Sunday, December 9, 2012

“Gửi gắm” con cho trời, cho người dưng


 

 

Gửi gắm” con cho trời, cho người dưng

Song Chi

Chỉ trong vòng hơn một tháng, người ta đọc thấy trên báo chí Việt Nam ít nhất 5 vụ trẻ sơ sinh bị chính người mẹ đang tâm vứt bỏ hoặc thả trôi sông cho chết luôn:

Một bé trai bị bỏ trong túi nylon vứt trong thùng rác, được chủ một khu nhà trọ ở phường Bình Hòa, thị xã Thuận An phát hiện trong tình trạng tím tái, khóc không thành tiếng, vào chiều ngày 30 tháng 10. (“Cứu sống bé sơ sinh bị ném vào thùng rác”, VNExpress)


Một em bé sơ sinh bị mẹ bỏ rơi được người khác nhặt được mang vào bệnh viện.

Một bé gái sơ sinh bị vứt dưới gốc cây nhà bà Võ Thị Mai Xuân ở xã Hóa An, TP. Biên Hòa tỉnh Ðồng Nai, được chủ nhà phát hiện vào khoảng 8 giờ sáng ngày 17 tháng 11. (“Phát hiện bé sơ sinh bị vứt dưới gốc cây”, báo Dân trí)

Bé gái bị cho vào cặp học sinh rồi vứt vào bụi cỏ, được người dân ở phường 1, quận 4, Sài Gòn phát hiện vào ngày 10 tháng 11 và đưa vào bệnh viện cấp cứu. (“Thêm một trẻ sơ sinh bị bỏ trong cặp, vứt trong cỏ”, Ðất Việt)

Bé gái còn nguyên cuống rốn bị bỏ trong thùng giấy nằm khuất giữa ruộng lúa, được một thanh niên ở xã Ðức Thắng (Mộ Ðức, Quảng Ngãi) tìm thấy khi ra đồng bắt cá vào chiều ngày 3 tháng 12. (“Bé gái sơ sinh tím tái giữa cánh đồng”, VNExpress)

Không may mắn như các em bé trên được cứu sống kịp thời, một bé trai bị mẹ vứt xuống sông Quản Lộ Phụng Hiệp cạnh nhà khi vừa mới sinh xong, lúc người dân phát hiện thì bé chỉ còn là cái xác trôi sông. (“Lỡ dại, thiếu nữ bỏ con trôi sông”, VietNamNet)

Và còn nữa, ngày càng nhiều những sinh linh bé bỏng vừa mới chào đời bị chính người mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ vứt bỏ, với muôn kiểu khác nhau: Vứt trong thùng rác, trong nhà vệ sinh công cộng, ngoài công viên, đường phố, giữa cánh đồng...

Dù hoàn cảnh hoài thai, ra đời của mỗi đứa trẻ khác nhau, nhưng có những điểm chung dễ nhận thấy trong những trường hợp trẻ bị chối bỏ như vậy.

Thứ nhất, hầu hết đều là kết quả của những cuộc tình ngoài hôn thú, trong đó, các cô gái thường bị người yêu “quất ngựa truy phong”, không chịu nhận lãnh trách nhiệm.

Khi xã hội Việt Nam ngày càng cởi mở thì những mối quan hệ trước hôn nhân càng nhiều, độ tuổi trung bình có quan hệ tình dục ngày càng sớm, từ đó, độ tuổi của những ông bố bà mẹ bất đắc dĩ cũng ngày càng trẻ.

Trong 5 câu chuyện trên thì các bà mẹ có độ tuổi từ 15 cho đến 22.

Em bé bị bỏ trong cặp là con của một nữ sinh 15 tuổi, đang học lớp 10. Bé trai bị thả trôi sông là con của một nữ sinh trường trung cấp kỹ thuật ở Bạc Liêu, 22 tuổi. Bé trai bị vứt trong thùng rác là con của một nữ công nhân 21 tuổi (nhưng theo báo chí, thực ra là 16 tuổi, cô gái khai gian để được vào làm việc cho nhà máy).

Bé gái bị vứt dưới gốc cây có khả năng cũng là con của một nữ công nhân. Theo bài báo, người dân địa phương cho biết, gần khu vực nơi chủ nhà phát hiện em bé là một công ty có hàng chục ngàn công nhân, đa số là nữ.

Tình trạng nữ công nhân mang thai sinh con rồi bỏ rơi thỉnh thoảng vẫn xảy ra.

Không thể khái quát một hiện tượng xã hội chỉ qua vài trường hợp, nhưng trong các câu chuyện kể trên, các bà mẹ thường là nữ sinh còn đang đi học, hoặc là nữ công nhân.

Hai thành phần này, một do còn phụ thuộc vào gia đình chưa làm ra tiền, một do đời sống kinh tế khó khăn nuôi thân còn chưa nổi nói gì nuôi con. Nên khi lỡ có thai ngoài ý muốn, thường không biết phải giải quyết cách nào và thế là vứt bỏ con.

Những đứa bé sơ sinh khi bị người mẹ vứt bỏ ngoài đường với muôn vàn rủi ro rình rập cũng có nghĩa là đã phó mặc cho trời. Nếu số phận may mắn thì bé được phát hiện, được cứu sống, được ai đó nhận về nuôi.

Như trong các trường hợp trên, tạm thời các bé đã có được một cái kết có hậu. Các gia đình phát hiện nhận làm con nuôi, riêng em bé bị bỏ trong cặp thì chính gia đình của nữ sinh vứt con xin nhận lại cháu, và bé đã trở về với mẹ.

Nhưng không phải bao giờ mọi chuyện cũng tốt đẹp như vậy. Người mẹ trẻ thả con xuống sông đang phải đối mặt với tội danh “giết con” và bị chính tòa án lương tâm dày vò. Cũng có khi đứa bé không được phát hiện sớm, chết vì đói, lạnh, bị kiến cắn, thậm chí bị thú hoang ăn thịt...

Trong cái nhìn của dư luận, lỗi lầm trước hết thuộc về những người mẹ trẻ bồng bột và những người cha đã bỏ rơi người yêu và giọt máu của mình.

Nhưng rõ ràng nền giáo dục cũng có phần trách nhiệm khi không dạy cho các em học sinh về giới tính, các biện pháp phòng tránh thai... một cách kỹ càng, chu đáo.

Thật ra, giáo dục giới tính đã được đưa vào chương trình phổ thông ở Việt Nam nhưng không hiểu dạy và học ra sao mà tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam vẫn quá cao.

Theo báo chí Việt Nam, tỷ lệ nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên của Việt Nam cao nhất khu vực Ðông Nam Á và là một trong những nước cao nhất thế giới! (“Giật mình với tỷ lệ nạo phá thai của học sinh, sinh viên”, VietNamNet)

Còn theo trang Actionaid, Việt Nam đứng thứ ba trên toàn thế giới về tỷ lệ nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên: “Worldwide, Vietnam has the third highest abortion rate for teenagers.”

(“Women's rights”, Actionaid. Nguồn: http://www.actionaid.org/vietnam/what-we-do/womens-rights).

Với những cô gái bỏ con khi vừa mới sinh ra thì chỉ có thể hiểu là do không biết sớm việc mình đã mang thai hoặc vì một lý do nào đó mà chưa kịp đi phá thai (!)đó thôi.

Thêm vào đó, chính gia đình của những cô gái trẻ cũng có phần trách nhiệm khi con gái mang thai suốt 9 tháng mười ngày rồi tự sinh con mà cũng không hay biết, như câu chuyện của cô bé nữ sinh lớp 10 và cô nữ sinh trường trung cấp kỹ thuật. Có vẻ như nhiều gia đình Việt Nam vì quá bận rộn với việc mưu sinh mà lơ là không để ý đến con cái, cũng chưa thật sự là bạn, là chỗ dựa cho con. Cả hai cô gái đều đưa lý do sợ gia đình trách mắng nên đã giấu chuyện mang thai.

Ở một số quốc gia Âu Mỹ, ngay như ở Na Uy, giới trẻ được giáo dục giới tính rất kỹ, nên khả năng có thai ngoài ý muốn rất thấp, dù theo luật Na Uy, 16 tuổi là các em đã được phép quan hệ tình dục.

Tuy nhiên, nếu lỡ như các cô gái có bầu và muốn giữ lại đứa con thì gia đình, dư luận cũng chẳng lên án. Có những trường hợp các em nữ sinh 16, 18 tuổi vác bụng bầu đến trường đi học một cách bình thường.

Nhưng trong xã hội Việt Nam cho đến nay, phải thấy rằng nếu một cô gái không chồng mà chửa thì gia đình không vui đã đành, thậm chí có thể đánh, mắng, từ bỏ con, còn dư luận vẫn nhìn vào với một cặp mắt không thiện cảm. Nếu là nữ sinh đang đi học mà lỡ có bầu, hầu hết các em đều phải bỏ học ở nhà sinh con để tránh bị bạn bè người quen dòm ngó, cười chê.

Với thực tế chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày càng thoáng, không có cách nào khác hơn là nhà trường cho đến gia đình phải giáo dục cho các em những hiểu biết cặn kẽ về tình dục, phòng tránh thai, cách sống có trách nhiệm với chính bản thân và với giọt máu của mình nếu lỡ có thai.

Nếu nhà trường không chu toàn việc này thì mỗi gia đình phải làm, đừng để con gái ở lứa tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” phải giấu diếm, rồi tự xử với cái bầu và đứa con.

Còn với chính những người mẹ người cha, khi đã có thể nhẫn tâm vứt bỏ, thậm chí thả trôi sông núm ruột của mình, khi đã không có lòng yêu thương, nhân ái với chính con đẻ, thì làm sao có thể hy vọng có được lòng nhân với người khác?

Dù không nỡ phê phán nhưng hành động này cũng là một biểu hiện của sự vô cảm, phi nhân tính đang ngày càng lan rộng các kiểu trong xã hội Việt Nam.

Một quốc gia nếu bị sụp đổ về thể chế chính trị, về kinh tế có thể được xây dựng lại, hồi phục lại trong vòng một vài thập kỷ. Nhưng sẽ lâu hơn rất nhiều, nếu những giá trị đạo đức xã hội, lương tri, lòng nhân, cái thiện... bị sa sút, tha hóa... là điều đang diễn ra ở Việt Nam.

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link