Tuesday, December 10, 2013

Thư của mẹ nhà đấu tranh dân oan Trần Thị Thúy nhân ngày QTNQ


 

 

Thư của mẹ nhà đấu tranh dân oan Trần Thị Thúy nhân ngày QTNQ

Bùi Thị Nữ


Cùng tác giả:



Kính gửi:

- Cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc
- Bộ ngoại giao Hoa kỳ
- Bộ ngoại giao Úc
- Bộ ngoại giao Na Uy
- Bộ ngoại giao Thụy Sĩ

Nhân ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12/2013

Tôi tên: Bùi Thị Nữ. Sinh năm: 1943

Hiện cư ngụ: Ấp Long Thái xã Long Khánh B, Huyện Hồng Ngự - Đồng Tháp.

Là mẹ ruột của: Trần Thị Thúy

Nguyên do: Vào năm 1982 gia đình tôi bị chính quyền tỉnh Đồng Tháp cựu đại tá Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tên là Phạm Ngọc Trọng cướp đi 22 ha đất ruộng của gia đình tôi. Đến năm 2002 gây sóng gió lần nữa là 2.500m2 đất chỉ bồi thường 10.000đ/ m2. Trong khi đó nhà nước bán lại 3.000.000đ/m2.

Cứ qua sự việc nói trên gia đình tôi và con gái tôi đi khiếu kiện từ điạ phương đến trung ương coi như vô hiệu quả. Đến năm 2010 bổng tự nhiên như một cơn đại hồng thủy công an tràn vào bắt con gái tôi, đánh con trai tôi và đứa con thứ 2 tôi lên máu không cho bác sĩ đến nên con tôi bị tử vong.

Kính thưa quí ngài!

Ở một thể chế độc tài, độc đảng quyền con người không có, cả tự do tôn giáo cũng không thì người dân chúng tôi sống trong cảnh phập phòng lo sợ. Họ bắt người qui tội gì cũng được. Tại vì chính quyền có Điều 4 Hiến pháp trong tay họ muốn chụp mũ ai thì chụp, nay ở nhà có tổ chức đám giỗ thì họ dùng lực lượng công an, nhất là tên Lực - Công an an ninh - tỉnh đến ngăn chặn không cho dòng họ đến nhà cúng đám. Họ dùng hết thủ đoạn này tới thủ đoạn kia, cấm vận kinh tế không cho ai đến, còn riêng con gái tôi là Trần Thị Thúy bị họ giam giữ rất khắc nghiệt và hiện nay bị bệnh rất nặng như sau: sạn túi mật, vôi cột sống và cao huyết áp. Nhưng khi mang thuốc vào thì họ không cho uống, mỗi khi đến thăm họ quay phim, chụp hình và gây khó khăn. Bề ngoài thì họ nói sửa điều luật này đến điều luật nọ nhưng thực chất là một tờ giấy cũ mà thôi.

“Đi cùng khắp biển cù lao
Lộn đi lộn lại cũng tao với mày.”

Nay tôi làm thỉnh nguyện thư này đến quí ngài Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vì hiện nay Việt Nam là thành viên của Hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Bước ra sân chơi Quốc tế thì họ phải tuân theo luật quốc tế, thả những người tù lương tâm và chính trị. Trong đó có con gái tôi là: Trần Thị Thúy đang bị giam cầm ở nhà tù tỉnh Đồng Nai đang lâm bệnh nặng.

Trong khi chờ đợi sự phúc đáp của quí ngài gia đình tôi và nhân dân cả nước, đời đời nhớ ơn quí ngài. Nhờ có quí ngài con tôi và những người tù chính trị mới có thể thoát khỏi cảnh lao tù cộng sản.

Tôi thành thật biết ơn quí ngài./.

Hồng Ngự ngày 10 tháng 12 năm 2013
Kính thư
(Đã ký)
Bùi Thị Nữ


 

Báo cáo viên LHQ nói về nhân quyền Việt Nam


Ỷ Lan, Phóng viên RFA, Genève
2013-12-09



Bà Farida Shaheed, Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ trong lĩnh vực văn hoá

Courtesy UN.org


Ỷ Lan : Thưa bà Farida Shaheed, là Báo viên LHQ về Quyền Văn hóa, bà vừa từ Việt Nam trở về sau chuyến đi 12 ngày khảo sát quyển văn hóa có được nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng hay không. Xin bà cho biết những thành phần dân chúng nào được bà tiếp xúc qua chuyến viếng thăm này ?

Farida Shaheed : Tôi đã gặp gỡ rộng rãi những người thuộc phía chính quyền, từ cấp bộ trưởng đến cấp địa phương. Tôi gặp những viên chức trong lĩnh vực văn hóa , giáo dục, dân tộc thiểu số và vụ tôn giáo, những thành viên Liên hiệp Phụ nữ, Liên hiệp các Nghệ sĩ, cũng như Ban Tuyên vận Đảng Cộng sản.

Về phía xã hội dân sự, chúng tôi đã gặp gỡ một số các nhà nghiên cứu và Viện Nghiên cứu, nghệ sĩ, các nhân viên phụ trách Viện Bảo tàng, nhà văn, nghệ sĩ hội họa, điện ảnh, thi sĩ  - rất nhiều vị thuộc các lĩnh vực diễn đạt nghệ thuật. Tôi cũng đến thăm vùng núi Sapa và gặp gỡ với giới kỹ nghệ du lịch ở đây hay các nơi khác. Văn hóa Việt Nam rất đa dạng, tôi còn muốn thăm nhiều nơi nữa, nhưng tiếc rằng không đủ thời giờ.

Ỷ Lan : Có nhiều Báo cáo viên LHQ khác, tôi nghĩ tới bà Gay McDougal, đặc nhiệm về Dân tộc Ít người, thì than phiền bà không được gặp gỡ ai khác ngoài vòng các nhân viên nhà nước khi bà đi Việt Nam khảo sát. Bà có cảm thấy sự hạn chế này không ? Bà có được tự do gặp gỡ với xã hội dân sự và những ai tỏ lời phê phán chính quyền ?

Farida Shaheed : Với tôi, thật là quan trọng để tiếp xúc với xã hội dân sự và các nhóm hay các nhà hoạt động độc lập, vì qua họ mà ta có thể tiếp cận những người khác, để học hỏi thêm nhiều chuyện. Cho nên mọi Báo cáo viên LHQ đều tìm cách tiếp cận với xã hội dân sự độc lập, ngoài lịch trình do nhà nước ấn định. Chúng tôi có một lịch trình làm việc chính thức thiết lập chung với chính quyền trước khi tới Việt Nam. Nhưng ngoài lịch trình chính thức, chúng tôi tự xếp đặt cho mình các cuộc tiếp cận với xã hội dân sự, và gặp gỡ theo thì giờ chúng tôi quy định. Nhờ vậy đã có những người gặp chúng tôi, ăn nói thoải mái về hiện tình họ đang sống.

Đã có sự cởi mở theo như lời những người tôi gặp gỡ, và các xã hội dân sự hay các văn nghệ sĩ cũng đồng ý, không gian này đã lớn hơn trước. Đây là điều tích cực, nhưng chưa đủ. Hiện đang có nhu cầu mở rộng không gian cho việc tranh luận và tham gia đối thoại

bà Farida Shaheed

Ỷ Lan : Bà có thể cho biết tên những tổ chức xã hội dân sự hay người bà gặp gỡ ?

Farida Shaheed : Tôi không thể cung cấp tên họ ở đây. Ngay cả bản Phúc trình của tôi sẽ đệ trình LHQ vào tháng 3 năm tới, tôi cũng không nêu tên tuổi họ, để bảo vệ an ninh cho những ai đã cung cấp cho chúng tôi những tin nhạy cảm

Ỷ Lan : Tại cuộc họp báo ở Hà Nội, bà đã nói lên nhu cầu “mở thêm không gian cho người dân tự bộc lộ quan điểm họ” hay “bảo đảm tự do biểu đạt nghệ thuật và tự do học thuật ở mức cao hơn”. Điều gì đã đưa bà tới nhận định như thế ?

Farida Shaheed : Tôi nghĩ người ta phải công nhận rằng Việt Nam đã thực hiện tốt và khác thường cho sự phát triển kinh tế. Nhưng đồng lúc, vì môi trường kinh tế quá sống động, đang nẩy sinh ước muốn thâm sâu trong lòng người dân, trong xã hội dân sự, giới học thuật cũng như giới doanh thương, là được tham gia và nói lên ý kiến họ cho tương lai đất nước. Tôi nghĩ rằng đã có sự cởi mở theo như lời những người tôi gặp gỡ, và các xã hội dân sự hay các văn nghệ sĩ cũng đồng ý, không gian này đã lớn hơn trước. Đây là điều tích cực, nhưng chưa đủ. Hiện đang có nhu cầu mở rộng không gian cho việc tranh luận và tham gia đối thoại. Ngay cả trong vấn đề phát triển kinh tế. Tôi nghĩ rằng tiến trình phát triển cần thiết phải kéo theo tranh luận và đối thoại với quần chúng là đối tượng của sự phát triển, nhờ vậy họ mới có tiếng nói cho tương lai của họ. Tôi cũng nghĩ rằng Việt Nam nên nhìn lại những ảnh hưởng tiêu cực trong cuộc phát triền kinh tế quá nhanh, những tác động có hại cho quần chúng, cho văn hóa và đời sống của họ. Kể cả du lịch. Tuy quần chúng được hưởng lợi từ các cuộc du lịch văn hóa, nhưng bản thân khối quần chúng kế thừa văn hóa ấy chỉ bị lợi dụng cho sự phát triển du lịch mà thôi.

Một vấn đề khác mà tôi quan tâm là môn dạy lịch sử. Tôi được một số giáo viên cho biết rằng tại Việt Nam chỉ có một giáo trình duy nhất về môn sử. Tôi thường khuyến nghị rằng tất cả các quốc gia nên có vài cuốn sách dạy sử để cho các giáo viên có khả thêm tư liệu truyện đạt một cách đa dạng hầu tránh cho học sinh, sinh viên cách hiểu một chiều. Mục đích tối hậu của người dạy sử là dạy cho học trò tinh thần phê phán, biết cách phân tích toàn diện các sự cố và hiện tượng.

Ỷ Lan : Còn vấn đề văn học nghệ thuật thì sao thưa bà ?

Farida Shaheed: Cũng như thế trong lĩnh vực nghệ thuật và học thuật, tôi nghĩ là có khuyết điểm trong việc định nghĩa các ranh giới. Hiện có Hiến Pháp với các quyền tự do ngôn luận và lập hội, nhưng các Viện Nghiên cứu, hay nghệ sĩ không biết làm sao trước ngã ba đường vì luật pháp chẳng hề quy định phải trái. Như thế thì những tự do trong Hiến Pháp cần định nghĩa lại để cho các điều luật không áp dụng tùy tiện và quần chúng thấy rõ hơn không gian tự do họ được phép. Có thể nói đang có một chút “xin cho” hiện nay. Không gian có thoáng hơn, nhưng không gian ấy nẩy sinh sự căng thẳng cho những ai thúc đẩy hay tìm cách biểu tỏ ý kiến họ. Tôi cho rằng những trừng phạt áp đặt lên giới nghệ sĩ chỉ vì họ biểu tỏ ý kiến của họ, là quá đáng. Giới này không xúi giục bạo động hay phản chống, họ chỉ biểu tỏ quan điểm họ mà thôi. Lẽ ra họ phải được quyền sáng tạo mà không bị trừng phạt.

Tôi cho rằng những trừng phạt áp đặt lên giới nghệ sĩ chỉ vì họ biểu tỏ ý kiến của họ, là quá đáng. Giới này không xúi giục bạo động hay phản chống, họ chỉ biểu tỏ quan điểm họ mà thôi

Bà Farida Shaheed

Ỷ Lan : Bà có nhắc chuyện một số nghệ sĩ bị bắt giam, sách nhiễu, hay hăm dọa vì những tác phẩm sáng tạo của họ, đúng thế không thưa bà ?

Farida Shaheed : Đúng thế, tôi đã nói thẳng với nhà cầm quyền việc tôi đã gặp những nghệ sĩ và được họ cho biết họ bị theo dõi, bị sách nhiễu, nhận nhiều cú điện thoại vô danh hăm dọa, và có số người còn bị tấn công thân thể. Họ tin rằng đó là hậu quả của sự biểu tỏ ý kiến họ. Đặc biệt là vì không có những điều luật minh bạch được viết ra quy định các giới hạn không được vượt qua. Ngay tại tòa án cũng không hề minh định những luật lệ định nghĩa rõ ràng cái gì là phạm tội, cái gì là quyền biểu tỏ chính đáng.

Ỷ Lan : Một điều khác mà bà nhận định là không có các nhà xuất bản tư nhân và độc lập với nhà nước?

Farida Shaheed : Theo tôi hiểu thì có một hệ thống in ấn, xuất bản, nhưng không có nhà xuất bản độc lập. Đây là điều đáng quan ngại, vì nó cho thấy rằng ai đó muốn xuất bản những công trình không thông qua kiểm duyệt của nhà nước thì đành phải xuất bản lậu thôi, và làm như thế sẽ bị trừng phạt. Có nhiều nhà văn phải gửi tác phẩm họ ra in ở nước ngoài. Điều này đóng sập không gian tự do ngôn luận và biểu tỏ ý kiến.

Ỷ Lan : Lúc nào thì bà cho công bố bản phúc trình và bà chờ đợi kết quả ra sao thưa bà ?

Farida Shaheed: Tôi sẽ công bố bản Phúc trình của tôi tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào khóa họp tháng 3 năm 2014. Tôi hy vọng rằng phúc trình này sẽ giúp đỡ cho nhân dân trong nước và các xã hội dân sự, đồng thời thúc đẩy chính quyền Việt Nam chuyển biến trên những vấn đề mà chúng tôi nhận dạng.

Ỷ Lan : Xin cám ơn bà Farida Shaheed.


 

Ngày QTNQ: Từ 'Xóa Điều 258' đến Mạng Lưới Blogger Việt Nam


Đinh Nhật Uy



Tôi vô cùng cảm kích trước những việc làm đầy ý nghĩa của mạng lưới. Đọc từng bài viết, xem từng hình ảnh, thấy sự hành động của các bạn, sự khâm phục gửi đến các bạn càng tăng cao. Các bạn không ngại gian khó đi khắp nơi để trao Tuyên bố, bất chấp những sự bắt bớ, sách nhiễu vô cớ của chính quyền. Hơn ai hết, tôi hiểu bị bắt vì Điều 258 là vô lý như thế nào. Những hành động của các bạn là thật cần thiết. Tôi đã ký tên ngay vào Tuyên bố 258 mà không đắn đo và xem đó như là một vinh dự chứ không phải là trách nhiệm. Và giờ đây, tôi luôn tự hào là một thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam. Đôi lúc, tôi thường gọi tên Mạng Lưới theo cách riêng của mình - “MLBVN - nơi kết nối cộng đồng, nơi tiếp nhận và khai thông cổ họng cho những người đã và đang bị bóp nghẹt bởi những nghị định và điều luật mơ hồ”...


 

*

 

15/8/2013. Ngày thăm nuôi đầu tiên. 

 

Trong trại giam, thăm nuôi là ngày mà những người tù mong đợi nhất. Có những người đã mặc đồ sẵn từ 4 giờ sáng, họ thức trắng đêm để chờ đợi giây phút gặp mặt người thân. Tôi cũng nằm trong số đó.

 

15/8/2013, 9h sáng, tôi được gọi ra để thăm nuôi. Phòng thăm nuôi không rộng lắm, bố trí chỗ ngồi hàng ngang chỉ khoảng 10 người và 10 máy điện thoại, ngăn cách với người bên ngoài bằng một tấm kính lớn. Tôi bước ra, mọi người bên ngoài vẫy tay chào, tươi cười phấn khích. Những người bạn No-U Sài Gòn của tôi có mặt giường như đầy đủ và những người yêu chuộng công lý hòa bình khắp nơi mà tôi chưa lần gặp mặt. Những chiếc áo thun trắng in logo “Xóa Điều 258” bên ngực trái nổi bật trong đám đông. Những người bạn tôi giơ cao tay, chỉ vào logo ấy làm tôi không thể ngồi yên và nhịn cười. 

 

Tuy lần đầu gặp những chiếc áo như thế nhưng tôi không thắc mắc. Vì với tôi, tôi luôn nghĩ các bạn sẽ có những hành động cụ thể để phản bác cho điều luật mơ hồ này. Và những chiếc áo đã minh chứng cho điều đó. Tôi luôn nhớ cái cảm giác lúc đấy, vui sướng và tự hào. Các bạn đã thổi sức sống cho người tù bằng những chiếc áo - “Xóa Điều 258”. Tối đó, tôi tự đặt tên cho nó là “những chiếc áo hy vọng”.

 

3h30 chiều 29/10/2013. Tôi vác theo cái án 15 tháng tù treo bước ra khỏi cửa trại giam với sự chào đón hân hoan nồng nhiệt của mọi người. Cảm giác bị choáng ngợp bởi cái khí thế hừng hực của những lời ca hùng tráng được đồng thanh hát vang trên môi của những người yêu nước. Một lần nữa chiếc áo “Xóa Điều 258” lại xuất hiện hòa quuyện vào không khí tưng bừng cuồng nhiệt của bài hát “dậy mà đi”. Tôi lại tiếp tục đặt tên cho nó “áo của sự tự do”.

 

30/10/2013. Được sự hỗ trợ của bạn bè và sức mạnh của báo chí lề dân, tôi biết thêm nhiều điều hay về Tuyên bố 258 và Mạng Lưới Blogger Việt Nam, nơi bắt nguồn của những chiếc áo “Xóa Điều 258”. Phải xóa bỏ nó vì điều luật này vi phạm Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng và biểu đạt. Quyền này bao gồm sự tự do tư tưởng mà không bị cản trở, được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và ý kiến qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới”.

 

Tôi vô cùng cảm kích trước những việc làm đầy ý nghĩa của mạng lưới. Đọc từng bài viết, xem từng hình ảnh, thấy sự hành động của các bạn, sự khâm phục gửi đến các bạn càng tăng cao. Các bạn không ngại gian khó đi khắp nơi để trao Tuyên bố, bất chấp những sự bắt bớ, sách nhiễu vô cớ của chính quyền. Hơn ai hết, tôi hiểu bị bắt vì Điều 258 là vô lý như thế nào. Những hành động của các bạn là thật cần thiết. Tôi đã ký tên ngay vào Tuyên bố 258 mà không đắn đo và xem đó như là một vinh dự chứ không phải là trách nhiệm. Và giờ đây, tôi luôn tự hào là một thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam. Đôi lúc, tôi thường gọi tên Mạng Lưới theo cách riêng của mình - “MLBVN - nơi kết nối cộng đồng, nơi tiếp nhận và khai thông cổ họng cho những người đã và đang bị bóp nghẹt bởi những nghị định và điều luật mơ hồ”.

 

Trích từ “Hồi ký: người tù không mã số” của Đinh Nhật Uy

Đinh Nhật Uy

 

nguồn: http://mangluoiblogger.blogspot.com/2013/12/

 

 

Ở Lại Đảng Thì Được Gì?


Blogger Đinh Tấn Lực

 

Chương Trình
Bồi Dưỡng Kiến Thức Về Xây Dựng Đảng


 

Chuyên Đề 1: Ở Lại Đảng Thì Được Gì?

 

Ngày hôm qua, 9-12-2013, Lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai giảng tại Hà Nội. 43 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI đã nhiệt liệt tham gia lớp thứ nhất.

 

Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tham dự và phát biểu chỉ đạo.

 

Mục đích của lớp học là nghiên cứu các chuyên đề lý luận, cập nhật những thông tin mới, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho các Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, góp phần trực tiếp vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

 

Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, đồng chí Lê Hồng Anh chỉ rõ, đất nước ta bước vào thời kỳ mới trong bối cảnh thế giới thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường…

Trước mắt là nhịp độ công khai ra đảng và nhịp độ bình luận những bài viết phản động của bọn thế lực thù địch, cả trên blog, web, và chủ yếu là trên Facebook, thậm chí trên cả đường phố, công viên, café, trà đá… Tiêu biểu là những bài  “Chuyện dài ra đảng”, “Thời điểm chín muồi để ra đảng!”, “Tâm thư người ra đảng”…

 

Cho nên, chương trình lớp bồi dưỡng được thiết kế thành tám chuyên đề có nội dung là những vấn đề lý luận và thực tiễn cốt yếu hiện nay của Đảng và Nhà nước, thì trong đó, chuyên đề một có tầm quan trọng sâu sắc hàng đầu là “Ở lại đảng thì được gì?

 

Tức là, phải làm mọi cách, và bằng mọi giá, để giữ đảng viên, bởi việc mồi chài đảng viên trong thời buổi này không phải là một nỗ lực nhỏ gọn. Chí ít là đừng để tình trạng mở mồm ra là cực lực xâm phạm đến mẫu thân của đảng đang nhanh chóng lan truyền từ giới đảng viên lão thành xuống tới giới đảng viên trẻ và đang có xu thế trở thành truyền thống hiện đại.

 


Làm cách nào?

 

Trên thực tế, biện pháp mắm tôm có nhiều xác suất cao sẽ là giải pháp đường dài. Vừa phát triển kinh tế thôn quê, vừa bao vây văn minh thành thị.

 

Trên mặt lý luận chủ động, ta phải vạch rõ đâu là những mối lợi mọi người cần nâng cao đảng tính:

  • Một là, được đảng tin dùng: Được gật gù thông qua quy trình đóng dấu các văn bản dưới nghị quyết, kể cả Hiến Pháp. Ví dụ tiêu biểu và gần gạnh nhất là cuộc họp QH bấm nút vừa qua.
  • Hai là được lên chức:  Càng sai càng dễ lên chức nhanh. Phải chứng minh cho đối tượng thấy rõ trường hợp tiêu biểu của đồng chí Nguyễn Hữu Ca sau vụ Tiên Lãng Hải Phòng. 
  • Ba là được lên báo: Ngay cả ngủ gục cũng có hình trên báo. Ví dụ rất nhiều, trong mọi cuộc họp ở mọi cấp. Có thể lấy ảnh ngay trong lớp bồi dưỡng này làm điển hình tiêu biểu. 
  • Bốn là được lên đài: Tức là một cách làm phong phú hóa các vở hài mà giới văn nghệ sĩ ưu tú bên nhà đài không có khả năng sáng tạo đủ để khán giả vui cười thư giản sau giờ lao động. 
  • Năm là lên mặt: Đây là một trong những phần thưởng lớn nhất cho đức tính kiêu hãnh mà không cần phải viết sách nói về cuộc đời hoạt động của mình. Hãy lấy ví dụ của đồng chí Tổng Lú phát biểu ở Phú Thọ thì ngay cả giới khiếm thị cũng phải thấy ngay là xây dựng đảng cho tốt thì sẽ có rất nhiều đàn em. Khi đó chúng ta có thể thoải mái dạy lính như dạy dân. 
  • Sáu là lên đê: Tức là được làm phông nền cho một thiểu số khác đạp nhầu mà trồi lên làm rạng danh cả đảng. Ví dụ có rất nhiều, tha hồ chọn trong quyển Bên Thắng Cược, ví dụ điển hình nhất là cụ Võ Trạng vừa mới được điều về xây mồ ngăn bão dữ ở Quảng Bình. 
  • Bảy là được đề bạt một giai cấp hậu duệ kế thừa tiên tiến: Gồm những thanh thiếu niên phấn đấu xa nhà du học các nước và từng tốt nghiệp ưu hạng về môn xé sách và giật cặp chạy mất dép. 
  • Tám là được giữ quyển sổ hưu toàn vẹn: Như thí sinh giữ phao/lãnh đạo giữ chỗ/cave giữ váy… 
  • Chín là được tha hồ góp ý cho đảng sản xuất những quả đấm thép các kiểu: Đây là niềm hãnh tiến toàn quốc, thay cho tất cả những công trình nghiên cứu khoa học quốc tế mà giới trí thức cả đảng nhiệt liệt khinh bỉ không thèm tham gia. 
  • Mười là chia sẻ niềm hãnh diện có quyền cải tổ Liên Hiệp Quốc: Nhờ vào vị thế là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ; nhờ vào sáng kiến Nhân Quyền Mắm Tôm; và nhờ vào thành tích có đảng viên từng được UNESCO vinh danh là Doanh nhân Văn hóa Thế giới.

 

Sơ khởi là mười cái lợi tạm liệt kê bên trên, được coi như là 10 phương hướng thực hiện quy trình nối tiếp truyền thống văn hóa đảng. Những mối lợi khác sẽ được cả lớp nay lẫn các lớp kế tiếp thi đua bổ sung/đúc rút/triển khai nay mai.

 

Sau cùng, trên mặt lý luận phản biện, cần phải làm  cho đối tượng mất ăn mất ngủ khi nghĩ đến/tính toán/cân đo cả 10 điều lợi sơ khởi vừa kể, so với cái lợi vô cùng mơ hồ của quyết định ra đảng:

 

Ra khỏi đảng chỉ được duy nhất có mỗi chuyện làm người!

 

10-12-2013 – Kỷ niệm 65 năm ra đời Bản TNQTNQ.

 

Blogger Đinh Tấn Lực tường thuật tại chỗ.

 

nguồn: http://dinhtanluc.wordpress.com/o-lai-dang-thi-duoc-gi/

 

 

Các báo đồng loạt gỡ bài về tượng Lenin


Thứ ba, 10 tháng 12, 2013

 



Một loạt báo trong nước đã phải gỡ bài tường thuật về biểu tình hôm 8/12 ở Ukraina, trong đó có phản ánh việc người dân lật đổ và đập vỡ tượng Lenin.

Các báo như Thanh Niên, Dân Trí, Pháp luật TP HCM, VietnamPlus... đều đã xóa bài và các đường link dẫn tới tin này đều báo lỗi.

Tuy nhiên các bài báo ngắn về cuộc biểu tình ở Kiev vẫn được lưu lại tại một số diễn đàn và blog riêng.

Hôm Chủ nhật 8/12, một nhóm người biểu tinh đã dùng dây và thanh sắt kéo đổ bức tượng Lenin tại Đại lộ Shevchenko ở Kiev. Cho tới tận tối muộn, họ vẫn tiếp tục dùng búa đập tượng.

Tượng đài lãnh tụ Cách mạng Nga Vladimir Iliytch Lenin được coi như biểu tượng cho quan hệ của Ukraina với nước Nga và thời kỳ Xô viết.

Những người tham gia biểu tình hô vang 'Vinh quang cho Ukraina' khi đập tan bức tượng Lenin to đẹp nhất thủ đô Kiev này.

'Chỉ đạo miệng?'


Trong các bản tin mà báo Việt Nam đăng tải trước khi gỡ xuống, đa phần dịch từ tin của các hãng thông tấn quốc tế và còn bản lưu cache trên mạng, người biểu tình Ukraina bị gọi là "đám đông quá khích".

Cũng có báo dẫn lời quan chức địa phương nói đây không phải chủ trương của chính quyền mà chỉ là 'bạo động'.

Tuy nhiên dường như hình ảnh tượng vị lãnh tụ Cộng sản Nga bị đập tan một cách đau thương vẫn bị cho là khó có thể chấp nhận trên mặt các báo chính thống do nhà nước quản lý.

Nguồn tin trong ngành cho BBC hay biên tập một số tờ báo đã nhận 'chỉ đạo miệng' từ quan chức quản lý báo chí về việc phải dỡ bỏ bài về "lật đổ tượng Lenin".

Lệnh chỉ đạo này không được thể hiện bằng văn bản, có thể vì sợ bị rò rỉ ra ngoài như một số trường hợp đã xảy ra trước đó.

Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan phụ trách báo chí của Đảng, từng bị phản ánh đã "nhắc nhở, khiển trách, kỷ luật" các báo không tuân thủ chỉ thị của ban này.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/12/131210_newspapers_ukraine_reports.shtml

Goodbye Lenin! Protesters down statue 

Biểu tình ở Kiev lật nhào tượng Lenin


Chủ nhật, 8 tháng 12, 2013

 

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2013/12/131208_ukraine_protest.shtml

Hàng trăm ngàn người đã xuống đường ở thủ đô Kiev của Ukraine hôm 8/12 đòi chính phủ từ chức vì đã từ chối một thỏa thuận lập quan hệ gần gũi hơn với Liên hiệp Châu Âu (EU).

Họ đã lật đổ một bức tượng Lenin và dùng búa đập tan nó.

Nhân chứng nói một nhóm người biểu tinh đã dùng dây và thanh sắt kéo đổ bức tượng Lenin tại Đại lộ Shevchenko.

Sau đó, cho đến lúc tối muộn hôm Chủ Nhật, họ vẫn tiếp tục dùng búa đập tượng.

Những người khác đứng xem và hô to, 'Vinh quang cho Ukraine'.

Dù cả hai nước Nga và Ukraine không còn chủ nghĩa cộng sản, tượng Lenin là biểu tượng của mối quan hệ lịch sử với Moscow, theo các phóng viên bình luận.

Dân biểu Quốc hội Ukraine, ông Andriy Shevchenko, thuộc phe đối lập hô to 'Vĩnh biệt di sản cộng sản'.

Theo một biên tập viên BBC người Ukraine cho biết, đây không phải là bức tượng Lenin đầu tiên bị đập tại Ukraine nhưng là bức cuối cùng, 'to đẹp nhất' ở thủ đô Kiev.

Các lãnh đạo biểu tình đã cho Tổng thống Viktor Yanukovych 48 giờ để giải tán chính phủ.

Họ đang thiết lập các rào chắn bên ngoài văn phòng Thủ tướng.

Ông Yanukovych cho biết ông hoãn thỏa thuận với EU sau khi Nga phản đối.

Tổng thống Vladimir Putin đã thúc giục Kiev tham gia vào một liên minh thuế quan do Nga lãnh đạo.

Trong một diễn biến khác vào ngày Chủ nhật, cơ quan An ninh Ukraine nói họ đang điều tra một số các chính trị gia về nghi ngờ được gọi là "hành động nhằm mục đích chiếm đoạt quyền lực nhà nước".

Ủy ban này không nêu rõ tên các chính trị gia.

Tranh chấp năng lượng




Những người biểu tình đòi giải tán chính phủ

Cả Nga và Ukraine phủ nhận vấn đề Kiev gia nhập liên minh thuế quan cùng với Belarus và Kazakhstan đã được đưa ra trong cuộc họp giữa Putin - Yanukovych tại Sochi, miền nam nước Nga, hôm thứ Bảy.

Các phóng viên trước đó đã suy đoán rằng hai bên có thể đạt thỏa thuận về việc Ukraine gia nhập liên minh thuế quan, để đổi lấy việc giảm giá năng lượng.

Hai quốc gia láng giềng cũng đang cố gắng giải quyết một tranh chấp kéo dài lâu nay về các nguồn cung cấp năng lượng.

Ukraine phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt của Nga, nhưng nhà cung cấp, Gazprom, gần đây đã phàn nàn rằng Kiev chậm thanh toán.

Các tranh chấp về cung cấp năng lượng cho Ukraine trước năm 2009 dẫn tới việc Gazprom từng tạm cắt nguồn cung cấp .

Đường ống đi qua Ukraine cũng bơm khí đốt của Nga tới nhiều quốc gia thành viên EU.

Trước đó, chính phủ Ukraine đã vượt qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở Quốc hội hôm thứ Ba ngày 3/12.

Các cuộc biểu tình hiện nay ở Ukraine là lớn nhất kể từ cuộc Cách mạng Cam hồi năm 2004.

 

Nhà báo Phạm Chí Dũng: 'Đảng chỉ còn mang bóng hình của các nhóm lợi ích'




Nhà bình luận Phạm Chí Dũng.

DR

Thụy My


Sau luật gia Lê Hiếu Đằng, tối qua 05/12/2013, nhà báo tự do đồng thời là nhà bình luận tên tuổi, tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng đã viết bức tâm thư từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Kèm theo đó là hành động cụ thể với lá đơn xin ra đảng gởi đến nơi đang làm việc là Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.


Bức thư bày tỏ nỗi thất vọng trước vai trò độc đoán về chính trị của đảng, đã dẫn xã hội Việt Nam đến tình trạng như ngày nay. Quốc nạn tham nhũng, sự cấu kết giữa các nhóm lợi ích và nhóm thân hữu chính trị, hố phân hóa giàu nghèo, xã hội suy đồi toàn diện…chứng tỏ sự lãnh đạo của đảng đã thất bại cay đắng.

Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, đảng Cộng sản hiện thời chỉ còn mang bóng hình và hơi thở của các nhóm lợi ích. Lời thề trung thành với đảng của anh đã bị thực tế phủ nhận, đã đến lúc những người như anh cần phải nhận chân rằng vai trò của đảng không phải là vĩnh viễn.

Anh cho rằng việc từ bỏ đảng Cộng sản là một trong những con đường ngắn nhất để đến gần với nhân dân, và một công dân tốt có ý nghĩa hơn nhiều so với một đảng viên tồi.

RFI Việt ngữ đã có hân hạnh được nhà bình luận Phạm Chí Dũng tiếp chuyện tối qua, ngay sau khi vừa viết xong bức tâm thư.

Nhà báo Phạm Chí Dũng tại Sài Gòn
 
06/12/2013
by Thụy My
 
Nghe (16:08)
 

RFI : Xin chào anh Phạm Chí Dũng. Thưa anh, vì sao anh lại quyết định từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam, và theo như bức tâm thư thì đây là một quyết định khó khăn trong đời phải không ?

Đây là một quyết định khó khăn trong đời tôi, khó thể nói là dễ dàng được. Vì đối với những người hai mươi năm tuổi đảng như tôi, thì tôi nghĩ cũng như nhiều người khác thôi, họ có một cái rào cản vô hình nằm trong não trạng và có lẽ nằm cả trong tim nữa. Có một sự ràng buộc vô hình mà khó dứt áo ra đi. Điều đó ăn sâu vào từ những năm tháng được đào tạo trong môi trường của Nhà nước được gọi là Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Và tôi cũng như nhiều người khác chịu một mối dây liên hệ, một mối dây ràng buộc để khi quyết định rời bỏ môi trường cũ thì đó là một sự khó khăn. Điều đó giải thích vì sao mà nhóm Kiến nghị 72 từ đầu năm 2013 đã đưa ra những kiến nghị có thể nói rất cải cách, mang tính chất động trời như vậy, nhưng vẫn chưa hề diễn ra một hiện tượng thoái đảng theo đúng nghĩa - điều mà nhiều người đang mong chờ và cho là cần thiết.

Còn đối với cá nhân tôi thì thực ra như tôi đã trình bày trong bức tâm thư, lòng tin của tôi đối với đảng Cộng sản đã mất từ những năm 2000. Lúc đó tình hình đã xấu, suy thoái kinh tế và vấn đề đạo đức xã hội đã lan tràn. Tất nhiên chưa tới mức như ngày nay, nhưng mà tình trạng tham nhũng và lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền hành trong giới quan chức lúc đó đã khá phổ biến, và tham nhũng lúc đó đã đến mức gần như không thể chống nổi nữa.

Sau thời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, đến thời những Tổng bí thư khác thì tôi không còn niềm tin nữa, và thấy công cuộc chống tham nhũng gần như là thất bại. Khi đó niềm tin của tôi đối với quyền năng của đảng đã gần như chấm dứt.

Nhưng từ đó đến nay đã mười năm mà không có một chút cải cách nào khác, và tình hình thậm chí còn tệ hơn rất nhiều, như tôi đã trình bày trong bức tâm thư.

Đây là một cuộc khủng hoảng sâu sắc, toàn diện, và suy đồi toàn xã hội. Không còn niềm tin ở đảng Cộng sản, và đảng Cộng sản cũng không xứng đáng với vị trí lãnh đạo đất nước, khi để đất nước tàn tạ như ngày hôm nay. Thế thì trách nhiệm một đảng viên cần phải làm gì ? Giữ khư khư quan điểm đối với đảng, hay giữ tuyệt đối lòng trung thành đối với đảng chỉ trên danh nghĩa, và chỉ làm lợi cho cá nhân mình ?

Với cá nhân tôi, và tôi nghĩ có lẽ là với nhiều đảng viên khác, họ không chấp nhận điều đó. Chỉ có khác nhau là có người thì lên tiếng, có người im lặng, có người lựa lúc mà nói, và có những người về hưu rồi mới nói. Hiện nay có khoảng từ 35 tới 40% số đảng viên về hưu không sinh hoạt đảng. Đó là một hiện tượng mà chính con số của một số cơ quan đảng trung ương đã phải thừa nhận.

Điều đó cho thấy là đảng không hấp dẫn, không thuyết phục người ta bằng lý luận, và bị phản bác bởi thực tế. Thực tiễn quá khác với những gì trong lý luận mà đảng vẫn thường nêu ra. Và thực tiễn ngày nay lại càng trái khoáy với những điều mà giới triết gia của đảng Cộng sản đang nêu ra.

Tôi cho rằng một sự trung thành mù quáng là không thể chấp nhận được, và hơn nữa, khi biết sự thực hoàn toàn không trung thành với nhân dân, là một sự trung thành giả dối. Cho nên tôi vẫn quan niệm là, thôi, thà là một công dân tốt còn có ý nghĩa hơn rất nhiều lần so với một đảng viên tồi.

Vì vậy thực ra trong tôi đã manh nha ý định xin ra khỏi đảng từ lâu, từ những năm 2005-2006. Nhưng tôi vẫn bị ám ảnh bởi một sự ràng buộc, một nỗi sợ hãi mơ hồ. Nỗi sợ hãi đó từ cấp trên xuống cấp dưới, từ thượng tầng kiến trúc đi tới tận cơ sở, và người ta khó thoát ra được.

Nếu như không có sự việc anh Lê Hiếu Đằng chính thức từ bỏ đảng như hôm 4/12, thì tôi cũng không biết là bản thân mình có thể quyết định được vào lúc nào sẽ chính thức từ bỏ đảng. Nhưng tôi phải cám ơn anh Lê Hiếu Đằng, và chiều nay cùng với một số anh em đi vào thăm anh Đằng, tôi muốn hỏi anh coi như là ý chung quyết, vì anh là lớp người đi trước – là tiền bối, tôi chỉ là hậu bối thôi. Và tôi thầm nghĩ ý kiến của anh sẽ là chung quyết đối với tôi.

Khi thấy anh nói về việc anh từ bỏ đảng, và một giọt nước mắt long lanh trong khóe mắt của anh, thì tôi quyết định ngay : thôi, tới lúc rồi, và không thể chần chừ được nữa. Ít nhất cá nhân mình cũng phải bày tỏ chính kiến về việc này. Và mình phải thể hiện, nếu không phải là trách nhiệm của một công dân tốt, thì ít nhất cũng phải là một người biết vượt qua được rào cản vô hình nào đó. Hay nói cách khác là vượt qua được nỗi sợ hãi.

Và đó là một cách - như tôi trình bày - con đường ngắn nhất để có thể đưa những đảng viên còn lương tâm đến gần gũi với nhân dân, với những người dân nghèo và có thể chia sẻ với họ nhiều hơn. Như vậy còn hơn là tình trạng vẫn sinh hoạt đảng nhưng sinh hoạt một cách giả tạo, lời nói không đi đôi với việc làm.

RFI : Thưa anh, có lẽ một trong những lý do khiến người ta dù không đồng tình nhưng vẫn không muốn rời đảng là vì gắn liền với chức vụ và quyền lợi, vì lâu nay tiêu chuẩn chính cho việc thăng tiến trong nghề nghiệp là đảng viên chứ không phải năng lực ?

Điều đó hoàn toàn đúng trong xã hội Việt Nam và trong giới công chức, viên chức Việt Nam. Thường đối với cấp sở, ngành, chuyên viên, cán bộ bình thường có thể không phải đảng viên, nhưng từ cấp phó phòng trở lên chắc chắn phải là đảng viên. Trong giới báo chí cũng vậy, đội ngũ ban biên tập đương nhiên phải là đảng viên.

Và cũng đúng là thực tế có khá nhiều người – tôi cho là từ 70 đến 80% - bị phụ thuộc vào chức vụ và quyền lợi. Cho nên điều rất dễ thấy trong hiện trạng xã hội Việt Nam hiện nay là rất nhiều người than thở, bức xúc về đủ thứ, về chính cấp trên của họ và chính sách của Nhà nước. Thậm chí họ có thể chỉ trích công khai đối với đảng – chỉ trích trong các quán cà phê, cả trong cuộc họp nữa.

Nhưng bảo ra khỏi đảng thì họ không đồng ý. Họ không lên tiếng, không có chính kiến về chuyện đó. Thâm tâm họ không muốn ra khỏi đảng vì họ bị ràng buộc về quyền lợi và chức vụ như vậy.

Chúng ta cũng có thể thấy một hiện tượng rất đặc trưng là trong việc bỏ phiếu cho Hiến pháp năm 2013 mới diễn ra cách đây không lâu, đã gần như tuyệt đối 100% đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thuận. Cho những điều mà trước đó thậm chí có nhiều đại biểu cho là bất công ! Chẳng hạn như vấn đề thu hồi đất đối với các dự án kinh tế xã hội, hay vấn đề kinh tế quốc doanh là chủ đạo - là một vấn đề cực kỳ bất hợp lý trong tình hình hiện nay.

Nhưng mà họ vẫn bỏ phiếu thuận, vì sao ? Thứ nhất, vì họ bị thói quen ràng buộc, não trạng trì trệ ràng buộc. Thứ hai, họ bị sự im lặng lâu ngày ràng buộc. Và thứ ba, họ bị quyền lợi của họ ràng buộc. Đó là quyền lợi đại biểu, dù là quyền lợi nhỏ ở cấp địa phương, cơ sở nhưng vẫn là quyền lợi.

Và họ ngại. Họ sợ sự thay đổi, sợ va chạm. Sợ đụng độ với những thế lực mới, và trong những hoàn cảnh mới bắt buộc họ phải thay đổi thói quen của họ, và không còn đem lại, không còn giữ gìn được cho họ quyền lợi như cũ nữa.

RFI : Thưa anh, như luật gia Lê Hiếu Đằng nói, có lẽ đảng Cộng sản đã trở thành một thứ tập đoàn lợi ích ?

Tôi cho là có nhiều nhóm lợi ích đang tồn tại trong đảng Cộng sản. Và vô tình hay hữu ý, những người xưng danh nghĩa là cộng sản đang dung dưỡng, nuôi dưỡng và thậm chí là tổ chức cho những nhóm lợi ích như vậy.

Cho nên trong bức tâm thư tôi mới nói là, nói tới đảng Cộng sản bây giờ chúng ta chỉ thấy hình bóng và hơi thở của những nhóm lợi ích. Đó là những nhóm lợi ích kinh tế, và trên nữa là những nhóm thân hữu về mặt chính trị. Đặc biệt về sau này những nhóm lợi ích kinh tế và thân hữu chính trị có khuynh hướng kết chặt với nhau càng ngày càng bền vững, càng gắn chặt và càng trục lợi.

Hậu quả của sự trục lợi đó thì 90 triệu người dân Việt Nam phải chịu. Và toàn bộ lực lượng vũ trang, bao gồm cả công an và quân đội, cũng phải gánh chịu những đợt tăng giá vô tội vạ của những tập đoàn độc quyền kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, hay Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

RFI : Theo như những gì mà chính quyền nói và làm, có lẽ cái tên « Cộng sản » không còn đúng nữa ; thực trạng Việt Nam hiện giờ rõ ràng là một nền kinh tế theo kiểu tư bản ?

Cách đây hai mươi năm, từ thời mở cửa đã có một câu dân gian là « Đảng viên nhan nhản, nhưng mà cộng sản không có bao nhiêu ». Còn về sau này thì người ta không nói tới điều đó nữa, mà người ta nói thẳng ra là không còn cộng sản nữa !

Có một số người vẫn phê phán chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, tôi thấy hơi oan uổng. Tại vì thâm tâm tôi đánh giá là thế hệ già đã gần như qua đi rồi. Những người tốt nhất, những người trung thành và chính thống nhất của chủ nghĩa cộng sản thời chiến đã gần như đã đi qua. Nhiều người đã đi vào cõi vĩnh hằng, những người còn lại thì đã rất lớn tuổi.

Số đó có thể họ có một não trạng khác biệt với một số quan điểm cởi mở. Nhưng phải thừa nhận là trong số họ có nhiều người tốt. Họ tổt về mặt đạo đức, họ giữ được đạo lý, và nếp sống của họ trong sạch hơn hẳn so với nhiều cán bộ đảng viên cao cấp hiện nay.

Còn nhiều đảng viên cao cấp lại là một tầng lớp mới, mà người ta gọi là « tư sản đỏ ». Tư sản đỏ vẫn là một khái niệm được duy trì cho tới nay và không hề mờ nhạt, thậm chí còn được đề cao hơn nữa. Chẳng hạn ở Trung Quốc người ta gọi là tầng lớp « thái tử », tức là còn hơn cả tư sản đỏ. Đó là một tầng lớp vua chúa, một thứ vua chúa của thời hiện đại.

Hiện nay nói về chủ nghĩa cộng sản hoặc chế độ cộng sản ở Việt Nam, thì rất đau buồn là theo cá nhân tôi đánh giá, gần như không còn hình bóng của những gì tốt đẹp nhất - nếu xét theo phương diện tốt nhất của chủ nghĩa cộng sản, mà chỉ còn các nhóm lợi ích mà thôi, và những quyền lợi riêng tư.

Hoặc những người được coi là tốt nhất hiện nay, nếu không dính dáng về vấn đề vật chất, thì cũng bị che mờ bởi một bức màn giáo điều, kinh viện. Họ gần như không thoát ra được điều đó. Và nếu không thoát ra được, họ sẽ không gần gũi dân chúng. Do đó sự xa cách đối với người dân càng làm cho vị trí của họ trở nên mờ nhạt trong lòng dân chúng, và làm mất niềm tin của dân đối với chế độ.

RFI : Như vậy, như trong thư anh đã nói, đã đến lúc phải nhận chân vai trò của đảng Cộng sản không phải là vĩnh viễn ?

Tôi cho là như vậy ! Không có một đảng nào tồn tại vĩnh viễn, và đã đến lúc người ta cũng cần thấy rằng – nói như một triết gia Hy Lạp cổ đại – không thể đứng giữa hai dòng nước được.

Việt Nam không phải đứng giữa hai dòng nước mà giữa nhiều dòng nước, giữa cả một dòng xoáy của thời đại. Nhà nước Việt Nam sẽ tồn tại như thế nào trong dòng xoáy thời đại đó, khi trong lòng bản thân Nhà nước cũng là một dòng xoáy khổng lồ ?

Có thể nói đó là cái thế nội công, ngoại kích mà Nhà nước Việt Nam đang phải đối mặt, và đối mặt một cách hết sức nguy hiểm. Trong lòng dân tộc, tình cảm phẫn nộ của dân chúng đang dâng lên như sóng triều, và có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

Ở bên ngoài, Nhà nước Việt Nam không gặp được nhiều thuận lợi, hoặc nói cách khác là rất ít thuận lợi trong các mối quan hệ quốc tế. Người ta nhìn Việt Nam bằng con mắt xem thường. Xem thường về nhiều thứ, trong đó đặc trưng là xem thường về bản lĩnh chính trị và đạo lý chính trị đối với giới chính khách Việt Nam. Thế thì còn làm ăn gì được nữa.

Đó là một sự thay đổi mà Nhà nước Việt Nam cần phải có, nếu không muốn bị người khác thay đổi. Nói tóm lại, những người đề cập tới việc cần phải thay đổi điều 4 Hiến pháp của đảng Cộng sản Việt Nam, tôi cho là có lý. Vì đã đến lúc cần xem xét, cần phải có một đối trọng chính trị nào đó, để mọi thứ phải được kiểm soát lẫn nhau theo cơ chế tam quyền phân lập.

Ít nhất là như vậy thì mới có thể chống tham nhũng được. Bởi nếu không chống tham nhũng thì chắc chắn là đảng sẽ sụp đổ. Lúc đó sẽ không ai giơ tay ra cứu đảng nữa, đặc biệt là dân chúng thì sẽ quay lưng với đảng.

RFI : Thưa anh, nhưng cũng có quan điểm là phải còn ở trong hàng ngũ mới có thể đấu tranh được ?

Đó là một quan điểm tồn tại cách đây mươi, mười lăm năm. Người ta cố gắng suy nghĩ rằng cần phải ở trong hàng ngũ, để đấu tranh. Và lúc đó tôi cũng suy nghĩ như vậy ! Tôi cũng cho là có thể đấu tranh được, và dù sao tiếng nói vẫn còn được cấp trên nghe tới. Tôi nhớ cách đây mười lăm năm, một số ý kiến của tôi vẫn được cấp trên tiếp nhận và có xem xét.

Nhưng mà cách đây mười năm thì đó là một sự vô vọng ! Đã không có sự tiếp nhận một kiến nghị nào cả. Một số anh em đảng viên tâm huyết mà tôi biết có kiến nghị nhiều, cũng như vậy. Lúc đó họ phải xem lại, một số những người bạn tôi đã thoái đảng. Thực chất họ không xin ra khỏi đảng nhưng không sinh hoạt đảng, coi như là một cách từ bỏ đảng, thế thôi.

Còn đối với tôi thì lúc đó tôi phải suy nghĩ. Mình còn nằm trong nội bộ, còn sinh hoạt đảng, nhưng mình không đóng góp được cái gì cả. Và mình tiếp tục phải chịu trận những cuộc sinh hoạt đảng với không khí im lặng hoàn toàn.

Tức là những buổi sinh hoạt hàng tháng vẫn phải duy trì thường xuyên. Sau khi đọc bản nghị quyết và hỏi có đồng chí nào giơ tay có ý kiến gì không, thì khá nhiều, hoặc hầu hết mọi người đều im lặng. Vì mọi người đều biết rằng nghị quyết đã như thế, mọi thứ sẽ được thông qua, sẽ không có gì thay đổi cả. Góp ý kiến cũng chẳng để làm gì. Và thế là người ta im lặng. Im lặng hết từ cuộc họp này đến cuộc họp khác, và tôi cũng vậy.

Tôi là người im lặng nhiều nhất. Tại vì tôi biết không để làm gì cả. Đó là sự im lặng mà tôi cho là đã phủ trùm lên cả Quốc hội vào thời nay. Đó là một thói quen im lặng, mà chỉ có những người ở trong nội bộ mới hiểu được nguồn cơn sâu xa của sự im lặng đó đến từ đâu.

RFI : Anh có nghĩ là sẽ có những người hưởng ứng theo không ?

Tôi hy vọng là sẽ có những người đồng cảm với tôi. Tôi không biết là họ có hưởng ứng hay không, tôi làm như thế vì ít nhất đây là vấn đề của cá nhân tôi, tôi phải giải quyết. Phải thể hiện chính kiến, và tôi cho đó là một cách để có thể dứt khoát theo con đường gần gũi với nhân dân, với người dân nghèo nhiều hơn.

Nhưng theo tôi biết thì trong giới hưu trí hiện nay cũng rất bức xúc, nhiều người bất mãn. Họ có nhiều lý do để họ bỏ sinh hoạt đảng, thoái đảng hoặc từ bỏ đảng. Tôi cho nếu không phải là anh Lê Hiếu Đằng thì sau này cũng sẽ có những người khác đi tiên phong trong việc nêu ra thực tế vấn đề, nhận chân ra vấn đề, để thay đổi vấn đề.

Đừng nghĩ rằng ra khỏi đảng là hành vi chống đảng. Đó cũng là một hành động bình thường theo điều lệ đảng Cộng sản Việt Nam mà thôi, hoặc là bất cứ đảng phái chính trị nào trên thế giới. Đã có vào thì có ra, chuyện đó hết sức bình thường. Nhưng mà ở Việt Nam, trong thể chế độc tài chính trị thì đó lại là một điều phạm húy, cho nên người ta e sợ.

Nhưng nếu như có một số người cũng cùng làm điều này, cũng cùng thoái đảng, từ bỏ đảng, cùng phát biểu chính kiến của mình và nêu rõ tại sao mình làm như vậy đủ để thuyết phục những người khác, thì tôi nghĩ sẽ trở thành một hiện tượng bình thường. Không phải là một hiện tượng chính trị, mà đó sẽ là một hiện tượng xã hội, và thậm chí còn là một hiện tượng văn hóa nữa.

RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận trả lời RFI Việt ngữ.

 

TÂM THƯ TỪ BỎ ĐẢNG

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5 tháng 12 năm 2013

Tôi là nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, viết tâm thư này nhằm khẳng định một quyết định khó khăn trong đời mình:

Tôi chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, được đào tạo từ môi trường quân đội và nhiều năm công tác trong hệ thống chính quyền, đảng cùng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, tôi đã từng tràn đầy nhiệt huyết đóng góp cho một đất nước xã hội chủ nghĩa công bằng và bác ái. Với trách nhiệm của một đảng viên, tôi đã chưa từng tham nhũng hoặc bị sa đọa lối sống.

Song tất cả những gì mà Đảng Cộng sản thể hiện vai trò “lãnh đạo toàn diện” trong ít nhất một phần tư thế kỷ qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác, đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm.

Kết quả của cơ chế “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản, mà thực chất là tư tưởng một đảng cố hữu, chính là nguồn cơn sâu xa và nguồn dẫn trực tiếp khiến cho xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng không thể khác hơn là thảm cảnh như ngày hôm nay.

Chưa bao giờ tham nhũng lại trở thành một quốc nạn ngập ngụa từ cấp trung ương đến tận cơ sở, từ trắng trợn đến vô liêm sỉ và dã man đến thế. Chưa bao giờ các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm thân hữu chính trị, cũng như sự cấu kết giữa hai nhóm này lại biện chứng và sâu đậm đến mức bất chấp dân tình đến như vậy. Cũng chưa bao giờ hố phân hóa giàu nghèo trong xã hội ta lại thê thiết và tàn nhẫn như hiện thời.

Những độc đoán về chính trị đã tất yếu dẫn đến hậu quả nạn độc quyền, đặc quyền và đặc lợi, trục lợi. Hậu quả ấy đã đẩy nền kinh tế vào thế vong tồn và cạn kiệt hầu hết các nguồn tài nguyên của đất nước. Cuộc trục lợi không thương tiếc đó đã, đang và sẽ dồn ép hậu quả khủng khiếp của nó lên đầu 90 triệu người dân Việt và toàn bộ lực lượng vũ trang.

Chính vào lúc này, nền kinh tế Việt Nam đang đặt một chân vào vực thẳm khủng hoảng, và chỉ cần thêm ít năm nữa thôi, cơn ung hoại sẽ lan ra toàn thân để không thể một liều thuốc đặc trị nào còn tác dụng.

Ung hoại kinh tế lại đang phá nát cơ thể đạo đức xã hội. Xã hội suy đồi toàn diện. Chưa bao giờ đạo lý và văn hóa người Việt, dân tộc Việt lại trở nên thảm thương và bĩ cực như giờ đây. Tình người và mối dây ràng buộc lỏng lẻo còn lại giữa con người với nhau luôn và sẽ phải đối mặt với nguy cơ cắn xé lẫn nhau.

Ai và cơ chế nào đã gây ra thảm cảnh không thể cứu vãn như thế? Trong tâm trạng tuyệt vọng của một đảng viên, những người như tôi đã phải nhận chân rằng điều được xem là sự “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản đã thất bại, thất bại một cách cố ý và quá cay đắng. Không những không hướng đến tinh thần công bằng và bác ái, làm tròn nghĩa vụ một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, Đảng Cộng sản hiện thời chỉ còn mang bóng hình và hơi thở của các nhóm lợi ích.

Lời thề trung thành với Đảng Cộng sản của tôi đã bị thực tế đau đớn thẳng thừng phủ nhận.

Đảng và những người như tôi, tất cả đều sinh ra từ nhân dân và vì nhân dân. Nhưng một khi Đảng đã không còn đại diện cho quyền lợi của đại đa số người dân, vì sao chúng tôi phải tiếp tục trung thành với Đảng?

Có sinh có diệt, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản ắt phải thấy quy luật trời đất đó đang ứng nghiệm vào chính họ. Bởi thái độ vô cảm, vô trách nhiệm và tư tưởng tư hữu bất chấp dân sinh, rất nhiều đảng viên cao cấp đã đẩy xã hội vào tâm thế phản lại ý nghĩa thiêng liêng của Tổ quốc.

Đã đến lúc những người như tôi cần nhận chân rằng vai trò của Đảng Cộng sản không phải là vĩnh viễn. Cũng không thể gìn giữ lòng trung thành tuyệt đối với một lý tưởng chỉ còn là câu chữ cửa miệng.

Không nhằm mục đích chống Đảng, tôi thành tâm cho rằng thái độ từ bỏ Đảng Cộng sản là một trong những con đường ngắn nhất để gần gũi hơn với nhân dân và quyền lợi người nghèo.

Trong tận cùng tâm thức, một công dân tốt có ý nghĩa hơn nhiều so với một đảng viên tồi.

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng
Địa chỉ: 298/4 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 1, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh
ĐT: 01235459338
Email: vietleminhquan@gmail.com

        ĐƠN XIN RA ĐẢNG

Kính gửi:     Đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Tôi là Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, hiện công tác và sinh hoạt đảng tại Viện Nghiên cứu phát triển, trực thuộc Ủy ban nhân dân TP.HCM.

Tôi làm đơn này đề nghị Đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM hướng dẫn thủ tục và giải quyết cho tôi được ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lý do: Tôi tự nhận thấy Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân, và điều đó đi ngược với tôn chỉ mục tiêu ban đầu của Đảng cùng lời thề của tôi khi vào Đảng. Do vậy tôi không còn phù hợp với vai trò và nghĩa vụ một đảng viên trong Đảng Cộng sản.

Trân trọng.

Ngày 5 tháng 12 năm 2013
Người làm đơn


Phạm Chí Dũng
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20131206-nha-bao-pham-chi-dung-dang-cong-san-viet-nam-chi-con-mang-bong-hinh-cua-cac-nhom-l


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link