Cũng chuyện bầu cử
Lê Phan
Năm nay Hoa Kỳ có một
cuộc bầu cử tổng thống và toàn thể Hạ Viện cùng một phần ba Thượng Viện. Chuyện
đó cả thế giới ai cũng biết. Hơn thế, không những biết mà còn biết rõ mọi điều
từ lập trường chính trị, cá tính con người và cả đến gia thế của các ứng cử
viên nữa.
|
Tập Cận Bình (phải), sắp làm lãnh đạo tối cao của Trung
Quốc, vẫn là một bí ẩn lớn đối với chính người Trung Quốc. (Hình: Feng
Li/Getty Images)
|
Những công dân ở một
quốc gia tự do như Hoa Kỳ coi chuyện đó là chuyện bình thường và chúng ta coi
đó là quyền của cử tri cần được biết hết về các ứng cử viên muốn tham gia chính
trường, muốn lên làm lãnh đạo chúng ta.
Nhưng chuyện đó thực ra
không phải là bình thường. Trung Quốc năm nay cũng có một cuộc bầu cử, hay đúng
hơn một cuộc chuyển đổi quyền lực. Nhưng không những hơn một tỷ dân Trung Quốc
không được quyền lựa chọn hay thay đổi lãnh đạo mà họ còn không được quyền biết
tí gì đến những người sẽ lên cầm quyền tại nước họ.
Ông Tập Cận Bình, vị
chuẩn chủ tịch nước của Trung Quốc là con người như thế nào là một điều hoàn
toàn bí mật đối với nhân dân Trung Quốc, mặc dầu khuôn mặt của ông ngày càng
trở nên quen thuộc khi quốc gia này chuẩn bị cho một cuộc chuyển quyền một lần
mỗi một thập niên. Họ dĩ nhiên không thể biết lập trường chính trị của ông.
Trong hoàn cảnh như vậy,
họ chỉ còn biết đoán mò. Thông tấn xã Reuters, trong một bài tường thuật, đã
mỉa mai kể là không ai “quen thuộc” với vị tân lãnh tụ bằng một ông họa sĩ 49
tuổi họ La. Lý do là vì ông này đã vẽ đến bức tranh truyền thần thứ năm của
lãnh tụ, mặc dầu những bức tranh đó chỉ được vẽ lại từ những tấm ảnh mà nhà
nước cho phổ biến trên báo chí.
Bản thân họa sĩ họ La
cũng tin là ông hiểu ông Tập. Ông ta phân trần với Reuters “Tôi vẽ theo cảm
nhận của tôi về cá tính của ông Tập Cận Bình. Ông ta có một cá tính hiền hòa và
khuôn mặt phúc hậu. Tôi nghĩ ông ta rất hữu hiệu và trong sạch trong công việc.
Ông ta cũng để lộ cảm tưởng là ông ta nghĩ đến người dân. Thành ra tôi thích vẽ
ông Tập.”
Mặc dầu không có bầu cử,
không có vận động, ai cũng biết là khi đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc khởi sự
vào ngày 8 tháng 11, vị lãnh tụ 59 tuổi này được chờ đợi sẽ bắt đầu được Chủ
Tịch Hồ Cẩm Ðào trao quyền cho.
Qua tiểu sử chính thức
cùng những bài báo mà đa số có tính chất ca tụng, dân chúng cũng biết ông là
con trai của cố Phó Thủ Tướng Tập Cận Huân, một người đã nổi tiếng là thuộc
thành phần canh tân. Qua những hàng tiểu sử này, họ cũng biết ông Tập thuộc
dòng con lãnh tụ, là một trong những người thường được gọi là “hoàng con”.
Tuy không nhắc đến nhiều
nhưng người dân, nếu cố tình tìm hiểu, cũng sẽ biết là ông Tập đã chứng kiến
việc cha mình bị thanh trừng trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa, và bản thân ông Tập
đã trải những năm trong giai đoạn rối loạn đó ở một vùng quê nghèo nàn nơi thói
quen đọc sách của cậu thư sinh đã là một điều làm dân chúng vô cùng ngạc nhiên.
Giai đoạn ông sống ở làng quê đó là một trong rất ít những chi tiết về cuộc đời
của mình mà ông Tập cho ghi vào tiểu sử chính thức, coi đó như là những năm
giúp rèn luyện cá tính mình. Sau thời Mao kết thúc, ông Tập Cận Huân được trở
lại Bắc Kinh và lúc đó cậu Cận Bình mới có cơ hội đi học trở lại.
Cho đến nay ông Tập Cận
Bình đã là một con người thận trọng, duy trì cho mình một vị thế khiêm nhượng,
nhất là trong chốn công khai, khác hẳn với ông Bạc Hy Lai, cũng là một dòng con
lãnh tụ. Thái độ đó đã làm hài lòng các vị lãnh tụ cao niên hiện thực sự vẫn
nắm quyền quyết định tối hậu về ai sẽ là lãnh tụ, nhưng nó cũng làm dân chúng
Trung Quốc, ngay cả những người thức thời nhất, không biết ông Tập nghĩ sao về
những vấn đề của đất nước và họ càng không biết ông ta sẽ là một lãnh tụ như
thế nào.
Dân chúng Bắc Kinh vì
thế quả thật không hiểu lãnh tụ tương lai của mình là ai. Một luật sư bảo với
Thông Tấn Xã Reuters “Tôi chẳng biết gì về ông ta cả, nhưng tôi nghĩ ông ta
phải được làm tân lãnh tụ. Tôi nghĩ ông ta sẽ tốt hơn trước. Bởi nay mỗi thế hệ
tốt hơn thế hệ trước.” Một người làm việc trong ngành tài chánh không nghĩ như
vậy, ông ta bảo “Tôi nghĩ đứng về phương diện định hướng chung, ông ta sẽ giống
chủ tịch họ Hồ. Nhưng đứng về phương thức xử sự, tôi nghĩ ông ta sẽ cứng rắn
hơn. Ðó là theo sự suy nghĩ của tôi, và qua một số bàn luận online.”
Kể ra nếu là một công
dân Trung Quốc, muốn biết về ông chủ tịch nước kiêm tổng bí thư tương lai cũng
khó thật.
Tiểu sử ông chỉ cho biết
ông sinh ra ở Sơn Tây, một tỉnh nghèo trong nội địa. Tiểu sử cũng cho biết ông
học kỹ sư hóa học tại Viện Ðại Học Thanh Hoa nổi tiếng của Trung Quốc. Ðó cũng
là trường mà ông Hồ tốt nghiệp. Sau đó ông tốt nghiệp tiến sĩ về chủ thuyết
Marx cũng tại Thanh Hoa. Sau đó ông đã “vui vẻ” nhận nhiều chức vụ ở tỉnh, làm
hài lòng các “cụ” trong hàng lãnh đạo cho đến khi ông được bổ nhiệm bí thứ
thành ủy Thượng Hải vào tháng 3 năm 2007 và sau đó được đưa vào thường vụ Bộ
Chính Trị, nhóm chưa tới mười người thực sự cai trị Trung Quốc.
Tiểu sử chính thức cũng
cho biết năm 2010, ông được bầu lên làm phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, cơ
quan bên ngoài đảng Cộng Sản, độc lập nhưng lại do các lãnh tụ đảng đứng đầu,
mà mục đích được ông Mao lập ra là để kiểm soát quân đội. Dĩ nhiên ai cũng biết
ông đã đi ngoại quốc nhất là đầu năm nay khi ông đi Hoa Kỳ và được Tổng Thống
Barack Obama tiếp kiến.
Nhưng những thông tin
chính thức đó không cho biết ông Tập, vốn đã có một đời vợ trước, đã ly dị bà
vợ sau ba năm chỉ vì bà muốn đi ngoại quốc. Ông hiểu là hàng lãnh đạo bảo thủ
của Trung Nam Hải sẽ không đời nào chấp nhận đưa ông lên chức vị cao nhất nếu
ông có một bà vợ tốt nghiệp ở ngoại quốc. Họ cũng sẽ không biết là hôn nhân của
ông với bà Bành Lệ Quyên, ca sĩ, tướng trong Giải Phóng Quân, thực sự là một
thứ hôn nhân có chủ đích. Một nhân vật như bà sẽ giúp ông có liên hệ với quân
đội, một yếu tố quan trọng trên đường công danh nếu ông muốn thành lãnh tụ tối cao.
Có lẽ ông Tập thận trọng
cũng phải. Trong số các dòng con lãnh tụ ông thuộc nhóm yếu thế. Với nền kinh
tế đã bắt đầu phát triển chậm lại, sự bất mãn trong công chúng gia tăng nhất là
trước bất bình đẳng và tham nhũng thúc đẩy đòi hỏi chính quyền phải chịu trách
nhiệm nhất là sau một thập niên đã chứng kiến tăng trưởng nhanh và dân chúng
hài lòng. Nay kinh tế chậm lại và ngày càng gia tăng đòi hỏi cải tổ xã hội và
chính trị.
Trong hoàn cảnh khó khăn
đó, ông Tập được coi như là một lựa chọn dung hòa giữa các “cụ”, và do đó ông
khó mà có thể có những thay đổi đáng kể ở giai đoạn đầu.
Nhưng sự việc ông tương
đối trẻ và cha ông có tiếng là chủ trương cấp tiến nên dân chúng Trung Quốc nay
đặt niềm tin vào ông, một niềm tin mà rất có thể là vô căn cứ. So với nhân dân
Hoa Kỳ họ quả là bất hạnh.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment