Wednesday, November 7, 2012

Trò dàn dựng “nhận tội, xin khoan hồng” cũ rích hoàn toàn bị phá sản


 

 04/11/12 |

Trò dàn dựng “nhận tội, xin khoan hồng” cũ rích hoàn toàn bị phá sản



Nguyễn Phương Uyên với biểu ngữ có dòng chữ viết bằng máu: "Tàu Khựa cút khỏi biển Đông".

Ngày 3/11/2012, công an thành phố Sài Gòn kết hợp với công an tỉnh Long An họp báo về việc bắt giữ Nguyễn Phương Uyên, 20 tuổi, nữ sinh viên năm thứ ba thuộc trường đại học Công nghệ Thực Phẩm Sài Gòn.

Nguyễn Phương Uyên bị công an tạm giam điều tra với cáo buộc “vi phạm Điều 88, Bộ luật Hình sự nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) về tội tuyên truyền chống Nhà nước”, cùng Đinh Nguyên Kha, vì đã “rải truyền đơn có nội dung chống phá Nhà nước VN tại cầu vượt Quang Trung (quận 12, Sài Gòn)” – theo thông tin từ cuộc họp báo.

Như vậy, các tuyên bố từ buổi họp báo này phải được xem là quan điểm chính thức của nhà đương cục CSVN.

Dối trá chính danh!

Trong cuộc họp báo, Nguyễn Sáu, đại tá, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Long An, khẳng định:

“Chúng tôi thực hiện đúng thủ tục tố tụng. Một ngày sau khi khởi tố và bắt tạm giam bị can Nguyễn Phương Uyên, cơ quan điều tra gửi thông báo cho gia đình Uyên ở Bình Thuận. Từ lúc cơ quan điều tra gửi thông báo gia đình bị can Uyên nhận phải mất vài ngày chứ không phải không thông báo như một số thông tin trên mạng đã nêu”.

Một người có cấp bậc đại tá, tuyên bố truớc công luận lẽ ra phải hội đủ sự thuyết phục dưới góc độ pháp luật, nhưng đại tá Sáu đã bộc lộ, hoặc là một người khoác mã đại diện pháp luật nhưng trong não bộ trống rỗng kiến thức về pháp luật, hoặc là một kẻ trơ tráo, vô liêm sỉ và coi thường dư luận. Một sự dối trá chính danh, được ký tên đóng dấu!

Từ điều 80 đến điều 86, Chương VI, Bộ luật Tố tụng Hình sự (LTTHS) năm 1992 (bổ sung năm 2003) quy định cụ thể về các trường hợp bắt và tạm giữ người, kể cả trong trường hợp bắt khẩn cấp.

Điều 80 – Bắt bị can, bị cáo để tạm giam

1. Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam:

a) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;

b) Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;

c) Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử;

d) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

2. Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu.

Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt.

Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người. (…)

Điều 84 – Biên bản về việc bắt người

1. Người thi hành lệnh bắt trong mọi trường hợp đều phải lập biên bản.

Biên bản phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh bắt, những đồ vật, tài liệu bị tạm giữ và những khiếu nại của người bị bắt.

Biên bản phải được đọc cho người bị bắt và những người chứng kiến nghe. Người bị bắt, người thi hành lệnh bắt và người chứng kiến phải cùng ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên.

Việc tạm giữ đồ vật, tài liệu của người bị bắt phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này.

2. Khi giao và nhận người bị bắt, hai bên giao và nhận phải lập biên bản.

Ngoài những điểm đã quy định tại khoản 1 Điều này, biên bản giao nhận còn phải ghi rõ việc bàn giao các biên bản lấy lời khai, đồ vật, tài liệu đã thu thập được, tình trạng sức khoẻ của người bị bắt và mọi tình tiết xảy ra lúc giao nhận.

Tất cả những quy định trên đây đều đã bị công an chà đạp thô bạo trong trường hợp Nguyễn Phương Uyên.

Nguyễn Phương Uyên bị bắt cùng ba bạn khác sống chung tại phòng trọ vào lúc hơn 11 giờ sáng ngày 14/10.

Lực lượng công an gồm khoảng chục người vừa mặc sắc phục, vừa thường phục, áp giải Phương Uyên và ba bạn cùng phòng tới đồn công an phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, Sài Gòn, chỉ nói là để xác minh một số vấn đề.

Ba bạn cùng phòng trọ được trả về là những nhân chứng sống trong việc công an bắt giữ Phương Uyên và “mất tích” luôn sau đó.

Dư luận sôi động về sự “mất tích”, “bắt cóc”, bởi vì khi gia đình của Phương Uyên và bạn học tới công an phường Tây Thạnh hỏi thăm thì được công an trả lời không biết gì về vụ việc và không bắt giam ai cả!? – Chị Nguyễn Thị Nhung, mẹ của Phương Uyên, hoang mang kể lại với BBC Việt ngữ.

Vào ngày 19/10, trong khi vẫn bặt âm vô tín từ phía nhà chức trách, thì cộng đồng mạng đã loan báo Phương Uyên đang bị giam ở buồng số 12 (trong một phòng cùng với hơn 10 phạm nhân khác) tại nhà giam của Công an quận Tân Phú, địa chỉ 516/4 – 615/4 đường Bình Long, phường Tân Quý, quận Tân Phú, Sài Gòn.

Mãi đến ngày 20/10, tức 6 ngày sau khi Phương Uyên bị bắt, Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an tỉnh Long An, mới ra Thông báo Số 3 do Thượng tá Nguyễn Thanh Sơn ký, gửi gia đình Phương Uyên về việc bắt giữ Phương Uyên vì “có hành vi tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCNVN” và cho biết nơi Uyên bị giam là “trại tạm giam công an tỉnh Long An, số 159 đường Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Tân An, tỉnh Long An”.

Rõ ràng thực tế đã diễn ra khác hoàn toàn với tuyên bố “thực hiện đúng thủ tục tố tụng. Một ngày sau khi khởi tố và bắt tạm giam bị can Nguyễn Phương Uyên, cơ quan điều tra gửi thông báo cho gia đình” của đại tá Nguyễn Sáu trong cuộc họp báo. Tuyên bố/khẳng định này không gì khác hơn là sự ma giáo, đổi trắng thay đen trắng trợn, bằng hành động cũng như ngôn từ.

Gắp lửa bỏ tay người

Một sự bất tín, vạn sự bất tin. Sự ma giáo, đổi trắng thay đen trắng trợn của người đứng đầu Cơ quan an ninh điều tra trong cuộc họp báo, cho thấy toàn bộ kịch bản nhuốm màu sắc bất lương ngay từ đầu.

Từ đó, người ta không thể không nghi ngờ về những cái gọi là “tang vật thu được của vụ án gồm hơn 700 truyền đơn và cờ của chế độ Ngụy quyền, hơn 2kg hoá chất tạo thuốc nổ cùng một số tang vật khác” và “trong vụ án còn một số dấu hiệu của tội khủng bố”

Trước hết, một điều quá dễ hiểu rằng, công an sẽ không có gì khó khăn khi muốn tạo dựng tang vật. Bởi vì công đoạn khám xét nơi ở của Nguyễn Phương Uyên cũng đã diễn ra mờ ám, trái pháp luật.

Điều 141 Bộ LTTHS sự quy định:

”Khi khám chỗ ở phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến; trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến”.

Không tuân thủ các quy định trên, công an đã tuỳ tiện về phòng trọ của Phương Uyên lục soát, mặc sức làm mưa làm gió, cho nên không thể loại trừ khả năng công an đã chơi trò “gắp lửa bỏ tay người”. Để biến một cô gái sinh viên thơ trẻ, học giỏi, hiền lành, được bạn bè quý mến, thành một tên khủng bố, chỉ cần quẳng vào hiện trường vài ký thuốc nổ hay vũ khí, lập biên bản xác nhận với nhau, rồi có thể công bố có trong tay “tang vật”!

Những tang vật mang tính lưu manh, giả trá này không giá trị pháp lý, khi việc khám xét bất chấp các quy định của pháp luật, không có sự hiện diện của người trong cuộc và nhân chứng khách quan.

Trong một cuộc họp báo, theo thông lệ, nguời ta thường chứng minh cho công luận thấy “tang vật” thu được bằng cách thức nào, ở đâu, trong bối cảnh nào. Đã không hề thấy động tác này trong cuộc họp báo hôm 3/11. Chỉ thấy kiểu lấy thịt đè người, đăng lấy được trên các báo lề đảng.

Sự thất bại của màn dàn dựng

Kịch bản dàn dựng của nhà cầm quyền CSVN buộc những người yêu nước, những người bất đồng chính kiến, tranh đấu dân chủ trong hoàn cảnh lao tù phải đọc bản nhận “tội”, “xin khoan hồng”, đã quá nhàm trong con mắt dư luận. Còn trong trường hợp của nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên nhà cầm quyền CSVN đã hoàn toàn thất bại.

Hình ảnh nhận”tội” của Phương Uyên trên TV và các phương tiện truyền thông lề đảng đã không giúp đuợc gì nhà cầm quyền ý đồ bôi xấu, hạ nhục những người yêu nước, mà chỉ làm dư luận căm phẫn, khinh miệt thêm thái độ hèn nhát, ác độc của kẻ mạnh trước người yếu thế, bị huỷ diệt mọi khả năng lựa chọn trước các đòn khủng bố và đe doạ.

Chúng ta đã chứng kiến phản ứng của dư luận trong trường hợp “nhận tội”, “xin khoan hồng” vào tháng 6 năm 2009 của Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Kim Anh. Vì họ là những người ở tuổi từng trải, có lý tưởng, dấn thân cho các hoạt động dân chủ, giữ vai trò nhất định trong tổ chức chính trị (đảng Dân Chủ), nên dư luận đã có những luồng đánh giá khác nhau, hoặc cảm thông, hoặc bất bình, gây tranh cãi. Thậm chí bà Trần Thị Huệ, em gái ông Trần Anh Kim, nói về hành động “nhận tội” của anh trai rằng “Chết vinh còn hơn sống nhục. Đã thấy việc mình làm là đúng, thì dù có chết, cũng không nên làm như thế”, và nhìn hình ảnh anh trai xin khoan hồng, bà cảm thấy “mất mát trong lòng“. Bài viết của tôi lúc bấy giờ “Những nhà dân chủ thich sống nhục” trên diễn đàn Talawas của nhà văn Phạm Thị Hoài đã gây nên tranh luận sôi động và gay gắt.

Nhưng, với Nguyễn Phương Uyên, tình cảm dành cho cô sinh viên mới ở tuổi 20, dường như nhất quán. Đó là sự chia sẻ, thông cảm sâu sắc. Những người hiểu biết, trong đó có cả những người vốn né tránh các chuyện chính trị nhạy cảm, đều thương mến Phương Uyên nhiều hơn cả trước khi cô gái “nhận tội”. Người ta thấy ở Phương Uyên hình ảnh của một con gà con ngơ ngác giữa một bầy diều hâu hung dữ.

Những “tội” mà Phương Uyên “nhận” được nhà cầm quyền trưng ra, show off, đã chẳng gây nên chút ấn tượng nào. Những người có lương tri, sáng suốt, nhìn thấy một trò hạ cấp, lố bịch. Trò này chỉ có thể lừa mị được những kẻ ngốc nghếch, hoặc kích dâm chính trị đám sai nha bệnh hoạn “đang tâm làm tay sai cho Tàu”.

Phản ứng của người thân trong gia đình Phương Uyên cũng rõ ràng, dứt khoát. Trả lời BBC Việt ngữ trong ngày 4/11, ông Nguyễn Duy Linh, cha của Phương Uyên, không tin vào những gì mà con gái ông bị cáo buộc hay “nhận tội”. Ông bày tỏ lòng “cảm phục” và “hãnh diện” về con gái, hiểu được con gái bị tù tội chỉ vì lòng yêu nước, chống xâm lược Trung Quốc, và cho rằng, kịch bản dàn dựng “nhận tội” không gì khác hơn là hành động của nhà cầm quyền nhằm mục đich răn đe, dập tắt tinh thần yêu nước trong giới sinh viên, học sinh.

Nhà văn Phạm Đình Trọng ngày 05/11/2012 trong bài “Cần lên tiếng tiếp về vụ Phương Uyên” gửi giáo sư Nguyễn Huệ Chi và giáo sư Tương Lai, những người nằm trong danh sách 144 vị nhân sĩ, trí thức ký tên trong thư khẩn cấp gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị trả tự do cho Nguyễn Phương Uyên, viết:

- “Nhiều công dân lớn tuổi đã mang cả cuộc đời làm việc ra cống hiến cho Đảng và Nhà nước này khi ký Kiến nghị về những vấn đề của xã hội còn bị công an đến tận nhà truy hỏi, bắt rút tên khỏi Kiến nghị thì các cháu sinh viên non nớt sau khi bị cả một hệ thống quyền lực đang nắm vận mệnh, tương lai các cháu đến truy hỏi, đe dọa, các cháu phải chối bỏ việc ký tên trong Thư gửi Chủ tịch nước kêu xin cho Phương Uyên là điều dễ hiểu.

Làm việc đó, cả hệ thống quyền lực, từ bộ Giáo dục Đào tạo, nhà trường đến công an, chính quyền địa phương đã vi phạm trắng trợn Quyền Công dân.

- Trong ngột ngạt nhà giam, trong phũ phàng đe dọa và trong ngọt ngào hứa hẹn, Phương Uyên phải viết lời nhận tội cũng là điều dễ hiểu.

- Điều này cũng tố cáo về cách điều tra làm án không lương thiện, phản sự thật, phản con người của công an”.

Lời kết

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, một nhà bất đồng chính kiến từng chịu bản án 5 năm tù, 3 năm quản chế, chỉ vì dịch bài “Thế nào là dân chủ” lấy từ trang web của đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt Nam, viết trên trang Facebook của mình:

“Một lần nữa cho thấy chính quyền độc tài luôn kiên trì để dựng bằng được chân dung của những người đang dấn thân vì tiến bộ hiện nay rút cục chỉ là những người bồng bột, kém chịu đựng, và/hoặc chỉ là những kẻ cực đoan bạo động muốn gây đổ máu mà thôi. Đây chính là hai mục tiêu nòng cốt nhằm làm tan rã một phong trào đấu tranh bất bạo động trong thời đại ngày nay, chứ không hẳn là những án tù dài dằng dặc hay những bạo lực tàn ác”.

”Một phong trào bị trấn áp thẳng tay bằng những án tù dài hay bạo lực tàn ác vẫn có thể phát triển và thành công, vì sự trấn áp luôn làm gia tăng thiện cảm, sự chia sẻ của công chúng cho phong trào và càng làm cho bộ mặt của chính quyền thêm phần khó chấp nhận”.

Hoàn toàn chính xác! Dư luận đã hiểu sâu rộng “mục tiêu nòng cốt” của nhà cầm quyền CSVN mà bác sĩ Phạm Hồng Sơn nói tới và mặt thật đểu cáng của trò hề dàn dựng, ép buộc “nhận tội, xin khoan hồng”.

Màn dàn dựng cũ rích, sặc mùi khủng bố con tin của tổ chức Al Qaeda, đã bị nhận diện và hoàn toàn phá sản. Rất rõ qua trường hợp cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên!

Ngày 5/11/2012

© 2012 Lê Diễn Đức – RFA Blog

 

 

 

 
 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link