Sunday, November 4, 2012

Quân đội Cam Bốt mua thêm vũ khí


 

 Thứ bảy 03 Tháng Mười Một 2012

Quân đội Cam Bốt mua thêm vũ khí


Sau biến cố Preah Vihear, Cam Bốt tăng ngân sách, mua thêm vũ khí để củng cố việc phòng thủ biên giới (Reuters)

Sau biến cố Preah Vihear, Cam Bốt tăng ngân sách, mua thêm vũ khí để củng cố việc phòng thủ biên giới (Reuters)

Phạm Phan


Vào ngày thứ Ba đầu tuần này, một chuyến hàng quân sự đã đến cảng Kampong Som gây ít nhiều ngạc nhiên cho giới báo chí ở Thái Lan lẫn Cam Bốt. Sự ngạc nhiên có hai lý do, một là số lượng xe bọc thép chiến đấu đến Cam Bốt lần này nhiều hơn trước đây, cũng có thể nói là nhiều nhất trong lịch sử quân sự xứ này trong vòng 2 thập niên nay; hai là giới chức quân sự lại không nói rõ nguồn gốc của phương tiện quân sự chiến đấu này.

Thông tín viên Phạm Phan
03/11/2012
More

Báo mạng Phnom Penh Post ra ngày thứ Sáu nói rằng tại cảng Kampong Som ở miền Nam Cam Bốt đã đưa lên bờ khoảng hơn 100 chiếc xe tăng (tank) và khoảng 40 chiếc thiết vận xa loại từ 6 đến 8 bánh (armoured personnel carriers -APC), cùng một số trang bị quân sự khác không rõ chủng loại, như súng hay đạn dược.

Cam Bốt củng cố quốc phòng sau biến cố Preah Vihear

Cùng thời gian đó, tờ báo Bangkok Post ở Thái Lan cũng cho đăng tin về chuyến hàng quân sự này với lập luận ngạc nhiên, họ nói Cam Bốt đã mua nhiều xe tăng hơn trước đây. Điều này còn cho thấy, Băng Cốc không bỏ qua các hoạt động chuyển vận vũ khí từ ngoài vào xứ Chùa Tháp.

Theo Ban Tiếng khmer của đài VOA thì số lượng hàng quân sự kỳ này, chính quyền Cam Bốt mua từ Châu Âu nhưng lại không nói rõ là ở quốc gia nào, hay hãng chế tạo nào đã ký hợp đồng mua bán với Cam Bốt.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Tea Banh của Cam Bốt đã xác nhận với đài VOA về số lượng xe quân sự chiến đấu bọc thép nhập vào hôm thứ Ba, theo ông đó là nhu cầu của vấn đề quốc phòng nhằm trang bị thêm khả năng chiến đấu cho quân đội, tuy nhiên ông cũng không đề cập chính xác nguồn gốc của hơn 100 chiếc tăng và hơn 40 chiếc thiết vận xa của quốc gia nào bán cho Cam Bốt.

Phản ứng của giới đối lập

Ông Yim Sovann người phát ngôn của Đảng Samrainsy có cái nhìn tương đối khác với báo chí, ông nói rằng: Số lượng trang thiết bị quân sự được nhập về cảng Kampong Som mới đây là không bình thường, và mặc dù Cam Bốt có căng thẳng với Thái về vấn đề biên giới, tuy nhiên chính quyền Cam Bốt nên dựa vào luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp, chiến tranh không phải là một sự lựa chọn tốt nhất.

Cạnh đó thì theo người phát ngôn Đảng Sam Rainsy, vấn đề mua vũ khí của ngoại quốc nên công khai cho dân chúng biết, không nên để trong tình trạng mập mờ.

Đảng Sam Rainsy thường lên tiếng về vấn đề biên giới của Cam Bốt bị lân bang xâm phạm, không phải chỉ ở phía tây giáp Thái mà lại còn ở phía đông giáp với Việt Nam.

Về phía chính quyền thì họ chú ý nhiều đến sự củng cố quốc phòng ở vùng biên giới Thái, nhất là sau xung đột quân sự với Thái về việc tranh chấp ngôi đền cổ Preah Vihear.

Trong khi đó nông dân sống ở vùng biên giới giáp Việt Nam thì lại than phiền với đảng đối lập Sam Rainsy rằng đất của người Khmer cứ bị mất dần dần một cách tiệm tiến thầm lặng không nghe tiếng súng.

Cam Bốt tăng ngân sách quốc phòng trong lúc ngân quỹ eo hẹp

Cách đây hai năm, vào năm 2010, Cam Bốt đã mua từ các nước Đông Âu khoảng 100 chiếc xe tăng, khi chiến sự tại vùng biên giới Thái bùng lên.

Trong năm 2012, ngân sách Nhà nước là 2,5 tỷ Mỹ Kim, nhưng chính quyền đã chi ra 350 triệu Mỹ Kim cho quốc phòng. Các giới chức tại Bộ Quốc Phòng lại nói rằng quân đội còn cần nhiều chi tiêu hơn nữa để nâng cao công tác huấn luyện, và khả năng phòng ngự, chiến đấu trong tình huống sẳn sàng đáp ứng hiệu quả một khi nổ ra đối đầu quân sự.

Vào cuối tháng 9, Thái Lan đã công bố kế hoạch mới về tái phối trí quân ở dọc biên giới Thái đối mặt với tuyến biên giới xứ Chùa Tháp. Kế hoạch quân sự mới đã được các chuyên gia quân sự nước ngoài đánh giá cao khi họ được Bộ Quốc Phòng Thái mời đến để giới thiệu và quan sát.

Điểm chính của bản kế hoạch mới này là giao trách nhiệm cụ thể hơn cho các đơn vị quân sự chủ lực đóng tại địa phương giáp với tuyến biên giới Cam Bốt, theo đó họ được nâng cao khả năng phòng thủ với các trang bị hiện đại, bảo mật cao, chính xác, một khi phải chống lại cuộc tấn công từ Cam Bốt ở bất kỳ lúc nào.

Trước đó hai tháng, vào tháng 7, nữ thủ tướng Yingluck và thủ tướng Hun Sen đã ký vào thỏa thuận tạm thời tái phối trí quân tại đền cổ Preah Vihear nhằm giảm bớt sự căng thẳng trong khu vực, đồng thời làm nền tảng cho quan hệ hòa bình giữa hai nước.

Được biết là bản kế hoạch mới của Bộ Quốc Phòng Thái đã được chuẩn bị từ hồi đầu năm nay, và họ chờ hai bên tạm thời tái phối trí quân xong mới thông báo chiến lược phòng thủ mới.

Như thế, cả hai phía đều tự động tăng cường khả năng quân sự để phòng ngừa tình huống chiến tranh có thể xảy đến, đó là chỉ xét trên danh nghĩa. Đối với Thái chi tiêu quốc phòng có thể không phải là gánh nặng, nhưng nếu Cam Bốt tiếp tục gia tăng ngân sách quốc phòng hàng năm thì lại là một vấn đề đau đầu cho chính quyền.



 

 

 

 
 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-14/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link