Đầu tư trên xác chết
Thursday, March 21, 2013 7:02:05 PM
Thursday, March 21, 2013 7:02:05 PM
Nguyễn
Hưng Quốc (Blog VOA)
May quá, chính phủ Venezuela vừa quyết định bỏ
ý đồ ướp và phơi bày vĩnh viễn xác của cố Tổng thống Hugo Chavez sau khi đoàn
chuyên gia được mời từ Nga sang cho là công việc ướp xác, nếu có thể thực hiện
được, cũng sẽ rất khó khăn, mất thời gian và tốn kém: Xác của ông phải để lại ở
Nga ít nhất bảy tháng. Chính phủ Venezuela tuyên bố bỏ cuộc. Như vậy, trên bàn
tiệc chính trị thế giới, sẽ đỡ được một món ăn trên tấm thực đơn độc tài: xác
lãnh tụ.
Trong
thế kỷ 20 và hơn mười năm đầu của thế kỷ 21, trên thế giới có chín lãnh tụ được
ướp xác dài hạn (hoặc với ý định dài hạn), bao gồm, theo thứ tự thời gian:
1. Vladimir Lenin (Nga): Chết ngày
21/1/1924, xác được ướp và bày trong lăng Lenin tại Moscow. Các nhà khoa học
cho cái xác hiện được bày trong tủ kính chỉ có khoảng 10% cơ thể của Lenin:
ngoài các bộ phận bên trong bị cắt bỏ khi ướp, các bộ phận bên ngoài cũng dần
dần bị phân hủy, do đó, người ta phải thay thế bằng đồ giả (ví dụ tai và mũi
đều bằng sáp, tròng mắt là hai viên bi!).
2. Georgi Dimitrov (Bulgaria): Tổng Bí thư
Đảng Cộng sản Bulgaria, chết ngày 2/7/1949, xác được ướp và bày trong lăng tại
Sofia. Tháng 8/1999, khi chế độ Cộng sản sụp đổ, xác bị đem hỏa táng, sau đó,
chôn; và lăng cũng bị đập nát.
3. Joseph Stalin: Sau khi chết vào ngày 5/3/1953, xác
được ướp vào bày bên cạnh Lenin, tuy nhiên, đến năm 1961, trong chiến dịch xét
lại và chống nạn sùng bái cá nhân, Nikita Krushchev, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản
Liên Xô, đã quyết định mang xác Stalin đi chôn trong một nghĩa trang nhỏ ngay
sau lăng.
4. Klement Gottwald (Tiệp Khắc): Tổng Bí thư
Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, chết ngày 14/3/1953, xác được ướp và bày trong lăng
tại Prague, nhưng đến năm 1962, một phần vì phong trào chống sùng bái cá nhân
tại Liên Xô, môt phần vì xác bắt đầu bị hư thối trầm trọng, nên bị mang đem
đốt.
5. Hồ Chí Minh: Chết ngày 2/9/1969, xác được ướp và
cho đến nay, vẫn được bày trong lăng ở Hà Nội.
6. Mao Trạch Đông: Chết ngày 9/9/1976, xác được ướp và
bày trong lăng ngay trong Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh.
7. Ferdinand Marcos: Chết ngày 28/9/1989 tại Hawaii,
được vợ, bà Imelda, ướp xác; và bốn năm sau, mang về bày trong khuôn viên gia
đình. Đến nay, người ta vẫn không biết cái xác được bày trong tủ kính ấy thật
hay giả. Có nhiều tin đồn cho xác thật của Marcos đã được mang đi chôn, còn xác
trong tủ kính chỉ được làm bằng sáp. (Trong một bài báo đăng trên The New York
Times ngày 9/3/2011, phóng viên Seth Mydans tường thuật: lăng của Marcos
rất quạnh quẽ, hầu như không có ai chăm sóc, kể cả việc quét dọn; có thời gian
công ty điện lực dọa cắt điện vì không ai trả hóa đơn. Điều đó càng củng cố
niềm tin cái xác trong tủ kính không phải là xác thật.)
8. Kim Il-Sung (Kim Nhật Thành): Chết ngày
8/7/1994, xác được ướp và bày trong Cung tưởng niệm Kumsusan tại Bắc Triều
Tiên.
9. Kim Jong-il (Kim Chính Nhật): Chết ngày
17/12/2011, xác cũng được ướp và bày như bố.
Nhìn
vào bản danh sách trên, chúng ta thấy một số điểm chung:
Thứ
nhất, trừ Marcos của Philippines, tất cả những người còn lại đều là lãnh tụ
Cộng sản.
Thứ
hai, tất cả, kể cả Marcos, đều là những lãnh tụ độc tài và nổi tiếng là tàn
bạo.
Dưới
thời Lenin, có khoảng từ 6 đến 8 triệu người bị chết hoặc vì chiến tranh hoặc
vì đói hoặc vì bị thanh trừng. Thời Stalin, các sử gia đưa ra nhiều con số nạn
nhân khác nhau, nhưng trung bình là khoảng 51 triệu người, trong đó có khoảng
20 triệu bị giết chết trong thập niên 1930 (trước đệ nhị thế chiến). Thời Mao
Trạch Đông, có khoảng từ 40 đến 72 triệu người bị chết (hoặc bị giết hoặc bị
đói do chính sách “đại nhảy vọt” của đảng). http://necrometrics.com/20c5m.htm
Tại
Bắc Hàn, dưới thời Kim Nhật Thành, theo ước tính của R.J. Rummel, có khoảng từ
710.000 đến 3.549.000 người bị giết chết.
Riêng
Marcos, trong 20 năm làm tổng thống Philippines (1966-1986), đã tham nhũng và
thâm lạm công quỹ đến khoảng 5 tỉ Mỹ kim, thậm chí, có chuyên gia còn cho là
nhiều hơn nữa.
Hồ
Chí Minh, chỉ riêng trong các cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc vào giữa thập
niên 1950, đã giết chết cả hàng chục ngàn người. Gần đây, một số người cho ông
làm vậy là do sức ép của Liên Xô và đặc biệt, của các cố vấn Trung Quốc. Tuy
nhiên, có sức ép hay không, với tư cách là người lãnh đạo cao nhất của miền Bắc
lúc ấy, ông cũng không thể tránh được trách nhiệm giết hại rất nhiều đồng bào
vô tội của mình.
Thứ
ba, trừ trường hợp cái xác của Marcos còn bị nghi ngờ, có ba xác đã bị đem đi
hỏa táng và chôn, trên thế giới hiện nay, chỉ còn năm xác còn được bày, trong
đó, Bắc Triều Tiên chiếm kỷ lục với hai xác: Đó cũng là một nước độc tài nhất,
tàn bạo nhất và cũng nghèo đói nhất. Trong khi đó, chi phí ướp xác Kim Nhật
Thành năm 1994 (do Nga thực hiện) mất khoảng một triệu Mỹ kim; chi phí bảo quản
bằng khoảng 800.000 Mỹ kim.
Thứ
tư, trong năm cái xác còn lại ấy, xác của Lenin, theo dự đoán của nhiều người,
có lẽ sẽ được mang đem hỏa táng hoặc đem đi chôn sớm. Như vậy, sẽ chỉ còn lại
bốn xác: Tất cả đều nằm ở châu Á và thuộc ba quốc gia theo chế độ Cộng sản
trong mấy quốc gia Cộng sản cuối cùng trên thế giới.
Thứ
năm, trừ trường hợp của Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật, chúng ta không thể
biết rõ, tất cả những người còn lại đều bị ướp xác hầu như hoàn toàn ngoài ý
muốn. Lenin muốn được chôn cạnh mộ của mẹ ông ở St. Petersburg. Trước khi chết,
Hồ Chí Minh đã nói rõ ý định của mình: thiêu xác và chia tro ra làm ba phần cho
ba miền Nam, Trung và Bắc. Mao Trạch Đông cũng muốn được hỏa táng.
Với
cả ba người, quyết định ướp xác và bày trong tủ kính đều do những người thừa kế
quyền hành. Với xác Lenin, đó là quyết định của Stalin; với hai người sau, là
Bộ Chính trị.
Bộ
Chính trị Việt Nam quyết định khá sớm, lúc Hồ Chí Minh đang hấp hối, do đó, Bác
sĩ Sergi Debov, trưởng ban ướp xác của điện Kremlin được mời sang Việt Nam hai
ngày trước khi ông tắt thở để chuẩn bị.
Ở
Trung Quốc, thoạt đầu Bộ Chính trị chỉ ra chỉ thị ướp xác Mao Trạch Đông trong
vòng 15 ngày để tổ chức lễ truy điệu, nhưng sau đó, đổi ý, họ muốn ướp xác vĩnh
viễn. Vì quyết định muộn, lúc xác đã bắt đầu có dấu hiệu phân hủy, việc ướp xác
trở thành cực kỳ khó khăn. Theo lời Zhisui Li, bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông,
có lúc mặt Mao Trạch Đông căng phồng lên, tròn như một quả bóng, còn cổ thì
phình ra bằng cái đầu! Da trên má thì rách toạc từng chỗ. Trông rất dị dạng.
Các bác sĩ phải tìm cách nắn bóp rồi vá víu lại để trông có vẻ bình thường. Lúc
ấy, quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô đã rất căng thẳng nên không thể xin Liên
Xô giúp được. Trung Quốc cử một phái đoàn sang Việt Nam hỏi kinh nghiệm ướp xác
Hồ Chí Minh (vốn được Nga giúp) nhưng Việt Nam từ chối. Cuối cùng họ cũng tự
xoay xở được, dĩ nhiên, kẻ chịu đựng sự mày mò thử nghiệm của họ chính là cái
xác chết của Mao Trạch Đông!
Vấn
đề là: Tại sao những người kế quyền Cộng sản lại thích ướp và bày xác của các
lãnh tụ quá cố của mình như vậy?
Câu
trả lời thường nghe nhất là do tâm lý sùng bái cá nhân, xem cá nhân lãnh tụ như
thần thánh, muốn họ trở thành bất tử ngay trước mắt mọi người.
Tuy
nhiên, đó chỉ là lý do phụ. Lý do chính là người ta muốn lợi dụng tâm lý sùng
bái để đầu tư quyền lực và quyền lợi của mình trên huyền thoại của những cái
xác ấy. Ví dụ, ở Nga, theo Nina Tumarkin, trong cuốn Lenin Lives! The Lenin
Cult in Russia, năm 1924, lúc Lenin mất, giới lãnh đạo Cộng sản sợ là cái chết
của ông sẽ dẫn đến sự sụp đổ của cả hệ thống xã hội chủ nghĩa vừa mới được xây
dựng ở Nga. Họ đều biết phần lớn sức mạnh của chế độ đều nằm ở uy tín và huyền
thoại bao quanh Lenin. Họ rất hoảng loạn. Khi thấy khoảng hơn 700.000 người bất
chấp cả băng tuyết lạnh buốt ở Moscow để đến viếng thi hài Lenin, Stalin và Bộ
Chính trị mới quyết định khai thác ngay cái xác ấy: Mang đi ướp và bày cho mọi
người xem!
Đó
cũng chính là lý do khiến Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Hàn quyết định ướp xác
lãnh tụ của họ. Họ biết họ yếu. Họ cần thần hộ mạng: Đó là những cái xác đã
được khoét hết tất cả các cơ quan nội tạng, được ướp bằng vô số các hóa chất
khác nhau để cho khỏi hư thối.
Chế
độ họ còn tồn tại được, quyền lực và sự ưu đãi của họ còn kéo dài được một phần
là nhờ những cái xác ấy. Bởi vậy, đừng hy vọng người ta sẽ mang những cái xác
ấy đi chôn sớm. Không đâu. Giới lãnh đạo không dại dột đến như vậy: Những cái
xác ấy còn nuôi được họ mà!
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment