Wednesday, January 15, 2014

Bộ trưởng công an Trần Đại Quang dính đại án tham nhũng?


Bộ trưởng công an Trần Đại Quang dính đại án tham nhũng? 
Wednesday, January 08, 2014 3:25:20 PM 

HÀ NỘI (NV) .- Vụ xử án Dương Tự Trọng và đồng đảng tiếp tay đưa Dương Chí Dũng đi trốn đã kết thức với các bản án rất nặng, nhưng đồng thời hé lộ sự dính líu của hai tướng công an, trong đó có đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng công an CSVN.

Thứ trưởng Công An CSVN Phạm Quý Ngọ. Ông Dương Chí Dũng khai đã đưa cho ông này trước sau tổng cộng hơn 1.5 triệu đô la (510,000 USD và 20 tỉ đồng). (Hình: Soha)
Kết thúc phiên xử vụ án “Tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài”, đại tá công an Dương Tự Trọng bị kết án 18 năm tù trong vai trò chính giúp cho người anh của ông đi trốn là Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch HĐQT tổng công ty quốc doanh hàng hải Vinalines về sau làm Cục trưởng Cục Hàng Hải. Sáu người khác bị kết án từ 5 năm tù đến 13 năm tù.

Điều đang được dư luận chú ý đặc biệt không phải là bản án của các ông vừa kể mà là lời khai của ông Dương Chí Dũng buổi chiều ngày 7/1/2014 liên quan đến số tiền hơn 1.5 triệu đô la mà ông đã cầm đến nhà ông thứ trưởng Bộ công an Phạm Quý Ngọ, cùng sự liên quan của ông Bộ trưởng công an Trần Đại Quang.

Nếu những lời khai này được dùng làm căn cứ để điều tra đến nơi đến chốn, nó sẽ giúp bạch hóa được nhiều điều liên quan đến một vụ chạy án, chạy dự án mà những kẻ quyền lực cấp cao của chế độ ăn ra sao, “chỉ đạo” ra sao để nuốt trôi những số tiền rất lớn.

Người ta ngờ rằng sự thật sẽ còn có thể bị dìm cho chìm xuồng nếu nó dính tới những cấp quyền lực cao nhất của chế độ. Ngay như trong phiên tòa, “Hội đồng xét xử” đã ngắt lời, gạt ngang, không cho ông Dương Chí Dũng khai ra hết.

Tuy trong phiên tòa, cùng với việc tuyên án Dương Tự Trọng, người ta nghe loan báo “thấy có dấu hiệu và cần khởi tố vụ án hình sự về làm lộ bí mật nhà nước” theo điều 263 của Bộ Luật Hình Sự nhưng nó sẽ có được điều tra đến nơi đến chốn hay sẽ rơi vào ngõ cụt vì cuộc điều tra thấy “Không có chứng cứ” để cho chìm xuồng.

Hồi năm 2007, tướng công an Cao Ngọc Oánh, tuy bị mất chức Thủ trưởng Cơ quan điều tra của Bộ Công an CSVN, cũng đã từng không bị kết án dù có lời tố cáo ông ta ăn hối lộ của quan chức Bộ Giao Thông Vận Tải “chạy án”.

Lời khai của ông Dương Chí Dũng cho hay không những ông ta hối lộ hai lần tổng cộng $510,000 đô la cho thứ trưởng Phạm Quý Ngọ để chạy án, ông còn (cầm tiền của người khác) nộp cho ông Ngọ 20 tỉ đồng (hay 1 triệu đô la) để ông ta đừng gây rắc rối cho một dự án của công ty Vạn Thịnh Phát ở Sài Gòn.

Phần băng ghi âm lời khai của ông Dương Chí Dũng được tờ Tuổi Trẻ và một số báo khác ở Việt Nam cho lên online hôm qua nhưng đến nay đã bị gỡ xuống hết. Tuy nhiên, độc giả có thể tìm thấy chúng trên youtube hoặc một số website khác.

Không rõ, đoạn băng ghi âm đó có bị “edit” lược bỏ những lời khai thật nhạy cảm hay không. Ít nhất, người ta thấy tiếng nói của ai đó trong “Hội đồng Xét xử” ngắt lời hay ngăn cản ông Dương Chí Dũng muốn khai tất cả những ai liên quan đến vụ chạy án của ông.
Bộ trưởng Công an CSVN Trần Đại Quang. (Hình: Người Lao Động)
Dưới đây là đoạn ghi âm lời khai của ông Dương Chí Dũng (trong tư cách nhân chứng) tại phiên tòa xử nhóm người  gồm có ông Dương Tự Trọng đã giúp ông đi trốn.

Ông Dương Chí Dũng: "Kính thưa hội đồng xét xử. Tôi nói những điều như trước khi tôi nói, tôi đã gần như tuyên thệ rồi. Tôi nói những điều thật nhất, bởi với cái cảnh, cái con người tôi hiện nay thì tôi không thể nói những gì khác cho ai cả.

"Việc 20 tỷ tôi đưa cho anh Ngọ là tiền của chị Lan, chứ không phải của tôi. Mà chị Lan chuyển qua một người. Khi chị Lan điện thoại cho tôi, chị Lan bảo là: "Sẽ có một người ở Hà Nội chuyển cho anh, người đó thì anh đừng trao đổi về số tiền này để đưa cho ai làm gì. Đấy, chị còn dặn vậy. Và cái anh Tiệp là người đưa cho tôi. Thì là có 2 người biết việc, chứ không phải một mình tôi. Đấy là cái thứ nhất, cái thứ hai là lại còn một việc nữa hôm nay tôi mới báo cáo là khi Tiệp hai lần đưa tiền, sau đó anh Tiệp còn còn điện cho tôi một lần để hẹn tôi gặp uống nước nói chuyện. Và anh Tiệp có nói là "Anh yên tâm đi, tôi đã gặp và báo cáo với anh Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an, để anh Quang có ý kiến với anh Ngọ. Và anh Quang sẽ điện cho anh, để anh Ngọ không can thiệp hay gây khó cho doanh nghiệp nữa".

"Thì sau đó ít ngày, sau một thời gian tôi không nhớ bao nhiêu ngày, tôi có đến thăm gia đình anh Quang. Và ngồi ở phòng khách có hai anh em, anh Quang rất tình cờ tự nói ra những chuyện đó. Chính anh Quang bộ trưởng nói ra và tôi cũng báo cáo lại với anh Quang là "Anh Ngọ có giới thiệu công ty ... (không nghe rõ) như thế, em hiện nay thì..."
"Anh Quang bảo chú cứ làm đúng nguyên tắc, đúng luật. Chọn đơn vị nào có năng lực, kinh nghiệm, có uy tín tham gia. Không phải ngại ai can thiệp cả". (tiếng của hội đồng xét xử cắt lời: Thôi thôi... trình bày rồi)…..Ông Dương Chí Dũng nói tiếp: Vâng, riêng cái tiền ấy thì có ít nhất 2 người biết, thế rồi tôi gặp chị Lan qua anh Minh -- tổng giám đốc Cảng Sài Gòn bố trí cho tôi và chị gặp.

Còn cái tiền đô tôi đưa 500 nghìn sau này, khoảng 6-7 giờ tối ngày mùng 2/5, chú lái xe tôi chở đi. Đây là tiền tôi vay của mười mấy người, tôi khai từ lúc ở Sài Gòn tôi báo cáo với ... (tiếng gõ vào micro cắt lời) nhưng mà vì sau đó thì…
 (tiếng của hội đồng xét xử nói thôi anh Dũng ạ, anh dừng ở đây).

Như vậy, qua đoạn audio này, ngoài số tiền $510,000 đưa làm hai lần cho ông thượng tướng Công an Phạm Qúy Ngọ để chạy án, ông Dương Chí Dũng còn trao cho ông Phạm Quý Ngọ số tiền 20 tỉ đồng, trung gian hối lộ giùm cho bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch hội đồng thành viên công ty Vạn Thịnh Phát ở Sài Gòn.

Có vẻ như số tiền này được chuyển lòng vòng qua tay ông Dương Chí Dũng đến ông Phạm Quý Ngọ rồi đi tiếp tới cấp cao hơn. Như lời ông Dũng thuật lời một nhân vật tên Tiệp nói với ông ta là “"Anh yên tâm đi, tôi đã gặp và báo cáo với anh Trần Đại Quang - bộ trưởng bộ công an, để anh Quang có ý kiến với anh Ngọ. Và anh Quang sẽ điện cho anh, để anh Ngọ không can thiệp hay gây khó cho doanh nghiệp nữa".

Sau đó, ông Dương Chí Dũng có gặp chính bộ trưởng Trần Đại Quang và được ông này nhắc tới chuyện đó như kể ở trên.
Bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Hội đồng Thành viên công ty Vạn Thịnh Phát. (Hình: Zing)
Tìm trên internet, đọc một bài viết của báo Zing, người ta thấy công ty Vạn Thịnh Phát có trụ sở ở tầng 5 cao ốc 193-203 Trần Hưng Đạo, Sài Gòn. Đây là một tập đoàn vốn khổng lồ hàng số một ở Việt Nam với vốn được liệt kê tới 12,800 tỉ đồng (hay khoảng 700 triệu USD), nhiều hơn cả Vingroup của đại gia Phạm Nhật Vượng (9,300 tỉ đồng) và Hoàng anh Gia Lai của Bầu Đức (với 7,200 tỉ đồng).

Người ta thấy báo chí hay nhắc tới sự giầu có vĩ đại của các tay tư bản đỏ Phạm Nhật Vượng, Đoàn Nguyên Đức, nhưng chị em bà Trương Mỹ Lan và và Trương Mỹ Linh của tập đoàn Vạn Thịnh Phát đầu tư nhiều dự án địa ốc lớn ở Việt Nam thì rất kín tiếng, gần như không thấy báo chí ở Việt Nam nhắc nhở gì đến. Người ta mới chỉ thấy xuất hiện tên và hình của bà này khi có đám cưới một người cháu của bà là Trương Huệ Vân lấy nhạc sĩ Thanh Bùi.

Số tiền mà bà Trương Mỹ lan hối lộ, như mới đây thấy báo chí ở Việt Nam nêu ra, là bà muốn dự án “biến đổi công năng” của Cảng Sài Gòn được suôn sẻ trót lọt trong đó công ty của bà sẽ là “đối tác”.

Nhân vật tên Minh được nêu trong lời khai là Lê Công Minh, tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn. Đây là một công ty con của Tổng công ty Vinalines, tức cũng là quốc doanh. Rất có thể bà Trương Mỹ Lan đổ tiền ra đón trước một dự án có thể hàng chục triệu đô la.

Dư luận chờ đợi xem việc khởi tố vụ án “làm lộ bí mật nhà nước” sẽ dẫn tới đâu. Còn chuyện số tiền hối lộ 510,000 đô la cho ông Phạm Quý Ngọ, đưa 20,000 đô la và một chai rượu quý cho ông đại tá Trần Duy Thanh, cục trưởng Cục Cảnh sát Điều Tra Tội Phạm về Tham Nhũng, và đặc biệt 20 tỉ đồng mà ông Ngọ cầm, có được “làm rõ” hay không, chờ những diễn biến những ngày tới đây.

Ngày 8/1/2014, người ta thấy ông Đàm Văn Tâm, thiếu tướng chánh văn phòng Bộ Công An trả lời báo Một Thế Giới khi được yêu cầu bình luận về lời khai của ông Dương Chí Dũng, nói rằng "Việc xác định lời khai của ông Dũng đúng hay sai sẽ trước tiên phải để Hội đồng Xét xử làm rõ. Sau đó, cơ quan điều tra sẽ có trách nhiệm vào cuộc".

Ông Dương Chí Dũng đã bị kết án tử hình về hai tội “Cố ý làm trái” và 'Nhận hối lộ” hồi giữa tháng 12 vừa qua. Ông đã chống án lấy cớ mình không tham nhũng mà chỉ nhận tội “cố ý làm trái...”

Giáo sư Thuyết bình về lời khai ông Ngọ

Cập nhật: 03:26 GMT - thứ ba, 14 tháng 1, 2014

Media Player

Cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nói Việt Nam đã chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng hơn và niềm tin của người dân đang "bắt đầu" được khôi phục từ những vụ xử án gần đây.
Đề cập tới một loạt các vụ xử án gần đây trong đó có vụ xét xử hai anh em Dương Chí Dũng và Dương Tự Trọng ông Thuyết bình luận:
"Tôi thấy trước đây vào những năm 2007, 2008 cũng có một loạt những vụ được gọi là vụ án trọng điểm mà đã được xử.
"Nhưng so với những vụ án hiện nay thì những vụ án trước đây được gọi là trọng điểm thì nó quá bé.
"Tôi lấy ví dụ như vụ lắp điện kế điện tử giả ở công ty điện lực thành phố Hồ Chí Minh phải nói số tiền tham nhũng rất là bé so với số tiền nhận một lần của người mà ông Dũng đã tố ra...
"So sánh như thế để thấy rằng là quả thực theo dư luận thì từ khi Ban Nội chính trung ương được tái lập và từ khi ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng được chuyển sang trực thuộc Bộ Chính trị thì công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng được đẩy lên một bước mới, khám phá ra nhiều vụ việc rất lớn và những vụ việc này cũng liên quan đến những nhân vật khá cao chứ không phải là như những trường hợp trước đây nữa, chỉ là cấp sở, cấp tỉnh, cấp công ty nhỏ."
Mặc dù vậy ông Thuyết cũng nói thêm:
"Nhưng người dân vẫn đang chờ đợi bởi vì nếu như lại tiếp tục tắm từ vai giở xuống thì người ta cũng sẽ cảm thấy chán nản và hoài nghi đối với cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng này."




No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-15/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link