07/11/12
|
“Barack Obama tập
2″: “Một tương lai nghiệt ngã”
Vào khoảng 11.30 PM, tối ngày thứ Ba, ngày 6/11, giờ miền Trung Hoa Kỳ, khi CNN xác nhận Barack Obama giành chiến thắng tại tiểu bang “swing states” Ohio, tất cả những hy vọng, hồi hộp của tôi về cơ hội vào Tòa Bạch Cung của Mitt Romney, tan biến.
Game over! Bởi vì trong lịch sử bầu cử Mỹ, chưa vị Tổng thống Cộng Hoà (CH) nào giành được chiến thắng mà thiếu chiến thắng ở Ohio, một tiểu bang được xem là phản ánh trung dung nhất tâm trạng cử tri Mỹ. Chưa kể là vào thời điểm này Obama đang dẫn với khoảng cách lớn về số phiếu đại cử tri đã qua kiểm phiếu, chứ không phải qua khảo sát exit poll, sau khi đã thắng ở những nơi quan trọng như Pensyvalnia (20 phiếu), Wisconsin (10 phiếu) và New York (29 phiếu).
Rốt cuộc rồi cũng kết thúc một cuộc bầu cử tốn kém nhất lịch sử bầu cử Mỹ từ trước đến nay, mang đầy kịch tính. Hai đối thủ chạy đua không khoan nhượng tới phút cuối cùng, kết quả ngang ngửa, khó lường, từ sự hơn hẳn của Romney lúc khởi đầu kiểm phiếu cho đến phút chiến thắng của Obama.
Cô bé 4 tuổi, Abigail Evans, ngôi sao của Internet trên videoclip với hơn 7 triệu lượt người xem, từ hôm nay có thể vui vẻ ngồi vào lòng mẹ, không còn phải khóc vì mệt mỏi bởi “Bromco Bama và Mitt Romney” nữa!
Lúc 12 giờ đêm, ngày 6/11, Mitt Romney đã gọi điện thoại chúc mừng chiến thắng của Obama, theo thông lệ ứng xử rất văn hoá và tinh thần mã thượng trong bầu cử nước Mỹ.
Romney cũng kêu gọi sự hợp tác đặt lên trên những khác biệt, chia rẽ trong “thời điểm khó khăn”. – “Tôi cùng với tất cả cầu nguyện cho Barack Obama và cho đất nước của chúng ta. God bless America!” – Romney nói.
Barack Obama đã chiến thắng với tỷ số 303 – 206 về số phiếu đại cử tri và vượt trội hơn cả về số phiếu phổ thông.
Tôi là người đã ủng hộ Mitt Romney, nhưng cử tri nuớc Mỹ đã chọn Barack Obama, mà theo CNN, nhờ vào sự ủng hộ lớn của cử tri thuộc các sắc tộc thiểu số, phụ nữ và cử tri trung dung. Cử tri da trắng ủng hộ Romney tới 89%, trong khi chỉ 56% cho Obama, theo thông báo của Mark Murray từ NBC.
Và vì Mitt Romney và Barack Obama là hai khuôn mặt thể hiện hai cái nhìn khác nhau của nước Mỹ. Nên trong trường hợp Mitt Romney thắng, chúng ta sẽ có nhiều thứ để bàn, để nhận định và dự đoán, bởi tất cả còn nằm ở phía trước cùng với lời hứa của Romney “muốn dẫn nước Mỹ tới tương lai”.
Nhưng chiến thắng thuộc về Obama, người chúng ta đã hiểu biết qua 4 năm của nhiệm kỳ đầu tiên.
Vì thế tôi quay lại những gì mà Obama đã hứa và những gì mà ông cho rằng còn làm dang dở, cần thêm một nhiệm kỳ nữa để kết thúc. Và đây cũng là thông điệp của ông chuyển tới cử tri trong chiến dịch tranh cử, được nhiều ủng hộ viên đồng tình.
Theo trang web politifact.com, trong bốn năm qua Obama đã đưa ra hơn 500 hứa hẹn lớn nhỏ. Ông giữ lời được 38%, thực hiện bằng thỏa hiệp 15%, và 17% không giữ lời. Một phần các dự án của ông bị mắc kẹt trong quá trình lập pháp hoặc vẫn còn trong giai đoạn chuẩn bị. Dưới đây là 10 lời hứa quan trọng.
1. Công ăn việc việc làm
Tổng thống cam kết sẽ tạo việc làm mới và ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp. Khi ông nhậm chức, tỷ lệ thất nghiệp là 10%. Trong tháng 9/2012 giảm xuống ở mức thấp kỷ lục 7,8%, tình từ thời gian đó, mặc dù những người bi quan hoài nghi dữ liệu không trung thực.
Năm ngoái, Obama đưa ra một dự luật phân bổ số tiền lớn khoảng 500 tỷ USD để tạo công ăn việc làm, nhưng gặp phải khó khăn từ phía đảng Cộng Hòa, những người cho rằng bơm tiền vào thị trường lao động không phải là cách để chống lại thất nghiệp và đi ngược với lời hứa cắt giảm chi tiêu.
2. Thuế
Obama hứa bãi bỏ ưu đãi thuế cho giới giàu có được thông qua bởi cựu Tổng thống George w. Bush. Tuy nhiên, trong năm 2010, ông chấp nhận sự thỏa hiệp áp dụng hệ thống thuế hiện tại thêm hai năm. Chúng ta chưa biết tổng thống sẽ làm gì với nó trong nhiệm kỳ thứ hai này.
3. Nhà ở
Obama đã hứa thành lập một quỹ đặc biệt giải nén từ sự sụp đổ tài chính của người Mỹ lâm cảnh nợ nần. Ông đề xuất chi tiêu 10 tỷ đô la. Ngay sau khi nhậm chức Obama đã chi cho mục đích này nhiều hơn, 75 tỷ đô la, nhưng dự án của ông không mang lại hiệu quả. Chỉ khoảng nửa triệu gia đình đưởng hưởng lợi. Sự sụp đổ trên thị trường bất động sản vẫn đang tiếp diễn, và đề án này được các nhà bình luận xem là thất bại lớn nhất về lập pháp của Obama.
4. Nhập cư
Trong năm đầu tiên, chính phủ Obama hứa sửa đổi toàn diện các quy định về vấn đề người nhập cư. Nhưng nó đã không diễn ra và làm thất vọng người gốc Latinos, nhóm dân tộc lớn thứ hai ở Mỹ (16,7%). Obama cũng thất bại trong việc thực hiện lời hứa được gọi là “Dream Act”, tạo cơ hội dễ dàng hơn trong việc nhập quốc tịch đối với trẻ em của những người nhập cư bất hợp pháp. Công việc cho dự luật này của ông vẫn đang tiến hành.
5. Cấm tra tấn tù nhân và đóng cửa Guantanamo
Trong năm 2008 Obama hứa hẹn “Tôi sẽ chấm dứt việc tra tấn, không có bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào”. Tổng thống đã thực hiện hứa hẹn này không chậm trễ. Hai ngày sau khi nhậm chức ông đã ký một sắc lệnh về việc sử dụng tra tấn. “Các tù nhân trong mỗi tình huống nên được đối xử nhân đạo và với nhân phẩm” – Obama viết. Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, không phải là lời nói suông. Việc tra tù nhân thực sự chấm dứt.
Biểu tượng tra tấn tù nhân là căn cứ tại Guantanamo, ở Cuba, vẫn đang hoạt động, mặc dù Obama luôn nói ông muốn đóng cửa. Hiện nay, chưa tìm thấy một phương thức nào thúc đẩy để quốc hội thông qua. Nhà tù tại Guantanamo có từ thời của George w. Bush sau cuộc tấn công của quân khủng bố vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 và cuộc chiến Afghanistan.
6. Chiến tranh chống khủng bố
Obama đã hứa sẽ bắt được Osama bin Laden, kẻ chịu trách nhiệm về vụ khủng bố vào Trung tâm Thương mại Thế giới. Trong tháng 5/2011, các binh sĩ SEALS đã giết chết tên trùm khủng bố này tại cứ địa Abbotabad của hắn ở Pakistan.
7. Kết thúc chiến tranh ở Iraq
Trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, Obama đã gặp gỡ các chỉ huy quân đội tại Iraq và tuyên bố quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Iraq hoàn toàn. Những lính Mỹ cuối cùng đã rời Iraq vào năm 2010.
8. Cải cách hệ thống y tế
Cải cách của hệ thống bảo hiểm y tế là dự án đỉnh của Obama trong năm 2008. Ông giữ lời và cải cách của ông cho phép 30 triệu người Mỹ được bảo hiểm, chủ yếu là những người có thu nhập thấp. Cuộc cải cách cũng đảm bảo sự đối xử bình đẳng của các công ty bảo hiểm.
9. Chấm dứt xung khắc chính trị
Obama muốn các dân biểu ở Washington làm việc đứng trên khác biệt, chia rẽ. Thay vì đảng Cộng Hòa hợp tác với đảng Dân Chủ, là cuộc xung khắc chính trị cay đắng trong suốt ba năm.
10. Quyền lợi của Gay và lesbian (LGBT)
Tổng thống hứa chấm dứt phân biệt đối xử giới tính, hợp pháp hoá quan hệ đối tác cùng giới tính và bảo đảm cho các cặp vợ chồng đồng tính quyền lợi tương tự như trong hôn nhân bình thường. Những lời hứa hẹn đã không được đáp ứng hoàn toàn, nhưng Obama vẫn thể hiện sự ủng hộ cho sự bình đẳng của giới LGBT. Ông đã thành công bãi bỏ chính sách “không hỏi, không nói”, dẫn đến thực tế là đồng tính nam, nữ không còn phải che giấu định hướng của mình, nếu họ muốn tham gia quân đội. Ông cũng định ra đạo luật phạt hình sự cho khuynh hướng căm thù, phân biệt đối xử với giới LGBT.
Một nhiệm kỳ khó khăn
Cử tri Mỹ đi bầu Mỹ năm nay nhìn vào bóp đựng tiền của mình, tức là nghĩ nhiều nhất đến chuyện cơm gạo, áo tiền mà suy tính xem ứng viên nào có thể đáp ứng tốt hơn.
Bởi vì chính sách đối ngoại của Mỹ có truyền thống hoạch định dài hạn, sẽ ít có thay đổi lớn, bất kể chủ nhân Toà Bạch Cung thuộc Cộng Hoà hay Dân Chủ. Nước Mỹ luôn biết thích ứng với thế giới thay đổi và trong thực tế hiện nay, ai cũng thấy Mỹ hướng quan tâm tới châu Á, và Trung Quốc nói riêng, nhiều hơn so với châu Âu, khu vực có cảm giác đã bị Washington bỏ rơi.
Kinh tế vẫn là là thách thức lớn nhất đối với Obama trong 4 năm tới. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp như đã nói ở trên, theo thống kê chính thức, giảm xuống dưới 8%, nhưng mặt bằng vẫn cao, ở một số bang có những nơi vượt quá 25%.
Khi Obama nhậm chức Tổng thống, thâm hụt ngân sách nằm ở biên độ 10 ngàn tỷ đô la, và bây giờ bắt đầu nhiệm kỳ hai, đã vượt quá 16 ngàn tỷ và có xu hướng tăng lên đều đặn. Chắc chắn in tiền không phải là cách thức tốt để cải thiện nền kinh tế.
Gói kích hoạt 787 tỷ đô la mà Obama đã bơm vào nền kinh tế trong nhiệm kỳ đầu đã giúp giảm thiểu những tác động của cuộc khủng hoảng, nhưng viễn cảnh của lối ra từ suy thoái rất chậm.
Mặc dù tái đắc cử, nhưng hình ảnh Barack Obama không còn là thần tượng của văn hóa pop nữa. Sau 4 năm, nước Mỹ vẫn tiếp tục trải qua một trong những khoảnh khắc khó khăn nhất của lịch sử hậu chiến.
Thực tế mà vị tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ đã, đang và sẽ phải vật lộn, không hề tỏa màu sắc tươi sáng.
Nếu 4 năm trước đây trong chiến dịch tranh cử và sau khi thắng cử, ngập tràn sự thỏa mãn, kỳ vọng và phấn chấn, thì nước mắt của Barack Obama chảy trong cuộc mít tinh gặp gỡ cử tri vào giờ chót trong tối thứ hai ngày 5/11 tại Des Moines, Iowa, cho thấy tất cả. Tôi không tin nước mắt của ông chảy chỉ vì xúc động, mà là sự kết hợp của tâm trạng từ một cuộc chạy đua quá khó khăn, mệt mỏi, tốn kém và những cam kết với cử tri nhiệt tình có thể lại không thể đáp ứng.
“Sueddeutsche Zeitung”, nhật báo tiếng Đức và tiếng Pháp trong ngày thứ Tư, 7/11, viết rằng chiến thắng của Obama là chiến thắng không đầy đủ và toả sáng. Đối thủ tiếp theo của Barack Obama sẽ là một “tương lai nghiệt ngã” của nuớc Mỹ.
Người Mỹ đã chọn ông không phải vì họ tin rằng ông là tổng thống giỏi và đáng tin cậy trong bốn năm qua. Người Mỹ chắc chắn đã sẵn sàng từ bỏ ông, nhưng lại không sẵn sàng thuê Mitt Romney. Hình ảnh của ứng viên Cộng hòa là quá xấu trong mắt họ – “SZ” viết.
Trong suốt chiến dịch cuộc bầu cử Obama đã không tiết lộ ông có ý định làm gì cụ thể trong bốn năm tới. Những việc gì cần phải làm thấy rõ như lòng bàn tay. Từ cơ sở hạ tầng công cộng, mạng lưới năng lượng, đến hệ thống cầu đường, y tế, giáo dục, và hệ thống thuế trong tình trạng bi đát. Điều này có hậu quả cho toàn bộ xã hội” – “SZ” nhận định.
- “Obama đã xúc tiến một cuộc vận động không toả sáng, chiến dịch được định hình bằng cuộc tấn công vào tính cách đối thủ hơn là niềm tự hào từ các thành tích của mình”. “Obama đã giành được đa số cử tri, nhưng chỉ là “đa số nhỏ”, nếu nói chung về số phiếu của tất cả người Mỹ”- Tuần báo lớn và uy tín của Đức “Spiegel’ đánh giá.
“Thông điệp đơn giản trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai của Obama là: ”Hãy chọn tôi, bởi vì tôi đã không có đủ thời gian để hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn” – “Spiegel” viết.
Tờ cánh tả Pháp “Liberation” chạy tít cực lớn “YES!”, bên cạnh cho thấy hình Barack Obama với một nụ cười cứu trợ trên khuôn mặt. – “Chúng ta đã lấp đầy dạ dày qua sự lo sợ của ông. Nhưng Obama đã thắng trong trận chiến, mà những người bị đánh bại là Sarkozy, Berlusconi, Zapatero, Brown”. Tờ báo không giấu giếm cảm tình cho ứng viên Dân chủ. – “Người Mỹ thích lựa chọn một đáp số không hoàn hảo, và thậm chí những dự án không chắc chắn của Tổng thống đương nhiệm, hơn là mạo hiểm với nền kinh tế “voodoo” của đối thủ Cộng Hòa”.
Bằng tiêu đề “Barack Obama, tập 2″, gợi nhớ tới serial truyền hình Mỹ nổi tiếng, tờ trung hữu Pháp “Le Figaro” mừng Obama tái đắc cử. Tờ báo viết rằng, tái đắc cử một lần nữa, Obama được nhìn nhận hài lòng ở khắp châu Âu, mặc dù không còn nhiều hy vọng ở ông như trong chiến thắng đầu tiên năm 2008.
Nhật báo Công giáo “La Croix” bình luận về nhiệm kỳ thứ hai cho Obama rằng: “Bốn năm nhiều hơn, một giấc mơ ít hơn “. ”Obama đã làm chán nản những người nhìn thấy ở ông hy vọng khắc phục những chia rẽ, khởi đầu của một “New Deal”, xóa đi bất bình đẳng, phục hồi nền kinh tế và sự thay đổi sâu sắc vai trò của nước Mỹ trên thế giới” – nhật báo viết. Nhật báo cho biết thêm rằng, tuy nhiên, “vẫn còn sự mong đợi thay đổi với thương hiệu Barack Obama, mặc dù chính sách của ông tỉnh táo hơn và khiêm tốn trước các mục tiêu đặt ra”.
Lời kết
Chúng ta đã chờ đợi một cuộc cách mạng ở Barck Obama, vị tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Điều đó đã không xảy ra trong “Barack Obama tập 1″.
Tôi càng không tin sẽ có cuộc cách mạng trong “Barack Obama tập 2″, khi mà chiến thắng của Obama như dư luận phân tích, chẳng mấy hào quang, chỉ hơn đối thủ 1-1,5% số phiếu, tức khoảng vài trăm ngàn phiếu, cho dù lời chúc mừng tái đắc cử gửi tới ông tràn ngập từ khắp thế giới, trong đó có cả từ Iran và từ quân Taliban ở Afghanistan.
Đa số quốc hội thuộc đảng Cộng Hoà có lý do “chính đáng” để không hỗ trợ tích cực Obama thực hiện các ý tưởng của mình, chí ít là giúp ông kết thúc những điều đang làm dở, như ông nói. Barack Obama sẽ không có nhiều khoảng trống tự do để dụng võ, thi thố.
Và vì thế, lựa chọn Barack Obama, người Mỹ chọn “một tương lai nghiệt ngã” như nhật báo Đức nhận định. Một nước Mỹ sẽ khó tiến về một ngày mai tươi sáng trong 4 năm tới. Tất cả sẽ phụ thuộc vào tài năng hợp tác của Tổng thống Obama với đảng Cộng Hoà, một việc làm không mấy dễ dàng.
Mong rằng, lời của Tổng thống Barack Obama trong bài phát biểu đầu tiên sau khi tái đắc cử, sẽ trở thành thực tế:
“Hãy có niềm tin, khi mỗi người trong chúng ta thực hiện ước mơ riêng của mình, tất cả chúng ta là một gia đình Mỹ, cùng đứng lên, ngã xuống, như là một quốc gia và một dân tộc”.
God Bless America!
Ngày 7/11/2012
© 2012 Lê Diễn Đức
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment