Monday, December 10, 2012

Viễn cảnh hòa giải quốc gia Việt Nam từ sự kiện Biển Đông



Viễn cảnh hòa giải quốc gia Việt Nam từ sự kiện Biển Đông


Nguyễn Be - một người trẻ


Tuổi thơ sống giữa ngụy, ta

Tuổi thơ là lứa tuổi ngây thơ và hồn nhiên nhất của một đời người. Ngây thơ là đặc quyền của trẻ nhỏ: quyền không phải trăn trở những chuyện áo cơm, yêu đương  hay chính trị. Tuy nhiên, đâu đó trên thế giới này vẫn có những ngoại lệ, khi mà người lớn cố tình hay vô ý dựng lên những giới tuyến chính trị trong đầu óc trẻ nhỏ. Thật không may khi Việt Nam là một trường hợp như vậy. Dưới đây là những trải nghiệm bản thân của tôi, người sinh ra khá lâu sau chiến tranh.

Trong mắt đứa trẻ con như tôi, cái thành phố nho nhỏ ở miền Trung [thuộc Nam Việt Nam trước đây] nơi tôi sinh ra và lớn lên thật nhiều màu sắc. Sự đa dạng ấy được định hình bằng bánh bèo, bánh canh của mấy o Huế, giọng nói dịu dàng của các bạn nữ gốc Bắc theo cha mẹ là bộ đội vào đóng quân, hay những thanh niên trai tráng “nồng thở vị xa xăm”* của vùng đất Nam-Ngãi mà chúng tôi hay gọi là “dân biển”. Tôi còn nhận ra mình có những người bạn tin vào Chúa, khi thấy chúng ăn mặc tinh tươm đến nhà thờ mỗi sáng Chủ nhật; cũng như biết được  những người bạn khác theo Phật khi thấy chúng gài lên ngực áo bông hồng đỏ trong ngày Vu Lan. Tôi cảm thấy thú vị khi được sống trong sự đa dạng đó, và thích thú mỗi khi tìm thấy thêm sự khác biệt từ những người mà tôi quen biết.

Nhưng, mọi chuyện bắt đầu khác đi khi một người lớn nào đó [mà tôi không còn nhớ] nhận xét về một người bạn của tôi: “Nhà nó theo ngụy đó, chúng ta nên tránh xa nó ra”.

Lúc đó, tôi chẳng hề biết “ngụy” là gì, nhưng cái sắc thái khinh bỉ của câu nói đó, gợi ý với tôi rằng “ngụy là xấu”. Đó có lẽ là lần đầu tiên tôi không cảm thấy thú vị khi biết thêm một sự khác biệt mới.

Tôi bắt đầu cảm thấy băn khoăn, trăn trở về hai từ “ngụy/ta” và rồi không biết vì nguyên do gì, tôi cảm thấy ái ngại với người bạn của mình.

Sau này, với những buổi học trên trường, tôi dần dần biết được là “ngụy” là tên gọi chế độ Việt Nam Cộng hòa – một chính thể tồn tại ở miền Nam Việt Nam từ 1954 đến 1975, gắn liền với “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta” – như cách gọi trong các sách giáo khoa lịch sử.

Về sau, tôi biết thêm rằng, “ngụy” là từ gốc Hán, có nghĩa là “giả”, tương phản với “chân” có nghĩa là “thật”. Trong lịch sử chính trị, lực lượng nào giành được chính quyền thông thường sẽ gọi lực lượng đối địch là ngụy, triều đình của địch là “ngụy triều”[triều Nguyễn gọi triều Tây Sơn], chính quyền của địch là “ngụy quyền”, quân đội của địch là “ngụy quân”.

Nghĩa là, “ngụy” là một ngôn từ chính trị, được một lực lượng chính trị sử dụng để đặt tên lực lượng chính trị đã hoặc đang tranh giành quyền lực với mình.

Và cũng lúc đó tôi hiểu được rằng, sau khi chiến tranh đã kết thúc được hàng chục năm, người ta vẫn dựng lên những giới tuyến chính trị giữa chúng tôi – những đứa trẻ sinh ra trong thời bình.

Hóa ra, họ muốn chia rẽ người trẻ chúng tôi, bằng ngôn ngữ lý lịch và định kiến lịch sử. Tôi không dám chắc ý muốn chia rẽ này đến từ đâu; nhưng tôi tin ViệtNamcần một cuộc hòa giải.

Mưu đồ ngoại bang và hòa giải quốc gia

Thời gian thông thường sẽ làm mờ dần những chia rẽ trong lòng người. Tuy nhiên, những sự kiện cũng có khả năng đẩy nhanh hay làm chậm tiến trình đó.

Mưu đồ của Trung Quốc đối với chủ quyền biển Đông thời gian vừa qua đã tạo ra những sự kiện như vậy.

Đầu tiên, cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngày 24 tháng 07 năm 2011 đã hô vang tên của các tử sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa lẫn Quân đội Nhân dân Việt Nam – những người đã hy sinh khi bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

Trước đó không lâu, một nỗ lực tri ân các tử sĩ này của một số nhà báo, tuy không thành, nhưng cũng là những dấu hiệu tốt cho công cuộc hòa giải quốc gia.

Và gần đây, trong hàng trăm cái tên ký vào bản Tuyên bố phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc in hình “lưỡi bò” lên hộ chiếu công dân, do các nhân sĩ trí thức trong nước phát động ngày 25 tháng 11 năm 2012, có một cái tên đặc biệt ở số thứ tự 528 “Trương Đại Nghĩa, cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa của miền Nam trước 1975, Hoa Kỳ”.

Dấu hiệu nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, những người cựu chiến binh hai bên chiến tuyến năm xưa, giờ đây lại kề vai sát cánh quanh ngọn cờ của tinh thần dân tộc, trước hiểm họa bành trướng Bắc Kinh.

Họ đã để lại sau lưng quá khứ “chĩa súng vào nhau”, đáp lại lời kêu gọi “mong đồng bào ở trong và ngoài nước tham gia ký tên để biểu thị sự đoàn kết nhất trí của dân tộc ta kiên quyết chống mọi hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia” của những người soạn thảo Tuyên bố.

Một động lực khác cho hòa giải quốc gia

Nhưng còn đó không ít băn khoăn: những dấu hiệu của công cuộc hòa giải quốc gia kể trên đều gắn liền với tình cảnh ViệtNam bị xâm phạm chủ quyền – một tình huống bất đắc dĩ – chứ không phải là hành vi chủ động. Hòa giải, phải chăng đang được coi như một phương tiện phục vụ tinh thần dân tộc và chủ quyền quốc gia, chứ không phải là mục tiêu?

Cụ thể hơn, câu hỏi đặt ra là, “Nếu chủ quyền Việt Nam không bị đe dọa, liệu công cuộc hòa giải quốc gia có được tiến hành? Và nếu có, thì đâu là động lực cho nó”?

Việt Nam là vùng đất có quá khứ phức tạp với nhiều xung đột: ý thức hệ chỉ là một loại trong số đó, bên cạnh những xung đột khác về sắc tộc và tôn giáo.

Thêm nữa, xã hội Việt Nam ngày nay đang trở nên đa dạng hơn về lợi ích và xu hướng. Thực tế này khiến vai trò của tinh thần/chủ nghĩa dân tộc trong cố kết xã hội hiện nay đang dần trở nên mờ nhạt.

Chủ nghĩa dân tộc – dựa trên ý niệm về một nguồn gốc chủng tộc và văn hóa chung – đã được nhiều thế hệ tầng lớp tinh hoa trong xã hội Việt Nam trước đây sử dụng  làm  “chất keo” cố kết xã hội, mưu cầu giải phóng đất nước khỏi thực dân.

Tuy thành công với mục tiêu này nhưng chủ nghĩa dân tộc cũng kịp để lại những di chứng trong sinh hoạt quốc gia và xã hội Việt Nam cho đến tận ngày nay.

Chủ nghĩa dân tộc đã hoàn thành nhiệm vụ. Và những di chứng của nó đang cần chúng ta dọn dẹp.

Viễn cảnh hòa giải quốc gia Việt Nam đang đòi hỏi “chất keo” kết dính khác. T

heo đó, thay vì thuyết phục rằng 90 triệu con người Việt Nam có chung một nguồn gốc sắc tộc và văn hóa, chúng ta sẽ khẳng định Việt Nam là một quốc gia đa sắc tộc, đa văn hóa và đa xu hướng.

Thứ kết dính chúng ta thành một quốc gia không phải là nguồn gốc lịch sử hay đặc tính sắc tộc của chúng ta, mà là dự phóng chung của chúng ta cho một tương lai của Việt Nam- một đồng thuận sẽ được thể hiện trong bản khế ước quốc gia tự do cộng hòa của chúng ta.

Và như thế, thay vì buộc người có suy nghĩ khác mình phải im tiếng bằng súng đạn, những người theo đuổi các xu hướng chính trị khác nhau có thể dùng tiếng nói của mình để thuyết phục xã hội bầu chọn cho mình.

Một cuộc chiến tranh Quốc-Cộng đã là quá đủ, chúng ta đang cần một lòng yêu nước khác**.

* thơ Tế Hanh.

** mà theo tôi thì đó nên là lòng yêu nước hiến định (constitutional patriotism).

N.B.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link