Monday, April 21, 2014

Những sáng kiến chống tha hóa xã hội; thăng tiến nền dân chủ

Những sáng kiến chống tha hóa xã hội; thăng tiến nền dân chủ 

Nguyễn Văn Thạnh

Theo tôi, vấn đề chúng ta mắc phải hôm nay không phải là câu chuyện con người tốt-con người xấu mà là vấn đề tha hóa hệ thống. Trong hệ thống tha hóa, người tốt rất khó tồn tại 

http://www.thanhblog.org/2014/04/tranh-au-trong-mot-xa-hoi-tha-hoa.html.
http://www.thanhblog.org/2014/04/tranh-au-trong-mot-xa-hoi-tha-hoa.html

Nguyên nhân gây ra tha hóa hệ thống có nhiều nhưng tôi thấy có hai nguyên nhân: thông tin thiếu minh bạch và lợi ích được phân bổ sai.
Dựa trên góc nhìn trên, tôi xin đưa ra một số sáng kiến có thể chống sự tha hóa hệ thống; tăng cường nền dân chủ.
A. Sáng kiến trong nước

1. Thương hiệu cho những công trình công
Chúng ta thấy những sản phẩm có nhãn mác, có thương hiệu luôn luôn có chất lượng, an toàn hơn những sản phẩm trôi nổi vô danh. Những công trình công cộng cũng vậy. Hiện nay gần như những công trình công cộng như: đường xá, bến cảng, trường lớp… đều rất khó xác định những thông tin như: ai quyết định, ai xây, ai giám sát,... 

Ngay cả Quốc hội cũng thừa nhận là thất thoát trong xây dựng cơ bản là rất lớn. Những thất thoát này có đích đến là túi những quan tham, những nhà thầu phe cánh,… Trong khi người chịu thiệt hại là dân. Dân là người chi tiền (qua thuế) nhưng lại thụ hưởng những sản phẩm kém chất lượng với giá thành đắt đỏ.

Những thất thoát trong xây dựng cơ bản không chỉ gây thiệt hại kinh tế, làm nghèo đất nước mà chính nó góp phần thúc đẩy sự tha hóa xã hội.

Từ những thực tế trên, tôi đưa ra sáng kiến: chúng ta cần yêu cầu quốc hội thông qua luật minh bạch các công trình xây dựng công. Tại mọi công trình sau khi hoàn thành phải gắn bản thông tin đầy đủ các thông số: ngày khởi công, ngày hoàn thành, người quyết làm, người thi công, người giám sát, số tiền đầu tư, tuổi thọ công trình,... Cần có một cổng thông tin để mọi người có thể truy cập.

Tôi cho rằng nếu sáng kiến này được cộng đồng ủng hộ, thúc đẩy thực hiện thì sẽ góp phần rất lớn trong việc chống tha hóa xã hội cũng như thúc đẩy nền dân chủ trong trật tự.
Sáng kiến này còn góp phần giải quyết hai vấn nạn nhức nhối hiện nay là tham nhũng và tai nạn giao thông (những con đường có thương hiệu chắc chắn sẽ có chất lượng và an toàn hơn).

2. Minh bạch thông tin trong hỗ trợ người nghèo 
Tôi biết, chính phủ chi một lượng tiền rất lớn để hỗ trợ người nghèo thông qua đủ loại dự án. Và tôi biết số tiền đến tay người nghèo rất ít (số tiền rơi rớt trên đường do nuôi bộ máy cồng kềnh, do tham nhũng ăn chặn,...). Có một thực tế là có nhiều người được hưởng lại không thuộc đối tượng xứng đáng mà là do quen biết nên chạy chọt hợp thức hóa giấy tờ: rất nhiều chung cư, nhà ở xã hội không đến tay người nghèo mà đến tầng lớp biết chạy.

Để giải quyết điều này, chúng ta cần vận động quốc hội ra luật minh bạch: qui định tất cả những ai được hưởng hỗ trợ từ nhà nước phải có tên tuổi, số tiền hưởng,... công khai minh bạch. Lập một cổng thông tin để mọi người có thể tiện theo dõi, giám sát. Người dân có quyền biết vì tiền dùng để cứu trợ là tiền của dân đóng góp.

B. Sáng kiến có tầm quốc tế 

1. Minh bạch các khoản viện trợ, vay mượn 
Những nước nghèo như nước ta, hàng năm nhận viện trợ cũng như vay mượn các nước một khoản tiền rất lớn. Chính người dân là người sau này phải trả những khoản nợ đó nhưng họ lại không biết gì. Đây là một nguy cơ nuôi dưỡng tham nhũng, làm tha hóa xã hội.

Trong một thể chế mà nền dân chủ còn yếu thì tranh đấu cho sự minh bạch sẽ rất khó khăn, do vậy chúng ta cần dùng ngoại lực bên ngoài. Chúng ta cần yêu cầu những nước viện trợ, cho chúng ta vay phải minh bạch tất cả các khoản để người dân dễ dàng biết và giám sát. Tôi nghĩ nếu chúng ta làm được điều này sẽ rất hữu ích trong việc thúc đẩy nền dân chủ đất nước.

2. Chương trình giáo dục nền tảng toàn cầu 
Tôi thật sự giật mình khi biết rằng Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ra đời năm 1948, Việt Nam tham gia ký kết Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị năm 1982 nhưng tôi thấy rất nhiều người dân gần như không biết gì về vấn đề này. 

Có một thực tế là các chính phủ độc tài thường bưng bít thông tin, ngăn chặn bước tiến dân chủ. Các nước càng độc tài độc đoán thì ngoài việc ngăn chặn thông tin, họ còn tuyên truyền tẩy não khủng khiếp.

Thực tế trên không chỉ làm thế giới trở nên bất ổn mà còn làm cho các nước nghèo lạc hậu chậm tiến đến văn minh, người dân hứng chịu nhiều đau khổ.

Để giải quyết vấn đề trên, chúng ta cần vận động thúc đẩy sáng kiến thiết lập một nền giáo dục nền tảng cho toàn cầu; ở đó những giá trị phổ quát như nhân quyền, kinh tế tự do… được truyền dạy bắt buộc cho mọi người.

Tôi cho rằng sáng kiến này vô cùng hữu ích không chỉ thúc đẩy nền dân ở các nước nghèo, độc tài như nước ta mà còn làm cho nền dân chủ thăng tiến trên toàn cầu. Dân chủ đồng nghĩa với sự thịnh vượng và chống sự tha hóa xã hội.
Rất mong nhận được sự quan tâm bàn luận và thúc đẩy những sáng kiến trên

Trân trọng.
Đà Nẵng, ngày 19.4.2014
N.V.T.
Nguồn: Bloger NguyenVanThanh



Tương lai nằm trong tay dân Ukraine 
18.04.2014 - Ngô Nhân Dụng


Nhiều người theo dõi diễn biến vụ Ukraine coi đó là một cuộc đọ sức giữa hai nước Nga và Mỹ, với hai đấu thủ, Vladimir Putin và Barack Obama. Nhìn như vậy là bỏ quên những người sẽ đóng vai trò chính trong cuộc khủng hoảng này. Ðó là 45 triệu người dân nước Ukraine. Chính dân Ukraine đã khởi đầu các biến cố khi họ biểu tình đòi cựu tổng thống Viktor Yanukovych từ chức. 

Họ thành công và đang gánh chịu hậu quả, là nước Nga đã chiếm lại vùng Crimea và đang đe dọa ba tỉnh khác ở phía Ðông, giáp ranh với Nga bằng những hành động gây loạn giống như đã diễn ra ở Crimea tháng trước. Nhưng trong tháng Năm tới, dân Ukraine sẽ đi bỏ phiếu bầu chính phủ mới, có thể kèm theo một cuộc trưng cầu dân ý. Và lúc đó, tình hình sẽ thay đổi hẳn.

Dân Ukraine sẽ phải chấp nhận một thực tế là không thể đòi lại vùng Crimea trong thời gian sắp tới, cũng như dân Việt Nam biết không thể chiếm lại Hoàng Sa ngay bây giờ. Mà vùng Crimea này không gắn bó máu thịt với dân Ukraine như Hoàng Sa của nước ta. 

Crimea mới được Nga tặng cho Ukraine năm 1954, hơn một nửa dân số là người Nga, người gốc Ukraine không nhiều bằng một phần tư. Nhưng Ukraine có thể cầm cự với Nga trong thời gian tới, trong khi đó họ phải xây dựng một chế độ dân chủ tự do và tái thiết nền kinh tế đã lụn bại sau hơn 20 năm suy đồi vì không cải tổ triệt để như các nước cộng sản cũ ở Ðông Âu.

 Một di họa của thời cộng sản là các nhà tư bản đỏ và nạn tham nhũng hoành hành khiến cho kinh tế không thể phát triển. Bây giờ, với sự giúp đỡ của Mỹ và các nước trong Liên hiệp châu Âu (EU), dân Ukraine có hy vọng đạt được những tiến bộ kinh tế và chính trị trong mấy năm tới. Ngay bây giờ, mối đe dọa trước mắt của người Ukraine là giữ được đất nước họ được toàn vẹn, ngăn không cho ông Vladimir Putin chia rẽ, phá nát và có thể xâm chiếm thêm.
Ðiều khiến dân Ukraine lo lắng là nhiều người gốc Nga ở những tỉnh phía Ðông đang biểu tình, chiếm đóng các công sở và cả sở cảnh sát. Ai cũng biết những thanh niên mặc quân phục và cầm súng này là do guồng máy tuyên truyền cài công an Nga xúi giục hoặc điều khiển. 

Tại ba tỉnh này, số dân gốc Nga lên tới 25% (tỉnh Kharkiv) và 39% (Donetsk và Luhansk). Chính phủ Ukraine lâm thời tại thủ đô Kiev không đủ sức đàn áp những hành động bạo loạn này, và cũng không muốn gây đổ máu khiến cho ông Vladimir Putin, với 40,000 quân Nga đang đóng sát biên giới, có lý do tiến quân sang can thiệp.

Cuộc họp ở Genève vào Thứ Năm vừa qua là một thắng lợi của Tổng Thống Oleksandr Turchynov. Ðây là lần đầu tiên chính phủ Maskva chấp nhận ngồi ngang hàng với chính phủ lâm thời ở Kiev, mà báo đài ở Nga vẫn tố cáo là “phát xít,” tố cáo họ kỳ thị và khủng bố dân gốc Nga. Những nhóm “loạn quân” có thể không chịu thi hành quyết định của hội nghị bốn bên ở Genève; một nhóm chiếm công sở tại Donetsk nói rằng họ không chịu rút lui trước khi chính phủ lâm thời ở Kiev chưa rút lui. 

Nhưng trong một tháng nữa, điều này sẽ diễn ra, sau cuộc bầu cử. Tại tỉnh này, còn nhiều chính trị gia thuộc phe cựu Tổng Thống Viktor Yanukovych, và ông ta đóng vai đứng đằng sau giật dây các nhóm nổi loạn để trả mối thù mất chức.
Nước cờ của ông Putin hiện nay là đòi biến Ukraine thành một liên bang, để cho ba tỉnh ở miền Ðông có quy chế tự trị. Ðối với dân Ukraine, đó là một âm mưu chia cắt nước họ, ít nhất cũng làm cho chính phủ ở Kiev suy yếu, và ảnh hưởng của Nga sẽ mạnh hơn. Nhưng âm mưu này sẽ thất bại khi người dân được hỏi ý kiến công khai và minh bạch. 

Chính phủ Oleksandr Turchynov hiện nay đóng vai trò “lâm thời” đúng nghĩa, công việc chính của họ là tổ chức bỏ phiếu sao cho công bằng, minh bạch. Trong Tháng Năm tới đây, cuộc bầu cử sẽ thành lập một chính quyền mới, mà ông Petro Poroshenko có nhiều hy vọng đắc cử tổng thống. Nếu có một cuộc trưng cầu dân ý, thì chắc chắn đa số dân sẽ quyết định bảo vệ một nước Ukraine độc lập và thống nhất.

Một cuộc nghiên cứu dư luận của International Republican Institute cho biết 61% những người gốc Nga ở các tỉnh phía Ðông, và 67% ở các tỉnh phía Nam cho biết họ không từng bị chính phủ Ukraine kỳ thị bao giờ, và chống lại ý kiến ông Putin gửi quân Nga sang “bảo vệ” họ. Chỉ có 14% dân gốc Nga muốn đổi nước Ukraine thành một liên bang. Vai trò của các đại gia ở Ukraine vẫn rất quan trọng. 

Ông Rinat Akhmetov, một người giàu nhất Ukraine, làm chủ một doanh nghiệp sử dụng 300 ngàn công nhân trong dân số dưới 5 triệu của toàn tỉnh Donetsk, đã tới gặp những thanh niên nổi loạn ở thành phố Donetsk, và nói với họ rằng ông ủng hộ việc bảo vệ ngôn ngữ Nga, ủng hộ đòi hỏi tản quyền từ trung ương, nhưng ông chủ trương tỉnh Donetsk vẫn nằm trong một nước Ukraine thống nhất. Tất nhiên, các nhà tư bản Ukraine không muốn phải đối đầu với các đại gia Nga do ông Putin điều khiển.

Ngay trong ba tỉnh miền Ðông, đòi hỏi của ông Putin và các nhóm nổi loạn cũng không được ủng hộ. Chỉ có 26% dân chúng muốn đổi sang thể chế liên bang, còn 45% muốn nước Ukraine toàn vẹn. 

Ngay trong tỉnh Donetsk, hơn một nửa dân chúng muốn một nước Ukraine thống nhất. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine bắt đầu khi ông Putin tìm cách ngăn chặn một hiệp ước thương mại giữa nước này với Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng ông đã thất bại. Trước khi xảy ra vụ Nga chiếm Cimea, số người Ukraine muốn liên kết với EU chỉ có 10%, nay đã tăng lên 52%. Ngược lại, ngay trong các tỉnh miền Ðông số người ủng hộ quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga đã giảm từ 72% xuống 55%. 

Từ nay cho đến cuối Tháng Năm, dân Ukraine sẽ phải chấp nhận một tình trạng giao thời. Nước cớ của ông Putin là tiếp tục làm áp lực để chia rẽ nước Ukraine. Vốn là một sĩ quan công an và tình báo, ông Putin thành thạo trong việc sử dụng biệt kích và cán bộ sách động, nhưng ông cũng biết không thể dùng quân đội chiếm lấy một mảnh đất nào của nước láng giềng. Nước cờ của ông là chỉ bàn luận đôi co với Mỹ và EU về thể chế sắp tới ở Ukriane, để cả thế giới quên dần dần vụ xâm chiếm Crimea, coi đó là một chuyện đã rồi. Ðó cũng là một thắng lợi đáng kể để ông Putin củng cố địa vị trong nước Nga. Nhân vụ Ukriane này, ông đã có cơ hội đàn áp những người bất đồng chính kiến và gây thêm uy tín cho chính mình. Ông khó lòng nuôi tham vọng lớn hơn, vì trong cuộc chạy đua kinh tế với Mỹ và EU, nước Nga không đủ sức mạnh lấn áp. 

Ông Putin có thể cứ nói rằng các nước Âu Châu bị lệ thuộc vào Nga vì lý do kinh tế; nhưng ông không thể dùng đòn kinh tế nào ép buộc được họ. Số năng lượng sử dụng ở Châu Âu tùy thuộc 30% vào nguồn cung cấp từ Nga. Nhưng 40% ngân sách chính phủ Nga tùy thuộc vào việc cung cấp các thứ năng lượng đó cho Âu Châu. 

Các nước Âu Châu đang mua 88% dầu lửa do Nga xuất cảng, 70% khí đốt và 50% than đá. Nếu ông Putin chặn các nguồn cung cấp đó lại, thì không những ngân sách Nga sẽ thâm thủng, mà hàng triệu công nhân sẽ thất nghiệp; vì không thể tìm ra ngay những khách hàng mới. 

Kể từ khi ông Putin gây ra cuộc khủng hoảng, đồng rúp của Nga đã mất giá gần 10%, thị trường chứng khoán sụt giảm 10%, và trong ba tháng đầu năm nay số tiền vốn bỏ chạy khỏi nước Nga đã lên tới 70 tỷ đô la, lớn hơn con số 60 tỷ trong cả năm ngoái. Tính về lâu dài, nước Nga không thể chịu đựng một cuộc chiến tranh lạnh kinh tế.

Cuộc chiến tranh lạnh mới do ông Putin gây ra sẽ là một cuộc chiến trên mặt trận kinh tế. Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu có thể dùng lại chiến lược của thời chiến tranh lạnh cũ, là chỉ cần ngăn chặn không cho Nga bành trướng; sau một thời gian đủ lâu dài Nga sẽ dần dần yếu đi cả về kinh tế lẫn chính trị. Nhưng trong thời gian một năm hoặc nhiều tháng, hai bên sẽ đi từng nước cờ, chờ bên kia phản ứng sẽ đi nước tiếp. 

Trong cuộc cờ ngắn hạn này, Putin sẽ là người chủ động, đi trước, còn EU và Mỹ có thể đi từng bước cờ một, chờ cho tới lúc đối thủ thật mệt mỏi để cầu hòa.

Nước Mỹ không có quyền lợi nào quan trọng ở Ukraine, như nước Nga. Ðối với ông Putin, đây là một ván cờ lớn, quyết định uy tín của ông ta ở trong nước Nga và trong cả những nước cựu cộng sản trong Liên Bang Xô Viết. Còn phía ông Obama thì, đúng như Nghị Sĩ John McCain phê bình, “Chính sách của chính phủ hiện nay không do các tính toán ngoại giao mà do những nhu cầu nội bộ trong nước quyết định.” 

Nhu cầu của ông Obama trong năm nay là do cuộc bầu cử quốc hội ở Mỹ. Từ nay cho đến Tháng Mười Một, ông tổng thống Mỹ sẽ phải tỏ ra cứng rắn hơn đối với hành động bành trướng của ông Putin. 

Nhưng số phận nước Ukraine sẽ do người dân Ukraine quyết định trong cuộc bỏ phiếu sắp tới. 

Họ đã khởi động một cuộc cách mạng từ quảng trường Maidan. Mục tiêu của họ không phải chỉ là lật đổ một ông tổng thống tay chân của Nga. Cũng không phải chỉ là đưa nước Ukraine tới gần hơn với Liên Hiệp Châu Âu, thay vì lệ thuộc vào Nga. 

Như ông Poroshenko mới phát biểu, mục đích chính của cuộc cách mạng là xóa bỏ một chế độ tham nhũng lạm quyền, xây dựng một nước Ukraine thực sự tự do dân chủ.

 Ông tổng thống tương lai của Ukraine nói, chống tham nhũng là mục tiêu lớn nhất để đoàn kết tất cả dân Ukraine lại với nhau.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=186609&zoneid=7#.U1RPiqKHjeU


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -25/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link