Thứ sáu 31 Tháng Năm 2013
Nguyễn Trường
Tộ : Bài học về sự phối hợp giữa trí thức và nhà cầm quyền
Một công trình đầy đủ nhất
về các điều trần của Nguyễn Trường Tộ
DR
Trong
lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam chủ yếu phải vất
vã đối phó với tham vọng bá quyền của anh bạn láng giềng phương Bắc. Thế
nhưng, đến giữa thế kỷ 19, một « cú sốc giữa các nền văn minh » đã xảy
đến giữa hai nền văn hóa Đông-Tây. Trí thức Việt Nam khi ấy là các nhà
Nho đã ra sức tư duy tìm kiếm phương sách cứu quốc.
Dù suy nghĩ của họ
có đúng hay không, thì rõ ràng họ đã thể hiện được trách nhiệm xã hội của
mình. Điển hình cho thế hệ trí thức này là Nguyễn Trường Tộ với trên 57
bản điều trần gửi cho triều đình Tự Đức. Tiếc rằng những bản điều trần
đó không được nghe theo, tiếc rằng cuối cùng Việt Nam vẫn mất chủ quyền
vào tay Pháp, và đó cũng là một bài học cho hậu thế về sự phối hợp giữa
giới trí thức và nhà cầm quyền.
Một
trí thức « có tâm và có tầm »
Nguyễn
Trường Tộ quê làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Năm sinh của
ông hiện chưa đủ tài liệu để khẳng định rõ ràng, nhưng vào khoảng các
năm 1828 hoặc 1830. Dù là người theo Công Giáo, một tôn giáo bị triều đình
nhà Nguyễn lúc bấy giờ ngăn cấm, nhưng cũng giống như hết thảy con em
người Việt lúc bấy giờ, Nguyễn Trường Tộ từ nhỏ đã được giáo dục trong
các lò Nho học. Ông nổi tiếng học giỏi từ nhỏ và được gọi là « Trạng Lộ
».
Tuy
nhiên, ngoài Nho học, do là người Công giáo, Nguyễn Trường Tộ khi ở quê
nhà đã được tiếp xúc với giám mục Gauthier (tên tiếng Việt là Ngô Gia Hậu)
và được người này giúp đỡ cho học chữ Pháp và một số môn khoa học thực
dụng phương Tây.
Đến
cuối năm 1858, Nguyễn Trường Tộ theo cha Hậu vào Đà Nẳng, và sau đó đi
chu du nhiều nơi hải ngoại như Hồng Kong (tức Hương Cảng), Malaysia,
Singapore, Pháp, Roma…Ông được tiếp kiến giáo hoàng lúc bấy giờ và được
giáo hoàng tặng nhiều sách về khoa học phương Tây.
Đầu năm 1861, Nguyễn
Trường Tộ về nước và được mời làm phiên dịch cho Pháp. Tuy nhiên, ông
làm phiên dịch cho Tây trong mục đích là góp phần cho cuộc hòa đàm giữa
triều đình Huế với Pháp. Đến cuối năm 1861, nhận thấy Pháp đã quyết tâm
đánh chiếm Việt Nam, nên Nguyễn Trường Tộ xin thôi việc và lui về quê
nhà.
Ông
không ra làm quan chính thức, dù có đôi lần nhận lời giúp triều đình Huế
trong một số việc công cán, nhưng Nguyễn Trường Tộ lúc nào cũng thể hiện
đúng tinh thần xã hội của một chân nho là «Quốc gia hưng vong thất phu
hữu trách». Từ những kinh nghiệm bản thân góp nhặt được trong các chuyến
chu du, từ kiến thức Hán học sâu rộng của mình, Nguyễn Trường Tộ đã
liên tiếp gửi đến triều đình Huế của vua Tự Đức những đề xuất canh tân
đất nước.
Chỉ
trong 10 năm từ 1861 đến 1871, Nguyễn Trường Tộ đã gửi đến triều Tự Đức
khoảng trên 57 bản kiến nghị canh tân gọi là « Điều trần ». Các bản điều
trần kêu gọi triều đình chấn hưng đất nước bằng cách phát triển khoa học
hiện đại như các nước phương Tây, thoát khỏi những giáo điều quá ư hủ lậu
của Nho Giáo, kêu gọi mở rộng ngoại giao với nhiều nước khác nhằm tạo
thế đa cực trong các mối quan hệ quốc tế…Bên cạnh đó, các bản điều trần
cũng vẽ nên một thực trạng xã hội Việt Nam khi ấy với bộ máy hành chính
cồng kềnh, nạn quan liêu hoành hành, quốc khố trống rỗng, kinh tế èo ọt,
học thuật suy yếu…
Những
đề xuất của Nguyễn Trường Tộ đã không được triều Tự Đức quan tâm bởi
quan lại lúc bấy giờ vị nào cũng đứng trên lập trường Nho Giáo xa xưa
mà lý luận về hiện trạng đất nước. Bởi vị chức sắc triều đình nào hễ
bàn việc nước đều trích dẫn kinh điển Nho Giáo ra làm bằng, lấy Tống Nho
làm chỗ dựa, lấy chuyện đời Chu đời Đường làm khuôn vàng thước ngọc.
Ngay cả vua Tự Đức, dù được cho là một ông vua sáng suốt, nhưng đối với
những đề xuất canh tân của Nguyễn Trường Tộ, có khi vua Tự Đức còn tự
hào cho rằng triều đình đã có đủ phương tiện để chấn hưng đất nước và rằng
Nguyễn Trường Tộ quá tự tin vào sở học của mình.
Dù
không được triều đình phúc đáp, nhưng người trí thức Nguyễn Trường Tộ vẫn
không nản lòng, vẫn kiên trì gửi kiến nghị lên cho triều đình. Và cứ thế,
ông cứ mãi bận lòng vì việc nước. Đến cuối năm 1871, ông mất tại quê
nhà.
Nguyễn
Trường Tộ, tấm gương trí thức sáng ngời
Cuộc
đời và sự nghiệp của nhà trí thức Nguyễn Trường Tộ với trên 57 bản điều
trần thật sự quá đồ sộ để có thể tóm lược trong vài dòng cho được. Để
bao quát những tinh hoa của ông để từ đó rút ra bài học cho hậu thế,
RFI Việt Ngữ đã tìm đến Giáo Sư Sử Học Trịnh Văn Thảo thuộc Đại học
Aix-Marseille (Cộng Hòa Pháp), người có nhiều công trình khảo cứu có giá
trị đã được xuất bản tại Pháp về trí thức Việt Nam giai đoạn nửa cuối
thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Lê
Phước :
Thưa Giáo Sư, đầu tiên xin Giáo Sư tóm lược đôi điều về nhà trí thức
Nguyễn Trường Tộ.
Giáo
Sư Trịnh Văn Thảo :
Về
ông Nguyễn Trường Tộ, người ta thường nhắc đến tên ông mỗi khi vận nước
gặp khó khăn, thời đại nào cũng vậy. Vậy ta có thể nhấn mạnh về khía cạnh
di sản của ông. Nguyễn Trường Tộ là một nhân vật lịch sử thế kỷ 19 được
các nhà sử học Việt Nam và ngoại quốc nghiên cứu rất nhiều nên không thể
tóm tắt dễ dàng. Riêng tôi chỉ xin đề cập đến con người và sự nghiệp
Nguyễn Trường Tộ dưới ba khía cạnh :
1.
Thứ nhất :
Nguyễn
Trường Tộ là một nhân vật lịch sử cận đại có tư thế đặc biệt trong thời
đại giao thoa giữa hai nền văn hóa Tây phương và Đông phương, nhất là một
lối giao thoa rất phức tạp và đối kháng. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Trường
Tộ nổi lên là một nhân vật lịch sử then chốt vì ba lý do :
1) Ông xuất
thân trong một gia đình Nho Giáo nhưng bản thân ông lại theo Thiên Chúa
Giáo ;
2) Ông vừa thâm sâu về Hán học và Tây học ; 3) Con người của ông
rất phong phú. Nguyễn Trường Tộ là một nhà trí thức dấn thân tiêu biểu
của giai đoạn lịch sử đó. Ông nắm được hai lợi khí là ngôn ngữ (thạo tiếng
Hán và tiếng Pháp) và hiểu rõ sự khác biệt giữa hai nền tôn giáo lớn của
thế giới lúc bấy giờ là Nho Giáo và Thiên Chúa Giáo. Ông không có thái
độ mặc cảm gì cả. Ông xem vấn đề theo đạo Thiên Chúa là một vấn đề cá
nhân. Nhưng đứng về mặt tư tưởng thfi ông luôn là một nhà Nho có tương
tưởng Đông phương rất sâu sắc.
2.
Thứ hai :
Nguyễn
Trường Tộ tiêu biểu cho nhà trí thức dấn thân của thời đó. Ông lên tiếng
cảnh báo và cảnh tỉnh nhà cầm quyền Việt Nam về hiễm họa mất nước nếu
không tiến hành một công cuộc cải lương toàn diện và sâu sắc.
Tôi nghĩ
rằng, hơn 57 bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ gửi cho vua Tự Đức
không phải là một lời gào thét, kêu gọi thấm thiết, mà là một phân tích
rất sâu sắc và khách quan về sự cách biệt giữa Đông và Tây. Tôi nghĩ rằng,
đó là một thái độ rất tiêu biểu của một người trí thức dấn thân, vừa cận
với chính quyền mà không tham dự vào chính quyền, mà cũng không xa với
chính quyền để giúp đỡ chính quyền.
3.
Thứ ba :
Có
thể xem Nguyễn Trường Tộ là một nhân vật có nhiều ảnh hưởng đối với lịch
sử của xứ mình. Công trình nghiên cứu của tôi về 3 thế hệ trí thức Việt
Nam thời đại đó có nhấn mạnh đến ảnh hưởng của Nguyễn Trường Tộ thứ nhất
là đối với Nguyễn Lộ Trạch, ngoài ra còn có những nhân vật khá quan trọng
trong phong trào cải lương của triều đình Huế thời đó như Phan Thanh Giản,
Phạm Phú Thứ…
Ảnh
hưởng của Nguyễn Trường Tộ là tuyệt đối đối với thế hệ nhà Nho duy tân
1907. Tiêu biểu qua trường hợp của hai cụ Phan Chu Trinh và Phan Bội
Châu có thể thấy được ảnh hưởng của Nguyễn Trường Tộ đối với Nho sĩ yêu
nước Việt Nam đầu thế kỷ 20 như thế nào.
Đối
với thế hệ Tây học về sau, tôi nghĩ rằng, sử gia Việt Nam và ngoại quốc
chưa đánh giá đúng và đầy đủ vai trò của tư tưởng cải lương Nho Giáo
Nguyễn Trường Tộ. Đứng về mặt tư tưởng, Nguyễn Trường Tộ là một người
Nho Giáo vì ông đứng trên lập trường Nho Giáo để phân tích và đánh giá
tình hình. Theo tôi, Nguyễn Trường Tộ ít nhất cũng có ảnh hưởng đến Hồ
Chí Minh, Phan Văn Trường hay Gibert Trần Chánh Chiếu.
Ở đây, tôi chỉ
nói những nhân vật mà tôi cho là quan trọng nhất, tiêu biểu nhất của thời
đại đó. Nhưng tôi chắc chắn, nếu có nghiên cứu sâu rộng thì sẽ thấy rằng
vai trò và tính thời sự của tư tưởng và tác phong của Nguyễn Trường Tộ
là rất mạnh mẽ, cần đáng được ghi chép lại.
Tóm
lại, tôi xem Nguyễn Trường Tộ là một tấm gương sáng không chỉ của hôm
qua mà còn của cả ngày nay nữa.
Lê
Phước :
Thưa giáo sư, vì sao đề xuất của Nguyễn Trường Tộ lại không được áp dụng
?
Giáo
Sư Trịnh Văn Thảo :
So
sánh về những khó khăn của phong trào cải lương Nho Giáo ở bên Tàu cũng
như ở ta thì thấy rằng thất bại của họ cũng là tương đối thôi. Bên Tàu,
những phong trào của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu là những phong trào
nổ lên một lúc rồi cũng bị dập tắt dưới sự đàn áp của các thành phần bảo
thủ.
Thật
ra, không phải tư tưởng Nho Giáo bản thân nó đóng chặt lại trước những
ý kiến đề xuất thay đổi, nhưng mà những người dựa vào Nho Giáo để nắm
quyền bính trong tay thì họ thấy rằng cải lương là một cái gì đó đi ngược
lại lợi ích của họ, vì thế họ sẽ làm cho nó thất bại. Xứ Nhật có may mắn
là có được thời đại Minh Trị, hoặc một xứ khác là Thái Lan có được những
ông minh vương, biết cải cách đúng lúc để thoát khỏi gông cùm của đế quốc.
Tôi
nghĩ rằng, một phần là do tính chất bảo thủ của nhà cầm quyền. Tôi
không cho cái bảo thủ đó là bao trùm cả bảo thủ của tư tưởng Nho Giáo,
bởi vì trong lịch sử nội bộ của Nho Giáo, ta thấy có nhiều phong trào cải
lương rất quan trọng, chứ không phải là chỉ có ở cuối thời Nhà Thanh mà
thôi.
Lê
Phước :
Thưa Giáo Sư, có người cho rằng đề xuất của Nguyễn Trường Tộ đã vượt
quá xa thời đại của ông nên đã thất bại ?
Giáo
Sư Trịnh Văn Thảo :
Nếu
so với phòng trào Duy Tân bên Trung Quốc hay phong trào Minh Trị bên Nhật,
thì rõ ràng là nó không xa đâu. Một số sử gia, như ông Tsuboi của Nhật
Bản, họ chứng minh rằng, ngược lại so với Trung Quốc, vua chúa Việt Nam
mình thông minh hơn nhiều, thấy rõ vấn đề hơn nhiều. Nhưng tại sao họ lại
bó mình trong chính sách bế quan tỏa cảng?
Tôi nghĩ rằng, phần lớn lý
do mang tính địa lý lịch sử. Việt Nam mình không thoát ly khỏi vòng ảnh
hưởng của Trung Quốc, bởi vậy khi thiên triều Trung Quốc không sửa đổi,
thì thiên triều của ta cũng không dám thay đổi. Đó là lý do căn bản.
Lê
Phước: Thưa
Giáo Sư, trường hợp của nhà trí thức Nguyễn Trường Tộ để lại bài học gì
cho trí thức Việt Nam ngày nay ?
Giáo
Sư Trịnh Văn Thảo :
Tôi
hy vọng rằng, người Việt ngày nay thấy rõ tác phong mẫu mực của Nguyễn
Trường Tộ để rút kinh nghiệm. Sự thất bại của Nguyễn Trường Tộ là thất
bại của cả giới sĩ phu Việt Nam khi ấy. Phải làm thế nào để sĩ phu chúng
ta xưa cũng như nay sáng suốt, mở mắt để đáp ứng được tình thế.
Lê
Phước :
Giữa nhà cầm quyền và trí thức dấn thân cần có sự phối hợp ?
Giáo
Sư Trịnh Văn Thảo :
Đúng.
Nếu nhà cầm quyền tự thức tỉnh thì sướng quá rồi. Trí thức thức tỉnh mà
đi trước nhà cầm quyền thì không thể nào thành công được vì họ không có
quyền bính trong tay. Vấn đề là làm sao phối hợp nguyện vọng và sự sáng
suốt của người trí thức (nếu họ có sáng suốt) với tư thế minh chủ của
nhà vua. Nếu hai yếu tố đó phối hợp thì sẽ thành công, nếu hai yếu tố
đó mâu thuẩn thì ta sẽ bị đặt vào một tình thế rất khó xử.
Ta
thấy rằng, trong vô vàn nguyên nhân được nêu ra cho sự thất bại của các
điều trần của Nguyễn Trường Tộ, thì nguyên nhân triều đình Tự Đức bảo
thủ luôn được nhấn mạnh hàng đầu. Nói cách khác, nhà cầm quyền Việt Nam
khi ấy cứ khư khư bám vào ngôi nhà sắp đổ là Nho Giáo để bảo vệ lợi ích
bản thân và dòng tộc mà không thiết tha với mọi cải cách canh tân.
Nói
đúng ra, không phải cứ trí thức đề xuất thì thì là đúng, là sáng suốt.
Nhưng vấn đề là, nếu đề xuất của trí thức quả thật là đúng, là sáng suốt
thì sự được thua lại nằm ở thái độ của nhà cầm quyền. Đối với trường hợp
của Nguyễn Trường Tộ, thời gian đã chứng minh tinh thần canh tân của
ông là đúng đắn, và thế hệ sau của ông đã liên tục kế thừa và phát huy.
Trong một xã hội Nho Giáo như vậy, hành động của Nguyễn Trường Tộ là
hành động của một trí thức dũng cảm, mang tính tiên phong. Thế nhưng,
nhà cầm quyền khi ấy là triều đình Huế đã không tận dụng được sự sáng
suốt của giới tinh hoa trong xã hội là tầng lớp trí thức để sau đó đất
nước tiếp tục suy yếu và mất chủ quyền.
Nói
cách khác, trong trường hợp Nguyễn Trường Tộ thì giữa nhà cầm quyền và
giới trí thức đã thiếu sự phối hợp. Bài học về sự phối hợp này giữa trí
thức và nhà cầm quyền đến hiện tại vẫn còn nguyên giá trị không chỉ
trong xã hội Việt Nam mà là ở bất kỳ xã hội hiện đại nào trên thế giới.
|
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment