Sunday, February 8, 2015

CÔNG TÂM, CÔNG LƯƠNG HAY CÔNG THÀNH

                      
                   CÔNG TÂM, CÔNG LƯƠNG HAY CÔNG THÀNH

              Người xưa có nói : «  Trong chiến tranh, thứ nhất là công tâm, thứ đến là công lương, sau mới tới công thành. » Công tâm đây là đánh vào lòng người, đánh vào lòng quân địch để khuất phục quân địch. Công lương đây là đánh vào lương thực, đánh vào kinh tế. Cuối cùng mới tới công thành tức là dùng đến quân sự, dàn quân đánh nhau hay gửi quân tới thành địch để tấn công. Người xưa còn nói thêm : «  Người giỏi trong những người giỏi, đó là khuất phục quân địch mà không làm cho quân địch tan ; chiếm được thành địch, nhưng không làm cho thành địch vỡ ; lấy được nước địch, nhưng không làm cho nước địch bể. »

             Nhìn vào lịch sử cận đại, khối tự do, đứng đầu là Hoa Kỳ, đã lãnh đạo trong gần nửa thế kỷ, rồi chiến thắng Chiến tranh Lạnh. Quả thực đây là «  Người giỏi trong những người giỏi « , khi mà đế quốc cộng sản sụp đổ vào cuối năm 1990, đầu năm 1991, không cần một tiếng súng, chẳng cần phải công thành, không phải đi vào cảnh «  Thành vỡ, nước tan ».

             Ngày hôm nay, còn một số nước cộng sản rơi rớt lại, trong đó có Trung Cộng và Việt Nam. Khi giải Nobel Hòa bình được trao cho một người Trung Cộng, đấu tranh cho tự do, dân chủ, thì có người cho rằng đây là đòn «  Công tâm » của thế giới tự do. Hôm nay ngày 12/11/2010, Hội ngị Thượng Đỉnh họp ở Séoul, Nam Hàn ; và trước đó ông Giám Đốc Ngân hàng Trung Ương, dự trữ quốc gia Hoa kỳ tuyên bố là sẽ tháo khoán 600 tỷ $ để mua cổ phiếu trên thị trường. Những sự kiện trên, có người nói rằng «  Chiến tranh tiền tệ « đã bắt đầu. Đây là đòn «  Công lương « ; vì chúng ta ai cũng biết, trong kinh tế hiện đại, tiền tệ được coi như máu, ngân hàng đưọc coi như trái tim của kinh tế.
             Có phải thế giới tự do, bắt đầu bằng người Hoa kỳ đã bắt đầu tấn công Trung cộng và những nước cộng sản còn rơi rớt lại bằng đòn công tâm và công lương hay không ? Chiến lược này có phải là bổn cũ sọan lại của thời Chiến tranh Lạnh hay không ?

            Bổn cũ là cái gì ?
           Bổn cũ chính là Chánh sách Be Bờ « Containment Policy, mà tác giả là ông Paul Nitzé và Georges Kennan, một người là Cố vấn An Ninh, một người là chuyên viên về cộng sản trong Bộ Ngoại giao thời Tổng thống Truman, được lấy ý từ quyển truyện Trại Súc Vật ( Animal Farm) của nhà văn hào Anh Georges Orwells, được gói ghém trong Chỉ thị số 68 của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ. Theo G. Orwells, thì trong một trại súc vật nọ, có một con heo già, vừa dơ bẩn, vừa lười biếng, mà ai đọc cũng nghĩ đến K. Marx. Vì lười biếng, nên nó thường ngủ trưa.

 Có một hôm trong giấc ngủ trưa , nó đã mơ thấy thiên đàng súc vật, trong đó mọi con vật đều sung sướng, không phải làm việc cực nhọc, đúng theo kiểu «  Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu «, thêm vào đó còn có tiếng nhạc êm ái của mẹ súc vật ru con. Bừng mắt dậy, thấy thực tại đau khổ, nó loay hoay tìm câu trả lời. Và nó đã tìm thấy, đó là vì súc vật bị con người bóc lột.

 Nó đã không ngần ngại kêu gọi tất cả súc vật lại để thuyết pháp và hô hào làm cách mạng súc vật chống lại ông chủ con người. Ông chủ có chống lại, nhưng thất bại vì súc vật có sức mạnh vũ phu và còn đang hăng. Nhưng rồi từ từ sau đó, vì súc vật không có đầu óc, không biết làm kinh tế, kho dự trữ thóc gạo do ông chủ để lại càng ngày càng cạn dần, đưa đến chỗ súc vật cắn quái nhau. 

Cách mạng súc vật thất bại đầu tiên là từ trong nội bộ. Theo Paul Nitzé và Georges Kennan, thì đương đầu với cộng sản lúc đầu là không được, mà phải be bờ, đợi đế quốc cộng sản tự vỡ từ bên trong, sau đó mới tấn công. Đại để chiến lược của Hoa Kỳ trong thời gian Chiến tranh lạnh từ năm 1945 tới khi đế quốc cộng sản Liên sô sụp đổ, tiêu biểu qua sự kiện bức tường Bá linh sụp đổ năm 1990. Khi bức tường này sụp đổ, thì ông Paul Nitzé đang làm Trưởng Phái đoàn thương thuyết về tài giảm binh bị của Hoa kỳ, ở Genève, Thụy Sỹ. Ông đã xin từ chức về hưu và tuyên bố : «  Chúng ta đã chiến thắng Chiến tranh Lạnh. » Chiến lược này chia ra làm 2 giai đoạn :

             Giai đoạn be bờ từ 1945 tới 1972
             Giai đoạn tấn công từ năm 1972, tiêu biểu là cuộc gặp giữa Nixon và Mao trạch Đông ở Thượng hải, cho tới lúc bức tường Bá Linh sụp đổ.
            Trong thời gian tấn công, người Hoa Kỳ cũng dùng “ Công Tâm” và “ Công Lương “. Công tâm, đó là dùng ý thức hệ “ Tự do, dân chủ và nhân quyền “, qua những đài phát thanh hướng vào những nước cộng sản, qua những báo chí nói rõ cho thế giới, cho dân những nước cộng sản thấy rõ rằng lý tưởng cộng sản công bằng, độc lập, tự do, hạnh phúc, ấm no là hoàn toàn thất bại, thực tế công sản hoàn toàn ngược lại với những tuyên truyền cộng sản. Công lương, đó là nhằm vào sự yếu kém của kinh tế cộng sản mà đánh.
            Bổn cũ sọan lại hiện nay đối với những nước cộng sản còn lại, bắt đầu bằng Trung Cộng là thế nào?
            Đó là thế giới tự do, đặc biệt là người Hoa kỳ vẫn dùng chiến lược Be bờ trước, sau mới tấn công dưới hình thức công tâm rồi công lương. Tất nhiên nó không phải hoàn toàn giống nhau.
            Trong chiến tranh lạnh nhằm bao vây Liên sô và phân hoá khối Cộng sản Hoa kỳ đã mở cửa thị trường và giúp đỡ Trung cộng canh tân đất nước qua cuộc viếng thăm lịch sử cuả Nixon năm 1972 và chính sách mở cửa cuả Đặng tiểu Bình năm 1978, sau đó gián đoạn bởi biến cố Thiên An Môn 1989, rồi bắt trở lại từ năm 1995, nhất là từ năm 2000 cho tới nay.

 Đây có thể nói là thời gian dụ Trung Cộng chấp nhận kinh tế thị trường, biến kinh tế Trung Cộng từ kinh tế tự cung, tự cầu, vùng này độc lập với vùng kia, ngành này độc lập với ngành kia, không có liên quan nhiều với kinh tế quốc tế ( économie autarcique) thành kinh tế  tương thuộc, vùng này lệ thuộc vùng kia, ngành này liên quan với ngành kia, lệ thuộc nhiều vào kinh tế quốc tế, và hơn thế nữa thành kinh tế tiền tệ. Trong kinh tế thị trường, nói một cách giản tiện, người ta có thể ví tiền tệ như máu và hệ thống ngân hàng như tim của một con người. nếu tim trục trặc, máu chạy không đều thì đưa đến khủng hoảng, có thể từ khủng hoảng hệ thống ngân hang, tiền tệ, rồi tới khủng hoảng kinh tế, kéo tới khủng hoảng xã hội, rồi sau cùng tới khủng hoảng chính trị.

            Thời gian chính sách Be bờ và bao vây đối với Trung Cộng, người ta có thể nói bắt đầu bằng bài diễn văn cuả ngoại Trưởng Hoa kỳ, bà Condi Rice đọc vào ngày 18.01.2006 tại đại học Georgetown, bà tuyên bố là Hoa kỳ đang thay đổi chiến lược toàn cầu, sẽ dồn tài nguyên và căn cứ quân sự về các điểm nóng Phi châu, Nam mỹ, Trung đông và quan trọng nhất là vùng Đông nam Á. Và hôm nay, phải chăng Hoa Kỳ và thế giới tự do đã chấm dứt thời kỳ be bờ với Trung Cộng và bước sang thời kỳ tấn công qua một số sự kiện như phát giải Nobel Hòa Bình cho nhà tranh đấu nhân quyền Trung Cộng Lưu hiểu Ba, lời tuyên bố tháo khoán 600 tỷ $ để mua chứng khoán, mà mục đích chính là nhằm làm tăng giá đồng Nhân Dân Tệ của Trung cộng, giảm bớt hàng nhập cảng Trung cộng ra nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ ?
             Có những yếu tố giúp chúng ta có thể tin như vậy, như trong cuộc Họp Thượng Đỉnh vừa qua ngày 11/11 ở Séoul, có người đã nói đến Chiến tranh Tiền tệ ( Guerres monétaires).

             Trước khi nói về chiến tranh tiền tệ, tôi xin nói sơ về tình trạng kinh tê thế giới hiện nay. Hoa kỳ là nước kinh tế đứng đầu trên thế giới, nhưng chính là nước mắc nợ thế giới nhiều nhất. Só nợ đó đại khái như sau: nợ Trung cộng khoảng 700 tỷ $; Nhật, 600 tỷ; Âu châu, 400 tỷ; phần còn lại với những nước khác trên thế giới khoảng 300 tỷ. Hiện Trung cộng có một số dự trữ Đô la khoảng 2 500 tỷ. 

Mỗi năm Trung cộng xuất cảng khoảng 1 200 tỷ $, nhập cảng 900 tỷ. Phần bội thâu phần lớn với Hoa lỳ khoảng hơn 200 tỷ. Sở dĩ được như vậy là vì Trung Cộng thi hành một chính sách thắt lưng buộc bụng đối với dân, kìm lương ở mức độ thấp nhất để khuyến khích đầu tư thế giới và một chính sách tiền tệ kìm hãm tiền Nhân dân tệ. Đồng Nhân dân Tệ bám sát đồng Đô la, nhưng luôn luôn bị kìm hãm rẻ hơn 20% so với giá trên thị trường. Làm như vậy không những hàng hóa Trung Cộng đã sản xuất với nhân công rẻ, mà còn được lợi thêm 20%, vì đông Nhân Dân Tệ rẻ hơn 20% so với giá Đô La trên thị trường. Chúng ta nên nhớ hiện nay sự trao đổi thương mại quốc tế phần lớn là qua Đô La.

             Nhiều người cho rằng bỏ thêm ra 600 tỷ $ bằng cách in tiền thêm ra để đưa vào thị trường, con số này đối với những nước nghèo thì là lớn, nhưng đối với Hoa Kỳ và những cường quốc kinh tế khác thì không đi vào đâu cả. Cũng có phần đúng, tuy nhiên ngay đối với những nước giàu có, 600 tỷ không phải nhỏ. Chắc chắn nó sẽ có hiệu quả đối với kinh tế Hoa Kỳ, kinh tế thế giới và nhất là đối với sự bang giao kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung cộng. Chính vì vậy mà đã có nhiều nhà kinh tế và chính giới Trung Cộng lên tiếng phản đối biện pháp kinh tế này.

             Chúng ta hãy cùng nhau tiên đoán sơ về hậu quả của nó;
-         Hiện nay đồng Đô la không còn được bảo đảm bằng vàng, in thêm tiền Đô  đưa vào thị trường là một biện pháp thêm để kích thích kinh tế Hoa Kỳ.
-         Làm như vậy là để giảm gánh nợ của Hoa Kỳ đối với thế giới, vì giả dụ đồng Đô là giảm 10%, thì số nợ Hoa Kỳ giảm đi 10%, những người nào, quốc gia nào cầm tiền Đô là thì sẽ bị mất đi 10%.

-         Làm như vậy là sẽ làm cho hàng sản xuất tại Hoa Kỳ rẻ hơn đi và những hàng nhập cảng vào Hoa Kỳ sẽ đắt hơn.

-         Nhiều người cho rằng biện pháp này nhắm nhiều vào Trung cộng. Điều này không phải là họ không có lý, vì hiện nay Trung Cộng là chủ  nợ lớn của Hoa Kỳ và nắm giữ khoảng 2 500 tỷ $, là nước xuất cảng nhiều sang Hoa kỳ. Tất nhiên Trung Cộng cũng đã biết là tìm cách thăng bằng cán cân ngoại thương, vì ngày hôm nay Trung cộng buôn bán với Nhật không thua Hoa Kỳ. Tuy nhiên phần thặng dư thì thặng dư với Hoa Kỳ vẫn cao nhất.

-         Trong một giả thuyết, nếu trong tương lai, đồng $ sẽ xuống giá 10% so với đồng Nhân dân tệ, thì giá hàng Trung Cộng xuất cảng sẽ tăng lên 10%, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến đời sống của những hãng xưởng của Trung Cộng, sẽ có những hãng xưởng phải đóng cửa.Theo như những thống kê và báo chí thì năm vừa qua đã có gần 70 000 hãng xưởng riêng ở tỉnh Quảng Đông đã phải đóng cửa. Chính sách tiền tệ liên quan đến kinh tế, rồi xã hội là như vậy, vì hãng xưởng đóng cửa tất nhiên có thất nghiệp.

Tất nhiên Trung cộng không thể khoanh tay ngồi nhìn chính sách “ Công tâm và Công lương “ của Hoa Kỳ và thế giới tự do.
Về công tâm, thì Trung Cộng tìm cách kiểm soát mạnh hơn tự do ngôn luận, kiểm sóat báo chí, internet, các nhà đấu tranh cho nhân quyền. Tuy nhiên đây là việc mà không riêng gì Trung Cộng mà cả cộng sản Việt Nam đã làm từ lâu, cũng không thể tăng thêm cường độ, vì như ở Việt Nam, cho 10 người canh chừng Hoà thượng Thích quảng Độ, Cha Nguyễn văn Lý, nay tăng thêm thành 20 người thì hậu quả cũng vậy. Có thêm là bị lâm vào cảnh “ Tay phải đánh vào tay tráỉ ”, bắt bớ thêm những người của chính mình, như trường hợp bắt luật sư Cù huy Hà Vũ. 

Ở đây tôi không dám khẳng định là luật sư Vũ còn là cộng sản hay không còn cộng sản; nhưng điều chắc chắn là luật sư Vũ là con cháu cán bộ cao cấp cộng sản. Ở Trung cộng cũng vậy, vì hôm nay có nhiều con ông cháu cha lên tiếng phản đối chính quyền.

Về công lương, thì Trung Cộng tìm cách phá chính sách này của Hoa Kỳ. Có người suy nghĩ không chín chắn và mắc bệnh tưng bốc Trung cộng, nhất là một số trí thức thân cộng của Việt Nam, đưa ra giả thuyết là hiện nay Trung Cộng đang nắm một số Đô la lớn, có thể tung ra để phá kinh tế Hoa Kỳ và thế giới. Đây là điều mà giới lãnh đạo Trung Cộng sợ không dám làm nhất và Hoa Kỳ đang mong muốn. 

Đó là Trung Cộng tung Đô La ra thị trường và làm giảm giá trị Đô la. Nhưng người bị thiệt đầu tiên chính là Trung Cộng, vì như nói ở trên là khi Đô la xuống giá so vớI đồng Nhân Dân tệ, thì giá hàng Trung Cộng tăng, khó xuất cảng. Hoa Kỳ chưa thiệt, mà Trung Cộng thiệt đầu tiên. Vì sức ép của Hoa Kỳ và thế giới Trung Cộng cũng đã có lần tăng giá đồng Nhân dân tệ. Nhưng tăng một tỷ số rất nhỏ so với chênh lệch của giá trên thị trường.

Đây là một cuộc chiến về tiền tệ, kéo theo cuộc chiến về kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng.
Ai thắng, ai thua, thì trong ngắn hạn, khó có thể tiên đoán, nhưng trong dài hạn, thì Hoa Kỳ có nhiều ưu thế hơn. Ưu thế về kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự. Kinh tế và xã hội, vì kinh tế và xã hội  Hoa Kỳ phát triển từ lâu, có những căn bản vững chắc, tương đối hài hòa, ít bất công hơn Trung cộng. Chính trị, vì nền dân chủ Hoa Kỳ là một trong những nền dân chủ hàng đầu trên thế giới, trong khi đó Trung Cộng vẫn là một chế độ độc tài, rơi rớt lại của chế độ quân chủ phong kiến. 

Quân sự, điều này chúng ta khỏi cần nói, vì tình trạng quân sự Trung Cộng hiện nay, mặc dầu có những quảng cáo, nhưng thực tế còn thua xa Hoa Kỳ, có thể nói còn chưa đủ để sánh với Liên Sô thời sau Đệ Nhị Thế Chiến. Nếu chúng ta nhìn thật xa, trên mặt văn minh, thì Trung Cộng hiện nay mới chập chững bước vào nền văn minh thương mại; nhưng lại là thương mại tư bản rừng rú, làm bất cứ cái gì để làm giàu, để kiếm lời, ngay cả việc làm hàng giả, sản xuất những thực phẩm có hại ngay cho cả con cháu mình. Trong khi đó thì Hoa Kỳ đã bỏ xa nền văn minh thương mại, hiện đang ở vào nền văn minh tri thức điện toán. (1)

Bất cứ một cuộc tranh hùng nào, nhất là về lâu về dài, thì cũng chỉ là tranh hùng về trí tuệ. Kẻ thắng, chính là kẻ có trí tuệ ưu việt. Tàu nói riêng và Đông Phương nói chung, người dân, trí tuệ không dở, vì văn minh của họ đến rất sớm. Tuy nhiên họ bị đắm chình quá lâu dưới chế độ quân chủ, làm thui chột tất cả những óc phát minh sáng kiến. Ngày hôm nay, chế độ cộng sản cũng chỉ là cái rơi rớt của chế độ quân chủ. Ngày nào chế độ này còn kéo dài, ngày đó nói đến tranh hùng, thì phần thua có nhiều hơn, vì không vận dụng được khả năng sáng tạo của người dân, không có phát minh, sáng kiến, khoa học và kỹ thuật không phát triển. Người Tàu hãnh diện là đã phát minh ra địa bàn và thuốc súng; nhưng chính người Tây phương họ đã biết áp dụng địa bàn và thuốc sung đến để xâu xé Tàu vào giữa thế kỷ 19. Chế độ quân chủ, nó là một bước tiến của con người, nhưng sau đó nó trở thành một bước cản của con người.

Đây là thảm nạn của Tàu, trong đó có Việt Nam hiện nay và ngay cả của những nước Ả rập.
Đừng thấy có một vài kết quả kinh tế ngắn hạn, được xây dựng trên sự bóc lột bất công của chính dân mình, mà đã nghĩ rằng mình đã theo kịp, và có thể tranh hùng với những nước dân chủ, phát triển.
Trở về chính sách công tâm và công lương, theo như lời của Tôn Tử: “ Thượng sách là công tâm; trung sách là công lương; hạ sách mới công thành “. Liệu chính sách này có làm cho chế độ cộng sản Trung Cộng sụp đổ như đế quốc Liên Sô hay không ?

Lịch sử nhiều khi lập lại. Xét những đế quốc và triều đại sụp đổ, một sử gia đã viết: “ Những đế quốc và những triều đại bị sụp đổ, nguyên do chính là tự mình làm mình sụp đổ trước; sau đó mới tới nguyên nhân ngoại lai.” Nếu đế quốc Trung cộng sụp đổ, thì nguyên nhân chính, đó là họ đã đi theo một chính sách phản lại lòng dân, hy sinh nông thôn cho thành thị, bắt thợ thuyền thành thị phải chịu một đồng lương rẻ mạt, để có thặng dư thương mại; nhưng thặng dư này chỉ làm giàu cho một thiểu số người. Chính Tôn Tử cũng có nói: “ Hành không hợp đạo, ở không hợp nghĩa, thì dù ăn trước, ngồi trên, tai vạ tất cũng sẽ tới. “

Chính sách công tâm hay công lương của Hoa Kỳ cũng như của thế giới tự do chỉ là nguyên nhân phụ.

                                                                           Paris ngày 14/11/2 010
                                                                                 Chu chi Nam


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link