Qua sai lầm trong Cải cách
ruộng đất, xây
dựng quan điểm lãnh đạo
Nguyễn Mạnh Tường
Đảng
Cọng Sản Việt Nam Gieo Rắc Chủ Nghĩa Đầu Hàng Trung Quốc
Tham luận đọc tại cuộc
họp Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội ngày 30.10.1956
Trang bìa tập san Tự Do Diễn
Đàn
(Th. 12/1956) có đăng
bài tham luận của
Ls. Nguyễn Mạnh Tường.
Tập san này
bị cấm ấn hành
Thưa các quí vị,
Hội nghị Mặt trận Trung
ương họp để nghiên cứu các sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất và chính sách sửa
chữa sai lầm ấy. Hôm nay tôi được đúc kết trước toàn thể Hội nghị các ý kiến mà
trong mười ngày vừa qua tôi đã trình bày trong tổ thảo luận, với tinh thần thận
trọng của người trí thức không bao giờ quên trách nhiệm của mình trước nhân dân
và lịch sử nước nhà.
Tôi phấn khởi được nghe
bản phê bình của Đảng Lao Động do ông Trường Chinh đọc trước Hội nghị. Nhưng
tôi cũng phải thú rằng lòng phấn khởi của tôi một phần bị giảm đi, vì tôi nhớ
lại kết quả tai hại của các sai lầm đã phạm trong công cuộc Cải Cách Ruộng Đất.
Tôi xin phép các vị được kính cẩn nghiêng mình trước kỷ niệm những người vô tội
đã chết oan, không phải vì bàn tay của địch mà chính của ta. Trong cuộc kháng
chiến anh dũng của ta, những đồng bào đã hi sinh, có thể nói được, chết với
trong lòng chan chứa nỗi vui sướng vì chết cho sự nghiệp giải phóng dân tộc
khỏi nanh vuốt của địch. Họ chết vì địch, cho ta, đó là cái chết tích cực, cái
chết vẻ vang, cái chết oanh liệt mà Tổ quốc ghi nhớ muôn thuở. Trái lại, các
người chết oan vì các sai lầm trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất này, lúc tắt thở,
cay đắng đau xót vì chết với một ô danh. Chúng ta đã xoá bỏ cái ô danh đó,
nhưng con cháu của các nạn nhân tài nào mà không ngậm ngùi? Đau đớn hơn, bây
giờ ta làm thế nào mà biến cái khổ cực của người tắt thở thành một niềm an ủi
cho họ được? Nếu chúng ta duy tâm và tin rằng linh hồn còn tồn tại thì một phần
nào ta chuộc lại được tội lỗi của ta. Nhưng ta duy vật và các người ấy lúc chết
cũng là duy vật. Do đó, cái nỗi khổ cực của họ ta biết rõ rằng bây giờ ta không
thể nào thủ tiêu được nữa. Quyền hạn của ta không tới đó. Nhưng cái gì ta có
thể làm được, ta cần làm, để như là đền bù một phần nào sự tổn thiệt của các
người ấy, và chứng minh ta thấm thía nỗi đau khổ của họ khi họ từ trần là ta
cương quyết rút bài học kinh nghiệm đau đớn và sửa chữa các sai lầm nghiêm
trọng mà họ là nạn nhân.
Với tinh thần của một
người trong quần chúng, của một người công dân đau khổ trước bao nhiêu cái chết
oan của người vô tội, tôi xin phép trình bày mấy ý kiến xây dựng. Chủ yếu tôi
sẽ phê phán và truy nguyên các sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất, nhưng theo ý
tôi các sai lầm này chỉ là biểu hiện điển hình và bi đát nhất của những thiếu
sót trong sự lãnh đạo của Đảng Lao Động. Do đó tôi xin được góp ý kiến xây dựng
quan điểm lãnh đạo của Đảng Lao Động.
Tại sao tôi lại tin như
vậy? Là vì, không những trong Cải Cách Ruộng Đất chúng ta đã phạm sai lầm
nghiêm trọng mà cả trong nhiều khu vực khác nữa. Trong các khu vực này, sai lầm
cũng đã đưa một số người trong quần chúng đến cái chết thê thảm. Do đó, nếu chỉ
cục bộ hoá các sai lầm, chúng ta không thể rút được bài học kinh nghiệm, chúng
ta sẽ khiếm khuyết với sự tín nhiệm của tất cả các đảng viên Đảng Lao Động, với
sự mong đợi của toàn dân. Chúng ta phải kiên quyết không cho các sai lầm ấy tái
diễn và tác hại nữa. Đó là nhiệm vụ tối thiểu của chúng ta đối với các người đã
chết oan.
Tình hình nước ta hiện
thời ra sao? Tình hình ấy có bi quan không? Đó là vấn đề nhận định thôi. Nhưng
cái chủ yếu là ta không nhìn tình hình ây với con mắt bi quan. Vậy sự thật
khách quan như thế nào? Nhìn vào nông thôn, ta thấy hiện thời tình trạng thiếu
đoàn kết rất phổ biến. Vì thi hành sai chính sách cải cách, ta đối lập các từng
lớp trong giai cấp nông dân, cán bộ cũ và mới, chi bộ cũ và mới của Đảng. Trong
khi đập tan giai cấp địa chủ, ta không phân biệt đối xử, ta để cho chết chóc
thê thảm những người hoặc già cả hoặc thơ ấu mà ta không chủ trương tiêu diệt.
Ta chỉ cần đọc lại các bài giáo huấn cho đồng bào nông thôn trong báo Nhân Dân
là ta đủ hiểu mặt mũi nông thôn hiện giờ ra sao. Nhìn vào các công xưởng, công
trường, ta thấy gì? Cứ đọc báo Nhân Dân thôi, ta thấy Chính phủ gửi các phái
đoàn đi thăm các anh chị em công nhân, uỷ lạo họ, bắt buộc thi hành quy chế lao
động mà Chính phủ đã ban ra. Nghĩa là thế nào? Nghĩa là giai cấp công nhân đã
phải lao động sản xuất hai năm nay mà không được bồi dưỡng đúng mức. Lắng nghe
dư luạân đồng bào Hà Nội thôi, ta được biết rằng có it ra một doanh nghiệp quốc
gia lãng phí bao nhiêu triệu trong khi dưới chế độ Pháp thuộc, cũng doanh
nghiệp ấy mang lại cho thực dân đế quốc các số lãi khổng lồ.
Về Mậu dịch nửa năm nay,
đồng bào ca thán như thế nào, ta đã biết. Nào chèn ép các nhà kinh doanh tư
nhân, nào lãng phí bao nghìn triệu trong khi thực hiện chính sách, nào tàn nhẫn
với các người bán sức lao động cho mình, nào đưa ra thị trường sữa hư mà không
bao giờ nghĩ đến tính mệnh của người ốm, của trẻ sơ sinh, nào tung ra bơ hỏng,
thuốc lá mốc, phạm đến sức khỏe của nhân dân, nào bất lực trước hiện tượng vật
giá ngày càng lên trong khi nhiệm vụ của mình là phải bình ổn nó. Có thể nói
được, suốt ngày đêm không đâu là không có lời oán trách Mậu dịch.
Về hộ khẩu thì cán bộ tỏ
vẻ không phải là nhằm duy trì trật tự an ninh, phá vỡ cơ sở của địch, trái lại
quấy nhiễu nhân dân, tạo ra một đời sống thành thị điêu đứng cho tất cả. Nếu
các vị cần những dẫn chứng cụ thể, tôi chỉ xin nhắc lại hồ sơ mênh mông, thu
lượm các thắc mắc cay đắng của đồng bào Thủ đô trong Đại hội lần thứ ba của
nhân dân Hà Nội vừa họp cách đây hai tháng.
Nói về chính sách khôi
phục kinh tế, ta thấy gì? Số vốn mà các nhà công thương mang ra kinh doanh chỉ
là một phần ti tiểu, số công nhân làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân không
có nghĩa lý gì. Trái lại ta thấy tất cả một phong trào các nhà tư bản thu hẹp
hoạt động của họ, hoặc “chuyển hướng” bằng cách đâm ra quay chỉ, bán nước mía,
hay dệt vài thước vải vớ vẩn, hoặc đóng cửa ăn vào vốn để khỏi đụng chạm đến Sở
Lao động vì vấn đề công nhân, với Sở Công thương vì vấn đề đăng ký và nguyên
liệu sản xuất, với Sở Tài chính vì thuế khoá đặc biệt. Thuế bổ sung đã đưa bao
nhiêu người đến chỗ phá sản, có kẻ đến chỗ tự sát.
Các người tiểu thương buôn
thúng bán mẹt, đẩy chiếc xe hàng tiều tuỵ trong phố cũng “được” nộp thuế, cũng
như các người suốt ngày làm việc ở công sở hay công xưởng, tối về thức đêm dệt
vài thước kiếm thêm tiền độ thân. Hàng trăm, hàng nghìn công chức cũ về hưu,
với gia đình của họ, trước đây sống bằng lương hưu trí, hai năm nay không được
ai chiếu cố đến, chết dần chết mòn, có người đâm đầu xuống sông tự tử, có người
hai lần uống độc dược để quyên sinh.
Còn như các cán bộ thì
ta có cần nói đến không? Ta cứ trông mặt mũi, quần áo họ, ta chỉ cần hỏi con số
những người qua các phòng khám bệnh, các bệnh viện, ta liếc mắt nhìn họ ăn uống
những gì trong bữa cơm, là ta đủ hiểu khổ cực của họ.
Ta quên thế nào được các
đồng bào tập kết ra ngoài Bắc, số phận con cái họ ở Hà Nội, Hải Phòng, số phận
chính của họ bi đát quá nỗi! Khổ cực nhất cho các anh chị em là không nương tưa
được vào một đời sống gia đình đề khuây khoả trong lúc thảm sầu.
Các hiện tượng trên đây
có đúng không, tôi chỉ yêu cầu các vị đọc báo Nhân Dân, nghiên cứu các hồ sơ
chồng chất lên ở Mặt trận Thành Hà Nội sau Đại hội lần thứ 3 vừa rồi, nghe
ngóng lời than phiền của quần chúng, nhìn nhận các quang cảnh diễn ra dưới mắt
của các vị là các vị đủ hiểu rồi. Quả thực như ông Trường Chinh đã tuyên bố, uy
tín của chính phủ, của Đảng bị tổn thiệt rất nhiều. Thế tại sao đồng bào chúng
ta lại khổ cực? Phải chăng vì cán bộ của chúng ta non, hẹp hòi, chưa thấm nhuần
lý luận cách mạng, không tôn trọng giá trị của con người, các nhu cầu và đòi
hỏi chính đáng của nó? Phải chăng vì ta đang mắc trầm trọng bệnh ấu trĩ của
cách mạng? Các điều đó là có, ta không hề chối và ta cũng không thể chối cãi
được. Nhưng nhận định như vậy vẫn còn hời hợt. Ta phải đi sâu hơn nữa. Khi
trong Cải Cách Ruộng Đất của ta, ta thấy bao nhiêu người bị tù tội, bị giết
oan, trong đó bao nhiêu người dân ưu tú đã từng góp phần không nhỏ vào sự
nghiệp cách mạng, khi hiện thời ở nông thôn vẫn có người bị đánh đập, ngược
đãi, khi ta không xây dựng được đoàn kết giữa các đồng bào, thì ta phải nhận
định rằng các sai lầm ta đã mắc trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất này chỉ là những
biểu hiệu cực độ của các sai lầm ta đã phạm, và các sai lầm ấy nêu lên, như tôi
trình bày trên đây, một vấn đề cực kỳ quan trọng là vấn đề lãnh đạo của Đảng
Lao Động.
Do đó, tôi yêu cầu các
vị cho phép tôi bắt đầu nghiên cứu các sai lầm trong Cải Cách đã rồi sau khi
truy nguyên các sai lầm ấy, đề đạt mấy ý kiến về vấn đề lãnh đạo.
I. Vấn đề pháp lý trong
Cải Cách Ruộng Đất
Ta đã sai lầm nghiêm
trọng trong Cải Cách Ruộng Đất, ta có thể tránh được sai lầm ấy mà vẫn bảo đảm
được đường lối căn bản của cách mạng không? Tôi giả nhời cương quyết rằng có.
Đường lối cách mạng của
ta đòi hỏi gì? Ruộng phải trở về người cày. Điều này rất đúng không ai có thể
chối cãi được. Nông dân là đại đa số trong nhân dân, nông dân là quân đội chủ
lực của cách mạng, nhất định cách mạng không thể nào thành công được nếu ta
không thoả mãn nhu cầu thiết yếu và cấp bách của nông dân. Không cần phải là
một nhà chính trị cao, một nhà cách mạng thạo, cũng nhận thấy điều ấy. Chỉ cần
nhìn lịch sử cách mạng từ thời kỳ cổ đại đến giờ là đủ hiểu rồi.
Như vậy về nguyên tắc,
ta tán thành chủ trương Cải Cách Ruộng Đất.
Về phương pháp, ta có
nên ban ơn cho nông dân không? Nhất định là không. Nông dân ta trong bao nghìn
năm đã khổ cực dưới chế độ bóc lột phong kiến và một trăm năm nay dưới chế độ
bóc lột thực dân. Đồng bào nông thôn ta lầm than như vậy, đã mất hết khí thế
con người. Ta cần khôi phục khí thế của người nông dân, xây dựng cho họ tinh
thần chủ nhân ông trên đất nước. Do đó ta thấy cần thiết phải phát động tư tưởng
của họ để họ nhận được phân minh kẻ thù của họ, để họ vùng dậy nắm lấy quyền
thế ở nông thôn.
Nhưng từ đây trở đi, ta
thấy khởi phát các sai lầm. Sai lầm này, ông Trường Chinh đã nhận thấy là ở
chỗ: ta quên hẳn ta hiện thời nắm chính quyền và chính quyền ấy, nếu ta biết sử
dụng nó, khai thác nó một cách sáng suốt, nhất định ta vẫn thành công nhưng ta
tránh được bao tai hoạ làm ta đau khổ hiện thời. Con đường ông Trường Chinh đã
đi để tiến tới kết luận ấy là con đường chính trị. Các anh em tôi là những nhà
luật học, chỉ là nhà chuyên môn và lý luận trên cơ sở chuyên môn thôi, đã trông
thấy kết luận ấy ngay từ khi chính sách phát động và Cải Cách được đề ra. Tại
sao? Vì giải pháp chính quyền cụ thể là giải pháp pháp lý, đảm bảo thắng lợi
hoàn toàn của cách mạng nếu ta biết mang nó ra phục vụ chính trị và cách mạng.
Ta muốn gì? Tìm kẻ thù
của nông dân, của cách mạng để tiêu diệt nó. Nhưng đồng thời nếu ta biết lo xa,
nhìn xa, ta cũng không quên rằng công lý của cách mạng, muốn bảo toàn được uy
tín và thắng lợi của cách mạng, phải biết đánh đúng địch. Khi đưa ra khẩu hiệu
“thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch” thì khẩu hiệu này không những
quá tả một cách vô lý mà phản lại cách mạng là đằng khác nữa. Muốn chứng minh
điều này ta chỉ cần nhìn thực tế: kết quả sai lầm ta đã phạm khi thực hiện khẩu
hiệu này rất tổn thiệt cho uy tín của cách mạng và cho bản thân bao nhiêu chiến
sĩ cách mạng. Nếu không phải đó là phản lại cách mạng thì là gì?
Khẩu hiệu của pháp lý
thì khác hẳn: “Thà 10 địch sót còn hơn một người bị kết án oan”. Thế ta có lo
ngại rằng 10 địch sót không? Không, vì ta nắm chính quyền, vì cách mạng ta đã
thành công. Như vậy kẻ thù của cách mạng chẳng sớm thì chậm, nhất định hoặc cải
thiện, giác ngộ, hoặc lọt vào lưới của ta. Khẩu hiệu này lợi ở chỗ: không một
người oan nào bị kết án. Do đó, không có các kết quả cực kỳ tai hại diễn ra
hiện thời.
Làm thế nào thực hiện
được khẩu hiệu ấy? Kinh nghiệm pháp lý của hàng nghìn năm lịch sử thế giới cho
ta biết rằng ta có phương pháp để tìm đúng địch mà đánh, không đánh tràn lan,
không đánh người vô tội. Tôi xin phép nhắc tóm tắt sau đây các nguyên tắc căn
bản mà pháp lý nêu lên để đạt mục đích ấy.
Một nguyên tắc đầu tiên
là không hình phạt các tội đã phạm quá lâu rồi mà bây giờ mới khám phá ra. Tại
sao? Vì rằng vấn đề bằng chứng khó giải quyết được. Tang vật đã mất, nhân chứng
có người đã từ trần, có người không nhớ rõ các sự việc họ đã mục kích. Hơn nữa,
sở dĩ hình luật phạt các tội, là vì các tội ấy đã xâm phạm vào trật tự xã hội:
tác hại cho nạn nhân và gây tác dụng xấu trong quần chúng. Nhưng khi tội đã
phạm quá lâu, trật tự xã hội hết bị xâm phạm rồi, nạn nhân không còn đau khổ,
tác dụng xấu của tội cũng hết, thời gian đã hàn gắn các vết thương. Bây giờ lại
vạch chuyện cũ thì không những khó thu thập được bằng chứng kết tội mà lại gây
một sự náo động trong xã hội không cần thiết. Chính xã hội thấy “quên” lợi hơn
là “nhớ”.
Một nguyên tắc thứ hai
là trách nhiệm của phạm nhân thì chỉ một mình phạm nhân phải chịu, không có
trách nhiệm chung của vợ con, của gia đình. Nêu trách nhiệm truớc hình luật của
các người “có quan hệ” với phạm nhân không những là bất công mà lại còn gây các
sự rung động vô ích trong xã hội. Hơn 400 năm nay không một nước Tây phương nào
làm việc đó nữa. Trách nhiệm trước hình luật chỉ là một trách nhiệm cá nhân mà
thôi. Không những thế, về phương diện nhân đạo, thì các phạm nhân quá già được
miễn nghị, miễn tố và các vị thành niên được chiếu cố.
Môt nguyên tắc thứ ba là
muốn kết án một người phải có bằng chứng xác đáng. Phải có nhân chứng là những
kẻ đã mục kích sự phạm pháp và cung khai một cách cụ thể, rõ ràng, chắc chắn.
Một nhân chứng thôi chưa đủ, ít ra cũng phải có hai nhân chứng cung khai phù
hợp với nhau mới được coi là đáng kể. Cung khai của các nhân chứng phải ăn khớp
với nhau và trong quá trình phạm pháp các tang vật thu được phải có tác dụng
hợp lý, sát hợp với kết quả do cuộc điều tra mang lại.
Một nguyên tắc thứ tư là
thủ tục điều tra, xét xử phải bảo đảm quyền lợi của bị tố nhân. Bị tố nhân có
quyền nhờ luật sư bào chữa cho mình, và khi thiếu điều kiện nhờ luật sư, khi
nào là một trọng tội, Toà phải cử luật sư bào chữa không, cho bị can. Trong tất
cả, giai đoạn điều tra ở trình độ công an thẩm vấn trong phòng dự thẩm, buộc
tội trước toà, quyền lợi của công tố viện ngang với quyền lợi bị can, nghĩa là
nếu công tố viện đưa hết lý lẽ để buộc tội, bị can đưa hết lý lẽ để minh oan.
Cuộc đấu lý diễn ra trong tất cả quá trình điều tra, truy tố, xét xử giữa công
tố viện và luật sư. Các vị thẩm phán ngồi xét xử phải là vô tư, đứng giữa để
theo rõi cuộc đấu lý diễn ra dưới mắt mình. Như thế mới nhận định đúng và xử
công minh. Toà án xét xử không chịu lệnh của ai trong khi xét xử, chỉ biết xét
xử theo lương tâm của mình và căn cứ vào tài liệu trong hồ sơ, sau khi nghe hai
tiếng chuông buộc tội và gỡ tội. Người thẩm phán phải được đủ đảm bảo để làm
nhiệm vụ của mình mà không sợ ai khiển trách hay gây khó khăn cho mình được.
Khi điều tra thẩm vấn, tuyệt đối cấm không được dùng phương pháp tra khảo, đánh
đập, hành hạ bị can, mớm cung cho bị can, doạ nạt hay dụ dỗ hắn. Khi nào có
điều nghi ngờ thì bị can được miễn nghị. Nếu bị kết án thì còn quyền chống án
lên toà trên. Nếu bị kết án tử hình thì lại còn quyền xin ân giảm trước vị Chủ
tịch Chính phủ. Con người của bị can, trong tất cả quá trình truy tố và xét xử
phải được tôn trọng triệt để, khi bị can ra trước toà thì không được xiềng xích
họ và không lúc nào được dùng nhục hình đối xử với họ.
Theo một nguyên tắc căn
bản, không phải vì một người tác hại cho một người khác mà người ấy phải chịu
trách nhiệm trước hình luật. Tác hại cho ai thì chỉ nêu trách nhiệm về phương
diện dân sự, nghĩa là bồi thường thôi — của người đã tác hại. Muốn truy tố
người ấy để thi hành hình luật đối với hắn thì phải chứng minh rằng hắn phạm
một tội, nghĩa là phạm vào một điều khoản nào qui định trong hình luật, và hình
luật không bao giờ có tác dụng đối với quá khứ cả: nếu hành động của một người
diễn ra trong thời kỳ mà hình luật chưa quan niệm là một tội thì người ấy không
thể mang ra truy tố được. Không những bị can phải phạm một tội đã qui định rồi
trong pháp luật, mà ta lại còn phải xét xem rằng lúc phạm tội ấy bị can có ý
thức, có ý chí phạm pháp hay không, hay là vô tình mà phạm pháp. Sự đối xử
trong hai trường hợp ấy khác nhau.
Lúc tôi nhắc lại các
nguyên tắc này thì có vị cho rằng như thế là phiền phức, phức tạp. Dĩ nhiên
rồi, nhưng tất cả vấn đề là: ta có muốn giết người vô tội không? Nếu không thì
không thể nào làm khác được. Hơn nữa, muốn nhận định vấn đề cho đúng, ta không
nên đứng vào vị trí một người hiện thời không dây dưa với pháp luật, một người
ở một cương vị chính quyền.Ta phải đứng vào cương vị của bị tố nhân; lúc ấy vấn
đề rất sáng tỏ, không những ta đòi thi hành các nguyên tắc pháp luật, ta còn cố
gắng tìm hiểu thêm các nguyên tắc mới để đảm bảo người oan khỏi bị chết.
Nếu mang ra áp dụng các
nguyên tắc ấy vào cuộc Cải Cách Ruộng Đất của ta, ta sẽ làm thế nào? Thủ tục
cải cách cứ diễn bài nhưng sự trừng trị bọn cường hào gian ác hay phản động, ta
sẽ không giao cho một toà án nhân dân, đặc biệt như ta đã làm với tất cả sự
thiếu sót về phương diện pháp lý mà ta đã biết. Trái lại, sau khi phát động tư
tưởng của nông dân, ta sẽ nghe lời họ tố cáo kẻ thù của họ. Ta sẽ uỷ nhiệm toà
án nhân dân thường lập các hồ sơ, để toà án, với bộ máy và kinh nghiệm của nó,
tiếp tục điều tra, kiểm tra, lấy cung chứng, truy tố, luận tội, xét xử. Ta đảm
bảo triệt để cho bị tố nhân quyền bào chữa của họ, ta yêu cầu các luật sư làm
tròn nhiệm vụ của họ, ta tôn trọng triệt để con người của bị tố nhân. Ta chỉ
thù ghét và kết án, trừng phạt tội của nó đã phạm thôi. Ta tin tưởng ở toà án,
ta đảm bảo cho các vị thẩm phán làm việc ngoài sự điều khiển của chính quyền,
một cách biệt lập, tôi nói biệt lập chứ không phải độc lập, theo lương tâm của
các vị và căn cứ vào hồ sơ và kết quả của cuộc thẩm vấn.
II. Các nguyên nhân sai
lầm
Theo như tôi nhận định,
với chủ quan của tôi, các nguyên nhân sai lầm thuộc hai loại, có loại trực
tiếp, nhưng nếu ta phân tích loại này thì ta sẽ đi tới một loại thứ hai mà theo
tôi là những nguyên nhân chính, ta cần chú ý.
Các nguyên nhân trực
tiếp ta trông thấy ngay. Sở dĩ mà khi nghiên cứu chính sách cải cách, ta không
nghĩ đến giải pháp pháp lý đưa ra để điều hoà với giải pháp chính trị, phải
chăng là vì ta không biết giải pháp pháp lý? Nếu không thì là sự thiếu sót
nghiêm trọng của cấp lãnh đạo. Nhưng tôi tin rằng không phải như thế đâu. Sở dĩ
ta không để ý đến giải pháp pháp lý là vì ba lý do:
1. Quan điểm ta-địch,
thù-bạn của ta rất mơ hồ
2. Ta bất chấp pháp
luật, lấy chính trị lấn át pháp lý
3. Ta bất chấp chuyên
môn
Quan điểm bạn-thù,
ta-địch mơ hồ — Các hiện tượng trên trường quốc tế và trong nước rất nhiều và
rõ rệt.
Trên trường quốc tế,
trong các nước dân chủ của ta thôi, ta thấy những điều làm ta suy nghĩ. Ta thấy
chẳng hạn những người suốt đời hi sinh cho sự nghiệp cách mạng, giữ những trọng
trách trong chính thể cách mạng, rồi bỗng nhiên phải truất quyền, khai trừ ra
khỏi Đảng, tống giam, thậm chí có khi bị giết nữa. Rồi ít lâu sau, ta lại thấy
các người ấy được khôi phục công quyền, đảng tịch, cương vị, người nào bị kết
án tử hình rồi thì được an táng lại ở các đài kỷ niệm các liệt sĩ mà Tổ quốc
ghi tên muôn đời.
Trong nước ta, qua cuộc
Cải Cách Ruộng Đất ta thấy bao nhiêu các chiến sĩ cách mạng thành tích lộng
lẫy, có người ngực gắn tới hai huy chương kháng chiến (ở ngoại thành Hà Nội) bị
kết án là phản động, cường hào gian ác và, sau khi nhận tội, bị tống giam hay
bị hành hình. Ấy là không nói đến các người trong quần chúng bị hi sinh oan.
Đối với các nạn nhân này, ta có thể một phần nào hiểu các sai lầm đã phạm, vì
họ thiếu hay không có thành tích cách mạng hay kháng chiến. Nhưng đối với các
đảng viên ưu tú, tinh hoa của dân tộc, lúc bị xử trí như ta đã biết, thì ta tự
hỏi trong đầu óc của những người xử họ có cái gì mà ta gọi là lý tính không?
Ngay một thường dân, không phải là một nhà chính trị hay văn hoá, chỉ sử dụng
cái lẽ phải của mình thôi, cũng không thể nào hỗn hợp người xấu với kẻ tốt như
vậy được. Ta phải đặt vấn đề rằng cán bộ từ trên xuống dưới, tham gia Cải Cách
Ruộng Đất, không phải là người điên cuồng, cũng không phải là người chủ mưu,
dụng tâm phá hoại. Nếu như thế thì ta sẽ gửi họ đến bác sĩ chuyên môn chữa bệnh
thần kinh, hay đến công tố viện của các toà án. Nhưng không phải như thế, ta
tin như vậy. Do đó, kết luận mà ta tiến tới, dù muốn hay không, là các các cán
bộ ấy có một quan điểm rất mơ hồ về ta-thù, bạn-địch.
Còn gì đau đớn hơn là
câu ta được nghe “ta đánh cả ta nữa”. Nếu như vậy thì ta cần phải nhận rằng ta
không phân biệt được bạn và thù. Ta đọc lại các bài gần đây đăng trong báo Nhân
Dân của các đồng chí bị xử trí oan, hoặc các đồng chí ấy nói, hoặc không nói,
nhưng ta đều hiểu các đồng chí ấy nghi ngờ những người kết án các đồng chí,
không phân biệt được bạn và thù. Vì vậy nên đánh cả bạn, giết cả bạn.
Tôi thấy đây là một điều
cực kỳ quan trọng. Nguyên do ở đâu? Phải chăng ở một tinh thần cảnh giác quá
cao đến nỗi mù quáng, ở một tả khuynh mà ta thường mắc trong giai đoạn ấu trĩ của
cách mạng? Đây không phải là nơi và lúc mà ta cần phân tích sâu sắc điều ấy.
Chủ yếu là ta nhận thấy rằng một nguyên nhân sai lầm là ở trong quan điểm thù
bạn rất mơ hồ. Nếu ta không kịp sửa chữa sai lầm, xây dựng lại quan điểm thù
bạn, một ngày kia ta sẽ lại phải khóc trên kỷ niệm của những vị có công nhất
với cách mạng, với nhân dân. Ta cương quyết không thể nào để tình trạng ấy tái
diễn ra được.
Bất chấp pháp luật —
Giáo sư Ba Lan Mahelli nói chuyện ở Bộ Tư pháp, cho ta biết rằng bên Ba Lan,
khi cách mạng thành công, các nhà chính trị bất chấp pháp luật. Họ quan niệm
rằng họ đủ tài năng để đảm nhận các cương vị lãnh đạo trong ngành tư pháp, để
bó buộc tư pháp phục vụ triệt để chính trị mà không đếm xỉa đến các nguyên tắc
căn bản của pháp lý. Kết quả là chẳng bao lâu bộ máy tư pháp xộc xệch, không
những không củng cố được chính thể cách mạng, ngược lại, tác hại quá nhiều gây
bao nhiêu khó khăn cho chính quyền cách mạng. Sai lầm ấy được uốn nắn kịp thời:
hoàn cảnh khách quan đã dạy một bài học cho chủ quan các nhà chính trị, để lãnh
đạo chuyên môn phải nhập trường học tập, trước non 2 năm, sau 5 năm, để qua
pháp lý, phục vụ chính trị và cách mạng.
Điều này không làm chúng
ta ngạc nhiên. Trong giai đoạn đầu tiên, chính trị say sưa với các thắng lợi đã
thu —và dĩ nhiên các thắng lợi ấy vĩ đại— lâm vào tình trạng tự mãn và bao
biện.
Nhưng quản trị một nước,
đặc biệt một nước đang xây dựng chính quyền cách mạng, nghĩa là một cái gì vô
cùng mới mẻ và khó khăn — không giống như là đề ra đường lối và khẩu hiệu tranh
đấu cách mạng và vận động quần chúng làm cách mạng. Hai khu vực hoạt động ấy
tuy quan hệ mật thiết với nhau, nhưng mỗi ngành hoạt động có kỹ thuật và quy
luật của nó. Lúc nhà chính trị bao biện, bất chấp hoàn cảnh khách quan kinh
nghiệm xương máu của lịch sử, thì chẳng sớm thì muộn ta thấy diễn ra những tai
hại hiện thời làm chúng ta đau xót. Trên con đường bao biện và tự mãn ấy, các
nhà chính trị đã bị thúc đẩy bởi những thành kiến đối với pháp lý và tin rằng
pháp lý là cái gậy chỉ dùng để chọc bánh xe, không hiểu rằng, trái lại, chính
pháp lý giúp xe khỏi lật, khỏi gây tai nạn. Nguy hại hơn là chính trị tự đặt
mình lên trên pháp luật. Ngay trong trường hợp chính trị sau khi đặt mình lên
trên pháp luật, còn giữ vững thái độ chân chính, cũng đã gây ra bao khó khăn
rồi. Pháp luật chủ yếu đề ra những cái gì có thể làm được, cái gì không được
phép làm, do đó nhân dân vững tâm biết rõ đường mà đi. Nhưng tâm hồn quần chúng
chỉ được ổn định khi nào quần chúng biết rõ rằng cái gì bó buộc mình cũng đồng
thời bó buộc nhà cầm quyền. Trái lại, khi pháp luật chỉ gò bó quần chúng mà
không gò bó nhà cầm quyền thì nhà cầm quyền mỗi lúc có thể vẽ ra các đường mới
mà quần chúng chưa từng biết. Vì vậy quần chúng hoang mang: cái gì hôm qua làm
được, ngày mai với sự độc đoán của nhà cầm quyền có thể bị coi là phi pháp.
Hoang mang ấy lên tới cực độ khi tác dụng của sự thay đổi thái độ này của nhà
cầm quyền không những ảnh hưởng đến tương lai, mà là ảnh hưởng cả về quá khứ
nữa. Đó là trường hợp nhà cầm quyền, lúc tự đặt mình lên trên pháp luật, giữ
thái độ chân chính đúng mực, huống hồ là khi nhà cầm quyền sử dụng quyền thế
của mình một cách lộng quyền, như ông Trường Chinh đã nhận định. Quyền xử tử
người một cách đơn giản như vậy trái với luật pháp: đó chỉ là một giải pháp
chính trị mà thôi. Nếu mà các người sử dụng quyền ấy lại không sử dụng với tinh
thần chính sách của lãnh đạo, sử dụng một cách lộng quyền thì kết quả thế nào,
hiện thời ta đã trông thấy rõ.
Bất chấp chuyên môn — Các
nhà chính trị bất chấp pháp luật. Nhưng nếu các vị ấy tranh thủ ý kiến của các
nhà chuyên môn và cho phép các nhà chuyên môn đề đạt ý kiến thì các nhà chuyên
môn cũng sẽ yêu cầu các nhà chính trị nên chú ý đến pháp luật, và dùng pháp
luật phục vụ cách mạng.
Nhưng tiếc thay, trong
10 năm vừa qua, ta thấy một tình trạng quái gở. Chính trị ám ảnh đầu óc chúng
ta đến nỗi hai chữ “lập trường” làm ta mất ăn mất ngủ. Nếu được dùng một hình
ảnh “duy tâm”, tôi ví lập trường như cái oan hồn ngày đêm theo đuổi kẻ nào đã
hãm hại người chủ của nó. Có một điều lạ, là các anh em công nông, các vị lãnh
tụ không bao giờ nói đến lập trường trong sinh hoạt hàng ngày. Trái lại, các
cán bộ và đảng viên tiểu tư sản không lo ngại gì bằng sự mất lập trường. Vì
vậy, để nhớ đến nó, mở miệng ra là nêu lập trường rồi. Đó là tinh thần tự ti
của một giai cấp mất khí thế, quên rằng mình đứng trong hàng ngũ cách mạng. Dù
sao, ở Việt Nam chúng ta cũng đã xảy ra những sự việc như sau đây, ta cần ghi
nhớ để con cháu ta cười muôn thuở: khi chọn một người vặn lái ô tô, ta không
hỏi người ấy có bằng vặn lái và đã vặn lái bao năm, ta chỉ hỏi : “Có lập trường
không?” Kết quả là từ hai năm nay, riêng trong thủ đô Hà Nội, hàng trăm tai nạn
xảy ra do các người vặn lái ô tô có lập trường mà không nắm chuyên môn. Khi đưa
tới bệnh viện một bệnh nhân cấp cứu, vấn đề mang ra thảo luận trước tiên là:
Bệnh nhân thuộc thành phần giai cấp nào? Chữa cho địa chủ thì “mất lập trường”.
Để nó chết mới chứng minh mình có “lập trường giai cấp” (hiện tượng do B.S.
Nguyễn Xuân Nguyên đưa ra).
Tại sao có những hiện
tượng quái gở như vậy? Là vì chính trị chiếm đóng tất cả các khu vực trong nhận
thức của chúng ta làm chúng ta mất cả cái nhân đạo tối thiểu của con người, làm
chúng ta khước từ các chân lý. Chân lý cho biết rằng chính trị không thể nào
thay thế được cho chuyên môn, không làm được việc của chuyên môn. Nếu như vậy
thì ít ra chính trị cũng hỏi ý của chuyên môn mới là phải. Nhưng không. Chính
trị nghi ngờ chuyên môn, không tin ở chuyên môn. Lúc thì cho rằng chuyên môn là
do văn hoá và khoa học tư sản đế quốc xây dựng, là vô dụng (đó là một sai lầm
nghiêm trọng các người tin như vậy chưa đọc Lê-nin). Lúc thì cho rằng các nhà
chuyên môn không phải xuất hiện ở tầng lớp cơ bản, công hay nông, thì không có
đảm bảo vì thái độ lừng chừng, lập trường lỏng lẻo, dù là 10 năm nay họ đã bước
chân vào đường cách mạng và chứng minh nhiệt tình của mình đối với sự nghiệp
giải phóng dân tộc, kiến thiết quốc gia.
Theo ý tôi, đây là một
vấn đề then chốt. Các anh em trí thức kháng chiến thường phàn nàn rằng Đảng Lao
Động thiếu tín nhiệm họ. Họ đau khổ mà nhận thấy rằng mặc dầu họ đã trải qua
bao nhiêu thử thách, chịu đựng bao nhiêu hi sinh, trải qua bao nhiêu gian nguy,
Đảng vẫn chưa tin ở họ. Nào họ có yêu sách gì quá đáng đâu? Họ có đòi làm Bộ
trưởng hay Đại sứ đâu? Không. Đại đa số các anh em trí thức nói chung, không mơ
ước các cương vị, công tác lộng lẫy đâu, họ vui lòng nhường chỗ cho các nhà
chính trị, các đảng viên. Họ chỉ thiết tha đòi hỏi được mang khả năng chuyên
môn và kinh nghiệm của họ ra phục vụ nhân dân mà thôi. Họ chỉ thiết tha mong
muốn được bảo toàn danh dự trí thức của họ và cái tự do tư tưởng mà họ quan
niệm là cần thiết cho nhân phẩm của người trí thức mà thôi. Họ đã từng nghe
thấy Đảng tuyên bố: Người trí thức là vốn quí của dân tộc. Nhưng họ cảm thấy
vốn ấy quí quá đến nỗi phải cất nó đi thật kỹ, giữ gìn nó trong một bán ảnh,
một hoàng hôn trường cửu. Nếu có ai cho rằng tôi nói không đúng, tôi cứ đề nghị
người ấy quay mặt nhìn chung quanh, ở các cương vị công tác trong chính thể của
ta. Có một chỗ nào mà người trí thức ngoài Đảng nắm được thực quyền không? Tác
dụng “hiếu hỉ” hay “cười gật” thì có, mà lại có nhiều. Nhưng ngay ở các cương
vị ấy, ngoài vai trò hiếu hỉ, cười gật, người trí thức có một trách nhiệm gì
không, có quyền nói gì làm gì không, quần chúng đã biết và miễn tôi giả nhời.
Chính trị chèn ép chuyên
môn như thế nào? xua đuổi người trí thức ra ngoài con đường cách mạng ra sao,
lịch sử kháng chiến đã cho ta kinh nghiệm đau đớn. Năm 1949, phong trào tư pháp
liên khu III tan vỡ vì chính quyền quan niệm tư pháp phải thuộc sự điều khiển
của mình. Năm 1951, phong trào quân y, dân y liên khu IV sụp đổ vì các chính
trị viên đưa vào các bệnh viện đã đàn áp chuyên môn, thúc đẩy các bác sĩ có
công với cách mạng, với kháng chiến, phải gạt nước mắt mà rời bỏ kháng chiến.
Đó không phải là chủ trương của Đảng Lao Động. Nhưng có một điều làm ta suy
nghĩ: sao mãi bây giờ sau 10 năm Đảng mới nghiên cứu một chính sách cho trí
thức? Điều ấy chứng tỏ rằng từ khi cách mạng thành công, ta chưa đánh đúng giá
người trí thức, chưa đặt vấn đề trí thức. Do đó, làm thế nào khai thác được tất
cả khả năng của người trí thức để họ mang chuyên môn ra phục vụ nhân dân?
Trên đây, tôi nói về
người trí thức từ chiến khu trở về. Đối với người trí thức vẫn ở trong Thủ đô,
ta thấy sự thiếu tín nhiệm ấy lại còn trầm trọng hơn nữa. Bao lần ta nghe tiếng
chua cay của các anh em ấy phàn nàn bị coi như là kẻ thù, mặc dầu các anh em vì
yêu nước đã khắc phục mọi lo sợ do tuyên truyền của địch gây ra và ở lại với
chúng ta. Ta để cho cán bộ hộ khẩu xâm phạm đến danh dự của các anh em, ta
không tìm cách nào sửa chữa sai lầm ta đã phạm đối với anh em. Ở các công sở
tình trạng chèn ép của chính trị đối với chuyên môn đã đưa đến cái danh từ bi
đát làm cho ta đau lòng: “họ Lưu, họ Kháng”. Không đoàn kết được các anh em, ta
lại còn có thái độ úp mở, nhùng nhằng (ta tưởng như vậy là thượng sách), thậm
chí ta lại còn nghi ngờ các anh em. Ta không hiểu rằng làm như vậy, ta bất công
với các anh em, ta không tôn trọng lời đã hứa qua chính sách tiếp quản và cương
lĩnh Mặt Trận, ta đẩy các anh em xa rời ta, ta vô tình ném xuống bể tiêu cực
cái vốn chuyên môn của các anh em trí thức trong Thủ đô.
Đó là những nguyên nhân
trực tiếp. Đào sâu hơn nữa, ta thấy rằng sở dĩ có những hiện tượng như ta vừa
phân tách trên đây, chẳng qua chỉ vì sự lãnh đạo của ta thiếu dân chủ, xa lìa
quần chúng.
Chính thể ta thiếu dân
chủ như thế nào, ta đã từng biết. Vai trò của các vị Bộ và Thứ trưởng ngoài
Đảng như thế nào, các vị đó làm được những gì trong Hội đồng chính phủ, trong
các ngành chuyên môn mà các vị ấy phụ trách, ta không nên đi quá sâu. Ta chỉ
cần liếc mắt nhìn qua công việc làm trong mỗi Bộ, ta chỉ cần nghe tiếng than
phiền của các cán bộ, công chức làm việc trong các Bộ là ta hiểu. Ta cũng biết
rằng chủ trương của Đảng có lẽ không phải như vậy đâu, nhưng trong thực tế công
tác, mỗi anh em ta tiếp xúc với các vị Bộ hay Thứ trưởng ngoài Đảng, đều nhận
thấy rằng quyền hành của các vị ấy hình như không phải là quan trọng cho lắm.
Nhận định như vậy có lẽ ta lầm đấy. Nhất định ta lầm. Nhưng dù sao có “dư luận”
không ai chối cãi được. Do đó, nếu chủ trương của Đảng không phải như vậy thì
ít ra Đảng cũng mang trách nhiệm không làm thế nào để tiêu tan cái dư luận tai
hại mà chúng ta thấy tồn tại từ thời kỳ kháng chiến đến giờ. Nhưng cũng có điều
chắc chắn không ai chối cãi được, là các vị Bộ hay Thứ trưởng không có trách
nhiệm gì trước Quốc hội, trước nhân dân, chỉ có trách nhiệm trước Chính phủ mà
thôi. Chưa bao giờ ta thấy vị Bộ truởng nào bị lật đổ cả. Phải đợi đến các sai
lầm đặc biệt nghiêm trọng trong Cải cách mới thấy hai vị Thứ trưởng phải rút
lui khỏi Hội đồng Chính phủ. Các hiện tượng ấy chứng tỏ rằng Chính phủ ta chưa
thực hiện được dân chủ trong khi lập Hội đồng Chính phủ, vì các vị Bộ hay Thứ
trưởng đều được cử hay bị truất, ngoài sự tham gia trực tiếp hay gián tiếp (qua
Quốc hội) của quần chúng.
Tình trạng của Quốc hội
lại rõ hơn nữa. Mười năm Quốc hội đã thành lập. Các vị đại biểu Quốc hội còn
phản ảnh được ý nguyện của quần chúng không, quần chúng có tín nhiệm ở Quốc hội
nữa không, đó là một vấn đề. Nhưng dù vấn đề ấy ta giải quyết như thế nào đi
nữa, có một điều chắc chắn là một Quốc hội già 10 năm rồi mà vẫn tồn tại ngoài
sự can thiệp của quần chúng, sự lựa chọn của quần chúng, chứng minh rằng quần
chúng 10 năm nay đã bị truất quyền cử đại biểu của mình rồi. Dĩ nhiên trong
thời kỳ kháng chiến, bầu lại Quốc hội là một điều không làm được. Và hiện thời,
Nam-Bắc bị tạm chia cắt, do đó sự bầu lại toàn thể Quốc hội cũng là khó khăn.
Nhưng dù sao riêng ở các miền giải phóng này, nếu ta chú ý đến quyền người dân
cử đại biểu của họ thì nhất định ta phải cho phép người dân bỏ phiếu rồi. Từ
khi hoà bình trở lại, 2 năm đã qua, mãi bây giờ trước phong trào quần chúng đòi
thực hiện dân chủ, ta mới nghĩ đến quyền bỏ phiếu của người dân và bổ sung Quốc
hội.
Nào có thế thôi đâu?
Ngay cái Quốc hội ta đang có hiện thời, ta có thực hiện dân chủ với nó không?
Chắc chắn là không. Thỉnh thoảng ta mới họp Quốc hội, và trong các buổi họp đó
ta chỉ thấy Chính phủ đưa ra các báo cáo để Quốc hội nghiên cứu, xây dựng, hay
các chính sách để Quốc hội tán thành và bổ khuyết. Quyền lập pháp của Quốc hội
ở đâu? Quyền đề ra đường lối, chủ trương trong nội trị, ngoại giao, quyền nêu
trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, quyền lựa chọn nhân viên trong Hội đồng
Chính phủ, bấy nhiêu quyền, Quốc hội có được hưởng dụng không? Dư luận quần
chúng quan niệm rằng Quốc hội chỉ có quyền thông qua các chính sách mà thôi.
Còn như các sắc lệnh hay đạo luật thì thường thường, quyền thông qua ấy chỉ
thuộc ban Thường trực của Quốc hội. Nếu Quốc hội là tổ chức cao nhất của quần
chúng, đại diện cho quần chúng, thì ta phải khách quan nhận thấy rằng, với vai
trò vô cùng yếu ớt của Quốc hội hiện thời, quyền dân chủ của quần chúng không
được thực hiện.
Nói đến Mặt trận thì
tình hình cũng tương tự. Mặt trận hiện thời là tổ chức quần chúng có lẽ sát
tình hình quần chúng nhiều nhất. Nhưng ta có để nó đóng vai trò của nó không?
Không. Tác dụng của nó là động viên quần chúng để tán thành, ủng hộ và thi hành
các chính sách. Đứng về phương diện này, nó làm tròn nhiệm vụ của nó. Nó xứng
đáng với tín nhiệm của Đảng và Chính phủ. Nhưng hoạt động của nó như thế chỉ có
một chiều thôi. Ta chưa khai thác các khả năng của nó. Ta chưa nhận thấy bản
chất của nó. Nó có thể là liên lạc “hai chiều” giữa quần chúng và Đảng, Chính
phủ. Một mặt như nó thường làm, nó động viên quần chúng để thực hiện các chủ
trương của Đảng và Chính phủ. Nhưng mặt khác, nó có thể là cơ quan phản ảnh lên
Đảng và Chính phủ các ý kiến, thắc mắc, nguyện vọng của quần chúng, góp phần
xây dựng các chính sách, nói lên tiếng nói của quần chúng, cung cấp tài liệu
nguồn gốc ở quần chúng, tích cực giúp đỡ cấp lãnh đạo tránh khỏi chủ quan, thắt
chặt liên lạc giữa cấp lãnh đạo và quần chúng. Nhưng muốn để cho nó đóng vai
trò ấy, ta phải “dân chủ” đối với nó, nghĩa là phát động tự do tư tưởng của nó,
để nó mạnh dạn nói lên ý kiến của quần chúng, dù là các ý kiến trái ngược với
nhận định của cấp lãnh đạo. Nhưng từ trước tới nay, ta không làm như vậy. Ta
thấy khó chịu khi nó thỏ thẻ —chỉ thỏ thẻ thôi— những lời làm ta một phút chốc
tỉnh giấc mộng chủ quan mà ta trong cấp lãnh đạo đang say sưa. Vì vậy ta chỉ
thường cho phép nó, chỉ khuyến khích nó phụ hoạ ta, tán đồng ta với thái độ của
đứa con khen hay khi mẹ nó hát. Tóm lại, ta không dân chủ với nó. Do đó, ta hạn
chế khả năng của nó, nó không giúp ích gì cho cấp lãnh đạo.
Thiếu dân chủ là gì? Là
xa rời quần chúng, là giam hãm mình vào ngục thất của chủ quan. Tại sao một
chính thể cách mạng lại có thể phạm sai lầm nghiêm trọng như vậy được?
Trước đây, ta không trả
lời được. Những người kính yêu cách mạng rất ngạc nhiên khi thấy có kẻ đi tìm
tự do, rời bỏ hàng ngũ cách mạng để lén sang phía tư bản. Ngay trong thủ đô ta
hiện thời, qua Đại hội lần thứ 3 của Mặt trận Thành, ta thấy phản ảnh ý muốn
của bao nhiêu đồng bào muốn đi Nam. Ta nghĩ đến các đồng bào, trong thời kỳ
kháng chiến, gạt nước mắt mà trở về Hà Nội. Nếu cách mạng mang lại cho họ ánh
sáng và hạnh phúc, sao lại có người lo ngại trước cách mạng, đau đớn vì cách
mạng? Các người ấy không phải thuộc thành phần kẻ thù của cách mạng, trái lại
thuộc thành phần cơ bản trong nhân dân, như nông dân, công nhân. Thế thì đâu là
chân lý? Đó là một vấn đề mà trước đây ta chỉ đặt thôi và không giải quyết
được.
Bây giờ sau Đại hội lần
thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô, sau các cuộc bạo động ở Berlin, Poznan, bên
Tiệp, bên Hung, ta hiểu rõ vấn đề, ta giải quyết được nó. Chung quy, mặc dầu cách
mạng là tốt đẹp, mang lại hạnh phúc cho dân tộc, sở dĩ vẫn có người xa lánh
cách mạng, chẳng qua là vì chính thể cách mạng mắc trầm trọng bệnh xa lìa quần
chúng, thiếu dân chủ, do đó đi càng ngày càng sâu vào tình trạng quan liêu,
mệnh lệnh, duy trì một thái độ lãnh đạo hẹp hòi, độc đoán, có khi độc tài. Thái
độ một chiều không muốn, không cho phép ai nói cái gì trái ngược ít nhiều với ý
kiến nhận định, thành kiến của mình. Mình tự phụ, tự hào mình có độc quyền tìm
thấy và gìn giữ chân lý. Đó là tật tự cao tự đại của nhà cách mạng. Ta bay bổng
lên trời xanh của ảo tưởng, ta chỉ tin ở ta. Trong tư tưởng, ta không khinh
quần chúng, nhưng trong hành động, quả thật con mắt khách quan nhận thấy ta bất
chấp quần chúng. Thậm chí, khi ta nghe thấy một tiếng nào từ quần chúng nói lên
rằng ta nhầm, ta làm như thế này mới phải, lập tức ta thét ngay đó là tiếng của
địch. Sở dĩ quan điểm bạn thù của ta mơ hồ, và đâu ta cũng trông thấy địch,
chẳng qua là vì ta quá tự phụ, ta sùng bái ta quá đáng mà thôi. Bây giờ ta biết
rõ là nếu bệnh ấy phổ biến trong hàng ngũ cách mạng hiện thời thì trách nhiệm
chính là Stalin phải chịu. Vì tự cao, tự đại, tự phụ, tự mãn, Stalin không cho
phép ai dân chủ với mình, đâu cũng trông thấy địch. Kết quả thế nào ta đã biết:
khẩu hiệu nêu lên, thét lên, gào lên là: đề cao cảnh giác. Và lợi dụng tình thế
ấy, ta biết Béria đã làm những gì, phạm tội ác như thế nào.
Nếu không có quyết nghị
lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô, nếu không có những sai lầm cực kỳ tai hại
trong Cải Cách, ta chưa mở mắt được, ta sẽ còn thấy bao nhiêu máu oan chảy
thành suối thành sông, bao nhiêu người kính yêu cách mạng mà vẫn đau sót rời bỏ
cách mạng. Tuy ta phải trả một giá quá cao, nhưng bây giờ ta biết rõ nguyên do
của các đau khổ của ta: ta thiếu dân chủ.
III. Phương hướng sửa
chữa các sai lầm
Qua lịch sử tranh đấu
của quần chúng hai nghìn năm nay, ta thấy cái gì mà nhân bản của loài người đòi
hỏi thiết tha nhất, đó là một đời sống vật chất tương đối đầy đủ êm ấm, đó là
một đời sống tinh thần tương đối ổn định, có đảm bảo và tự do. Hạnh phúc của loài
người xây dựng trên cơ sở dân sinh và dân quyền. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây về
vấn đề dân quyền. Ta được biết từ hai thế kỷ nay chủ yếu trong vấn đề dân quyền
là vấn đề dân chủ, nghĩa là quyền của người dân làm chủ trên đất nước, đồng
thời là quyền của con người được sống theo các nhu cầu thiết yếu và chính đáng
của nhân bản. Từ cuộc Cách mạng tư sản Hoa Kỳ cuối thế kỷ 18, Cách mạng tư sản
Pháp 1789, tới cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa của Nga, quần chúng nổi dậy,
mang xương máu để giành kỳ được chế độ dân chủ. Sau cuộc đại chiến lần thứ hai,
Hiến chương Liên hiệp quốc đúc kết những thành quả của các phong trào lịch sử
tranh đấu cho dân chủ và đặt các nước văn minh trước trách nhiệm của họ để thực
hiện và đảm bảo các nguyên tắc dân chủ. Đối với các nước tư bản ta không ngạc
nhiên thấy chế độ dân chủ thực hiện với những thiếu sót quan trọng. Nhưng ta có
quyền ngạc nhiên khi ta thấy các thiếu sót ấy cũng xuất hiện trong các nước đã
hoàn thành cuộc Cách mạng dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa. Đại hội lần thứ
6 của Hội Quốc tế các luật gia dân chủ họp trong tháng 5 vừa rồi tại Bruxelles
đã lấy làm tiếc mà nhận thấy rằng trong tất cả các nước, dù tư bản hay xã hội
chủ nghĩa, mặc dầu các Hiến pháp, các bộ luật tuyên bố trịnh trọng, tôn trọng
thực hiện, đảm bảo thực hiện các nguyên tắc dân chủ, tuy nhiên các nguyên tắc
này vẫn bị dày xéo. Vì vậy trong tất cả các nước, quần chúng tranh đấu kịch
liệt.
Ở nước ta, trong bản
Tuyên ngôn độc lập, trong Hiến pháp cũng như trong các sắc lệnh, đạo luật,
nguyên tắc dân chủ đã được ban bố. Nhưng qua phong trào phát huy dân chủ mà
Chính phủ chủ trương, qua đại hội nhân dân thủ đô lần thứ 3, các Đại hội Mặt
trận Trung ương, Mặt trận Thành, qua thông cáo của Hội nghị lần thứ 10 của
Trung ương Đảng Lao động, của Chính phủ v.v., nhân dân nhận thấy, và Đảng cũng
như Chính phủ xác nhận rằng ta thiếu sót về dân chủ khá nhiều. Vì các thiếu sót
ấy, ta phạm các sai lầm nghiêm trọng trong Cải Cách Ruộng Đất như tôi đã trình
bày trên đây. Nguyên nhân sâu sắc của các sai lầm ấy, ta có thể quy kết được.
Sở dĩ đời sống tinh thần của ta không được ổn định, lúc nào ta cũng nơm nớp lo
sợ các hành động “lộng quyền” của nhà đương cục, là vì ta thiếu một chế độ pháp
trị phân minh, không đề ra nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người, đồng thời cả
của cấp lãnh đạo nữa. Sở dĩ cấp lãnh đạo có thể phạm được các sai lầm nghiêm
trọng trong Cải Cách Ruộng Đất, tổn thất cho xương máu, mồ hôi nước mắt của
đồng bào, cho uy tín của Đảng và Chính phủ, là vì người dân không có quyền,
không có phương tiện nói lên ý kiến của mình, tham gia xây dựng các chính sách
của Chính phủ.
Do đó, phương hướng sửa
chữa các sai lầm là một chế độ pháp trị chân chính, một chế độ dân chủ thực sự.
Một chế độ pháp trị chân
chính — Ở đây, chưa phải lúc và chỗ để tôi trình bày ý kiến về vấn đề pháp trị.
Ta sẽ có dịp khác. Ở đây, tôi chỉ muốn trình các quí vị một nhận xét.
Đảng Lao Động và chính
phủ có nhận thấy cần thiết, trong chính sách sửa chữa các sai lầm trong Cải
Cách, phải “tăng cường chế độ pháp trị” của ta. Tôi e rằng trong tư tưởng lãnh
đạo, sự nhận thức về vấn đề pháp trị chưa được rõ và đầy đủ. Chính trị vẫn coi
pháp luật như một “bà con nghèo”. Chữ “tăng cường” là một chứng minh. Tuy rằng
trong nước ta có một Bộ Tư pháp, có các toà án, có luật lệ, nhưng chế độ pháp
trị hầu như không có. Đó là một điều tôi sẽ nghiên cứu sâu sắc hơn khi nào tôi
trình bày ý kiến về chế độ pháp trị, một chế độ pháp trị chân chính. Theo ý
tôi, thì vấn đề không phải là tăng cường mà là xây dựng.
Một chứng minh khác
trong chính sách Sửa Sai trong Cải Cách này, tôi vẫn thấy chính trị lấn áp pháp
lý. Trước hết bức thư của ông Hồ Viết Thắng tự phê bình và xin rút lui khỏi Mặt
trận Trung ương chỉ là một giải pháp chính trị mà thôi. Trong cuộc mạn đàm với
các vị đại biểu đến họp hội nghị này, tôi nhận thấy không ai “thông” về ý kiến
và biện pháp ông Hồ Viết Thắng trình bày cả. Riêng về phần tôi là một nhà luật
học, tôi chưa thể nào nhận định được trách nhiệm của ông Thắng. Có thể trách
nhiệm của ông ấy rất lớn, có thể rất nhỏ. Đứng trên tinh thần pháp lý, sự nhận
tội lỗi của một người không đủ để qui định trách nhiệm của người ấy. Trong Cải
Cách, khi những đảng viên ưu tú bị đoàn Cải cách gán cho là phản động, ra trước
nhân dân, có người cũng nhận tội trong khi biết là mình oan. Ta nên rút kinh
nghiệm vừa qua, sửa sai không phải là phạm các sai lầm khác. Do đó, đứng trên
một lập trường pháp trị chân chính, tôi đề nghị phải lập một uỷ ban điều tra
gồm các vị đại biểu Quốc hội, Mặt trận, Đảng Lao động với sự cộng tác của các
vị thẩm phán cao cấp, giàu kinh nghiệm để lập một hồ sơ theo phương pháp pháp
lý đã nhận định, trên quá trình đi từ lãnh đạo qua chỉ đạo đến chỗ thực hiện
chính sách, trách nhiệm ở chỗ nào và do những ai phải chịu. Sau khi kết thúc
cuộc điều tra, uỷ ban ấy sẽ phân tách trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp
lý. Ai chịu trách nhiệm chính trị sẽ trả lời trước Quốc hội biến thành Toà án
tối cao. Ai chịu trách nhiệm pháp lý sẽ trả lời trước các toà án tư pháp. Dưới
con mắt của quần chúng theo dõi xây dựng cuộc điều tra và xét xử, công lý phát
huy, không còn ai thắc mắc nữa.
Có người hỏi làm thế để
làm gỉ? Tôi xin phép trả lời. Làm thế để rút kinh nghiệm. Tôi cảm thấy ngay
hiện thời ta chưa rút được kinh nghiệm đâu. Chính trị không những lãnh đạo pháp
lý —đó là đúng— nhưng vẫn lấn át pháp lý, thay thế cho pháp lý, như trong
trường hợp ông Hồ Viết Thắng, như thế là ta vẫn mở cửa cho các sai lầm mới còn
nguy hại hơn nữa. Không những thế, ta biết rằng nhu cầu công lý thuộc nhân bản
con người văn minh. Từ người bị xử trí oan cho đến các người chỉ chịu thiệt
gián tiếp vì các sai lầm, có thể nói được rằng toàn dân đợi chờ công lý. Một
biện pháp chính trị xuề xoà không thoả mãn được ai. Bằng chứng ở nông thôn, ta
được biết tình hình “căng thẳng”. Phong trào trả thù, tự xử diễn ra khắp mọi
nơi, kéo chúng ta trở về quá khứ của lịch sử. Còn như các đảng viên bị xử trí
sai, tâm hồn các anh em như thế nào, ta chỉ cần đọc lại báo Nhân Dân. Tuy rằng
các anh em kết thúc các bài tường thuật lại đau khổ của mình bằng những lời
phấn khởi, nhưng các lời này không làm ta quên được các lời phẫn uất, chua xót,
cay đắng mà các anh em nói lại với ta từ đầu bài. Nhưng bi đát hơn hết là các
chiếc khăn trắng chít trên đầu họ hàng thân thích của những anh em bị xử tử,
những bàn thờ vẫn dựng trong nhà, các thổn thức phá vỡ im lặng của các đêm hiu
quạnh, các ngày cúng giỗ nhắc lại hàng năm bi kịch thê thảm đã diễn ra trong
gia đình vì cuộc Cải Cách. Nhân dân đòi hỏi các người có công được thưởng và
các người có tội phải đền tội. Trách nhiệm của tất cả mọi người từ trên xuống dưới,
từ dưới lên trên, phải được qui định rõ ràng, dứt khoát. Như thế mới yên được
lòng dân, như thế mới thu phục được nhân tâm. Kinh nghiệm lịch sử dạy ta điều
ấy. Trong chính sách sửa chữa sai lầm, ta không thể quên được bài học lịch sử.
Quần chúng im lặng đợi chờ công lý.
Chúng ta thiết tha mong
ước ở chính trị một nhận định đúng về vai trò của pháp luật phục vụ cách mạng.
Kinh nghiệm đau đớn vừa qua bó buộc ta phải xây dựng lại quan điểm “địch” trên
cơ sở pháp lý và pháp trị. Các sai lầm nghiêm trọng ta đã phạm bắt nguồn ở một
quan điểm chính trị về địch. Quan điểm ấy linh động quá, “biện chứng” quá, nên
ta không biết phân tách địch và ta, do đó ta đánh cả ta nữa. Muốn tránh các sai
lầm hôm qua đừng tái diễn ngày mai, ta cần xác định theo hình luật thế nào là
địch. Lúc đó ta mới đánh đúng địch, và có đánh đúng địch ta mới củng cố được
ta, ổn định được nhân tâm, duy trì lại trật tự và an ninh ở thôn quê, kiến
thiết lại đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân ở thôn quê cũng như ở thành thị,
đảm bảo cho quần chúng một đời sống tự do, thoát khỏi mọi sự đe doạ của “lộng
quyền”, bênh vực các quyền căn bản và thiết yếu của con người.
Tóm lại, nếu chính trị
giác ngộ, vui lòng tôn trọng pháp ly, thiết lập một chế độ pháp trị trong đó
chính trị vẫn lãnh đạo pháp lý, nhưng đồng thời nêu thật cao gương phục tùng
pháp lý và pháp trị thì nhất định chính trị khôi phục được uy tín và được quần
chúng nhiệt liệt ủng hộ.
Một chế độ thực sự dân
chủ — Thế nào là một chế độ thực sự dân chủ? Đó là một chế độ trong đó người
dân được làm chủ trên đất nước không những trong hiến pháp, mà cả trong thực tế
nữa. Đây không phải là lúc là chỗ mà ta đi sâu vào vấn đề. Ta chỉ cần nhận thấy
rằng trong giai đoạn hiện thời, quần chúng có đòi hỏi cái gì quá đáng đâu, chỉ
yêu cầu có một điều thôi, là được đàm thoại với cấp lãnh đạo, được đề đạt lên
cấp lãnh đạo, ý kiến về các chính sách do cấp lãnh đạo xây dựng. Các vị lãnh tụ
đã bao lần khen dân ta tốt. Mà dân ta tốt thật. Bằng chứng là điều tôi vừa nhắc
lại đây. Trong khi quần chúng có quyền đòi hỏi ở một chính thể cách mạng rất
nhiều, nhân dân ta chỉ có một yêu cầu mà ai cũng phải nhận là chính đáng. Tại
sao nhân dân chỉ có cái yêu cầu nhũn nhặn ấy mà thôi? Là vì nhân dân thông cảm
với cấp lãnh đạo phải đương đầu với bao khó khăn. Nhưng nếu nhân dân chỉ đề ra
có một yêu cầu, yêu cầu ấy thiết yếu. Tôi tin rằng cấp lãnh đạo cũng nhận thấy
như vậy. Tôi không quên lời của ông Trường Chinh đọc bản tự phê của Đảng Lao
Động tại Hội nghị này. Ta nghe thấy cấp lãnh đạo thú nhận trước Hội nghị rằng
Trung ương Đảng đã phạm sai lầm là xa quần chúng, chỉ tiếp xúc với quần chúng
qua báo cáo của các cán bộ đảng viên mà thôi. Ta phải nhận định rằng đây là một
sai lầm nghiêm trọng. Do đó, cuộc Cải Cách Ruộng Đất của ta đã gặp các thất bại
cay đắng. Trái với lời ta thường nói, ta đã thiếu dân chủ với nhân dân.
Nhân dân nhất định không
để tình trạng tai hại ấy kéo dài nữa. Tôi xin phép Hội nghị góp một số ý kiến
để chấm dứt tình trạng đó. Tôi không đặt vấn đề dân chủ nói chung. Tôi chỉ chú
ý đến yêu cầu thiết tha nhất hiện thời của quần chúng là được phản ảnh lên ý
nguyện của mình. Theo ý tôi, để thực hiện và đảm bảo yêu cầu vô cùng chính đáng
ấy, chỉ cần ba giải pháp.
1. Một chế độ báo cáo
của cán bộ. Đảng tín nhiệm ở cán bộ. Đúng! không tài nào khác được. Vậy phải
đặt các cán bộ có nhiệm vụ báo cáo trước trách nhiệm của họ. Một báo cáo không
phản ảnh trung thành sự thực với các khía cạnh của nó, với các ưu và khuyết
điểm của nó, rất tai hại. Cấp lãnh đạo cần đề cao cảnh giác với các con số
thống kê, các động cơ bất chính của cán bộ muốn thi đua thành tích, vưà mị
dưới, vừa lừa trên, do đó đưa ra một hình ảnh quá hẹp của thực tế. Ta phải tiến
tới giải pháp nhận định rằng người nào hữu ý xuyên tạc sự thật vì động cơ bất
chính, có thể bị truy tố về tội giả mạo được.
2. Một chế độ cho các
đoàn thể nhân dân được quyền mạnh dạn nói lên ý kiến của quần chúng mà họ tập
hợp. Từ trước tới nay, ta có thể ví Đảng Lao động như một cây rất to, lá ruờm
ra che hết ánh sáng của mặt trời, khiến ngay một ngọn cỏ cũng không mọc dưới
chân nó được. Vì vậy, Quốc hội cũng như Mặt trận không thể đóng được vai trò
của mình. Ở đây, tôi chỉ xin phép nói về Mặt trận của ta thôi. Các vị đã thấy
rằng từ khi thành lập Mặt trận Liên Việt cho đến Mặt trận Tổ quốc, chúng ta chỉ
có nhiệm vụ động viên quần chúng thi hành chính sách mà thôi. Đó là một nhiệm
vụ. Nhưng dù sao chỉ có một chiều. Ta là giây liên lạc giữa các cấp lãnh đạo và
quần chúng. Nếu ngược lại, ta có quyền liên lạc giữa quần chúng và cấp lãnh
đạo, nghĩa là phản ảnh lên Đảng và Chính phủ ý kiến thắc mắc, nguyện vọng của
quần chúng, công tác của ta thế nào cũng tốt đẹp hơn, hoàn hảo hơn. Ta gắn liền
lãnh đạo và quần chúng, do đó lãnh đạo sát hợp với thực tế hơn. Tôi xin phép
đặt mỗi vị uỷ viên trước trách nhiệm của mình. Chúng ta ủng hộ Chính phủ, nhưng
chúng ta cũng là đại biểu của nhân dân. Công tác của chúng ta có hai mặt, chúng
ta không thể chỉ lệch về một bên được. Quần chúng không cho phép chúng ta làm
như vậy, muốn theo rõi công việc ta làm vì chúng ta làm đại biểu của quần
chúng, được quần chúng tín nhiệm. Quần chúng giao quyền cho chúng ta, chúng ta
phải xứng đáng với sự uỷ quyền ấy. ta sử dụng quyền ấy thế nào, quần chúng đòi
kiểm soát ta.
Để đạt mục đích này, tôi
xin phép đề nghị: một là mỗi uỷ viên phải có nhiệm vụ phản ánh lên Mặt trận ý
kiến của quần chúng. Mặt trận phải có nhiệm vụ đề đạt lên cấp lãnh đạo những
phản ảnh của các uỷ viên và báo cho các vị ấy thái độ của cấp lãnh đạo giải
quyết vấn đề ra sao, sử dụng các phản ảnh ấy như thế nào. khi Mặt trận họp hội
nghị, phải cho phép quần chúng đến bàng thính: để quần chúng kiểm soát công
việc của Mặt trận làm và thái độ của các uỷ viên. Dĩ nhiên các người bàng thính
ấy không có quyền tham gia thảo luận, chỉ được nhập hội trường cho tới khi hết
số ghế dành cho quần chúng, và phải tôn trọng kỷ luật của hội nghị. Ngoài ra,
báo chí, đặc biệt báo chí của Mặt trận như tờ Cứu Quốc, phải phản ảnh trung
thành nội dung của các cuộc thảo luận và đăng các tham luận của các vị uỷ viên.
3. Một chế độ tự do ngôn
luận, xuất bản báo chí — Ta phải đề phòng trường hợp các cán bộ không báo cáo,
các uỷ viên Mặt trận không phản ảnh ý kiến của quần chúng. Do đó, ta thấy cần
thiết phải cho phép quần chúng nói lên tiếng nói của mình qua báo chí. Có người
lo ngại rằng tự do ngôn luận này mà ai cũng thấy cần thiết có thể bị sử dụng
một cách bừa bãi. Về điều này ta phải suy nghĩ. Mối lo ngại trên đây xuất phát
từ động cơ nào? Nếu là động cơ tốt —nghĩa là do một nhiệt tình đối với cách
mạng gây ra— ta hoan nghênh. Nhưng ta cũng sẽ trả lời rằng trong một chính thể
dân chủ muốn sử dụng tự do nào, dĩ nhiên phải nêu trách nhiệm của người sử dụng
tự do ấy trước pháp luật. Nếu sử dụng với tinh thần trách nhiệm hợp pháp, ta
không có quyền kêu ca gì, trái lại, ta hoan nghênh. Nếu lạm dụng một cách vô
trách nhiệm, ta đã có toà án để nghiêm trị. Vậy ta không lo ngại. Nhưng nếu mối
lo ngại xuất phát từ một động cơ bất chính, nhắm mục đích thủ tiêu các tự do
dân chủ, thì tôi chỉ cần khuyên nhủ người lo ngại như vậy nên đọc lại lịch sử
các phong trào cách mạng trong hơn một thế kỷ nay. Họ sẽ nhận thấy rằng chưa
bao giờ, chưa ai có thể ngăn cản được một phong trào quần chúng tranh đấu đòi
các tự do dân chủ.
Không những ta công nhận
các tự do dân chủ, ta lại còn cung cấp phương tiện để thực hiện các tự do ấy.
Thí dụ tự do ngôn luận. Ta có các báo của Chính phủ, của Đảng, của Mặt trận, ta
lại có các báo của tư nhân, ta giúp đỡ cho các báo ấy giấy và mực in đầy đủ, ta
lại còn quảng cáo cho các báo ấy là đàng khác nữa. Các cơ quan tuyên truyền,
báo chí của ta không bao giờ tìm khó dễ cho các báo ấy, và khi nào các báo đó
được hàng vạn độc giả hoan nghênh, ta rất lấy làm sung sướng vì trong thâm tâm
ta, ta là những người dân chủ.
Các biện pháp tôi đề
nghị trên đây đều nhằm mục đích cống hiến các cấp lãnh đạo một nhận thức đúng
và sát thực tế mà cấp lãnh đạo không có điều kiện biết đến một cách trực tiếp.
Sát với thực tế của quần chúng, cấp lãnh đạo thông cảm với quần chúng, đi đúng
đường lối của quần chúng, được quần chúng tín nhiệm, ủng hộ, mến yêu.
Thưa các quý vị,
Tôi nói đã quá lâu,
nhưng tôi tin các vị cũng tha thứ cho, vì biết rằng tôi là một người thiết tha
đến sự nghiệp của cách mạng và tiền đồ của dân tộc. Các ý kiến của tôi, dù sai
hay đúng, tôi cứ thành khẩn đề đạt lên các vị, gọi là để góp phần vào hội nghị,
một phần nhỏ mọn nhưng chan chứa một niềm hi vọng và tin tưởng vô biên ở tương
lai của đất nước.
Luật sư Nguyễn Mạnh
Tường
Hà Nội, ngày 30-10-1956
Cuộc cải
tạo Nông Nghiệp tại miền Bắc
Võ
Trường Sơn
|
||
Land
Reform
50
Years On, Vietnamese Remember Land Reform Terror
(RFA - 2006.06.08) BANGKOK -- Vietnam this year marks the 50th anniversary of a little-known political campaign known by the innocuous-sounding name of “land reform,” in which hundreds of thousands of people accused of being landlords were summarily executed or tortured and starved in prison. More than 172,000 people died during the North Vietnam campaign after being classified as landowners and wealthy farmers, official records of the time show. Former Hanoi government official Nguyen Minh Can, who was part of the campaign to change direction following the terror, said it amounted to “genocide.” “The land reform was a massacre of innocent, honest people, and using contemporary terms we must say that it was a genocide triggered by class discrimination,” he told RFA’s Vietnamese service. |
-Những
Vấn đề căn Bản
-Bối cảnh -Chiến lược và sách lược
-Chính
sách thuế nông nghiệp
-Giai đoạn đấu tranh chính trị -Đấu tranh giảm tô
-Giai
đoạn đấu tranh đẫm máu
-Phản ứng của nhân dân đưa đến quyết định sửa sai -Cuộc đấu tranh tiếp theo của nhân dân miền Bắc
-Giai
Đoạn Tổ Đổi Công
-Giai Đoạn Hợp Tác Xã Cấp Thấp
*
Nguyên Tắc Căn Bản
* Chế Độ Đóng Góp * Chế Độ Hưởng Thụ * Phản Ứng Của Nông Dân
-Tổng
Biên Chế Quân Đội Miền Bắc
-Xây Dựng Các Công Trình Sản Xuất Chiến Lược -Cơ Sở Quân Sự và Xa lộ Chiến Lược -Xây Dựng Lực Lượng Chính Quy Bắc Việt -Xâm Chiếm Miền Nam |
Triển lãm CCRĐ – không trung thực hay quá sơ
sài?
Chân Như, phóng viên RFA
2014-09-11
09112014-ddbt-cn.mp3
Bức ảnh bữa cơm
của gia đình nông dân
Photo
by Dũng Vova
Lần đầu tiên chính
quyền CSVN cho công bố hình ảnh 60 năm cải cách ruộng đất 1946-1957 với
150 hiện vật, tư liệu, hình ảnh được trưng bày, mà theo chủ trương của cuộc
triển lãm là để “cung cấp thông tin đa chiều về một giai đoạn lịch sử đặc
biệt”.
Liệu cuộc triển lãm này có thật sự đem lại cho người
trẻ một nhận thức đúng đắn trong tiến trình giải phóng dân tộc hay không. Và đó
cũng là chủ đề cho diễn đàn tuần này cùng với sự tham gia chia sẻ của hai khách
mời là anh Lê Dũng Vova và anh Nguyễn Văn Thạnh.
Thiếu trung thực
Chân Như: Theo chủ trương của cuộc triển lãm
là “mong muốn cho thế hệ trẻ có một nhận thức đúng đắn hơn trong tiến trình
giải phóng dân tộc, là cơ hội để biết CCRĐ(cải cách ruộng đất) thực
sự là như thế nào”. Vậy theo bạn những hiện vật được trưng bày có nói lên
được đầy đủ mọi khía cạnh của Cải cách ruộng đất?
Lê Dũng Vova: Tôi là người chơi cổ vật. Qua các
nghiên cứu của cá nhân tôi về thời cải cách và quê nhà tôi là nơi có cuộc cải cách
rất là lớn thì thực ra cuộc triển lãm của Bảo tàng lịch sử trưng bày ra một số
các hiện vật, những bức ảnh, những đồ dùng không đúng với bối cảnh lịch sử.
Ví dụ họ làm ra những bức ảnh mà người ta thuyết minh
là gia đình ông gì đó ở Phú Thọ, ngày xưa kia làm thuê và bây giờ đoàn tụ. Gia
đình nông dân đó đang ngồi trong một căn nhà mà phải địa chủ thời đó mới có,
rồi dùng những đồ dùng của địa chủ.
Cái ảnh ông bố cởi trần kéo cày- hoàn toàn là những
diễn viên diễn. Không đúng với nguyên lý, vật lý. Không đúng với bối cảnh. Cái
cày đó gọi là cày 71 của nông cụ sản xuất, không phải là cày chìa vôi của thời
cải cách. Cải cách làm gì có áo may-o, những tấm áo dài của địa chủ có thêu hoa
văn chữ thọ.
Những tấm áo có
hoa văn đó không có trong địa chủ. Nhà tôi năm đời làm áo dài cho vua quan và
địa chủ mặc. Tôi đánh giá cái áo đó không phải. Tôi đồng ý là áo đó có thể phục
chế giống hay gần gống nhưng anh phải thuyết minh là ảnh minh họa, đồ minh họa
chứ không được thuyết minh là của ông địa chủ này, của ông địa chủ kia. Chất
liệu vải thời đó chưa có những loại vải hiện đại như cái áo gấm vàng người ta
đang treo ở đó.
Bức ảnh nông dân cày thay trâu tại cuộc triển lãm.
Photo by Dũng Vova
Sau khi đi xem về tôi đánh giá: họ trưng bày những
cái đó mới chỉ phô bày ra một phần trong mười phần những hiện vật thể hiện thời
cải cách. Lẽ ra họ phải trưng bày những đồ dùng của dân chúng không riêng gì
những đồ dùng mà còn cả những hình ảnh đấu tố như thế nào. Bố mẹ tôi đã từng đi
xem đấu tố, từng đi xem bắn địa chủ. Hình ảnh trói địa chủ vào gốc cây, người
ta lên đấu tố như thế nào, tát vào mặt địa chủ như thế nào thì phải có hết.
Đây là triển lãm ở qui mô Bảo tàng lịch sử quốc gia
chứ không phải qui mô của huyện của xã. Anh ở cấp cao nhất phải trưng bày những
cái trung thực với lịch sử chứ. Cuộc trưng bày triển lãm này còn có một ích lợi
rất là tốt: cho các em giới trẻ chưa có khái niệm gì về cuộc CCRĐ có điều kiện
để tìm hiểu ai là người làm cuộc CC (cải cách) đó; Tại sao có hàng mười mấy
ngàn dân Việt Nam phải bị chết trong cuộc CC đó; Tại sao thu hết tài sản ,
ruộng đất mà còn bắn họ.
Rất may tôi tìm hiểu CC từ năm tôi 10 tuổi. Tôi đã
may mắn nói chuyện với người tham gia vào CC như ông Đặng Xuân Kỳ, con của ông
Trường Chinh. Ông ta là người giúp ông Hồ làm cải cách. Ông Kỳ lấy bà Huấn
người trong họ nhà tôi nên tôi đã đến nhà ông ta và tìm hiểu CC này rất là sớm.
Tóm lại trong cái cuộc triển lãm này, tôi đánh giá là thiếu trung thực, thiếu
trách nhiệm, không dũng cảm mà còn mang tính bao biện cho sai lầm trong lịch sử
của thế hệ người đi trước. Những cái gì Bảo tàng lịch sử làm hôm nay chỉ là một
phần nhỏ và theo cá nhân tôi đánh giá thì người ta đang làm với mục đích của họ
không phải vì tôn trọng lịch sử, trung thực với lịch sử.
Những cái gì Bảo tàng lịch sử làm hôm nay chỉ là một
phần nhỏ và theo cá nhân tôi đánh giá thì người ta đang làm với mục đích của họ
không phải vì tôn trọng lịch sử, trung thực với lịch sử.
- Lê Dũng Vova
Nguyễn Văn Thạnh: Tôi đặt ra câu hỏi về cuộc
triển lãm bởi vì nó rất là lạ lẫm do CCRĐ là một sai lầm, một tội ác nhưng tại
sao họ lại làm như vậy. Theo ý kiến cá nhân tôi thì họ không triển lãm để giúp
người dân tiếp cận một giai đoạn lịch sử một cách chân thật để rồi rút ra những
bài học quí giá để phục vụ cho công cuộc kiến tạo đất nước.
Tôi nghĩ động cơ để họ làm điều này có thể là hiện
nay internet đã quá mạnh mẽ cho nên những điều lâu nay họ giấu được thì bị bạch
hóa ra. Nhất là khi tác phẩm Đèn Cù của một người có thời gian làm việc với các
lãnh tụ cao cấp là ông Trần Đĩnh đang được truyền đi với tốc độ chóng mặt. Do
vậy động cơ để họ triển lãm là bao biện cho việc CC nhằm cho người dân biết CC
là để giải quyết những bất bình trong xã hội, mang lại thành quả “Người cày có
ruộng”.
Tôi cũng thấy lạ là chủ đề triển lãm là nói đến những
khổ sở của người dân trước CC và nói đến nếp sống của địa chủ xưa mà những tấm hình
tôi cho là phục dựng chứ không đúng với tinh thần của giai đoạn lịch sử. Tôi
nghĩ là không có gì lạ khi cuộc triển lãm chương trình CCRĐ có những vấn đề
không hoàn thiện như ý kiến như anh Lê Dũng vừa mới phân tích. Dẫu sao thì tôi
cũng khôn lên khi xem tổ chức triển lãm này.
Sửa sai tới đâu?
Chân Như: Đảng Cộng sản trong CCRĐ có
lên tiếng công nhận là có lỗi và đã sửa sai. Tuy nhiên lòng người dân thì
vẫn con nhiều oán than, vì sao?
Bức ảnh bữa cơm của nhà nông tại cuộc triển lãm.
Photo by Dũng Vova
Lê Dũng Vova: Trong cuộc triển lãm có hình ảnh
cuộc họp của trung ương và khẩu hiệu của đảng nói về sửa chữa những sai lầm
trong vụ CC. Ngày xưa, từ nhỏ đã được ông bà, bố mẹ nói cho nghe về việc sửa
sai. Có những lần cuối cùng bắn địa chủ ở quê tôi thì ông Hồ và những người
giúp việc đã đi về kịp thời ngăn chặn cứu được vài người chưa bị bắn. Ông Hồ có
khóc và có nói là các cấp dưới của chúng ta đã làm sai.
Hôm qua tôi có được xem tư liệu có nói về việc sửa
sai rất là ít, chỉ có hai bức ảnh. Trên thực tế, cuộc sống của chúng tôi ở vùng
quê đã bị cải cách. Thế thì những người anh em họ hàng của chúng tôi mà có bố
mẹ bị qui là cải cách thì thực tế sửa sai thì phải xóa hết, đã lấy hết
tịch thu hết tài sản của họ rồi nhưng sau này con cái của họ sau này thời bao
cấp bị xét lý lịch, không được thi đại học, không được vào công chức nhà nước,
không được đi bộ đội, không được đi công nhân.
Trong phần xét lý lịch thì ghi thành phần là địa chủ.
Người ta có sửa sai đâu. Có sửa sai thì phải coi người ta là công dân bình
thường như những nhà không bị qui địa chủ. Như vậy sửa sai như thế nào? Những
người đã bị bắn chết oan đã được đền bù như thế nào? Con cái người ta thì đối
xử như thế nào? Những việc làm mới là quan trọng. Anh nói, anh họp, anh in ra
giấy những nghị quyết là những việc khác. Chúng tôi muốn nhìn thấy anh làm.
Chúng tôi chưa nhìn thấy anh làm thì chúng tôi thấy là anh chưa sửa sai. Điều
đó là anh có tội với lịch sử, anh có tội với dân.
Nguyễn Văn Thạnh: Tôi sinh ra ở miền Trung và
không có cảm nhận sâu sắc như anh Dũng. Tôi có đọc Tiếng Vọng Trong Đêm của
luật sư Nguyễn Mạnh Cương, trong đó luật sư có bài phát biểu nói về sai lầm của
CCRĐ. Luật sư phân tích do tính pháp trị không có. Cần sửa đổi luật pháp để bảo
vệ người dân tốt hơn. Tôi thấy phát biểu của luật sư hoàn toàn đúng đắn, thuyết
phục và văn minh nhưng rồi số phận của luật sư hết sức là bi thảm. Ông còn bị
rút phép thông công nữa.
Qua tác phẩm Đèn Cù, tôi thấy những người kiên quyết
không thực hiện sự sai lầm của đấu tố trong CCRĐ như họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm,
ông nhất quyết trả lời là ông không thể căm thù mẹ ông được. Chi bộ đảng cứ ép
ông đấu tố mẹ mình thì ông không chịu. Sau này ông đúng nhưng không được trọng
đãi. Trong khi đó ông Châu Văn Viên là người đấu tố mẹ mình rất kinh khủng
nhưng cuối cùng nhân vật này được thăng tiến đến hàm Thứ trưởng Bộ Nông ngiệp.
Tất cả những cái đó cho những người hậu thế như chúng
tôi thấy rằng chuyện sửa sai là chuyện không thành thật. Theo tôi nghĩ thì đó
là một thủ đoạn chính trị.
Chân Như: Với thực trạng của Việt Nam hiện
nay, thì việc Cải cách ruộng đất đúng nghĩa để dân cày có ruộng có là vấn đề
cấp bách không?
Lê Dũng Vova: Trước hết là có hai nội dung. Nội
dung thứ nhất là cuộc CCRĐ lần thứ nhất dựa trên luật CCRĐ do quốc hội nước
Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua trong khóa họp lần thứ III ngày 4 tháng 12
năm 1953. Tôi nghiên cứu rất rõ, từng dòng, từng mục. Tôi chưa thấy dòng nào
ghi là phải mang các địa chủ ra bắn.
Có thể cái đó chính là cái sai lầm mà ông Hồ và trung
ương đảng phải họp để kiểm điểm và để rút kinh nghiệm. Vậy bây giờ có nên làm
một cuộc CC để “dân cày có ruộng” lần thứ hai hay không. Xin thưa rằng, bây giờ
nông dân Việt Nam đang rất là cực khổ, kể cả những người đang còn ruộng và
những người đã mất ruộng đang đi khiếu kiện. Tôi thấy đầu rất khổ. Nhà tôi hiện
giờ cũng còn ruộng. Quê nhà tôi không ai còn hào hứng để cấy lúa cả. Vì sao?
Giá thành của hạt gạo, hạt thóc rất là rẻ trong khi đầu vào rất là đắt. Hằng
trăm thứ phí hợp tác xã địa phương đang thu. Đấy là những người đang có ruộng
mà còn khốn khổ như vậy. Những người còn đang mất ruộng và còn đang đi khiếu
kiện để đòi ruộng, thì còn khổ gấp hàng ngìn lần. Đói khổ, lang thang ngoài
đường hàng tháng, hàng năm nay để đi kiện đi đòi ruộng của nhà mình.
Mục tiêu của chúng ta không phải là khẩu hiệu “Dân
cày có ruộng”. Người dân đang có ruộng còn khổ. Những người mất ruộng còn điêu
đứng hơn. Vậy thì khẩu hiệu chúng ta để làm gì?
Người ta có sửa sai đâu. Có sửa sai thì phải coi
người ta là công dân bình thường như những nhà không bị qui địa chủ. Như vậy
sửa sai như thế nào?
- Lê Dũng Vova
Quần áo địa chủ tại cuộc triển lãm. Photo by Dũng
Vova
Nguyễn Văn Thạnh: Với câu hỏi của anh thì tôi
cũng xin trả lời rộng thêm một chút: Trong bối cảnh lịch sử đó, theo tôi nghĩ
chuyện CCRĐ là cần thiết bởi vì chu trình phát triển của loài người thịnh vượng
rồi thối nát. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là cách làm. Ví dụ như ở miền Nam hay ở
các nước khác có nền nông nghiệp như Nhật hay là Đài Loan họ cũng CCRĐ.
Tuy nhiên, họ không tiến hành theo cách man rợ như
đối với những người theo chủ nghĩa cộng sản. Đó là họ qui định mức hạn điền mà
mỗi người được phép sở hữu; Còn lại là họ sẽ tức hữu, họ mua rồi trả cho một
ít. Thậm chí họ còn rất là tử tế: họ tính lãi suất rồi đem ruộng tức hữu đó ra
họ chia lại cho những người tá điền mà không có ruộng. Tất nhiên là họ không
cho không mà họ bán. Tá điền không có tiền thì họ bán chịu và họ thu lại bằng
cách trả góp.
Tôi nghĩ đây là cách làm hết sức văn minh và nhân
bản. Ngay cả ở miền Nam người ta cũng tiến hành cái việc này và còn ghi trên
cái bảng là “Xin cảm ơn sự hy sinh của các điền chủ”. CCRĐ là đúng để tạo ra
công bằng cho người cày có ruộng, để họ sinh sống. Nếu mục tiêu của anh là
người cày có ruộng thì tại sao anh không lấy ruộng mà phải bắn người? Tôi nghĩ
chuyện CCRĐ ở miền Bắc rất phức tạp.
Còn ý kiến thứ hai là hiện nay có cần một cuộc CCRĐ
nữa hay không. Tôi nghĩ hoàn toàn không. Đúng là hiện nay tình trạng quan chức
họ lợi dụng vào chuyện sở hữu toàn dân để họ chiếm hữu ruộng đất. Nếu mà bây
giờ tiến hành CCRĐ thì không có lợi gì hết vì nền kinh tế bay giờ tiến lên đến
mức làm trên ruộng đồng nữa mà là nền kinh tế công nghiệp. Chỉ còn khoảng 5-10%
người dân làm nông nghiệp. Còn lại làm công nghiệp dịch vụ và các ngành nghề
sáng tạo khác.
Không thể chia ra rồi mỗi người bám lấy một mảnh đất
rồi suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Đó là nền kinh tế cách đây
50-60 năm. Giải quyết miếng ăn để tồn tại. Bây giờ là nền kinh tế toàn cầu hóa,
hiệu quả, giàu có. Nếu mà có chăng đi nữa, Việt Nam cần quay lại đúng với giá
trị phổ quát của loài người. Đó là thừa nhận quyền tư hữu ruộng đất của người
dân và thừa nhận giao dịch buôn bán của người dân.
Còn những chuyện quan chức lợi dụng pháp luật hay
người ta có những “nghệ thuật” để người ta chiếm ruộng đất thì phải điều
tra. Phải trả lại công bằng cho người nông dân. Sau khi trả lại công bằng rồi
thì phải tiến hành đo đạc, tiến hành cấp sổ đỏ cho họ và thừa nhận quyền sở
hữu.
Để làm gì? Để ruộng đất theo cơ chế thị trường sẽ
tích tụ lại đối với những người sử dụng hiệu quả nhất để tạo ra sản phẩm cho xã
hội. Người nào không có nhu cầu làm ruộng thì lấy vốn đi làm việc khác. Đây là
ý kiến của tôi.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh Lê Dũng Vova
và anh Nguyễn Văn Thạnh cho chủ đề rất đặc biệt của tuần này. Chân Như cũng cảm
ơn quí thính giả đã lắng nghe xin kính chào và hẹn gặp lại !
Chân Như cũng hy vọng các bạn trẻ đang nghe chương
trình cũng sẽ tham gia vào hội luận để hầu nêu lên chính kiến của mình, đó là
quyền bày tỏ mà mỗi con người trên trái đất này đều phải có.
Các bạn có thể gởi
email về cho Chân Như qua hoangc@rfa.org hay theo dõi Chân Như
qua facebook tại facebook.com/Channhu.rfa
Văn Hóa "Giả Vờ" ở Việt
Nam
Sống trong một đất nước lúc nào
cũng lo sợ bị "Ăn Cắp" và phải cố tập cho mình tính "Giả
Vờ"... thật là "Đau Đầu", "Nhức Óc" !!. Bài viết
phiếm luận nầy rất hay vì nói lên đầy đủ những tệ trạng của một xã hội KHÔNG
CÒN NHÂN TÍNH CON NGƯỜI.
Tôi không bênh vực
những Tiếp viên Hàng không bằng lý do ngô nghê là họ phải đút lót để đựơc có
việc làm trong Air VN, nên họ phải buôn lậu chuyển hàng ăn cắp để gỡ vốn chứ !
Mà tôi thực sự thương hại họ, vì " Quít trồng Giang Nam thì ngọt, trồng Giang
Bắc lại chua !"
Ngay khi chào đời, họ đã bị sinh ra trong một bệnh viện "ăn cắp": Bác
sĩ, Y tá "ăn cắp" phong bì của bệnh nhân, "ăn cắp" thuốc
tiêm chủng ngừa bằng cách chia phân lượng thuốc tiêm ra nhiều phần, không đủ
tiêu chuẩn, "ăn cắp" thủy tinh thể nhân tạo của Mỹ, rồi thay thế bằng
sản phẩm Ấn Độ để "ăn cắp" giá tiền sai biệt.
Khi lớn lên, họ lại đi học trong những trường học "ăn cắp": Giáo sư
"ăn cắp" công trình trí tuệ của người khác, học sinh, Sinh viên
"ăn cắp" bảng điểm, "ăn cắp" bằng cấp dỏm bằng phong bì.
Khi bắt đầu bước vào xã hội, bước đầu tiên, họ đã bị Lãnh đạo "ăn
cắp" tiền đút lót để được có việc làm, nên họ phải tiến vào quỹ đạo ăn
cắp, họ ăn cắp dự án, ăn cắp đất của nông dân, họ ăn cắp tiền phạt giao thông,
họ ăn cắp sinh mạng của người dân bằng tra tấn, nhục hình .....
Vì vậy , khi tôi nhìn thấy những cô Ca sĩ, Hoa hậu, Người mẫu, vênh váo khoe
khoang quần áo, túi xách, giầy dép hàng hiệu, xe "khủng", nhà
"khủng", tôi thương hại họ quá, họ cũng bị "ăn cắp" trinh
tiết, bị "ăn cắp" phẩm giá, anh ạ ! Tôi có con gái, và con gái
tôi may mắn, được giáo dục tại trường học phân biệt điều phải, điều trái, được
tôn trọng nhân phẩm.
Khi về Việt Nam,
nhiều lần, xe người bạn chở tôi đi, bị công an thổi còi, rồi công an vòi vĩnh,
xòe tay cầm tiền hối lộ. Tôi rơi nước mắt, họ còn nhỏ tuổi hơn con trai tôi.
Con trai tôi có công ăn việc làm, nuôi con cái bằng chính sức lao động của
mình, dạy con, làm gương cho con bằng chính nhân cách của mình . Những người
công an trẻ đó cũng bị "ăn cắp" lương tâm, phải không anh?. Khi những
người công an, đánh người, giết người, họ được bố thí trả công bằng vài bữa ăn
nhậu, chút đồng tiền rơi rớt.
Khi những phóng
viên, bẻ cong ngòi bút, viết xuống những điều trái với lương tâm, sự thật để
được bố thí trả công bằng những nấc thang chức vị, những đồng lương tanh tưởi,
nhà văn Vũ Hạnh đã gọi đó là "Bút Máu" đấy anh ơi !
Khi những quan tòa, đổi trắng thay đen, cầm cán cân công lý có chứa thủy ngân
như trong truyện cổ Việt Nam, họ cũng bị "ăn cắp" nhân tính mất rồi !
Trong xã hội,
toàn là "ăn cắp", vậy thì kẻ cắp là ai? Ai cũng biết, nhưng giả vờ
không biết, Vì Văn hóa "giả vờ" là đồng lõa cho xã hội ăn cắp.
Cán bộ lãnh lương 200 đô la một tháng, xây nhà chục triệu nhưng giả vờ" đó
là công sức lao động tay chân, và trí tuệ, hay quà tặng của cô em "kết
nghĩa"? Tôi muốn xin cô em đó cho tôi được làm "con kết nghĩa
" của cô ta quá. Thế mà có những Lãnh đạo, Ủy viên Trung Ương Đảng, Đại
biểu Quốc Hội, Ban Nội Chính, Ủy Ban Điều Tra, Quan Tòa "Thiết Diện Vô
Tư", Phóng viên Lề phải, Thành Đoàn, Quân Đội Nhân Dân, Chiến sĩ Công An,
Trí thức Yêu Nước, Việt Kiều Yêu Nước sẽ sẵn sàng giả vờ tin vào quà tặng của
"cô em kết nghĩa" đó!
Còn có thể trong
tương lai, sẽ có nhiều quan chức sẽ nhận được nhà "khủng", quà tặng
của ông anh kết nghĩa, bà chị kết nghĩa, ông bố kết nghĩa, ông cố nội kết
nghĩa, khi không tìm ra con người nữa, sẽ tiếp theo con chó kết nghĩa, con trâu
kết nghĩa nữa ...
Công chúa mặc áo đầm hồng, ưỡn ẹo trên đôi giày cao gót hồng, đi thị sát công
trường xây dựng, theo sau là một đoàn Chuyên viên già tuổi tác, thâm niên công
vụ, nhưng ai nấy vui vẻ, hớn hở, giả vờ Công chúa là một Chủ tịch tài năng
thiên phú, không cần đi học, không cần kinh nghiệm gì cả . Y như tên nhóc
Bắc Hàn mặt búng ra sửa Ủn Ỉn, và đoàn tùy tùng Tướng già của thằng con nít đó
vậy ...
Toàn đảng đều "giả vờ" tin rằng các Hoàng tử, Công chúa đều là thiên
tài không đợi tuổi, mặt trẻ ranh mà nhảy lên ngồi trên đầu các nhà cách mạng
lão thành, và ai nấy đều "giả vờ" tán tụng khen thơm như múi mít !.
Thượng bất chính, hạ tắc loạn:
"Thanh tra, thanh mẹ, thanh gì?
Hễ có phong bì thì Nó "Thank you"!
Văn Hóa "Giả Vờ" ở Việt
Nam
|
|
Sống trong một đất nước lúc nào
cũng lo sợ bị "Ăn Cắp" và phải cố tập cho mình tính "Giả
Vờ"... thật là "Đau Đầu", "Nhức Óc" !!. Bài viết
phiếm luận nầy rất hay vì nói lên đầy đủ những tệ trạng của một xã hội KHÔNG
CÒN NHÂN TÍNH CON NGƯỜI.
|
Ngay khi chào đời, họ đã bị sinh ra trong một bệnh viện "ăn cắp": Bác sĩ, Y tá "ăn cắp" phong bì của bệnh nhân, "ăn cắp" thuốc tiêm chủng ngừa bằng cách chia phân lượng thuốc tiêm ra nhiều phần, không đủ tiêu chuẩn, "ăn cắp" thủy tinh thể nhân tạo của Mỹ, rồi thay thế bằng sản phẩm Ấn Độ để "ăn cắp" giá tiền sai biệt.
Khi lớn lên, họ lại đi học trong những trường học "ăn cắp": Giáo sư "ăn cắp" công trình trí tuệ của người khác, học sinh, Sinh viên "ăn cắp" bảng điểm, "ăn cắp" bằng cấp dỏm bằng phong bì.
Khi bắt đầu bước vào xã hội, bước đầu tiên, họ đã bị Lãnh đạo "ăn cắp" tiền đút lót để được có việc làm, nên họ phải tiến vào quỹ đạo ăn cắp, họ ăn cắp dự án, ăn cắp đất của nông dân, họ ăn cắp tiền phạt giao thông, họ ăn cắp sinh mạng của người dân bằng tra tấn, nhục hình .....
Vì vậy , khi tôi nhìn thấy những cô Ca sĩ, Hoa hậu, Người mẫu, vênh váo khoe khoang quần áo, túi xách, giầy dép hàng hiệu, xe "khủng", nhà "khủng", tôi thương hại họ quá, họ cũng bị "ăn cắp" trinh tiết, bị "ăn cắp" phẩm giá, anh ạ ! Tôi có con gái, và con gái tôi may mắn, được giáo dục tại trường học phân biệt điều phải, điều trái, được tôn trọng nhân phẩm.
Khi những quan tòa, đổi trắng thay đen, cầm cán cân công lý có chứa thủy ngân như trong truyện cổ Việt Nam, họ cũng bị "ăn cắp" nhân tính mất rồi !
Trong xã hội, toàn là "ăn cắp", vậy thì kẻ cắp là ai? Ai cũng biết, nhưng giả vờ không biết, Vì Văn hóa "giả vờ" là đồng lõa cho xã hội ăn cắp.
Cán bộ lãnh lương 200 đô la một tháng, xây nhà chục triệu nhưng giả vờ" đó là công sức lao động tay chân, và trí tuệ, hay quà tặng của cô em "kết nghĩa"? Tôi muốn xin cô em đó cho tôi được làm "con kết nghĩa " của cô ta quá. Thế mà có những Lãnh đạo, Ủy viên Trung Ương Đảng, Đại biểu Quốc Hội, Ban Nội Chính, Ủy Ban Điều Tra, Quan Tòa "Thiết Diện Vô Tư", Phóng viên Lề phải, Thành Đoàn, Quân Đội Nhân Dân, Chiến sĩ Công An, Trí thức Yêu Nước, Việt Kiều Yêu Nước sẽ sẵn sàng giả vờ tin vào quà tặng của "cô em kết nghĩa" đó!
Công chúa mặc áo đầm hồng, ưỡn ẹo trên đôi giày cao gót hồng, đi thị sát công trường xây dựng, theo sau là một đoàn Chuyên viên già tuổi tác, thâm niên công vụ, nhưng ai nấy vui vẻ, hớn hở, giả vờ Công chúa là một Chủ tịch tài năng thiên phú, không cần đi học, không cần kinh nghiệm gì cả . Y như tên nhóc Bắc Hàn mặt búng ra sửa Ủn Ỉn, và đoàn tùy tùng Tướng già của thằng con nít đó vậy ...
Toàn đảng đều "giả vờ" tin rằng các Hoàng tử, Công chúa đều là thiên tài không đợi tuổi, mặt trẻ ranh mà nhảy lên ngồi trên đầu các nhà cách mạng lão thành, và ai nấy đều "giả vờ" tán tụng khen thơm như múi mít !. Thượng bất chính, hạ tắc loạn:
"Thanh tra, thanh mẹ, thanh gì?
Hễ có phong bì thì Nó "Thank you"!
Cải cách ruộng đất tại miền Bắc 1953–1956. (http://vi.wikipedia.org)
Trích đoạn wikipedia.org Cải_cách_ruộng_đất_tại_miền_Bắc_Việt_Nam
Toà
án Nhân dân đặc biệt (Nông dân thi hành luật pháp)
Nguồn hình: Rot leuchtet der Song Cai
Nguồn: Franz
Faber, Rot leuchtet der Song Cai (Đèn đỏ Sông cái), 1955
Kongress – Verlag Berlin.
Gương mặt người chủ cũ (hình
trên). Cả làng tham gia (hình dưới).
Nguồn hình: Rot leuchtet der Song Cai
sau đấu tố là hành quyết tại chỗ
một cảnh thường thấy
trong thời kỳ đấu tố
cảnh đấu tố một địa chủ
cuộc họp tW đảng nhận sai lầm
chủ tịch Hồ Chí Minh khóc khi đấu tố
sai lầm
bài báo tự phê bình của Hồ Chí Minh
trên báo cứu quốc
Căn cứ vào “Nguồn tài liệu: Cục lưu trử quốc gia
Nga”:http://www.rusarchives.ru/evants/exhibitions/vietnam1/22.shtml
Экспонаты историко-документальной выставки
“Советско-вьетнамское экономическое и научно-техническое
сотрудничество. 1950 – 1990 гг.”
Письмо Хо Ши Мина И.В.Сталину. 1952 г.
Архив Президента РФ
Архив Президента РФ
Hồ Chí Minh &
Joseph Staline
với nội dung bản chuyển dịch
Bức thư trên như sau:
Đồng chí Stalin thân mến:
Xin gửi ngài chương trình cải cách ruộng đất của Đảng
lao động Việt Nam. Chương trình hành động được lập bởi chính tôi dưới sự giúp
đỡ của đồng chí Lưu Shao Shi, Văn Sha San.
Đề nghị ngài xem xét và cho chỉ dẫn.
Gửi lời chào cộng sản.
Hồ Chí Minh, 31/10/1952
Chương trình cải cách ruộng đất
được áp dụng qua bốn bước chính:
[sửa]Huấn luyện cán bộ
Các
cán bộ Đảng Lao động tham gia cải cách ruộng đất được đưa đi học khóa Chỉnh
huấn 1953, và một số được đưa đi huấn luyện
tạiTrung Quốc [cần dẫn nguồn]. Các
chương trình học tập nhằm giúp cán bộ nắm vững đường lối của đảng trong cải
cách ruộng đất, quán triệt quan điểm: "trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc
tận rễ" [cần dẫn nguồn].
Tổng số cán bộ được điều động vào công tác là 48.818 người.
[sửa]Chiến dịch Giảm tô
Bước
đầu, các đội cán bộ cải cách ruộng đất đi vào các làng xã và áp dụng chính sách
"3 Cùng" (cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm) với các bần cố nông trong làng
xã đó, kết nạp họ thành "rễ", thành "cành" của đội, sau đó
triển khai chiến dịch từng bước như sau:
§ Phân định thành phần:
Đội Cải cách Ruộng đất ra mắt làng xã, và tất cả các gia đình trong xã được họ
phân loại thành 5 thành phần: (a) địa chủ; (b) phú nông; (c) trung nông cứng -
sở hữu 1 con bò, 1 con lợn, 1 đàn gà; (d) trung nông vừa - sở hữu 1 con lợn, 1
đàn gà; (e) trung nông yếu - sở hữu 1 đàn gà hay không có gì cả; (f) bần nông;
(g) cố nông. Gia đình có 2 con lợn đã có thể gọi là phú nông. Tỷ lệ địa chủ
được quy định trước là 5,68% dân số nông thôn và các đoàn và đội cải cách đều
cố truy bức để đôn tỷ lệ địa chủ lên 5% như một quy định bắt buộc, gọi là
"kích thành phần".
§ Phân loại địa chủ:
Tất cả các gia đình bị xếp vào thành phần địa chủ như nói trên được đội cải
cách phân loại thêm một lần nữa thành (a1) Địa chủ gian ác; (a2) Địa chủ
thường; (a3) Địa chủ có ủng hộ kháng chiến. Thành phần địa chủ gian ác bị đội
cải cách bắt ngay lập tức và quản thúc.
§ Áp dụng thoái tô:
Đối với các gia đình có địa chủ bị bắt nói trên, đội cải cách thông báo với họ
về các sắc lệnh giảm tô của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bao gồm: sắc
lệnh giảm tô xuống còn 25% vào tháng 11 năm 1945, sắc lệnh số 87/SL năm 1952 và 149/SL năm 1953 giảm tô thêm 25%. (Tại miền
Bắc, tô hay địa tô là tiền thuê ruộng mà tá điền phải trả cho địa chủ sau mùa
gặt, có thể trả bằng thóc.) Căn cứ theo đó, địa chủ nào chưa giảm tô cho nông
dân thì bây giờ phải trả số nợ đó — gọi là "thoái tô". Nếu không trả
đủ nợ thì tài sản bị tịch thu, phân phát do nông dân. Sau bước này, hầu hết gia
đình địa chủ lâm vào hoàn cảnh khánh kiệt, nhiều người đến chỗ tự sát — vì nếu
sống trong vùng kiểm soát của Pháp thì không biết gì về các sắc lệnh của nhà
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[6]
§ Học tập tố khổ, lùng
bắt địa chủ: Các bần nông, cố nông, "chuỗi", "rễ"
được đội cải cách cho học lớp tố khổ do họ mở, qua đó học viên được nhận dạng
các tội ác của địa chủ, và được khuyến khích nhớ ra tội ác của từng địa chủ đã
bóc lột họ như thế nào. Sau khi học qua lớp tố khổ nhiều bi kịch xảy ra: con tố
cha, vợ tố chồng... Du kích và cốt cán cải cách ruộng đất tìm bắt địa chủ, việt
gian, thậm chí họ "vác súng vào thành phố lùng bắt địa chủ và con cái địa
chủ là cán bộ công nhân viên chức nhà nước".[7]
§ Công khai đấu tố:
Các buổi đấu tố được tổ chức, thông thường vào ban đêm. Số lượng người tham gia
đấu tố được huy động từ vài trăm đến cả ngàn người, và thời gian đấu tố từ một
đến ba đêm tùy theo mức độ tội trạng của địa chủ. Trong đêm đấu tố, các bần
nông bước ra kể tội địa chủ đã bóc lột họ như thế nào. Tại các tỉnh có tổ chức
cải cách ruộng đất, Đảng Lao động cho ra tờ báo lấy tên là Lá Rừng (ngụ
ý tội ác địa chủ nhiều như lá rừng) tường thuật chi tiết các vụ đấu tố. Sau khi
bị đấu tố các địa chủ được tạm giam trở lại để chờ tòa án nhân dân xét xử, cũng
có người bị đánh chết ngay trong lúc đấu tố[cần dẫn nguồn]. Gia
đình và thân nhân người bị đấu tố thì bị cô lập, bị bỏ đói và chịu nhiều sự
phân biệt đối xử và nhục hình.
§ Xử án địa chủ:
Tại các huyện, một tòa án nhân dân đặc biệt được lập ra và đi về các xã xét xử
các địa chủ. Sau khi kết án, địa chủ bị xử bắn trước công chúng do đội tự vệ xã
hành quyết. Những người không được xử bắn thì bị cô lập trong các làng xã, một
số bị thiệt mạng vì bị bỏ đói.
Tổng
cộng có tám đợt giảm tô từ 1953 đến 1956 tiến hành tại 1.875 xã.
Chiến dịch Cải cách
Ruộng đất
Nhiều
tháng sau khi Chiến dịch Giảm tô được triển khai, chương trình Cải cách Ruộng
đất chính thức bắt đầu, với hình thức tương tự nhưng trên địa bàn rộng lớn hơn,
và các gia đình địa chủ có thành tích kháng chiến, kể cả các gia đình có đảng
viên, cán bộ, bộ đội phục vụ trong kháng chiến cũng bị đấu tố. Tổng cộng có năm
đợt cải cách ruộng đất từ 1953 đến 1956 tiến hành tại 3.314 xã. Người
đầu tiên bị buộc tội chết trong cải cách ruộng đất là một phụ nữ, bà Nguyễn Thị
Năm ở Thái Nguyên, bà là địa chủ kháng chiến
có nhiều công lao lớn với cách mạng Việt Nam. [8]
Tổng
cộng có 6 đợt lớn cải cách ruộng đất. Từ cuối năm 1954, dưới sức ép của cố vấn Trung Hoa, chiến dịch cải cách ruộng
đất bắt đầu được đẩy mạnh và nhanh, với cường độ lớn. Từ giữa năm 1955 ở một số
nơi đã xuất hiện hiện tượng đấu tố tràn lan, mất kiểm soát. Từ đó đến cuối năm
1955, cảnh đấu tố địa chủ xảy ra tràn lan, nhiều lúc chỉ đơn thuần bằng một lời
tố giác đơn giản, những thành viên trong tòa án nhân dân cũng có thể xử tử hình
hay tù khổ sai đối với người bị tố giác. Đã xuất hiện tình trạng lạm dụng quyền
hành của các cán bộ đội viên đội công tác ruộng đất trong công tác đất đai. Họ
đấu tố mọi nhà, đấu tố mọi người, nhưng lại quên đấu tố bản thân. Số người chết
trong đợt này là rất lớn, trong đó số người chết oan chiếm tỷ lệ cao. Quyết
liệt nhất là ở Thái Bình, nơi có đến 294 xã được đưa
vào cải cách.
Theo
tài liệu của Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 11 năm
1953, Hội nghị Ban chấp hành trung ương đảng lần thứ 5 quyết định tiến hành
việc cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam. Từ năm 1953 tới 1957, 810.000 hécta ruộng đất ở đồng bằng và
trung du miền Bắc đã được chia cho 2 triệu hộ nông dân, chiếm khoảng 72,8% số
hộ nông dân ở miền Bắc. Trong khi đó, phân bố ruộng đất miền Bắc trước năm 1945, chỉ có 4% dân số đã chiếm hữu tới
24,5% tổng số ruộng đất.
Tuy
nhiên, ở một góc độ khác việc thực hiện cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam
đã gây ra nhiều hậu quả to lớn. Đã có rất nhiều người bị đấu tố oan. Theo tài
liệu của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều nông dân trong tầng lớp trung nông đã bị
đấu tố là địa chủ và việc đấu tố oan là do "bị địch lũng đoạn". Những
sai lầm này, như đã được đề cập đến trong bài phát biểu tháng 10 năm 1956 tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của giáo
sư, luật sư Nguyễn Mạnh Tường,[6] đã làm Đảng Cộng sản
Việt Nam bị mất uy tín đối với nhiều người dân.
[sửa]Chiến dịch Sửa sai
Trong
tuyên bố của hội nghị TƯ 10, tháng 9/1956 đã nghiêm khắc phê bình:"Giai
đoạn vừa qua có nhiều sai lầm và khuyết điểm. Đặc biệt là trong cuộc cải cách
nông nghiệp và điều chỉnh tổ chức. Hội nghị TƯ lần thứ 10 đã phân tích chi tiết
các khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân và thống nhất những biện pháp khắc phục.
Hội nghị thừa nhận nguyên nhân của những khuyết điểm là sự yếu kém của bộ máy
lãnh đạo. Vì thế Ban chấp hành TƯ nhận khuyết điểm của mình. Các ủy viên tham
gia trực tiếp đã kiểm điểm trước TƯ theo tinh thần tự phê, và chấp nhận những
hình thức kỷ luật nghiêm khắc."
Do
nhận định chiến dịch Cải cách Ruộng đất giết lầm nhiều người vô tội và gây ra
chống đối mạnh trong dân chúng, Đảng Lao động Việt Nam và chính phủ tiến hành các
bước sửa sai như sau:
§ Tháng
2 năm 1956, Hội nghị Trung ương đảng lần thứ
9 tuyên bố các sai lầm trong cải cách ruộng đất.
§ Tháng
3 năm 1956, Quốc hội họp lần thứ 4 tường trình bản báo cáo các sai lầm và biện
pháp sửa sai.
§ Ngày
18 tháng 8 năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào và cán bộ nhìn
nhận sai lầm và cho biết Trung ương đảng và chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm
các sai lầm.
§ Ngày
24 tháng 8 năm 1956, báo Nhân Dân công bố có một số
đảng viên trung kiên đã bị hành quyết sai lầm trong chiến dịch Cải cách Ruộng
đất.
§ Tháng
9 năm 1956, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương đảng (họp từ 25/8 đến
24/9/1956) nhận định các nguyên nhân đưa đến sai lầm, và thi hành biện pháp kỷ
luật đối với Ban lãnh đạo chương trình Cải cách Ruộng đất như sau: ông Trường Chinh phải từ chức Tổng Bí
thư đảng, hai ông Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương ra khỏi Bộ Chính trị[9], và ông Hồ Viết Thắng bị loại
ra khỏi Chấp hành Trung ương đảng.
§ Ngày
29 tháng 10 năm 1956, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người không tham gia
trực tiếp vào sai lầm chương trình Cải cách Ruộng đất, thay mặt chủ tịch nước
đọc bản báo cáo của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương đảng tại nhà hát lớn Hà Nội, kê khai sai lầm và
phát động chiến dịch sửa sai, phục hồi các chức vụ tài sản cho cán bộ, bộ đội
bị đấu tố.
Theo
tổng kê đến tháng 9 năm 1957, thì chiến dịch sửa sai phục hồi
khoảng 70-80% số người bị kết án, chỉ trả lại số ít[cần dẫn nguồn]. Nếu
đã chết thì vợ con hay thân nhân được bồi thường rất ít tài sản[cần dẫn nguồn].
Theo báo Nhân Dân thì chiến dịch sửa sai cũng gây thêm chết
chóc khi các đảng viên được phục hồi trả thù những người đã đấu tố họ oan ức,
hoặc chưa kịp trả thù thị bị thủ tiêu trước để tránh việc trả thù.
Phong
trào trả thù bằng bạo động lan rộng khiến nhà chức trách phải dùng quân đội
trấn áp. Ở Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, có bản báo cáo ghi nhận 20.000
nông dân mang gậy gộc chống lại quân đội khi chính quyền dùng vũ lực để tái lập
trật tự.[10]
Tuy
nhiên, theo nhiều nhân chứng, việc sửa sai chỉ đơn thuần là phục hồi đảng tịch,
quy lại thành phần (từ địa chủ, phú nông trở lại thành trung nông) chứ không hề
có trả lại tài sản, nhà đất. Đến năm 2004, theo báo Hà Nội Mới, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội
mới ra quyết định trợ cấp cho một số trường hợp bị qui sai thành phần và có tài
sản bị trưng thu, trưng mua trong thời kì Cải cách Ruộng đất với mức ba triệu đồng
một trường hợp. [1]
Những
thành tích và sai lầm trong chiến dịch
[sửa]Thành tích
Cuộc
cải cách đã phân chia lại đất canh tác một cách công bằng cho đa số nông dân
Bắc Bộ. Từ năm 1953 tới 1957, 810.000 hécta ruộng đất ở đồng bằng và trung du
miền Bắc đã được chia cho 2 triệu hộ nông dân, chiếm khoảng 72,8% số hộ nông
dân ở miền Bắc. Trong khi đó, phân bố ruộng đất miền Bắc trước năm 1945, chỉ có
4% dân số đã chiếm hữu tới 24,5% tổng số ruộng đất.[11]
[sửa]Sai lầm chung
§ Đánh
giá sai lầm về tình hình khác biệt giữa nông thôn Trung Quốc và Việt Nam, quá
tin tưởng và chịu sức ép của các cố vấn Trung Quốc. [cần dẫn nguồn]
§ Yếu
tố bạo lực có nguồn gốc bột phát từ hận thù giai cấp và cá nhân đã được tích
lũy bao đời nay trên những cánh đồng lúa. Địa chủ trở thành chỗ cho dân nghèo
trút cơn giận dữ vì cuộc sống khó khăn của họ, số khác thì vì ghen tức với tài
sản của địa chủ. Cộng với trình độ nhận thức thấp của đa số cán bộ cấp xã thời
bấy giờ, dẫn tới nhiều trường hợp oan sai, lợi dụng trả thù cá nhân, và các
hành vi bạo lực trong các cuộc đấu tố. Hậu quả của những hành động này nhiều
khi rất bi thảm, nhưng có thể nhìn nhận như những sản phẩm phụ không thể tránh
khỏi của bất cứ cuộc cách mạng nào[12]
§ Đánh
giá sai và nâng sản lượng, nâng thuế lên quá cao, quá sức người dân. Như ở Hà Tĩnh, có những mẫu ruộng tính sản
lượng là 32, 35 tạ một mẫu ta. Khá nhiều ruộng tốt được tính sản lượng ít nhất
phải 25, 28 tạ. Trong khi đó như ở Liên Xô, theo ông Đặng Thái Mai: "ở LX cũng mới trù
tính việc tăng năng suất các miền ruộng có thủy lợi (terres-irriguées) cho đến
mức 40-50 tạ một hectare. Như vậy là với phương tiện kỹ thuật, nhân công, tổ
chức của nông nghiệp Liên Xô, mà trong 4 năm nữa người ta mới yêu cầu tới mức
20 hay 25 tạ nửa hectare, nghĩa là còn hơn một mẫu ta...". [13]
§ Chiến
dịch càng lên cao điểm càng mất kiểm soát dẫn đến tình trạng vô chính phủ,
nhiều oan sai và cô lập, đối xử nhục hình với gia đình người bị đấu tố. Hơn 70%
người bị quy vào thành phần địa chủ và phú nông là quy sai. Điển hình như:
§ Trường
hợp tử hình bà Nguyễn Thị Năm, chủ hiệu Cát Thanh Long
ở Hà Nội, mẹ nuôi của Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng và Trường Chinh, có con trai một là trung
đoàn trưởng một trung đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong Tuần
Lễ Vàng, gia đình bà cũng đã hiến 100 lạng vàng cho chính quyền mới thành lập. [2]
§ Trường
hợp thiếu tướng Vương Thừa Vũ, tư lệnh Đại đoàn 308,
nguyên tư lệnh mặt trận Hà Nội năm 1946, chủ tịch Ủy ban quân quản Hà Nội bị các cán
bộ cải cách bắt ở ngoại thành Hà Nội vì có người đấu tố ông là "địa chủ,
có xuất thân là tư sản, lập trường chính trị không rõ ràng". [cần dẫn nguồn]
§ Các
cháu nội của cụ Phan Bội Châu, trong đó có một người là
Trung đội trưởng, nhà nghèo, 3 sào đất cho 3 mẹ con, nhưng cũng bị quy là địa
chủ. [cần dẫn nguồn]
§ Đặc
biệt có cụ phó bảng Đặng Văn Hướng, bộ trưởng phụ trách
Thanh - Nghệ - Tĩnh trong chính phủ Hồ Chí Minh bị đấu tố chết tại quê nhà Diễn
Châu. [14]
§ Ngoài
việc tịch thu nhà đất của những người bị quy là địa chủ, những mục đích khác
của chiến dịch không đạt được. Thực tế đau buồn khác là kết quả của cuộc cải
cách ruộng đất lại không như người nông dân mong đợi khi ngay sau đó: vụ mùa
năm 1957 được đánh giá là thất thu.
§ Cuộc
đấu tố và cô lập, lùng bắt địa chủ và con cái của họ đã gây một không khí kinh
hoàng tại nông thôn miền Bắc thời ấy. [cần dẫn nguồn]Giết
lầm nhiều người vô tội và gây ra chống đối mạnh trong dân chúng, mất tin tưởng
vào Đảng Cộng sản và nhà nước, gây chia rẽ trong nhiều thế hệ. [cần dẫn nguồn]
[sửa]Sai lầm trên phương diện pháp lý
Theo
bài diễn văn luật sư Nguyễn Mạnh Tường đọc tại cuộc họp
Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội ngày 30 tháng Mười 1956, cuộc cải cách ruộng đất được
thực hiện với phương châm "thà chết 10 người oan còn hơn để sót một
địch"; phương châm này đi ngược lại với quy tắc cơ bản của pháp luật,
trong trường hợp này là "thà 10 địch sót còn hơn một người bị kết án
oan". Cụ thể các quy tắc pháp lý đã bị xâm phạm là:
§ Không
xử phạt các tội đã phạm quá lâu đến hiện tại mới điều tra ra.
§ Trách
nhiệm của phạm nhân thì chỉ một mình phạm nhân chịu, không quy kết cho vợ con,
gia đình.
§ Muốn
kết án một người phải có bằng chứng xác đáng.
§ Thủ
tục điều tra, xét xử phải bảo đảm quyền lợi của bị can. Bị can có quyền nhờ
luật sư bào chữa. Phải tôn trọng bị can trong quá trình truy tố và xét xử; khi
bị can ra trước tòa không được xiềng xích và không được dùng nhục hình.
Các
nguyên nhân sai lầm được cho là: quan điểm ta-địch, thù-bạn của chính quyền
đương nhiệm rất mơ hồ; chính quyền bất chấp pháp luật, lấy chính trị lấn át
pháp lý; bất chấp ý kiến của giới chuyên môn.[6]
[sửa]Số người bị đấu tố
Tổng
cộng chiến dịch Giảm tô tịch thu của địa chủ, phú nông 31.110 tấn thóc tô, 15.475
ha ruộng, 8.246 trâu bò. Tổng cộng chiến dịch Cải cách Ruộng đất tịch thu của
địa chủ 810.000 ha ruộng, 106.448 trâu bò, 1.846.000 nông cụ, 148.565 ngôi nhà.
Số tài sản này được phân chia cho 2.104.138 hộ bần nông, trung bình mỗi hộ được
0,38 ha, 0,87 nông cụ, 0,071 ngôi nhà. Giai
cấp địa chủ hoàn toàn bị tiêu diệt tại
miền Bắc. [cần dẫn nguồn]
Số
lượng người bị giết trong chương trình Cái cách Rộng đất là không thể thống kê
chính xác và còn gây tranh cãi. Nhưng theo chủ trương ở một số địa phương phải
tìm cho ra tỷ lệ 5% địa chủ, "Việt gian" để mang ra đấu tố[3] thì con số sẽ không ít.
Theo
nhiều nguồn tin khác nhau, số lượng người bị giết dao động khá lớn:
§ Theo
Bernard Fall thì không thể biết chính xác con số, nhưng ít nhất khoảng 50.000
người bị giết và 100.000 người bị bắt giam[15](cần số trang).
§ Theo
Tibor Mende, khoảng 15.000 người bị giết. [cần dẫn nguồn]
§ Theo
Tiến sĩ Võ Nhân Trí, dựa trên tài liệu văn khố Trung ương đảng[cần dẫn nguồn], thì
khoảng 15.000 người bị giết.
§ Theo
tuần báo Time ngày 1 tháng 7 1957 thì khoảng 15.000 người bị
giết. [16]
§ Theo
Gareth Porter: từ 800 đến 2500; theo Edwin E. Moise (sau một công cuộc nghiên
cứu sâu rộng hơn): vào khoảng 5.000. Theo giáo sư sử học James P. Harrison: vào
khoảng 1500 cộng với 1500 bị cầm tù[17]
§ Ông
Vũ Thư Hiên, trong cuốn ' thì cho rằng con số nạn nhân là ít hơn con số năm chục vạn của ông Tín
rất nhiều, tuy vậy ông chỉ có thể ước tính, chứ không có số liệu hoặc tài liệu
nào cụ thể:
"Người
ta thường nói tới con số khoảng 15.000 người. Tôi nghĩ con số có thổi phồng.
Trong tài liệu của Bernard Fall và Wesley Fishel con số còn được đẩy tới
50.000. Nếu tính tổng số xã đã cải cách ruộng đất là khoảng 3.000, mỗi xã có
trung bình một hoặc hai người bị bắn, bị bức tử, bị hãm cho chết đói, (những xã
có số người bị bắn lên tới ba hoặc bốn rất ít gặp, có những xã không có ai bị)
thì số người chết oan (kể cả trong Chỉnh đốn Tổ chức, tính cả người bị bức tử)
nằm trong khoảng từ 4.000 đến 5.000 người. Nói chung, đó cũng là đoán phỏng.
Chẳng bao giờ chúng ta biết được con số chính xác nếu không có một cuộc điều
tra khoa học." [cần dẫn nguồn]
§ Thống
kê chính thức của nhà nước Việt Nam được đăng trong cuốn Lịch sử kinh
tế Việt Nam (tập hai) cho biết là đã có 172.008 người bị quy vào thành
phần địa chủ và phú nông (trong đó có 123.266 người bị quy sai, hơn 70%, tức là
bị oan). Theo quan điểm của những người thực hiện cuộc cải cách ruộng đất, đây
là những người bị xếp vào loại kẻ thù của nhân dân, bị "đào tận gốc, trốc
tận rễ". Điều này đồng nghĩa với việc họ có thể bị bắn tại chỗ, hoặc bị
lãnh án tù. [cần dẫn nguồn]
Về
thành phần của con số 172.008 nạn nhân này, bảng thống kê ghi như sau: Địa chủ
cường hào gian ác : 26.453 người, trong đó 20.493 người bị oan (77,4%).
Địa chủ thường : 82.777 người, trong đó 51.480 người bị oan (62%). Địa chủ
kháng chiến : 586 người, trong đó 290 bị oan (49%). Phú nông : 62.192
người, trong đó 51.003 người bị oan (82%). Tổng cộng : 172.008 nạn nhân,
trong đó 123.266 người bị oan : 71,66%. Con số địa chủ kháng chiến theo
thống kê trên là 586 người, trong khi theo báo cáo của Bộ chính trị Đảng Cộng
sản Việt Nam tháng 10 năm 1956 thì riêng tổng số đảng viên bị "xử
trí" lên tới 84.000 người. Số lượng này chưa kể đến thân nhân, gia đình
của những người bị quy sai, cũng bị cô lập và đối xử phân biệt.
Theo
giáo sư Lê Xuân Khoa thì chương trình Cải
cách Ruộng đất là một trong ba nguyên nhân chính đưa đến cuộc di tản 1954. Ngoài ra, ông nhận
định lượng lúa gạo sản xuất ở đồng bằng sông Hồng bị giảm sút
trầm trọng trong những năm cải cách ruộng đất và ngay sau đó. Tuy nhiên, nhận
định này khác rất nhiều với các ý kiến, nhận định về cuộc di cư năm 1954 trong
các sách chính thức về lịch sử ở Việt Nam hiện nay.
Đời Mồ
Côi
Em sinh
ra đã không hề biết mẹ
Hàng
ngày Em theo chị để ăn xin
Ngày
đầu đường đêm ghế đá công viên
Sống
lay lắt nhờ đồng tiền thiên hạ.
Nhiều
khi đói sữa thay bằng nước lã
Hai chị
em vật vã dạ cồn cào
Dế ve
Sầu nướng lót dạ đêm thâu
Mong
trời sáng xin cơm thừa hàng quán.
Cha
chết sớm mẹ bị người ta bán
Sang bên
Tàu vào động bán dâm
Nhà cửa
ruộng nương
Đảng
qui hoạch chẳng bồi thường
Nghe
người nói cán bộ phường chia chác
Mình
sống được nhờ tấm lòng cô bác
Nín đi
nào chị sẽ hát ầu ơ
Mất mẹ
cha đời đói rét bơ vơ
Đừng
khóc nữa em thơ xin hãy hiểu.
Chuyện
xui xẻo đẩy đưa đời cô lựu
Chị bị
tông xe nằm ngất bên đường
Khi mọi
người đưa chị đến nhà thương
Chị đã
chết từ trên đường nhập viện.
Kẻ tông
chị là đảng viên say xỉn
Sợ liên
quan chúng đã biến vào đêm
Hết họ
hàng giờ chỉ còn mình em
Nên ánh
mắt mới buồn lên đến thế.
Anh xin
lỗi mấy tháng rổi mới kể
Chỉ
mong sao ánh mắt bé vơi buồn
Trẻ ăn
mày không được đảng yêu thương
Nhưng
còn có những trại cô nhi viện
Uyển Thi
danlambaovn.blogspot.com
MUA ĐÀN
BÀ VN : Không ưng được đổi lại
http://m.9gag.com/gag/6699050
Toà
án Nhân dân đặc biệt (Nông dân thi hành luật pháp)
Nguồn hình: Rot leuchtet der Song Cai |
Nguồn hình: Rot leuchtet der Song Cai
một cảnh thường thấy trong thời kỳ đấu tố
cảnh đấu tố một địa chủ
cuộc họp tW đảng nhận sai lầm
chủ tịch Hồ Chí Minh khóc khi đấu tố sai lầm
bài báo tự phê bình của Hồ Chí Minh trên báo cứu quốc
“Советско-вьетнамское экономическое и научно-техническое
сотрудничество. 1950 – 1990 гг.”
Письмо Хо Ши Мина И.В.Сталину. 1952 г.
Hồ Chí Minh & Joseph Staline
Đề nghị ngài xem xét và cho chỉ dẫn.
Gửi lời chào cộng sản.
Đây là thời đại siêu xa
lộ tin tức, đâu phải chúng muốn làm gì thì làm.
Linh
Nguyên
Cán Ngố Gộc đi thanh tra kiểm soát ....Pó tay pó tay ! hết ý hết ý
Cùng nếm, ngửi, gõ với
các bộ trưởng: Kim Tiến - Khôi Nguyên - La Thăng:
Chị Kim Tiến, bộ chưởng Y tế đi kiểm tra thực phẩm ở chợ
Anh Phạm Khôi Nguyên, bộ chưởng bộ Tài Nguyên và
Môi trường và bầu đoàn đi kiểm tra chất lượng môi trường"
Chỉ bọn quan chức
Việt Nam mới có hành động kỳ quặc và ngu xuẩn thế này!
Ối trời ơi là ông Tiến sĩ
! Ông nghè Phạm Khôi Nguyên ơi
Anh Đinh La Thăng,
bộ chưởng bộ Rao Thông đi kiểm tra độ lún của mặt đường
CHÂN
DUNG 'CÁC ĐẦY TỚ NHÂN DÂN'
Ngạo
mạn, dâm ô chính là Lê Duẩn
Già
mà lắm con là lão Đỗ Mười
Mưu
mô quỷ quyệt là Lê Đức Anh
Nhẫn
nhục sống lâu là Võ Nguyên Giáp
Chưa
nói đã cười là Nguyễn Minh Triết
*
Giả
danh Mác xít là Lê Khả Phiêu
Tham nhũng đớn hèn là cậu y tá (Nguyễn Tấn Dũng)
Ác thú lộng hành là Nguyễn Văn Hưởng
Gian manh, trí trá là Nguyễn Sinh Hùng
Cái gì
cũng nhặt là Tô Huy Rứa
*
Không
bộ nào chứa là Nguyễn Thiện Nhân
Vì gái
quên thân là Nông Đức Mạnh
Thức
thời, né tránh là Nguyễn Hải Chuyền
Miệng
lưỡi dịu mềm là Vương Đình Huệ
Thiểu
năng trí tuệ là Đinh La Thăng
*
Định hướng tối tăm là Nguyễn Phú Trọng
Ghét
trung yêu nịnh là Lê Hồng Anh
Phát
biểu lăng nhăng là Phạm Vũ Luận
Quen
đánh giặc miệng là Trương Tấn Sang
Hán tặc chính danh là Hoàng Trung Hải
*
Thầy
gét bạn khinh là Hồ Đức Việt
Dối
gian lật lọng là Vũ Văn Ninh
Đổi
trắng thay đen là Trương Vĩnh Trọng
Triệt
suy phù thịnh là Trần Đình Hoan
Đã dốt
lại tham là Lê Thanh Hải
*
Ăn vụng
nói dại là Đinh Thế Huynh
Cạn nghĩa cạn tình chính là Tô Lâm
Juda
phản chúa là Nguyễn Đức Tri
Tình
duyên lận đận là chị Kim Ngân
Vừa béo
vừa dâm là Tòng Thị Phóng
*
Dối
gian lật lọng là Vũ Văn Ninh
Lên
chức nhờ cha là Nguyễn Thanh Nghị
Mặt
người dạ thú là Phạm Quý Ngọ
Tính
tình ba phải là Phạm Gia Khiêm
Chưa
từng thanh liêm là Nguyễn Thế Thảo
*
Ăn tiền
tàn bạo là Nguyễn Đức Nhanh
Chạy
trốn an toàn là Dương Chí Dũng
Nghìn
tỉ tham nhũng là Vinashin
‘Bà
con’ Thủ Tướng là Phạm Thanh Bình
Ngậm
thị ăn tiền là Vũ Huy Hoàng
*
Xôi
thịt mê gái là Trịnh Đình Dũng
Lừa
thầy phản bạn là Trương Hòa Bình
Cướp, Giết la làng là Thống đốc Bình
Ăn no
kín tiếng là Cao Đức Phát
Móc
ngoặc đi đêm là Ngô Xuân Dụ
Coi Tây Tạng trong tay Tầu để chuẩn bị cho VN
rồi mai cũng trong tay Tầu
Lửa trong Vùng đất của Tuyết: Các vụ tự thiêu ở Tây Tạng
Lửa trong Vùng đất của
Tuyết: Các vụ tự thiêu ở Tây Tạng
View on www.youtube.com
Preview by Yahoo
Bà con hãy tìm đường chạy ra nước ngoài cho sớm như hồi
1975 kẻo bọn Tàu cộng đến cai trị thì chạy không kịp nữa!
Một vị ni sư bị đối xử tàn nhẫn:
Coi Tây Tạng trong tay Tầu để chuẩn bị cho VN
rồi mai cũng trong tay Tầu ...
https://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=kpc3wmwKit0
Chị Kim Tiến, bộ chưởng Y tế đi kiểm tra thực phẩm ở chợ
Anh Phạm Khôi Nguyên, bộ chưởng bộ Tài Nguyên và
Môi trường và bầu đoàn đi kiểm tra chất lượng môi trường"
|
Lửa trong Vùng đất của
Tuyết: Các vụ tự thiêu ở Tây Tạng
|
||||
View on www.youtube.com
|
Preview by Yahoo
|
||||
Chiến tranh biên giới Việt Trung
năm 1979
http://www.youtube.com/watch?v=eEBkpsCwsDY
Battlefield
Vietnam - Part 01: Dien Bien Phu The Legacy
http://www.youtube.com/watch?v=eQdFGr7NQ4o&list=PLCABD020D6B200061
SBTN SPECIAL: Phim Tài Liệu TỘI
ÁC CỘNG SẢN (P1)
https://www.youtube.com/watch?v=NTZGFJyF2pQ
SBTN SPECIAL: Phim Tài Liệu TỘI
ÁC CỘNG SẢN (P2)
https://www.youtube.com/watch?v=LSpiyHxlK5I
SBTN SPECIAL: Phim Tài Liệu TỘI
ÁC CỘNG SẢN (P3)
https://www.youtube.com/watch?v=P2Zbrz4iJbc
Tham, Dốt, Ngu không lối thoát của Cộng Sản
http://baomai.blogspot.com/2014/07/tham-dot-ngu-khong-loi-thoat-cua-cong.html
Về văn học miền Nam 1954-1975
http://baomai.blogspot.com/2014/07/ve-van-hoc-mien-nam-1954-1975.html
Văn học và chính trị
http://baomai.blogspot.com/2014/07/van-hoc-va-chinh-tri.html
Israel: Một đất nước thần kỳ
http://baomai.blogspot.com/2014/07/israel-mot-at-nuoc-than-ky.html
Đừng sống bằng sự dối trá
http://baomai.blogspot.com/2014/07/ung-song-bang-su-doi-tra.html
Chọn ai: Thời gian quyết định
không còn dài nữa
http://baomai.blogspot.com/2014/07/chon-ai-thoi-gian-quyet-inh-khong-con.html
Tố cáo thẳng thừng "Súc vật
hồ chí minh" trên Yout...
http://baomai.blogspot.com/2014/07/to-cao-thang-thung-suc-vat-ho-chi-minh.html
HCM chính là thiếu tá Hồ Quang thuộc QĐND Trung Cộ...
http://baomai.blogspot.com/2014/07/hcm-chinh-la-thieu-ta-ho-quang-thuoc.html
Ha ha ha !
http://lh3.googleusercontent.c...
Xem Ẩn
Hố hố hố !
http://lh6.googleusercontent.c...
Xem Ẩn
Không biết làm thịt em nào trước đây?
http://lh4.googleusercontent.c...
Xem Ẩn
http://lh4.googleusercontent.c...
Xem Ẩn
xem thêm
Tham, Dốt, Ngu không lối thoát của Cộng Sản
|
http://baomai.blogspot.com/2014/07/tham-dot-ngu-khong-loi-thoat-cua-cong.html
Về văn học miền Nam 1954-1975
|
http://baomai.blogspot.com/2014/07/ve-van-hoc-mien-nam-1954-1975.html
Văn học và chính trị
Israel: Một đất nước thần kỳ
Đừng sống bằng sự dối trá
http://baomai.blogspot.com/2014/07/chon-ai-thoi-gian-quyet-inh-khong-con.html
http://baomai.blogspot.com/2014/07/to-cao-thang-thung-suc-vat-ho-chi-minh.html |
HCM chính là thiếu tá Hồ Quang thuộc QĐND Trung Cộ...
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment