Friday, January 17, 2014

Tin Tong Hop



Chương trình phát thanh ngày 16/01/2014


Phẩm màu trong thực phẩm

[Nguyễn Vũ] - Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta không ít thì nhiều ăn những loại thực phẩm có pha chế màu như các loại bánh kem, bánh sinh nhật, các loại thạch, hay ngay cả những đĩa bánh xèo vàng tươi. Như vậy các phẩm màu trong thực phẩm là gì, có nguy hại cho sức khỏe của người sử dụng... (16/01/2014)

Ông Đỗ Tường Kiên và ngôi nhà 36 cửa

[Mai Hương & Vương Đạo] - Ông Đỗ Tường Kiên và ngôi nhà 36 cửa Kính thưa quý thính giả, chúng ta đã từng kính trọng và tự hào biết bao về sự hy sinh và tấm lòng yêu nước thiết tha của gia đình cụ Cử Lương Văn Can.  Cụ Lương Văn Can chính là thân phụ của anh hùng Lương Ngọc Quyến; người tù... (16/01/2014)

Tiểu Thương Đóng Cửa Chợ Ninh Hiệp, Vây UBND Xã

[RadioCTM] - Tiểu Thương Đóng Cửa Chợ Ninh Hiệp, Vây UBND Xã Tin từ báo chí trong nước, để phản đối việc lấy trường học và bãi xe của chợ xây dựng trung tâm thương mại, cả nghìn tiểu thương chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) đã tạm dừng bán hàng 2 ngày qua để bao vây trụ sở xã và... (16/01/2014)

http://radiochantroimoi.com/


Nhiều lời kêu gọi xuống đường nhân 40 năm hải chiến Hoàng Sa

Một cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội tháng 9, 2007.
Một cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội tháng 9, 2007.

VOA Tiếng Việt
16.01.2014
Một nhóm có tên gọi ‘Cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản’ mới lên tiếng kêu gọi người Việt Nam tại xứ sở mặt trời mọc ngày 19/1 xuống đường phản đối những hành động gây hấn ngày càng gia tăng của Bắc Kinh nhân 40 năm ngày xảy ra trận hải chiến Hoàng Sa.

Lời kêu gọi được đăng tải trên Facebook có đoạn: “Hãy cùng hành động để nhân dân Nhật Bản thấy rõ những gì Trung Quốc đang tái diễn trên biển Đông sau 40 năm xâm lược quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, để người dân Nhật ủng hộ và đứng về phía Việt Nam trong nỗ lực giải quyết hoà bình trên Biển Đông”.

Thông báo của những người tổ chức cho biết cuộc xuống đường dự kiến kéo dài 2 giờ đồng hồ đã được giới hữu trách địa phương cho phép, và đại diện những người biểu tình có kế hoạch trao kháng nghị thư cho đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản, nhưng không công bố nội dung kháng nghị này.
Tôi nghĩ trước hay sau phải thừa nhận những chiến sỹ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ quần đảo Hoàng Sa năm 1974 là liệt sỹ. Phải công nhận càng sớm càng tốt bởi vì đây cũng là một trong những nhịp cầu hòa giải...
Tiến sỹ Ngô Như Bình, Giám đốc chương trình tiếng Việt tại Đại học Harvard.
Nhật Bản là hiện có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc tại vùng biển Hoa Đông, và quan hệ hai bên thời gian qua khá căng thẳng sau khi Bắc Kinh tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở khu vực tranh chấp.

Trong khi đó, ở trong nước, No-U FC, một đội bóng được lập nên để phản đối đường lưỡi bò nhận chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, cũng đã kêu gọi người dân ‘tham gia lễ tưởng niệm 40 năm ngày Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa’ tại tượng đài Lý Thái Tổ ở trung tâm thủ đô Hà Nội.

Lời kêu gọi của nhóm này có đoạn: “Hãy đến với chúng tôi để chứng tỏ với cộng đồng quốc tế Hoàng Sa mãi mãi là của Việt Nam, để tưởng nhớ các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc và để khẳng định chúng ta không sợ hãi trước bất kỳ sự đe doạ nào khi bày tỏ lòng yêu nước của mình!”

Gần tới ngày đánh dấu 4 thập kỷ Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, báo chí trong nước đồng loạt cho đăng tải các bài viết chi tiết về sự kiện này.
Chân dung các tử sĩ đã hy sinh.
Chân dung các tử sĩ đã hy sinh.
Truyền thông trong nước trước đây hiếm khi đề cập tới trận chiến đẫm máu mà hơn 70 chiến sỹ thuộc hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh.

Chính phủ Việt Nam hiện cũng chưa công nhận những người ngã xuống trong trận chiến kéo dài từ ngày 17  tới 19/1/1974 là liệt sỹ.

Tiến sỹ Ngô Như Bình, Giám đốc chương trình tiếng Việt tại Đại học Harvard, nói với VOA Việt Ngữ rằng Việt Nam nên thực hiện sớm điều này.

“Tôi nghĩ trước hay sau phải thừa nhận những chiến sỹ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ quần đảo Hoàng Sa năm 1974 là liệt sỹ. Phải công nhận càng sớm càng tốt bởi vì đây cũng là một trong những nhịp cầu hòa giải. Đối với những người đã hy sinh, thì phải công nhận họ là liệt sỹ và đối với những người đã tham chiến thì cũng phải có những chính sách đối với họ và đối với những bà quả phụ”.

Chính quyền Việt Nam hiện chưa có thông báo về các cuộc kỷ niệm chính thức trận hải chiến Hoàng Sa.

Tuy nhiên, các hội đoàn trong nước cũng đã thực hiện việc này. Hôm 11.1, tại Hà Nội, Trung tâm Minh Triết thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức tưởng niệm 40 năm sự kiện Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm.

Báo chí trong nước dẫn lời ông Nguyễn Trung, nguyên trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nói rằng cuộc hải chiến là ‘sự kiện đau buồn nhưng cũng nhân dịp này cần có sự thức tỉnh rõ hơn vấn đề hòa hợp dân tộc’.
Tôi nghĩ là phải đưa vào (sách sử). Nhưng mà còn đưa như thế nào và đưa ở tỷ lệ nào thì cần phải cân nhắc vì đây nó đụng chạm đến vấn đề quan hệ với Trung Quốc. Tôi rất hiểu những cái khó khăn mà chính phủ Việt Nam, những người lãnh đạo Việt Nam phải đương đầu...
Ông Nguyễn Trung, nguyên trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Theo ông Nguyễn Trung, ‘việc nhìn nhận những binh lính Việt Nam cộng hòa đã hy sinh cho Hoàng Sa cũng là những người yêu nước đã ngã xuống cho Tổ quốc là vô cùng cần thiết’.

Sự kiện lịch sử hơn 40 năm trước, hiện cũng chưa được đưa vào các sách sử. Tiến sỹ Bình cho rằng đây cũng là việc cần phải làm.

“Tôi nghĩ là phải đưa vào. Nhưng mà còn đưa như thế nào và đưa ở tỷ lệ nào thì cần phải cân nhắc vì đây nó đụng chạm đến vấn đề quan hệ với Trung Quốc. Tôi rất hiểu những cái khó khăn mà chính phủ Việt Nam, những người lãnh đạo Việt Nam phải đương đầu. Vấn đề quan hệ với Trung Quốc là một nước rất lớn rất mạnh lại nằm ở ngay sát mình nên phải làm thế nào để cân bằng mọi mối quan hệ. Trong nước, người dân họ biểu thị lòng yêu nước của mình như vậy thì mình phải như thế nào đối với những phong trào yêu nước ở trong nước rồi đối với quốc tế thì mình phải cân bằng như thế nào quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc rồi cả với Nga nữa”.  
 
Báo chí do nhà nước kiểm soát ở Việt Nam dồn dập đăng bài về trận hải chiến Hoàng Sa trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục có những tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ ở biển Đông.

Mới đây, Trung Quốc yêu cầu các tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép trước khi đánh bắt hoặc thăm dò tại 2/3 diện tích vùng biển Đông.

http://www.voatiengviet.com/content/nhieu-keu-goi-xuong-duong-nhan-bon-muoi-nam-hai-chien-hoang-sa/1831334.html


Philippines khuyên ngư dân ra biển đánh cá, bất chấp các quy định của Trung Quốc. (Còn Việt Nam thì sao?)

Một nhóm viên chức hải quân và đại biểu Quốc hội Philippines đi kiểm tra bãi Scarborough, vào ngày 17/05/1997.
Một nhóm viên chức hải quân và đại biểu Quốc hội Philippines đi kiểm tra bãi Scarborough, vào ngày 17/05/1997.
REUTERS/Erik de Castro/Files

Đức Tâm

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Voltaire Gazmin, tuyên bố rằng các ngư dân Philippines không cần biết đến các quy định mà chính quyền Trung Quốc vừa đơn phương áp đặt tại Biển Đông, đối với các tàu đánh cá nước ngoài.

Hôm nay, 16/01/2014, khi tới thăm một căn cứ quân sự tại phía bắc Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin đã đề cập đến quy định do tỉnh Hải Nam Trung Quốc mới ban hành và được áp dụng từ đầu năm 2014, theo đó, các tàu cá nước ngoài phải xin phép khi hoạt động tại vùng Biển Đông.
Bộ trưởng Gazmin khẳng định, các quy định này không có hiệu lực tại các vùng biển của Philippines. Ông nói : « Chúng ta sẽ không tuân thủ các quy định của Trung Quốc trên vùng lãnh thổ của chúng ta ». Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đặt câu hỏi là tại sao lại phải xin phép một nước khác để có thể đánh bắt hải sản ngay trong vùng biển của Philippines.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Philippines cho biết sẵn sàng điều tàu của hải quân đến hộ tống các tàu cá Philippines trên vùng biển của nước này. Ông mỉa mai : Trung Quốc tự cho mình là một cường quốc nhưng lại tìm cách gây sức ép những nước nhỏ bé, tiềm lực quân sự yếu, như Philippines.
Hôm thứ Ba, 14/01, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, các quy định của tỉnh Hải Nam Trung Quốc bao trùm cả một phần vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.
Năm 2012, các tàu của Philippines và Trung Quốc đã đối mặt với nhau tại bãi Scarborough, trong nhiều tuần lễ. Sau đó, Trung Quốc đã kiểm soát khu vực này sau khi tàu Philippines rút ra khỏi nơi đây. Do vậy, chính quyền Manila đã đệ đơn kiện Bắc Kinh lên tòa án trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp này.
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140116-philippines-khuyen-ngu-dan-ra-bien-danh-ca-khong-can-biet-den-cac-quy-dinh-do-trung-0

Điều trần tại Quốc hội Mỹ về tình trạng tù nhân lương tâm VN

Ảnh chụp bà Trần Thị Ngọc Minh, mẹ của nhà hoạt động Ðỗ Thị Minh Hạnh ngày 15/1/14 trước cổng đài VOA.

Trà Mi-VOA
16.01.2014
Một cuộc điều trần về tình trạng của tù nhân lương tâm ở Việt Nam và các nước trên thế giới diễn ra hôm nay (16/1/2014) tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ.

Cuộc điều trần đầu tiên trong năm của Ủy Hội Nhân quyền Tom Lantos quy tụ phần trình bày của các nhân chứng từ Trung Quốc, Nga, Bahrain, và từ Việt Nam có bà Trần Thị Ngọc Minh, mẹ của nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh, cô gái trẻ đang thọ án 7 năm tù về tội ‘phá rối an ninh nhằm chống chính quyền’ vì các hoạt động cổ xúy dân chủ, giúp dân oan khiếu kiện đất đai và tổ chức cho công nhân đình công đòi tăng lương.

Trong cuộc phỏng vấn với VOA một ngày trước khi ra điều trần, bà Ngọc Minh nói bà sẽ phơi bày trước quốc tế tình trạng khắc nghiệt của tù nhân lương tâm Việt Nam với mong muốn thế giới tăng áp lực buộc Hà Nội cải thiện nhân quyền và phóng thích tù nhân lương tâm.

Bà Ngọc Minh nhấn mạnh:
Nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh, cô gái trẻ đang thọ án 7 năm tù về tội ‘phá rối an ninh nhằm chống chính quyền’ vì các hoạt động cổ xúy dân chủ.
"Tù nhân lương tâm của Việt Nam là những người yêu nước, đứng lên chống bất công, bạo quyền. Thay vì lắng nghe, nhà nước đàn áp, đánh đập, xử án oan, hành hạ, phân biệt đối xử, và dùng mọi biện pháp đẩy họ vào tù."

"Việt Nam thường rêu rao, lừa dối thế giới rằng Việt Nam không có tù nhân lương tâm hay tù nhân chính trị. Nhưng thực tế trong nước, tù nhân lương tâm rất nhiều. Họ là những người không hề 'vi phạm pháp luật'. Họ vì lương tâm, trách nhiệm với dân tộc, Tổ quốc mà đứng lên cất tiếng nói để tranh đấu cho nhân quyền và công bằng xã hội."


"Tù nhân lương tâm và nhân quyền là hai vấn đề liên kết với nhau."

"Trong cuộc điều trần ngày mai (16/1), tôi đề nghị Hoa Kỳ và quốc tế bằng vị thế và ảnh hưởng của họ, dùng mọi biện pháp áp lực nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm, nhất là giữa lúc Hoa Kỳ đang thương thảo Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP với Việt Nam."


Mời quý vị bấm vào đoạn video dưới đây để theo dõi toàn bộ cuộc phỏng vấn:

http://www.youtube.com/watch?v=FWSvyapvMpI#t=109

Phỏng vấn mẹ nhà hoạt động Minh Hạnh trước phiên điều trần

http://www.voatiengviet.com/content/dieu-tran-tai-quoc-hoi-my-ve-tu-nhan-luong-tam-viet-nam/1831270.html


Trận Chiến Lịch Sử

Minh Văn

Tác giả gửi đến DienDanCTM 

 
Chế độ Cộng Sản vốn phi nhân, sự tồn tại của nó là cả một lịch sử bi thương cho dân tộc Việt Nam. Nay đến thời suy vi, những sai trái và tàn bạo càng được dịp phơi bày ra trước bàn dân thiên hạ. Một phần cũng nhờ sự giao thoa lan toả giữa cái ác của Cộng Sản và công nghệ tân thời internet. Nổi căm phẫn của lòng dân mấy mươi năm dồn nén, nay chia thành nhiều cánh quân để mà tiêu diệt Cộng sản, công phá cái thành trì tham nhũng đã mục rỗng. Nhiều trận chiến đã đi vào lịch sử, lưu lại một chương bi hùng cho sự nghiệp đấu tranh giành tự do, sự sống và quyền lợi căn cốt của người dân. Mà trong đó quy mô lớn nhất, đồng loạt nhất là cuộc chiến giữ đất nổ ra ở cả khắp ba miền. Họ dựng lều trại, lập chiến hào để mà giữ đất - nguồn sống cuối cùng nay bị đảng Cộng Sản cướp đi. Máu đã đổ, người đã chết, đất đã mất, nhưng tinh thần bất khuất vì công lý của người dân vẫn còn sống mãi. Trận chiến này đánh dấu và tạo bước ngoặt cho sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ độc tài.

Những bãi đất trống mà trước đây vốn là ruộng vườn canh tác màu mỡ của nông dân, nay trở thành bãi chiến trường ác liệt. Máy ủi, máy xúc, cảnh sát cơ động, chó săn, quân đội, côn đồ, dân phòng... đều tập trung về đây. Tất cả những lực lượng đó được tập hợp lại để mà đàn áp và đè bẹp một đối tượng duy nhất là những người dân oan bị mất đất. Nhà nước thu hồi đất của người dân với cái giá đền bù rẻ mạt, giống như cướp không vậy. Mỗi ha đất họ chỉ trả cho dân có mấy chục triệu, trong khi cùng với diện tích đó, sau khi quy hoạch thành khu đô thị thì người ta có thể thu vào mấy chục tỉ bạc. Thế là chỉ một con dấu triện củ khoai đỏ chót mà đất đai của người dân bị mất đi, tiền bạc thì vào túi quan tham như nước chảy. Không thể chịu nổi sự bất công ngang trái đó, người dân thề cùng nhau quyết tử để mà bảo vệ mảnh đất thân yêu của mình.

Mấy ngày trước khi lệnh cưỡng chế khu đất có hiệu lực, người dân đã tập trung tại hiện trường. Họ cắm trại và nấu ăn tại chỗ, băng rôn biểu ngữ chống cướp đất được giăng khắp nơi. Không khí căng thẳng hệt như trước khi bước vào cuộc chiến. Quả vậy, đây thực sự là một cuộc chiến sinh tử, nó bảo vệ nguồn sống duy nhất nay bị nhà nước nhẫn tâm cướp đi. Người dân khiêng cả những chiếc quan tài đặt trên bãi đất trống, ngụ ý rằng họ quyết tử để mà giữ đất, không sợ hãi bạo quyền. Tất cả già trẻ, gái trai cùng hồi hộp mà chờ đợi giây phút cuộc chiến nổ ra.

Buổi sáng, ngày mà lệnh cưỡng chế đất có hiệu lực.
Những người dân đã dậy từ tờ mờ sáng. Mặc dù mấy bữa nay phải sống cực khổ trong lều bạt nhưng quyết tâm và nhuệ khí của họ không hề suy giảm. Những biểu ngữ được treo lại cho ngay ngắn, mà chúng ta có thể thấy là “Đả đảo hành động cướp đất của nhà cầm quyền”, “Phản đối giá đền bù đất rẻ mạt”, “Chính phủ cướp đất của dân”, “Chúng tôi thề quyết tử để giữ đất”. Họ ngồi thành từng tốp để bàn bạc, trên tay là những vũ khí nhà nông như cuốc, thuổng, gậy gộc, đòn càn. Khoảng mấy trăm người dân oan mất đất đang tụ tập với nhau như vậy, chờ sự xuất hiện của lực lượng cưỡng chế là xuất trận. Lúc này Dân Đen thay mặt mọi người, anh cử mấy cảm tử quân ra đóng chốt ở ngoài con đường lớn để do thám tình hình. Ai nấy đều nín thở lắng tai nghe mọi động tĩnh.

Khoảng 8 giờ sáng, vẫn chưa thấy có hiện tượng gì khác lạ. Chờ đợi lâu nên mọi người đã có dấu hiệu mệt mỏi, nhiều người lơ đễnh ngáp dài. Vừa lúc đó thì có tiếng động cơ ô tô khua động cánh đồng. Từ con đường lớn, một cảm tử quân chạy vào cấp báo:

- Một đoàn xe chở lực lượng cưỡng chế đang đến, đông lắm, có khi còn nhiều hơn chúng ta...
Không ai bảo ai, mọi người lập tức siết chặt đội ngũ. Họ đứng dàn thành hàng ngang, tay cầm binh khí chỉnh tề. Dân Đen được cử làm đại diện đàm phán với lực lượng cưỡng chế đất, nói
chung là anh toàn quyền thay mặt dân quyết định mọi chuyện. 

Đoàn xe cưỡng chế chạy vào đến bãi đất trống thì dừng lại đổ quân. Xe đi đầu chở đám dân phòng, côn đồ, đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, hội Cựu chiến binh...; xe thứ hai chở cảnh sát cơ động trang bị tận răng với những tấm lá chắn trên tay. Hai xe cuối chở bộ đội chính quy. Vậy là tất cả mọi lực lượng đàn áp đại diện cho nhà cầm quyền đều đã có mặt, họ đông áp đảo so với những người dân bảo vệ đất. Lúc này hai bên đã dàn trận hàng ngang để đối địch với nhau, khoảng cách giữa hai phe là 20 mét. Phía chính quyền thì dàn quân theo thứ tự mà như chúng ta đã nói. Nghĩa là đám hỗn hợp của chiêc xe thứ nhất đứng trước trận, rồi đến cảnh sát cơ động, sau cùng là quân đội. Tiếng Loa bấy giờ lập tức vang trời dậy đất “Lực lượng cưỡng chế đất yêu cầu bà con hãy giữ yên trật tự, không được nghe theo kẻ xấu xúi giục mà làm mất ổn định tình hình, vi phạm pháp luật nhà nước...”.

Hôm nay Lâu La Cộng Sản mặc bộ đồ dân phòng, trên tay cầm chiếc dùi cui điện láng coóng. Hắn xăng xái chạy đi chạy lại trước trận tiền như gà mắc tóc. Ý thức được tầm quan trọng và ác liệt của cuộc chiến nên tâm lý y căng thẳng lắm. Mặc dù giờ G chưa điểm nhưng hắn đã liên tục đưa tay bứt mấy cọng râu như thường lệ. Cũng giống như Dân Đen, lúc này Lâu La Cộng Sản được cử làm người đại diện đàm phán. Với dáng điệu oai phong, một tay vẫn cầm dùi cui, tay kia cầm Loa, hắn tiến lên phía trước mấy bước rồi cất giọng oang oang:
- Mời đại diện phía bên kia ra trước trận để nói chuyện.
Lúc này Dân Đen cũng tiến lên mấy bước, theo sau có hai người cầm tấm biểu ngữ “Quyết tử để bảo vệ đất đai”.
Bấy giờ Lâu la Cộng Sản lên tiếng trước:
- Bớ đám quân ô hợp kia! Nhà nước quy hoạch đất đai, đó là một chủ trương lớn và đúng đắn. Các ngươi cũng đã được nhận tiền đền bù thoả đáng, cớ sao lại manh tâm làm phản, chống lại chủ trương chính sách của đảng? Ta cũng chỉ vì thương các ngươi bởi dại dột mà nghe theo bọn phản động xúi giục, hãy hồi tâm chuyển ý mà quay về với chính nghĩa Cộng Sản. Nay thiên binh đã đến, nếu các ngươi vẫn hung hăng ngoan cố thì sẽ bị trừng trị đích đáng. Các ngươi nghĩ là với mấy cái đòn càn và gậy gộc kia mà chống lại được với dùi cui, súng đạn chăng?

Phía bên người dân lập tức rộ lên “Chúng tôi không sợ, thề liều chết để bảo vệ đất đai của tổ tiên”. Dân Đen ra hiệu cho mọi người yên lặng rồi cất tiếng trả lời:
- Hỡi những người tham gia cưỡng chế đất hôm nay. Tôi có vài lời muốn nói với các vị đây. Nay ta cất quân chính nghĩa để bảo vệ đất đai tổ tiên, vậy nên không thể gọi là phản động được. Nhà nước quy hoạch đất đai rồi cướp đất của dân, đó là điều đã rõ ràng. Các ngươi cũng có anh em, cha mẹ, cũng có đất đai tổ tiên để lại, vậy nghĩ sao về chuyện này? Chẳng lẽ các ngươi định bịt mắt làm ngơ? Người dân bị mất đất canh tác, đền bù lại không thoả đáng, thử hỏi bây giờ họ làm gì để kiếm sống đây?  Nhà nước làm như vậy là đẩy người dân đến con đường chết. Nếu các người nghe theo lệnh của kẻ ác mà đàn áp nhân dân thì chúng tôi thà liều chết mà giữ đất, chứ không còn con đường nào khác.

Cuộc đấu trí thật căng thẳng, Lâu la Cộng Sản lại nhổ thêm cọng râu rồi tiếp tục thao thao:
- Lệnh cưỡng chế đất đã rõ ràng. Mọi thủ tục đền bù cũng đã được thông qua. Nếu lũ dân đen các ngươi vẫn rắp tâm làm phản thì chớ có trách ta vô tình. Thiên binh đã sẵn sàng để nghiền nát bất kỳ kẻ nào dám chống đối.
Nói rồi hắn vênh mặt nhìn sắp lượt hàng quân được đào tạo bài bản, chỉnh tề.
Dân Đen liền đưa hai tay lên miệng làm loa rồi nói lớn:
- Hỡi anh em cảnh sát và binh sĩ! Tiền nuôi sống anh em là tiền của dân. Nhân dân nuôi anh em là để bảo vệ tổ quốc và cuộc sống bình an, không phải để quay lại đàn áp chính người đã nuôi sống mình. Tôi kêu gọi các người hãy quay về với nhân dân, với cội nguồn, chớ có vì một chính quyền tàn bạo mà phạm tội ác muôn đời.
Lúc này Lâu la Cộng Sản đã điên tiết, tay liên tục nhổ râu, hình như hắn quên để ý là chòm râu đã bị nhổ trụi từ lúc nào. Bí về lý luận, hắn liền sử dụng vũ lực như mọi khi:
- Không nói nhiều nữa. Đội Dân Phòng, đoàn thanh niên, côn đồ, cựu chiến binh đánh trận thứ nhất!

Vậy là cuộc chiến đã điểm. Tiếng dùi cui, cuốc thuổng và gậy gộc va vào nhau lách cách, loảng xoảng. Thế trận bất phân thắng bại. Vì đội thứ nhất này không được đào tạo chuyên nghiệp lắm nên không thể thắng nổi khí thế bừng bừng của người dân, ngược lại lắm kẻ còn phải gánh chịu thương tích. Thấy không thắng được, Lâu la Cộng Sản lập tức nổi còi. Đội thứ nhất liền rút về trận để nhường chỗ cho đội cảnh sát cơ động tiến lên.
Lần này vì trang bị không cân xứng, nên phía người dân lập tức thể hiện sự yếu thế. Họ bị đẩy lùi dần về phía sau, vì những cú bổ của đòn càn vào tấm kính chắn không có tác dụng gì cả. Lắm người dân bị vấp ngã vì đi lùi, đội hình nghĩa quân đã bị rối loạn. Lúc này đám cảnh sát liền dùng dùi cui vụt tới tấp vào người vào mặt họ. Tiếng kêu khóc, la hét nổi lên như ri. Tuy vậy người dân vẫn không đầu hàng, họ quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Kết thúc cuộc chiến, mấy chục người dân giữ đất cùng với Dân Đen bị bắt, ai nấy đều bị còng tay để quẳng lên xe ô tô chở đi. Bãi chiến trường la liệt những người thương tích nằm lăn lóc. Băng rôn, khẩu hiệu bị dẫm đạp ngổn ngang. Máu và nước mắt nhuộm thắm cả một vùng vốn trước đây là ruộng vườn màu mỡ xanh tươi.

Vậy là cuộc chiến giữ đất của người dân đã thất bại, nhưng khí tiết của họ vẫn còn mãi với ngàn thu. Tội ác của một nhà cầm quyền độc tài bất nhân vì thế mà cũng bị hậu thế muôn đời nguyền rủa. Và đó là một trận chiến lịch sử./.

'Bài học 40 năm và hành động hôm nay'

Lý Thái Hùng 

Thông Tin Đức Quốc - 16.01.2014 
"Dù phải mất bao nhiêu năm nữa cho đến lúc thu hồi lại chủ quyền biển đảo đã mất, trận hải chiến Hoàng Sa luôn luôn nhắc nhở mọi thế hệ Việt Nam rằng không thể ủy nhiệm cho bất cứ ai lo bảo vệ bờ cõi, mà mọi người đều phải có bổn phận và nghĩa vụ như nhau để đáp lời sông núi" LTH

Đánh dấu 40 năm ngày quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm trước sự chiến đấu hào hùng của Hải quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ ngày 17 đến 19/01/1974, người Việt Nam ở trong và ngoài nước cũng không quên cảnh giác trước những hành động xâm lấn vô lối mang tính leo thang mới đây của lãnh đạo Bắc Kinh để có những đối sách phù hợp.
Đầu năm 2014, chính quyền đảo Hải Nam của Trung Quốc loan báo hai quyết định phi lý tăng cường quyền hạn cảnh sát của họ trên Biển Đông, bắt buộc tàu đánh cá "nước ngoài" phải xin phép khi vào hoạt động trong vùng biển mà Bắc Kinh tự cho là của họ qua đường lưỡi bò chín khúc. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.
Bắc Kinh còn ngang ngược cho phép lực lượng tuần tra của họ tịch thu không những tất cả hải sản mà ngư dân đánh bắt được mà còn vơ vét hết những thiết bị trên tàu và phạt mỗi ngư dân là 500 ngàn nhân dân tệ, tương đương với hơn 80 ngàn Mỹ Kim.
Một tàu của Trung Quốc hoạt động và tham gia tuần tiễu ngoài khơi Hoàng Sa
Những hành động ngang ngược và phi lý của Bắc Kinh nói trên cho thấy là 40 năm qua, kể từ sau khi xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã không thỏa mãn những gì họ đã và đang cưỡng chiếm mà tiếp tục muốn làm bá chủ biển Đông.
 

Tàu Trung Quốc đã ngang ngược cướp phá tài sản của ngư dân VN
Nói cách khác, sau 40 năm nhìn lại, Trung Quốc đã cố tình xâm chiếm Hoàng Sa để làm bàn đạp, gây tranh chấp khắp khu vực, và cuối cùng buộc các nước phải “xin phép” họ qua lại trên biển Đông. Việt Nam do đó, cần học hỏi gì từ quá khứ và có hành động thiết thân, phù hợp hiện nay.
'Nhận thức 40 năm trước'
Trước hết, với sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa bốn mươi năm về trước từ tay của Việt Nam Cộng Hòa, qua các tài liệu về quân sử Việt Nam, cũng như các tài liệu của Hải quân Quân lực Việt Nam Cộng hòa, có thể thấy ngay lúc cuộc xâm lược nổ ra, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã nhận thấy rõ dụng tâm lâu dài của Trung Quốc.
Theo đó, chính quyền Sài Gòn nhận thấy vụ xâm chiếm Hoàng Sa chỉ là bước đầu trong ý đồ thu tóm biển Đông theo kế hoạch được nhà cầm quyền Bắc Kinh tính toán từ trước. Nhưng do bối cảnh chính trị phức tạp vào lúc đó, chính quyền Sài Gòn đã phải cân nhắc giữa hai giải pháp: thương thảo bằng con đường ngoại giao hay quyết chiếnSau những liên lạc yêu cầu lực lượng Trung Quốc rút lui không thành công, Việt Nam Cộng Hòa đã chọn con đường quyết chiến dù lực lượng của Trung Quốc đông gấp bội.
 
Mặc dù Hoàng Sa bị mất, nhưng ngày 19/01/1974, Việt Nam Cộng Hòa đã để lại một văn kiện lịch sử qua Tuyên Bố của Bộ ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa vào lúc đó.
"Việc Trung Cộng ngày nay xâm phạm lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa không những chỉ đe dọa chủ quyền an ninh của Việt Nam Cộng Hòa mà còn là một hiểm họa đối với nền hòa bình và ổn cố của Đông Nam Á và toàn thế giới..."
Tuyên bố của Việt Nam Cộng Hòa, 01/1974.
 
Và cũng qua nội dung của Tuyên bố, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa khẳng định hai điều: một là Việt Nam có chủ quyền rõ rệt trên quần đảo Hoàng Sa và Trung Quốc là 'tập đoàn xâm lược'.
Hai là việc Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa đã mở đầu một hiểm họa đe dọa nền hòa bình và sự ổn định của khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Rất tiếc là những cảnh báo của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đã không được thế giới quan tâm.

Cuộc hải chiến hào hùng cũng đã bị chôn vùi kể từ sau ngày 30/4/1975 và trong thời gian dài không hề được nhắc đến chính thức dưới chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, ngay cả trong nhiều sách giáo khoa của học trò phổ thông.

Nhiều người từng tham dự vào cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa còn bị tù cải tạo, nhiều thân nhân của những sĩ quan và binh sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong trận chiến này đã phải sống dưới chính sách kỳ thị như mọi nạn nhân khác có thân nhân là "ngụy quân ngụy quyền".
Rất may là Cộng đồng người Việt tại hải ngoại vẫn còn tưởng nhớ đến công ơn của những anh hùng hải quân đã vị quốc vong thân để bảo vệ Hoàng Sa.
    "Rõ ràng là có sự thiếu nhất quán trong nội bộ lãnh đạo cộng sản VN về các phản ứng liên quan đến những vấn đề lịch sử đối với Trung Quốc. Khi lãnh đạo còn e ngại và muốn tránh né đề cập một sự thật của lịch sử, thì rất khó thuyết phục người dân về thực tâm bảo vệ đất nước của giới lãnh đạo"
Những buổi lễ tưởng niệm đã được tổ chức rất trang nghiêm vào mỗi dịp đầu năm suốt từ 1975 đến nay.
 
Chính những buổi lễ này đã góp phần hun đúc ý chí và tinh thần bảo vệ bờ cõi, làm bừng lên ngọn lửa yêu nước của người Việt Nam trước làn sóng xâm chiếm của Trung Quốc trên biển Đông ngày nay.
'Chính sách thiếu nhất quán'
Đánh dấu 40 năm tưởng niệm trận hải chiến Hoàng Sa năm nay, chính quyền Hà Nội đã có một số động thái đáng chú ý.
Thứ nhất là cho phép một số báo, đài truyền hình đề cập khá chi tiết và liên tục nhiều kỳ về trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Họ đã phỏng vấn và giới thiệu nhiều hồ sơ cũ của Việt Nam Cộng Hòa ghi lại các chuẩn bị và diễn tiến của trận hải chiến.
Đây là một quyết định tuy quá trễ, nhưng ít ra bây giờ nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam thấy rằng việc trình bày cho hậu thế hiểu rõ diễn tiến của một cuộc chiến bảo vệ hải đảo trước ý đồ xâm lấn và bành trướng của Trung Quốc đã là điều cần thiết.
Không dám nói lên sự thật và không dựa vào trận hải chiến hào hùng này, sẽ không có cơ sở vững chắc để thuyết phục thế giới đứng về phía Việt Nam chống lại các ý đồ của Trung Quốc hiện nay.
Thứ hai là ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng chính phủ cộng sản Việt Nam, đã tuyên bố rằng sẽ đưa vấn đề Hoàng sa và Trường sa vào sách giáo khoa, cũng như tổ chức lớn tưởng niệm 40 năm Hoàng sa và 35 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc.

Đây cũng là một quyết định quá trễ và dường như mang âm hưởng của một sự “thăm dò” vì phát biểu này sau đó đã bị kéo xuống khỏi các trang mạng do những e ngại “ngoại giao”.
Rõ ràng là có sự thiếu nhất quán trong nội bộ lãnh đạo Cộng sản Việt Nam về các phản ứng liên quan đến những vấn đề lịch sử đối với Trung Quốc. Khi lãnh đạo còn e ngại và muốn tránh né đề cập một sự thật của lịch sử, thì rất khó thuyết phục người dân về thực tâm bảo vệ đất nước của giới lãnh đạo hiện thời trong quan hệ với Trung Quốc.
Vấn đề còn lại là nhà cầm quyền CSVN không nên và không còn có thể tiếp tục hành xử kiểu nửa nạc, nửa mỡ hay tiếp tục đóng kịch chỉ khoác áo dân tộc như hiện nay nữa về toàn cảnh vấn đề biển Đông.

Lý do là lối hành xử nửa vời này không những có hại mà còn gây cản trở cho nỗ lực bảo vệ sự toàn vẹn biển đảo, lãnh thổ của dân tộc.
'Ba việc cần làm '
Nhân tưởng niệm 40 năm Hoàng Sa, thiết nghĩ lãnh đạo Cộng sản Việt Nam cần mạnh dạn làm ba việc.
Thứ nhất, Chính thức tuyên bố hủy bỏ công hàm do cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1958.
 
Việc hủy bỏ Công hàm cùng với việc quảng bá Tuyên Cáo của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa ngày 14 tháng 2 năm 1974, xác định “quần đảo Hoàng sa và Trường sa là những phần bất khả phân lìa của lãnh thổ Việt Nam”, sẽ giúp Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý để kiện Bắc Kinh ra toà án Liên Hiệp Quốc như Phi Luật Tân đang làm.
    "Dù phải mất bao nhiêu năm nữa cho đến lúc thu hồi lại chủ quyền biển đảo đã mất, trận hải chiến Hoàng Sa luôn luôn nhắc nhở mọi thế hệ Việt Nam rằng không thể ủy nhiệm cho bất cứ ai lo bảo vệ bờ cõi, mà mọi người đều phải có bổn phận và nghĩa vụ như nhau để đáp lời sông núi"
 
Nếu vụ kiện xảy ra, chắc chắn là ngư dân Việt Nam không cần phải “xin phép” đánh cá trên vùng biển truyền thống lâu đời của mình như Trung Quốc đang ra lệnh.
Thứ nhì, chính thức vinh danh những người chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng sa, và thiết lập một ngân quỹ để giúp đỡ cho thân nhân, con cháu của những người đã vị quốc vong thân.
Nỗ lực này còn mang một ý nghĩa quan trọng khác là người dân Việt Nam bất kể thế hệ nào đều phải ghi nhớ trận hải chiến hào hùng của dân tộc, đặc biệt là chiến tích này đang gắn liền với công cuộc bảo vệ bờ cõi hiện nay trước tai họa xâm lăng từ Trung Quốc.
Thứ ba, để cho người dân tự do lập ra những nhóm, hội đoàn dưới nhiều hình thức như nghiên cứu pháp lý, thu thập tài liệu lịch sử, gây quỹ, vận động quốc tế.... để đóng góp vào công cuộc bảo vệ biển đảo.

Đây là công việc lâu dài, trải qua nhiều thế hệ nên việc xã hội hóa các nỗ lực bảo vệ biển đảo phải để cho người dân tham gia. Hơn thế nữa, đây là thời đại của mạng xã hội, việc liên kết các cá nhân có cùng quan tâm và dùng nó như một sức mạnh áp đảo để buộc đối phương phải ngưng những ý đồ xâm phạm, trở thành phương tiện tranh thủ rất hòa bình và hiệu quả.
'Đáp lời sông núi'
Bốn mươi năm là khoảnh thời gian rất ngắn trong chiều dài lịch sử. Nhưng 40 năm ý nghĩa của trận hải chiến bảo vệ biển đảo – dù Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa – đã ghi khắc vào lòng người Việt Nam một quyết định lịch sử: quyết chiến bảo vệ tổ quốc dù đối phương mạnh hơn mình gấp bội.
Dù phải mất bao nhiêu năm nữa cho đến lúc thu hồi lại chủ quyền biển đảo đã mất, trận hải chiến Hoàng Sa luôn luôn nhắc nhở mọi thế hệ Việt Nam rằng không thể ủy nhiệm cho bất cứ ai lo bảo vệ bờ cõi, mà mọi người đều phải có bổn phận và nghĩa vụ như nhau để đáp lời sông núi.
Sự kiện một số nhà dân chủ, một số nhà hoạt động mạng tổ chức các buổi hội thảo về Hoàng Sa, thăm viếng và ủy lạo cho những thân nhân các chiến sĩ hải quân đã hy sinh là một nỗ lực đáng ca ngợi.
Chính tinh thần này đã đánh thức mọi người cùng nhau nhìn về biển Đông, trước hết là làm sao bảo vệ ngư dân Việt có thể tự do và an toàn đánh bắt hải sản trước lệnh phải “xin phép” ngược đời của Trung Quốc tung ra hiện nay.
Song song, cần tranh thủ hậu thuẫn của thế giới và các quốc gia láng giềng chống lại ý đồ bá quyền của Trung Quốc trên biển Đông.

Nếu chúng ta cùng tưởng niệm 40 Năm Hoàng Sa trong tinh thần đó, anh linh của 74 người con yêu nước Việt khoác áo Hải quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ có thể mỉm cười yên giấc.
http://www.ttdq.de/node/1085

Vì sao Trung Quốc cải tổ quân đội và tăng cường quân khu Quảng Châu ?

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (G) lên thăm tàu sân bay Liêu Ninh tại căn cứ hải quân Đại Liên, 25/09/2012
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (G) lên thăm tàu sân bay Liêu Ninh tại căn cứ hải quân Đại Liên, 25/09/2012
REUTERS/Xinhua/Zha Chunming
Tú Anh
Trong những ngày đầu năm nay, báo chí chính thức của Trung Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản nhiều lần đưa tin quân đội Trung Quốc có kế hoạch tái cấu trúc quân đội, thành lập bộ chỉ huy hỗn hợp hải lục không quân. Với ngân sách quốc phòng đứng hàng thứ hai thế giới, khi tăng cường hạm đội Nam hải và quân khu Quảng Châu, những chuẩn bị của Trung Quốc không chỉ nhằm đối phó với « liên minh Mỹ-Nhật »ở Hoa Đông.
Hội nghị Trung Ương đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 11 năm 2013 thông báo sẽ thành lập Hội Đồng An Ninh Quốc Gia NSC. Tuy theo mô hình Hoa Kỳ, nhưng NSC Trung Quốc bao trùm hầu hết lãnh vực từ an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại cho đến đối ngoại và kiểm soát báo chí, do lãnh đạo Tập Cận Bình chỉ huy. Cũng trong chiều hướng này, quân đội Trung Quốc sẽ được tái cấu trúc với bộ chỉ huy thống nhất, tăng cường ba quân khu duyên hải gồm Tế Nam, Nam Kinh và Quảng Châu.
Để tìm hiểu thêm vì sao kế hoạch tái cấu trúc quân đội, được tiến hành vào thời điểm Tập Cận Bình lên ngôi, cụ thể ra sao, hàm chứa những mục tiêu chính trị và quân sự nào ? Đâu là những đối tượng chính của chế độ có ngân sách quốc phòng ( 2,3 triệu quân, 117 tỷ đô la) đứng hàng thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và mỗi năm mỗi tăng hơn 10% ?
Và tại sao quân khu Quảng Châu lại được tăng cường hùng hậu nhất với hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và toàn bộ lực lượng Thủy quân lục chiến trấn đóng tại đảo Hải Nam? RFI đặt câu hỏi với giáo sư Ngô Vĩnh Long, đại học Maine, Hoa Kỳ.
RFI : Vai trò của quân đội Trung Quốc trong chế độ hiện nay ?
GS Ngô Vĩnh Long : Từ thời Đặng Tiểu Bình đến nay, không một lãnh đạo nào lên làm Tổng Bí thư và Chủ tịch nước mà không có sự ủng hộ của quân đội Trung Quốc. Không ai đứng vững được nếu không nắm được quân đội…Do đó, khi ông Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc vào tháng 11 năm 2012 thì ông đưa ra khẩu hiệu « giấc mơ Trung quốc », lấy từ tựa đề một cuốn sách của một sĩ quan « diều hâu », kêu gọi quân đội phải tăng cường đương đầu với Hoa Kỳ.
RFI : Kế hoạch tái cấu trúc quân đội Trung Quốc được quyết định lúc nào ?
GS Ngô Vĩnh Long : Ít nhất là lúc Hội nghị trung ương tháng 11 vừa qua. Đại hội đó quyết định thành lập Hội Đồng An Ninh Quốc Gia do Tập Cận Bình làm Chủ tịch tập trung tất cả các cơ quan an ninh từ cảnh sát quân đội, Bộ Quốc phòng , Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Thương mại, Cục Tuyên truyền, Cục Liên lạc và hợp tác quốc tế. Thông tin của báo Nhật Yumiuri là chính xác, Trung Quốc xáp nhập 7 quân khu hiện tại thành 5. Mỗi quân khu có một bộ chỉ huy tác chiến tổng hợp cho bộ binh, không quân, hải quân, và các quân đoàn tên lửa chiến lược. Báo chí Trung Quốc như Trung Hoa Nhật Báo, Nam Hoa Tảo Báo đã cho biết Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận thành lập “cơ cấu chỉ huy tác chiến tổng hợp với đặc tính Trung Quốc”.
RFI: Tại sao phải thay đối cấu trúc quân đội hiện nay?
GS Ngô Vĩnh Long : Trước hết là để thống nhất chỉ đạo và chỉ huy trong tay Bộ Chính trị , đặc biệt là trong tay ông Tập Cận Bình. Sau đó là tái phối trí các quân khu hiện nay. Ba quân khu quan trọng nhất sẽ được tăng cường là quân khu Tế Nam, Nam Kinh và Quảng Châu để Trung Quốc kiểm tra ba khu vực là Hoàng hải (Bắc hải), Đông hải và Nam hải.
Hạm đội Bắc hải của Trung Quốc được đặt dưới quyền chỉ huy của quân khu Tế Nam, hạm đội Đông hải đặt dưới quyền chỉ huy của quân khu Nam Kinh và hạm đội Nam hải dưới sự chỉ huy của quân khu Quảng Châu. Hạm đội Nam hải hùng hậu nhất, có nhiều tàu chiến nhất, tàu sân bay Liêu Ninh mà gần đây tập trận ở biển Đông. Đặc biệt nhất là toàn bộ Thủy quân đánh bộ trên 20.000 quân và các tàu đổ bộ nằm trong hạm đội Nam hải. Thành phố Tam Sa được thiết lập trên đảo Hoàng Sa là cơ quan đầu não kiểm soát các quần đảo trong Biển Đông.
Lý Khánh Công, Phó Tổng bí thư Hội đồng nghiên cứu chính sách an ninh của Trung Quốc cho biết, Trung Quốc sẽ chú trọng tăng cường các kho vũ khí “high tech” và vũ khí hạt nhân ở ba vùng biển Bắc hải, Đông hải và Nam hải. Lý Khánh Công cho biết thêm, ưu tiên cao nhất hiện nay của Trung Quốc là có “thêm nhiều tàu sân bay và các hạm đội hùng mạnh hơn, Trung Quốc đã xây dựng các pháo đài sắt thép ở các vùng biên giới trên đất liền, như vậy ưu tiên hiện nay là trên biển cả.
RFI: Quân khu Quảng Châu được tăng cường hùng hậu nhất , toàn bộ Thủy quân lục chiến đóng tại hải Nam, để làm gì? Hệ quả ra sao?
GS Ngô Vĩnh Long : Mục tiêu của Trung Quốc, trước hết là kiểm soát Biển Đông và chứng minh là việc Trung Quốc đưa ra cái đường “lưỡi bò” là đúng. Đối tượng chính đối với Trung Quốc là Việt Nam vì Việt Nam có lãnh hải dài nhất tại Biển Đông. Nếu Việt Nam vì sợ mà không có phản ứng thì Trung Quốc sẽ dùng vấn đề này để làm áp lực với các nước khác trong khu vực cũng như là với Mỹ...".
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140116-vi-sao-trung-quoc-cai-to-quan-doi-va-tang-cuong-luc-luong-quan-khu-quang-chau

Việt Nam hoãn xây nhà máy hạt nhân đầu tiên

Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (DR)
Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (DR)

Thanh Phương

Theo báo chí trong nước hôm nay, 16/01/2014, Việt Nam sẽ đình hoãn dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên đến năm 2020 thay vì năm nay như kế hoạch ban đầu. Việt Nam đã dự trù xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào năm 2014, với sự trợ giúp của tập đoàn hạt nhân Nga Rosatom. Ninh Thuận 1 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023.

Nhưng tờ Tuổi Trẻ trích lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một cuộc họp ngày hôm qua nói rằng phải đình hoãn dự án nói trên cho đến năm 2020, nhằm bảo đảm « an toàn nhất, hiệu quả nhất » cho dự án.
Để đáp ứng nhu cầu về khí đốt sẽ tăng lên do việc đình hoãn dự án nhà máy hạt nhân, ông Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tập đoàn dầu khí Nhà nước Petrovietnam ( PVN ) bảo đảm đủ khí đốt để cung cấp cho cụm nhà máy điện 5.000MW thay thế cho nhà máy điện nguyên tử 4.000MW bị đình hoãn. Nhưng bản tin nói trên không nói rõ là Petrovietnam sẽ tìm nguồn khí đốt đó ở đâu.
Tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng được đưa ra sau khi vào tuần trước, trong chuyến viếng thăm Việt Nam, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Yukiya Amano đã hứa sẽ giúp Việt Nam xây dựng nhà máy hạt nhân Ninh Thuận 1. Ông Amano khuyên Hà Nội không nên vội vã tiến đến năng lượng nguyên tử và trước hết phải bảo đảm có đủ khả năng để vận hành nhà máy hạt nhân.
Ngoài Ninh Thuận 1, chính phủ Việt Nam đã chọn các tập đoàn Nhật để xây dựng một nhà máy điện nguyên tử thứ hai cũng tại tỉnh Ninh Thuận, với hai lò phản ứng đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ những năm 2023-2024.
Theo thẩm định của Ngân hàng Phát triển Châu Á, nhu cầu điện năng của Việt Nam có thể tăng thêm 14% mỗi năm cho đến 2015 và sau đó sẽ tăng 11% cho đến 2020. Trước nhu cầu tăng mạnh như thế, Việt Nam buộc phải phát triển các nguồn năng lượng mới, bởi vì sản xuất điện từ than và đập thủy điện nay đã đến mức giới hạn.
Việt Nam đã dự định sẽ xây tổng cộng 7 nhà máy điện nguyên tử từ đây đến 2030, nhưng tai nạn hạt nhân Fukushima 2011 đã gây thêm quan ngại về tính chất an toàn của công nghệ năng lượng nguyên tử.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140116-viet-nam-hoan-xay-dung-nha-may-hat-nhan-dau-tien

Buồn và lo cho nghề nhặt rác kiếm cơm

Văn Toàn
Gửi cho BBC Tiếng Việt từ Hà Nội
Thứ năm, 16 tháng 1, 2014

Một người làm nghề thu rác ở Việt Nam
Để tồn tại trong đời, hàng ngàn người Việt nam hiện tại phải làm những nghề nghiệp quá nguy hại, không những cho bản thân mà ảnh hưởng cả cộng đồng, tập trung nhiều nhất là ở các khu vực đông dân cư, ven thành phố.
Có một nghề không mới nhưng kéo dài dai dẳng, phát sinh trong cuộc sống hàng ngày nếu như không có sự quan tâm đúng mức của chính phủ Việt nam và tiếng nói cộng đồng. Đó là nghề kiếm sống trên bãi rác.
Họ là những con người ngày ngày lầm lũi cúi mặt đào bới, tìm kiếm những thứ gì có thể đổi thành tiền trên “núi rác”.
Họ ăn uống trên rác có ruồi nhặng bu đầy xung quanh, họ dừng bữa ăn dở khi có xe rác đến, tất tả cầm đồ nghề, miệng vẫn còn nhai nhưng chân thì chạy, mong mình là người chọn được nhiều rác “có giá” hơn so với đồng nghiệp.
Hầu hết các bãi rác lớn ngoại ô thành phố từ Bắc vào Nam nước Việt đều có nhiều những người dân quanh khu vực sống nhờ rác thải từ thành phố tập trung về. Thậm chí có những gia đình ở quê thiếu việc làm, không ruộng đất, nhiều năm qua họ dìu dắt nhau đi hết bãi rác này đến bãi rác nọ để hành nghề kiếm cơm từ rác.
Những bãi rác càng lớn càng mang lại cho nhiều người miếng cơm ăn, manh áo mặc, thoát đói nghèo tức thời.
Hàng ngàn người ào ạt nhặt nhạnh ở một bãi rác từ hai giờ sáng, có bãi rác họ đào móc đến tối mịt để đánh đổi sự sống còn hàng ngày cho chính họ, cho gia đình họ.
Cuộc đời, sức khỏe tương lai của họ chắc rằng cái giá phải trả còn lớn hơn nhiều so với những đồng tiền kiếm được từ sống chung cùng rác.Họ vẫn biết độc hại nhưng vì miếng cơm họ đành chấp nhận, làm quen với nước rỉ mùi hôi thối nồng nặc, mùi hóa chất xộc lên tận óc tăng dần theo nhiệt độ ngoài trời.
Nhiều ngàn người đang đánh đổi sức khỏe mình vì sự sống còn đó, chắc họ sẽ không miễn dịch các bệnh do tiếp xúc dài theo năm tháng cùng rác bẩn gây ra. Bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, bệnh da liễu, phụ khoa, các bệnh truyền nhiễm khác từ họ sẽ lây lan ra khu vực theo cấp số nhân là điều không tránh khỏi.
Một trong những mầm mống sinh ra dịch bệnh cho cộng đồng là từ đây. Và trong hoàn cảnh Việt nam thực tại, sự quá tải các bệnh viện dành cho người thu nhập thấp chắc chắn có nguyên nhân trên không phải là nhỏ.
Nhiều trường hợp đã chết bệnh vì rác, chết chém vì giành rác, giành quyền làm cai bãi rác. Theo số liệu từ tổ chức khám bệnh miễn phí cho người dân mưu sinh bằng nghề nhặt rác ở bãi Nam Sơn – Sóc sơn – Hà Nội, có kết quả 100% phụ nữ đều mắc bệnh phụ khoa, ung thư vú, viêm nhiễm, bệnh ngoài da... Thậm chí người kiếm sống bằng nghề bới rác ở đây bị cộng đồng khu vực tránh né, nhất là chẳng ai muốn cùng họ nên vợ nên chồng.
Đa số người Việt nam hiện tại thờ ơ với những nguy hại lớn ảnh hưởng xã hội nhưng lại xôn xao, phê phán, quan tâm những chuyện rất nhỏ gần như mặc định xảy ra hàng ngày.
Hệ lụy từ việc sinh nhai trên bãi rác phải trả giá là quá đắt cho những người dân hành nghề trực tiếp và cho người dân khu vực. Việc làm này, nghề này nên phải kết thúc, không để tồn tại vĩnh viễn, cần sự quan tâm từ Chính phủ và được chia sẻ mạnh hơn nữa từ cộng đồng.
Nên chấm dứt sự thật: một lượng rác lớn từ thành phố chở ra bãi rác, rồi sau đó lại có một lượng rác nhỏ hơn nhưng độc hại hơn chở ngược về thành phố. Và không ít hàng giả, hàng nhái, chai lọ, bao bì thực phẩm được tái sử dụng từ những nguồn rác bẩn này.
Giải pháp giải quyết công ăn việc làm cho người dân không thể từ bãi rác. Hơn nữa càng không nên so sánh trên thế giới vẫn còn những nước có người dân sống bằng nghề bới rác như thói quen lập luận đổ lỗi cho đất nước vẫn còn nghèo.
Hiện nay, nhiều nước phát triển sản xuất nhiệt điện từ rác thải. Công nghệ này có nguồn nguyên liệu vô tận.
Các nhà máy này góp phần giải quyết rốt ráo tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, đang ngày càng trở nên trầm trọng, đang đe dọa cộng đồng do sự bế tắc, trì trệ, và xây dựng các nhà máy xử lý rác thải thực tế thiếu công suất, ít hiệu quả ở Việt nam.
Việt Nam là nước đang thiếu điện trầm trọng cho những năm tới đây. Nên chăng Chính phủ cần nghiên cứu, triển khai đầu tư xây dựng hàng loạt nhà máy sản xuất điện từ rác thải của các thành phố, càng không nên quá cân nhắc hiệu quả tài chính thay vì phải xây dựng những nhà máy sử lý rác thải vô thưởng vô phạt.
Việc làm này mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, vừa khắc phục triệt để ô nhiểm, giảm dịch bệnh, mang lại sức khỏe cho cộng đồng, giảm chi phí vô hình cho nhiều thế hệ phải phòng chữa bệnh vừa đem đến công ăn việc làm chính đáng cho nhiều người lao động.
Trên những bãi rác, thấp thoáng hàng dài bóng người lầm lũi đang cố nhặt thêm ít gạo nuôi gia đình, cho con ăn học.. với tâm trạng ngay ngáy lo âu bãi rác này còn tồn tại được bao lâu khi đã quá đầy!
Bài thể hiện quan điểm riêng của độc giả Văn Toàn, gửi cho BBC từ Hà Nội.






http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/01/140116_nghe_nhat_rac_viet_nam_forum.shtml

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link