Tuesday, September 16, 2014

"Chúng tôi muốn biết tội ác của cải cách ruộng đất"


"Chúng tôi muốn biết tội ác của cải cách ruộng đất"

Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-09-15
  • In trang này
  • Chia sẻ
  • Ý kiến của Bạn
  • Email
09152014-diemblog-kh.mp3
Bà con dân oan Dương Nội biểu tình trước Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội sáng 11/9/2014
Photo courtesy of xuandienhannom.blogspot.com

Không hẹn mà gặp, giữa mùa Trung Thu, tác phẩm Đèn Cù của nhà văn Trần Đĩnh xuất hiện và gây xôn xao dư luận. Xin lấy ý của nhà báo Đoan Trang đặt cho phần đầu mục điểm blog kỳ này
Trung thu đốt Đèn Cù
Một trong những người đầu tiên điểm cuốn sách, nhà báo Ngô Nhân Dụng viết rằng hình ảnh của chiếc đèn cù chính là hình ảnh xã hội chính trị Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua với bao nhiêu voi, người, ngựa,… bằng giấy chạy tít mù, chạy vòng quanh.
Với vị trí hiếm có của một người cầm bút đứng rất gần các nhân vật cộng sản Việt Nam hơn 50 mươi năm qua, nhà văn Trần Đĩnh đã mang ra ánh sáng những chân dung đời thực những người cộng sản Việt Nam, cũng như những toan tính chính trị và quyền lực đằng sau những cuộc cách mạng và kháng chiến.
Đi theo những dòng hồi ức của Trần Đĩnh, Dương Hoài Linh viết bài Đèn Cù và Hồng Kong. Tác giả kết nối những bi thương trong lịch sử Việt Nam mà Trần Đĩnh đang kể với hàng triệu người Việt Nam với những đe dọa từ Bắc Kinh cho nền dân chủ mà người dân ở Hồng Kông, nơi cũng có Tết Trung thu và đèn cù, đang phải đối diện.
Trong bài viết đó tác giả nói về một sự giải thiêng cần thiết cho Việt Nam:
Tôi không hiểu tại sao họ lại dạy cho con người lấy chuyện điêu toa, dối trá, vu khống trắng trợn người khác làm lẽ sống như thế ?
- Blogger Ngô Minh
Đèn Cù đã đáp ứng những thông tin về một sự giải thiêng. Khi trước đó vẫn còn những đoàn người rồng rắn vào viếng lăng cụ Hồ, viếng mộ cụ Giáp. Đèn Cù đã đưa ra những chi tiết xác thực, có sức thuyết phục hơn về những gì trước đây chỉ là các giai thoại truyền miệng trong dân. Đèn Cù cũng cung cấp cho lớp hậu sinh sau này một cái nhìn trực diện vào "thần tượng" sau khi bóc đi lớp hào quang giả tạo, đưa họ trở về đúng với cái bản chất vốn có của nó.
Còn cây bút Phan Tấn Hải viết trên blog của mình:
Trần Đĩnh đã cầm bút lên để viết như một chứng nhân của cách mạng, viết như một nạn nhân của vụ án xét lại, viết như một nhà văn trôi nổi với lịch sử dân tộc, và trong tận cùng là viết như một người con rất mực yêu thương đất mẹ.
Trong sự trôi nổi đó với lịch sử dân tộc, có độc giả nhận thấy rằng những câu chuyện mà Trần Đĩnh kể lại làm cho lịch sử Việt Nam được công bằng hơn, và người đọc cũng hiểu được nguyên nhân của những hành động phi nhân tính diễn ra trong cuộc đấu tranh giai cấp của những người cộng sản. Độc giả Trần Giao Thủy nói:
Tất cả những chuyện nho nhỏ như vậy mình đọc thì mình sẽ thấy suốt trong quyển sách của Trần Đĩnh, những oral histories (câu chuyện) phần nào làm cho lịch sử cận đại Việt Nam được công bằng hơn một chút.
Ông Hồ ông ấy nhắc nhà to là nước, nhà nhỏ là gia đình riêng, đó là cái cách người cộng sản họ dùng chủ nghĩa dân tộc như thế. Vì có sự tuyên truyền như vậy của những người cộng sản nên mới có chuyện ông Châu Văn Viên, bí thư đoàn ủy cải cách ruộng đất ở Nghệ Tĩnh đấu tố mẹ mình.”
Suy nghĩ của ông Trần Giao Thủy cũng là ý nghĩ của blogger Ngô Minh:
Tôi không hiểu tại sao họ lại dạy cho con người lấy chuyện điêu toa, dối trá, vu khống trắng trợn người khác làm lẽ sống như thế ?
Và cuộc cải cách ruộng đất, mà người cộng sản hay mô tả là long trời lỡ đất chính là quan tâm của rất nhiều người khi đọc Trần Đĩnh. Trớ trêu thay, ngay sau khi quyển sách ra đời, nhà nước Việt Nam tổ chức cuộc triển lãm Cải cách ruộng đất tại Hà Nội.
Cải cách ruộng đất
Công chúng đến xem triển lãm về Cải cách ruộng đất tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội.
Triển lãm cải cách ruộng đất ở Hà Nội như một liều xúc tác làm bùng lên những bài viết trên blog trong không gian Việt ngữ toàn thế giới. Blogger Hiệu Minh viết Vài câu chuyện về cải cách ruộng đất:
Nhưng né tránh, câu chuyện sẽ còn âm ỷ khôn nguôi, dù thế giới đã sang thế kỷ 21. Lãnh đạo quốc gia có tầm, có tâm, nên bạch hóa sai lầm quá khứ, lấy đó làm bài học cho hiện tại và hướng tới tương lai. Đó là một trong những chìa khóa cho phát triển đất nước.
Cùng mảnh ruộng, người biết làm ăn, tính toán thì có của ăn của để. Nhưng người không biết phải chịu đói khát, đành đi làm thuê. Nhưng sau cách mạng, người giỏi hơn thành địa chủ, người kém hơn lên làm chủ, và kết quả thế nào, chẳng cần bàn cãi.
Hàng triệu người bỏ tổ quốc ra đi. Nhiều người thành đạt nơi xứ người nhưng không thể đóng góp cho quê hương vì nhiều lẽ mà trong đó dư chấn của Cải cách ruộng đất mà họ cho là một trong những điều mất mát lớn.
Đã đến lúc đất nước phải thay đổi, lãnh đạo phải thay đổi và mỗi chúng ta phải thay đổi. Sự mù quáng về ý thức hệ sẽ đưa đến một cuộc cải cách khác, máu đổ và thiệt hại mang tầm quốc gia, đau đớn kéo dài hàng thế kỷ.
Việc người ta đến, để xem, để tham quan, tham dự không chỉ là việc xem nó ra sao, mà điều cơ bản là để xem thái độ nhìn nhận với những tội ác đã gây ra như thế nào.
- Blogger Nguyễn Hữu Vinh
Và trong phần cuối bài viết Hiệu Minh nhìn cuộc triễn lãm này như là một dấu hiệu rằng xã hội đã cởi mở và có được quyền nói về những chuyện trong quá khứ.
Nhưng có những blogger khác không chia sẻ sự lạc quan của Hiệu Minh.
Mai Tú Ân viết bài  "Một nửa sự thật không phải là sự thật":
Với những gì ta thấy trong cái gọi là triển lãm ảnh Cuộc cải cách ruộng đất, thì đó chỉ là phần nổi nhỏ bé của tảng băng khổng lồ của tội ác, của đại thất nhân tâm... mà với những gì hé mở trong thế giấu diếm thì ta có thể gọi đây chưa phải là sự thật đúng nghĩa, thậm chí đây chỉ là phần bao biện, che giấu và giả dối...
Tác giả Mê Linh viết:
Nghe nói có triển lãm về cải cách ruộng đất, mình hăm hở đi xem, hí hửng tưởng đảng CS đã dám nhận trước nhân dân tội ác diệt chủng và cướp bóc của mình. Không ngờ lại một trò dối trá trắng trợn khi họ chỉ trưng lên những “bằng chứng” giả từ thời đó để một lần nữa kết tội những nạn nhân của họ, lấp liếm đi tội ác của mình, tiếp tục kể công với dân, và lừa mị thế hệ tương lai.
Blogger Nguyễn Hữu Vinh đã thực hiện một phóng sự về buổi triển lãm, anh viết:
Có thể nói, những hiện vật trưng bày trong cái gọi là Triển lãm này là một mô hình đấu tố mới, nhằm lấp liếm, bào chữa cho những tội ác đối với ngay cả những đồng bào của mình, đối với những người có đầu óc và tri thức làm giàu cho quê hương đất nước. Bỗng dưng một ngày đẹp trời họ được hưởng nhờ thành quả Mác - Lenin xếp họ vào "giai cấp bóc lột". Và họ bị cướp đoạt, bị tra tấn, bị bắn, bị giết và "CCRĐ hoàn thành thắng lợi".
Việc người ta đến, để xem, để tham quan, tham dự không chỉ là việc xem nó ra sao, mà điều cơ bản là để xem thái độ nhìn nhận với những tội ác đã gây ra như thế nào.
Một điều mà Nguyễn Hữu Vinh cảm thấy khó hiểu là ngay chính những nạn nhân trong sự kiện cải cách ruộng đất thảm khốc ấy vẫn cho rằng họ chịu ơn những người gây ra thảm cảnh. Nguyễn Hữu Vinh kết luận rằng đảng cộng sản đã hoàn tất một công việc ngoạn mục.
Họ vẫn luôn coi "bác Hồ" và đảng vô tội. Đó mới là thành công, mới là ngoạn mục.
Trang blog Dân làm báo không nói về một Cuộc đấu tố mới như Nguyễn Hữu Vinh, nhưng lại so sánh với cuộc diệt chủng mà Đức quốc xã thực hiện trong thế chiến thứ hai:
Thế giới ngày hôm nay chắc chắn sẽ ngạc nhiên đến sửng sốt, khinh bỉ và phẫn nộ nếu một người Đức nào đó tổ chức một cuộc triển lãm về “những thành tựu của Hitler và Đức Quốc Xã trong việc 'cải cách' 6 triệu người dân Do Thái trong lò hơi ngạt”.
Một blogger khác lại có một cái nhìn khá thú vị về cuộc triễn lãm này.
JV Loveart viết:
Cuộc triển lãm "Thành Tựu Cải Cách Ruộng Đất" mang rất nhiều ý nghĩa vô cùng to lớn và sâu sắc nhé cô bác :
- Là một lời tự bào chữa vô cùng hài hước.
- Là một lần tự đấu tố rất vụng về.
- Là một sự ủng hộ đối với phong trào Chúng Tôi Muốn Biết của Mạng Lưới Bloggers Việt Nam .
- Là một màn quảng cáo ấn tượng cho sách truyện Đèn Cù .
Chúng tôi muốn biết
Trở lại với tác phẩm Đèn Cù, nhà báo Đoan Trang viết:
Một số bạn trẻ với dòng chữ ‘Tôi muốn biết’ được post lên mạng xã hội hôm 02/9/2014.
Cho đến giờ, với tư cách một độc giả, tôi vẫn thành thật mong có người sẽ phân tích, bình luận một cách chuyên nghiệp, không cảm tính, không định kiến về những cuốn sách thuộc dòng “giải độc, giải thiêng”, có đề tài lịch sử hoặc liên quan đến lịch sử, ở Việt Nam. Với tư cách cá nhân, tôi muốn được biết sự thật, chứ không phải là giai thoại, vì các giai thoại về lãnh tụ, lãnh đạo… người dân Việt Nam chúng ta phải nghe nhiều quá rồi.
Đòi hỏi của nhà báo Đoan Trang trong tư cách một công dân cũng chính là đòi hỏi của một nhóm công dân trẻ cách đây vài tuần đã dấy lên phong trào Chúng tôi muốn biết. Một trong những người chủ trương phong trào này là chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hay blogger Mẹ Nấm nói rằng:
Chiến dịch Chúng tôi muốn biết có một mục tiêu cụ thể là muốn nhà nước công bố những mảng tối thông tin. Và quan trọng hơn là nó sẽ thúc đẩy người dân bước ra khỏi bóng đen sợ hãi của chính mình để đòi cái quyền được biết. Thông điệp chúng tôi muốn biết nó rất là ngắn nhưng nó đòi hỏi người tham gia phải hiểu cái gì mình muốn. Vì được biết còn là trách nhiệm nữa, khi biết thì mình sẽ có những hành động đúng đắn hơn.
Trong thời điểm hiện tại với sự xuất hiện quyển Đèn cù của nhà văn Trần Đĩnh và cuộc triễn lãm Cải cách ruộng đất, cho thấy rằng ở cái thời đại này người ta không thể giấu những sai lầm trong quá khứ nữa. Mà cải cách ruộng đất không chỉ là sai lầm mà còn là tội ác có thể xếp ngang với tội ác diệt chủng.
Có thể là một sự trùng hợp, nhưng từ phong trào chúng tôi muốn biết đến các sự việc đang diễn ra thì cho thấy rằng khi mình đòi cái quyền được biết của mình, thì bằng cách nào đó sẽ có những sự thật được phơi bày.
Khi chúng tôi kết thúc bài điểm blog này, thì tin từ các blogger cho biết những nông dân bị mất đất ở Dương nội kéo về Hà nội để xem cuộc triễn lãm Cải cách ruộng đất, thì nhà chức trách bảo rằng triễn lãm phải đóng cửa để bảo trì.

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link