“Người
ta” đang nghĩ gì về Diễn đàn Xã hội dân sự?
Phạm Chí Dũng
Có lẽ đây là bài báo ngắn nhất từ trước đến nay của tôi. Bài
báo phác ra một giả thiết về một cách nghĩ ngợi, đánh giá và suy tưởng của một
nhóm người nào đó (xem ý kiến bên dưới) – chúng ta có thể tạm gọi là “người ta”
– về trang mạng Diễn đàn Xã hội Dân sự mà Ban Tuyên giáo Trung ương đang đặc
biệt lo ngại về sự ảnh hưởng của nó.
Diễn đàn Xã hội dân sự – một tập hợp ý kiến trao đổi được khởi sự
vào tháng 9/2013, với mục tiêu “chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn
trị sang dân chủ một cách ôn hòa” – đến nay đã trải qua đúng một quý phôi thai.
Không khác mấy thân phận nhiều trang mạng “lề trái”, Diễn đàn Xã
hội Dân sự đang phải chịu những sức ép không nhỏ từ phía giới chức Đảng – những
người không buông lơi đường lối kiên định về điều 4 trong hiến pháp cũ và đồng
thuận tuyệt đối với những nội dung hết sức tương đối trong bản hiến pháp mới.
Những động thái trên, cùng cách nghĩ và suy tưởng của “người ta”
như giả thiết đề cập ở trên, lại đang diễn ra trong bối cảnh Nhà nước Việt Nam
vừa được chấp nhận tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc – một địa
chỉ mà các thành viên ở đó đều phải cam kết “bảo đảm quyền tự do chính kiến, tự
do thông tin và biểu đạt cá nhân”.
P. C. D.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
“Diễn đàn Xã hội dân sự” là một âm mưu, thủ đoạn hoạt động xảo quyệt
và rất nguy hiểm, tác động tiêu cực đối với xã hội trong điều kiện hiện nay,
chúng ta cần nhận thức rõ và đấu tranh loại trừ.
Thời gian vừa qua, nhóm mượn danh “nhân sỹ trí thức” lợi dụng vấn đề
“dân chủ” đã cho ra một bản “Tuyên bố thực thi quyền dân sự và chính trị”,
trong đó kêu gọi, khởi xướng một “diễn đàn” trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm
góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta “từ toàn trị sang dân chủ”
một cách “ôn hòa” mang tên “Diễn đàn Xã hội dân sự”.
Yêu sách của “Diễn đàn Xã hội dân sự” là “yêu cầu nhà cầm quyền tôn
trọng quyền bày tỏ quan điểm của công dân, thẳng thắn tranh luận và đối thoại,
từ bỏ cách đối xử không công bằng, không minh bạch và không đường hoàng như đã
và đang áp dụng đối với những kiến nghị sửa đổi Hiến pháp và những tiếng nói
đòi dân chủ khác với quan điểm của nhà cầm quyền”, “Diễn đàn Xã hội dân sự yêu
cầu Quốc hội dừng việc thông qua bản Hiến pháp sửa đổi trong đó thể chế chính
trị hiện hành vẫn được duy trì về cơ bản, kéo dài thời gian thảo luận về Hiến
pháp”…
“Diễn đàn Xã hội dân sự” là một âm mưu, thủ đoạn, hoạt động xảo quyệt
và rất nguy hiểm, tác động tiêu cực đối với xã hội trong điều kiện hiện nay,
chúng ta cần nhận thức rõ và đấu tranh loại trừ, bởi những lý do cơ bản sau:
Thứ nhất, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội đã triệt để lợi
dụng vấn đề “xã hội dân sự”.
“Xã hội dân sự” là một vấn đề mới ở Việt Nam, đang thu hút sự quan
tâm, chú ý của nhiều trí thức, công chức và nhân dân. Có thể hiểu, “xã hội dân
sự” là tổng thể các quan hệ và các tổ chức, các mạng lưới tổ chức xã hội được
hình thành và hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu
trách nhiệm, tự trang trải về kinh phí, trong khuôn khổ pháp lý và đạo lý, phối
hợp với nhà nước để kiểm soát và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, thúc đẩy phát
triển kinh tế, từng bước hoàn thiện và phát huy vai trò của xã hội dân chủ,
nhằm duy trì, bảo đảm sự ổn định, cân bằng và phát triển bền vững của nhà nước
và của xã hội, hiện thực hoá quyền lợi của mỗi cá nhân và cộng đồng.
Về bản chất “xã hội dân sự” có nhiều đặc điểm mang tính tích cực (hoạt
động trong khuôn khổ pháp lý và đạo lý; vì mục tiêu rất tích cực) cần được
nghiên cứu, làm rõ và vận dụng phù hợp vào điều kiện thực tiễn nước ta. Tuy
nhiên, hiện nay kẻ địch và số phần tử cơ hội luôn tìm mọi cách triệt để lợi
dụng vấn đề “xã hội dân sự”, hình thành các “diễn đàn, “tổ chức” tự xưng với
“danh nghĩa” là “xã hội dân sự”, triệt để lợi dụng đặc tính dễ hình thành nhưng
khó kiểm soát của “xã hội dân sự”, lợi dụng tính năng phản biện xã hội (đối với
các chủ trương chính sách và giám sát hoạt động của đội ngũ công chức nhà nước)
của “xã hội dân sự”… để là nơi chúng chuyên nói những điều xằng bậy, tuyên
truyền các luận điệu phản động, chống đối, vu khống Đảng, Nhà nước, lừa dối người
dân… hòng làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước, tạo thuận lợi cho các thế lực chống
đối có điều kiện gia tăng hoạt động, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”
hòng làm chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam.
Cái gọi là “Diễn đàn Xã hội dân sự” đang được rêu rao trên các trang
mạng Internet không chính thống, trên Facebook hiện nay chẳng qua là sự lợi
dụng danh nghĩa “xã hội dân sự” để phục vụ mưu đồ đen tối, nguy hiểm của những
người khởi xướng. Một diễn đàn mang danh “xã hội dân sự” mà thành phần tham gia
chỉ là các tổ chức và nhóm có tư tưởng chống chế độ (tự coi là các nhóm “đấu
tranh dân chủ”) như Hội đồng Giám mục, nhóm các chức sắc tôn giáo, nhóm công
dân tự do, nhóm Tuyên bố 258…, chứ không phải là các tổ chức, nhóm hình thành
tự phát từ những người có chung lợi ích nhu cầu, sở thích, giới tính, chính
kiến, nghề nghiệp… như cách nhìn nhận phổ quát hiện nay. Về bản chất, “diễn
đàn” này là nơi bày tỏ chính kiến của các nhóm, tổ chức phản đối bản dự thảo
Hiến pháp, tập hợp lực lượng, quy tụ ý kiến phá hoại thể chế chính trị hiện
nay, phá hoại việc thông qua bản dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, ngăn cản việc
thông qua bản dự thảo Hiến pháp đã trải qua quá trình vận động/lấy ý kiến đóng
góp của nhân dân, các tổ chức, cơ quan.
Thủ đoạn này cũng không khác mấy việc núp dưới danh nghĩa đòi trả tự
do, công lý cho “nhà đấu tranh dân chủ” Lê Quốc Quân để che giấu, “lờ đi” việc
ông này đang bị khởi tố, xét xử về tội danh hình sự “Trốn thuế” theo Điều 161
Bộ luật Hình sự. Cũng không khác mấy với việc nhóm Tuyên bố 258 tự nhận là Mạng
lưới Blogger Việt Nam đi vận động quốc tế can thiệp “đấu tranh nhân quyền” cho
hơn 100 người ký tên, đòi hủy bỏ Điều 258, không ủng hộ Việt Nam trở thành
thành viên Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc.
Thứ hai, bên cạnh lợi dụng vấn đề “xã hội dân sự”, các thế lực thù
địch, cơ hội triệt để lợi dụng Internet, đặc biệt là các mạng xã hội hiện nay,
với tính năng truyền dẫn nhanh, lây lan rộng khắp và rất khó kiểm soát… để làm
phương tiện truyền bá các tư tưởng chống đối, luận điệu phản động, vu cáo, nói
xấu chế độ, gây tâm lý hoang mang cho quần chúng nhân dân, tập hợp lực lượng
chống Đảng và Nhà nước… Do đó, hoạt động này càng trở nên cực kỳ nguy hiểm. Các
thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng Facebook để hoạt động chống phá.
Thứ ba, các đối tượng chống đối lợi dụng triệt để các vấn đề tiêu cực,
hạn chế, khó khăn của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta để phóng đại, đánh đồng, vu
cáo, hạ thấp, phủ nhận thành quả, vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà
nước, công sức, cố gắng của nhân dân ta.
Thừa lúc tình hình kinh tế đất nước khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái
kinh tế thế giới và một số tình hình tiêu cực, yếu kém trong nước (đặc biệt là
một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống), trên “Diễn đàn Xã hội dân sự”, “các nhà dân chủ” ra sức lợi
dụng để vu cáo, đánh đồng, xuyên tạc, hòng hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước.
Họ cho rằng, Đảng đã thoái hóa, biến chất, quan liêu, tham nhũng, phản bội lại
nhân dân… Đây là luận điệu tuy không mới, nhưng hết sức nguy hiểm. Bởi lẽ, họ
đã dùng thủ đoạn “vơ đũa cả nắm”, chỉ căn cứ vào một số hiện tượng tiêu cực để
quy chụp về bản chất của Đảng.
Phải thấy rằng, trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, đa số cán
bộ, đảng viên của Đảng đã phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu, năng
động, sáng tạo trong công tác, lao động, học tập, rèn luyện, có trách nhiệm với
nhân dân, đóng vai trò nòng cốt trong công cuộc đổi mới; góp phần xứng đáng vào
thành quả chung của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Bên cạnh đó,
chúng ta cũng không hề che giấu khuyết điểm: đó là, đã có một bộ phận cán bộ,
đảng viên đã thoái hóa, biến chất, vi phạm khuyết điểm… mà Nghị quyết Trung
ương 4 (khóa XI) về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng đã nêu rõ. Với tinh
thần tự phê bình và phê bình, dám nhìn thẳng vào sự thật, đáng giá đúng sự
thật, nghiêm túc, kiên quyết tìm mọi cách để sửa chữa, khắc phục, Nghị quyết
của Đảng đã đưa ra bốn nhóm giải pháp cần phải thực hiện để đấu tranh ngăn
chặn, đẩy lùi tiêu cực, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh,
nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, củng cố niềm
tin của nhân dân vào Đảng và chế độ. Qua hơn một năm nghiêm túc thực hiện Nghị
quyết Trung ương 4 (khóa XI), phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, các cơ
quan báo chí, kiên quyết xử lý mọi hành vi vi phạm… đã mang lại hiệu quả tích
cực, lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được củng cố, nâng cao, là
nhân tố quan trọng bảo đảm cho tình hình kinh tế – xã hội của đất nước luôn ổn
định, đời sống của nhân dân được cải thiện…
Qua phân tích nêu trên, chúng ta đã thấy rõ âm mưu, thủ đoạn hoạt động
rất nguy hiểm và xảo quyệt của các thế lực thù địch, bọn cơ hội khi dựng lên cái
gọi là “Diễn đàn Xã hội dân sự”; phản bác lại luận điệu sai trái, phản động,
phản khoa học của chúng. Tác giả rất mong muốn mọi người nhận thức đầy đủ và có
thái độ kiên quyết đấu tranh lại với âm mưu, hoạt động gây tác hại, tiêu cực
đối với xã hội, sự ổn định đời sống của nhân dân.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment