Sunday, November 4, 2012

Còn cái gì “mới” để mà “đổi” nữa?!


THỨ BẢY, NGÀY 03 THÁNG MƯỜI MỘT NĂM 2012


Nguyễn Ngọc Già – Còn cái gì “mới” để mà “đổi” nữa?!



Trong khi tác giả Hoàng Kim yêu cầu Đừng bắt nông dân gánh “Chủ nghĩa xã hội treo”! [1] để phản đối quan điểm tối quan trọng hiện nay về quyền tư hữu đất đai – nằm gọn trong tay ĐCSVN, thì nhà báo Nguyên Hà đặt câu hỏi “Nợ của Việt Nam hiện như thế nào?” [2], trong đó các con số trở nên lùng nhùng, bất khả tín về cái gọi là “nợ xấu” của Việt Nam. ĐCSVN nợ nông dân quyền sở hữu tư nhân về đất đai, nợ “tiền” đối với bạn bè thế giới, họ nợ luôn cả toàn bộ dân tộc Việt Nam về Quyền Con Người mà họ cam kết mấy mươi năm qua. Họ nợ tất cả! Nợ trọn bộ, nợ toàn tập, nợ đủ kiểu vầ nợ đủ món. Tiếc thay, họ lại không chịu trả!

 

Mới đây, trong bài báo Quản DNNN: Hết nâng lên lại hạ xuống trang VNN cho biết [3]:

“Chính phủ lại dự kiến “trả” các DNNN lớn về cho các bộ quản lý. Trong khi đó, mô hình “bộ chủ quản DN” đã từng được nỗ lực chấm dứt để tách quản lý nhà nước khỏi chủ quản DN dường như đang quay lại”.

Cái mô hình bao cấp, ban phát, tròng tréo giúp cho nền quản lý lề mề, tùy hứng nẩy nở và giúp cho nạn tham nhũng tràn trề sinh sôi với “đặc thù” “giấy phép con” mà người Cộng sản kỳ công mất GẦN 20 NĂM để “trả nợ” cho môi trường “tự do kinh doanh”, giờ như đang chuẩn bị “đội mồ sống dậy” để tiếp tục quậy phá đất nước xơ xác này nhằm tạo ra những món nợ mới nữa?!

Người Cộng sản dường như đang xé phăng tất cả những gì mà họ đã cam kết bằng văn bản hẳn hòi khi được đứng vào hàng ngũ 150 thành viên của tổ chức WTO!!!

Không biết họ có chợt giật mình nhớ rằng, mới đó, thời gian đã thấm thoát mất 6 năm kể từ 7/11/2006 – cái ngày họ hồ hởi khi đàm phán thành công với bạn bè thế giới và khui sâm banh ăn mừng chiến thắng [4]???

Chẳng lẽ họ không nhớ khi đặt bút ký với thế giới?!:

Việt Nam chấp nhận bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong 12 năm (không muộn hơn 31/12/2018) [5].

Quả vậy, cho đến nay, chỉ có KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VÀ KINH TẾ PHI THỊ TRƯỜNG trên hành tinh này mà thôi. Hãy dẹp ngay cái quái thai “kinh tế thị trường định hướng XHCN” do Nguyễn Phú Trọng ấm ớ đẻ ra! Cái thứ “kinh tế thị trường” đầu Ngô mình Sở mà chẳng nước nào, chẳng chuyên gia nào có đủ “tài năng” để lý giải nó là cái giống gì!

Đó cũng là điểm phi lý mấu chốt mà giới cầm quyền Việt Nam phớt lờ khi đem so sánh bất kể tiêu chí/tiêu chuẩn kinh tế nào với thế giới. Chính nó đã làm khốn đốn, thậm chí là phải thúc thủ khi lý giải, phân tích, đề ra biện pháp giải quyết đối với bất kỳ kinh tế gia nào. Đó cũng làm bối rối và nan giải khi áp bất kỳ tiêu chuẩn quốc tế nào cho nền kinh tế Việt Nam, dám nào nói riêng về cái tiêu chuẩn “thế nào là nợ xấu” mà các chuyên gia đang cãi nhau chí chóe!

Thế nào gọi là “xấu”? Chỉ riêng cái cách gọi: “nợ xấu”, “nói xấu lãnh tụ”, “nói xấu nhà nước” đã chỉ ra tư tưởng quê mùa và ấu trĩ của người CS khi áp vào – dù cho thuộc phạm trù kinh tế hay phạm trù chính trị – cái tư tưởng rặt cảm tính đó đều như nhau!

Quản lý, điều hành nền kinh tế vĩ mô càng không có chỗ cho cảm tính, bởi đó là khoa học. Điều hành nào cũng cần có tiêu chuẩn rõ ràng của nó và kèm theo đó là sự trừng phạt nghiêm minh đối với nhà quản lý, mới mong có một nền kinh tế vận hành hữu hiệu.

Chẳng lẽ người CSVN không màng đến sự kiện Việt Nam là thành viên WTO? Chẳng lẽ “tư duy nhiệm kỳ” là cơ sở cho họ phản bác lại những gì cam kết với thế giới? Chẳng lẽ bảo rằng đó là chuyện của Phạm Gia Khiêm, của Trương Đình Tuyển, của Lương Văn Tự, họ đã ký và giờ họ đã rút lui, cho nên những người kế nhiệm không có trách nhiệm tuân thủ???!!!

Ăn nói sao với thế giới đây, khi những vụ kiện quốc tế về chống bán phá giá có nguy cơ xảy ra rất cao, một khi các “DNNN lớn” trở về dưới trướng của các Bộ với vốn kinh doanh là “tiền chùa”, với “xin – cho”, với “trợ cấp”? Bài học về kiện bán phá giá [6] như: cá basa, tôm, lốp xe máy, lốp xe đạp, giấy, thép, bao nylon v.v… còn đầy ra đó! Bài học về kiện tụng với món nợ như chúa chổm từ Vinashin cũng vẫn còn đó!

Nền kinh tế Việt Nam đâu phải là “cái bánh bông lan” to tướng, khi một mình Nguyễn Tấn Dũng “ăn ngập họng”, “ói lên ói xuống” đến chịu không nổi rồi xẻ bớt (cái bánh) cho các ông (bà) bộ trưởng khác “ăn phụ” nhằm sớt bớt “trách nhiệm ăn” và “trách nhiệm chịu”!

Người CSVN có bao giờ nghĩ về việc đối chiếu những quyết định của họ với cam kết WTO: cả hơn 10.000 dòng thuế, với hơn 300 trang tài liệu cam kết khác, cùng hơn 11 năm cam go đàm phán? Họ có tham khảo các chuyên gia kinh tế kỳ cựu trong những quyết định quan trọng như thế để tránh những thiệt hại trong những cuộc kiện tụng chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Việt Nam có thể đối mặt trong tương lai gần khi gắn kết với tình hình kinh tế bi đát hiện nay? Và cũng bởi “trợ cấp” hoàn toàn có thể “sống lại” khi các “DNNN lớn” trở về tay các bộ.

Cuộc “ăn chia” nếu xảy ra kỳ này, chỉ có khác một chút: trước, một mình Nguyễn Tấn Dũng “có ăn có chịu (sỉ vả)”; sau: chia đều cho các ông (bà) Bộ trưởng và cho ông Dũng. Khôn nhỉ? Đúng, khôn… lỏi! Đúng hơn, “tư tưởng” lưu manh!

Liệu sức khỏe nền kinh tế này còn đủ sức chịu đựng những cuộc kiện tụng quốc tế tầm cỡ Vinashin, nhưng lần này không phải do một mình Nguyễn Tấn Dũng gây ra, mà do các ông (bà) Bộ trưởng “phát huy truyền thống vẻ vang” từ ông Dũng để noi theo đẻ ra hàng loạt món nợ to tướng không kém? Ai dám nói điều này không xảy ra khi các DNNN tiếp tục xài “vốn chùa”?!

Muốn hay không, Việt Nam đã chấp nhận bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong 12 năm. Từ đây tới đó chỉ còn 6 năm nữa thôi! Sáu năm còn lại sẽ ra sao, khi “làm ăn” với thế giới mà cứ đi tới nước nào là “xin” nước đó công nhận Việt Nam có “nền kinh tế thị trường”? Làm ăn gì kỳ vậy? “Làm ăn” kiểu đó có cần kêu gọi “lòng tự trọng” như Nguyễn Tấn Dũng vừa kêu không?

Tại sao người CSVN cứ mãi loay hoay, hí hoáy “đổi mới”? Đổi “kiểu này” không xong quay ra “kiểu khác”, “kiểu khác” không xong lại quay về “kiểu này”. Một sự thụt lùi thậm nguy về mọi mặt, đặc biệt thụt lùi thảm hại trong tư duy kinh doanh chuyên nghiệp, mà bà Virginia Foot đã khuyến cáo [7]:

“Hiện nay Việt Nam có cách làm kinh doanh không giống ai, theo phương cách Việt Nam. Tiếp tục như thế, Việt Nam chỉ có thể làm việc với người Việt Nam mà thôi. Muốn làm ăn toàn cầu Việt Nam cần phải áp dụng cách thức làm ăn quốc tế”

Chưa đủ nhục nhã ư?

***

Người CSVN vẫn như một con bệnh “ăn chơi trác táng”, vừa muốn được chữa bệnh lại vừa không muốn khai tất cả các triệu chứng bệnh tật với bác sĩ, vì xấu hổ (!).

Rồi 2018 sẽ đến, nhanh thôi! Nếu chế độ độc đảng toàn trị vẫn còn tồn tại cho đến thời điểm đó, có thể nói dứt khoát, Việt Nam sẽ không tài nào thực hiện đúng cam kết hạn chót về nền kinh tế thị trường như đã ký.

Rồi sẽ ra sao? Việt Nam chẳng lẽ như đám lục bình trôi vật vờ và lờ phờ trên “dòng sông lơ đãng” hay “dòng sông đang lở”?!


 

 

 


__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link