Trận thế Trung Ðông thay đổi
Ngô Nhân Dụng
Cuộc khủng hoảng ở Syria
sắp bước qua một giai đoạn mới. Một hội nghị ở tiểu vương quốc Qatar trong tuần
tới sẽ tập họp những lực lượng chống chế độ độc tài của Bashar al-Assad để tiến
tới một “chính phủ lâm thời chuyển tiếp.”
Ðây là lần đầu tiên các
giới lãnh đạo cuộc nổi dậy bắt đầu từ Tháng Ba năm 2011, ở trong và ngoài nước
Syria sẽ nối kết thành một lực lượng chung; với sự thúc đẩy và hỗ trợ của Mỹ.
Hai nước Nga và Trung
Quốc vẫn ủng hộ Assad đang bị gạt ra ngoài bàn cờ ở Syria; hoàn toàn mất uy tín
trong cả vùng Trung Ðông. Hậu quả quan trọng hơn nữa là vì cuộc khởi nghĩa ở
Syria mà cả trận thế trong vùng này đang thay đổi. Liên minh chống Mỹ của Iran
đang suy yếu dần, cùng với chế độ Assad mà họ bảo trợ. Chính sách Mỹ đã lợi
dụng được thế đối lập giữa hai ngành chính trong Hồi Giáo là phái Shi A và phái
Sun Ni; hai tông phái từng xung đột đẫm máu từ hơn ngàn năm trước ở trong vùng
này.
Trong 19 tháng qua, từ
khi cuộc khởi nghĩa bắt đầu Nga vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho nhà độc tài
Bashar al-Assad để giết dân Syria. Chính quyền Assad đã tàn sát trên 30,000
thường dân và quân khởi nghĩa trong thời gian đó. Maskva và Bắc Kinh đã ba lần
bỏ phiếu phủ quyết các quyết nghị của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhằm ngăn
cản các hành động tàn ác của chế độ Assad.
Ngay từ đầu chính phủ Mỹ
vẫn giữ một thái độ dè dặt, ít nhất là ở bên ngoài. Mỹ tuyên bố không cung cấp
vũ khí cho quân khởi nghĩa, mà chỉ trợ giúp nhân đạo cho các nạn nhân chiến
cuộc. Nhưng đằng sau thái độ “không can thiệp” đó, các nước trong vùng đã được
vận động để hỗ trợ cho các tổ chức chống Assad, vì quyền lợi tinh thần và an
ninh của chính họ. Những nước đồng minh của Mỹ như Á Rập Sau Ði, Qatar đều giầu
có nhờ dầu lửa, đã tích cực hơn trong việc hỗ trợ quân khởi nghĩa, bằng tiền
bạc và vũ khí. Một nước láng giềng của Syria là Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng về phía quân
nổi dậy, vừa ngấm ngầm vừa công khai. Liên minh Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Sau Ði
giúp quân cách mạng; không những chống Assad mà còn đối đầu với Iran, quốc gia
láng giềng khác đang ủng hộ Assad về mọi mặt.
Iran là quốc gia Hồi
Giáo đông người theo phái Shi Ai nhất trên thế giới. Chính quyền Assad cũng nằm
trong tay một phái Shi Ai nhỏ (gọi là Alawite) và trong nửa thế kỷ qua nhóm này
đã thống trị đa số dân Syria theo phái Sun Ni. Ða số các nước Á Rập theo phái
Sun Ni, dù trong mỗi nước đều có một thiểu số dân theo đạo Shi A; mà các nhóm
Shi Ai này cũng thường được Iran hỗ trợ tiền bạc. Vì lý do đồng đạo, Iran đang
viện trợ hàng tỷ đô la và là nguồn cung cấp vũ khí lớn cho chính quyền Assad
đàn áp dân chúng, theo phái Sun Ni. Tiền bạc và vũ khí của Iran cũng được
chuyển qua ngả Syria tới nước Lebanon, để giúp cho tổ chức Hezbollah, vừa là
một đội dân quân vừa là một đảng chính trị. Hezbollah từng ủng hộ các cuộc nổi
dậy của dân Tunisia, Egypt, Yemen, Libya và Bahrain chống các chế độ độc tài,
nhưng nay lại ủng hộ Assad chống lại quân khởi nghĩa. Nhóm này đã nhận được
nhiều tỷ đô la Mỹ từ Iran kể từ khi thành lập, 30 năm trước đây. Hezbollah tập
hợp những người theo phái Shi A và hiện đang chiếm đa số trong chính quyền
Lebanon.
Ngoài Hezbollah lâu nay
Iran cũng cấp tiền và vũ khí cho cả nhóm Hamas, tổ chức chính trị quá khích
đang cai trị vùng Gaza và giữ thế đối lập với chính quyền Palestine. Trên bàn
cờ Trung Ðông, cuộc nổi dậy ở Syria tạo khung cảnh cho các người theo phái Shi
A (Iran, Syria, và nhóm Hezbollah) đối đầu trực tiếp với phái Sun Ni (Sau Ði,
Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ). Tổ chức Hamas bị đặt vào thế khó xử. Họ được Iran tài trợ
vì lập trường của họ là chống Israel kịch liệt; nhưng họ bắt buộc phải phản đối
chính quyền Assad tàn sát những người Sun Ni đồng đạo. Nếu chống Assad mạnh quá
thì họ lo sẽ không còn được Iran tài trợ nữa; tuy nhiên khi Iran yêu cầu nhóm
Hamas tuyên bố ủng hộ chính quyền Assad thì họ đã phải từ chối.
Trận thế này bắt đầu
thay đổi. Trong tuần qua, vị tiểu vương (emir) của Qatar trở thành người lãnh
đạo đầu tiên của một quốc gia Á Rập đến thăm vùng Gaza và được nhóm Hamas tiếp
đón long trọng. Biến cố này chứng tỏ Qatar sẵn sàng thay thế Iran viện trợ cho
Hamas, và cũng gia tăng uy tín của tổ chức này để khuyến khích họ ôn hòa hơn.
Từ đây, Hamas không còn quá lệ thuộc vào Iran nữa, có thể hoàn toàn đứng về
phía quân nổi dậy ở Syria. Iran đã mất một đồng minh nữa trong liên minh chống
Mỹ tại vùng Trung Ðông. Việc Iran ủng hộ Assad đến cùng đã khiến các nước Á Rập
và theo phái Hồi Giáo Sun Ni coi Iran là một kẻ thù.
Trong tương lai, khi chế
độ Assad sụp đổ, Iran càng bị cô lập và suy yếu hơn. Iran bị các nước Tây
phương cấm vận, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế; số thu nhập nhờ bán dầu lửa
xuống thấp, đồng tiền Iran có tuần lễ bị mất một phần ba giá trị so với Mỹ kim.
Thứ Ba vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Israel mới tiết lộ tin tình báo cho biết
chính quyền Iran đã phải chuyển hướng, giảm bớt bớt việc tinh luyện uranium để
chế bom nguyên tử; khiến khả năng chế tạo bom của họ bị trì hoãn thêm từ 8 đến
10 tháng. Sau khi chính phủ Israel tìm cách thúc đẩy Mỹ phải ủng hộ việc tấn
công ngay vào các cơ sở nguyên tử ở Iran nhưng không thành công, lời tiết lộ
của ông Ehud Barak cho thấy chính quyền Israel đã phải lùi bước, chính thức
công nhận cuộc cấm vận đã có hiệu quả.
Trong khi đó thì tại
Syria Mỹ đã chuyển sang thái độ tham dự tích cực hơn vào việc hỗ trợ các nhóm
nổi dậy. Không những thế, sau 19 tháng đứng ngoài, nay Mỹ lại trực tiếp can
thiệp vào việc lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Syria. Ngoại Trưởng Mỹ Hillary
Clinton vừa mới kêu gọi cần phải “tổ chức lại” cơ cấu lãnh đạo cuộc nổi dậy ở
Syria, bằng cách mời những người đang lãnh đạo mặt trận trong nước tham gia, mà
bà ca ngợi là những người “đang chiến đấu và sẵn sàng chết để được sống tự do.”
Bà chỉ trích tổ chức lãnh đạo hiện nay chỉ gồm những lãnh tụ đối lập sống ở
ngoại quốc, “những người không hề đặt chân trên đất Syria từ 30, 40 năm qua”
như bà nhấn mạnh trong lúc đang công du ở nước Croatia. Và việc kết hợp này sẽ
được thực hiện trong hội nghị ở Qatar trong tuần tới. Trước khi một chính quyền
chuyển tiếp thành hình, bà Clinton cũng nhấn mạnh giới lãnh đạo sắp tới của
Syria phải loại bỏ những thành phần quá khích: “Không để cho những nhóm quá khích
cướp quyền lãnh đạo” cuộc cách mạng ở Syria. Bà tiết lộ, trong tháng trước Mỹ
đã bí mật giúp đưa một số người lãnh đạo quân khởi nghĩa ra khỏi nước Syria, sang
họp với nhau ở New York, để thảo luận việc tham gia vào tổ chức lãnh đạo sắp ra
đời.
Tiết lộ trên, cùng những
lời kêu gọi thay đổi thành phần lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Syria cho thấy chính
quyền Mỹ chịu đóng một vai trò tích cực trong việc lật đổ chế độ Assad, mặc dù
bên ngoài họ vẫn nói không tiếp tế vũ khí cho quân cách mạng. Giống như chính
sách áp dụng trong thời gian dân Lybia nổi dậy vào năm ngoái, Mỹ đã để cho các
nước đồng minh đóng vai chủ động trên mặt trận, còn nước Mỹ chỉ hỗ trợ đàng
sau. Tại Lybia, máy bay và quân đội các nước Âu Châu như Pháp, Ý đóng vai chính
trong việc hỗ trợ quân cách mạng. Hành động công khai duy nhất của Mỹ là phóng
112 chiếc hỏa tiễn Tomahawk từ Ðịa Trung Hải. Nhờ hệ thống vệ tinh gián điệp
xác định vị trí, các mũi tên lửa đắt tiền này tấn công vào 20 căn cứ quân sự
thiết yếu của chế độ Gadhafi, như hệ thống phòng không, giàn radar báo động,
các trung tâm truyền tin đầu não, vân vân. Nhờ thế, quân nổi dậy và máy bay của
các nước Âu Châu được tự do hành động. Mỗi chiếc hỏa tiễn Tomahawk tốn hàng
triệu đô la, nhưng một đợt tấn công tốn vài trăm triệu này đã xoay chuyển cuộc
chiến, cuối cùng chế độ Gadhafi bị lật đổ.
Trong trường hợp Lybia
năm ngoái, việc can thiệp được chính thức hóa với một nghị quyết của Liên Hiệp
Quốc cho phép. Còn tại Syria năm nay, Nga và Trung Quốc ngăn cản đến cùng, đã
ba lần phủ quyết các quyết nghị làm áp lực trên chế độ Assad! Mỹ chỉ can thiệp
gián tiếp, dựa vào hai đồng minh Á Rập giầu có và Thổ Nhĩ Kỳ, nước láng giềng
phía Tây Bắc của Syria, dân cũng theo Hồi Giáo nhưng không thuộc giống Á Rập.
Nga, Trung Cộng và Iran không thể nào ngăn cản các nước Hồi Giáo trong vùng
Trung Ðông chống Assad để cứu những người đồng đạo.
Trong 19 tháng qua, đằng
sau bề ngoài “không can thiệp, chỉ trợ giúp nhân đạo” Mỹ đã liên lạc bí mật với
các nhóm dân quân nổi dậy trong nước Syria, để có thể lựa chọn và đưa một số
lãnh tụ khởi nghĩa từ bên trong Syria tới họp với nhau ở New York trong tháng
trước. Sau khi đã đạt được thỏa thuận với nhóm này và đưa họ tới Thổ Nhĩ Kỳ gặp
gỡ giới lãnh đạo của liên minh hải ngoại chống Assad, bà Clinton mới lớn tiếng
yêu cầu nhóm cầm đầu phe khởi nghĩa, phải bao gồm đại diện của những người đang
chiến đấu trong nước, và phải loại trừ những thành phần quá khích. Bà Clinton
còn trình bày ý kiến một cách “trắng trợn,” nói công khai rằng: “Chúng tôi đã
đề nghị tên các nhân vật và các tổ chức phải có mặt trong thành phần lãnh đạo
tương lai!”
Mặt trận vùng Trung Ðông
đang biến chuyển. Nước Mỹ có vẻ đã khôn ra. Họ đang chiếm được lợi thế mà không
phải chi tiêu tốn kém cũng như không thiệt hại nhân mạng như khi can thiệp trực
tiếp vào Iraq trước đây 11 năm.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment