Friday, September 5, 2014

Nhìn lại cuộc đấu tranh

 

Nhìn lại cuộc đấu tranh

Blog / Bùi Tín / VOA

Ở trong nước đang có cuộc trao đổi, nhìn lại cuộc đấu tranh vừa qua để rút ra những kinh nghiệm quý báu cho những người bất đồng chính kiến đang kết hợp với nhau trong các tổ chức xã hội dân sự nhằm thay đổi tình hình. Việc rút kinh nghiệm, kiểm điểm lực lượng là hết sức quan trọng, giúp cho phong trào nhìn rõ thêm chỗ mạnh chỗ yếu của mình, nhìn rõ thêm thế và lực của đối tượng đấu tranh, để chuẩn bị tốt cho các cuộc ra quân kế tiếp.

Trước hết cần xác định mục tiêu đấu tranh của toàn xã hội lúc này là đưa đất nước thoát khỏi chế độ cai trị lỗi thời của thế kỷ trước, xây dựng một hệ thống cai trị tiến bộ, hiện đại, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội, xây dựng một nước VN hoàn toàn độc lập, dân chủ, toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải, có chế độ pháp quyền nghiêm minh, bình đẳng, phát triển hài hòa bền vững, với thành quả được toàn xã hội chung hưởng.

Tuy số tổ chức xã hội dân sự còn ít ỏi, bé nhỏ so với số dân, nhưng so với mươi năm về trước, xã hội dân sự nước ta đã lớn lên khá nhanh, từng bước vững chắc, bao gồm cả Bắc, Trung, Nam và hải ngoại, nhiều ngành nghề, được xã hội tin yêu, được thế giới quý trọng, được các chính quyền và các tổ chức dân chủ, nhân quyền quốc tế ủng hộ.

Rõ ràng xã hội dân sự VN đang phát triển, mặc dầu bị chính quyền đảng trị ra sức cản phá bằng lực lượng công an mang danh hiệu «nhân dân» nhưng thực chất là làm công cụ giữ nhà riêng cho đảng CS và nhóm quan chức tham nhũng chóp bu. Tất nhiên những tổ chức non trẻ mới hình thành trong cuộc đấu tranh gian khổ, đôi khi khốc liệt, có thể có những nhược điểm mang tính chất ấu trĩ. Nay đã đến lúc cần chỉ ra những nhược điểm đó để giúp nhau khắc phục.

Ví dụ như thái độ lạc quan thiếu cơ sở, với nhận định chủ quan là trong Bộ Chính trị có một nhóm gọi là «nhóm đổi mới, cấp tiến, thân phương Tây» có khả năng dành thế áp đảo, tiến hành một cuộc «xoay trục hoành tráng», thực hiện “liên minh toàn diện với Philippines, Nhật Bản, Ấn Độ, Hoa Kỳ». 

Cũng có cả quan điểm cho rằng Quân đội Nhân dân VN từ khi có tổng tham mưu trưởng mới đã ngả dần sang phương Tây, do Hoa Kỳ lôi kéo và tác động. Theo xu hướng lạc quan như thế, đã có người tin rằng chính quyền sẽ trả tự do cho ba nhà bất đồng chính kiến ở tòa án Đồng Tháp, và một số bà con theo đạo Hòa Hảo còn chuẩn bị cuộc rước đón hân hoan, để rồi rốt cuộc bị thất vọng, sững sờ trước ba bản án quá nặng.

Ngoài ra còn ý kiến cho rằng không nên đề cao quá mức một số nhà bất đồng chính kiến, không nên coi cô Minh Hằng hay luật sư Hà Vũ là «biểu tượng» của cuộc đấu tranh, không nên coi em Phương Uyên là «anh thư của thời đại», không coi Minh Hạnh là «cánh chim báo bão» sắp quật đổ chế độ bất nhân. Theo tôi, không nên quá khắt khe với những lời khen tặng hay danh hiệu có phần quá đà như thế, miễn là người được khen luôn khiêm tốn và ai cũng hiểu đó chỉ là những chữ «thậm nhấn» khi quá tin yêu.

Trong chiều hướng nghiêm khắc như thế, càng không nên đánh giá quá cao chính quyền độc đảng trong cuộc đàn áp tàn khốc những người bất đồng chính kiến để làm yên lòng quan thầy bành trướng, cho rằng «họ không sợ gì phong trào, họ muốn làm gì cũng được, vì luật pháp, công an, tòa án đều nằm trong tay họ». Thật ra, họ sợ chứ, sợ nhiều, sợ từ mọi phía.

 Họ sợ dư luận xã hội, sợ công luận quốc tế. Họ rất sợ số đảng viên CS lão thành phản tỉnh, họ sợ trí thức có tâm và có tầm, có uy tín xã hội và lập luận chặt chẽ. 

Họ rất sợ việc hình thành các tổ chức được điều hành chặt chẽ, vươn ảnh hưởng ra ngoài nước, hình thành một mặt trận ngoại giao nhân dân phối hợp với cộng đồng ngoài nước . Họ sợ các blogger tự do lề trái đánh bạt hơn 700 công cụ trên lề phải thưa thớt khách thông tin. Họ sợ 3 chiến sỹ bất đồng chính kiến ở Đồng Tháp nên mới giam tiếp thêm, mới huy động hàng trăm công an bắt bớ gần một trăm bà con ta. Họ sợ quan thầy của họ hơn tất cả các nỗi sợ, nên dù bị mắng là «đứa con hư hỏng phải quay về»,họ đã quay về thật!

Anh chị em bất đồng chính kiến nên nhớ một điều là tình thế của thế lực cầm quyền CS hiện đang ở thế yếu chí mạng, sa sút, thoái hóa, mất uy tín chưa từng có. Không ít bà con ta, qua những đảo lộn lịch sử ở Liên Xô cũ, ở Đông Âu, Bắc Phi, Trung Đông … coi nhóm lãnh đạo hiện tại từ trung ương xuống địa phương là những tên tội phạm chính trị-kinh tế- tài chính-hình sự mặc nhiên sẽ phải ra trước vành móng ngựa tòa án nhân dân, như Nicolas Céausescu ở Romania hay như Erich Honecker ở Đông Đức, một khi sự căm phẫn của nhân dân bùng nổ theo kiểu tức nước vỡ bờ.

Tôi hoàn toàn tán thành phương hướng hành động của các tổ chức xã hội dân sự trong thời gian trước mắt như được anh Nguyễn Quang A nêu lên là: thức tỉnh nhiều thêm, sâu thêm mọi công dân yêu nước đứng lên thực thi mọi quyền tự do của công dân được Hiến pháp bảo vệ không cần xin phép ai, từ đó làm cho xã hội dân sự lớn mạnh không ngừng trong thử thách đấu tranh. 

Nâng cao dân trí, thực hành dân chủ và nhân quyền là chìa khóa mở cửa tương lai của dân tộc; không nên vội vàng nôn nóng, càng không thể nản chí với thời gian. Hãy vận động thêm những công dân lương thiện, yêu nước thương dân, không sợ chính quyền toàn trị gia nhập các tổ chức xã hội dân sự, cùng nhau phá cái xấu, cái cũ, kiên nhẫn xây dựng tương lai.

Việc xuất hiện Văn đoàn Độc lập tập họp những anh chị em văn nghệ sỹ dân chủ, Hội nhà báo Độc lập hội tụ các anh chị em nhà báo dân chủ, sau khi đã có nhóm các blogger VN và một loạt mạng thông tin lề trái rất có uy tín với bạn đọc, là những phát triển có ý nghĩa. Nên chăng có thêm tổ chức Hội các luật gia độc lập hay dân chủ, Hội các nhà giáo dục dân chủ để tập họp lực lượng luật gia và những nhà giáo dục tiến bộ, 2 lĩnh vực mũi nhọn của một xã hội văn minh.

Hiện có rất nhiều luật sư, nhà luật học tham gia phong trào đang bị tù đày, rất nhiều nhà giáo dục có thiện chí xây dựng một nền giáo dục dân chủ mang tính khai phóng, khuyến khích tư duy độc lập, là điều kiện hội đủ để hình thành Hội luật gia dân chủ và Hội nhà giáo dân chủ.

Theo kinh nghiệm ở Ba Lan và Hungary, các nhà kinh doanh vừa và nhỏ ở Việt Nam cũng nên tổ chức một hội đoàn độc lập của mình để bảo vệ quyền lợi của giới mình, chống lại sự cạnh tranh phi pháp của các phe nhóm tư bản lớn cũng như sự lấn ép của các tập đoàn quốc doanh độc quyền, vi phạm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng được Hiến pháp bảo vệ.

Đảng CS cầm quyền đang trải qua cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất. Khủng hoảng học thuyết, ý thức hệ, khủng hoảng về đường lối, cả đối nội lẫn đối ngoại, khủng hoảng kinh tế- tài chính với nguy cơ vỡ nợ nhà nước, khủng hoảng văn hóa về đạo đức xã hội, khủng hoảng về an ninh khi lực lượng công an biến thành tay sai của phe đảng chống lại nhân dân.

Điều cần khẳng định là vừa qua là thời kỳ phát triển, trỗi dậy có khí thế của các tổ chức xã hội dân sự trẻ khỏe và năng động, so với 10 năm trước có thể coi là thời kỳ trưởng thành đáng mừng, làm cho thế và lực cùng vươn lên.

Trong khi lãnh đạo đảng CS chuẩn bị cho Đại hội XII, công bố dự thảo các văn kiện, các tổ chức xã hội dân sự có dịp để phản biện một cách ngay thẳng, mạnh mẽ, đồng thời yêu cầu nhà cầm quyền phải làm đúng, đầy đủ lời hứa danh dự trong Thông điệp đầu năm, công nhận «người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm», có nghĩa là tôn trọng sự tồn tại, phát triển, hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, tài sản nhân lực và tinh thần quý báu vô giá của nhân dân Việt Nam.

Bùi Tín


Du lịch Hoàng Sa: Trung Quốc thực hiện ý đồ bành trướng ở Biển Đông

Tàu du lịch Trung Quốc rời cảng Tam Á (Sanya), để đi thăm các đảo nhỏ ở Hoàng Sa - sanyatourism.com
Tàu du lịch Trung Quốc rời cảng Tam Á (Sanya), để đi thăm các đảo nhỏ ở Hoàng Sa - sanyatourism.com

Đức Tâm

Tàu đánh cá, tàu ngư chính, kiểm ngư, rồi giàn khoan và giờ đây là du lịch bằng thuyền tới quần đảo Hoàng Sa : Trung Quốc dùng mọi phương tiện để thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông. Tân Hoa Xã, ngày 02/09/2014, cho biết, tàu du lịch Trung Quốc "Coconut Princess" đã rời cảng Tam Á (Sanya), cực nam đảo Hải Nam, để tới quần đảo Tây Sa, (tức Hoàng Sa).

Chuyến du lịch kéo dài bốn ngày, ba đêm và đi qua hơn bốn chục đảo nhỏ, bãi đá. Trước đó, Bắc Kinh đưa tin là do chương trình thành công, nhà tổ chức du lịch bằng thuyền tới Hoàng Sa đã cải tiến các hoạt động để rút ngắn thời gian đi biển. Trung Quốc bắt đầu đưa du khách tới Hoàng Sa từ tháng 04/2013 và Công ty hàng hải Eo biển Hải Nam đã chuyên chở hơn 3000 du khách từ đảo Hải Nam tới quần đảo Hoàng Sa.

Cho đến nay, công ty này chỉ có mỗi tàu Coconut Princess, phục vụ tuyến Hải Nam- Hoàng Sa, được tổ chức hàng tháng hoặc hai tháng một lần, và mỗi lần chở khoảng 200 du khách. Ban đầu, điểm xuất phát là thành phố Hải Khẩu (Haikou) thủ phủ tỉnh Hải Nam và hành trình tới quần đảo Hoàng Sa mất khoảng 20 tiếng. Từ ngày 02/09, tàu xuất phát từ cảng Tam Á và chỉ mất 12 giờ để tới Hoàng Sa.

Trong chuyến đi, du khách tới tham quan Cồn Quan sát (Trung Quốc gọi là Ngân Tự - Yinyu và tên quốc tế Observation Bank), đảo Toàn Phú (Quanfu), đảo Áp Công (Yagong), tất cả đều nằm trong nhóm đảo Lưỡi Liềm (Vĩnh Nhạc quần đảo – Crescent Group), thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Mặc dù truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh tới khía cạnh du lịch, nhưng theo giới quan sát, hiển nhiên, hoạt động này của Bắc Kinh mang tính chính trị. Quần đảo Hoàng Sa là nơi tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tháng Giêng năm 1974, Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo này từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Khi thường xuyên đưa du khách tới Hoàng Sa, Trung Quốc muốn củng cố đòi hỏi chủ quyền, khẳng định là Bắc Kinh quản lý tuyệt đối toàn bộ vùng này. Các tàu du lịch cung cấp thức ăn và chỗ ở cho du khách mà không cần phải xây dựng hạ tầng cơ sở trên những hòn đảo tại đây.

Sự hiện diện của các tàu du lịch tạo cớ cho Trung Quốc điều các tàu tuần tra phi quân sự đến những vùng đang có tranh chấp. Bắc Kinh vốn thường xuyên dùng tàu ngư chính, kiểm ngư, trên danh nghĩa là tàu dân sự, để khẳng định các đòi hỏi chủ quyền ở những vùng biển tranh chấp. Mặt khác, tàu du lịch, không vũ trang, không thể trở thành mục tiêu tấn công của những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc.

Năm ngoái, khi Trung Quốc tổ chức tuyến du lịch tới Hoàng Sa, chính quyền Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ. Bắc Kinh bỏ ngoài tai. Trung Quốc không thừa nhận đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và cho rằng hoạt động du lịch trong khu vực không liên quan gì đến nước thứ ba.

Lần này cũng tương tự. Hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nhắc lại điệp khúc : « Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Việc Trung Quốc khai thác du lịch ở khu vực này là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam » v.v và v.v.

Một chỉ dấu khác cho thấy ý đồ chính trị của Trung Quốc trong việc tổ chức du lịch Hoàng Sa : Theo báo International Herald Tribune, trong những chuyến du lịch đầu tiên, Bắc Kinh chỉ chấp nhận công dân Hoa lục, người ngoại quốc hoặc người Trung Quốc ở Hồng Kông, Macao cũng bị gạt mà không có giải thích. Ngoài ra, trong số 200 hành khách của chuyến thứ nhất, thì số quan chức chính quyền đông hơn du khách.

Trung Quốc không phải là nước duy nhất nhìn thấy tiềm năng du lịch kết hợp với việc củng cố quyền kiểm soát tại các vùng có tranh chấp. Philippines đã tính tới việc tổ chức du lịch quần đảo Trường Sa. Còn Việt Nam, trong thời gian qua, đã tổ chức một số chuyến cho quan chức và khách mời đi thăm hỏi binh sĩ trên các đảo ở Trường Sa mà Việt Nam quản lý.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140904-to-chuc-du-lich-hoang-sa-trung-quoc-thuc-hien-y-do-banh-truong-o-bien-dong


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link