Không ngăn cản bất cứ ai về Việt Nam?
Mặc Lâm - RFA
2015-02-13
2015-02-13
GS. Nguyễn Hưng Quốc, Australia
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam
trong cuộc họp báo mang tên “Xuân Quê Hương” vào ngày 30 tháng 1 chào đón kiều
bào đã nói rằng theo Nghị quyết 36 của Bộ chính trị thì đại đoàn kết dân tộc là
mục tiêu cao cả, cuối cùng của toàn dân tộc Việt Nam.
Ông Thứ trưởng còn nói
đối với người Việt Nam ở nước ngoài thì Bộ Ngoại giao có chính sách hàn gắn,
đoàn kết dân tộc với những người còn có ý kiến khác, còn có những hoạt động
chống đối, lời nói xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc. Ủy ban nhà nước về người
Việt Nam ở nước ngoài đã tiếp cận những kiều bào còn định kiến, cử các đoàn
chuyên viên gặp gỡ, trao đổi với đại diện kiều bào ở các nước, có những chính
sách cởi mở hơn nữa để vận động họ trở về...
Đối chiếu với tuyên bố
này, thực tế có những bức tranh hoàn toàn khác đang gây ẩn ức từ việc công an
cửa khẩu nhận được chỉ thị cấm hàng trăm người nhập cảnh mỗi năm theo danh sách
mà họ gọi là thành phần chống đối. Trong các thành phần chống đối ấy công an
không loại trừ các trí thức, chuyên gia, hay những người làm từ thiện mà hoạt
động của họ hoàn toàn không có một sự chống đối nguy hiểm nào.
Trường hợp thứ nhất là
chuyên gia an ninh mạng Hoàng Ngọc Diêu, anh bị nhà nước cấm cửa không cho vào
Việt Nam mặc dù được mời tham dự một hội thảo chuyên đề về an ninh mạng vào cái
tết năm 2012, anh Hoàng Ngọc Diêu cho biết thêm chi tiết như sau:
"Khoảng tháng 1 đầu
năm 2012 tôi được mời về Việt Nam do một nhóm chuyên bảo mật an toàn thông tin
của Việt Nam mời về dự cuộc hội thảo được gọi là “Tetcon” (Viết tắt của Tết
Conference, do được tổ chức vào ngày gần Tết) mình nhận được giấy mời đàng
hoàng, được đài thọ mọi thứ, coi như cái event đó nó được Ủy ban nhân dân thành
phố chấp thuận đầy đủ hết rồi.
Ngày hôm đó mình chỉ lên
máy bay, về tới nơi thì hải quan của phi trường Tân sơn nhất họ giữ lại, họ lôi
vô trong phòng nói chuyện trên trời dưới đất họ tìm cách trì hoãn thời gian.
Lúc đó mình chưa có hiểu rõ là mình không được vô Việt Nam mình chỉ nghĩ họ
muốn biết mình về Việt Nam làm gì thôi không ngờ họ kéo dài ba bốn tiếng đồng
hồ cuối cùng họ nói: thôi bây giờ anh ra máy bay, họ tống cổ lên chuyến bay kế
tiếp bay ngược lại Úc!"
Ông Hoàng Ngọc Diêu -
Ảnh từ goctroikhac.wordpress.com
Trường hợp thứ hai là
Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc giảng dạy tại đại học Victoria thành phố Melbourne
nước Úc. Giáo sư bị công an cửa khẩu từ chối không cho nhập cảnh hai lần, lần
đầu tiên vào năm 2005 khi ông dẫn 14 sinh viên người Úc về Việt Nam để làm một
cuộc du khảo vì các sinh viên này đã theo học tiếng Việt ở Úc và cuộc đi này
nhằm góp phần mở mang kiến thức văn hóa Việt Nam cho các bạn sinh viên. Trong
khi tất cả các sinh viên không có vấn đề gì thì chính bản thân người dẫn đầu
lại bị chặn và không cho phép vào Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc bị buộc
phải lên máy bay quay về Úc ngay sau đó.
Ba năm sau vào năm 2009
Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc được mời thuyết trình trong một hội thảo quốc tế về
vấn đề giảng dạy ngôn ngữ do trường đại học Hà Nội và một trường đại học tại Úc
đồng tổ chức. Ông được mời, được Việt Nam cấp Visa nhưng khi tới phi trường Nội
Bài ở Hà Nội thì lại không được phép nhập cảnh.
Trở về Úc, Giáo sư hỏi
đại sứ Việt Nam tại Úc và Bộ Ngoại giao Việt Nam tại sao lại có chuyện như vậy
thì Bộ Ngoại giao không trả lời chỉ có đại sứ Việt Nam tại Úc trả lời là họ
không biết.
Trường hợp thứ ba là của
cô MiVan Lovstrom, vào tháng 10 năm 2011 cô cũng bị cấm nhập cảnh khi cùng hai
người bạn Na Uy đi với cô vào Việt Nam mang quà tặng cho trẻ khuyết tật. Chỉ
mình cô bị cấm vào và phải quay về Thái Lan mà không một lời giải thích. MiVan
cho biết:
"Lúc đó thì họ nói
là tạm thời MiVan không được nhập cảnh, MiVan có hỏi lý do thì không được trả
lời lý do như thế nào. Sau đó MiVan hỏi nữa thì tòa đại sứ Việt Nam ở Thái Lan
nói là chắc MiVan đi tới những vùng nhạy cảm họ cũng nói rằng ở Việt Nam muốn
làm từ thiện thì phải qua Mặt trận tổ quốc hay Đoàn thanh niên.
MiVan cảm thấy nó không
hợp lý vì vẫn không có câu trả lời thỏa đáng và lúc hỏi khi nào mới trở vào
được thì vẫn không có câu trả lời rõ ràng. MiVan cảm thấy chuyện của mình làm
là mang một chút nguồn vui tới những người kém may mắn hơn vì vậy MiVan mong
được sự thông cảm đối với việc của mình."
Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc
là một nhà phê bình lý luận văn học có tiếng ở hải ngoại. Ông là một trí thức
hiếm hoi ở nước ngoài dấn thân lặn lội trong việc nghiên cứu văn học Việt Nam
nhưng bắt đầu từ hai chuyến cấm nhập cảnh đó người theo dõi thấy chủ đề và cách
viết của ông thay đổi một cách rõ ràng. Ông không viết về văn học nữa mà tập
trung các bài phân tích chế độ cộng sản Việt Nam một cách sắc sảo mà trước đó
ông chưa bao giờ làm. Khi được hỏi có phải sự thay đổi lớn lao này phát sinh từ
hai chuyến về Việt Nam hay không ông nói:
"Tôi nghĩ là có anh
ạ. Thật ra không phải tôi không quan tâm đến chính trị thế nhưng từ lúc vượt
biên, lúc cầm bút vào cuối năm 1985 cho đến khoảng năm 2008 thì hầu như hoàn
toàn tôi không viết về chính trị mà chỉ viết về văn học thôi. Không phải vì
mình không băn khoăn, không suy nghĩ về chính trị nhưng có hai lý do: Lý do thứ
nhất tôi muốn tập trung vào lĩnh vực văn học thôi vì tôi nghĩ đó là sở trường
của mình, thứ hai, chuyện chính trị tôi nghĩ có thể có nhiều người khác có khả
năng hơn mình họ có thể làm được và làm một cách xuất sắc hơn mình.
Thế nhưng sau khi bị
trục xuất ra khỏi Việt Nam lần thứ hai thì tôi bị shock, rồi chính cái shock ấy
tôi mới nghĩ rằng là mình muốn tránh né chuyện chính trị cũng không được. Ngay
bản thân tôi hồi trước chỉ tập trung vào phê bình văn học, tậy trung vào nghiên
cứu nhưng cuối cùng vẫn bị áp lực của chính trị buộc mình không được đặt chân
vào ngay chính quê hương của mình để thăm gia đình, bạn bè cho nên thật ra mà
nói tôi rất shocked."
Cò lẽ sự ẩn ức của Giáo
sư Nguyễn Hưng Quốc không phải từ cá nhân ông, nhưng việc cấm nhập cảnh giống
như mảnh vải đen che mắt của ông bị lột bỏ để ánh sáng tri thức soi rọi vào một
góc tối mà trước đó ông không để ý, giáo sư chia sẻ:
... có thể nói thế này,
chính cái việc bị trục xuất ra khỏi Việt Nam nó làm như một cái cú shock về
phương diện tâm lý và từ phương diện tâm lý như vậy nó thay đổi cả về phương
diện nhận thức và cuối cùng tôi viết về chính trị một điều mà trước đó tôi nghĩ
có lẽ mình sẽ không bao giờ nghĩ tới.
GS. Nguyễn Hưng Quốc
"Ngay cả khi mình
sống ở hải ngoại mà mình còn chịu sự tác động của những quyết định độc tài độc
đoán như vậy huống hồ gì những người trong nước họ hoàn toàn lệ thuộc vào các
quyết định của chính phủ. Họ có thể sợ những công an trong khu vực ra đường thì
sợ cảnh sát…cả đời họ sợ hãi bởi vậy cho nên tôi nghĩ nếu trong hoàn cảnh như
vậy mà mình tiếp tục viết vể văn học nghệ thuật thì tự nhiên mình cảm thấy có
gì nó hơi hờ hững quá, nó không phải cho nên tôi bắt đầu viết vể chính trị.
Thoạt đầu tôi định viết
ít thôi, mỗi tuần viết trên blog của đài VOA thì tôi định mỗi tuần tôi viết hai
bài vể văn học, một bài về ngôn ngữ học hoặc giáo dục và một bài vể chính trị
nhưng mà càng đọc, theo dõi tình hình chính trị Việt Nam thì càng cảm thấy khó
chịu, bức bối nó đòi viết bởi vậy dần dần về sau này thì gần như tôi viết hoàn
toàn về vấn đề chính trị. Gần đây tôi có mở một trang Facebook thì ở trong đó
tôi cũng viết về chính trị cho nên có thể nói thế này, chính cái việc bị trục
xuất ra khỏi Việt Nam nó làm như một cái cú shock về phương diện tâm lý và từ
phương diện tâm lý như vậy nó thay đổi cả về phương diện nhận thức và cuối cùng
tôi viết về chính trị một điều mà trước đó tôi nghĩ có lẽ mình sẽ không bao giờ
nghĩ tới"
Trong buổi họp báo vào
trước Tết, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam khẳng định với báo chí rằng “Việt Nam có
chủ trương rõ ràng, đất mẹ Việt Nam mở rộng cánh tay đón tất cả những người con
trở về, không phân biệt thành phần quá khứ, miễn là không chống lại đất nước,
không chống lại nhân dân. Đây là một thông điệp rõ ràng của Đảng, Nhà nước
chúng ta.”
Rất tiếc thông điệp này,
ít nhất theo những người bị cấm nhập cảnh vô cớ, chỉ có thể là thông điệp phát
đi từ Bộ Ngoại giao, làm theo nội dung của nghị quyết 36 chứ Bộ Công an hoàn
toàn không chia sẻ.
Những cái nhìn quá nhạy cảm của Cục Đối ngoại thuộc Bộ Công
an không phân biệt nổi đâu là sự chống đối nguy hiểm đến chế độ và đâu là các
hoạt động thuần túy nghề nghiệp đã đẩy những người có tâm với đất nước trở
thành đối đầu một cách kiên trì để từ đó mọi giải thích chỉ được đánh giá là
tuyên truyền không hơn không kém.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment