Mắc lừa bọn du côn
Việt Minh cướp
chính quyền ở Hà Nội
Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng ngày 14-8-1945.
Trong lúc tình hình Hà Nội và Bắc Bộ xáo trộn, chính phủ Trần Trọng Kim cử bộ
trưởng Hoàng Xuân Hãn ra Bắc, thay mặt chính phủ giải quyết tại chỗ những vấn
đề khẩn cấp. Sau khi gặp các yếu nhân Hà Nội, Hoàng Xuân Hãn gởi điện về Huế,
đề nghị lập một cơ cấu chính trị mới gọi là Ủy ban Giám đốc Chính trị miền Bắc
(Comité directeur de la politique du Nord).
Ngày 16-8-1945, chính phủ Trần Trọng Kim đề cử
thành phần Ủy ban nầy như sau: Nguyễn Xuân Chữ (chủ tịch) và bốn ủy viên là
Phan Kế Toại, Trần Văn Lai, Đặng Thai Mai, Nguyễn Tường Long. Tuy nhiên, ngoài
bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, bốn ủy viên kia đều vắng mặt. (Nguyễn Xuân Chữ, Hồi
ký, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1996, tr. 280.)
Lý do là vì VM đã tung cán bộ đe dọa từng
người. Phan Kế Toại không xuất hiện (có thể đã theo VM, con là Phan Kế Bảo, một
cán bộ VM), Trần Văn Lai bận việc ở tòa đô trưởng, Đặng Thai Mai hoàn toàn
không ra mặt, Nguyễn Tường Long bị bệnh chưa làm việc được.
Ngày 17-8-1945, Tổng Hội Công Chức do chính
quyền Trần Trọng Kim thành lập, tổ chức cuộc mít-tinh tại Nhà hát lớn, Hà Nội,
nhằm ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Trong khi các diễn giả của Tổng Hội Công
Chức đang nói chuyện ở Nhà hát lớn, thì một người nào đó (chắc chắn là cán bộ
VM) ở trên lầu Nhà hát lớn quăng xuống một lá cờ đỏ sao vàng của VM. Thế là cán
bộ VM chụp lấy thời cơ, biến cuộc mít-tinh của Tổng Hội Công Chức thành cuộc
biểu tình tuần hành, quay qua ủng hộ mặt trận VM. (Theo lời kể của một số người
ngày nay lớn tuổi, đã từng tham dự cuộc mít-tinh ngày 17-8-1945 tại Hà Nội.)
Ngày 19-8-1945, VM tiếp tục tổ chức biểu tình,
chiếm Bắc bộ phủ (phủ toàn quyền Pháp cũ), cướp chính quyền Hà Nội. Việt Minh
làm chủ được Hà Nội từ ngày 20-8-1945, nhưng những cuộc bạo động vẫn tiếp diễn.
Bạo động bắt nguồn từ cả hai phía: Bạo động của VM tiêu diệt những phần tử đối
kháng; bạo động của những đảng phái đối lập chống lại VM. Tại Hà Giang, Vĩnh
Yên và Hà Đông, VM gặp sự kháng cự mạnh mẽ của các chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân
Đảng. (Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Sài Gòn: 1970, tr.
258.)
Ngày 21-8-1945, VM vận động các đoàn thể họp
mít-tinh tại Hà Nội, lập ra một kiến nghị gồm ba điểm: 1) Yêu cầu vua Bảo Đại
thoái vị và giao quyền cho một chính phủ lâm thời do Mặt trận VM thành lập. 2)
Yêu cầu Mặt trận VM thảo luận với các đảng phái khác để thành lập chính phủ lâm
thời. 3) Yêu cầu tất cả các đảng phái, các tầng lớp dân chúng ủng hộ chính phủ
lâm thời để củng cố nền độc lập quốc gia. Bản kiến nghị nầy được chuyển bằng
điện tín về Huế. (Philippe Devillers, Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952,
Editions Du Seuil, Paris 1952, tr. 137.)
Về phía Nhật, tại bộ tham mưu quân đoàn 38 của
Nhật đóng ở Hà Nội, người Nhật chủ trương rằng quân đội Nhật bại trận, nhưng sẽ
không nhượng chỗ cho quân Đồng minh thắng trận, mà chỉ nhượng cho những ai có
khả năng tiếp tục nhiệm vụ lịch sử của Nhật Bản, là giải phóng châu Á ra khỏi
tay thực dân da trắng. (Philippe Devillers, sđd. tr. 136.) Vì vậy,
khi Nhật Bản đầu hàng, quân đội Nhật tại Đông Dương hạ võ khí, rút lui vào các
căn cứ quân sự, chờ ngày bị giải giới, để cho người Việt tự do hoạt động trước
khi quân Đồng minh có mặt.
Trong khi đó, chính phủ Trần Trọng Kim không
có bộ Quốc phòng, không có lực lượng võ trang để giữ gìn an ninh, trật tự và
bảo vệ chế độ. Lúc đó, các cơ quan hành chánh theo truyền thống cũ từ thời Pháp
thuộc, chỉ có một số lính lệ hoặc bảo an binh giữ trật tự các cơ quan, không
được trang bị đầy đủ, chỉ có tính cách hình thức hoặc lễ nghi.
Thời gian nầy là cơ hội thuận tiện cho lực
lượng VM tung hoành, không bị ai chận đứng. Đây là một trong những lý do giải
thích vì sao chỉ với một lực lượng nhỏ khoảng dưới 5,000 đảng viên, (Philippe
Devillers, sđd. tr. 182) mà VM cướp được chính quyền.
Vua Bảo Đại tránh
nội chiến
Sau khi Nhật Bản tuyên bố đầu hàng ngày
14-8-1945, Phạm Quỳnh cùng Trần Văn Chương, (nội các phó tổng trưởng), và
Nguyễn Duy Quang, nội các đại thần, đã họp riêng với vua Bảo Đại chiều ngày
15-8-1945. Nội dung cuộc họp không được tiết lộ, nhưng cuộc họp đã bị Phạm Khắc
Hòe, lúc đó thế Phạm Quỳnh làm tổng lý ngự tiền văn phòng của vua Bảo Đại, biết
và bí mật báo cáo với mặt trận VM cộng sản. (Phạm Khắc Hòe, Những ngày
cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1994, tt. 55-57.)
Về phía người Nhật, được tin VM nổi lên ở
ngoài Bắc, viên đại sứ Nhật ở Huế là Massayuki Yokoyama đến gặp vua Bảo Đại, đề
nghị vua Bảo Đại dùng lực lượng của Nhật tiêu diệt VM, vì tuy thất trận trên
thế giới, quân đội Nhật ở Đông Dương vẫn còn nguyên vẹn, đủ sức can thiệp va
đàn áp VM chỉ là một lực lượng nhỏ bé, thiếu trang bị so với quân đội Nhật.
Lo sợ nội chiến xảy ra trước sự lợi dụng của
ngoại bang, vua Bảo Đại từ chối đề nghị của Yokoyama. (Theo lời kể của ông Phan
Văn Vỹ, nhị đẳng thị vệ thời vua Bảo Đại, người trực gác buổi tối khi Yokoyama
đến gặp vua Bảo Đại. Ông cho biết chính ông đã đánh thức và báo tin cho nhà
vua, để nhà vua ra tiếp khách.)
Một thông tin khác cho biết thêm rằng viên đại
sứ Nhật ở Huế xác định với vua Bảo Đại rằng chỉ cần 2 giờ đồng hồ là quân đội
Nhật sẽ dẹp tan cuộc nổi loạn ở Huế. (Daniel Grandclément, Bao Dai ou
les derniers jours de l'empire d'Annam, Paris: Éditions Jean-Claude Lattès,
1997, tr. 157.)
Không phải chỉ nói với vua Bảo Đại, người Nhật
còn đề nghị với thủ tướng Trần Trọng Kim. Sau đây là lời thuật của Trần Trọng
Kim: “Lúc bấy giờ người Nhật có đến bảo tôi: “Quân đội Nhật còn trách
nhiệm giữ trật tự cho đến khi quân Đồng minh đến thay. Nếu chính phủ Việt Nam
công nhiên có lời mời quân Nhật giúp, quân Nhật còn có thể giữ trật tự”. Tôi
nghĩ quân Nhật đã đầu hàng, quân Đồng minh sắp đến, mình nhờ quân Nhật đánh
người mình còn nghĩa lý gì nữa, và lại mang tiếng “cõng rắn cắn gà nhà”. Tôi từ
chối không nhận.” (Lệ Thần Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi,
Sài Gòn: Nxb. Vĩnh Sơn, 1969, tr. 93.)
Ngày 18-8-1945, Trần Trọng Kim dự tính tập họp
các lực lượng quốc gia, lập ra “Ủy ban cứu quốc”, đưa ra bản tuyên ngôn kêu gọi
các đảng phái chính trị cùng nhau cổ võ nền thống nhất và độc lập dân tộc. (Bảo
Đại, Con rồng Việt Nam, California: Xuân Thu, 1990, tr. 177.) Công việc chưa
tiến hành thì tình hình tiếp tục thay đổi nhanh chóng.
Vận động ngoại giao
Quốc tế
Về đối ngoại, vua Bảo Đại hoàn toàn không biết
Pháp đã chuẩn bị tái chiếm Đông Dương ngay từ Hội nghị Brazzaville ở Congo,
được xem là thủ phủ của Pháp tại Phi Châu, từ 30-1 đến 8-2-1944. Thiếu thông
tin liên lạc, nhà vua cũng không biết được quyết định trong tối hậu thư Potsdam
gởi cho Nhật Bản ngày 26-7-1945. (Anh, Hoa Kỳ họp hội nghị Potsdam, ngoại ô
Berlin soạn tối hậu thư, Trung Hoa gởi điện văn đồng ý.) Theo tối hậu thư nầy,
sau khi Nhật đầu hàng, ở Đông Dương, Trung Hoa (Quốc Dân Đảng) sẽ giải giới
quân Nhật ở phía bắc vĩ tuyến 16 và Anh sẽ giải giới quân Nhật ở nam vĩ tuyến
16.
Vua Bảo Đại gởi công hàm ngày 18-8-1945 kêu
gọi sự ủng hộ của các cường quốc trên thế giới là Hoa Kỳ, Trung Hoa (lúc đó do
Quốc Dân Đảng lãnh đạo), Anh Quốc, nhất là kêu gọi Pháp trao trả độc lập lại
cho Việt Nam, đừng tái lập nền cai trị Pháp dưới bất cứ một hình thức nào.
Các bản công hàm nầy bằng tiếng Pháp được các
đài phát thanh Nhật ở Sài Gòn, Hà Nội và Tokyo công bố rộng rãi. De Gaulle im
lặng vì De Gaulle muốn tái chiếm Đông Dương. Chủ trương thực dân của De Gaulle
thể hiện rõ trong tuyên bố Brazzaville (Phi Châu) ngày 8-2-1944, cũng như trong
tuyên bố ngày 24-3-1945, quyết định tái lập Liên bang Đông Dương.
Các nước Đồng minh cũng hoàn toàn im lặng.
(Bảo Đại, sđd, tt. 177-179; và David G. Marr, Vietnam 1945,
The Quest for Power, University of California Press, 1995, tr. 361.) Lý do
sự im lặng của các nước Tây phương bắt nguồn từ sự thay đổi chính sách của Hoa
Kỳ về Đông Dương sau khi tổng thống Hoa Kỳ là Franklin Roosevelt từ trần ngày
12-4-1945 (trong nhiệm kỳ). Phó tổng thống Harry Truman lên thay, và thay luôn
chính sách của Hoa Kỳ về Đông Dương.
Truman chủ trương tôn trọng chủ quyền Pháp ở
Đông Dương, để Pháp ủng hộ Hoa Kỳ tại châu Âu. Lúc đó Hoa Kỳ muốn đoàn kết các
nước Tây Âu chống lại sự bành trướng của Liên Xô. (Robert S. McNamara, In
Restrospect, New York: Times Books, 1995, tr. 31; và Spencer C. Tucker chủ
biên, Encyclopedia of the Vietnam War, a Political, Social, and
Military History, Volume three, Santa Barbara, California: 1998, tr. 888.)
Tại Việt Nam, tiếp tay với vua Bảo Đại, hoàng
hậu Nam Phương gởi qua Âu Châu một thông điệp, nhờ bạn bè của bà giúp đỡ, lên
tiếng kêu gọi các nước trong khối Tự do can thiệp, để kiến tạo hòa bình cho
Việt Nam, nhưng vô vọng vì chẳng ai đáp ứng lời kêu gọi của bà.
Trong lúc vua Bảo Đại nao núng vì Pháp không
chịu tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam, và các nước Đồng minh không đáp
ứng nguyện vọng độc lập của người Việt do nhà vua đưa ra, thì ngày 21-8-1945,
mặt trận VM gởi điện vào Huế yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị.
Giã từ ngai vàng
Chính phủ Trần Trọng Kim không có quân đội bảo
vệ chính quyền và trật tự xã hội, chấp nhận rút lui, và xin từ chức ngày
20-8-1945. Vua Bảo Đại yêu cầu chính phủ Trần Trọng kim ở lại xử lý thường vụ
và ủy cho Trần Trọng Kim lập chính phủ khác.
Khi được điện tín ngày 21-8-1945 từ Hà Nội của
mặt trận VM, thủ tướng Trần Trọng Kim đề nghị với vua Bảo Đại: “Xin
Ngài đừng nghe người ta bàn ra bàn vào. Việc đã nguy cấp lắm rồi, Ngài nên xem
lịch sử của vua Louis XVI bên Pháp và vua Nicholas II bên Nga mà thoái vị ngay
là phải hơn cả. Vì dân ta đã bị bọn Việt Minh tuyên truyền và đang hăng hái về
việc cách mệnh như nước đang lên mạnh, mình ngăn lại thì vỡ lở hết cả. Mình thế
lực không có, bọn Việt Minh lại có dân chúng ủng hộ, nên để cho họ nhận lấy
trách nhiệm bảo vệ nền độc lập của nước.” (Lệ Thần Trần Trọng Kim, sđd.
tt. 92-93.)
Louis XVI là vua nước Pháp, trị vì 1774-1792.
Tuy cách mạng Pháp xảy ra năm 1789, nhưng đến năm 1792 Louis XVI mới chính thức
bị lật đổ và bị lên máy chém năm 1793. Nicholas II, hoàng đế cuối cùng của nước
Nga, trị vì 1894-1917, bị truất phế sau cách mạng cộng sản năm 1917. Ông ta và
toàn gia đình bị cộng sản Nga bắn chết năm 1918.
Ngoài lời khuyên trên đây, vua Bảo Đại nhận
thấy chính phủ Trần Trọng Kim bắt đầu tan rã. “Sáng ngày hôm sau 23,
chung quanh tôi hoàn toàn trống rỗng. Chẳng thấy Trần Trọng Kim, cũng chẳng
thấy bất cứ một Bộ trưởng nào vào điện. Chỉ còn vài người lính phụ trách mở và
đóng cửa điện, đi lại sân chầu vắng lạnh. Trong dịp quốc lễ gần đây, chưa tới
hai tháng, sân chầu đã đầy ních các quan và kẻ thân hoàng cung. Bữa nay, chỉ
còn riêng hoàng tùng đệ Vĩnh Cẩn, còn trung thành đứng cạnh tôi mà thôi.” (Bảo
Đại, sđd. tr. 184.) Nói một cách khác, nhà vua cảm thấy cô đơn, cô
thế và hoàn toàn bị bỏ rơi.
Chẳng những cận thần tránh mặt, nhà vua cũng
không được các cường quốc đáp ứng lời kêu gọi của mình. “...Trong khi
lời kêu gọi của tôi gởi cho tổng thống Truman, cho thống chế Tưởng Giới Thạch,
cho quốc vương Anh, cho tướng De Gaulle lại im lìm không có hồi âm...” (Bảo
Đại, sđd. tr. 184.)
Trong lúc cô thế, vua Bảo Đại lại không biết
lai lịch Hồ Chí Minh, và VM. Cũng như nhiều người Việt lúc đó, nhà vua tưởng
rằng Hồ Chí Minh và VM là những người yêu nước, được quần chúng ủng hộ, và được
cả các nước Đồng minh giúp đỡ (theo lời tuyên truyền của VM), nên nhà vua sẵn
sàng giao quyền cho Hồ Chí Minh và VM. Ngoài ra, một điểm quan trọng là vua Bảo
Đại là người bản tính hiền lành, không tham quyền cố vị, không thiết tha quyền
lực, không có cá tính mạnh, đến độ nhà vua bị xem là yếu đuối.
Suốt trong thời gian cầm quyền, Bảo Đại hoàn toàn
không ra lệnh giết hay khủng bố, tù đày một người nào. Có thể nói không một
người nào tiếp xúc với Bảo Đại, kể cả những địch thủ của ông ta, mà trách cứ về
tính tình Bảo Đại.
Vì tất cả các lý do trên, cuối cùng vua Bảo
Đại quyết định thoái vị theo lời yêu cầu của bức điện từ Hà Nội ngày 21-8-1945.
Ngày 25-8-1945, vua Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị và thông báo cho đại diện VM ở
Huế biết. Chiếu thoái vị được niêm yết ở Phu Văn Lâu, ở phía ngoài hoàng thành
Huế, nơi công bố các chiếu dụ, mệnh lệnh của nhà vua, kết quả thi Hội và thi
Đình.
Sau đó lễ thoái vị diễn ra ngày 30-8-1945 tại
Ngọ môn, Huế. Nhà vua trao bảo kiếm và quốc ấn, tượng trưng uy quyền của triều
đình nhà Nguyễn, cho phái đoàn đại diện VM từ Hà Nội vào là Trần Huy Liệu,
Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận.
Kết luận
Triều đại vua Bảo Đại kéo dài trong 20 năm
(1926-1945), nhưng từ 1926 đến 1932 là thời kỳ ông còn du học. Vua Bảo Đại chỉ
thực sự cầm quyền từ 1932 cho đến 1945. Lúc vua Bảo Đại thoái vị, còn gần hai
tháng nữa ông đầy 32 tuổi. Từ nay cựu hoàng dùng tên khai sinh là Nguyễn Phúc
Vĩnh Thụy.
Như thế là chấm dứt triều đại Bảo Đại (trị vì
1926-1945), chấm dứt nhà Nguyễn (1802-1945), và chấm dứt luôn nền quân chủ ở
Việt Nam. Lúc đó, đảng CSĐD và mặt trận VM tuy chỉ có khoảng dưới 5,000 đảng
viên, nhưng là đoàn thể chính trị có tổ chức, nhất là tổ chức hạ tầng cơ sở
khắp nước, nên nhanh tay cướp được chính quyền ở Hà Nội cũng như ở các địa
phương. Các đảng phái khác ở trong nước cũng như ở Trung Hoa, thiếu chuẩn bị,
đành thất thế.
Với tấm lòng yêu nước, đoàn kết và hiếu hòa,
vua Bảo Đại chấp nhận thoái vị, tuyên bố trao quyền cho VM, tạo ra một thời cơ
lịch sử rất thuận lợi cho Hồ Chí Minh và mặt trận VM, giúp cho ông ta và chính
phủ Dân Chủ Cộng Hòa thế kế tục chính thống hợp pháp, chẳng những trước quốc
dân Việt Nam, mà cả trên chính trường quốc tế.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, Hồ Chí Minh và
VM để lộ bản chất CS, đi ngược lại với ý nguyện của dân tộc, nên sau khi thoát
khỏi sự kiểm soát của VM, gặp lại Trần Trọng Kim ở Hồng Kông tháng 8-1947, lời
đầu tiên cựu hoàng Bảo Đại nói với Trần Trọng Kim là: “Chúng mình già
trẻ mắc lừa bọn du côn.” (Lệ Thần Trần Trọng Kim, sđd. tr. 146.)
(Trích: Bảo Đại (1913-1997),
Toronto: Nxb. Non Nước, 2014.)
(Toronto, Canada)
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment