NHẬT BẢN - TRUNG QUỐC -
Bài đăng : Thứ năm 12 Tháng Mười Hai 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ
năm 12 Tháng Mười Hai 2013
Nhật tìm hậu thuẫn của
ASEAN để đối phó với Trung Quốc
Logo kỷ niệm 40 năm quan hệ Nhật - ASEAN
Thanh Phương RFI
Vào thứ Bảy tuần này,
14/12/2013, Tokyo sẽ đón tiếp một Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt đánh dấu 40 năm
quan hệ giữa Nhật Bản với ASEAN. Cuộc họp Thượng đỉnh này diễn ra vào lúc Thủ
tướng Shinzo Abe đang tìm hậu thuẫn từ các nước Đông Nam Á, với hy vọng rằng do
khối này, do có một số nước cũng đang có tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh, sẽ đứng
về phía Tokyo.
Thượng đỉnh Nhật-ASEAN diễn ra vài tuần sau khi Trung Quốc tuyên
bố thành lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, bao gồm cả các đảo
trang tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản. Hành động này khiến cho tranh chấp
lãnh hải giữa Bắc Kinh với Tokyo thêm gay gắt.
Đây đã là vấn đề bao trùm chuyến công du Châu Á vừa qua của Phó
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Cả ba nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tuyên bố không
công nhận vùng phòng không của Trung Quốc và đã điều động các phi cơ quân sự
hoặc bán quân sự đến khu vực này để thách thức Bắc Kinh.
Một số nhà quan sát cho rằng, sau vùng phòng không ở biển Hoa Đông, Trung Quốc sẽ lập một vùng
tương tự ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh giành chủ quyền gần như toàn bộ.
Hãng tin AFP hôm nay trích dẫn giáo sư Ichiro Fujisaki, thuộc đại
học Sophia ở Tokyo và cũng là cựu Đại sứ Nhật tại Mỹ, cho rằng : « Nhật Bản và ASEAN phải cùng nhau
bày tỏ một thông điệp chính trị về quyền tự do lưu thông hàng không và hàng hải
ở các vùng biển nói trên. Điều đó rất quan trọng, bởi vì nếu các lãnh đạo Nhật
và ASEAN không đề cập vấn đề này, các phe nhóm có đầu óc bành trướng ở Trung
Quốc sẽ lại càng có thêm những hành động mang tính gây hấn ».
Theo báo chí Nhật Bản, Hội nghị Thượng đỉnh Nhật-ASEAN sẽ ra một tuyên
bố chung về hợp tác dài hạn giữa hai bên trong các lĩnh vực an ninh và kinh tế.
Trong bản tuyên bố này, tuy không nêu tên Trung Quốc, Nhật và ASEAN sẽ khẳng
định rằng việc lạm dụng quyền về hàng không dân dụng quốc tế có thể đe dọa đến
an ninh khu vực.
Theo lời ông Haruka Matsumoto, nhà nghiên cứu thuộc Viện Phát
triển Kinh tế của chính phủ Nhật, Tokyo trên nguyên tắc sẽ nhận được sự ủng hộ từ
ASEAN tại cuộc họp Thượng đỉnh cuối tuần này, bởi vì quyền tự do lưu thông hàng
hải cũng là một vấn đề rất nhạy cảm đối với các nước Đông Nam Á.
Kể từ khi lên cầm quyền vào tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Shinzo
Abe đã đi thăm toàn bộ 10 nước ASEAN, cho thấy ông rất coi trọng quan hệ với khối
Đông Nam Á.
Tokyo cũng đã tỏ ra rất hào phóng với Philippines sau cơn bão
Hayan vừa qua, viện trợ đến 53 triệu đôla và gởi hơn 1000 quân đến trợ giúp Manila
khắc phục hậu quả thiên tai đã khiến gần 8000 người chết và mất tích.
Trong khi đó, Trung Quốc ban đầu chỉ trợ giúp Philippines có 100
ngàn đôla và chỉ sau khi bị chỉ trích nặng nề, Bắc Kinh mới nâng viện trợ lên
mức 1,6 triệu đôla.
Theo hãng tin AFP, trong chiều hướng thúc đẩy xuất khẩu của Nhật,
ông Abe sẽ cố đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của Đông Nam Á, vùng đang
phát triển rất nhanh. Trong những năm gần đây, Tokyo đã gia tăng đầu tư của khu
vực tư nhân vào các nước ASEAN. Vào năm ngoái, đầu tư trực tiếp của Nhật vào
ASEAN đã tăng lên tới 14,4 tỷ đôla, hơn cả tổng số vốn đầu tư của nước này vào Trung
Quốc ( 13,5 tỷ đôla ).
Tại Thượng đỉnh Tokyo, theo dự kiến, chính phủ Nhật sẽ loan báo
những khoản viện trợ mới cho các nước ASEAN, trong đó có khoản 10 tỷ yen ( 97 triệu
đôla ) cho Philippines vay để tái thiết các vùng bị bão tàn phá.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment