Saturday, September 6, 2014

Đừng bỏ dở cuộc vận động thoát Trung


Đừng bỏ dở cuộc vận động thoát Trung

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-09-05
  • In trang này
  • Chia sẻ
  • Ý kiến của Bạn
  • Email
09052014-trungquoc-namnguyen.mp3
Một cửa hàng tại Hà Nội bán lồng đèn, đồ chơi mùa Trung Thu nhập từ Trung Quốc. Ảnh chụp hôm 05/9/2014.
AFP photo

Phong trào vận động thoát Trung, bớt lệ thuộc về kinh tế với Trung Quốc được làm nóng sau vụ giàn khoan Hải Dương 981, nay có vẻ đang trầm lắng. Phải chăng ảnh hưởng chính trị với Bắc Kinh đang chi phối vấn đề này và làm cho cuộc vận động của giới nhân sĩ trí thức trở nên vô nghĩa. Nam Nguyên tìm hiểu vấn đề này.
Cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 và thái độ gây hấn trịch thượng của Trung Quốc với Việt Nam đã làm cho người Việt Nam sực tỉnh và có thêm một cơ hội để đặt vấn đề thoát khỏi ảnh hưởng Trung Quốc, bớt lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế.
Khi chủ đề thoát Trung lan đến Quốc hội, Nhà nước Việt Nam trong chừng mực đã để cho giới học giả nhân sĩ trí thức tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm với chủ đề thoát Trung, ít ra là trên lĩnh vực kinh tế và văn hóa, báo chí cũng được đưa tin khá thoái mái về chủ đề này. Tuy vậy sau khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 sớm hơn dự định, việc Việt Nam tự nhận lỗi về các cuộc biểu tình bạo động chống doanh nghiệp Trung Quốc và sau chuyến đi cầu hòa Bắc Kinh của ông Lê Hồng Anh, nhân vật đứng hàng thứ 5 trong Bộ Chính trị, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì dư luận cho là nỗ lực vận động thoát Trung đã trở nên vô nghĩa?
Chúng tôi nêu câu hỏi này với nhà phản biện TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, một tổ chức tư nhân ở Hà Nội đã tự giải thể và được ông trả lời:
“Tôi nghĩ cũng không phải là vô ích vì đây là một quá trình, những thảo luận bàn luận như thế còn phải bàn luận nhiều nữa. Mình cũng đừng nghĩ rằng khi bàn luận một việc như thế thì nó tìm ra được giải pháp ngay và giả sử có tìm ra một giải pháp mà một số giới nào đó, ví dụ các nhà trí thức chẳng hạn nghĩ rằng đó là giải pháp hay, nhưng chưa chắc đó đã là giải pháp thật hay, cần yêu cầu nhà nước phải thực hiện ngay. Tôi nghĩ quá trình như thế nên tiếp tục và nó có cái lợi của nó. Còn những người nghĩ rằng có cuộc thảo luận như thế rồi chẳng có ý nghĩa gì cả bởi vì nhà nước, nhà chức trách người ta chưa thèm để ý đến. Tôi nghĩ rằng nếu mà phán xét như vậy nó hơi vội và không hiểu đúng tình hình. Bởi vì những người phán xét như thế có thể là những người rất nóng vội mà cuộc sống thì không thể nóng vội được.”
Nhà nước Việt Nam tự hào về mức Tổng sản phẩm nội địa năm 2013 đạt 176 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 130 tỷ USD. Tuy vậy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thế giới lệ thuộc nguyên liệu, máy móc của Trung Quốc. Không những thế, hàng hóa Trung Quốc cũng tràn ngập thị trường Việt Nam từ thành thị cho tới thôn quê. Hàng tiêu dùng Trung Quốc có giá rất rẻ, dù mang tiếng xấu về tính độc hại vẫn được đại đa số người dân Việt Nam chấp nhận. Dự kiến trọn năm 2014 tổng lượng hàng hóa mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 40 tỷ USD. Trong đó chênh lệnh cán cân thương mại hay nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc sẽ ở mức trên dưới 25 tỷ USD.
Không dễ thoát Trung
Theo Giáo sư Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Việt Nam phải xây dựng lại nền tảng, cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ, nếu muốn thực hiện giảm lệ thuộc về kinh tế với Trung Quốc. Đây là một quá trình có thể kéo dài tới 10 năm. Chừng nào mà Việt Nam chưa thực tế khởi sự một tiến trình thoát Trung thì đích đến lại càng xa vời hơn.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, hiện sống và làm việc ở Hà Nội phân tích tình trạng thực tế của Việt Nam, khiến cho Việt Nam vẫn phải lệ thuộc kinh tế đối với Trung Quốc:
Hiện nay từ 2011, 2012, 2013, 2014 doanh nghiệp Việt Nam chết như rơm rạ sau một trận bão, hàng trăm nghìn doanh nghiệp chết thì làm sao nền kinh tế phát triển được. Từ chỗ doanh nghiệp chết thì lấy hàng hóa nào mà bán ra sản xuất hàng hóa gì bây giờ đây. Ngoài ra vấn đề chi phí sản xuất của Việt Nam, một loại chi phí lớn của Việt Nam là chi phí quan hệ chi phí tham nhũng chiếm bao nhiêu phần trăm? có lĩnh vực thì 5%, lĩnh vực thì 10%, có lĩnh vực còn cao hơn nữa. Chi phí quan hệ nó như thế góp vào chi phí sản xuất thì làm sao cạnh tranh với nước ngoài, không riêng gì với Trung Quốc. Việc này Đảng và Nhà nước đưa ra các chính sách gọi là phòng chống tham nhũng, học theo đạo đức Hồ Chí Minh ..v..v.. nói thì nhiều nhưng mà làm chưa được bao nhiêu. Đó là những vấn đề về quản lý nhà nước, vấn đề lãnh đạo.”
Thoát Trung không chỉ là sự mong muốn của giới nhân sĩ trí thức chuyên gia mà còn là của đại đa số người dân Việt Nam. Nhà giáo Đỗ Việt Khoa, hiện sống và làm việc ở Hà Nội góp ý:
“Người dân bình thường nào cũng thấy Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc quá nhiều. Lệ thuộc vào chính sách, lệ thuộc vào các quyết định chính trị, lệ thuộc cả từng mặt hàng sản xuất nữa. Gần đây phong trào báo chí trả lời người dân phản ánh rất nhiều, người dân mong muốn tìm cách thoát Trung, nhưng mà thoát thế nào khi mà những người đứng đầu quốc gia này không muốn thoát, thậm chí họ lại muốn lệ thuộc chặt hơn nữa thì thoát thế nào?
Theo giới chuyên gia đặt ra vấn đề thoát Trung về kinh tế tất nhiên đi trước phải là giảm lệ thuộc chính trị, tiến tới một thế đứng chính trị độc lập. Việt Nam dù chịu ảnh hưởng ít nhiều từ Trung Quốc nhưng vẫn phải có tư duy độc lập. Có một số ý kiến cho rằng, nếu Việt Nam trở thành một quốc gia giàu mạnh dân chủ văn minh thì sẽ không còn phải đặt vấn đề thoát Trung nữa. Đông đảo người dân Việt Nam từng góp ý trên báo chí do nhà nước quản lý: “Đừng bàn ‘thoát Trung’ nữa mà hãy hành động.”


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link