Wednesday, March 27, 2013

Thư gửi các chú, các anh Công an mạng









Thư gửi các chú, các anh Công an mạng
Nguyễn Hồng Thanh Trúc (Danlambao)



- Từ một sản phẩm của "Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người", gửi tới các chú, các anh Công an mạng.



Chào các chú, các anh! Mọi người vẫn khỏe chứ?



Cháu nghĩ các chú, các anh vẫn thường xuyên theo dõi, cập nhật trang Danlambao này, nên mạn phép gửi gắm đôi điều đến mọi người.


Cháu không mong cầu sẽ thay đổi suy nghĩ, tư tưởng hay hỗn hào lên án các chú, các anh, bởi cháu hiểu mỗi người đều có một lí tưởng, niềm tin riêng.

 Không lí tưởng, không niềm tin, chỉ là tồn tại, chứ chẳng còn là sống nữa.



Thư này cháu cũng không bàn về lịch sử quá khứ, hay bất cứ lí tưởng chính trị nào.

Cháu chỉ muốn kể đôi điều về những gì cháu gặp, cháu thấy, để mọi người có thể thử đứng từ góc nhìn của cháu, một người trẻ, sống, học tập theo đảng và nhà nước trong 21 năm qua, sau một thời gian ngắn ngủi đã thất vọng ở những thứ mình hằng tin tưởng như thế nào.



Từ khi lên năm, cháu đã thuộc lòng, nghêu ngao theo những bài hát yêu kính bác Hồ, đọc vanh vách Năm điều bác Hồ dạy, hàng ngày thu thập bông hồng, bông sen, cuối tuần được phiếu bé ngoan, để mẹ tặng thưởng, để cành cựa với bạn bè.



Tiểu học, trung học cơ sở, cháu nâng niu tấm khăn quàng đỏ, giặt giũ, ủi phẳng mỗi ngày.


Cháu cười nhạo bọn bạn hư hỏng không được làm Đội viên, cháu xem khinh Đội viên luộm thuộm khăn quàng nhăn nheo, lúc đeo, lúc quên bẵng.



Trung học phổ thông, do nhà xa, cháu thường muộn học, bị trừ điểm hạng kiểm, nên đường vào Đoàn xem như mờ mịt.


Nhìn chúng bạn họp hành đoàn viên, cháu buồn tủi lắm. Đôi lúc còn cảm thấy nhục nhã cho thân mình.



Rồi cháu đi du học. Vẫn có câu "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn", chưa bao giờ là sai cả. Cháu học được nhiều thứ lắm, không chỉ kiến thức trong trường học, mà còn cả kiến thức xã hội bao la.



Cháu ở Nhật. Tiếng Nhật của cháu cũng thuộc loại giao tiếp ổn, tuy vậy mẹ cũng mong muốn cháu trau giồi thêm, vì cháu sống ở đây "không chỉ một hai ngày, cũng cần tiếng để giao lưu với người bản xứ.


Chẳng nhẽ cứ đi học rồi ru rú ở nhà? Đi du học như vậy thì vô nghĩa lắm!".



Vậy nên cháu theo học thêm ở một trường Nhật ngữ.

Lớp cháu theo học, có một chú người Việt Nam, chú này đi học theo diện cán bộ tu nghiệp, ở đây cũng được hơn một năm rồi.

Chú cũng thường bắt chuyện với cháu, nhưng một vài lần thì cháu kiêng dè, chẳng muốn giao tiếp.

 Một tuần chú xuất hiện trong lớp được hai ngày thì đã là điều lạ lùng lắm rồi. Cũng chẳng phiền hà gì ai đâu, nhưng mỗi lần chú đi học và được gọi đọc bài thì mất phải nửa tiết học.

Do chữ thì chú ,chữ biết chữ không. Oái ăm là một năm rồi chú sang đây tu nghiệp.



Lần nọ cháu đánh dạn hỏi chuyện chú. Chỉ biết trố mắt ngồi nghe chú nói.



Một tháng Nhà nước chu cấp cho chú tầm 100.000¥ (khoảng 28 triệu vnđ vào thời điểm đầu năm ngoái), chú không phải lo tiền học hành, nhà ở vì cũng được bao trọn gói rồi.


 Vậy những ngày học, cà phê cà pháo nhậu nhẹt cùng các tu nghiệp sinh cùng cảnh khác, là từ số tiền này mà ra.



Chú cũng chẳng xài hết được, chú cũng sống tiết kiệm lắm, tiền còn lại chú gửi về Việt Nam cho vợ chú cất để dành, mặc dù lương ở cơ quan vẫn không bị trừ tháng nào.


Chú kể ngô nghê thật thà lắm, nhưng trong đầu cháu thì đang giận sôi lên. "Chú ơi, 100.000¥ đó là tiền ba mẹ cháu và nhân dân Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ thuế mà thành!".

Cháu không nói chuyện với chú từ ngày đó.



Ngày chú về Việt Nam, chú nói một câu chả biết thật hay đùa "Học xong chứ chả biết khỉ gì!".

Bao nhiêu người như chú ấy nữa?
Cháu nên cười hay nên khóc đây?!?



Mà thôi cũng không thể nói được điều gì. Cháu vẫn tâm niệm trong đầu, có người tốt cũng có người xấu, có người gian trá thì ắt phải có người thanh liêm chính trực. Gác chuyện này sang một bên vậy.



Đó là chuyện đối mặt với đồng hương trên đất khách.

Xem thử quốc tế chào đón cháu như thế nào.



Trường đại học cháu theo học, khoa giảng dạy bằng tiếng Anh, toàn bộ là sinh viên quốc tế. Cháu là ngừơi Việt duy nhất, cũng kết được một số bạn. Hàn Quốc, Philippines, Mỹ, Úc, Jamaica,... Chả là hôm Tết Nguyên Đán vừa rồi, cháu cũng nhờ mẹ gửi xấp phong bì và ít tiền 10.000 đồng để mừng tuổi các bạn lấy hên, cũng vừa giới thiệu chút văn hóa nước nhà.


Các bạn cháu vui, háo hức lắm. Một bạn người Hàn, ngắm nghía tờ tiền và hỏi cháu:



- Ho Chi Minh, right? (Hồ Chí Minh phải không?)



Không tả được là cháu đã vui mừng hãnh diện đến thế nào đâu, cháu bắt đầu huyên thuyên về sự vĩ đại, về chiến tích, về nhân cách sáng ngời của Bác, từ những gì mà cháu đã được học suốt ba cấp học trước những con mắt tròn dẹt của chúng bạn.


Nhưng khi cháu vừa nhắc tới sự kiện 1987, Bác được Unesco công nhận Danh nhân thế giới..



- You've gotta be kidding me? (mày đùa tao à?) - một thằng người Úc nhảy ngay vào miệng cháu.



-Whatcha mean? (ý mày là sao?) - lúc này thì cháu nóng máu lắm.



- I dont know, you tell me. (tao không biết, mày nói tao nghe xem) - mặt nó lúc này quả là không đùa.



Cháu bỏ đi sau khi dùng một số ngôn từ không hay ho để trả đũa, trước sự ngỡ ngàng của chúng bạn, thế nhưng mặt nó vẫn không biến sắc.



Cháu về nhà, lòng hừng hực lửa tức giận, nó dám khinh khỉnh lên niềm tự hào dân tộc cháu. Đúng là bọn ngoại bang cao ngạo, khốn kiếp. Cháu quyết phải làm nó tâm phục khẩu phục.


 Cháu vào Google, tìm được bài tiểu sử của Bác trên trang Wikipedia tiếng Việt. Cháu đã hả hê lắm. Rõ rành rành đây, bao nhiêu chiến công, bao nhiên câu chuyện vĩ đại về cuộc đời Bác và nhất là danh hiệu Danh Nhân thế giới Unesco truy tặng ngày 20/11/1987.

Lần này thì nó chỉ có mà cúi mặt nhận sai.



Nguồn
http://vi.wikipedia.org/wiki/Hồ_Ch%C3%AD_Minh



Sáng sau đó, cháu tìm gặp dịch vanh vách cho nó nghe cả bài tiểu sử dài về đời Bác, tới đoạn Unesco, cháu búng tờ giấy đồm độp cho nổ con mắt nó ra. Nó vẫn chẳng nói gì. Nó chờ cháu huyên thuyên mãi thôi rồi mới mở miệng



- I dont understand Vietnamese, i dont know what you're saying is right or wrong, but i refer something more objective, more "international". (tao không hiểu tiếng Việt, tao không biết điều mày nói đúng hay sai, tao dựa vào cái gì đó khách quan hơn, "quốc tế" hơn.)



Nói đoạn, nó vào cũng vào Google, tìm tiểu sử của Bác, nhưng lần này là bản wikipedia quốc tế, bằng tiếng Anh. Cháu đọc từng chữ, từng chữ, càng đọc càng thấy hoang mang. Cháu sẽ không đề cập đến nội dung của nó, cháu không chắc được là nó đúng hay sai, và cháu có tin hay bác bỏ nó, vì nếu nói ra đây thì sẽ là cuộc tranh cãi dài hơi lắm, chuyện chứng minh thì càng khó tưởng, nó đã thuộc về quá khứ.



Cháu xin đề cập tới chuyện hiện tại mà ta có thể chứng minh ngay, một cách dễ dàng.



Vấn đề Danh nhân Thế giới của Bác. Cháu choáng váng.


Trong đây có đoạn



[....

In 1987, UNESCO officially recommended to member states that they "join in the commemoration of the centenary of the birth of President Ho Chi Minh by organizing various events as a tribute to his memory", CONSIDERING "the important and many-sided contribution of President Ho Chi Minh in the fields of culture, education and the arts" who "devoted his whole life to the national liberation of the Vietnamese people, contributing to the common struggle of peoples for peace, national independence, democracy and social progress."[75] However, this was met with an uproar amongst some overseas Vietnamese, especially in North America, Europe and Australia, who criticize Ho as a Stalinist dictator and for the human rights abuses of his government.[76]

...]. Nguồn
http://en. wikipedia. org/wiki/Ho_Chi_Minh



(Năm 1987, UNESCO chính thức kiến nghị các nước thành viên "tham gia lễ kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cách tổ chức các sự kiện nhằm tôn vinh những kí ức về Ngài", XEM XÉT" sự đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật" người mà đã "cống hiến cả cuộc đời mình để giải phóng dân tộc Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội". Tuy nhiên, điều này đã vấp phải phản ứng gay gắt của một số người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Úc, những người chỉ trích ông Hồ như một nhà độc tài Stalin và các vi phạm nhân quyền của chính phủ của ông.)



Cháu đọc mãi, đọc mãi, cố tìm lời công nhận cho danh hiệu Danh nhân Thế giới của Bác, nhưng không thể.


Nghĩ mình cẩu thả, cháu lại đọc thêm hai lần từ đầu chí cuối xem mình có ngu ngốc bỏ sót đoạn nào không. Cuối cùng cháu bỏ cuộc và ngước lên nhìn nó.



- Can't find what you're looking for? (không tìm được điều mày cần tìm à?) - nó lẳng lặng khoanh tròn phóng to cho cháu thấy chữ XEM XÉT (CONSDERING) rồi nhìn cháu.



Cháu cũng không nhớ nổi sau đó thì thế nào nữa, đầu óc cháu rối bời, không biết nên suy nghĩ thế nào cho phải, cho đúng.


 Cả đêm cháu cứ trằn trọc mãi, suy nghĩ về lòng tin suốt 21 năm qua của mình.



Sáng hôm sau là một ngày chủ nhật, cháu dành một ngày để quyết định mình nên làm gì.


 Thế rồi cháu lên mạng bắt đầu hành trình tìm sự thật. Cháu vào những trang web bị nhà nước gán mác phản động, chống phá. Cháu muốn thử đọc xem người ta viết gì, nghĩ gì, tại sao lại làm như vậy. Cháu thử nhìn nhận vấn đề khách quan và " quốc tế" như người bạn cháu.



Lại một lần nữa cháu đau ê ẩm đầu, cháu lại chả biết nên tin vào đâu, cái gì là thật, cái gì là giả. Bỗng cháu thấy một nỗi sợ mơ hồ, phải chăng từ ngày cháu sinh ra cõi đời này, đã bị bủa vây bởi những lời dối trá?


Cả cuộc đời cháu trước nay đã bị lường gạt?



Nhưng rồi cháu quyết định, tốt nhất đừng tin ai cả, sự thật đến từ mắt thấy tai nghe.


Trên cái mạng Internet bao la này, người ta nói gì chẳng được.

Tốt thôi, cháu sẽ tự tìm ra sự thật, là người trực tiếp đón nhận nó, chứ không phải thông qua bất cứ ai hay trang báo nào.



Cháu tìm được số điện thoại và liên lạc với tổ chức Unesco. Tim cháu đứng nhịp khi đầu dây bên kia nghe máy chỉ sau một hồi chuông. Một giọng phụ nữ trẻ trả lời bằng tiếng Pháp, tiếng Pháp của cháu không giỏi, nên hỏi xem chị nói được tiếng Anh không, chị trả lời có.


 Cháu trình bày về thông tin mình tìm được về Bác trên wikipedia quốc tế, và những điều mình được học, được biết. Cháu hỏi chị này mình có thể liên hệ với ai để xác nhận.

Chị hẹn cháu khoảng nửa tiếng gọi lại xem sao.



Lần hai cháu điện thoại, một phụ nữ đứng tuổi nghe máy, cháu trình bày lại một lần nữa, lần này cô chuyển máy cháu tới một giọng đàn ông trẻ. Ông này im lặng nghe cháu giải trình (lần ba, haiz). Sau đó ông bảo cháu gửi email cho ông, thì ông sẽ nắm rõ hơn và mới trả lời chính xác cụ thể hơn được.


Ông cho cháu địa chỉ email.



Cháu lại gửi email cho ông này, nhận được hồi đáp, cháu run rẩy



Dịch thư cháu gửi ông Roni


< Gửi ông Roni Amelan,



Ông khỏe chứ?



Tôi là Trúc, một công dân Việt Nam. Tôi đã cố gọi tới tổ chức Unesco một vài lần để xác nhận một số thông tin, tuy nhiên, tôi không tìm được câu trả lời cho câu hỏi của mình.



Vâng, đây là vấn đề của tôi. Theo những gì tôi đọc được từ wikipedia về chủ tịch Hồ Chí Minh. Có đoạn viết



(phần này cháu đã dịch ở trên)



Dựa trên thông tin này, thì tôi không tìm thấy dòng nào khẳng định rằng Hồ Chí Minh đã thật sự nhận được bất cứ giải thưởng nào từ Unesco.



Tuy nhiên, từ ngày còn nhỏ, tôi đã được dạy là ông có, ông nhận được giải thưởng của Unesco vào năm 1987, giải " Anh hùng Giải phóng Dân tộc- Danh nhân văn hóa thế giới", điều này cũng có xuất hiện trong wikipedia, bản tiếng Việt, có viết



(phần này thì chắc cháu không cần dịch)



Hai thông tin này, thật sự làm tôi khó nghĩ. Tôi không biết điều nào đúng, điều nào sai. Tôi tin tưởng chính phủ của tôi và những điều họ nói. Nhưng tôi cũng muốn biết sự thật. Xin thứ lỗi vì đã làm phiền ông. Nhưng xin hãy giúp tôi chuyện này.



Năm 1987, tổ chức Unesco có từng vinh danh Hồ Chí Minh là " Anh hùng giải phóng Dân tộc - Danh nhân văn hóa Thế giới " hoặc bất cứ giải thưởng nào khác hay không?



Như tôi đã nói, tôi không phải nhà báo, mà chỉ là một công dân Việt Nam bình thường, đang kiếm tìm sự thật. Vì nếu chưa từng có một giải thưởng nào, thì đồng nghĩa với việc chính phủ đã lừa dối tôi. Xin giúp tôi trả lời câu hỏi này, để tôi tìm lại chút bằng an trong tâm trí.



Cảm ơn sự nhẫn nại của ông.



Mong tin từ ông.



Chúc một ngày tốt lành.



Niềm tin và Hòa bình.



Trúc. >







Dịch thư hồi đáp,



< Gửi Trúc,



Cảm ơn về bức mail của em.



Tôi xin xác nhận rằng các nước thành viên của Unesco, họp mặt năm 1987 xuyên suốt Hội nghị thường kì của Unesco, thông qua điều 18.65 "Kiến nghị Tổng giám đốc Unesco thực hiện các bước thích hợp để kỷ niệm một trăm năm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động diễn ra ở Việt Nam".



Vì đây là tài liệu cũ, được scan ra, nên rất khó để tôi cắt in toàn bộ nghị quyết, nhưng em có thể tìm thấy ở điều 18.65 http://unesdoc.unesco.org/images/0007/000769/076995E.pdf



Tôi không thể tìm thấy bất cứ thông tin gì về việc Hồ Chí Minh nhận được giải thưởng của UNESCO, nhưng tôi vẫn đang kiểm tra.



Có lẽ là quyết định của Hội nghị thường kì về việc yêu cầu hỗ trợ của UNESCO cho lễ kỷ niệm trăm năm đã bị hiểu lầm hoặc dịch sai nghĩa là Chủ tịch đã được trao một giải thưởng nào chăng?



Tôi hy vọng có thể tìm được nhiều hơn, và sẽ gửi em bất cứ gì tôi tìm thấy.



Trân trọng,



Roni Amelan



English Editor



UNESCO Press Service



r.amelan@unesco.org >



Đau, đau lắm, nhục lắm các chú, các anh ơi!


Vẫn biết sự thật mất lòng, nhưng cái sự thật này nó có đao có búa, nó cắt, nó nghiền cháu đau quá!

Tại sao vậy các chú các anh? Tại sao vậy Đảng, tại sao vậy Nhà nước? Dối trá! Lường gạt!

Nhưng dối trá lường gạt ai? Chính đồng bào, dân tộc mình đó.



Còn bao nhiêu lời nói dối nữa?



Nhớ những bài viết về chính sách mị dân, độc tài của Triều Tiên, dân Việt Nam mình đọc, chia sẻ, bình luận sôi nổi lắm.


Họ lên án những gian trá đê hèn của kẻ cầm quyền ở đất nước phát triển lùi. Nhiều người đồng cảm, thương xót cho những phận người, nhiều người lại bỗ bã cho rằng chuyện này quá khôi hài, và nhân dân Triều Tiên là "những kẻ ngốc", thời nay đã là thời đại thông tin đại chúng, chỉ cần lên mạng là biết ngay đâu là sự thật.

Nhưng người bỗ bã ơi, họ bị đàn áp, bị chi phối về truyền thông, họ biết gì đâu ngoài những lời lừa dối của chính phủ họ?

Cháu từng hùng hồn bênh vực họ như thế đó. Nhưng giờ đây, lời nói đó đang tự vả vào mặt cháu. Cháu có Internet, mà cũng chả biết dùng, dùng đúng cách.



Lại ánh nhìn của người bạn Úc đó, giờ cháu mới thấy, đó là ánh mắt xót thương của người bạn Quốc tế, đang cố giúp cháu thoát khỏi cơn mụ mị.


Cháu như con ếch ngồi đáy giếng, tưởng là mình hay, cái giếng của mình đẹp. Giếng của cháu, khác gì cái giếng của anh bạn Triều Tiên?



Điều cuối trong Năm điều bác Hồ dạy "Khiêm tốn - Thật thà - Dũng cảm".



Đúng, mình khiêm tốn lắm các chú, các anh ạ. Khiêm tốn khi luôn có câu cửa miệng "không thể so sánh mình với Nhật với Hàn được..." Tại sao?

Chữ thật thà cũng đâu mất rồi, cháu chẳng thấy. Là Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh? Là tham nhũng? Tại sao? 

Dũng cảm ư? Khi mà Hoàng Sa, Trường Sa được đổi tên rồi, là Tam Sa đó. Khi mà người ta biểu tình chống Trung Quốc lại bị dẹp bỏ, bắt bớ như tội đồ phản động. Quan hệ nhạy cảm giữa 2 nước? Hèn nhát! Tại sao? 

Cháu kính mong các chú, các anh, giải thích tận tường những câu hỏi Tại Sao hóc búa ấy. Chỉ có vậy lòng cháu mới yên, niềm tin cháu mới được phục hồi, giữ vững.

Đó là về phần các chú, các anh Công An Mạng.

Thưa mọi người trong thôn Dân Làm Báo, cháu mạn phép góp chút ý kiến này, mong mọi người đừng mắng cháu hỗn hào, xấc láo tội nghiệp.

Cháu đọc nhiều bình luận của mọi người, thấy có chút không vừa lòng. Có nhiều bình luận của các chú, các anh Công An Mạng, hoặc những người yêu Đảng Cộng Sản đều bị mọi người ném đá, chửi mắng không thương tiếc.


Vậy là sai. Khi mà chúng ta ủng hộTuyên Bố của Công dân Tự Do, ủng hộ đa nguyên đa đảng, tìm kiếm lối ra cho tự do ngôn luận mà lại có hành động đàn áp, đả kích tư tưởng, suy nghĩ của họ thì tự hỏi tự do nằm ở chỗ nào.

Khác nào tự đá đít mình đúng không các chú, các cô, các anh, các chị?

Cháu cũng mong lắm cái ngày của tự do, của đa nguyên đa đảng. Nhưng có một sự thật rằng đảng Cộng sản có bị thất thủ, hạ bệ thì nó vẫn sẽ tồn tại, nó không thể biến mất.


Những người chán ghét nó, sẽ từ bỏ nó, nhưng những người vẫn tin yêu tôn thờ nó, chúng ta sẽ làm gì họ? Học tập cải tạo, thay đổi tư tưởng?

 Vậy chúng ta lại đá đít mình lần 2 rồi khi mà điều này chẳng khác gì trong quá khứ và hiện tại đảng Cộng Sản đang làm. Hãy để họ sống với những gì họ đang yêu thương và tin tưởng, nếu nó không còn phù hợp thì họ sẽ ắt tự thay đổi. Cháu tin là vậy!

Thôi, cháu đã nói quá nhiều, cháu xin dừng lại trước khi làm mọi người phát chán. Mong rằng dù là Cộng sản hay Dân Chủ tự do, nếu yêu quê hương sẽ tìm được đường đi đúng đắn, để góp phần cho sự phát triển, tiến bộ của nước nhà.

Thân chúc mọi người nhiều sức khỏe, và may mắn trong cuộc sống. Đặc biệt là các chú, các anh Công An Mạng, có đủ minh mẫn nhận ra điều đúng, lẽ sai, phân biệt rõ giữa "phản động" và "người yêu nước khác dòng tư tưởng".

  Nguyễn Hồng Thanh Trúc

 
Bây giờ cháu mới biết CS là loại gian manh, láo lừa, mị dân, cuớp bóc, hút máu dân VN cũng chưa muộn đâu cháu à!


CS là đế quốc thực dân phong kiến, là thực dân mới, còn tàn ác gấp ngàn lần đế quốc thực dân phong kiến cũ nữa là khác.

Cháu hảy nghiên cứu nửa, đọc báo nữa và nhất là vào danlambaovn, quamnlambáo v.v...; lần hồi cháu biết thêm nhiều nựa, Trong thế kỷ 20 CS thế giới đả giết chết 100 triệu dân trên thế giới đấy, LX(Nga), giết 40 triệu, Trung quốc (Tàu cộng) giết 30 triệu, VN giết chết 5 triệu, Campodia 3 T..v..v.v....VN của cháu không cần phải kháng chiến, hay gây chiến tranh vẫn độc lập.

Cháu nhìn INDO, Phi, Mã-Lai, Ấn độ, tunisia, Lybi, Ai cập..v..v. không cần chiến tranh dành độc lập, cũng không cần có đảng CS lãnh đạo, không cần ông HỒ cũng có độc lập, thới xưa 4, 000 ngàn nay ông cha ta đâu có CS, ông cha ta cũng chống xâm lăng dành độc lập.... Vì sao?cháu tìm hiểu thêm.

hành trình đi tìm sự thật của bạn đáng cho các bạn trẻ khác phải học hỏi. Có một câu danh ngôn rất hay như thế này : "Thà phải tìm hiểu sự thật suốt đêm còn hơn phải nghi ngờ nó suốt đời." của chính Friedrich Engels.

Khi sự thật bị bưng bít, chánh nghĩa bị đánh tráo thì những người dân xứ ấy thật đáng thương và họ thật sự chưa bao giờ được đối xử như một con người...


Thật đau lòng khi thấy dân mình phải sống trong cảnh như vậy cho nên những người có lương tâm đã không ngại hiểm nguy đã đứng lên bảo vệ lẻ phải, bảo vệ quyền được đối xử như một con người của nhân dân, nhưng ... họ đã bị chụp mũ là phản động, là thế lực thù địch và bị gán cho bất cứ tội danh gì mà nhà cầm quyền thích để bỏ tù và không ít người trong số họ đã bị hành hạ cho đến chết.

Tuyên bố của Các Công Dân Tự Do với hàng ngàn chữ ký của người Việt trong và ngoài nước đã cho thấy rằng họ sẽ chọn cái chết trong tự do của một con người chứ không chọn cuộc sống như là một con vật... Ai cũng phải chết nhưng cái chết ấy có để lại một ý nghĩa gì cho hậu thế hay không mới là quan trọng...

Cảm ơn bài viết rất thật của bạn Thanh Trúc và cầu mong bạn sẽ tìm được nhiều sự thật hơn về cái gọi là "Chủ nghĩa xã hội ưu việt".

 
 De : Hieunghia Nhan <

Objet : Hồ Chí Minh, vị cha già dân tộc, ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam


 
Hồ Chí Minh - đại sứ của Việt Nam trên toàn cầu

 Thứ sáu - 23/03/2012 03:34 - Đã xem: 78

       Năm 1990, vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi UNESCO - Tổ chức Giáo dục,

Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (LHQ) công bố nghị quyết biểu thị lòng tôn kính đối với một nhân vật vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp tự do độc lập, “anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam… và “là một trong những lãnh tụ có ảnh hưởng nhiều nhất của các dân tộc ở thế kỷ XX”… thì những người nghiên cứu về Hồ Chí Minh đã tự thấy phải điều chỉnh tầm quan sát của mình để không chỉ thấy công lao của Người đối với dân tộc Việt Nam mà còn phải thấy “Người đã góp phần thay đổi diện mạo hành tinh chúng ta” (tuần báo Time-2000-Hoa Kỳ).



Do nhu cầu tạo ra một phương thức hành động mới để bảo vệ sự hòa hợp xã hội và gìn giữ hòa bình trong một thế giới mà sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng trong mọi khía cạnh cuộc sống con người,

Đại hội đồng LHQ đã chọn năm 2010 là năm “Thúc đẩy các nền văn hóa xích lại gần nhau” và chỉ định UNESCO là cơ quan tổ chức hoạt động này. Và người được UNESCO đánh giá có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến thúc đẩy các nền văn hóa xích lại gần nhau chính là Hồ Chí Minh. Tối ngày 14/5/2010, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Hans d’Orville, Phó tổng giám đốc UNESCO đọc bản tham luận ca ngợi công lao, sự nghiệp Hồ Chí Minh đã khẳng định “Hồ Chí Minh là người tiêu biểu cho tinh thần hòa giải giữa các nền văn hóa của LHQ…
 Cả cuộc hành trình trong cuộc đời đã khiến Hồ Chí Minh trở thành công dân của thế giới, đồng thời là đại sứ của Việt Nam trên khắp toàn cầu… Cuộc đời hoạt động chính trị của Người trước hết là nhằm đấu tranh cho quyền lợi con người và quyền của các dân tộc…”.

Nhắc lại câu nói nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Hồ Chí Minh và lời tuyên bố: “Việc thống trị, áp bức và bóc lột các dân tộc thuộc địa chính là sự chối bỏ các quyền cơ bản của con người và đi ngược lại với Hiến chương của LHQ” , bản tham luận cho rằng, công lao to lớn của Hồ Chí Minh là đã “góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
 Rời Tổ quốc qua nước Pháp để tìm đường cứu nước từ ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành không phải là một người mất nước đơn độc mà đã thực sự đại diện cho một khuynh hướng chính trị tiến bộ nhất trong phong trào đòi giải phóng của nhân dân thuộc địa - xây dựng trên một nền tảng văn hóa rất đa diện: Một nền nho học đủ tiếp nhận mọi giáo lý phương Đông; một vốn ngoại ngữ đủ sức giao tiếp với người Pháp; một khuynh hướng chính trị đã bỏ lại sau hàng loạt cuộc khởi nghĩa mang tính dân tộc của các bậc cha anh do mọi đẳng cấp cầm đầu, từ vua quan tới các sĩ phu yêu nước, thủ lĩnh nông dân, các trào lưu chính trị từ “bất bạo động” kiểu Phan Chu Trinh đến “Đông Du cầu viện” của Phan Bội Châu… (với Nguyễn Tất Thành, tất cả các trào lưu chính trị ấy tuy không thiếu lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm, nhưng vẫn chưa hội đủ các yếu tố khả dĩ đương đầu với nền thống trị vừa tinh vi toàn diện vừa rất chuyên nghiệp của thực dân, đế quốc). Theo Người, muốn đánh bại kẻ thù, tất phải nắm trong tay một bí quyết gì lớn mạnh hơn chúng. Đó là cái Nguyễn Tất Thành đã tìm thấy từ Lê-nin.
 Cuộc xuất trình “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” trước hội nghị Véc-xây đối với Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một cuộc trinh sát thực địa để thăm dò phản ứng của đối phương và sau khi biết rõ phải tiến hành một cuộc đấu tranh không khoan nhượng thì anh Nguyễn đã tiến hành một cách có hệ thống quá trình vừa sáng tạo lực lượng, vừa tiến công vạch mặt chúng từ nhiều hướng, nhất là thông qua những bài chính luận trên Báo Nhân đạo.


Được những tin tức về cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga cổ vũ, qua việc gia nhập đảng Xã hội Pháp vào năm 1919, anh Nguyễn đã tận dụng mọi diễn đàn và mọi mối quan hệ để tranh thủ làm rõ tình hình thuộc địa còn rất xa lạ với mọi người Pháp ở chính quốc; tham gia thành lập “Hội những người Việt Nam yêu nước” và chuẩn bị cẩn thận mọi tư liệu để biên soạn “Bản án chế độ thực dân Pháp”, chủ động tham gia “Ủy ban đấu tranh gia nhập Đệ tam quốc của Đảng Xã hội Pháp”, trở thành đảng viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp tại đại hội Tua ngày 30/12/1920, rồi chủ trì ra Báo Người cùng khổ vào tháng 4/1922, làm diễn đàn của cư dân thuộc địa ngay trên đất Pháp…

 Nhân dịp đại biểu cánh tả của nông dân hơn 20 nước châu Âu và châu Á tới dự triển lãm nông nghiệp toàn Nga và tiến hành Đại hội Quốc tế Nông dân tại Mát-xcơ-va (tháng 10/1923), tại buổi họp thứ hai của Đại hội, anh Nguyễn thay mặt Đông Dương thuộc Pháp chỉ rõ “hai tầng áp bức” mà nông dân các thuộc địa phải chịu: Tầng thứ nhất với tư cách nông dân, tầng thứ hai với tư cách nông dân một nước thuộc địa và ra lời kêu gọi: “Quốc tế của các đồng chí chỉ thực sự trở thành Quốc tế khi mà không những nông dân phương Tây mà cả nông dân phương Đông, nhất là nông dân ở các nước thuộc địa là những người bị bóc lột và áp bức nhiều hơn các đồng chí đều tham gia Quốc tế”.

Tại Đại hội này Nguyễn Ái Quốc thay mặt các nước châu Á được bầu vào Chủ tịch đoàn của Quốc tế Nông dân.
Phóng viên Tạp chí Ngọn lửa nhỏ đã phỏng vấn Nguyễn Ái Quốc - với tư cách “thành viên Quốc tế Cộng sản đầu tiên người Đông Dương”. Và người phóng viên đã có nhận xét nổi tiếng trong bài phỏng vấn Người: “Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị… Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”...
 Cuộc trường chinh 30 năm của người thanh niên Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước trải qua bao thăng trầm để đến khi trở về Tổ quốc đã “quá tuổi lên lão”. Nhưng đổi lại, con đường giải phóng dân tộc Việt Nam đã mở, tổ chức lãnh đạo đã thực sự hình thành, lực lượng từ trong nước và ngoài nước đang được động viên rộng rãi, người tìm đường đã thực sự trở thành lãnh tụ dẫn đường không chỉ được trong nước suy tôn mà nhiều nhà cách mạng thế giới đều biết tiếng...


 Về đến Cao Bằng ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo cuộc chuyển hướng chiến lược từ cách mạng giai cấp sang giải phóng dân tộc, thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh, phát triển các đoàn thể cứu quốc, xây dựng các đội vũ trang cách mạng làm nhiệm vụ đội quân công tác... Cuối tháng 8/1942 tìm đường sang Trung Quốc bắt liên lạc với các lực lượng cách mạng, bị bắt và tới tháng 7/1944, Hồ Chí Minh đã kịp trở về uốn nắn cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, phát triển căn cứ địa Việt Bắc thành khu giải phóng, xóa bỏ chính quyền cũ, xây dựng chính quyền dân chủ, thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, quyết định Tổng khởi nghĩa…

 Với nhãn quan chiến lược của nhà cách mạng lão thành, có sự cộng tác của một Bộ tham mưu được đào tạo bài bản, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã nổ ra vào lúc kẻ thù cũ (thực dân Pháp) đã bị phát xít hạ gục, kẻ thù mới (Nhật) bị bẻ gãy tới những lực lượng cuối cùng, sự diễn biến khởi nghĩa toàn dân đã đạt tới trình độ nghệ thuật so với các cuộc cách mạng trong thời hiện đại: Chính quyền cả nước trong 58 tỉnh đã giành được trong vòng 10 ngày (từ 19/8 tới 28/8) hầu như không gặp sự phản kháng nào đáng kể của các thế lực đối lập, trong khi quân Nhật ở Đông Dương vẫn còn hơn 10 vạn, chưa được lệnh hạ vũ khí.

 Tính chất nhân dân của cuộc Tổng khởi nghĩa đã được nhà nghiên cứu Stein Tonnesson tường thuật tỉ mỉ trong một tác phẩm xuất bản năm 1991 tại Luân Đôn về “Cuộc cách mạng Việt Nam 1945” có đoạn viết: “Trong 58 tỉnh của Việt Nam, không dưới 28 tỉnh chủ yếu ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, ở đây người dân nổi dậy đầu tiên trong phạm vi các làng, huyện rồi sau đó là thị xã, ở 7 tỉnh khác, cuộc nổi dậy bắt đầu từ thị xã rồi sau đó mới lan tới các làng, huyện” (1).
S

o với những cuộc cách mạng trong thời hiện đại ở thế giới, hiếm có cuộc cách mạng nào diễn ra thuận lợi, ít đổ máu như Cách mạng Tháng Tám.

 Ở đó, tiếng tăm về cuộc đời hoạt động của lãnh tụ đã có sức quy tụ lực lượng, cho đến nhà vua cũng sẵn sàng thoái vị. Cũng do sự chèo chống đầy kinh nghiệm của Hồ Chí Minh mà tất cả các âm mưu xâm lược và tái chiếm Việt Nam của mọi thế lực đế quốc, phản động đều lần lượt thất bại, hoặc bằng ngoại giao mềm dẻo, hoặc bằng kháng chiến kiên cường để nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đứng vững và phát triển.


Và cũng như lời khẳng định của Stein Tonnesson: “... Nước Việt Nam tuyên bố độc lập vào năm 1945 là giai đoạn đầu tiên mở đầu cho làn sóng xóa bỏ chế độ thuộc địa ở Á châu, tiếp theo là Phi châu” (2), do kích thích dây chuyền của Cách mạng Tháng Tám Việt Nam và In-đô-nê-xi-a (17/8), Nê-pan giành độc lập cuối 1945, Phi-líp-pin vào năm 1946, Mi-an-ma và Ấn Độ vào năm 1947, Triều Tiên, Xri Lan-ca vào năm 1948. Sau khi thực dân Pháp bị thất bại phải rút khỏi Việt Nam vào năm 1954 thì ở châu Á, Pa-ki-xtan giành độc lập năm 1956, Ma-lai-xi-a năm 1957. Ở châu Phi, An-giê-ri tuyên bố độc lập cuối năm 1954, kháng chiến chống Pháp thắng lợi năm 1962, Ma-rốc giành độc lập năm 1956, Tuy-ni-di 1957, Ghi-nê 1958, Gha-na 1959, các nước Ma-li, Ga-bông, Mô-ri-ta-ni, Xê-nê-gan, Ma-đa-ga-xca đều vào năm 1960, U-gan-đa 1962, Kê-ni-a 1963. Các nước còn lại lần lượt đứng dậy cho đến những năm 90 của thế kỷ XX chỉ còn 3 nước chậm nhất là Na-mi-bi-a (1990), Ê-ti-ô-pi-a (1991), Ê-ti-tơ-ri-a (1993).


Kỷ niệm 121 năm ngày sinh (19/5/1890-19/5/2011) và 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2011), chúng ta càng tự hào về sự đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ với cách mạng Việt Nam mà cả với cách mạng thế giới vì sự bình đẳng và tiến bộ của con người.

Thiếu tướng, GS Bùi Phan Kỳ (QĐND)








No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-21/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link