Kịch bản nào cho Việt Nam?
Lý
Thái Hùng
Cùng
tác giả:
- Bắc Kinh: Đường rút an
toàn của CSVN?
- 'Mục tiêu của bọn tao
là thằng Quân'
- Cộng sản Việt Nam
không thể cưỡng lại đà thoái trào
Ngày 24 tháng 2 năm 2013, tổ chức Business Monitor International (BMI) đã công bố bản phúc trình “Vietnam Business Forecast Report” dài 55 trang. Bản phúc trình đã đưa ra một số dự báo về tình hình kinh doanh và chính trị tại Việt Nam từ đây cho đến năm 2022, là năm mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam sẽ hoàn thành kế hoạch phát triển Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp tiên tiến, theo Nghị quyết của Đại hội X (2006).
Tuy bản phúc trình đặt trọng tâm phân tích các vấn đề của nền kinh tế để “cố vấn” cho những công ty quốc tế muốn kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam; nhưng BMI đã đưa ra một số rủi ro về mặt chính trị, với ba kịch bản:
Kịch bản thứ nhất là nhà cầm quyền CSVN tiếp tục giữ nguyên trạng với thể chế độc tài như hiện nay, vì Hà Nội không chỉ thành công trong việc ngăn chặn đà suy thoái kinh tế mà còn đạt được những kết quả trong cải tổ nền kinh tế nói chung, mang lại sự hài lỏng của người dân.
Kịch bản thứ hai là nhà cầm quyền CSVN chấp nhận một số cải tổ về chính trị. Ví dụ nới rộng dân chủ ở trong đảng, cho thêm quyền hạn của quốc hội, giảm thiểu kiếm soát báo chí, truyền thông. Ở kịch bản này, đảng CSVN vẫn còn nắm quyền nhưng tình hình chính trị sẽ từng bước biến dạng như các quốc gia Tân Gia Ba, Mã Lai, Nam Hàn trước đây.
Kịch bản thứ ba là nhà cầm quyền CSVN đối diện với một tình trạng khủng hoảng chính trị, đến từ những khủng hoảng kinh tế và các biện pháp sai lầm trong thế đối đầu ngày một gay gắt với lực lượng đối kháng và quần chúng.
Ba kịch bản mà BMI đưa ra hoàn toàn dựa trên khả năng chủ động của lãnh đạo CSVN trong việc đối phó các khó khăn kinh tế và những thay đổi của xã hội, không hề điếm xỉa gì đến các áp lực từ lực lượng dân chủ tại Việt Nam.
Chính vì BMI bỏ sót yếu tố tác động của lực lượng dân chủ nên họ mới vẽ ra ba kịch bản kéo dài đến 10 năm (2013-2022) mà trong thực tế sự tồn vong của đảng CSVN hiện nay không còn có thể kéo dài đến như vậy.
CSVN khó có thể giữ vững quyền lực theo kịch bản thứ nhất qua những nhận xét và lý do sau đây:
1- Những phản ứng hốt hoảng của lãnh đạo đảng quanh các góp ý của người dân về bản sửa đổi hiến pháp 1992 và nhất là quyết định triển hạn góp ý thêm 6 tháng, đủ thấy là Hà Nội đang rất lúng túng cho kịch bản này.
Những áp lực đấu tranh của lực lượng dân chủ đã và đang làm cho nội bộ lãnh đạo CSVN đối diện với quá nhiều mâu thuẫn về những vấn đề mà họ phải giải quyết, trong đó việc giữ hay bỏ điều 4 hiến pháp đang là một tiến thoái lưỡng nan mới cho họ.
2- CSVN hiện đang phải trực diện với 2 hiện tượng mà trước đây không hề có. Đó là lãnh đạo quá yếu trong khi phe nhóm quá mạnh và quyền lực của đảng suy yếu trong khi các nhóm lợi ích lớn mạnh. Với tình huống này, khi bị đẩy vào kịch bản thứ hai hay kịch bản thứ ba như BMI dự kiến ở trên, đảng CSVN sẽ mất dần thế chủ động và có thể rơi vào tình huống hỗn loạn do những tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm.
Kinh nghiệm từ những cuộc chính biến xảy ra tại các quốc gia Đông Âu vào năm 1988 và 1989 cho thấy là khi đảng và nhà nước Cộng sản bị đẩy vào thế phải tiến hành những cải cách chính trị như mở rộng vai trò của Quốc hội, cởi mở hơn về truyền thông, cho cạnh tranh trong các kỳ bầu cử… làm nảy sinh một số vấn đề sau đây:
- Lãnh đạo bắt đầu chỉ trích lẫn nhau về những thất bại trong các chính sách cải tổ. Tại Việt Nam, hiện tượng này đã bắt đầu từ năm ngoái. Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ trích lẫn nhau về những thất bại của các tập đoàn kinh tế, về hiện tượng bầy sâu tham nhũng trong hệ thống quốc doanh… gay gắt tới độ không còn che giấu được nữa.
- Chế độ loay hoay và bất lực trong việc giải quyết tình hình suy thoái kinh tế và các khó khăn xã hội với nợ ngoại trái càng ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, theo Tạp chí The Economist, tổng nợ công Việt Nam hiện đã đạt 71,7 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm ngoái. Tính bình quân, mỗi người dân Việt Nam đang gánh khoản nợ 800,07 USD, chiếm 49,4% GDP.
- Các nhóm trí thức ở trong và ngoài đảng liên kết với thành phần cựu cán bộ công khai đặt các vấn đề trách nhiệm của bộ máy lãnh đạo. Tại Việt Nam, giới trí thức và cựu cán bộ đã đi từ những chỉ trích khai thác Bauxite, Biển Đông, nợ xấu, tình trạng đập sông Tranh… chuyển sang đòi thay đổi hiến pháp với một bản Dự thảo hiến pháp hoàn toàn khác với bản dự thảo của chế độ.
- Lực lượng dân chủ bắt đầu liên kết lập ra những nhóm, phong trào dựa vào lực quần chúng, khởi động những đòi hỏi thay đổi. Tại Việt Nam, những nỗ lực này chưa xuất hiện nhiều vì bị CSVN dùng điều 79 và 88 của Luật Hình Sự trấn áp; nhưng nó có sức lan tỏa rất nhanh khi thời cơ chín muồi. Sự kiện dư luận đã đồng loạt phê phán mạnh mẽ các phát biểu mang tính răn đe của ông Nguyễn Phú Trọng về sửa đổi hiến pháp trên mạng xã hội vừa qua là hình thức tập hợp trên mạng ảo như Tunisia, Ai Cập đã làm trước khi bùng nỗ những hành động chống đối trên đường phố.
Với ngần ấy những chuyển động của tình hình đang từng bước đẩy Bộ chính trị rơi vào thế hốt hoảng, lúng túng như hiện nay, liệu đảng CSVN có còn khả năng chủ động để tiến hành kịch bản thứ hai như BMI đưa ra và cho đó là tình huống tốt nhất?
Ngoài ra, có một số người mong muốn là trong hàng ngũ lãnh đạo đảng CSVN hiện nay, ít nhất có một người như ông Thein Sien để giúp Việt Nam “đổi đời” như Miến Điện.
Thật ra những thay đổi ở Miến Điện, tuy ông Thein Sein là tác nhân chính tạo ra những thay đổi, nhưng có hai điều sau đây mà CSVN chưa có.
Thứ nhất là thành phần quân phiệt đứng đàng sau ông Thein Sein đã chấp nhận một lộ đồ dân chủ hóa thật sự và đó là con đường duy nhất để cứu lấy chính họ. Trong khi đó, lãnh đạo CSVN vẫn còn cố đang loay hoay củng cố lô cốt độc đảng, coi việc bỏ điều 4 hiến pháp là cấm kỵ.
Thứ hai là tuy dựa vào Trung Quốc nhưng lãnh đạo Miến không đàn áp dân một cách thô bạo, phục tùng Bắc Kinh để bảo vệ quyền lợi của phe nhóm. Trong khi đó, lãnh đạo CSVN dùng bổng lộc và quyển sổ hưu để buộc đảng viên và cán bộ của họ phải “nhớ ơn Trung Quốc”.
Hơn thế nữa, khác với sự nối kết từng cá nhân trong nhóm quân phiệt Miến, tập đoàn lãnh đạo CSVN là một khối chuyên chính nắm độc quyền cai trị trong gần 7 thập niên, quan hệ chằng chịt giữa các dòng họ có thế lực lớn ở trong đảng đang nắm giữ những đặc quyền và đặc lợi, không dễ gì để cho giới lãnh đạo hiện nay tiến hành những thay đổi một cách dễ dàng.
Rõ ràng là đảng CSVN đang ở vào một tình huống rất khó khăn và nguy hiểm với rất nhiều áp lực từ bên trong lẫn bên ngoài đảng.
Tuy nhiên, CSVN hiện không còn ở vào thế chủ động để xoay trở tình hình như ba kịch bản mà BMI phác họa. Ngoài ra, CSVN cũng không còn nhiều thời gian để mà tính toán kéo dài sự độc quyền như vài năm trước đây, vì đã đến lúc họ phải giải quyết sòng phẳng hai vấn đề trước dân tộc: 1/ Trách nhiệm về sự khủng hoảng của đất nước đến từ những cải cách kinh tế kiểu đầu voi đuôi chuột trong các thập niên vừa qua; 2/ Trách nhiệm về tình trạng phá sản của xã hội đến từ lề lối cai trị xin - cho của hệ thống chính trị chuyên chính.
Đảng CSVN thật sự chỉ còn một kịch bản nếu họ muốn tồn tại. Đó là phải thay đổi thật sự để Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia tự do dân chủ với một số nền tảng: 1/ Bỏ điều 4 hiến pháp và chấp nhận đa đảng; 2/ Phi chính trị hóa quân đội, 3/ Tam quyền phân lập; 4/ Tôn trọng các quyền tự do căn bản của người dân mà tiên quyết là quyền tư hữu đất đai.
Phản ứng mạnh mẽ và đa dạng của giới trí thức, cựu cán bộ, thanh niên sinh viên, quần chúng đối với vụ sửa đổi hiến pháp hiện nay, cho người ta thấy rằng người dân đã “vượt qua sợ hãi” và đang đến lúc “tức nước vỡ bờ” nếu lãnh đạo Hà Nội vẫn khư khư ôm chặt quyền lực trong tay một thiểu số.
Lý Thái Hùng
19/3/2013
http://www.viettan.org/Kich-ban-nao-cho-Viet-Nam.html
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment