Sunday, November 4, 2012

Phổ biến Bạch Thư về Nước Úc trong Thế Kỷ Châu Á


 

 

 

Phổ biến Bạch Thư về Nước Úc trong Thế Kỷ Châu Á

 

Ngọc Hân


Thủ tướng Úc Julia Gillard

Sydney, - Ngày chủ nhật vừa qua tại Viện Nghiên Cứu Chính Sách ‘The Lowy Institute’ ở Sydney, Thủ tướng Julia Gillard đã phổ biến Bạch Thư về Nước Úc Trong Thế Kỷ Châu Á - Australia in the Asian Century Whiter Paper - nhằm trình bày lộ trình cho Australia khai thác sự phát triển của Châu Á để biến Australia trở nên giàu mạnh hơn trong vòng 15 năm sắp tới.

Tài liệu này dài 300 trang và do một nhóm chuyên viên soạn thảo từ đầu năm nay 2012. Tiến sĩ Ken Henry, Cựu Tổng Thư Ký Bộ Ngân Khố Australia và là một kinh tế gia có tiếng, đã làm trưởng ban soạn thảo. Điều này giải thích trọng tâm về mặt kinh tế tại Châu Á của Bạch Thư.

Tuy rằng chính phủ Lao Động Gillard dự trù sẽ phổ biến trong năm 2013 một Bạch Thư khác về an ninh quốc phòng trong Vùng Châu Á Thái Bình Dương, văn phòng Thủ tướng Julia Gillard lo ngại Bạch Thư 2012 thiếu vắng vai trò của Hoa Kỳ, nên bản thảo Bạch Thư đã phải được điều chỉnh và bổ túc khi ông Allan Gyngell, Tổng giám đốc Cơ quan Thẩm định Tình báo Quốc gia - Office of the National Assessment - và là một chuyên viên về an ninh, được bổ sung vào Ban soạn thảo. Sự kiện vai trò của Mỹ phút chót mới được ghép vào văn bản Bạch Thư có lẽ không làm hài lòng Washington.

Trong “Lời Tựa” của Bạch Thư, Thủ tướng Julia Gillard nói rằng Thế Kỷ 21 mang lại sự trỗi dậy của Châu Á, bất kể là những gì khác mà Thế Kỷ này có thể đem lại.

Theo bà Julia Gillard, sự chuyển biến của khu vực Châu Á thành một nguồn lực kinh tế của thế giới là một sự chuyển biến chẳng những không thể chặn lại được, mà còn diễn ra ở một tốc độ nhanh chóng. Trong thế kỷ này, khu vực mà nhân dân Australia sinh sống sẽ là nơi mà phần đông tầng lớp trung lưu của thế giới cư ngụ. Khu vực Châu Á sẽ là nơi sản xuất hàng hóa và dịch vụ lớn nhất trên thế giới và là nơi tiêu thụ lớn nhất những hàng hóa và dịch vụ này. Lịch sử cho thấy rằng khi sức nặng kinh tế dịch chuyển, thì sức nặng chiến lược cũng dịch chuyển.

Bà Julia Gillard nói:
 

Châu Á sẽ là nơi cư ngụ của tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới...

Thủ tướng Australia Julia Gillard

"Châu Á sẽ là nơi cư ngụ của tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới. Australia sẽ phải cạnh tranh với Hoa Kỳ, với các nước Châu Âu về mặt sản xuất hàng hóa và dịch vụ có phẩm chất cao để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của Châu Á. Australia phải tận dụng vị trí địa dư gần gũi với vùng này."

Hình ảnh quen thuộc của Châu Á nghèo khổ trước kia sẽ không còn đúng với thực tế trong vòng thập niên sắp tới. Sự phồn thịnh của Châu Á đòi hỏi Australia phải có một kế hoạch rõ ràng để khai thác cơ hội kinh tế mới và đối phó hữu hiệu với các thử thách. Thủ tướng Julia Gillard nói tiếp:

"Bạch Thư này phác họa kế hoạch dài hạn, thảo luận những chính sách để đưa đẩy Nước Úc vào vị thế nắm bắt những cơ hội của Thế Kỷ. Những chính sách mới nầy sẽ thay đổi nước Úc và sẽ giúp nước Úc có khả năng và kiến thức về Châu Á."

Bạch Thư vạch ra mục tiêu cho Australia trong 13 năm tới đến năm 2025 để bảo đảm nuoc Úc sẽ thực hiện được ước vọng và cạnh tranh hiệu quả trong khu vực châu Á, bao gồm các kỳ vọng chính sau đây:

Vào năm 2025, tổng sản lượng nội địa GDP sẽ nằm trong nhóm 10 quốc gia đứng đầu thế giới, từ vị trí thứ 13 hiện nay. Australia hiện có dân số 23 triệu và hi vọng lợi tức bình quân theo đầu người sẽ gia tăng từ 62 ngàn đô la Úc trong năm nay 2012 lên 70 ngàn đô la Úc, tương đương với 72 ngàn đô la Mỹ, vào năm 2025.

Vào năm 2025, hệ thống giáo dục tại Australia sẽ đứng vào nhóm 5 quốc gia dẫn đầu, và 10 Viện Đại học Úc sẽ vào nhóm 100 đại học đứng đầu thế giới. Hiện nay, Australia có 19 viện đại học trong nhóm 400 viện đại học đứng đầu thế giới, trong số này có 8 viện đại học trong số 200 viện đại học đứng đầu thế giới, và 6 trong số 100 viện đại học đứng đầu thế giới, theo bảng xếp hạng toàn cầu của The Times University Rankings.

Sáu viện đại học Úc nổi danh này là: Viện Đại Học Melbourne, Viện Đại Học Quốc Gia Uc ANU tại Canberra, Viện Đại Học Sydney, Viện Đại Học Queensland ở Brisbane, Viện Đại Học New South Wales ở Sydney và Viện Đại Học Monash ở Melbourne.

Trên toàn cầu, Australia sẽ được xếp vào nhóm 5 quốc gia dễ giao dịch kinh doanh nhất và hệ thống sáng tạo của Úc sẽ được xếp vào 10 quốc gia dẫn đầu thế giới.

Chương trình giảng dạy ngôn ngữ nước ngoài ưu tiên sẽ gồm: tiếng Mandarin Quan thoại, tiếng Hindi Ấn độ, tiếng Bahasha Indonesia và tiếng Nhật.

Giới lãnh đạo thương nghiệp Australia sẽ có nhiều kiến thức và khả năng châu Á hơn, với một phần ba thành viên quản trị của 200 công ty và các cơ quan Liên bang hàng đầu chính thức của Úc sẽ có kinh nghiệm và kiến thức sâu sắc về châu Á.

Mạng lưới ngoại giao của Australia sẽ đặt nền móng rộng khắp châu Á, hỗ trợ mạnh mẽ và sâu rộng hơn, sự liên minh với các quốc gia châu Á. Úc sẽ đạt quan hệ ngoại giao toàn diện hơn với các quốc gia trọng yếu trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật và Hàn Quốc - và sẽ mở rộng ngoại giao với các nước khác, từ Mông Cổ đến Việt Nam và các nước khác nữa.

Ở thế đối lập, Liên Đảng Tự Do Quốc Gia ủng hộ một cách tổng quát các hoài bão và kỳ vọng của chính phủ Lao Động như đã thể hiện qua Bạch Thư mà Thủ tướng Julia Gillard vừa phổ biến.

Lãnh tụ Tony Abbott cũng nêu lên những nét chính trong chính sách của Liên Đảng Tự Do Quốc Gia, trong thế chính quyền cũng như khi ở thế đối lập.

Cá biệt, ông Tony Abbott đã nhắc lại chính sách ngoại thương mà Phó thủ tướng kiêm Lãnh tụ Đảng Quốc gia John McEwen đã mở đầu khi phát động giao thương với Nhật Bản hồi đầu thập niên 1950. Cũng vào đầu thập niên 1950, ngoại trưởng Percy Spender trong chính phủ bảo thủ Robert Memzies của Australia đã có sáng kiến thiết lập chương trình học bổng Colombo để huấn luyện ở cấp đại học tại Australia hàng chục ngàn sinh viên ưu tú từ Đông Nam Á, kể cả từ Việt Nam Cộng Hòa.

Ngày nay, ảnh hưởng của chương trình học bổng Colombo vẫn còn được nhìn thấy tại các thủ đô Đông Nam Á. Tại Jakarta chẳng hạn, ngoại trưởng Indonesia Tiến sĩ Marty Netalagewa đã theo học bậc hậu-cử-nhân tại Viện Đại Học Quốc Gia Úc ANU.

Ông Tony Abbott nói:

Tôi nghĩ chúng tôi coi trọng Châu Á hơn là chính phủ Lao Động...

Ông Tony Abbott

"Chúng tôi Liên Đảng Tự Do Quốc Gia coi trọng Châu Á. Tôi nghĩ rằng chúng tôi coi trọng Châu Á hơn là chính phủ Lao Động. Vì vậy mà tôi thường phát biểu rằng Australia cần nhiều Jakarta và ít Geneva trong chính sách đối ngoại của chúng ta."

Theo ông Abbott, trong thập niên 1960, khoảng 40% học sinh Úc Châu học một ngoại ngữ trong khi ngày nay chỉ có 10% học sinh tại Austrlaia học một ngoại ngữ. Vì vậy ông Tony Abbott đã phổ biến chính sách của Liên Đảng hồi năm 2011 nhằm tái lập sĩ số học ngoại ngữ trở lại mức 40% tại Australia.

Tuy nhiên, lãnh tụ đối lập Tony Abbott chỉ trích chính phủ Julia Gillard là đã nói nhiều về lý thuyết và kỳ vọng nhưng lại không có chính sách cụ thể và nhất là không có ngân sách quốc gia để thực thi những chính sách này:

"Chính phủ đáp ứng với chính sách của Liên đảng về Châu Á là điều tốt, nên Liên Đảng ủng hộ Bạch Thư một cách tổng quát. Bạch Thư có nhiều kỳ vọng và đáng được khen ngợi, nhưng lại không có chính sách cụ thể và chắc chắn là không có cam kết gì về ngân sách để thực hiện.”

Thủ tướng Julia Gillard nói rằng mọi công dân Úc, các giới chức thương nghiệp, giáo dục, kỹ thuật, truyền thông…tức là mọi giai tầng xã hội Úc Châu – cho không phải chỉ có chính phủ – đều nên đóng góp vào việc thực hiện những kỳ vọng mà Bạch Thư “Nước Úc Trong Thế Kỷ Châu Á” đã ghi nhận và nêu lên. Nói chung, các giới bên ngoài chính trường cũng đã lên tiếng ủng hộ Bạch Thư này.

 

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link