KINH TẾ - TPP -
Bài đăng : Thứ hai 09 Tháng Mười Hai 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ
hai 09 Tháng Mười Hai 2013
Nhiều
hy vọng đạt đến hiệp định TPP trong vài tháng tới
Nguyên thủ một số thành viên TPP tại Thượng đỉnh 2010 ở New
Zealand
AFP
Thụy My RFI
Triển vọng chốt lại được
Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) từ hai đến ba
tháng tới ngày càng hiện rõ. Ý định của các nhà chính trị đối với Hiệp định đầy
tham vọng nhằm liên kết khoảng 12 nước trong khu vực
Thái Bình Dương có vẻ đủ mạnh để vượt qua
được những trở ngại kỹ thuật. Riêng Việt Nam hôm nay 09/12/2013 cho biết sẽ ra Luật
lập hội và Luật biểu tình, như một dấu hiệu hội
nhập.
Hai ngày sau khi đạt được thỏa thuận tại Tổ chức Thương mại Thế giới
(WTO), các Bộ trưởng Thương mại của 12 quốc gia hôm nay bắt đầu thảo luận kín
tại Singapore về TPP. Nếu các cuộc thương lượng đạt kết quả, có thể khai sinh
ra một hiệp định với việc thành lập một khu vực tự do mậu dịch, trải rộng từ
Việt Nam sang Nhật Bản đến Chilê, có tổng số dân 800 triệu người và chiếm gần
40% kinh tế thế giới.
Tham vọng hơn các hiệp định thuế quan hiện hữu, TPP có thể thiết
lập các quy định mới trong các lãnh vực nhạy cảm như gọi thầu công khai hay khả
năng các công ty khởi kiện Nhà nước.
Mới cách đây vài tháng, triển vọng này còn có vẻ xa vời, nhưng các
thúc giục của người khởi xướng là Hoa Kỳ đã thành công. Bộ trưởng Thương mại
Nhật Bản Yasutoshi Nishimura hôm nay tuyên bố với báo chí là những tiến triển
đã đạt được nhân bữa ăn tối làm việc hôm Chủ nhật. Các nhà quan sát giải thích
rằng hội nghị các bộ trưởng WTO tại Bali tuần rồi cũng đã cho phép có những
bước tiến trên hồ sơ TPP.
Ông Nishimura nói : « Tôi mong tiếp tục tiến đến một hiệp định
từ nay cho đến cuối năm », và cho biết hôm nay ông có cuộc đối thoại song
phương với phái đoàn Mỹ.
Các thương lượng tại Singapore sẽ kết thúc ngày mai – một thời hạn
quá ngắn để có thể gút lại được các thỏa hiệp. Tuy nhiên theo Reuters, chỉ cần
vài tháng là có thể đạt được hiệp định, cho dù còn nhiều vấn đề kỹ thuật chưa
tìm ra được lời đáp.
Một trong những điểm trở ngại là quan điểm của Nhật về việc miễn
thuế cho năm loại nông sản « nhạy cảm » : Gạo, lúa mì, thịt bò, sản phẩm
sữa và đường.
Không có dự thảo hiệp định nào được công khai, và việc tổ chức độc
lập WikiLeaks tháng trước đã công bố một chương liên quan đến sở hữu trí tuệ đã
tiết lộ nhiều điểm bất đồng giữa các nước. Nhưng một số quan sát viên đảm bảo
rằng các cuộc thương thảo cho phép tìm được những thỏa hiệp.
Jane Kelsey, giáo sư luật trường đại học Aukland giải thích : « Chúng
ta không phải trên lãnh vực lý tính mà là chính trị, và hiệp định này ngày càng
liên quan đến chính sách ngoại giao và liên minh chiến lược hơn. Vì vậy người
ta phải tìm ra những thỏa hiệp ít tệ hại nhất đạt được một thỏa thuận cuối cùng
».
Nếu chỉ trong vài tháng tới đạt được TPP, cần phải chờ đợi một
thời gian trước khi hiệp định có hiệu lực. Chủ yếu là dó chính quyền Mỹ có nguy
cơ vấp phải sự chống đối của một bộ phận trong Quốc hội. Bà Deborah Elms thuộc
Quỹ Temasek về thương mại và thương thảo ở Singapore ước đoán : « Trong
trường hợp lạc quan nhất, đó sẽ là ngày 01/07/2015, và có hiệu lực từ ngày
01/01/2016 ».
Hiệp định TPP có thể mở rộng cho những ban đầu không liên quan : Tháng
trước Hàn Quốc đã tuyên bố muốn tham gia vòng thương lượng, và không loại trừ
khả năng Trung Quốc cũng sẽ nối bước.
Các quốc gia tham gia thương thảo TPP là Hoa Kỳ, Canada, Nhật
Bản, Úc, New Zealand, Singapore, Malaysia, Brunei, Chilê, Mehico, Peru và Việt
Nam.
Như để bày tỏ thiện chí hội nhập, hôm nay ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm
Ủy ban Pháp luật Quốc hội Việt Nam trong cuộc họp báo cho biết Việt Nam sẽ ra
Luật lập hội và Luật biểu tình như đã ghi trong Hiến pháp.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment