Về khái niệm
"Diễn biến Hoà Bình"
Minh Văn
Như chúng ta đã biết,
đảng Cộng sản rất sợ khi nghe hoặc nhắc đến cụm từ “Diễn biến hoà bình”.
Họ nơm nớp lo sợ tự diễn biến trong Đảng, sợ các đảng viên sẽ đi trệch mục tiêu
cách mạng xã hội chủ nghĩa. Vậy thì “Diễn biến Hoà bình” là gì mà Đảng Cộng sản
sợ đến như vậy? Tại sao khi tiến hành hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống
Mỹ thì họ cũng nói đến mục tiêu hoà bình và độc lập, mà nay lại sợ những vận
động mang tính tất yếu khách quan đó? Thay vì phải khuyến khích và vui mừng vì
sự tiến bộ xã hội do hệ quả của hoà bình mang lại, thì họ lại phải tốn nhiều
công sức để chống lại diễn biến hoà bình? Phải chăng mục tiêu của đảng Cộng sản
không phải vì hoà bình hay tự do dân chủ của người dân, mà coi đó chỉ là chiêu
bài để đạt đến mục tiêu cầm quyền của một chế độ độc tài?
Các nước Cộng sản trước đây (và ngay cả bây giờ) vẫn sử dụng cụm
từ “Diễn biến Hoà bình” để chỉ sự âm thầm can thiệp của một số nước phương Tây
vào tình hình chính trị nội bộ của họ. Khái niệm này vốn lần đầu tiên được đưa
ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh bởi John Foster Dulles (cựu ngoại
trưởng Mỹ trong những năm 1950). Theo đó thì đây là một quá trình chuyển đổi
“hoà bình” từ một thể chế Độc tài sang thể chế Dân chủ tại một nước Cộng sản. Ở
Trung Quốc, ông Mao Trạch Đông đã tuyên bố chống lại “diễn biến hoà bình” từ
năm 1959. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng coi đây là mối đe doạ lớn nhất đối với sự
tồn vong của họ. Họ cho rằng“Diễn biến hoà bình là một trong những chiến
lược có ý nghĩa và phạm vi toàn cầu của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản
động được hình thành từ những năm cuối thập kỷ 40 đầu thập kỷ 50 và hoàn chỉnh
ở thập kỷ 80 của thế kỷ XX, nhằm chống phá các nước xã hội chủ nghĩa, phong
trào độc lập dân tộc và phong trào cách mạng tiến bộ trên thế giới”.
Thực tế thì chiến lược “diễn biến hoà bình” đã thành công ở
nhiều quốc gia, qua đó giúp cho quá trình chuyển đổi từ Độc tài sang Dân chủ
diễn ra một cách ôn hoà và ít đổ máu như: Miến Điện, Đông Đức (trước đây), và
một số quốc gia ở Bắc Phi và Trung Đông trong thời gian vừa qua.
Ở Việt Nam, chính phủ đương quyền cũng dùng khái niệm “Diễn biến
Hoà bình” để nói về các hoạt động của một số cá nhân hoặc tổ chức vận động dân
chủ, nhân quyền trong và ngoài nước. Và họ coi đó là hành động đối nghịch với
đảng Cộng sản và vi phạm pháp luật Việt Nam. Nhưng điều mà đảng Cộng sản lo
lắng nhất là “tự diễn biến”. Có nghĩa là họ lo sợ sự tự thay đổi nhận thức của
các cá nhân hay tổ chức trong nước và ngay trong nội bộ Đảng mà không phải do
bên thứ ba tác động. Đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân đòi dân chủ và
nhân quyền.
Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng, “các thế lực thù địch” sử dụng
chiến lược “Diễn biến hoà bình” với mục tiêu sau:
- Dùng nhiều kế hoạch và phương tiện nhằm tuyên truyền xuyên
tạc, phủ định chủ nghĩa Marx Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó gây “tự diễn
biến”, hòng tạo sự khủng hoảng về lý tưởng chính trị cán bộ đảng viên. Để rồi
làm chệch hướng và sụp đổ chế độ chính trị Cộng sản ở Việt Nam;
- Xoá bỏ chủ nghĩa xã hội, mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản
Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Tạo áp lực và sức ép buộc Việt Nam quay trở lại
chủ nghĩa Tư bản.
- Thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thực hiện đa
nguyên đa đảng.
Chủ trương của chính phủ Việt Nam là phải “cảnh giác, đề phòng,
và chủ động đối phó, tấn công vào chiến lược Diễn biến hoà bình”. Chống lại mục
tiêu chuyển hoá, lật đổ và thay thế chế độ Cộng sản. Nhưng điều mâu thuẫn với
họ là, ngày nay họ đang trong quá trình hội nhập quốc tế, và không có sự lựa
chọn nào khác là xây dựng các mối quan hệ kinh tế, chính trị, quân sự với các
nước Tư bản như Mỹ và Liên minh Châu Âu. Họ bị kẹp giữa hai gọng kìm: Hoặc là
đổi mới tiến bộ để đất nước có tự do dân chủ để hoà nhập với cộng đồng quốc tế,
hoặc là tiếp tục bảo thủ để bảo vệ chế độ độc tài sai trái. Giữa hai hướng đi
đó họ chỉ được phép chọn một. Hiện nay Đảng Cộng sản đang cố gắng dung hoà giữa
hai hướng đi đó, tức là vừa hội nhập quốc tế vừa cố gắng bảo thủ để duy trì chế
độ Độc tài Cộng Sản.
Vậy thực chất của khái niệm “Diễn biến hoà bình” là gì?
Đó chính là quá trình thâm nhập và phổ biến của các giá trị dân
chủ phổ quát tại các quốc gia độc tài, đặc biệt là độc tài Cộng Sản.
Vậy thì tại sao các chế độ độc tài (trong đó có Việt Nam) lại
điên cuồng chống lại “Diễn biến hoà bình? Hoà bình ai chẳng muốn, tại sao lại
phải chống lại? Đó là một nghịch lý không có câu trả lời. Mọi thành phần dân
tộc Việt Nam yêu cầu đảng Cộng Sản giải đáp một cách cặn kẽ và thấu đáo câu hỏi
đó. Nếu Đảng Cộng Sản không trả lời được thì chính họ đang chống lại nhân dân,
chống lại các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền của nhân loại.
Đảng Cộng Sản đang cố gắng lấy cái ngược quy luật để chống lại
quy luật, mà đã trái với quy luật thì tất sẽ bị đào thải và trừng phạt. Cái gì
chống lại con người thì sẽ bị con người khước từ và chống lại.
Những sự Hoang Tưởng kỳ thú
Minh Văn
Hoang tưởng là một chứng bệnh thường xẩy ra ở người, và bất cứ
ai trong chúng ta cũng có thể mắc phải. Nguyên nhân là do những biến đổi, khiếm
khuyết về rối loạn chuyển hoá tế bào não, rối loạn chức năng
hoạt động của não. Triệu chứng của bệnh thì có nhiều, rất đa dạng. Biểu hiện dễ
nhận thấy nhất là sự rối loạn về hành vi, vì vậy mà họ có cảm xúc trái ngược
với người thường, họ căm thù những người thân nhưng lại yêu thương người xa lạ.
Khi buồn thì lại cười, lúc vui lại khóc. Bệnh nhân còn có những triệu chứng
điển hình khác như: đi lang thang, nhặt rác, tích trữ các vật dụng bỏ đi, cười
một mình, tự trò chuyện một mình...; Trên thực tế, người bị bệnh hoang tưởng
nhiều khi lại nói năng lưu loát, trí nhớ tốt, thậm chí tốt hơn người bình
thường.
Đất nước Tây Ban Nha thế kỷ 15, tại miền Aragon và Castile. Tại
đây có nhà quý tộc Quixada đang sống với niềm đam mê truyện kiếm hiệp của mình.
Để được sống trong thế giới mộng tưởng, có bao nhiêu tiền chàng đều bỏ ra mua
sách cả. Vì vậy mà đầu óc chàng ta lúc nào cũng đầy rẩy những ý tưởng về sự mê
hoặc, gây gổ, đánh nhau, thách đấu, thương vong, oán trách, người khổng lồ,
những lâu đài tráng lệ, những chiến công hào hùng...; lúc này, những chuyện
hoang đường phi lý về các hiệp sĩ đang rất thịnh hành tại xứ sở Tây Ban Nha của
chàng.
Quixada say mê truyện
kiếm hiệp đến độ mắc chứng bệnh hoang tưởng, chàng đã lẫn lộn thế giới hư cấu
trong truyện thành thế giới thật ngoài đời. Và rồi như cổ nhân đã nói “Lượng đủ
thì biến thành chất”, khi chứng bệnh hoang tưởng đã trở nên điên rồ, chàng
quyết chí trở thành hiệp sĩ lang thang để mà cứu khốn phò nguy. Cái tên Quixada
từ nay chàng đổi thành Don Quixote de la Mancha (Nhà hiệp sĩ
Đôn Ki-hô-tê xứ Mancha). Chàng đem bộ áo giáp của ông cha để lại mà nay đã bị
han rỉ và thủng lỗ chỗ ra đánh bóng lại rồi mặc vào, phong cho con ngựa gầy còm
của mình cái tên rất kêu là Rocinante. Đúng mốt của một hiệp sĩ lang thang là
phải có một người tình xinh đẹp, chàng liền nghĩ đến ngay cô gái nông dân
chuyên ướp thịt muối hàng xóm mà chàng thầm yêu từ hồi trẻ, và đặt cho nàng cái
tên Công nương Dulcinea del Toboso.
Trong các cuộc phiêu
lưu, Don Quixote đã lập nhiều chiến công vang dội như: Đánh nhau với cối xay
gió, tấn công vào một đám ma, giao chiến với đàn cừu (mà chàng cho là đoàn hùng
binh của vị hoàng đế oai quyền nhất thiên hạ), thám hiểu hang sâu Montesinos...
Cuối cùng, sau rất
nhiều cuộc phiêu lưu vô định, kiệt sức vì đau buồn, Don Quixote trở về nhà
trong tình trạng ốm thập tử nhất sinh. Khi chết, Don Quixote tỏ ra là một người
đáng mến, tỉnh táo và nhận thức được tai hại của những cuốn truyện hiệp sĩ mà
mình đã từng đọc.
Đất nước Việt Nam nửa
sau thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Lúc này có một thứ chủ nghĩa gọi là Mác – Lê
Nin du nhập vào Việt Nam. Lúc đầu người ta cứ ngỡ chủ nghĩa này giải phóng giai
cấp, giải phóng con người nên rất nhiều người tin theo. Vì đáp ứng được nhất
thời nhu cầu thời thế (những người cùng khổ đang bị ngoại bang bóc lột thậm
tệ), mà chủ nghĩa đó nhanh chóng lan tràn, nhiều người tin theo nó đến độ cuồng
tín. Sự thực đây là một thứ chủ nghĩa hoang tưởng, lợi dụng chiêu bài đấu tranh
giai cấp để mà xây dựng một xã hội không tưởng. Nó hứa hẹn về một xã hội mà ở
đó những người công nhân, nông dân được làm chủ đất nước, lãnh đạo xã hội. Từ
đó xây dựng một chế độ gọi là Cộng Sản. Mọi thứ tài sản hay quyền lợi trên đời
này đều sở hữu tập thể cả, không ai được phép có một thứ gì riêng tư hết (Ngoại
trừ vợ của mình).
Trên cơ sở lý luận đó,
đảng Cộng Sản Việt Nam được thành lập và lấy chủ nghĩa Mác – Lê Nin làm kim chỉ
nam cho mọi hành động. Và cũng trên nền tảng lý luận đó, nhiều cuộc tắm máu và
thanh trừng giai cấp đã diễn ra, gây bao mất mát tang thương. Những cuộc cải
cách ngược đời cũng được thực thi, oán than, nghịch cảnh chất chồng. Tự cổ chí
kim, chưa có một chế độ nào phi lý như thế cả. Họ đả phá và căm thù nền văn hoá
cha ông, nhưng lại đi tôn thờ cái chủ nghĩa tận đẩu tận đâu.
Điều oái ăm là Đảng
Cộng Sản thực hiện tất cả những điều đó với một danh nghĩa tốt đẹp như một hiệp
sĩ: giải phóng giai cấp bị bóc lột, xây dựng một xã hội công bằng. Và rồi họ
đưa cả dân tộc đi hết cuộc phiêu lưu quân sự này đến cuộc phiêu lưu quân sự
khác. Đó là hai cuộc chiến tranh với người Pháp và người Mỹ. Họ nói rằng đánh
Pháp và đánh Mỹ là để giải cứu thế giới khỏi bọn đế quốc bóc lột, để nhân loại
được hoà bình hạnh phúc. Họ còn nói rằng: “Quan san muôn dặm một nhà,
bốn phương vô sản đều là anh em”. Để làm được điều đó, hàng triệu đồng
bào của họ phải hy sinh xương máu trên các chiến trường ác liệt.
Về kinh tế xã hội thì
họ áp dụng các chính sách hoang tưởng vào cuộc sống như là: Cải cách ruộng đất,
quốc hữu hoá, xoá bỏ tư hữu, hợp tác xã bình quân...; kết quả là cả đất nước
nghèo đói tận cùng, nhân quyền bị cướp trắng, chỉ thấy một chế độ độc tài đang
ngự trị.
Cuối cùng, sau rất
nhiều cuộc phiêu lưu, kiệt sức vì đàn áp nhân dân mình, phá sản vì chính sách
“Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Đảng Cộng Sản đang ở trong
tình trạng thập tử nhất sinh. Trước khi chết, Đảng cũng tỏ ra là người đáng
mến, tỉnh táo và nhận thức được những tai hại của thứ chủ nghĩa Mác – Lê Nin mà
mình đã áp đặt lên đất nước Việt Nam hơn nửa thế kỷ nay.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment