Saturday, January 18, 2014

19-1 Ngày Hoàng Sa: Tiếp nối những trang sử Việt chống Tàu đỏ xâm lược!!


Mường Giang
Tổ quốc ghi ơn. Tranh Babui.


Theo sử liệu cũng như nhân chứng xác nhận, ngay từ thời các vị chúa Nguyễn trị vì Đàng Trong, thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ngoài biển Đông đã là đất của Đại Việt.

Theo sử liệu cũng như nhân chứng xác nhận, ngay từ thời các vị chúa Nguyễn trị vì Đàng Trong, thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ngoài biển Đông đã là đất của Đại Việt.

Thời đó Đội Hoàng Sa tập trung tại Vươn Đồn, để luyện tập cũng như sửa chữa thuyền bè và nhận lệnh thượng cấp. Trước khi xuất quân, Đội đến Miếu Hoàng Sa tế lễ. Đây là một ngôi nhà gồm 3 gian, làm bằng gỗ tốt, lợp tranh dầy, mặt Miếu quay ra cửa Sa Kỳ, trước có 2 cây gạo cổ thụ. Trong Miếu thờ một bộ xương Cá Ông rất lớn. Ông này đã lụy tại Hoàng Sa, nhưng đã được Hải Đội dìu về đất liền. Sau ba năm chôn cất, những người lính thỉnh cốt vào thờ trong Miếu. Từ đó về sau hằng năm vào tháng 6, khi những người lính,mãn phiên từ Hoàng Sa trở về, dân làng tổ chức cúng lễ tại Miếu gọi là ‘Đánh Trống Tựu Xôi’.

Từ thị xã Quảng Ngãi qua cầu Trà Khúc bỏ quốc lộ 1, rẻ vào quốc lộ 24B ngang qua Làng Sơn Mỹ dưới chân Núi Thiên Ấn chừng 5 km, thì rẽ vào một con đường đất đỏ, chạy giữa sông Kinh và rừng dương sát biển. Đó là xã Tịnh Kỳ thuộc Huyện Sơn Tịnh, nơi khai sinh Hải Đội Hoàng Sa, khoảng mấy trăm năm về trước, thời các Chúa Nguyễn Nam Hà, thuộc Đại Việt. Theo Quảng Ngãi địa dư chí, vùng đất này trước năm 1898 thuộc trấn Bình Sơn. Năm Thành Thái thứ 10 tách ra thành 2 Huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh.. Sau tháng 8-1945, khu Tịnh Kỳ được hoàn thành bởi ba xã An Kỳ, An Vịnh và Kỳ Xuyên.

Xưa vùng này là một cù lao nằm cách đất liền, phải dùng ghe vào các bến Mỹ Khê, Chợ Mới, Sa Kỳ hay xa hơn là Thị Xã Quảng Ngải và các Thị Trấn Ba Gia, Đồng Ké, Sông Vê, Ba Tơ. Từ năm 1993 qua việc xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất nên hải cảng Sa Kỳ đã được mở rộng, đồng thời với con đường chạy từ cầu Khê Kỳ, qua Cửa Lở tới Kỳ Xuyên. Có lẽ do địa thế sông nước bao quanh, nên từ mấy trăm năm về trước, Chúa Nguyễn đã chọn An Vĩnh làm căn cứ đặt Hải Đội Hoàng Sa, với nhiệm vụ bảo vệ hải đảo, cũng như khai thác các tài nguyên ngoài Đông Hải. Đình làng An Vĩnh trước đây rất đồ sộ, là nơi xuân thu nhị kỳ cúng tế những người lính Hoàng Sa, nay đả đổ nát vì thời gian và chiến tranh, chỉ còn lại chiếc ccẩng tam quan.

Chỉ riêng chứng tích này cũng đủ để minh chứng với thế giới Quần Đảo Hoàng Sa-Trường Sa là lãnh thổ lâu đời của Đại Việt. Người Tàu chỉ ỷ vào sức mạnh và tờ văn khế bán nước của Phạm Văn Đồng năm 1958, để cướp chiếm lảnh thổ nước ta như sau này chúng đã làm tại biên giới Việt Trung và Lãnh Hải trong Vịnh Bắc Việt, qua sự đồng thuận của CSVN.

Tại đây hiện còn nhà thờ Cai Đôi Phạm Quang Ánh, là người được Vua Gia Long cử ra Hoàng Sa năm 1815 để đo đạc, khảo sát lộ trình và tái tổ chức Hải Đội. Ông được nhà Nguyễn phong chức Thượng Đẳng Thần khi mất. Tóm lại, từ thời các Chúa Nguyễn (1558-1783), nhà Tây Sơn (1788-1802), Nhà Nguyễn (1802-1945) đã có Hải Đội Hoàng Sa. Đặc biệt năm 1836 đời Minh Mạng thứ 17, quần đảo Paracel hay bãi cát vàng, được Công Bộ đặt tên là ‘ Bản Quốc Hải Cương Hoàng Sa Xứ, Tối thị Hiểm Yếu’.

Từ năm 1954, Hoàng Sa là một đơn vị hành chánh thuộc tỉnh Quảng Nam-VNCH, được Tiểu Đoàn 1/TQLC bảo vệ. Từ năm 1959 tới 1974, Đảo có các Đơn Vị Địa Phương Quân/Quảng Nam trú đóng. Quần Đảo Trường Sa ở phía Nam, cũng là một đơn vị hành chánh của tỉnh Phước Tuy và do DPQ của tỉnh này bảo vệ, cho tới ngày 30-4-1975.

Tháng 7-1954 ngay khi chữ ký trên văn bản ngưng bắn tại Genève chưa ráo mực, thì Hồ Chí Minh đã nghĩ ngay tới chuyện chiếm miền Nam để lập “thiên đàng XHCN”. Vì vậy Hồ đã gài lại một số lớn cán binh bộ đội nằm vùng khắp lãnh thổ VNCH khi có lệnh tập kết ra Bắc. Để chuyển quân cũng như tiếp tế, Hồ mở con đường chiến lược Trường Sơn (HCM) trên bộ, xuyên qua lãnh thổ Lào và Kampuchia. Về mặt biển, Hồ thành lập đường 559B giao cho Đồng văn Cống chỉ huy. Để đánh lừa công luận quốc tế, Hồ xác nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Cộng từ lâu đời.

Cũng nhờ bản tin của UPI-AFB ngày 23-9-1958, được báo chí của Trung Cộng lẫn Việt Cộng đăng tải ta mới biết được, vào ngày 14-9-1958 Thủ tướng VNDCCH (Bắc Việt) là Phạm Văn Đồng đã cam kết với Thủ tướng Trung Cộng là Chu Ân Lai, bằng văn kiện xác quyết như sau ‘ Chính phủ VNDCCH tôn trọng quyết định “ lãnh hải 12 hải lý cũng như hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, là Tây Sa-Nam Sa của Tàu “..

Ngày 22-9-1958 Đại sứ Bắc Việt tại Bắc Kinh là Nguyễn Khang, dâng văn kiện bán nước do Phạm Văn Đồng ký lên Thiên Triều. Ngay cả khi đã cướp chiếm được hoàn toàn miền Nam VN vào tháng 5-1976, trên tờ ‘ Sài Gòn Giải Phóng ‘ của Ngô Công Đức, Lý Quý Chung.. vẫn còn đăng lời xác nhận của CSVN ‘ Hoàng Sa-Trường Sa là của Trung Cộng’. Khôi hài hơn Hà Nội còn nói ‘ vì ta và Tàu sông liền sông, núi dính núi, nên Hoàng Sa-Trường Sa, của ai cũng thế thôi, nên VN muốn lấy lại đảo, lúc nào Trung Cộng cũng sẵn sàng giao trả ‘

.Luận điệu trên rõ ràng VC đã xác nhận VN là thuộc địa của Tàu Cộng. Bằng chứng ngày 14-3-1988, VC và Trung Cộng đã giao tranh đẳm máu tại Trường Sa. Ngay sau đó trên tờ Nhân Dân số ra ngày 26-4-1988, VC vẫn xác nhận sự kiện Hồ Chí Minh bán hai đảo cho Tàu năm 1958 là đúng. Bởi có vậy, Trung Cộng mới viện trợ súng đạn, gạo tiền và cả triệu quân, để Hà Nội đánh chiếm VNCH từ 1955-1975.

Cuối năm 2008, Nguyễn Tán Dũng và toàn bộ chóp bu đảng VC kéo sang thiên triều ký hoàn tất cái gọi là văn kiện ‘ cấm mốc biên giới trên đất liền và ngoài biển Đông ‘ dịp này Dũng ký bán thêm bãi Tuệ Lãm thuộc tỉnh Hải Ninh của VN để từ đó Tàu Đỏ mới có đủ yéu tố về công pháp quốc tế khi xác nhận toàn bộ vịnh, đảo và ngay cả thềm địa VN là đất đai của nước Tàu.

Xin được mượn tiếng thở dài buồn đau mất nước của thi hào Nguyễn Khuyến ‘ mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái ‘ để nhớ về những đồng đội VNCH đã hy sinh vì non nước Việt từ 1955 -1975, trong đó có các chiến sĩ Hải Quân đã tham dự Trận Hải Chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974. Chiến cuộc đã qua rồi nhưng ngày 19 tháng 1 từ đó đến nay, miên viễn được toàn dân trong và ngoài nước, chọn làm thời điểm nối tiếp ‘ Cuộc đấu tranh ngăn chống giặc Tàu đỏ ‘ xâm lược VN.

1-QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA CỦA VN:

Về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, theo chính sử cũng như những tài liệu của ngoại quốc như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn, Hoàng Việt địa dư chí thời vua Minh Mạng, Quảng Ngãi tỉnh trí của các Tuần Vũ Nguyễn Bá Trác và Nguyễn Đình Chi, Quảng Ngãi nhất thống chí của Lê Ngại.đều đề cập tới và xác nhận đó lãnh thổ lâu đời của Đại Việt. Với các tác phẩm ngoại quốc, có nhiều thiên ký sự của các giáo sĩ Thiên Chúa trên tàu Amphitrite viết năm 1701, của Đô Đốc Pháp tên là D’Estaing viết năm 1768 rằng:’ Sự giao thông giữa đất liền và các đảo Paracel (Hoàng Sa) rất nguy hiểm, khó khăn nhưng Người Đại Việt chỉ dùng các thuyền nhỏ, lại có thể đi lại dễ dàng.’

Nhưng quan trọng nhất, là tác phẩm viết về Hoàng Sa của Đổ Bá tự Công Đạo viết năm Chính Hòa thứ 7 (1686), trong đó có bản đồ Bãi Cát Vàng:’ Đảo phỏng chừng 600 dặm chiều dài và 20 dặm bề ngang. Vị trí nằm giữa cửa Đại Chiêm và Quyết Mông. Hằng năm vào cuối mùa đông, các chúa Nguyễn Đàng Trong, cho Hải Đội Hoàng Sa gồm 18 chiến thuyền đến nơi tuần trú.’ Năm 1776 trong tác phẩm ‘ Phủ Biên tạp lục’, Lê Quý Đôn đã viết một cách rõ ràng:’ Trước đây các Chúa Nguyễn đã đặt Đội Hoàng Sa 70 suất, tuyển lính tại Xã An Vĩnh, cắt phiên mỗi năm vào tháng 2 ra đi, mang theo lương thực 6 tháng. Dùng loại thuyền câu nhỏ gồm 5 chiếc, mất 3 ngày 3 đêm từ đất liền tới đảo.’

Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ của VN ngay khi người Việt từ Thuận-Hóa tới định cư tại Phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi vào khoảng thế kỷ thứ XV sau tây lịch. Hai quần đảo trên nằm ngoài khơi Đông Hải: Hoàng Sa ở phía bắc và Trường Sa nằm về cực nam gần Côn Đảo.


+ QUẦN ĐẢO HOÀNG SA:

Nằm giữa hai kinh tuyến đông 111-112 độ và vĩ tuyến bắc 15 độ 45 - 17 độ 05. Đây là một chuổi đảo gồm 120 hòn lớn nhỏ nhưng qui tụ thành bốn nhóm chính. Muốn tới đảo, nếu khởi hành từ Đà Nẳng, bằng tau của Hải quân phải mất 10 giờ (chừng 170 hải lý), theo hướng 083. Bốn nhóm đảo chính là:

- NHÓM NGUYỆT THIỀM (CROISSANT):

Gồm các đảo Cam Tuyền hay Hữu Nhật (Robert), hình tròn, diện tích om2032, là đảo san hô nên có nhiều phốt phát. Toàn đảo chỉ có chim hải âu trú ngụ, tuyệt nhiên không có bóng người. Đảo Quang Hòa Đông (Duncan), diện tích 0 km2 48, phía đông đảo là rừng cây phốt phát và nhàn nhàn, phía tây toàn san hô là mơi trú ngụ của chim hải âu. Đảo Quang Hòa Tây (Palon Island), hình tròn, diện tích 0km241, trên đảo toàn cây nhàn nhàn và phốt phát, đảo toàn san hô chỉ có chim ở. Đảo Dung Mộng (Drummond) hình bầu dục, diện tích 0km241, toàn đảo chỉ có nhàn nhàn và phốt phát. Giữa đảo có một vùng đất rộng, thời Đệ 1 Cộng Hòa trước tháng 11-1963, Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến trấn đóng tại đây để bảo vệ lãnh thổ. Hiện trên đảo vẫn cò hai ngôi mộ lính VNCH và 3 ngôi mộ cổ khác với mộ bia viết bằng chử Hán.

Trong số này quan trong nhất vẫn là đảo Hoàng Sa (Pattle) có hình chữ nhật, chu vi 2100m, diện tích 0km230. Đảo nay đã được khai phá từ lâu đời, nên có nhiều công trình kiến trúc như Đồn quân trú phòng, Sở khí tượng, Hải đăng và cầu tàu để các chiếm hạm Hải quân/VNCH cập bến. Trên đảo có một ngôi miếu cổ thờ Bà Chúa Đảo và do một Trung đội Địa Phương Quân thuộc Tiểu Khu Quảng Nam trấn đóng.

Đảo Vỉnh Lạc hay Quang Ảnh (Money) nằm biệt lập không thuộc nhóm đảo Nguyệt Thiềm, hình bầu dục, diện tích 0, 50 km2. Trên đảo toàn nhàn nhàn, phốt phát và một loại cây cao trên 5m, có trái như mít. Toàn đảo không có người ở.

Đảo Linh Côn (Lincoln) cũng năm biệt lập và đã bị Đài Loan cưởng chiếm vào tháng 12-1946 khi Trung Hoa Dân Quốc, được lệnh LHQ tới đảo giải giới quân Nhật đang trú đóng trên đảo.

- NHÓM TUYÊN ĐỨC (AMPHITRITE):

Cũng bị Đài Loan chiếm năm 1946, nằm về phía bắc đảo Hoàng Sa, gồm 16 đảo nhỏ, trong số này quan trong nhất có đảo Phú Lâm (Woody Island), dài 3700m, rộng 2800m. Trên đảo có nhiều cây ăn trái như dừa, được Nhật Bổn khai thác phốt phát từ thời Pháp thuộc. Năm 1950, Trung Cộng đánh đuổi Tưởng Giới Thạch chạy ra đảo Đài Loan, chiếm lục địa và luôn các hải đảo của VN, xây phi trường, làm đường xá, lập căn cứ quân sự. Đây là nơi giặc Tàu phát xuất, tấn công chiếm các đảo của VN sau này.

* QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA:

Gồm chín đảo lớn nhỏ, nằm giữa hải phận của cac nước VN, Phi Luật Tân, Srawak. Trong số này đảo lớn nhất là Trường Sa (Sparley), dài 700m, ngang 200m, nằm ở kinh tuyến 114 độ 25 và vĩ tuyến 19 độ 10 bắc. Đảo cấu tạo bởi san hô, có nhiều hải âu trú ngụ, đẻ trứng rất to. Trên đó có nhiều loại cây ăn trái vùng nhiệt đới như dừa, bàng, mù u, nhàn nhàn, rau sam.

2 - TRUNG CỘNG CƯỚP CHIẾM HOÀNG SA CỦA VN:

Thật sự người Tàu chỉ chú ý tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN từ đầu thế kỷ XX vì dầu hỏa, khí đốt và vị trí chiến lược của hai đảo trên. Sự tranh dành cướp chiếm bắt đầu từ thời VN bị thực dân Pháp đô hộ, vì mất chủ quyền nên không còn binh lực để bảo vệ lãnh thổ riêng của mình.

- 1907 Tổng đốc Quảng Châu đòi chủ quyền trên đảo Hoàng Sa.

- 1909 Hải quân Nhà Thanh tới Hoàng Sa hai lần, cắm cờ trên đảo và bắn 21 phát đạn đại bác để thị oai.

-Ngày 30-4-1921 chính quyền Quảng Đông, ký văn thư số 831 tự động sáp nhập quần đảo Hoàng Sa của VN vào đảo Hải Nam nhưng đã bị Triều đình Huế phản đối dữ dội vào năm 1923.

- Năm 1933, Pháp vì bị báo chí trong nước phản đối dữ dội, nên đã đem hải quân ra đánh đuổi quân Tàu, chiếm lại quần đảo Hoàng Sa, lập đồn binh, cầu tàu, đài khí tượng trên hai đảo chính Hoàng Sa, Trường Sa.

- Tháng 12/1946 Đài Loan lợi dụng việc giải giới Nhật, đã chiếm đảo Phú Lâm trong nhóm Tuyên Đức thuộc quần đao Hoàng Sa. Đảo này lại lọt vào Trung Cộng khi Mao Trạch Đông chiếm lục địa Trung Hoa.

- Ngày 4/12/1950 Chu Ân Lai lớn tiếng đòi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN.

- Năm 1956 Trung Cộng lén lút chiếm thêm đảo Linh Côn trong quần đảo Hoàng Sa, đang thuộc chủ quyền VNCH.

- Ngày 21/12/1959 Hải quân VNCH với sự trợ chiến của Tiểu đoàn 1 Thủy Chiến Lục Chiến đuổi đánh Tàu đỏ chiếm lại các đảo Cam Tuyền, Duy Mộng, Quang Hòa trong nhóm Nguyệt Thiềm, bắt giữ 84 tù binh và 5 thuyền binh nguy trang tàu đánh cá. Ngày 27/2/1959 Trung Cộng sau khi thua trận, đã ra thông cáo mạt sát Chính phủ VNCH xâm phạm chủ quyền của Tàu, vì chính Hô Chí Minh cũng như Pham văn Đồng đã chính thức xác nhận bằng văn kiện, là hai quần đảo trên qua tên Tây Sa, Nam Sa là lãnh thổ của Trung Hoa. Tuy nhiên để giữ hòa khí giữa hai nước, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã thả hết số tù binh trên về nước.

Từ ngày 4-9-1958, Trung Cộng vẽ bản đồ mới và tuyên bố lãnh hải của mình là 12 hải lý. Bản tuyên cáo này chỉ có Bắc Hàn công nhận đầu tiên. Tại Bắc Việt, Hồ Chí Minh họp đảng để nhất trí và ban lệnh cho Phạm Văn Đồng, ký nghị định công nhận ngày 14-9-1958. Ngày 9-1-1974, Kissinger tới Bắc Kinh mật đàm với Mao Trạch Đông, được cho coi văn kiện mà Phạm Văn Đồng đã ký xác nhận, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VNCH, chính là hai đảo Tây Sa-Nam Sa của Tàu. Theo văn kiện và tuyên cáo lãnh hải 12 hải lý, thì chính VNCH đã chiếm đất của Trung Cộng, từ năm 1958, do VC làm chứng và xác nhận. Được cơ hội vàng ròng, tên cáo già Kissinger tương kế tựu kế, nhân danh Nixon, bật đèn xanh cho Mao đánh VNCH đề thu hồi lãnh thổ.

3 - HẢI CHIẾN HOÀNG SA THÁNG 1/1974 GIỮA QLVNCH VÀ TÀU ĐỎ:

Tính đến năm 1974 khi xảy ra trận hải chiến Hoàng Sa, Hải quân VNCH rất hùng hậu với quân số trên 40.000 người (sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ), phân thành 5 vùng duyên hải và 2 vùng sông ngòi. Hải quân có một hạm đội gồm 83 chiến ham đủ loại. Để bảo vệ các sông ngòi, kênh rạch ở Nam phần, Hải quân đã thành lập 4 Lực lượng dặc nhiệm hành quân lưu động, gồm Lực Lượng (LL) tuần thám 212, LL thủy bộ 211, LL trung ương 214 và LL đặc nhiệm 99. Ngoài ra còn Lực lượng Duyên phòng 213, Liên đoàn Tuần giang, 28 Duyên đoàn, 20 Giang đoàn xung phong, 3 Trung tâm Huấn Luyện Hải quân và nhiều căn cứ yểm trợ khắp nơi. Khi xảy ra cuộc hải chiến, Đề đốc Trần Văn Chơn là tư lệnh Hải quân. Tóm lại Hải quân VNCH rất hùng mạnh trong vùng Đông Nam Á.

Ngay từ thời thượng cổ, người Tàu luôn kính nể dân Việt vì ‘ họ tuy ở núi mà rất thạo thủy tánh, láy thuyền làm xe lấy chèo làm ngựa. Đến thì như gió thoảng, đi thì khó đuổi theo. Tính tình khinh bạc hiếu chiến, không bao giờ sợ chết và luôn luôn quật khởi với kẻ thù ‘.Bởi vậy suốt dòng lịch sử, Hải quân Việt đã ba lần oanh liệt chiến thắng quân Tàu trên Bạch Đằng Giang và sông Như Nguyệt.

Sau năm 1975 nhiều tài liệu mật nhất là của Mỹ được bạch hóa, trong đó có nhận xét về sự tương quan lực lượng hải quân giữa Trung Cộng với Hải quân của VNCH thì thua xa và rất yếu. Cho tới năm 1979 tình trạng quân sự của Trung Cộng vẫn còn lạc hậu, cho nên khi Đặng Tiểu Bình to mồm muốn dạy VC một bài học về quân sự, lại bị đá giò lái. Nhưng dù bị Mỹ dùng viện trợ ngăn cản đâm sau lưng, Hải quân VNCH trong suốt hai mươi năm (1955-1975), đã anh dũng giữ vững lảnh hải của đất nước một cách gần như trọn vẹn, trước sự dòm ngó tranh dành hải đảo của cac nước Trung Cộng, Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Nam Dương và Kampuchia..

Sau khi đạt được thắng lợi ngoại giao với Hoa Kỳ qua cặp Nixon-Kissinger, đồng thời với sự đồng lỏa của Việt Cộng, nên giặc Tàu quyết tâm chiếm cho bằng được hai quần đảo ngoài Đông Hải của VNCH. Dã tâm càng lớn từ năm 1973, sau khi được tin các hảng dầu thăm dò cho biết vùng này có trử lượng rất lớn về dầu khí. Lúc đó VNCH cũng đã bắt đầu ký nhiều hợp đồng, cho phép các hảng dầu tới hai vùng đảo trên khai thác.Thế là ngày 11-1-1974, Trung Cộng lại tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. Ngày 19-1-1974, bất thần Trung Công tấn công Hoàng Sa, gây nên trận hải chiến, tuy ngắn ngủi nhưng đẫm máu. Trung Cộng dù chiếm được đảo nhưng thiệt hại gấp 3 lần VNCH.

Quần đảo Hoàng Sa thời Đệ I Cộng Hòa (1955-1963) thuộc tỉnh Quảng Nam. Cũng trong thời kỳ này, chính phủ đã ban hành sắc lệnh số 134/NV năm 1956, sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy. Nghị định số 241/BNV ban hành ngày 14-12-1960, do chính Tổng thống Diệm bổ nhiệm Nguyễn Bá Thước làm Phái viên hành chánh Hoàng Sa. Lại phối trí Tiểu đoàn 1 TQLC trú đóng khắp các đảo, để bảo vệ lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.

Như thường lệ vào ngày 18-1-1974 gần tới Tết Âm Lịch Nhâm Dần. Lúc đó Tuần Dương Hạm HQ.16 Lý Thường Kiệt, khởi hành từ Đà Nẳng với công tác chuyển vận Đơn vị Địa Phương Quân của Tiểu khu Quảng Nam ra Hoàng Sa hoán đổi định kỳ. Trong chuyến công tác trên, còn có một Phái đoàn khảo sát điạ chất, gồm 7 sĩ quan công binh và hải quân. Ngoài ra còn có một người Mỹ tên Gerald Kosh, là nhân viên tùng sự tại Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ Vùng I Chiến thuật.

Trước khi đổi quân, tàu HQ.16 đã vòng các đảo để kiểm soát, nên đã phát hiện được nhiều tàu chiến của Trung Cộng sơn màu xanh ô liu, ngụy trang như các tàu đánh cá, trang bị toàn vũ khí nặng. Trong lúc đó còn có nhiều tàu chiến khác đang di chuyển từ đảo Phú Lâm, tiến về các đảo Quang Hòa, Duy Mộng và Hoàng Sa. Do tình hình quá khẩn cấp, nên HQ.16 đã báo về Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Chiến thuật, nên được tăng cường thêm các Chiến hạm như Khu trục hạm Trần Khánh Dư, Tuần dương hạm Trần Bình Trọng và Hộ tống hạm Nhật Tảo. Tuy nhiên tất cả đã được lệnh Trung ương, chỉ phòng thủ, không được tấn công trước khi địch chưa khai hỏa.

Theo sử liệu, trong trận hải chiến này, lực lượng hải quân của Trung Cộng rất hùng hậu vì đã chuẩn bị trước. Thành phần tham chiến gồm: Hộ tống hạm 271 Kronstadt, Đại Tá Vương Kỳ Uy là hạm trưởng, tử thương. Hộ tống hạm 274 Kronstadt, Hạm trưởng là Đại Tá Quan Đức. Đây cũng là Soái hạm, chỉ huy trận chiến, gồm Tư lệnh là Đô Đốc Phương Quang Kính, cũng là Phó tư lệnh của Hạm Đội Nam Hải. Sau trận đánh, toàn bộ chỉ huy của Trung Cộng trên Soái Hạm này, gồm 2 Đề Đốc, 4 Đại Tá, 6 Trung Tá, 2 Thiếu tá và 7 Sĩ Quan Cấp uý, đều bị trúng đạn đại bác tử thương. Trục lôi hạm 389, hạm trưởng là Trung Tá Triệu Quát tử thương. Trục lôi hạm 396, Hạm trưởng là Đại Tá Diệp Mạnh Hải, tử thương. Phi Tiễn Đỉnh 133 Komar, có hỏa tiễn địa điạ Styx, Hạm trưởng là Thiếu tá Tôn Quân Anh. Phi tiễn đỉnh 137 Komar, có hỏa tiễn địa địa Styx, Hạm trưởng là Thiếu Tá Mạc Quang Đại. Phi tiễn đỉnh 139 Komar có hỏa tiên, Hạm trưởng là Thiếu tá Phạm Quy. Phi tiễn đỉnh 145 Komar có hỏa tiễn, Hạm trưởng là Thiếu Ta Ngụy Như và 6 Hải Vận Hạm chở quân chiến đấu. Ngoài ra còn một lực lượng trừ bị gồm 2 Tuần Dương Hạm, 4 Pháo Hạm, 4 Khu trục Hạm, trang bị hỏa tiễn Kiangjiang, 2 Phi đội Mig 19 và 2 phi đội Mig 21, do tư lệnh Hạm Đội Nam Hải, tổng chỉ huy.

Bên VNCH, lực lượng tham chiến gồm Khu Trục Hạm HQ4 Trần Khánh Dư, Hạm Trưởng là HQ.Trung Tá Vũ Hữu San. Tuần Dương Hạm HQ5 Trần Bình Trọng, Hạm trưởng HQ. Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh. Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ10, Hạm Trưởng HQ. Trung Tá.Ngụy Văn Thà. Trong khi giao chiến, HQ10 bị trúng đạn, toàn thể thủy thủ xuống xuồng nhỏ, thì Hạm Trưởng ở lại tuấn quốc với chiến hạm. Tuần Dương Hạm HQ16, Hạm Trưởng là HQ.Trung Tá Lê Văn Thư.

Về lực lượng trừ bị có Tuần Dương Hạm HQ6 Trần Quốc Toản, Hộ Tống Hạm HQ11 Chí Linh và Phi Đoàn F5-A37, nhưng vì ở cách xa chiến trường nên khi chưa tới nơi, thì chiến cuộc đã tàn. Kết quả phía VNCH, các chiến hạm 4,5 và 16 bị hư hại nặng nhưng chạy được về Đà Nẳng sửa chữa và tiếp tục hoạt động sau đó. Chỉ có Chiến Hạm HQ10 bị chìm, Hạm trưởng HQ Trung Tá Ngụy Văn Thà bị thương nhưng quyết ở lại chết với tàu. Về phía Trung Cộng, Tư Lệnh Mặt Trận, Bộ Tham Mưu và 4 Hạm Trưởng tử thương. Hộ Tống Hạm 274 bị chìm, Hộ Tống Hạm 271 và 2 Trục lôi hạm 389-396 bị hư nặng và phá hủy cùng với 4 ngư thuyền bị bắn chìm.

Có một điều bi thảm mà hiện nay ai cũng biết, là hầu hết các chiến hạm mà Hoa Kỳ đã viện trợ cho Hải Quân VNCH, đều được hạ thủy năm 1940 toàn loại phế thải được tân trang. Bốn Chiến hạm tham chiến năm 1974 được coi là tối tân nhất, vì HQ4 hạ thủy năm 1943, HQ5 hạ thủy năm 1944, HQ10 hạ thủy năm 1942 và HQ16 hạ thủy năm 1942. Riêng các vũ khí trên tàu, các loại súng liên thanh đều được gở bỏ khi cho VNCH. Nhưng dù quân lực Miền Nam ít, chiến hạm vừa cũ kỹ lại nhỏ, vũ khí trang bị chỉ có đại bác nhưng nhờ các sĩ quan Hải Quân VNCH đều được huấn luyện tại Âu Mỹ, rất thiện chiến và tài giỏi. Cho nên đã tác xạ rất chính xác, làm nhiều tàu giặc cũng như hạm trưởng tử thương.

Tệ nhất là người Mỹ lúc đó vẫn còn là đồng minh của QLVNCH, vẫn đang có hiệp ước hỗ tương chiến đấu và bảo vệ cho nhau. Vậy mà khi cuộc chiến xảy ra, Hạm Đội 7 Hoa Kỳ đang tuần hành gần đó, chẳng những đã không lên tiếng, không can thiệp mà ngay thủy thủ VNCH bị chìm tàu, cũng không thèm cứu vớt theo đúng luật hàng hải quốc tế.

Theo các nhân chứng đã tham dự cuộc hải chiến kể lại, thì lúc đó các chiến hạm của Hải quân/VNCH đã chống trả với giặc rất dũng mãnh, nên chỉ trong mấy phút đầu đã có nhiều tàu chiến của Trung Cộng bị bắn chìm. Về phía VNCH, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HO.16 bị bắn trúng bánh lái và sườn tàu, được HQ.11 dìu về Đà Nẳng. Trên chiến trường lửa máu, chỉ còn HQ.10 và Hộ tống hạm Nhật Tảo vùng vẩy chiến đấu với hằng chục chiến hạm của Trung Cộng được không quân từ các căn cứ trên dảo Hải Nam tới yểm trợ.

Cuối cùng Hộ tống hạm Nhật Tảo bị bắn cháy và chìm giữa biển Đông. Hạm trưởng HQ.Trung Tá.Ngụy Văn Thà, tốt nghiệp khóa 12 sĩ quan hải quân Nha Trang, sinh năm 1943 tại Trảng Bàng (Hậu Nghĩa). Khi tàu lâm nạn với tư cách là chỉ huy trưởng, Trung Tá Thà đã ra lệnh cho Hạm phó là Thiếu Tá HQ. Nguyễn Thành Trí, sinh năm 1941 tại Sa Đéc, tốt nghiệp khóa 17 sĩ quan hải quân/Nha Trang, hướng dẫn số quân nhân còn sống sót, trong tổng số 80 người trên tàu, dùng bè cao su về đất liền. Riêng Ông ở lại chết với tàu.

Trên biển Thiếu tá Trí vì bị thương nặng cũng đã chết trên bè, trước khi các quân nhân còn lại được thương thuyền Skopionella của Hòa Lan, trên đường từ Hồng Kông đi Tân Gia Ba cứu sống vào đúng đêm giao thừa Tết âm lịch Nhâm Dần (1974). Sau đó 22 quân nhân này được một chiến hạm của Hải Đội 1 Duyên Phòng đón về đất liền. Còn 16 Biệt Hải của Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt có lệnh giữ đảo Vĩnh Lạc, sau khi Hòang Sa thất thủ đã dùng bè cao su vượt biển về đất liền. Lênh đênh nhiều ngày trên sóng nước, nắng mưa gió lạnh, cuối cùng cũng được một thuyền đánh cá cứu thoát đưa về điều trị tại Quân Y Viện Qui Nhơn, 2 người chết vì đói lạnh, số còn lại may mắn thoát được tử thần.

Cuộc hải chiến chấm dứt, các chiến hạm của VNCH đều rút lui vì Hoàng Sa đã thất thủ. Bấy giờ giặc Tàu mới bắt đâu thu dọn chiến trường và xua quân chiếm đóng tất cả các đảo. Về phía VNCH còn kẹt lại trên đảo, gồm Trung đội ĐPQ/Quảng Nam, các quân nhân Hải quân, 7 Sĩ quan công binh trong toán khảo sát địa chất, 4 nhân viên sở khí tượng và 1 người Mỹ làm việc ở Tòa lãnh sự Hoa Kỳ thuộc Quân đoàn 1. Tổng cộng là 42 người, đều bị giặc bắt làm tù binh, giải về thành phố Quảng Châu và giam trong một trại tù, cạnh dòng sông Sa Giang. Đây cũng chính là nơi mà năm chục năm về trước(1924), liệt sĩ Phạm Hồng Thái đã gieo mình tự vẫn để không bị sa vào tay giặc Pháp, sau khi ông ném bom ám sát hụt Merlin, toàn quyền Đông Dương đang có mặt tại Hồng Kông.

Lúc đó đúng 8 giờ sáng ngày mồng một tết nguyên đán, thời gian hạnh phúc nhất của các dân tộc Á Đông vui xuân theo âm lịch, trong đó có VNCH. Riêng 42 tù binh VN liên tục bị bọn an ninh Trung Cộng tra vấn, bắt buộc phải nhận tội là đã chiếm đóng bất hợp pháp lãnh thổ của Tàu. Nhưng rồi không biết vì sao, Đặng Tiểu Bình ra lệnh phóng thích tất cả, đưa tới Hồng Kông để mọi người hồi hương.

Lịch sử tái diển ngày 14-3-1988, Trung Cộng lại nổ súng vào Hải quân Việt Cộng tại quần đảo Trường Sa. Trong cuộc hải chiến ngắn ngủi này vì Hà Nội chỉ phản ứng có lệ, nên tài liệu cho biết phía Trung Cộng không có ai bị tử thương cũng như tàu chìm. Ngược lại phía VN có nhiều tàu chiến bị chìm gồm: Chiến Hạm Thượng Hải của Tàu viện trợ, 1 Tuần Dương Hạm cũ của VNCH để lại, 1 Hải Vận Hạm của Nga Sô viện trợ và trên 300 lính Hải quân bị thương vong.

Từ sau ngày 30-4-1975 chiếm được cả nước, CSVN lúc nào cũng rêu rao khoác lác về “độc lập tự do, vẹn toàn lãnh thổ”. Thế nhưng nay đã lộ nguyên hình bán nước cho Tàu, phản bội quê hương dân tộc nên bị toàn dân trong và ngoài nước phanh phui nguyền rủa, đứng dậy công khai chống đối quyết liệt, bất chấp ngụy quyền khủng bố đàn áp bức hại tù đày.

Dân chúng VN bao đời sống nhờ biển cá, VC ngày nay đem biển bán cho giặc Tàu, khiến cho nguồn lợi thủy sản bị hao hụt trầm trọng, tài nguyên thuộc về ngoại bang. Trước năm 1975 lúc nào cũng nói “VNCH tham nhũng, độc tài, Diệm-Nhu, Thiệu Hương chạy theo Mỹ”, nay rõ ràng hơn chính đảng VC và Hồ Chí Minh mới đích thực là đầy tớ của ngoại bang, hết cõng Nga tới Tàu, nay bỏ chân qua Mỹ-Nhật.. bán nước, bán dân hiện nay ai cũng biết hết.

Thương biết bao những anh hùng vị quốc, trong đó có những chiến sĩ Hải quân năm nào, đã anh dũng chống giặc Tàu xâm lăng, như tổ tiên ta đã bao đời banh thây đổ máu để có ‘Nam quốc sơn hà, nam đế cư’.

Nhân buổi Xuân về, người lính già đang sống thừa trên đất khách, nghiêng mình trân quý thắp một nén nhang lòng, kính gửi theo mây ngàn phương tới tất cả những oan hồn của nam nữ liệt sĩ anh hùng Việt Nam Cộng Hòa,  mong được phù hộ cho đồng bào trong nước sớm thoát khỏi gông cùm nô lệ của tập đoàn ngụy quyền bán nước Hà Nội, để Việt Nam có cơ hội tự cường tự chủ đứng dậy hiên ngang tiêu diệt giặc Tàu đỏ như thuở nào Tổ Tiên ta đã anh dũng đánh đuổi xâm lăng ra khỏi nước, để giành lại phần lảnh thổ mà Hồ Chí Minh và Cộng Sản VN đã đem bán cho Hán tặc suốt mấy chục năm qua.


Viết tại Xóm Cồn Hạ uy Di
Trước thềm Tết 2014.

Mường Giang

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -22/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link