Thế
kỷ châu Á mở màn tại Úc
Việt Luận
Thủ tướng Úc Julia
Gillard
200
năm trở lại đây, Úc được coi là một phần đất của vương quốc Anh. Từ một nhà tù
đày ải bọn "đầu trộm đuôi cướp", Úc vươn lên thành một quốc gia hùng
mạnh nằm trong khối liên hiệp Anh. Ở Úc, cái gì từ Anh cũng được coi là từ mẫu
quốc. Thế là, Úc nằm giữa hai nền văn minh cổ kính Ấn Độ và Trung Hoa nhưng
chưa bao giờ tự coi mình thuộc về châu Á. Hơn nữa, cho đến năm 1973 nước Úc vẫn
chủ trương đất phương Nam này là nơi dành riêng cho người da trắng định cư.
Cho đến nay, Úc vẫn là
một "phương Tây" lẻ loi giữa hàng chục nước "phương Đông". Rồi
một hôm, Úc bỗng chuyển mình và muốn đưa đất nước này tiến đến "một giai
đoạn liên lạc sâu rộng hơn với châu Á". Đó là ý chính của bạch thư do thủ
tướng Julia Gillard công bố vào đầu tuần qua.
Trong 320 trang giấy của
bạch thư mang tên "Thế kỷ châu Á, Asia Century" chữ xuất hiện
nhiều nhất là "cơ hội" (opportunity, opportunities). Cơ hội này trước
hết là "cơ hội làm ăn". Châu Á với gần 3 tỷ người tại Ấn Độ và Trung
Quốc, cộng thêm hơn nửa tỷ người khác tại Đông Nam Á quả là thị trường lớn cho
công ty Úc.
Trong 10 năm vừa qua
kinh tế tại châu Á đã nhảy vọt. Thu nhập của người dân tại Ấn Độ và Trung Quốc
đã tăng lên gấp đôi. Đây là điều mẫu quốc Anh chỉ làm được sau 50 năm. Hơn nữa,
cũng trong 10 năm vừa qua, châu Á tăng lượng hàng hóa sản xuất lên gấp ba lần.
Xã hội của người châu Á ngày nay đã thành xã hội tiêu thụ. Người Úc đi Việt
Nam, Trung Quốc hay Thái Lan đã thấy bên đó xài đồ đạt không thua gì ở Úc hay ở
các nước phương Tây. Ở Trung Quốc ngày nay, cứ 100 nhà thì 80 có máy computer,
60 có lò microwave và 100 nhà thì có 200 máy điện thoại di động. Ở Ấn Độ có 5
triệu người làm việc trong kỹ nghệ đóng xe hơi và có hơn 800 đài truyền hình.
Công ty Úc nhìn vào con số mà phát thèm.
Như thế, điều Úc gọi là
"thế kỷ châu Á" trước tiên là... thị trường châu Á. Xã hội châu Á
ngày nay đã chuyển sang xã hội tiêu thụ và Úc muốn bán hàng hoá sang đó. Hiện
nay, nếu lấy thu nhập toàn nước Úc chia cho từng đầu người thì mỗi người chúng
ta được $62,000 mỗi năm. Nay mai, Úc bắt được cái mối buôn bán với châu Á thì
đến năm 2025 thu nhập của từng người sống ở đất nước phương Nam sẽ tăng lên
thành $73,000. Làm thế, thu nhập của người dân Úc sẽ lọt vào nhóm 10 nước có
thu nhập cao nhất thế giới. Thủ tướng Julia Gillard không giấu giếm: thế kỷ
châu Á không gì hơn là thế kỷ làm ăn thịnh vượng cho Úc.
Để dễ dàng làm ăn với
châu Á, bạch thư cho rằng Úc phải tự lột xác thành một xã hội gần với người
châu Á. Trường học Úc dạy tiếng châu Á cho học sinh (trong đó được kể ra bao
gồm bốn thứ tiếng Trung Hoa, Hindi, Nhật Bản và Indonesia); công ty Úc học hỏi
tiếng nói, văn hóa và lối làm ăn của người châu Á; hàng quán, sòng bạc, nơi du
lịch Úc thu hút thêm khách hàng đến từ châu Á, vân vân.
Thật sự, dựa trên vị trí
địa dư Úc không thể sống như một ốc đảo phương Tây giữa gần 3 tỷ người thấm nhuần
văn minh phương Đông. Từ thập niên 1960, thủ tướng Harold Holt đã bừng tỉnh khi
nhận ra phương Đông đang chuyển mình ra khỏi lạc hậu. 50 năm sau Harold Holt, một
lần nữa nữ thủ tướng Julia Gillard khẳng định: không ai có thể ngăn bước tiến
của châu Á nữa. Châu Á sẽ tiến lên vai trò như châu Âu sau cuộc cách mạng kỹ
nghệ trong thế kỷ 18 và như Bắc Mỹ sau thế chiến thứ nhì. Thế kỷ 21 sẽ là thế
kỷ châu Á.
Nghĩ thế, nước Úc cuống
cuồng tự chuyển thành một nước... châu Á. Nếu là châu Á của năm 2025 hay châu Á
của Tứ Thư và Ngũ Kinh hay của Mahabharata và Ramayana ngàn xưa thì không nói
gì. Ngược lại, rủi ro Úc chỉ khoác lên mình chiếc áo xường xám, nói tiếng
Hindi, ăn bốc kiểu Indo... để chào hàng mà thôi thì Úc sẽ không còn giữ được bản
sắc.
Thật sự, nhờ có bản sắc
"một phương Tây lọt thỏm giữa ngàn phương Đông" mà Úc vẫn còn được
nhiều nước châu Á ngưỡng phục. Dường như người Việt chúng ta yêu mến nước Úc có
lẽ không phải chỉ vì Úc biết ăn phở hay chấm chả giò với nước mắm mà còn vì xã
hội này được tổ chức theo lối sống phương Tây.
Úc không nên bỏ sở
trường của mình mà học đòi sở đoản từ thiên hạ.
Việt Luận
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment