Nhân chứng kể chuyện
phiên tòa Bùi Hằng ở Đồng Tháp
Huyền Trang,
VRNs
VRNs (03.09.2014) – Sài Gòn: Thưa
ông Thịnh, được biết sau khi phiên tòa diễn ra khoảng hơn hai tiếng đồng hồ thì
ông nhận được lệnh triệu tập dự khán vậy những thủ tục ông cần làm để được vào tham
dự tòa là như thế nào?
Ông Phạm Nhật
Thịnh: Tôi biết
ngày 26.08 sẽ diễn ra phiên tòa của chị Bùi Hằng, cô Thúy Quỳnh và anh Văn
Minh, tôi chờ đợi Tòa án gửi giấy triệu tập cho tôi vì tôi là một nhân chứng
trong vụ án. Nhưng đến ngày xét xử, tôi vẫn không nhận được giấy triệu tập. Tuy
tôi không nhận được giấy triệu tập, tôi vẫn đi tham dự phiên tòa, để quan sát.
Tôi và một số người
đứng bên ngoài nghe ngóng phiên tòa vì lực lượng công an không cho bất kỳ ai
được [tiếp cận] phiên tòa. Một lúc sau, Thượng úy Đoàn Quốc Trung, mang số hiệu
432080 mời tôi về phường làm việc. Lúc đó, tôi rất nghi ngờ vì không biết họ
mời tôi đi để làm gì. Họ trả lời với tôi, mời tôi đến phường công an, để làm rõ
giấy triệu tập. Tôi không đi và tôi nói, tôi phải đợi Luật sư. Họ nói, không phải
đợi, họ đẩy tôi lên xe, chở tôi về công phường một làm việc.
Tại đây, chúng tôi
trao đổi về giấy triệu tập. Họ hỏi tôi, “anh có giấy triệu tập tại sao không đi?”.
Tôi khẳng định với họ, tôi không hề nhận được giấy triệu tập nào của Tòa án,
nhưng họ lại đánh đồng giấy triệu tập của Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CQCSĐT) với
giấy triệu tập của Tòa án. Tôi giải thích với họ, tôi đã từng nhận được 2 giấy
triệu tập của CQCSĐT nhưng tôi không đi, vì: Giấy triệu tập lần thứ nhất, họ
mời tôi vào lúc 8 giờ ngày 06.03 phải có mặt tại CQCSĐT huyện lấp Vò, nhưng công
an lại gửi cho tôi vào lúc 20 giờ ngày 05.03. Như thế làm sao tôi có thể thu
xếp công việc để tôi đi được. Giấy triệu tập lần thứ 2, họ mời tôi trước đó mấy
ngày nhưng lại ghi sai địa chỉ của tôi. Giấy triệu tập không ghi đúng địa chỉ
thì làm sao tôi dám nhận và tôi đi được. Cuối cùng họ hỏi tôi, “Anh hay ai muốn
anh vô tham dự phiên tòa?”. Tôi cầm bản tường trình, tôi ghi, “ý tôi muốn tham
dự phiên tòa này”. Tôi ký tên và đưa cho họ. Một lúc sau, họ chở tôi đi.
Trên đường đi, tôi
vô tình nghe được cuộc nói chuyện của các công an viên qua bộ đàm của họ rằng,
“không cho thằng Thịnh vô tham dự phiên tòa. Bằng mọi cách phải giữ nó lại. Tại
vì thằng này mà vô [Tòa án] sẽ làm đảo lộn những gì đã sắp xếp. Và nó có những
lời nói kích động.” Tôi không hiểu những lời nói kích động ở đây là gì? Lúc đó,
tôi cảm thấy trong người của tôi bất an, tại vì họ có những lời lẽ là “không
cho thằng Thịnh được vào tham dự phiên tòa”, thì tôi và họ không quen biết
nhau, không thù oán hay ghét nhau mà họ lại nói với tôi những điều đó. [Một lúc
sau], họ đưa tôi tới cổng Tòa án và nói tôi ở đó đợi. Họ hỏi nhau là, ai đã ra
lệnh cho tôi được vào [tham dự phiên tòa]. Họ đi trao đổi hết người này đến người
khác. Đến nỗi chính bản thân tôi cũng không hiểu vì sao tôi lại được vào bên
trong phiên tòa.
Huyền Trang, VRNs: Thưa
ông Thịnh, ông là một người chứng kiến các diễn biến bên trong phiên tòa, vậy xin
ông có thể chia sẻ những gì ông đã chứng kiến ra sao ạ?
Ông Phạm Nhật
Thịnh: Diễn biến
ngay từ đầu, tôi không biết vì lúc đó tôi chưa được vào tham dự, bởi vì tôi
phải làm những thủ tục tôi vừa kể trên. Tôi vào Tòa án khoảng 10 giờ, Viện kiểm
sát (VKS) đã đọc xong bản cáo trạng. Tôi vào gần giờ giải lao. Tôi và chị Hằng
nhìn mặt nhau, hai chị em mừng lắm, bởi vì hơn 6 tháng trời mà hai chị em chưa
nhìn thấy nhau. Tôi cảm thấy, chị Hằng rất bất ngờ vì sao tôi lại được vào bên
trong phiên tòa, vì có những người có giấy triệu tập nhưng lại không được vào
tham dự. Chính bản thân tôi cũng rất ngạc nhiên tại sao tôi lại được vào tham
dự phiên tòa, trong khi tôi không có giấy triệu tập của Tòa án.
Khi phiên tòa nghỉ
trưa, tôi có một ấn tượng đối với chị Hằng, đó là, khi công an dẫn chị từ vành
móng ngựa ra xe tù thì chị đã hát bài “Mẹ ơi, đoái thương xem nước VN. Trời u
ám bất công lan tràn…” Chị Hằng đã nhìn tôi thì ngay lúc đó tôi cảm thấy chị Hằng
và tôi có một cái gì đó gần với nhau, liên kết với nhau lắm. Tôi là người Công
Giáo, còn chị Hằng là người Phật Giáo.
Sau khi chị Hằng
lên xe tù, tôi bị nhân viên an ninh giữ tôi lại, không cho tôi ra [khỏi Tòa án].
Họ làm khó dễ tôi và liên tục nói “anh đợi một tí”, nhưng tôi không hiểu họ muốn
giữ tôi ở lại để làm gì. Lúc đó, may sao, tôi nhìn thấy Luật sư Hải và Luật sư
Miếng thì tôi đã gọi hai Luật sư lại. Hai Luật sư tiến lại gần tôi hỏi nhân viên
an ninh “anh và anh Thịnh có quen nhau không?”, anh an ninh này không trả lời
và tôi liền trả lời “tôi không quen anh này”. Luật sư Miếng nói: “không quen,
tại sao anh lại giữ anh Thịnh lại?”. Luật sư Hải tiếp lời: “Anh Thịnh không
quen anh này, vậy anh kia làm trong bộ phận nào hay làm trong cơ quan nào?”.
Thì anh ta đã bỏ đi và tôi tiếp tục đi theo các Luật sư ra khỏi Tòa án. Họ [các
nhân viên an ninh] muốn giữ tôi lại để làm gì thì tôi không biết.”
Phần xét hỏi bị
can và nhân chứng
Vào lúc 13 giờ 30,
phiên tòa tái tục. Ông Chủ tọa mời chị Hằng lên chất vấn. Chị Hằng nói, “chúng
tôi đi đến nhà chị Phượng [phu nhân ông Nguyễn Bắc Truyển], đi hàng một không
gây rối trật tự. Khi chúng tôi đến đoạn đường Cầu Nông Trại đã có sẵn từ 100
đến 200 người phục kích trước ở đó, đánh đập chúng tôi, giựt đồ chúng tôi. Tôi
đã yêu cầu công an đưa chúng tôi về công an xã hoặc đưa chúng tôi về cơ quan nào
gần đó nhất” nhưng họ đã không đưa chúng tôi về những nơi chị Hằng yêu cầu. Chị
Hằng nhìn thấy một CSGT, trên tay CSGT này đang cầm máy quay, thì chị Hằng mới
nói với người này rằng, “anh là công an, tôi tin anh, anh giữ dùm tôi cái ipad”.
Hôm phiên tòa, tôi mới biết người CSGT mà chị Hằng đã nhờ [vào ngày 11.02] tên
là Sang.
Tiếp đến là Thúy
Quỳnh. Cô ấy quả quyết, “chúng tôi vô tội. Chúng tôi đang đi trên đường thì bị
tập kích… Chúng tôi hoàn toàn vô tội.” Cô Thúy Quỳnh nhấn mạnh chi tiết nón bảo
hiểm của cô ấy [bị côn đồ] đập bể làm ba.
Sau đó là Văn Minh.
Anh ấy kiên quyết “chúng tôi vô tội”.
Khi chủ tọa gọi tôi
lên chất vấn vì tôi là người làm chứng nên tôi đã kể lại như sau: “Tôi cùng với
Đoàn 20 người, tổng cộng Đoàn với tôi là 21 người. Chúng tôi đi đến đoạn đường
Nông Trại, chúng tôi bị từ 100 người đến 200 người phục kích sẵn, chặn chúng
tôi lại. Trong số những người này có khoảng mười mấy người cầm sẵn gậy gộc và
tôi nhìn thấy có một người cầm gậy đã đập vào đầu cô Thúy Quỳnh, làm nón bảo hiểm
bể ra làm ba. [Lúc này] chị Hằng yêu cầu đưa chúng tôi về công an xã để giải
quyết, khám xét đồ đạc chúng tôi, nhưng họ dứt khoát không chịu, họ đòi khám
xét chúng tôi ngay ngoài đường mà những người khám xét chúng tôi là những người
mặc thường phục, không phải là công an. Chính vì vậy, chị Hằng mới la lớn “cướp,
cướp, cướp…” Tôi nhìn thấy và tôi nghe thấy, chị Hằng có nói với nhân viên CSGT
cầm máy quay phim đang quay chúng tôi, rằng: “tôi tin anh, tôi đưa cho anh cái
ipad của tôi, anh giữ dùm tôi”. Khi tôi nói đến đoạn, chúng tôi đến đoạn đường
cầu Nông Trại có hơn 100 đến 200 người, ông Chủ tọa hỏi tôi “lúc đó anh có đếm
hay không thì làm sao mà anh có thể đoán được?”. Ngay sau đó, tôi liền quay
xuống hội trường nhìn, và tôi quay lên, thưa với ông Chủ tọa rằng, “thưa ông,
tôi ngó xuống hội trường để tôi [ước chừng]. Theo như tôi nhận định, [những
người tham dự] phiên tòa ngày hôm nay là hơn 100 người. Còn vào ngày 11.02, ngày
mà họ đã chặn chị Hằng và Đoàn chúng tôi thì nhiều hơn số lượng này. Đó là bằng
chứng tôi đưa ra cho ông.”
Những sự việc trên
tôi đã nói cách đây mấy tháng trên truyền thông thì trong phiên tòa chị Hằng và
Thúy Quỳnh đều nói y chang như tôi. Có nghĩa là, tôi là một nhân chứng sống ở
bên ngoài [nhà tù], còn chị Hằng, Thúy Quỳnh và Văn Minh là một bị can bị giam
trong nhà tù nhưng lời khai của chúng tôi rất giống nhau. Ở đây tôi muốn nói là
bằng chứng sự thật bà Bùi Hằng, Thúy Quỳnh và ông Minh không phạm tội. Tôi là
nhân chứng, tôi cam đoan những người này không có tội, họ vô tội bởi vì tôi đã
chứng kiến mọi việc xảy ra. Tôi khẳng định, họ vô tội.
Phần tranh luận
của các Luật sư
Tôi xin nhắc lại
những lời bào chữa của các Luật sư trong tòa là, chị Hằng không có động cơ gây
rối và không có mức độ gây rối. Mục đích Đoàn 21 người chúng tôi đi xuống nhà
chị Phượng [phu nhân ông Nguyễn Bắc Truyển để thăm hỏi gia đình]. [Hiện trường
xảy ra sự việc là đoạn đường cầu Nông Trại] mà từ đoạn đường cầu Nông Trại
xuống nhà chị Phượng còn xa lắm, nên chúng tôi không dừng lại mục đích ở cầu
Nông Trại mà chúng tôi tiếp tục đi xuống nhà chị Phượng [với mục đích là thăm
hỏi].
Về “mức độ gây rối”,
Luật sư đưa ra, chúng tôi phải la lớn cỡ nào?… Trong khi đường xá ở thôn quê
một bên là sông rạch, bên còn lại ruộng vườn của người dân và ngôi nhà của họ
núp sau những mảnh ruộng này. Theo bản cáo trạng, con đường ở đó chỉ có khoảng
từ 3 – 4 mét. Người dân thưa thớt. [khi xảy ra sự việc] những người dân hiếu kỳ
ra xem lên đến ba mươi mấy người và họ cũng là nhân chứng trong vụ việc này.
Luật sư hỏi các nhân chứng đó, họ trả lời “chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng hú còi
của công an nên chúng tôi chạy ra xem”, hoặc có một số người nói rằng “tôi đi
đến đó, thấy đông người nên tôi gửi xe, tôi đi bộ ra đó, tôi xem”. Nói chung các
nhân chứng ở Đồng Tháp là những người tò mò, hiếu kỳ lên đến ba mươi mấy người
và Luật sư khẳng định, “chỉ vì thắc mắc như những người này cũng đủ làm cản trở
giao thông”.
Các Luật sư nhấn
mạnh “[làm giảm] sự tắc nghẽn giao thông do trách nhiệm của CSGT”. Trong biên
bản, anh CSGT viên tên Sang khai, anh ấy được nghe có ùn tắc giao thông [trên
đoạn đường cầu Nông Trại], nên anh ta cầm cái máy quay, quay từ đầu cho đến
cuối sự việc, ùn tắc giao thông trên 2 tiếng đồng hồ”. Luật sư hỏi CSGT Sang “thời
gian quay được bao lâu ?”. Anh ta nói “quay được hơn 6 phút”. Luật sư tiếp tục
hỏi “trong biên bản, anh nói rằng, anh quay từ đầu đến cuối sự việc mà ùn tắc giao
thông trên 2 tiếng đồng hồ thì tại sao anh chỉ quay được video có 6 phút?”. Anh
trả lời: “Có đoạn tôi quay, có đoạn tôi không quay, cái nào chính thì tôi quay
thôi.” Luật sư tiếp tục hỏi: “Anh là CSGT thì khi anh quan sát thấy đoạn đường
đó bị tắc nghẽn giao thông tại sao anh không dùng biện pháp để lưu thông giao
thông, hoặc giải tán đám đông…”. Nhưng CSGT tên Sang chỉ trả lời anh ta ôm cái
máy quay thôi. Luật sư hỏi, “trách nhiệm của CSGT là gì?”. Anh CSGT tên Sang
không trả lời được.
Về phía nhân chứng
của công an, có hai người là công an viên, tôi không nhớ tên hai người này.
Biên bản làm việc của họ làm việc với công an huyện Lấp Vò có nhiều chi tiết
đáng chú ý, đó là, hai biên bản của hai công an viên này lập khác ngày, khác
giờ, nhưng tại sao nội dung hai biên bản đó lại giống nhau từng dấu chấm, dấu
phẩy. Luật sư cho rằng, hai biên bản này sinh đôi và có vấn đề.
Lúc đầu, CQCSĐT ghép
anh Văn Minh vào tội “chống đối người thi hành công vụ”, vì anh Minh đã dùng
tay phải của anh ấy đánh vào tay phải của một nhân viên cảnh sát. Nhưng anh Minh
khẳng định, anh Minh không đánh ai hết và anh Minh cũng quả quyết, anh Minh hoàn
toàn không biết nhân viên công an đang tố anh Minh là ai. Về phía Luật sư bào
chữa, anh Minh không đánh ai, không có bằng chứng cho thấy anh Minh đánh người.
Luật sư thắc mắc, “tại sao tội chống đối người thi hành công vụ lại được chuyển
sang tội gây rối trật tự công cộng?”. Chủ tọa cho rằng, “tội gây rối trật tự
công cộng nhẹ hơn so với tội chống đối người thi hành công vụ, nên anh Minh bị
khởi tố tội gây rối trật tự công cộng.”
Trong phiên tòa,
Luật sư có đề nghị đến Hội đồng Xét xử (HĐXX) phóng thích chị Hằng, Thúy Quỳnh
và anh Minh ngay tại tòa vì họ vô tội.
Huyền Trang, VRNs: Các
chứng cứ tòa đưa ra làm căn cứ kết tội bà Bùi Hằng, cô Thúy Quỳnh, ông Văn Minh
thì ông so sánh như thế nào với những gì ông đã tận mắt chứng kiến vụ án này ngay
từ đầu, xảy ra vào ngày 11.02.2014 vừa qua?
Ông Phạm Nhật
Thịnh: Căn cứ của
Tòa án đưa ra tôi không thấy đúng. Bởi vì sâu chuỗi từ đầu đến cuối, mục đích
của chúng tôi là đi thăm gia đình bà Phượng [phu nhân ông Nguyễn Bắc Truyển]
rồi trở về Sài Gòn, chứ không phải dừng lại đoạn đường cầu Nông Trại để gây rối
trật tự công cộng. Căn cứ Tòa án đưa ra là mục đích chúng tôi gây rối công cộng
trên đoạn đường cầu Nông Trại là hoàn toàn sai và chỉ có người điên mới làm như
vậy. Tôi khẳng định, bà Hằng và 20 người trong Đoàn chúng tôi không có người
nào điên cả. Bởi vì, ngày hôm đó, tôi chỉ mặc một cái áo tay dài màu đen và một
cái quần, hành lý tôi cũng như mọi người không có gì hết, thì ý định của tôi và
những người trong Đoàn là tới nhà chị Phượng thăm viếng rồi trở về lại Sài Gòn.
Huyền Trang, VRNs: Thái
độ của chủ tọa thì như thế nào ạ?
Ông Phạm Nhật Thịnh: Ngay từ đầu, tôi rất hy vọng,
ông Chủ tọa là người liêm minh chính trực, bởi vì ông ấy không để cho VKS cắt
ngang những lời bào chữa của Luật sư… Ông Chủ tọa có một thái độ tốt. Sau khi,
nghị án xong, ông ra tuyên bố bản án thì tôi thấy ông rất lúng túng, ngập ngừng
và có vẻ bị gượng ép.
Huyền Trang, VRNs: Sau
khi tòa tuyên án bà Bùi Hằng bị 3 năm tù giam, ông Văn Minh bị 2 năm 6 tháng tù
giam và cô Thúy Quỳnh 2 năm tù giam thì thái độ của bà Bùi Hằng, cô Thúy Quỳnh và
ông Văn Minh ra sao?
Ông Phạm Nhật
Thịnh: Khi Tòa
tuyên án chị Hằng ba năm, tôi thấy chị Hằng quay xuống, chị cười… làm tôi nhớ
đến bài hát “Việt Nam quê hương ngạo nghễ”, khiến tôi cảm phục tinh thần kiên
cường của chị Hằng. Thúy Quỳnh hơi bỡ ngỡ trước bản án. Văn Minh có vẻ chấp
nhận bản án. Người đau lòng nhất đó chính là cô Diễm Thúy, vợ anh Minh, chị
khóc rất nhiều, chị chỉ muốn nhảy xuống đường nhưng nhiều người đã giữ chị lại…
và chị xỉu.
Huyền Trang, VRNs: Ông
cảm thấy như thế nào về bản án này?
Ông Phạm Nhật
Thịnh: Trong người
tôi rất bồn chồn. Tôi rất buồn và thất vọng vì tôi không hiểu nổi luật pháp VN,
trong khi Luật sư và tôi đưa ra nhiều bằng chứng chứng minh chị Hằng, Thúy
Quỳnh và anh Minh vô tội mà Tòa vẫn tuyên họ có tội. Những người vô tội, bị
cướp tài sản, bị đánh mà lại bị kết án là có tội.
Huyền Trang, VRNs: Xin
chân thành cám ơn ông Phạm Nhật Thịnh.
HT, VRNs
Nguồn: http://www.chuacuuthe.com/2014/09/nhan-chung-ke-chuyen-phien-toa-bui-hang-o-dong-thap/
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment