Sunday, May 5, 2013

Anh hùng thời đại (có âm thanh)


View Archive
Anh hùng thời đại (có âm thanh)
Hoàng Thế Hiển
April 30, 2013
                                       
Ngày còn nhỏ, học những bài học lịch sử về “Anh hùng áo vải Lam Sơn-Lê Lợi”, “anh hùng phá Tống, bình Chiêm- Lý Thường Kiệt”, “anh hùng bóp nát trái cam trong tay- Trần Quốc Toản”, thì đám học trò nhỏ chúng tôi thấy lòng tràn đầy hãnh diện vì những thành quả của tổ tiên đóng góp cho đất nước. 
 
Chúng tôi khâm phục và kính yêu những vị anh hùng của dân tộc Việt Nam. Không ai, dù chỉ một lần, thắc mắc về cái danh vị “anh hùng” được phong tặng, vì những chiến công đã biện minh cho danh vị.
 
Như vậy, thì muốn được làm anh hùng không phải là dễ ! Anh hùng phải làm nên những chuyện phi thường, ít người làm nổi.  Thành quả đạt được, không phải chỉ dành cho một gia đình, một dòng họ, mà cho cả nhân dân, đất nước Việt Nam.
 
Tuy nhiên thời nay, khi nghe ai được  truy tặng danh hiệu “anh hùng”, thì cũng... cần phải xét lại. Nhiều đấng anh hùng, sau khi truy cứu ra, chỉ là anh hùng ...rởm, hay anh hùng lèo.
 
Ngày miền Nam sụp đổ, “phe thắng trận” đã  “hồ hỡi phấn khởi”, tấn phong cho nhân dân cả nước được làm “anh hùng”: “dân tộc VN là dân tộc anh hùng, đánh thắng 2 đế quốc lớn là Mỹ và Pháp.” Mặc nhiên, các anh chị làm nghề phe phẩy, mánh mung, buôn lậu, bán chui ngoài chợ trời, cũng trở thành anh hùng của đất nước.
Trải qua nửa thế kỷ, nước ta đã có đủ loại anh hùng, được nhào nặn bởi bàn tay của những “đỉnh cao trí tuệ loài người”:
Anh hùng Lê Văn Tám là một sản phẩm trong trí tưởng tượng của Bộ Trưởng tuyên truyền Trần Huy Liệu.  
 
Nhân vật này được dựng lên với mục đích kích động sự bốc đồng, xả thân vì nước của lứa tuổi thanh, thiếu niên trong thời kỳ chiến tranh.  Lê văn Tám là một thiếu niên ở tuổi vị thành niên, khoảng 15, 16 tuổi, đã tự rưới xăng vào mình, đốt cháy, rồi xông vào kho đạn của địch. Dĩ nhiên là anh hùng Lê văn Tám tan xác sau khi cháy khét như con chuột thui. Nhưng nhà nước không quan tâm tới điều đó!
 
Cái mà họ quan tâm là hành động của Lê văn Tám, sẽ làm tấm gương khích động các thanh, thiếu niên cùng lứa tuổi noi theo. Tuyên truyền theo kiểu này,  thực là một  ...hình thức “xui trẻ ăn cứt gà”, cố tình lợi dụng sư nông nổi, cuồng tín của đám trẻ mới lớn, ăn chưa no, lo chưa tới,  để họ thí thân,  làm viên đá lót đường xây dựng chế độ.
 
Anh hùng tải đạn thì được mọi người rỉ tai nhau rằng:  một anh hùng...bất đắc dĩ.  Người ta kể lại rằng: tải đạn là một trong những nhiệm vụ của dân công cưỡng bách, mà mọi người  dân đều phải luân phiên tham gia. Xe bò tải đạn rất nặng, cần một người  kéo phiá trước , và một người đẩy phía sau .
 
 Bất ngờ, khi xe xuống dốc, thì người kéo phía trước bị vấp té, và nằm ngay trước bánh xe.  Chiếc xe lao xuống dốc, cán qua thân mình làm anh ta chết tại chỗ không kịp ngáp. Ban tuyên huấn bèn lợi dụng sự kiện này, làm thành tích tuyên truyền là anh ta dùng thân mình để cản xe đạn lao xuống dốc.  Anh được truy phong là “anh hùng tải đạn”.
 
Sau năm 75, thì có câu chuyện vui về anh hùng...hồi chánh, đã khiến cho nhà nước phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Câu chuyện anh bộ đội tại một trung đoàn bỗng nhiên bị biệt tích sau một trận đụng độ ác liệt giữa quân ta và quân địch. Vì không tìm thấy xác anh, ông chính ủy bèn lập công bằng cách viết một bản tường trình, thêu dệt nên một gương hy sinh dũng cảm, có một không hai, anh bộ đội, đã dùng thân mình che hỏa pháo của địch cho đồng đội tiến lên, và anh bị bắn tan xác. Bản tường trình này, được lãnh đạo hết sức cảm động và hài lòng. Sau năm 75, anh bộ đội được tuyên dương là anh hùng. 
 
Tên anh được nhà nước đặt cho một tên đường ở Sông Bé, tỉnh Đồng Nai, nơi quê hương anh. Vài năm sau, bất thình lình, anh bộ đội tay xách nách mang, từ Mỹ trở về thăm cố hương, Sự xuất hiện của anh làm mọi người hoảng viá, kinh hồn. Hỏi đầu đuôi, thì mới biết là anh đã lén chạy về phiá quốc  gia xin hồi chánh trong lúc hai bên đang giao tranh lộn xộn. Rồi khi thấy miền Nam sắp thất thủ, anh lại chạy một mạch sang Mỹ.
 
 Chờ một thời gian, thấy mọi người về thăm nhà êm thắm, thì anh cũng đánh liều mon men trở về. Không biết chính quyền địa phương "xử trí" với anh ra sao. Nhưng người dân sông Bé nói rằng, chỉ vài ngày sau, bảng  đường mang tên anh đã được âm thầm rút xuống, và lẳng lặng thay thế bằng bảng tên khác.
 
Một chuyện anh hùng thời hiện đại vô cùng gay cấn, đã được đưa lên báo Công An trong nước ngày 5 tháng 3 năm 2013,  rồi sau đó, lên cả các báo Dân Trí, Thanh Niên, và Tuổi Trẻ.  Ông Hồ Xuân Mãn, Tỉnh ủy Thừa Thiên, Huế được nhà nước phong tặng danh vị “Anh hùng lực lượng võ trang nhân dân” khi ông đang tại chức Tỉnh Ủy tại Thừa Thiên.
 
Các chiến công do ông Mãn tự khai gồm 17 chiến công, trải dài suốt thời gian chiến tranh từ năm 1964  tới năm 1975. Nhưng sau khi ông Mãn về hưu, thì một tập thể gồm 17 cán bộ đảng viên, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh cùng nhau làm đơn tố cáo rằng những chiến tích của ông Hồ Xuân Mãn là khai man, cướp công đồng đội, và không đúng sự thật.  Những người này đều để rõ tên tuổi và sẵn sàng đứng ra làm nhân chứng.
Những thành tích tự khai như vào năm 1964 bảo vệ an toàn cho Tỉnh Ủy, tiêu diệt một tiểu đội 6 người biệt kích Mỹ tại Phong Điền, thì bị nhân chứng Lê văn Uyên, nguyên trưởng ban tổ chức huyện Phong Điền bác bỏ. Ông Uyên quả quyết rằng trong thời điểm đó, ông Mãn còn đang đi chăn trâu, chưa tham gia lực lượng võ trang tỉnh.
 
Chiến công trong thời điểm Tết Mậu Thân, 1968, ông Mãn tự khai là đã tham gia tiểu đoàn trinh sát võ trang, nổ súng vào Ty Tỉnh trưởng, Ty Cảnh sát, và lao Thừa Phủ, thì bị ông Nguyễn Trung Chính, phó ban an ninh khu Trị Thiên khẳng định ông Mãn không hề có mặt trong tiểu đoàn này, vào thời điểm Tết Mậu Thân.
Chiến công tháng 6 năm 1968, ông Mãn khai chỉ huy 3 đồng chí, phục kích bắn chết 9 lính Mỹ, tịch thu một số vũ khí tại đường 12, căn cứ Tà Lương, thì bị người tố cáo xác nhận là khi đó ông Mãn đang ở xã  Phong An,  Trong khi  căn cứ Tà Lương thuộc huyện A Lưới thì không hề có trận đánh nào giết 9 lính Mỹ.
 
Các chiến công từ năm 1969 tới năm 1975, ông Mãn tự khai đã giữ vững hậu cứ đồng bằng và nội thành Huế, tổ chức đơn vị đánh chừng 100 trận lớn nhỏ, giết chết 150 địch quân, phá hủy 1 máy bay, 37 xe quân sự..., thì được ông Hoàng văn Phận xác nhận khi đó ông Mãn chỉ là du lích xã, và đang an dưỡng tại Quảng Bình, không có tư cách chỉ huy thì làm sao đánh được 100 trận ?
 
Nói chung, tất cả 17 chiến công oanh liệt do ông Tỉnh Ủy Thừa Thiên kể công, và được truy tặng ”Anh hùng lực lượng võ trang nhân dân”,  đều bị các nhân chứng, vật chứng hoàn toàn bác bỏ.
 
Theo lời những người tố cáo, thì ông Hoàng xuân Mãn đợi khi ở chức vụ cao nhất tỉnh Thừa Thiên là tỉnh Uỷ, mới khai báo các chiến công, để lấy danh hiệu “anh hùng lực lượng võ trang nhân dân”. Vì không có chức vụ nào cao hơn, nên bản thành tích của ông được chuyển xuống cấp dưới để thông qua. Khi ấy, mọi nguời biết ông, đều bất mãn, nhưng không ai dám tố cáo. Phải đợi đến khi ông về hưu, mọi người mới đồng lòng làm đơn khiếu nại tập thể về sự man trá của ông.
 
Chiều 5-3, phóng viên Tuổi Trẻ tại Hà Nội đã liên lạc với Hồ Xuân Mãn, thì được. Ông Mãn cho biết hiện đang điều trị tại một bệnh viện ở Hà Nội và cho hay nếu ông ở nhà (tại Huế) thì sẽ mời phóng viên qua nhà để “mang bộ hồ sơ ra chứng minh”.
 
Câu chuyện còn chưa chấm dứt ở đây, nhưng nhìn qua sự việc, ai cũng thấy cả hệ thống chính quyền xã hội chủ nghĩa là bất minh. Lãnh đạo thì mờ ám, háo danh, dối trá. Ủy ban xét duyệt thì tắc trách, hoặc có thể là  tham ô.
 
 Những người tố cáo thì cầu an,tránh né. 
 
Vi thế cho nên nghĩ đi nghĩ lại thì thấy rằng câu khẳng định “ra đầu ngõ gặp anh hùng” của hệ thống tuyên truyền đảng và nhà nước là quá đúng. Chỉ có điêu nghĩa của hai chữ anh hùng này khác với nghĩa của hai chữ anh hùng người dân Việt thường dùng, thường hiểu cho tới nay, hay nói cho đúng là cho tới ngày mà đảng nắm quyên, thiết lập chuyên chính vô sản.
 
Có lẽ vì thế mà từ khi đảng Việt Cộng thống trị cả nước thì đã nẩy ra trong dân chúng mấy chữ “tiếng Việt cộng” để chỉ những thứ ngôn từ khác lạ với ý nghĩa khác lạ của những người Cộng sản “đỉnh cao trí tuệ loài người” không thấy có ở chỗ nào trên thế giới..
 
Hoàng Thế Hiển
 
04.05.2013
 
 
 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-3/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link