Wednesday, July 9, 2014

Bàn Chuyện Thời Sự vụ giàn khoan HD 981


Bàn Chuyện Thời Sự Qua Hai Bài Bình luận – Ngày 4 Tháng 7 Năm 2014 (có âm thanh)
Bs Trần Xuân Ninh, Tường Dung
tamthucviet.com
July 5, 2014

Ý nghĩa những phát biểu chậm trễ về vụ giàn khoan HD 981 của tổng bí thư đảng VC Nguyễn Phú Trọng.

1/Đúng hai tháng sau khi TC cho giàn khoan HD 981 vào lãnh hải VN tìm dầu hoả và khí đốt, Nguyễn Phú Trọng  tổng bí thu đảng CSVN sau chót đã lên tiếng chính thức nói về chuyện này vào ngày 1 tháng 7/2014. 

 Chuyện kể như là ván đã đóng thuyền, vừa vì thực tế TC tiếp tục cho giàn khoan hoạt động, bất chấp những đòi hỏi miệng chung chung của lãnh đạo VC không có sức nặng, vừa vì những biện pháp kể như trò đùa của an ninh và cảnh sát bảo vệ lãnh hải cho tầu chạy lòng vòng phát loa cảnh báo, gọi là cho có phản ứng. Thế mà tại sao Nguyễn Phú Trọng lại còn nói tới làm gì? 

Khi mà đàng nào người ta cũng đã biết rằng người kể như là lãnh đạo cao nhất nước VN hiện nay, trong phương châm “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý”, đã im lặng không hé răng trước một hành động mà ai cũng phải thấy rằng là xâm lược của TC? Có người đã cho rằng là Nguyễn Phú Trọng nói là cho có nói, vì không nói thì không được. Có phải là như thế không? Muốn thế cần phải bỏ chút thì giờ xem nội dung phát biểu của NPT trước.

2/Hệ thống báo chí đảng và nhà nước đã lọc lựa ra để trích dẫn, những phát biểu của Nguyễn Phú Trọng. Nhưng khi nghe qua, thì đã có người cho rằng là đó chỉ là lối phát biểu lưỡi gỗ chung chung vô nghĩa của VC, và cũng chẳng khác gì những phát biểu của những thành viên khác trong Bộ chính trị như thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay chủ tịch quốc hội Nguyễn sinh Hùng, lai rai lên tiếng sau khi giàn khoan hoạt động. 
Thí dụ như lời kêu gọi người dân "bình tĩnh, tỉnh táo, kiên quyết và đặc biệt là kiên trì để phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ" được trích dẫn trên báo Dân Việt.
Hay là lời ông Trọng “nhấn mạnh quan hệ với nước láng giềng phương Bắc là "vấn đề rất lớn, quan trọng, hệ trọng và nhạy cảm". Và:
"Lần này, ta lại phải tìm cách chung sống hòa bình, hữu nghị, thân thiện nhưng phải giữ được chủ quyền quốc gia. Cái khó là ở chỗ đó,"

Những phát biểu của Nguyễn Phú Trọng nghe oang oang như tiếng dùi gõ vào một chiếc thùng rỗng. Thực vậy, “Phát huy sức mạnh tổng hợp” là gì? Thật không có điều gì mơ hồ hơn là mấy chữ này.
Tại sao quan hệ với Tầu là vấn đề nhạy cảm, trong khi hai đảng VC và TC là hai đảng anh em, và giao tình hai nước đã được định rõ bằng khẩu hiệu 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt?

Cũng trong mạch nhận định này, thì người ta đã cho rằng là chẳng có gì mới, trong trich dẫn trên báo Tiền Phong về lời phát biểu của ông Trọng nhân vụ biển Đông, rằng yêu cầu là "phải giữ được ổn định, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và nhân dân".
3/Đúng rằng không có gì mới, nhưng bỏ qua thì không thấy được chủ trương tối thượng của đảng là đảng đứng trên tất cả và nhân dân là sau chót như theo thứ tự nguyên văn lời phát biểu. Và không hiểu rằng báo Tiền Phong khi trích dẫn là đã giúp chỉ ra cho rõ quan điểm “trước sau như một” của lãnh đạo đảng. 

Nói khác đi mất đảng là mất hết. Hiểu như thế thì mới thấy cái vu khoát của những kẻ chủ trương kêu gọi đảng đổi mới, và kêu gọi đứng đàng sau đảng để chống xâm lược từ phương Bắc. Bởi vì dưới mắt đảng, và qua những lời phát biểu của các lãnh đạo cao cấp nhất từ thủ tướng tới chủ tịch quốc hội, chủ tịch nước tới tổng bí thư, thì không hề có sự xâm lược của Tầu, mà chỉ có sự thi hành không khéo léo thực tế lịch sử và điạ lý mà VC đã chấp nhận từ công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958, và tiếp theo đó là những thoả hiệp được ký sau những cuộc họp tiếp theo cuộc thảo luận ở Thành Đô, mà cho tới nay còn giữ trong vòng bí mật. Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh đã coi vụ giàn khoan và tranh chấp biển Đông như là những bất đồng không tránh khỏi trong gia đình, và sẽ được giải quyết tốt đẹp trong nhà.

Nhận rõ điều này thì mới hiểu tại sao phía TQ đã rất cứng cỏi yêu cầu VN đừng kiện ra quốc tế làm gì vì TQ có đủ các chứng cứ tài liệu lịch sử và chính trị cho thấy TQ có lý do chính đáng trong vụ giàn khoan. TC đã không đưa thẳng ra các tài liệu chi tiết vì còn để chỗ cho “thằng em” là đảng VC có thể đóng vai mờ mờ ảo ảo của một tập đoàn lãnh đạo bảo vệ lãnh thổ, nhưng ở thế yếu chứ không phải là một lũ tay sai bán nước. 
Hiểu như thế thì mới thấy rõ ý nghĩa cái câu phát biểu của NPT rằng vấn đề quan hệ VN TQ là vấn đề “nhậy cảm”, người dân cần “bình tĩnh”, “tỉnh táo”, “chung sống trong hữu nghị, thân thiện” để giải quyết vấn đề một cách dài lâu. “Nhậy cảm” chỉ là vì tình trạng khó khăn của lãnh đạo đảng VC: làm mạnh nói mạnh với TQ thì không được vì là vô lễ vô nghĩa do thực tế đã ký kết. Không có thái độ biểu kiến mạnh thì củng không xong vì lòng dân bất bình. Nghĩa là dân cứ để yên cho đảng và nhà nước lo. Đừng làm gì hết. Hay là chỉ làm trong khuôn khổ đảng và nhà nước cho phép.
Đến đây thì người ta cũng có thể hiểu rằng là tại sao đột nhiên có những đốt phá trong các vụ biểu tình chống các cơ sở kinh doanh Tầu hay được coi là của Tầu bùng ra trong mấy ngày ở Bình Duơng, Hà Tĩnh và nhanh chóng chấm dứt sau lời kêu gọi của Nguyễn Tấn Dũng. Những bài viết đổ tội cho tình báo TC cố tình gây ra để làm mất uy tín VN trước giới đầu tư quốc tế là để nhắm vào đa số ngươi dân không hiểu rằng những nhà đầu tư quốc tế có dư khả năng nhận định tình hình thực tế mỗi nước mỗi nơi trên thế giới để quyết định đầu tư nhiều hay ít, vào lúc nào, chỗ nào, nhanh hay chậm. 

Tất cả những diễn tiến này chỉ là những xáo trộn có chừng mực của đảng và nhà nước VC gây ra để làm giảm tức giận quần chúng nhằm làm yếu đi yên đi dần những phản ứng quanh vụ giàn khoan HD 981.

4/Trở lại với phát biểu của NPT, trang tin VnExpress cho biết Tổng Bí thư Việt Nam nói "tiếp tục đấu tranh bằng mọi biện pháp, song song đấu tranh hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, kể cả đấu tranh pháp lý".

Đài BBC đã nhân tin này so sánh với những phát biểu trước đây của Nguyễn tấn Dũng và Truơng Tấn Sang mà viết rằng “Tuyên bố này trùng khớp với các bình luận tương tự của các ông Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang về khả năng Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc trước tòa quốc tế”.

Và nhận định rằng “Nó dường như cho thấy đã có sự đồng thuận trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam rằng Việt Nam có thể tìm cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc thông qua con đường pháp lý, nếu cảm thấy đối thoại với Trung Quốc không đi đến đâu”.

Nói đến sự đồng thuận là dựa trên tiền đề của các nhà bình luận truyền thông đã được nêu ra nhiều lần rằng có bất đồng ý kiến trong bộ chính trị mà thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người có tư tưởng tiến bộ. Chẳng ai biết hư thực trong lòng mỗi thành viên BCT nghĩ sao, nhưng riêng NTD thì trong mọi lần nói ra từ khi làm thủ tướng chỉ là tuân hành làm theo lệnh đảng và ngay trong chuyện biển Đông thì cũng chỉ cho biết rằng vấn đề kiện tụng TC đã nghiên cứu từ lâu và có kiện hay không là do BCT quyết định. Nếu mà thấy cái giềng mối lãnh đạo VC như vậy thì có thể nghĩ rằng NPT chỉ xác định rằng cái cấp thừa hành là NTD đã nói ra chủ truơng của đảng không sai.

5/Trang điện tử VNExpress còn trích dẫn một câu của NPT mà nhiều người cho rằng chẳng có bao nhiêu quan trọng. Là:  "Những người đặt giàn khoan trong thềm lục địa của Việt Nam khác với 1,3 tỷ người dân Trung Quốc. Xây dựng tình hữu nghị đồng thời phải giữ được chủ quyền." 

Bởi vì người dân VN và một tỉ dân TQ sống xa cách nhau, chẳng có gì dính líu. Cho nên nhắc nhở này không có gì quan trọng.  Nhưng nghĩ xâu xa và vụ thể hơn thì khi nói người dân TQ, NPT muốn nói đến những cư dân Tầu đang định cư làm ăn thành làng thành xóm ở khắp VN từ Bắc chí Nam qua đặc quyền ra vào VN dễ dàng không cần chiếu khán mà đảng và nhà nước VC đã cho họ nhiều năm nay. Không kể đến những công nhân Tầu sang làm việc trong những giao kèo ký kết với TC như khai thác bâu xít hay các nhà máy công kỹ nghệ khác. Khi nói như vậy, NPT nhằm ngăn ngửa những phản ứng mạnh mẽ của quần chúng Việt chống những người này có thể xẩy ra.  

Bởi vì khi mà nỗi uất hận mất nước, nỗi giận dữ bị chiếm đoạt công ăn việc làm nơi mỗi người Việt dâng cao, khi mà sự nhún nhịn bỏ qua những thái độ ngông nghênh của dân Tầu coi thường người Việt hàng ngày quá mức giới hạn chịu đựng, mà phát tác thì không có biện pháp nào ngăn cản được, kể cả việc cho họ ở thành làng xóm biệt lập có an ninh bảo vệ. 

Nguyễn Phú Trọng chắc chắn là đã không quên tâm trạng của người dân VN thời Tây trở lại chiếm Sài gòn và khi Tây được Hồ chí Minh mời ra Hà nội, đã có tinh thần chống Tây quyết liệt ra sao. Tinh thần này còn được ghi lại trong sách sử. Cho nên Hồ chí Minh thời đó đã phải tuyên bố tương tự là cần phân biệt chính quyền thực dân độc ác với người dân Pháp văn minh tử tế.

Nói tóm tắt thì những trích dẫn của các báo trong nước về phát biểu chậm trễ của NPT, nhìn thoáng qua thì có thể coi là vô bổ, vô ích, giọng điệu lưỡi gỗ tuyên truyền, chỉ là để nhấn mạnh một điều rằng trung ương đảng VC có chính sách có đường lối chứ không phải là thụ động im lặng. Nhưng nhận định kỹ hơn thì có thể thấy qua những trích dẫn này bản chất bán nước của đảng CS VN từ trước tới nay mà bây giờ đã lộ ra vì thực tế. Nếu đảng đã phải im lặng và NPT nói vấn đề nhậy cảm là nhậy cảm đối với lãnh đạo đảng, về tình trạng khó xử nói ra không được của mình, vì vừa phải đóng vai trò lãnh đạo một đất nước có chủ quyền, mà vừa phải tuân theo những thoả thuận bán nước đã ký kết với TC.

Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(Ngày 4 tháng 7/2014)
--------------

Quanh chuyện cựu tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy bị bắt giam thẩm vấn
Tin ông Nikolas Sarkozy, cựu tổng thống Pháp tiền nhiệm đương kim tổng thống Francois Hollande, ngày mồng 1 tháng 7/2014 bị cảnh sát bắt giữ thẩm vấn trong 15 tiếng đồng hồ liền rồi sau đó đưa ra toà truy tố đã là một tin nóng gây sôi nổi trong chính trường Pháp và tạo hấp dẫn nơi quần chúng, ít ra là ở Pháp. Bởi vì việc cựu tổng thống bị điều tra, và đưa ra toà xử đã từng xẩy ra. Như trường hợp cựu tổng thống Jacques Chirac, tiền nhiệm của ông Sarkozy, đã bị án tù treo vì những vi phạm luật lệ thời còn là thị trưởng Paris. Nhưng một cựu tổng thống nổi tiếng bị cảnh sát giam để thẩm vấn thì chưa từng có. 

Ông Sarkozy bị truy tố về tội hối mại quyền thế và lạm dụng quyền hành để tìm biết các dữ kiện liên quan đến cuộc điều tra về mình. Cuộc điều tra của tư pháp là nhắm tìm hiểu xem có phải rằng ông Sarkozy đã nhận tiền  một cách bất hợp pháp của Khaddafi, nhà độc tài của Lybia đã bị lật đổ và bị giết bởi liên quân Anh Mỹ Pháp và lực lượng khối Bắc Đại Tây Dương, để vận động tranh cử tổng thống năm 2007 và thắng, cũng như vấn đề tài chính tranh cử năm 2012 khi ở cuơng vị tổng thống, nhưng đã bị thua ông Francois Hollande.
Sau khi bị toà ra quyết định điều tra truy tố, ông Sarkozy đã được phỏng vấn trên truyền hình toàn quốc Pháp TF1 và Âu châu Europe 1. Trong cuộc phỏng vấn này người ta ghi nhận rằng ông Sarkozy đã xuất hiện mày râu nhẵn nhụi, khác với hình ảnh “kiểu cọ”, mặt mày râu ria lởm chởm trước đây. Ông tuyên bố rằng những cáo buộc ông là hoàn toàn “phi lý kỳ cục” và rằng mọi sự được thực hiện “để tạo ra một hình ảnh không thực về tôi”.  Ông đã nêu lên rằng những cáo buộc ông là dựa trên thu âm không hợp pháp những cuộc trao đổi điện thoại của ông, để đặt câu hỏi với khán thính giả rằng “Có phải là bình thường khi những trao đổi riêng tư giữa tôi và luật sư của tôi đã bị thu âm … và chuyển cho báo chí? Đó là một mong muốn làm hạ thể tôi và đó là điều không bình thường”.
Là một luật sư, ông Sarkozy đã dùng lối lý luận luật sư để bào chữa. Nhưng mà đối với người thường, thì toan tính của ông đã lộ, và gian dối thấy rõ thì dù trên mặt luật pháp ông có thể không bị kết án, nhưng sự sai trái của ông thì không thể bảo là không có. Và như vậy thì toan tính trở lại dinh tổng thống Elysée trong cuộc tranh cử tổng thống sắp tới với đương kim tổng thống Hollande xem ra có vẻ trở ngại nhiều, mặc dầu những rậm rịch ủng hộ ông trong giới truyền thông những ngày tháng gần đây, sửa soạn cho ông một cuộc thắng cử vào năm 2017.
Về mặt chính trị thì cái nóng trong tin ông Sarkozy bị cảnh sát giam giữ thẩm vấn là như thế. Nhưng về mặt quần chúng bình thuờng thì tin này còn là hấp dẫn. Bởi vì hình ảnh ông Sarkozy bị áp giải giữa hai nhân viên cảnh sát, ngồi trên xe chở ra toà, mặt mày méo xẹo không thể không gây chú ý. Và truyền thông đã không ngần ngại gì mà không nhắc lại đối chiếu cuộc đời nổi tiếng của ông, về mặt cá nhân và về mặt chính sự, với những thành công và thất bại đan chen.
Mẹ là gốc Do Thái, cha là gốc Hung gia lợi, di dân định cư ở Pháp, không học trường quốc gia hành chính số một của Pháp là ENA, như các tổng thống khác của Pháp, chỉ là luật sư mà Sarkozy đã thành công đặc biệt, vì trở thành tổng thống ở một quốc gia kể là nặng tính truyền thống không mở ra nhiều cơ hội lớn cho di dân. Nhìn ở góc cạnh này, trường hợp Sarkozy không khác bao nhiêu trường hợp Obama ở Mỹ là người gốc Kenya.  Trong đời sống cá nhân, Sarkozy hai lần ly dị. Lần đầu lấy vợ theo nguồn gốc nền nếp thì bị vợ bỏ. Lần nhì, hai người bỏ nhau sau những lục đục và hoà giải kéo dài. Lần thứ ba, chắp nối với người mẫu kiêm ca sĩ kiêm diễn viên Carla Bruni mà quá khứ thì ê hề những chi tiết hấp dẫn gay cấn, từ chuyện là tình nhân của bố mà lại có bầu với con, cũng như chuyện hình ảnh trần truồng trùi trụi được truyền đi trên mạng điện tử.

Về mặt chính trị thì Sarkozy nổi tiếng là thị trưởng trẻ tuổi nhất của một thành phố giầu có ở ngoại ô ngay rià thủ đô Paris. Đầu tiên là được thị trưởng Paris Jacques Chirac đỡ đầu nhưng sau là cánh tay mặt cho thủ tướng Edouard Balladur và ủng hộ cho ông này tranh với Chirac ứng cử tổng thống, nhưng bị thua. Và tiếp theo là trở thành đối nghịch với tổng thống Chirac.

 Nhận tiền ủng hộ của Khaddafi tranh cử năm 2007, nhưng là người đầu tiên ra lệnh cho không lực Pháp mở trận oanh kích vào đoàn xe chở quân của Khaddafi đến đánh Benghazi, mở đầu cho những trận không kích kéo dài của khối Anh Pháp Mỹ và Nato, tiêu diệt chế độ Khaddafi, đưa đến một nước Lybia tanh banh, loạn lạc hiện nay. Vân vân và vân vân…
Câu hỏi cho người đứng ngoài là: những diễn tiến trong vụ cựu tổng thống Pháp Sarkozy bị giam giữ thẩm vấn là bình thường hay bất bình thường?
Có thể nói rằng trong cái chế độ tuyển người lãnh đạo ở các nước theo bầu cử dân chủ Âu Mỹ thì cái yếu tố quan trọng quyết định thắng bại là dựa trên cảm quan quần chúng đối với ứng viên. Mà nói đến cảm quan là nói đến quảng cáo, sửa soạn, diễn xuất, diễn dịch, vận động. Cho nên thổi phồng cái hay, dấu bớt cái dở là công việc của phía ủng hộ. Thổi phồng cái dở, bóp méo cái hay là phía chống đối.
Bình thường hay bất bình thường là tùy chỗ đứng nhìn từng người, ông Sarkozy ạ.
Tường Dung
(Ngày 4 tháng 7/2014)

__._,_.___

Posted by: Viet Truong 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin Cuối Ngày 20/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link