Thứ ba 28 Tháng Năm 2013
Kinh tế Trung Quốc sắp
co thắt ?
Nhân viên tại nhà máy Giang
Châu.
REUTERS/China Daily
Đúng 10 ngày sau khi Thủ tướng
Lý Khắc Cường tuyên bố Trung Quốc sẽ vận dụng quy luật thị trường chứ không
đưa ra biện pháp kích thích để nâng đà tăng trưởng, ngày 23/05/2013 hai
doanh nghiệp Anh là ngân hàng Hong Kong Shanghai Bank – HSBC - và công ty
tư vấn Markit Group đưa ra một kết quả khảo sát làm các thị trường Á Châu
rồi toàn cầu tuột dốc. Đó là sau hai tháng sút giảm liên tục, chỉ số PMI
trong Tháng Năm của Trung Quốc đã tuột xuống dưới mức 50, cụ thể là 49,60.
Trong tháng Tư, chỉ số PMI này đã xuống 50,4, trong khi chỉ số tháng Ba là
51,6.
Đấy là chỉ dấu cho thấy kinh tế
Trung Quốc có thể co cụm trong thời gian tới. Lập tức, các tổ hợp ngân hàng
hay tập đoàn đầu tư quốc tế đều điều chỉnh lại dự báo kinh tế Trung Quốc
theo hướng bi quan hơn. Cụ thể là trong năm nay thì đà tăng trưởng của kinh
tế Trung Quốc sẽ giảm và có thể tới mức thấp nhất kể từ 13 năm qua.
Năm 2012 tăng truởng của Trung
Quốc đã là 7,8%, dưới mức 8% cần thiết cho nưóc này. Năm nay Bắc Kinh đưa
ra chỉ tiêu là 7,5%, nhưng có lẽ, lần đầu tiên Trung Quốc sẽ không đạt được
mục tiêu đó. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý Một 2013 vừa qua,
tính theo mực độ thường niên, đã xuống 7,7%, thấp hơn quý Tư 2012 là 7,9%.
Theo chuyên gia kinh tế của Nomura, tăng trưởng kinh tế quý Hai này còn sẽ
xuống thấp hơn nữa – chỉ là 7,5% - và tiếp tục giảm, còn 7,3 % trong nửa
cuối năm 2013.
Chỉ số PMI tuột giảm, theo kinh
tế gia ngân hàng HSBC, phản ánh hai tình trạng : Nhu cầu nội địa sa sút
trong lúc xuất khẩu bị bối cảnh kinh tế xấu của thế giới tác động.
Trong hoàn cảnh u ám của kinh tế
toàn cầu, với ba đầu máy là Hoa Kỳ, Âu Châu và cả Nhật Bản còn đình trệ thì
Trung Quốc có vị trí đặc biệt : Với sản lượng kinh tế đứng hạng nhì thế
giới, sau Mỹ và trước Nhật, thế hệ lãnh đạo mới tại Trung Quốc còn chủ
trương gia tăng khả năng tiêu thụ nội địa để quân bình lại cơ cấu kinh tế
quá lệch lạc của họ. Bây giờ, nếu kinh tế Trung Quốc lại co cụm như vậy thì
thế giới sẽ ra sao ?
Chính là cách suy luận ấy mới khiến các thị trường đều
bị trồi sụt nặng nề.
Trong tạp chí Kinh tế hôm nay,
RFI sẽ tìm hiểu tình hình qua phần trao đổi sau đây cùng chuyên gia kinh tế
Nguyễn-Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ....
RFI: Xin thân chào anh Nghĩa. Thưa anh, sau nhiều dự đoán
tương đối lạc quan về triển vọng kinh tế năm nay của Trung Quốc, cuộc khảo
sát vừa do Hong Kong Shanghai Bank của Anh thực hiện với công ty tư vấn
Markit Group công bố lại như gáo nước xối vào các thị trường tài chính thế
giới khi họ nói đến chỉ số PMI của Trung Quốc đã sụt dưới cái ngưỡng 50
điểm. Thưa anh, chỉ số ấy là gì mà làm các thị trường cổ phiếu rơi rớt liên
tục và khiến người ta dự báo tình trạng co cụm kinh tế sắp tới của Trung
Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết là về chỉ số PMI, nói theo Pháp ngữ là
"Indice des Directeurs d'Achat" hay "Chỉ số Mua hàng Chế
biến" là loại dữ kiện kinh tế có tính chất tiên báo hơn là hậu kiểm. Thế
giới có hai cơ quan Mỹ và Anh vẫn định kỳ khảo sát giới quản trị doanh
nghiệp chế biến của một nước xem họ đặt hàng những gì, dự tính kinh doanh
và việc làm ra sao, để đo lường triển vọng sản xuất sắp tới.
Theo quy ước
chung thì trên bảng bách phân nếu cao hơn 50, chỉ số PMI dự báo tình hình
khả quan. Dưới 50 thì đấy là chỉ dấu sa sút của lĩnh vực chế biến. Nôm na
là chỉ số này đo lường mức độ tin tưởng của giới sản xuất, và khi tổ hợp
ngân hàng Anh đưa ra kết quả khảo sát sơ khởi thì họ thấy mức tin tưởng của
doanh nghiệp Trung Quốc giảm đều từ ba tháng nay và vừa sụt dưới con số 50.
Vì vậy, chỉ dấu tiên báo quốc tế này làm các chuyên gia phải điều chỉnh lại
dự báo lạc quan của họ về kinh tế Trung Quốc.
RFI: Trước Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Hoa vào Tháng
11 năm ngoái, rồi sau đó, khi thế hệ lãnh đạo mới được đưa lên cầm quyền,
thì Trung Quốc đã nói đến yêu cầu chuyển hướng kinh tế. Thay vì dựa vào hai
đầu máy tăng trưởng là xuất cảng và đầu tư qua tăng chi ngân sách và tín
dụng thì họ sẽ phải nâng khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa. Cũng vì
chiến lược mới đó, các nước mong là nếu sức tiêu thụ của Trung Quốc gia
tăng thì yêu cầu về nhập cảng cho một thị trường hơn một tỷ dân có thể kéo
kinh tế thế giới ra khỏi trình trạng đình đọng hiện tại. Bây giờ hình như
sự thể lại không được như vậy. Thưa anh, phải chăng vì việc khuyến khích
tiêu thụ chưa đạt kết quả và dân chúng tại Trung Quốc lại còn giảm mức tiêu
xài?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng sự thể nó phức tạp và khó khăn
hơn một nghị quyết dù sao vẫn là duy ý chí của một hội nghị Ban chấp hành
Trung ương. Lãnh đạo Trung Quốc muốn nâng khả năng tiêu thụ của người dân
và tiến tới sự hình thành của một giai tầng trung lưu trong khi đưa ra
nhiều chương trình phúc lợi cho dân nghèo ở thôn quê và các tỉnh lạc hậu bị
khóa trong lục địa. Đấy là viễn ảnh lâu dài để khỏi dựa vào xuất cảng và
đầu tư và tùy ở hai việc.
- Thứ nhất là tăng mức tiêu thụ
của thành phần khá giả nhất, là mấy trăm triệu người sống ở các tỉnh duyên
hải, xưa nay kiếm ra tiền nhờ luồng trao đổi với các thị trường quốc tế.
Thứ hai là tăng sức sản xuất các mặt hàng chế biến từ các tỉnh nằm bên
trong, xưa nay chỉ giữ vai phù trợ là làm gia công cho các tỉnh duyên hải
với mức lời rất thấp. Ở giữa sự tính toán này lại có từ 250 đếh 300 triệu
nhân công được gọi là "dân công" từ thôn quê và các tỉnh nghèo
bên trong túa ra vùng duyên hải kiếm việc mà không có mạng lưới an sinh tối
thiểu vì không có hộ khẩu.
- Bây giờ phải hồi hương lực
lượng lao động lương thấp và tay nghề kém này vào trong và chưa thể trông
cậy vào sức tiêu thụ của họ. Ở vùng duyên hải thì thành phần khá giả đã
biết đòi lương cao hơn và khó kiếm việc làm hơn khi xuất cảng sa sút, tức
là họ cũng bị thất nghiệp hay khiếm dụng, dùng không hết khả năng. Sức tiêu
thụ của họ chưa thể bù vào sự hao hụt xuất cảng vào các thị trường Âu-Mỹ và
đà tăng trưởng sau cùng vẫn lệ thuộc vào đầu tư của nhà nước.
RFI: Thưa anh, trước khi có tin kém vui về chỉ số PMI, hôm
13, Thủ tướng Lý Khắc Cường của Bắc Kinh tuyên bố rằng nguồn thu về thuế
khóa đang chậm lại và đừng nên trông đợi một gói kích cầu hay đầu tư của
chính phủ mà phải vận dụng quy luật của thị trường. Như vậy, có phải là
lãnh đạo Bắc Kinh đã thấy ra sự sa sút kinh tế nhưng quyết định là không
gia tăng công chi hay bơm tín dụng ngân hàng để kích thích kinh tế?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng họ học được kinh nghiệm của gói kích
cầu lần trước, vào cuối năm 2008, khi tăng chi một ngân khoản tương đương
với gần 687 tỷ đô la, rồi bơm ra một lượng tín dụng đến hơn hai ngàn tỷ đô
la, tức là rất lớn. Lần đó, kinh tế được kích thích một cách giả tạo và
Trung Quốc đạt mức tăng trưởng cao khi cả thế giới bị Tổng suy trầm
2008-2009. Nhưng hậu quả là lượng tiền trút vào kinh tế đã thổi lên bong
bóng đầu cơ và hiện tượng sản xuất thừa với số tồn kho ế ẩm, dù được coi là
sản lượng thì chỉ là sự lãng phí.
-Lần này, ông Lý mới cảnh báo
các doanh nghiệp, ngân hàng và nhất là các tỉnh rằng không nên trông đợi
vào một gói kích cầu như trước. Lý do thứ nhất là ngân sách bị bội chi,
thuế vào chậm lại, thứ hai là hệ thống ngân hàng và các tỉnh, kể cả công ty
đầu tư của chính quyền địa phương đã có gánh nợ quá lớn, bên trong là những
khoản nợ bị ung thối, mà xấu đến cỡ nào và sẽ mất bao nhiêu thì chưa ai
biết được.
- Nhưng dù trung ương nói vậy,
thực tế thì các ngân hàng vẫn bơm thêm tín dụng, trong bốn tháng đầu năm
thì lượng tín dụng đã tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 580 tỷ đô
la, nên có thể lại thổi lên bong bóng địa ốc, nâng số tồn kho ế ẩm về vật
liệu sản xuất và nhất là gây ra lạm phát. Đấy cũng là một nguyên nhân khiến
lãnh đạo Bắc Kinh có thể đành chấp nhận một đà tăng trưởng chậm hơn chứ
không dám đẩy mạnh đầu tư và bơm thêm tín dụng.
RFI: Các các chuyên gia quốc tế không mấy lạc quan về khả
năng ứng phó của Bắc Kinh vì có trút tiền vào như lần trước thì cũng chỉ
giải quyết được vấn đề trong ngắn hạn mà lại gây thêm khó khăn về dài hạn
như anh vừa nói. Theo dõi tình hình kinh tế Trung Quốc từ lâu, anh thấy
chân trời Trung Quốc sẽ ra sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nhìn vào trường kỳ, tôi trộm nghĩ là sau 30 năm áp
dụng, từ 1979 đến 2009, chiến lược phát triển của Trung Quốc đã đi hết sự
vận hành. Nay lãnh đạo xứ này phải chuyển từ lượng qua phẩm, nếu không thì
bị khủng hoảng kinh tế và động loạn xã hội. Việc cải sửa là dùng sức tiêu
thụ làm lực đẩy của bộ máy sản xuất khi xứ này có sức tiêu thụ nội địa giảm
sút đều và sụt đến mức thấp nhất trong các nền kinh tế lớn của thế giới,
chỉ vỏn vẹn có 37%.
- Tức là từ chiến lược hướng
ngoại nhắm vào xuất cảng họ phải xoay qua hướng nội là nhắm vào thị trường
bên trong chứ không thể trông cậy vào sức đầu tư quá lớn và đầy lãng phí của
khu vực nhà nước. Cụ thể là biến 800 triệu dân lao động thành người tiêu
thụ. Lãnh đạo Bắc Kinh thấy vấn đề từ lâu mà không kịp chuyển vì nạn Tổng
suy trầm năm năm trước nên lần đó lại tống ga đầu tư và bơm tín dụng như
xưa, tức là uống sâm để đạp xe cho nhanh hầu cỗ xe khỏi đổ.
- Ngày nay họ trở về chỗ cũ với
hoàn cảnh khó khăn hơn vì: thứ nhất dị biệt về địa dư hình thể giữa các
tỉnh trong ngoài còn đào sâu hơn 30 năm trước; thứ hai là các tập đoàn kinh
tế nhà nước đã trục lợi nhờ chiến lược cũ nên trở thành nhóm lợi ích cưỡng
chống thay đổi; thứ ba là không dễ giúp các tỉnh bên trong trở thành hãng
xưởng toàn cầu với kỹ nghệ chế biến và nhờ đó nâng được mức sống và khả
năng tiêu thụ của người dân; và thứ tư, quan trọng nhất, không dễ làm thay
đổi thói quen "tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn" của nhiều thế
hệ đã sống trong bất trắc mà bảo họ hãy mạnh dạn tiêu thụ. Vì vậy tôi không
mấy lạc quan về hy vọng của Trung Quốc.
RFI: Câu hỏi cuối thưa anh, nếu như vậy, lãnh đạo Bắc Kinh
còn có thể làm những gì nữa để thoát ra tình trạng bế tắc này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng họ có thể đánh bung cái thế độc quyền
và mạng lưới tư bản thân tộc hay "copinage" của hệ thống kinh tế
nhà nước, là điều cần thiết mà lại không dễ. Kế đó, họ phải giải toả việc
kiểm soát tư bản và ngoại hối để người dân và nhất là tiểu doanh nghiệp tư
nhân có thêm lợi tức và cơ hội kinh doanh thay vì bị nhà nước trưng thu và
bị tập đoàn kinh tế nhà nước ớm bóng mà không phát triển được.
Thứ ba và
cần nhất là cải sửa hay bãi bỏ chế độ hộ khẩu để tái lập công bằng và nâng
đỡ gần 40% lực lượng lao động là thành phần "dân công", nếu không
thì khó phát triển nông thôn và các tỉnh bên trong, cũng như rất khó nâng
cao lợi tức của dân chúng. Nhưng dù có được thảo luận, loại biện pháp cần
thiết ấy vẫn bị coi là rủi ro vì có thể đe dọa quyền lực đảng.
Cho nên,
Tổng lý Quốc vụ viện là Thủ tướng Lý Khắc Cường có nói gì về cải cách kinh
tế, người ta vẫn thấy Tổng bí thư Tập Cận Bình nêu ra nhiều chủ trương thủ
cựu và đi ngược yêu cầu cải cách. Kết cuộc thì đà tăng trưởng kinh tế Trung
Quốc ở dưới cái mức sinh tử 8% và mấp mé 7% sẽ là tất yếu trong những năm
tới.
Nhưng ngoài ra sẽ còn có nhiều nguy cơ động loạn xã hội và bất ổn
chính trị mà người ta cần theo dõi.
|
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment