ Đán – khai quốc công thần của nhà Chu bên Trung Hoa xa xôi. Thời nhà Nguyễn, quần thể kiến trúc này còn được xây bổ sung thêm nơi thờ cha mẹ Khổng Tử, không những không liên hệ gì với dân nước Nam, mà còn là những nhân vật không mấy đáng lưu tâm.

Dù tôn giáo của các vị quân chủ Việt Nam là gì, não trạng và chính sách cai trị của họ đều mang bản chất Khổng Nho. Sự phụ thuộc về ý thức hệ của các triều đại quân chủ Việt Nam, về mức độ tuy có khác, nhưng về bản chất không khác cái cách mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã áp đặt chủ nghĩa cộng sản ngoại lai, theo mô hình Nga Sô rồi đến Trung Cộng, lên đất nước này. 

Các triều đại quân chủ Trung Hoa có thể năm lần bảy lượt xâm chiếm Việt Nam và các triều đại Việt Nam dù phải triều cống Trung Hoa để bày tỏ sự khiêm nhường và hiếu hòa của một quốc gia nhược tiểu. Nhưng họ không có áp lực đòi nhà nước quân chủ nước Nam phải bắt chước mô hình chính trị của họ, bắt trí thức khoa bảng nước Nam phải học tập tư tưởng Khổng Nho và người dân nước Nam phải thực hành tập quán luân lý và nghi lễ theo cách của người Hán. Thiết nghĩ, đây là một sự tự nguyện hoàn toàn sự lựa chọn của tầng lớp cai trị và thức giả ngày xưa đã trở thành di sản nặng nề của chúng ta hôm nay.

Tiến sĩ Dương còn nói thêm: “việc toàn dân đồng loạt chuyển sang sử dụng chữ quốc ngữ, là minh chứng rõ ràng cho sự vùng thoát khỏi vòng kiềm tỏa này”. Thiễn nghĩ, việc chuyển sang sử dung chữ Quốc ngữ do các nhà truyền giáo phương Tây sáng tạo nên không hẳn là minh chứng cho tinh thần “thoát Trung” như cách lý giải gượng ép của tiến sĩ Dương; mà chỉ là một sự thuận tiện vì chữ quốc ngữ dễ học hơn và sẽ giúp cho những người thông thạo nó tiến nhanh đến các vị trí công quyền của chế độ thực dân Pháp hoặc đó là cách tốt để tiếp cận kho học thuật phương Tây. Ý thức thoát Trung nếu đã bùng phát mạnh mẽ từ thời đó thì Việt Nam đã không có diện mạo tri thức và văn hóa như hôm nay. Cay đắng thay một quá trình “tự Hán hóa” (theo cách gọi của kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa)!

Thoát khỏi tư tưởng Trung Hoa
Cuộc “thoát Trung” về chính trị, kinh tế có thể được thực hiện bằng chiến tranh (nếu Việt Nam có đủ sức?) hoặc bằng một sự thay đổi thể chế, khi một chính quyền bài Hoa, hoặc thân phương Tây được thành lập. Nhưng cuộc “thoát Trung” về tư tưởng thì khó khăn và dày vò hơn nhiều. “Thoát Trung” này cũng đồng nghĩa với sự “phương Tây hóa”, nghĩa là sự chắc lọc các giá trị công bằng – đa nguyên – tự do – dân chủ – nhân quyền. 

Cuộc “Thoát Trung” ngoạn mục và xứng đáng trong thời điểm hiện nay không phải là những cổ xúy cho chủ nghĩa dân tộc mà là sự “tự thắng” trong não trạng của giới trí thức Việt Nam, đặc biệt là giới trí đấu tranh đòi dân chủ đa nguyên. Vậy thì may ra cuộc “thoát Trung” của chúng ta mới bền vững và kể từ đó, lịch sử Việt Nam sẽ chuyển hướng mãi mãi khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa đến độ chúng ta có thể làm bạn với họ trong hòa bình và tôn trọng mà không mảy may lo sợ sự gần gũi này trở thành sự phụ thuộc.

Chế độ độc tài hiện nay không liên quan gì đến Khổng Nho, nhưng ít nhất, sự tồn tại dai dẳng của nó có sự trợ lực của những mầm mống Khổng nho còn bám sâu trong văn hóa người Việt – não trạng thèm khát nhưng vô cùng sợ hãi quyền lực. Thật vậy, ngay cả khi tính chính đáng của chế độ này bị thách thức liên tục qua những biến động của thế giới, qua thành tích Nhân quyền tồi tệ, qua thất bại trong việc đối phó với nguy cơ xâm lăng của chính quyền… người dân vẫn không ý thức được mình có quyền tước đi quyền lực từ tay tập đoàn cai trị. Và đáng thất vọng hơn là cách thể hiện của trí thức Việt Nam.

Sự khúm núm trước mọi thứ quyền lực, đặc biệt là quyền lực chính trị khẳng định cái tàn tích dai dẳng của các “giá trị Á Đông”, mà chính xác hơn là tinh thần Khổng Nho còn sót lại lại ở vài quốc gia như Trung Quốc và Việt Nam. Xu hướng cậy dựa quyền lực, thỏ thẻ van xin mà không dám đối mặt thẳng thắn với (chứ chưa nói là thách thức) kẻ cầm quyền cũng là một đặc trưng không thể lẫn lộn của phong cách “kẻ sĩ”. 

Tư tưởng Không Nho là của Trung Quốc, mô hình cộng sản biến thái “kinh tế thị trường định hướng XHCN” cũng là của Trung Quốc. Vậy thử hỏi khi hai gọng kiềm này vẫn còn kẹp chặt xã hội Việt Nam thì chúng ta làm sao để “thoát Trung”? Mọi cố gắng “thoát Trung” chỉ là sự vùng vẫy vô vọng của con cóc bị bỏ vào cái lồng rồi quăng xuống ao cứ cố tìm cách thoát khỏi cái ao mà không biết mình không thể làm gì được khi còn ở trong lồng. (Đây cách ẩn dụ từ một thân hữu của người viết). Vậy nên, đoạn tuyệt mối liên hệ về tư tưởng (cả tư tưởng “truyền thống” và tư tưởng cộng sản hiện đại) mới chính là cuộc thoát Trung thực chất nhất và cũng cần thiết nhất.
“Thoát Trung” hay “thoát Cộng”
Có lẽ do đã tuyệt vọng với việc dành lại quyền lực từ tay thiểu số độc tài đảng trị, người dân Việt Nam và nhất là trí thức cố gắng bù đắp vào khoảng trống bi đát trong cái tôi không được thỏa mãn của mình bằng cách chuyển hóa những bức xúc mãnh liệt bị đè nén thành những các biểu hiện mang đầy màu sắc chủ nghĩa dân tộc. Và có lẽ như thế người ta tìm thấy được vai trò cho sự tồn tại của mình. Nhà nước độc tài Việt Nam hiểu rõ tâm lý đó. 

Họ đè bẹp mọi khát khao tranh giành quyền lực chính trị của người dân, nhưng chân thành cổ vũ cho thứ chủ nghĩa dân tộc kém tỉnh táo (theo cách gọi của bác sĩ Phạm Hồng Sơn). Họ còn nhiệt tình thúc đẩy cho sự chuyển hướng này. Nhưng một cách thông minh, họ chỉ giữ cho những xúc cảm đó ở mức độ đủ để làm nhòa đi thực trạng độc tài và vi phạm Nhân quyền, chứ không đến nỗi làm mất lòng người đàn anh và vượt ngoài sự kiểm soát của họ. Sự tràn ngập các thông tin về biển đảo trên truyền thông Nhà nước và Hội thảo “thoát Trung” trong thời gian qua là một minh họa cho những lời tôi vừa khẳng định.

Chính quyền độc tại hiện nay cho thấy họ đã kiên định lập trường “16 chữ vàng”. Mấy chục năm nay họ đã thành công trong việc “Hán hóa” chính họ và cả người dân Việt Nam một cách toàn diện bằng các chính sách chư hầu của mình. Nhưng dù cho họ có muốn tập hợp người dân để đoàn kết “thoát Trung”, thì cũng thật ngớ ngẩn nếu chúng ta lại thêm một lần nữa tái diễn sai lầm trong lịch sử bằng cách xếp hàng sau lưng họ. Tại sao phải tập hợp dưới ngọn cờ đảng cộng sản (hay bất cứ đảng nào khác) để thoát Trung? Nhiều người sẽ cho rằng cần sự đoàn kết để chống ngoại xâm. Bây giờ là thời đại nào rồi?

 Chiến tranh bằng vũ khí có tính sát thương cao, nếu không muốn nói là vũ khí nguyên tử đã vô hiệu hóa triệt để sức người. Nếu không có sức mạnh quân sự thì mọi sự đoàn kết đều không đáng nói đến. Vấn đề của Việt Nam bây giờ không phải là chiến tranh và tập hợp dưới ngọn cờ của phe phái nào để chống Trung Quốc; mà là phải dân chủ hóa để từ đó thay đổi chính sách đối nội, đối ngoại, để vẫn giữ vững chủ quyền quốc gia mà không leo thang một cuộc chiến tranh có nguy cơ hủy diệt đất nước.

Trong tình thế quốc gia lâm nguy, với nhiều cảm xúc hơn lý trí, sự đoàn kết theo tinh thần quốc gia dưới ngọn cờ quyền lực trung ương có lẽ là ưu tiên đối với nhiều thức giả Việt Nam. Trong mắt các vị ấy, một chế độ độc tài có vẻ tốt đẹp hơn, hoặc ít nhất là có thể chấp nhận được, nhờ lớp trang điểm chống xâm lược. Quả thật, nếu bộ sậu cầm quyền Việt Nam không lún quá sâu vào hồ sơ bán nước như hiện nay, nếu có một nhóm lãnh đạo nào trong Đảng cộng sản rút chân được khỏi vũng lầy bán nước để nhảy ra mà vỗ ngực cầm lấy ngọn cờ chính nghĩa chống ngoại xâm, có lẽ lịch sử sẽ lặp lại, Việt Nam sẽ không sao thoát nổi kịch bản 1945. 

Nói như thế để thấy rõ cái tâm thế của “Dân gần trăm triệu ai người lớn. Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”.Đất nước và người dân chờ đợi những kiến giải hữu ích từ giới trí thức Việt Nam khắp thế giới. Hoặc là chúng ta lại để cho thời thế đưa đẩy và chỉ việc nhắm mắt đưa chân?
Huỳnh Thục Vy Ngày 20 tháng 6 năm 2014






No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link