Shinzo Abe khiến Tập Cận Bình lo ngại
22.04.2014 - Ngô Nhân Dụng
Trước khi ông Barack Obama tới Tokyo, chính phủ Mỹ đã công khai ủng hộ lời giải thích mới về Hiến Pháp Nhật của Thủ Tướng Shinzo Abe. Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chắc sẽ phải họp Bộ Chính Trị để bàn cách đối phó, vì chính sách bành trướng của Bắc Kinh sẽ bị cản trở nếu ông Abe đạt được mục đích.
Shinzō Abe
Tháng Hai năm nay, ông Shinzo Abe làm nhiều người nghĩ ông đang
giải thích lại bản Hiến Pháp Nhật Bản theo ý mới, khi ông chỉ bàn về một từ
ngữ. Trong bản Hiến Pháp năm 1947, ban hành dưới thời quân Mỹ chiếm đóng, điều
số 9 đặt ra nhiều giới hạn. Nước Nhật không được phép có quân đội mà chỉ được
lập một lực lượng tự vệ, không được đem quân ra nước ngoài, không được can dự
vào các tranh chấp quân sự của các nước khác.
Cho tới nay, Nhật vẫn được Mỹ bảo
vệ, qua một hiệp ước phòng thủ chung. Khi nói trước quốc hội vào đầu năm 2014,
ông Abe đã giải thích những chữ “phòng thủ chung” bằng cách giả thiết một chuyện
có thể xẩy ra: Nếu một chiến hạm Mỹ đang bị hỏa tiễn của một nước khác bay tới
đánh, thì Nhật Bản, bị ràng buộc bởi bản Hiến Pháp, có phải tránh không được
can thiệp hay không?
Tất nhiên là Nhật Bản giúp Mỹ, ông Abe trả lời. Nếu không,
thì cả bản hiệp định“phòng thủ chung” sẽ vô giá trị; với “hậu quả không thể
lường được.” Do đó, theo ông Abe, Hiến Pháp Nhật vẫn cho phép quân đội Nhật can
thiệp vì lý do “phòng thủ chung.”
Lời giải thích trên đây sẽ được Quốc Hội Nhật bàn và phê chuẩn
trong mùa Thu năm nay. Nhưng trong ngày Thứ Hai, trước khi ông Obama lên đường
thăm bốn nước Á Ðông, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Mỹ đã nói rằng chính phủ Mỹ
ủng hộ lối giải thích của ông thủ tướng Nhật. Nguyên văn lời Trung Tá Jeff
Pool: “Bộ Quốc Phòng hoan nghênh lối giải thích Hiến Pháp mới của chính phủ
Nhật về quyền phòng thủ chung.” Ðó là món quà ông tổng thống Mỹ mang tới Tokyo,
trạm dừng chân đầu tiên của ông trong chuyến đi này.
Ông Tập Cận Bình sẽ lo lắng về lối giải thích mới của ông Shinzo
Abe. Vì đây sẽ là bước đầu trong một tiến trình tái lập quân đội Nhật, vượt ra
ngoài những giới hạn của điều 9 bản “hiến pháp hòa bình.” Nước Nhật có thể sẽ
sản xuất thêm nhiều vũ khí, tăng cường lực lượng hải quân, và bắt đầu can dự
vào những biến cố quân sự trong vùng Ðông Á.
Thế nào họ cũng sẽ xuất cảng vũ
khí, cạnh tranh cả với Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Israel, vân vân.
Dư luận Nhật Bản đã bắt đầu chuyển động trong mấy năm gần đây, với
nhiều ý kiến kêu gọi nước Nhật phải gia tăng lực lượng phòng thủ, tiến tới một
đạo quân thực sự. Phong trào này đang lên cao vì những lý do cụ thể: Ngân sách
quân sự của chính phủ Trung Cộng gia tăng rất nhanh trong khi chính phủ Mỹ đang
chủ trương cắt giảm chi tiêu quốc phòng. Năm 2011, Tổng Thống Obama đã công bố
chính sách “chuyển trục” sang Thái Bình Dương và Châu Á, nhưng nước Mỹ còn
nhiều mối bận tâm khác, từ Afghanistan, Iran qua Syria, vùng Trung Ðông, và nay
đến cả Ukraine.
Trong những năm trước, khi đưa ra kế hoạch gia tăng quân lực, Bộ
Quốc Phòng Nhật thường dẫn lý do chính là mối đe dọa của Bắc Hàn. Tháng Mười
Hai năm 2010, lần đầu tiên bản dự thảo kế hoạch quốc phòng của Nhật Bản đã công
khai nói tới mối đe dọa do sự bành trướng quân lực của Trung Quốc, một điều mà
trước đó mọi người đều hiểu ngầm nhưng không nói ra. Bản Bạch thư đính kèm ngân
sách “tự vệ” nói rõ: “Gần đây Trung Quốc đang dùng vũ lực thay đổi nguyên trạng
(status quo), trái với trật tự hiện được duy trì bằng luật pháp quốc tế.” Câu
này chắc được viết ra không phải chỉ vì những đòi hỏi của Bắc Kinh về quần đảo
Ðiếu Ngư (Senkaku), mà còn vì “Ðường Chín Ðoạn” vẽ ra trong vùng Biển Ðông nước
ta. Từ đó, dư luận dân Nhật bắt đầu kêu gọi phải trở lại tình trạng một “quốc
gia bình thường,” có nghĩa là phải đủ sức tự vệ bằng quân sự, chứ không thể chỉ
dựa vào hiệp định an ninh với Mỹ.
Với lối giải thích Hiến Pháp mới của thủ tướng Nhật, phong trào
“bình thường hóa” này sẽ cản trở kế hoạch bành trướng của chính quyền cộng sản
Trung Quốc. Năm 1985, Trung Cộng đã bắt đầu kế hoạch canh tân hải quân. Thay vì
chỉ nhắm vào việc phòng thủ bờ biển nước mình, hải quân Trung Cộng sẽ được trao
cho nhiệm vụ phòng thủ ngoài biển xa.
Nghĩa là trách nhiệm của họ bao trùm lên
hai vòng phòng thủ. Vòng thứ nhất là các quần đảo kéo dài từ phía Nam Biển Nhật
Bản xuống vùng Ðông Nam Á, tới tận Biển Ðông của Việt Nam. Vòng phòng thủ thứ
hai lan rộng hơn, tới vùng biển của các nước Philippines, Indonesia, cho tới
quần đảo Carolinas. Trong những vùng biển này là những đường vận chuyển hàng
hóa, nguyên liệu và nhiên liệu lớn nhất thế giới, chưa kể đến những tài nguyên
năng lượng nằm dưới đáy biển.
Vì vậy, trong mấy chục năm gần đây, Nhật Bản đã gia tăng phát
triển hải quân, dù vẫn mang danh nghĩa một “lực lượng tự vệ.” Hải Quân Nhật đã
có những đội tầu ngầm tối tân, và đang phát triển những hàng không mẫu hạm, cho
máy bay chiến đấu và trực thăng. Trong năm qua, chính phủ Nhật đã đưa bộ binh
và các giàn phòng không, kể cả hỏa tiễn, tới những hòn đảo cực năm lãnh hải.
Chính
phủ Nhật Bản vẫn chưa công bố kế hoạch làm hàng không mẫu hạm, vì lo dư luận
dân chúng phản đối. Bản Hiến Pháp hiện hành cấm chế tạo các loại “vũ khí tấn
công.” Nhưng vào Tháng Tám năm 2013, họ đã hạ thủy một khu trục hạm (destroyer)
mang tên Izumo, chiến hạm lớn nhất kể từ sau Ðại Chiến Thứ Hai, với hình dạng
đặc biệt là có một mặt bằng rộng lớn có thể cho các trực thăng và các máy bay
chiến đấu lên thẳng cất cánh. Khu trục hạm Izumo chiều dài 248 mét, hơn chiều
dài 209 mét của mẫu hạm HMS Invincible thuộc hải quân Anh. Chỉ cần lắp thêm bộ
phận phóng máy bay nữa là Izumo sẽ biến thành một hàng không mẫu hạm.
Hiện nay, Hạm Ðội Thứ Bẩy của Mỹ vẫn là lực lượng hải quân mạnh
nhất trong vùng. Với sáu hàng không mẫu hạm, mỗi mẫu hạm đi kèm với hàng trăm
tầu chiến đủ loại, hơn 2,000 máy bay và 125,000 quân, Hạm Ðội Thái Bình Dương
(US Pacific Fleet) đang trú đóng các căn cứ rải rác từ Nam Hàn qua Nhật Bản,
được phép sử dụng các bến ở Ðài Loan, Philippines, Úc, Singapore, và các nước
thân thiện vùng Ðông Nam Á.
Quân đội Mỹ sắp hạ thủy một loại hàng không mẫu hạm
mới. Thế hệ “mẫu hạm Ford” đang chuẩn bị hạ thủy sẽ sử dụng kỹ thuật điện tử
trong việc phóng máy bay, nhanh hơn và an toàn hơn; mỗi mẫu hạm sẽ chứa nhiều
máy bay hơn, sẽ thay thế hết các mẫu hạm cũ trong vòng vài chục năm tới.
Nhưng tất nhiên nước Mỹ cũng muốn Hải Quân Nhật Bản đóng một vai
trò quan trọng hơn trong vùng Tây của Thái Bình Dương, để giảm bớt gánh nặng
ngân sách của họ. Vì vậy, trước khi ông Obama lên đường sang Tokyo, chính phủ
Mỹ đã công khai tuyên bố ủng hộ lối giải thích mới của ông Abe về bản Hiến
Pháp.
Chính phủ Nhật biết trước Bắc Kinh sẽ công kích đường lối mới là
hiếu chiến, tố cáo là trở về chính sách của chế độ quân Phiệt trước năm 1945.
Ông Shigeru Ishiba, cựu bộ trưởng quốc phòng đã giải thích, “Với tình trạng ảnh
hưởng của Mỹ đang xuống, của Trung Quốc đang lên, chúng tôi phải bắt đầu nghĩ
làm cách nào tránh được cảnh chiến tranh sẽ xẩy ra.”
Chuyến đi của Tổng Thống Obama trong tuần này không đặt ra một mục
tiêu cụ thể nào đối với cả bốn nước, Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines và
Malaysia. Ðiều cụ thể nhất là việc Nhật tham dự vào khối mậu dịch tự do Thái
Bình Dương chắc cũng không có kế quả nào trong chuyến đi này, vì hai bên còn
rất nhiều mâu thuẫn.
Nhưng chính phủ hai bên đã đề cao tính cách tượng trưng
của cuộc công du này, khi họ đồng ý kéo dài trong ba ngày và hai đêm, để ông
Obama có thể tham dự nhiều hoạt động và gặp cả chính phủ lẫn Nhật hoàng nhiều
lần, cho thêm phần long trọng. Các chính khách Nhật đang muốn được chính phủ Mỹ
giúp tăng thêm uy tín trong chương trình giải thích lại bản Hiến Pháp để tái vũ
trang của họ. Vì cho tới nay Thủ Tướng Shinzo Abe vẫn cần chinh phục dư luận
dân chúng Nhật.
Trong 60 năm qua đa số dân Nhật vẫn muốn duy trì bản“Hiến Pháp hòa
bình.” Thái độ của họ gần đây đang thay đổi, nhưng chưa hoàn toàn đúng ý ông
Abe. Số người chống đối việc xóa bỏ điều 9 đã giảm từ năm 2006 (67%), 2008
(58%) đến 2013 xuống chỉ còn 56%. Số người đồng ý xóa bỏ đã tăng: 27%, 31%
trong hai năm trước, năm 2013 đã lên 36%. Vì vậy Thủ Tướng Shinzo Abe chưa dám
đề nghị xóa bỏ điều 9 Hiến Pháp.
Nhưng ông đã có cách đi đường vòng. Một điều
ông đã ngỏ ý là muốn thay đổi điều số 96, để cho phép Quốc Hội tu chính Hiến
Pháp với tỷ số quá bán, không cần đến 2 phần ba số đại biểu. Nếu được chấp thuận,
đề nghị này có thể mở đường cho việc thay đổi điều 9 trong tương lai được dễ
dàng hơn. Tất nhiên, dân Nhật không ngu, mà báo chí Nhật lại hoàn toàn tự do để
vạch rõ hậu quả của việc thay đổi điều 96; cho nên ý định của ông Abe khó thực
hiện! Ông chỉ còn cách là đi một đường vòng khác:
Thay đổi trên thực tế, mà không
thay đổi các quy tắc trong Hiến Pháp. Nếu năm ngoái dân Nhật không phản ứng gì
khi khu trục hạm Izumo được hạ thủy, thì mai mốt Hải Quân Nhật làm thêm nhiều
hàng không mẫu hạm chắc cũng được dân chúng bỏ qua! Trừ khi đảng Cộng sản Trung
Quốc lớn tiếng tố cáo với dân Nhật rằng chính phủ của họ đang vi phạm điều số 9
trong Hiến Pháp!
Ðể gây ảnh hưởng trên dư luận dân Nhật, ông Tập Cận Bình và Bộ
Chính Trị Cộng sản Trung Quốc sẽ tự đặt họ vào một tình trạng ngược đời. Họ vẫn
muốn cai trị dân Trung Hoa bằng một chế độ độc tài chuyên chế, nhưng lại tuyên
truyền kêu gọi dân Nhật Bản đòi quyền sống dân chủ tự do nhiều hơn. Trong khi
việc thay đổi hiến pháp ở các nước cộng sản vẫn hoàn toàn do một nhóm lãnh tụ
quyết định, ông Tập Cận Bình sẽ cổ động dân chúng Nhật đòi được tham dự nhiều
hơn vào quyết định thay đổi bản Hiến Pháp hiện hành, một bản văn do quân đội Mỹ
đặt ra trong thời gian chiếm đóng! Nhưng bất chấp tình trạng ngược đời đó, ông
Tập Cận Bình vẫn phải lo lắng về tương lai một nước Nhật tái vũ trang.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=186828&zoneid=7#.U1g2M6KHjeU
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment