Thursday, September 4, 2014

Một góc khuyết trong lịch sử Việt Nam



Một góc khuyết trong lịch sử Việt Nam

Nguyễn Văn Thương

 

Tôi không biết bạn nghĩ gì khi nghe câu phát biểu này của ông Vũ Ngọc Hoàng, một quan chức cấp cao của ban tuyên giáo Trung Ương. Còn tôi thì thấy lỗ tai điếc ù, chân tay rụng rời và tim thì hoá đá. Dù thực tế đã nghe nói nhiều, đã thấy hiển nhiên, nhưng đây lại là lời phát biểu của một ông quan lớn. Những người chỉ quen nổ về những thành tựu vĩ đại qua những con số vĩ đại và được thực hiện bởi những con người “VĨ ĐẠI”:
“Cách đây bốn, năm mươi năm, VN và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại VN và VN cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại VN làm ông chủ, làm quản lý, còn người VN ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin…”

Thú thật, tối không am hiểu nhiều về lịch sử. Nhưng khi đọc tác phẩm đồ sộ Tri thức tinh hoa Việt Nam đương đại của Hàm Châu thì tôi thấy rằng lịch sử nước ta đang thiếu một thứ, một thứ vô cùng quan trọng, đó là một thế hệ DÁM DẤN THÂN CHO SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI VÀ CÁCH TÂN ĐẤT NƯỚC. Một sự nghiệp có thể dẫn tới sự vinh quang đi kèm với bi kịch cá nhân. Lịch sử đang thiếu một lớp người như vậy. Đất nước đang thiếu một thế hệ như vậy.

Qua sự kiện HD981 tôi đã rất hy vọng rằng đất nước sẽ có một cú CHUYỂN MÌNH vĩ đại, tôi đã hy vọng như thế và rất kỳ vọng như thế. Nhưng có lẽ tất cả đã sụp đỗ. Phe thân Tàu lại tiếp tục thân Tàu. “Quả bom” 981 đã tiễn hơn 4000 dân Tàu về nước nhưng giờ họ lại sang với số lượng gấp ba. Một con số khiến cho tất thảy những người con yêu nước đều hoang mang và kinh hãi.

Suốt bốn tháng qua chủ đề thoát tàu nóng sốt trên mọi phương tiện, mọi ngõ ngách của đời sống người Việt. Với 90 triệu con tim, hàng trăm ngàn bài viết, vô số những kế sách, kiến nghị, hội thảo, hội đàm… Nhưng bây giờ tất cả thành vô nghĩa. Chuyến thăm của Lê Hồng Anh sang trung quốc giống như một nhát dao ngoáy sâu vào từng khúc ruột và cắt đứt cuống tim của hàng triệu con người, là một sự PHẢN BỘI đắng gắt của Đảng với nhân dân. Hy vọng cái gì nữa, kỳ vọng cái gì nữa. Rồi cũng thế thôi, chúng ta lại phải chứng kiến một thời kỳ mà trở lại sự bi kịch và bế tắc như ban đầu, tiếp nối một thời kỳ nô lệ cho quân Tàu và dân Tàu.

HD981, sự kiện ấy đã nói lên tất cả, nó phơi bày sự yếu kém của chúng ta, nó cũng phơi ra sự hủ bại của xã hội. Chúng ta đang thiếu những nhà lãnh đạo kiệt xuất. Đang thiếu một thế hệ dám dấn thân mình vì nước vì dân. Chúng ta đang thiếu, lịch sử cũng đang thiếu. Chúng ta có quá nhiều anh hùng vang danh trong thời chiến, nhưng chưa có một vị anh hùng thực thụ trong thời bình. Chúng ta có những chiến thắng vang dội năm châu và những vị tướng lừng danh thế giới. Nhưng không có những nhà kinh doanh giỏi, những nhà khoa học giỏi, những nhà văn hóa, nghệ thuật giỏi, có ảnh hưởng với thế giới.

Để đổi mới, để vươn lên, cải tổ mình trong cảnh đổ nát. Chẳng còn cách nào khác là chúng ta phải dấn thân, phải có một “Giấc mơ Việt Nam” thái bình, thịnh vượng và con đường để đến giấc mơ đó. Một giấc mơ đủ lớn, đủ thực và đủ đẹp để tất cả mọi người Việt Nam tự hào dấn thân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nếu dân tộc ta không có khát khao mãnh liệt về một xã hội tốt đẹp hơn cho chính thế hệ mình và các thế hệ con cháu trong tương lai thì chúng ta chỉ mãi ở trong vòng xoáy đói nghèo và lạc hậu, tự vấp chân nhau rồi dẫm đạp lên nhau.

Chúng ta cần hiểu rằng, thay đổi đến từ chính bản thân chúng ta. Ta là người nắm giữ vận mệnh cuộc đời ta, vận mệnh của đất nước. Khi xã hội đã như vậy, nhà nước đã như vậy thì trách nhiệm của ta càng khó khăn hơn, càng nặng nề hơn gấp bội. Nhưng ta không được nhụt chí mà lùi bước vì khi xã hội càng tệ hại thì ta lại càng phải dấn thân. Phải học tinh thần Samurai của Người nhật, khát vọng Starup của người Irael và nghệ thuật “ăn mày” chất xám của người Hàn. Phải có khát vọng, chỉ khát vọng mới giúp ta có sức mạnh để đạp phăng mọi thử thách trên con đường nhiều gập nghềnh và giăng dắc những gian truân.

Thiết nghĩ, chúng ta cần phải đọc nó, đọc Tri thức tinh hoa Việt Nam đương đại để hiểu được con đường của cha anh, trí tuệ của cha ông. Để thấy rằng, đất nước chúng ta đang thiếu, lịch sử chúng ta đang thiếu một trang sách mang tên VĂN MINH VÀ HIỆN ĐẠI.

Với tất cả sự kính trọng đối với cha ông, tôi cho rằng, để thay đổi định mệnh của đất nước, dân tộc thì nhiều khi phải dám nghĩ và làm khác cha ông. Và chúng ta đang chờ đợi một thế hệ như vậy. Những con người dám quên mình để dấn thân, để cách tân, đổi mới, đưa đất sang một trang mới hào hùng mang tên “giàu mạnh và thịnh vượng”.

Hôm nay ngày quốc khánh, tôi ngồi lặng nghe về quá khứ hào hùng và anh dũng của cha anh trong thời kỳ chiến tranh đổ máu. Nhưng sao tôi không nghe thấy một trang sử hào hùng của thời đổi mới, một trang sử TINH HOA thời hiện đại. Góc khuyết ấy kéo dài đến bao giờ sẽ tiếp tục ì trệ đến bao lâu? Nó là câu hỏi cho tất cả chúng ta, cho bạn, cho tôi và cho cả thế hệ mai sau. Một góc khuyết của lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Văn Thương
Nguồn: Blog Triết Học Đường Phố


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link