Căn bệnh sợ 'chính trị'
của người Việt
Dương Hoài Linh
Người Việt lâu nay vốn sợ chính trị. Nói chuyện với bạn bè trên
FB, mình vẫn hay bắt gặp những câu đại loại như: "Thôi, nói chuyện khác
đi, đụng tới ba cái chính trị nhức đầu lắm" hoặc "Rảnh quá ha,
để thời gian đó làm chuyện khác có ích hơn...". Các trang Web giải trí
bao giờ cũng đông lượng truy cập hơn hẳn các trang chính trị. Các ngôi sao ca
nhạc, hài kịch biếng ăn, cảm cúm... hoặc tậu nhà, mua xe là có hàng vạn người
theo dõi, nhưng diễn biến chính trị của đất nước thì rất ít người quan tâm. Thế
nhưng đây là đặc điểm của các nước có nền dân trí thấp. Ngày xưa các cụ Phương
an Bội Châu, Phan Chu Trinh vẫn hay than vãn về sự vô tâm của dân mình.
Ngày nay nhiều người vẫn hay tỏ vẻ thương hại trước sự ngu ngơ,
khờ dại của dân Bắc Hàn, nhưng đâu biết rằng dân các nước phát triển nhìn mình
cũng thế. Họ cũng nghĩ dân Việt Nam quá tội nghiệp, chẳng biết gì đến quyền của
mình.
Chính trị là một khái niệm dễ gây dị ứng. Nó được hiểu như là một
lĩnh vực khô khan, gây nhức đầu, chóng mặt, bất an... Không chỉ người lao động
kiêng nói chính trị mà ngay cả giới trí thức cũng tránh xa nó như tránh hủi.
Nói chính trị, làm chính trị, tham vọng chính trị... luôn được dùng với hàm ý
mỉa mai. Nó dường như là độc quyền của giới lãnh đạo và người dân chỉ được biết
đến chính trị khi nào Đảng cần biến các nghị quyết của Đảng thành "hành
động cách mạng".
Thực chất chính trị gần gũi với người dân như cơm ăn nước uống
hàng ngày. Chỉ có điều họ không nhận thức được điều này. "Giá xăng, giá
điện,giá sữa...tăng liên tục là do đâu?" Chính là do độc quyền kinh tế.
Phanh phui vấn nạn này sẽ lòi ra các nhóm lợi ích. Là một vấn đề chính trị.
Cuối tháng nghe con cái xin tiền đóng học phí, bảo hiểm, quỹ lớp, sách giáo
khoa, học thêm... Là vấn đề thuộc về ngân sách dành cho giáo dục. Cũng chính
trị. Vào bệnh viện bị chặt chém không thương tiếc tiền khám chữa bệnh...Lỗi cơ
chế. Cũng chính trị.
Thế nhưng con người ta chỉ cảm thấy hơi thở của chính trị nóng rực
bên tai mỗi khi có việc động chạm đến cửa quan. Chầu chực chờ đợi, bị khất hẹn
lần lửa, bị lừa phỉnh, mất tiền vì nạn hối lộ tham ô... lúc đó họ mới thấy mình
dại, chẳng biết gì về chính trị, về cách thức tổ chức của bộ máy nhà nước để ai
nói sao nghe vậy, chẳng khác một con lừa.
Nói đến "dân chủ" người Việt chỉ biết đến một khái niệm
mơ hồ là người dân làm chủ đất nước mình. Người ta không biết biểu hiện cụ thể
của nó như thế nào. Cũng như người nông dân suốt đời chân lấm tay bùn... đâu
biết đến cuộc sống tiện nghi nên chỉ một "nắm xôi" đôi khi cũng đủ để
thỏa mãn. Họ đâu biết là nếu nước có dân chủ thực sự, họ sẽ tận hưởng được
nhiều cái sung sướng như thế nào.
Trước tiên là lá phiếu của họ có thể quyết định đến các ông tai to
mặt lớn mà họ vẫn nghĩ là đang nắm quyền sinh sát vận mệnh của họ. Nếu như dân
các nước phát triển bằng mọi cách phải gởi cho được lá phiếu mình đi thì người
Việt lại mang tư tưởng: "Không có mợ, chợ vẫn đông", việc mình có hay
không tham gia bầu cử cũng chẳng ảnh hưởng gì đến sinh mệnh đất nước.
Dân chủ sẽ thúc đẩy kinh tế tạo ra thặng dư khiến phúc lợi xã hội
lớn. Con cái họ đến trường sẽ được thầy cô giáo dục chu đáo. Vào bệnh viện, các
bác sĩ sẽ săn đón, lễ phép chứ không đụng một chút là chửi như tát nước vào
mặt. Ra đường gặp anh CA cũng được chào hỏi, thưa gửi đàng hoàng chứ không phải
là thái độ hách dịch, lỗ mãng... Về già họ cũng sẽ được chăm lo đầy đủ về vật
chất, sức khỏe chứ không phải bị bỏ mặc cho đến ngày ra nghĩa trang hoặc lò thiêu.
Quyền con người là một trong những quyền căn bản được phổ cập toàn
thế giới nhưng rất ít người Việt hiểu và biết bảo vệ quyền của mình. Rốt cuộc
thì không chỉ người lao động mà ngay cả giới trí thức vẫn bị các cơ quan công
quyền chèn ép. Thế nhưng họ vẫn thờ ơ với các vụ việc vi phạm nhân quyền như CA
đánh chết dân, tòa án xử oan người vô tội... Bởi họ nghĩ đơn thuần rằng những
việc ấy còn lâu mới liên quan đến họ. Vậy nên có một nhà báo nữ than vãn rằng,
viết về nhân quyền rất mất công nhưng lượng người đọc rất ít. Phần đông vẫn
nghĩ rằng đó là một vấn đề xa xôi chẳng thiết thân chút nào. Chỉ đến khi ngay
chính bản thân mình hoặc gia đình mình bị vi phạm trầm trọng họ mới kêu cứu và
gặp phải sự ghẻ lạnh của dư luận lúc đó mới thấm thía sự vô tình của mình.
Người Việt hải ngoại quan tâm đến các vấn đề chính trị trong nước
không phải như ý kiến thô thiển của một số dư luận viên thường bôi nhọ:
"mong muốn một ngày về nước cai trị trên đầu trên cổ người dân". Nó
đơn thuần cũng giống như người dân Bắc Triều Tiên sống ở nước ngoài thấy cái
cách của Kim Jong Un trị nước mà tức mình không thể không lên tiếng. Họ hoàn
toàn không có ý định chấp chính và cũng không vì tương lai của các thế hệ mai
sau của mình. Họ chỉ đơn giản là "Người trong một nước phải thương nhau
cùng".
Chỉ có người Việt ở nước ngoài mới thấy rõ "nhà dột từ nóc
như thế nào" bởi vì họ đang sống trong những nóc nhà vững chãi. Do vậy
những bài viết của họ trên FB không phải vì những tham vọng chính trị và cũng
chẳng phải vì họ quá rảnh. Mỗi bài viết thường lấy đi rất nhiều thời gian quý
báu của họ mà thời gian ở các nước công nghiệp luôn luôn được đong đếm bằng
tiền. Thế nhưng họ vẫn viết vẫn nói, những bài viết đôi lúc thấm đẫm nước mắt.
Chỉ vì họ không muốn đồng bào mình mãi mãi làm kiếp con lừa.
Ấy vậy mà họ vẫn nhận được cái thái độ nghi kỵ từ chính bạn bè
mình trong nước. Nhiều người vẫn luôn quan niệm "Gặp thời thế ,thế thời
phải thế để biện hộ cho thái độ 'ngậm miệng ăn tiền'". Không những thế họ
còn lên tiếng công kích những người có tiếng nói phản biện mạnh mẽ. Mặc dù
những tiếng nói ấy có tác động rất tích cực vào chuyển biến xã hội mà ngay
chính họ cũng được hưởng lợi. Dù không nói ra nhưng thâm tâm mình hơi buồn với
loại người này. Bởi vì nhiều khi vì sự an toàn bản thân, một cái like trên FB
cũng chẳng dám click vào tức là họ đã đẩy sự nguy hiểm cho người khác, đẩy
người khác vào chốn lao tù. Trong khi với nhận thức của một kẻ có học họ không
thể không biết nguồn gốc của các vấn đề xã hội phát xuất từ đâu.
Như vậy, chừng nào người Việt vẫn sợ chính trị, vẫn chưa biết
quyền của mình thì chừng đó họ vẫn còn bị đè đầu, cưỡi cổ, lá phiếu của họ vẫn
chẳng hơn gì một tấm giấy đi vệ sinh. Họ vẫn để những ông nghị như Hoàng Hữu
Phước làm đại diện cho họ, vẫn để những bà bộ trưởng như Nguyễn Thị Kim Tiến
nắm trong tay vấn đề sức khỏe của họ. Cũng chỉ vì họ chưa biết rằng ngòi bút
đôi khi sắc hơn lưỡi kiếm. Và mọi chính thể độc tài đều rất sợ tiếng nói chính
trị của người dân. Không ai có thể cởi trói cho mình bằng chính mình. Nhưng suy
cho cùng không phải ai cũng hiểu được điều này. Bởi nếu không thế nước đã chẳng
phải HÈN như bây giờ.
Dương Hoài Linh
30/04: Ưu tư diễn nghĩa
Nam Đan
Giờ là những ngày cuối của tháng Tư. Năm nào cũng vậy, càng đến
gần ngày 30 tháng Tư tôi lại có cảm giác bất thường, ngột ngạt, bực bội. Mà
không phải chỉ riêng mình có cảm giác đó. Nhìn quanh, tôi thấy bạn bè, người
thân cũng vậy, và cả đời sống quanh tôi cũng vậy.
Mở ti-vi lên là thấy xe tăng, bom đạn, cờ hoa. Báo chí cũng vậy,
có vơi đi phần nào, nhưng cũng vậy. Hò hét, hoan hô. Đứng trên vũng máu hát ca,
nhảy múa lăng xăng mãi nếu không thấy trơ trẽn, thì cũng phải mệt và nhàm!
Năm nay là năm thứ 39 kể từ ngày 30/04/1975, cái biến cố làm thay
đổi vận mệnh của từng số phận và của cả dân tộc. Tôi nghĩ, cái ngày bất thường
trong ký ức ấy sẽ chẳng bao giờ trở nên bình thường. Ở bên này vĩ tuyến 17 cũng
như bên kia. Với người Việt ở trong nước cũng như người Việt ở hải ngoại.
Tôi vừa đọc bài “Ưu tư ngày 30-4” của tác giả Nguyễn Minh Hòa, ở
blog Quê Choa. Theo như nội dung của bài viết, thì tác giả là một sĩ quan trong
quân đội Bắc Việt có mặt trong đoàn quân tấn công và chiếm giữ Sài Gòn vào thời
điểm 30/04/1975. Với nhiều người, thì đây là những suy nghĩ chân thực, cấp tiến
trong lúc này. Tôi thấy có những chi tiết rất thú vị trong bài khi ông
nói về “chiến lợi phẩm”, xin trích lại nguyên văn như sau:
“Lễ kỷ niệm ngày chiến thắng năm nào cũng diễn ra trong không khí
tưng bừng, cờ hoa rợp trời, mọi người hân hoan, nhưng nhìn kỹ lại hình như
không có mấy ai trong số những người lính giải phóng thành phố ngày ấy có mặt
trên lễ đài, hay trong khối quần chúng tay vẫy cờ hoa. Những người lính còn sót
lại qua những mùa chiến dịch ấy, sau chiến tranh đã lặng lẽ trở về với đời
thường, với cày cuốc, với bò gà, với kìm búa. Nhiều người đã mất, nhiều người
sống với những thương tích, bị bệnh tật giày vò đau đớn, có một sự thực là đa
phần họ sống rất cơ cực.
Thỉnh thoảng về quê hương gặp lại những người đồng đội
xưa mà muốn rơi nước mắt. Trở về quê sau những ngày hừng hực chiến thắng ấy,
hầu hết trong số họ gắn đời với mảnh ruộng, chẳng bao giờ có dịp nào trở lại
thăm thành phố này nữa, mà có muốn thì cũng chả đào đâu ra tiền, bởi tiền ăn
còn còn chả có, nói chi đến một chuyến đi xa. Sau 1975, chả hiểu sao, bề trên
vội vàng cho hàng triệu quân nhân về quê càng nhanh càng tốt. Họ về nhà với
những con búp bê mắt nhắm mắt mở bằng nhựa tái chế đen thui, người khá hơn thì
có thêm cái khung xe đạp đểu làm bằng tôn mỏng.
Họ để lại sau lưng những nhà
cao cửa rộng, biệt thự xe hơi, vàng bạc hột xoàn, đất đai mênh mông, những thứ
có được do máu của chính họ đổ ra, và rồi thế vào đó là những người tiếp
quản, những người “xây dựng, phát triển” từ hậu phương, các hạt giống đỏ từ các
nước xã hội chủ nghĩa tràn về tiếp nhận, sử dụng. Họ chẳng màng, ngày ấy các sĩ
quan dạy lính tráng rằng ai lấy chiến lợi phẩm trước sau cũng bị chết, hay nói
đúng hơn có màng cũng không đến lượt, những chủ nhân mới tiếp quản cơ ngơi đồ
sộ ấy cũng chẳng cần biết ai mang lại cho họ những thứ đó, bởi đơn giản là họ
hiểu đó là tiêu chuẩn, chế độ được hưởng, vậy thôi.
Rất, rất nhiều người trong
số chủ nhân mới ấy, trước đó chỉ là những tay làng nhàng, vớ vẩn, thậm chí cực
hèn nhát, bỏ ngũ, cơ hội, bị kỷ luật nay tự nhiên có ghế, được biếu không một
đống của cải, vào thời sốt đất có nhiều anh bán được cả nghìn cây vàng, xem ra
làm cách mạng cũng có số. Khi còn sống, danh tướng, Thượng tướng Trần Văn Trà
có một câu nói nổi tiếng mà có quá nhiều vị không thích đó là “nói cho cùng thì
tất cả những chiến công hiển hách đều thuộc về những người lính bình thường
nhất”, nhưng có một vế sau không ai nói đến là “nhưng lợi ích và chiến lợi phẩm
mà cuộc chiến đó mang lại thì không thuộc về những người bình thường nhất”.
Đọc đến đây tôi khựng lại, lưu ý ở chỗ “Họ để lại sau lưng
những nhà cao cửa rộng, biệt thự xe hơi, vàng bạc hột xoàn, đất đai mênh mông
mông, những thứ có được do máu của chính họ đổ ra.”
À, thì ra lý do để đổ máu là thế! Là “những nhà cao cửa rộng,
biệt thự xe hơi, vàng bạc hột xoàn, đất đai mênh mông mông,” của Miền Nam.
Và theo suy nghĩ của ông Hòa thì “những thứ có được” đó không phải
là tài sản, là mồ hôi nước mắt của người Miền Nam, kẻ thua cuộc trong cuộc
chiến, mà là từ “máu” của đồng đội ông, những thành viên của đội quân Miền Bắc,
kẻ thắng cuộc.
Đọc xong đoạn này, tôi không khỏi có ý nghĩ rằng cái “ưu tư ngày
30-04” này là ưu tư của một kẻ cướp không được đồng bọn chia chác đồng đều, bị
chơi cha, chơi gác, sau mẻ cướp.
Lâu nay, tôi thấy những “ưu tư”, “phản tỉnh” nhuốm màu cay đắng
kiểu này xuất hiện rất nhiều, ngày càng nhiều. Chúng được nhiều người từng là
chiến binh của lực lượng quân đội miền Bắc, và nhất là những người trong Mặt
trận Giải phóng Miền Nam, đã tham dự vào cuộc chiến, bộc bạch trong lúc họ nói
thật lòng. Chính những ý nghĩ trung thực (mà ngô nghê) này đã xóa sạch ý nghĩa
“cuộc chiến tranh thần thánh; chống Mỹ cứu nước; giải phóng, bảo vệ đất nước”
mà phía cộng sản miền Bắc tuyên truyền với họ.
Sự thật ở đâu?
Chính đây là những sự thật nhỏ, góp lại thành sự thật lớn: cuộc
chiến tàn bạo, phi nghĩa, xuất phát từ một bên; để lại hậu quả là một vết
thương chẳng thể nào lành, và vắt kiệt sinh lực của dân tộc!
***
Còn tôi, tôi thấy ngày tàn của cuộc chiến đó như thế nào ư? Tôi
thấy nó qua tấm ảnh này:
Ngày 23/04/1975, đúng 39 năm trước, một người cha gánh đứa con nhỏ
và một mớ đồ ít ỏi, từ Trảng Bom, chạy về hướng Sài Gòn. Tôi tự hỏi cậu bé trên
lưng cha, hiện nay đã là một người trung niên trên 40 tuổi, còn sống hay không?
Giờ này cậu như thế nào? Trong hôm đó mẹ cậu ở đâu?
Và, quý ông Hòa kia ơi, ngoài những thứ chiến lợi phẩm: những nhà
cao cửa rộng, biệt thự xe hơi, vàng bạc hột xoàn, đất đai mênh mông mông như
ông vừa kể, thì Miền Nam còn có thứ tài sản trên đầu đòn gánh của người cha
trong tấm hình này mà các ông đã bỏ quên.
Nó là: số phận của những con người!
Sài Gòn, 23/04/2014
© 2014 Nam Đan & pro&contra
nguồn: http://www.procontra.asia/
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment