Thursday, November 8, 2012

Lợi ích nhóm trong nền kinh tế Việt Nam


 


THỨ TƯ, NGÀY 07 THÁNG MƯỜI MỘT NĂM 2012


Lợi ích nhóm trong nền kinh tế Việt Nam


Nhân Khánh, thông tín viên RFA

2012-11-06

Với những bất ổn của kinh tế vĩ mô hiện nay, mâu thuẫn về quyền lợi giữa các nhóm lợi ích và đa số người tiêu dùng tại Việt Nam không ngừng trở nên gay gắt.


AFP photo

Một dự án bất động sản lớn tại Hà Nội chụp hôm 04/10/2012

 

Một hình thức tham nhũng


Từ hồi tháng 10 năm ngoái, trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 3, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến vấn đề lợi ích nhóm trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư ở Việt Nam.

Vấn đề lợi ích nhóm gần đây được nhắc đến ngày một nhiều. Mấy hôm trước đây, cụm từ này đã vang lên trong hội trường Quốc hội, khi Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, bà Lê Thị Nga đề cập đến ngành xăng dầu. Mỗi lần doanh nghiệp xăng dầu tăng, giảm giá đều có biểu hiện bắt tay ấn định giá, vi phạm luật cạnh tranh. Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cụ thể vấn đề giá xăng dầu hiện nay như sau:

Vấn đề giá xăng dầu, Việt Nam hiện nay đang thực hiện theo Nghị định 84 của Chính phủ. Trong lãnh vực kinh doanh xăng dầu, vẫn còn là một loại thị trường độc quyền, 3 công ty chiếm thị phần gần 90%. Trong bối cảnh chưa có một thị trường cạnh tranh thực sự, Nghị định lại quy định để cho doanh nghiệp độc quyền tự định giá. Khi giá thế giới tăng cao thì các doanh nghiệp này yêu cầu tăng ngay. Khi giá thế giới giảm, đặc biệt là giảm rất sâu, thì các doanh nghiệp này chần chừ không giảm. Trước áp lực của công luận, các doanh nghiệp này buộc mới giảm và giảm nhỏ giọt.

Trong thực tế hiện nay, biểu hiện của lợi ích nhóm trong kinh doanh xăng dầu thể hiện chỗ những tập đoàn này. Vì mục đích lợi nhuận, và do giữ vị thế độc quyền, các tập đoàn này không tăng giảm theo giá cả thế giới. Điều đó đang gây bất ổn về giá cả trong nền kinh tế thị trường.

Từ hình thức độc quyền kinh doanh, có doanh nghiệp lạm dụng đặc quyền tiến hành thống lĩnh thị trường. Biểu hiện của nhóm lợi ích chính là sự cấu kết, trục lợi từ tài nguyên quốc gia diễn ra ở nhiều nơi với tính chất, qui mô khác nhau. Trong nhiều ngành kinh doanh, thông tin lời lỗ biểu hiện mập mờ; thiếu trách nhiệm giải trình. Có thể xem các biểu hiện của lợi ích nhóm là một hình thức tham nhũng trong kinh doanh, quản lý điều hành. Theo Phó Giáo sư Ngô Trí Long, vấn đề lợi ích nhóm của Việt Nam có những biểu hiện như sau:

Biểu hiện của lợi ích nhóm là khi thông qua việc tạo dựng những cơ chế, chính sách; người ta lồng những ý đồ cá nhân của họ vào.
PGS Ngô Trí Long

Biểu hiện của lợi ích nhóm là khi thông qua việc tạo dựng những cơ chế, chính sách; người ta lồng những ý đồ cá nhân của họ vào. Để đặt chính sách đó phục vụ cho lợi ích của họ, nhằm thu được những lợi tương đối là bất chính, không chính đáng. Cho nên hiện nay, trong vấn đề này thì ngay Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã nêu thẳng trong Hội nghị Trung ương. Làm sao phải phá cái thế, không để cho một nhóm tạo ra những lợi ích nhóm.

Lợi ích nhóm ở một số quốc gia đang phát triển có đặc trưng là liên quan đến những người có chức, có quyền. Một số nhóm lợi ích đã lợi dụng tư duy “kinh tế nhà nước là chủ đạo” khiến môi trường kinh doanh thiếu cạnh tranh bình đẳng. Nhiều người đột ngột giàu lên không từ những phát minh khoa học, cải tiến năng suất lao động mà chủ yếu do khai thác tài nguyên đất đai, khoáng sản… Trong thực tế, lợi ích nhóm có khi chi phối và lũng đoạn lợi ích toàn cục.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, vấn đề lợi ích nhóm của Việt Nam có những nguyên nhân đặc thù như sau:

Ở đây có câu chuyện thế này, 5 năm vừa rồi, sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Khi hội nhập vào môi trường toàn cầu hóa, những câu chuyện về kinh tế về môi trường vĩ mô trở nên bất ổn. Hiện tượng này thể hiện một trình độ thấp, mà khi nhập cuộc vào một thế giới hiện đại, trong khi bản thân lại không biết một tý nào.

Cho nên những câu chuyện phát sinh ở Việt Nam, có một lý do rất là nổi bật mà ít người chú ý. Tức là ở trình độ thấp mà đi gia nhập vào một hệ thống cao. Trong khi điều kiện chuẩn bị chưa thực sự tốt, nên dễ phát sinh ra vấn đề. Hiện nay, đây chính là lý do cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc, để có những giải pháp đúng. Chứ không phải chỉ là vấn đề chủ quan đâu, vấn đề lợi ích nhóm còn có cơ sở khách quan.

Ảnh hưởng kinh tế quốc gia


034_2372151-250.jpg

Buôn bán trong một khu chợ nhỏ phố cổ Hội An. AFP photo

Lợi nhuận đã tạo nên các nhóm lợi ích. Lợi ích nhóm là một tình trạng xã hội tồn tại khách quan. Tuy nhiên, hiện trạng lợi ích nhóm đang xung đột với lợi ích xã hội là một dạng lợi ích nhóm tiêu cực.

Việt Nam là một nền kinh tế đang chuyển đổi, cần đẩy mạnh hơn nữa những cải cách. Theo Phó Giáo sư Ngô Trí Long, nếu hiện tượng lợi ích nhóm tiếp tục được duy trì và phát triển, thì hiện tượng này sẽ gây ra những hậu quả khó khăn nhất định cho nền kinh tế quốc gia. Cụ thể là như sau:

Chắc chắn là sẽ gây những tổn thất rất lớn cho toàn bộ hoạt động của nền kinh tế. Tất yếu sẽ dẫn đến việc, toàn bộ của cải xã hội sẽ rơi vào tay họ. Cho nên, nếu mà không ngăn chặn triệt để; xử lý một cách nghiêm túc, kiên quyết thì một khi lợi ích nhóm phát triển sẽ gây những hệ lụy rất lớn cho nền kinh tế. Đặc biệt, những bất ổn của nền kinh tế sẽ gây thiệt hại lớn đến lợi ích của người dân lao động.

Vì quyền lợi cục bộ, các nhóm lợi ích có khi làm biến dạng cả nền kinh tế đất nước. Hệ quả là nguồn lực quốc gia không được phân bổ hiệu quả, bị lũng đoạn bởi các nhóm lợi ích khác nhau.

Xã hội đang cần một cơ chế duy trì sự cạnh tranh công bằng giữa các thành phần tham gia hoạt động kinh doanh, sản xuất. Theo Phó Giáo sư Trần Đình Thiên để ngăn chặn tình trạng lợi ích nhóm tiêu cực hiện nay, thì về mặt chính sách vĩ mô, cần phải áp dụng những biện pháp khả thi như:

Thực tế vừa rồi, đưa ra những bài học rất là tốt. Tôi nói ví dụ như chuyện phân quyền, phân cấp. Mặc dù là phân quyền là để đi đến nâng cao trách nhiệm, nói chung là tốt, nhưng việc này phải gắn liền với điều kiện, năng lực. Vấn đề này phải tính cho kỹ hơn. Nếu không thì dễ trở thành là, việc phân ra nhiều quyền nhưng lại không đủ năng lực đáp ứng.

Nếu mà không ngăn chặn triệt để; xử lý một cách nghiêm túc, kiên quyết thì một khi lợi ích nhóm phát triển sẽ gây những hệ lụy rất lớn cho nền kinh tế.
PGS Ngô Trí Long

Thứ hai là, nếu mà muốn tăng trưởng nhanh mà nguồn lực không tốt, rồi cứ đầu tư thật nhiều. Đến lúc không hoàn thành thì vừa làm chậm, đồng thời cũng tạo sơ hở trong việc quản lý. Bây giờ là phải làm như thế nào để cân đối giữa nỗ lực tăng trưởng nhanh, đầu tư mạnh nhưng phải phù hợp về tính khả thi, về các điều kiện nguồn lực phải bảo đảm.

Thứ ba là năng lực quản trị ở tầng vi mô. Khâu này là khâu do Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường chưa lâu, rồi cạnh tranh cũng chưa phát triển. Cho nên năng lực quản trị ở các doanh nghiệp, các dự án chưa thực sự tốt.

Thực trạng kinh tế đang cần một khung pháp lý chặt chẽ để điều hòa các lợi ích trong xã hội. Tính công khai trong chủ trương điều hành, rất cần cho việc điều chỉnh hành vi của các nhóm lợi ích. Sự minh bạch, cơ chế giám sát nghiêm túc, công bằng là những công cụ cần thiết để ngăn chặn tình trạng lợi ích nhóm tiêu cực.

 

 


 

 

 

 


__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link