Monday, December 10, 2012

Cục diện dân chủ hóa ở Miến Điện có một cái đà rất vững chắc, rất toàn diện, không nửa vời, không do dự


Subject: Tr:Fwd: Tr : [exryu-ww] Bút ký viết từ Miến Điện- Nguyễn Đăng Hưng
Reply-To: "khue.nong" <

 

Cục diện dân chủ hóa ở Miến Điện có một cái đà rất vững chắc, rất toàn diện, không nửa vời, không do dự

Friday, August 10th, 2012 | Author: GS Nguyễn Đăng Hưng


Chùa Shwedagon, biểu tượng của đất nước Miến Điện và cựu thủ đô Yangon, ảnh chụp của tác giả

Bút ký viết từ Miến Điện


Nguyễn Đăng Hưng


Đây không phải là lần đầu tiên tôi bước chân đến Rangoon (nay có tên mới là Yangon). Năm 1977, để thực hiện chuyến về Việt Nam giảng dạy về cơ học tính toán, vì không có máy bay trực tiếp từ Tây Âu đến Việt Nam, tôi đã phải từ Bruxelles đáp máy bay qua Bangkok rồi từ đây lấy máy bay Thái lên Rangoon rồi đổi sang máy bay Liên Xô (Aeroflot) về Hà Nội. Dạo ấy tôi chưa quan tâm đến chính trị Miến Điện. Dạo ấy tôi chưa biết hết thế nào là chủ nghĩa xã hội hiện thực…

Lần này thì khác, tôi muốn thăm Miến Điện trong buổi giao thời. Đất nước này đang chuyển mình một cách ngoạn mục, dần dần thoát ly khỏi chế độ độc tài quân phiệt để tiến bước trên con đường dân chủ. Đây là những giờ phút lịch sử cho đất nước Miến Điện và cho cả Đông Nam Á.

Đất nước của những khám phá mới của người đi du lịch

Tôi đi theo diện du lịch trong khuôn khổ định sẳn của một công ty lữ hành nỗi tiếng tại Sài Gòn.

Chuyển bay trực tiếp từ Sài Gòn đến Yagnon mất khoảng thời gian tương đương đến Hà Nội.

Vì là du lịch nhóm nên gia đình chúng tôi theo chương trình bốn ngày ba đêm do hảng du lịch đề đạt sắp xếp. Trục chính của chuyến đi là hành hương, thăm viếng các chùa chiềng danh tiếng của xứ sở có 90% người dân theo đạo Phật này.

Sân bay Yangon khá mới và tiện ghi, hải quan trẻ trung, không thiếu nụ cười.  Phải đứng trước máy chụp hình trước khi trình hộ chiếu, nhưng thủ tục tương đối gọn nhẹ. Việc áp đặt phải đổi 300 US ở sân bay mà tôi nghe thấy trước đây không còn nữa.

Điều ngạc nhiên thứ nhất khi đến đây là Yangon rất khác với Sài Gòn hiện đại. Không có cảnh kẹt xe, không có cảnh xe gắn máy chen lấn, tung hoành uy hiếp người đi bộ, dành dựt lối đi, lấn cả lề đường. Xe gắn máy bị cấm vào trung tâm thành phố.  Xe chạy tay mặt, tuy Miến Điện là thuộc địa cũ của người Anh, tuy chiếc xe buýt ra sân bay đón chúng tôi có tay lái nghịch. Đây là một quyết định của tướng Ne Win trong năm 1970. Nghe nói ông tướng này ra quyết định chỉ vì thầy bói bảo xe chạy lề trái gây nhiều xui xẻo cho đất nước.

Ngay sáng hôm sau ngày lấy phòng tại khách sạn, chúng tôi lên đường đi thăm chùa Kyaiktiyo

có hòn đá chồng trứ danh Kim Thạch (Golden Rock) cách Yangon hơn 180 cây số, tọa lạc trên đỉnh ngọn núi cao đến 1.600 mét, trong địa bàn xứ sở người Môn, dân tộc đã định cư rất sớm tại giải đất Miến Điện.

Đây là tiết mục tham quan để lại cho tôi ấn tượng rất đặc biệt nhất trong chuyến đi. Đi xe buýt ngang qua thành phố Bago định ghé thăm thành cổ của dân tộc Myamar nhưng không được. Trời mưa tầm tả, đường đi đến thành cổ đã biến thành sông, xe phải thối lui tìm đường khác đi Kysikkto. Tại đây, phải đổi xe có khả năng leo dốc lên đỉnh núi.


Đường đi đến thành cổ đã biến thành sông, ảnh của tác giả

Cũng may là cô Chan hướng dẫn viên người Miến đã nhanh ý điều đình để chúng tôi được xe chở từ chân lên đỉnh núi mà không phải leo bộ 5 cây số cuối cùng theo thông lệ.  Chúng tôi, phải vượt đường đèo quanh co ngoằng ngèo, dốc đứng cao chót vót có khi đến 40 độ trong một chiếc xe cũ kỷ mui trần chỉ có vài thanh ngang dùng làm chổ ngồi, dưới cơn mưa nặng hột tầm tả. Quả là những giờ phút khá hãi hùng và không bảo nhau, ai trong chúng tôi cũng lẩm bẩm nguyệt cầu: Nam mô A Di Đà Phật… Ai cũng thở phào khi hướng dẫn viên bảo đã đến nơi rồi. Và quả thực ngôi chùa trên đỉnh và kỳ quan Kim Thạch thật xứng đáng với danh truyền và kỳ vọng.


Cảnh hai tảng đá khổng lồ chồng lên nhau và giữ thăng bằng bên vực thẳm sâu chót vót, Ảnh của tác giả


Thử xem xét qua tĩnh học sự cân bằng của Kim Thạch

Cảnh hai tảng đá khổng lồ chồng lên nhau và giữ thăng bằng bên vực thẳm sâu chót vót, cheo leo tại một điểm tựa nhỏ hẹp như đường tơ kẻ tóc cho ta có cảm giác về một sự mầu nhiệm của thiên nhiên, một phép lạ của Đức Phật. Một sự kiện ngẫu nhiên đã tồn tại trên hai ngàn năm rồi nhưng có lẽ không ai có thể dửng dưng trước cảnh tượng hiện thực trước mắt.

Về Yangon hôm sau thời tiết vẫn còn xấu, mưa liên tục. Chúng tôi tranh thủ có chút ánh nắng mặt trời vào lúc gần trưa để đi thăm và chụp hình ngôi chùa Shwedagon, biểu tượng của đất nước Miến Điện và thủ đô Yangon, với 70 tấn vàng dùng làm trang trí và tuổi thọ gần 2500 năm.


Một hình ảnh dân tộc Môn tại Miến Điện, ảnh của tác giả

Hôm sau trên đường ra sân bay, chúng tôi tham quan chùa Sule, chùa Kyauk Taw Gyi với tượng Phật ngồi bằng cẩm thạch duy nhất một khối dài đến 11 m rộng đến 7.5 mét,  mới tạc trong năm 2000. Chúng tôi có ghé thăm các chú bạch tượng điềm may mắn và thịnh vương của cựu thủ đô Yangon.  Chuyến đi kết thúc tại đây.


Chú voi trắng tưởng trưng cho điềm tốt lành, ảnh của tác giả

Những thay đổi gần đây

Yangon ngày nay giống như Sài Gòn những năm 80 thời điểm mà chế độ bao cấp hoành hành làm Sài Gòn hoàn toàn xuống cấp. Chế độ độc tài quân phiệt kéo dài đã chẳng mang lại được gì cho Miến Điện. Yangon nghèo nàn, lạc hậu xác xơ hơn nhiều so với thời thuộc Anh. Yangon không có nhiều nhà cửa công trình cao ốc mới và hậu quả của những năm dài bị phương Tây cấm vận là rất rõ nét. Hàng hóa vẫn còn rất ít ỏi. Xe cộ mới nhất cũng chỉ là xe cỗ lổ của những năm 90. Tuy nhiên, cũng có điểm tích cực: không gian xanh ở đây có vẻ phong phú hơn nhiều so với Sài Gòn ngày nay với những hàng cây sum sê cành lá ngay giữa trung tâm đô thị.

Trang phục truyền thống langui và sarong vẫn rất là phổ biến. Người Miến phần đông rất hiền hòa, trầm tỉnh. Trộm cắp đường phố là điều rất hiếm hoi.


Một nhạc cụ tiêu biểu của Miến Điện. Ảnh của tác giả

Chính sách mới nới lỏng sự kiểm duyệt truyền thông của Tổng thống Thein Sein chưa có tác dụng thấy được. Tại khách sạn chúng tôi chỉ có được một tờ báo tiếng Anh để đọc tờ “New Light of Myanmar” của chính phủ. Có thể truy cập Internet trong phòng qua hệ thống WIFI, nhưng đường dẫn còn rất chậm so với Việt Nam.

Tôi thử gởi một điện thư cho người cháu tại Việt Nam. “Thunderbird” báo cho tôi hay là điện thư có vấn đề, nhưng một ngày sau là tôi được phản hồi từ Việt Nam. Tôi nghiệm ra là chế độ kiểm soát điện thư vẫn còn hiện hành.


Một hình ảnh thường thấy trên đường phố Yangon, Miến Điện, ảnh của tác giả

Chúng ta ai cũng biết là các thay đổi chính trị mạnh mẽ đã diễn ra ở Miến Điện kể từ năm ngoái. Sau hơn cả thập kỷ độc tài gần như tuyệt đối, chính quyền quân đội được dân sự hoá. Sau hơn 14 năm bị giam cầm quản thúc tại gia, bà Aung San Suu Kyi đã được trả tự do hồi cuối năm 2010.

Tôi thẳng thắng công khai đặt ra những câu hỏi liên quan đến chính trị và tôi rất ngạc nhiên là cô Chan, hướng dẫn viên không hề tranh né mà trả lời tôi một cách rất tự tin, khúc chiết và mạch lạc. Cô bảo:

“Đất nước này đang thay đổi từng ngày, từng giờ, nhất là về kinh tế. Hiện Mỹ, EU, Nhật Bản… đã tiến hành nới lỏng cấm vận và Myanmar đang thực hiện đợt cải cách lần thứ hai theo hướng tập trung chính là về kinh tế. Mục đích chính là cải thiện đời sống nhân dân, phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp”.

Cô còn thêm:

“Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn tại Miến Điện, nhưng người dân đa số không ưa Trung Quốc. Người dân đã biểu tình đối việc  xây dựng đập thủy điện Myitsone và chính quyền đã phải lấy quyết định hợp lòng dân: ngừng xây công trình thủy điện”.

Hỏi về vai trò của bà Aung San Suu Kyi cô Chan không do dự trả lời:

“Nếu có bầu cử tổng thống hôm nay tại Miến Điện thì không chút nghi ngờ bà này sẽ đắc cử với trên 60% số phiếu”.

Thủ lĩnh đối lập cũng đã kêu gọi giới đầu tư quốc một cách rất ư là hợp lý:

“Chúng tôi cần cải thiện về giáo dục, giáo dục phải gắn liền với khả năng tạo việc làm. Chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư quốc tế hãy nghĩ đến chúng tôi cũng như là nghĩ đến chính họ. Chúng tôi hiểu là không một nhà đầu tư nào đến Miến Điện chỉ vì lòng tốt. Nhưng chúng tôi mong muốn là những lợi lộc kinh tế sẽ được chia sẻ giữa các chủ đầu tư với người dân Miến Điện”.

“Chúng tôi đã nhìn thấy một mô thức là những nước đầu tư nhiều vào tài nguyên thiên nhiên có xu hướng đầu tư không đủ vào tài nguyên con người. Kinh nghiệm cho chúng tôi biết rằng đầu tư vào tài nguyên con người sẽ mang lại nhiều lợi ích trong dài hạn”.

“Mục tiêu tối hậu của chúng ta phải là tạo ra một thế giới thoát khỏi tình trạng có những người phải di tản, những người không nhà và tuyệt vọng, một thế giới mà từng góc nhỏ và tất cả mọi nơi đều là nơi trú ẩn thực sự mà những người sống ở đó đều có tự do và có năng lực sống trong hòa bình.”

Chỉ có bốn ngày ngắn ngủi, cởi ngựa xem hoa thì rất khó có được những nhận định sát với hiện thực. Tuy nhiên tôi có cảm giác công cuộc dân chủ hóa đang xảy ra tại Miến Điện có một nền tảng khá vững chắc, đang đi rất đúng hướng, kinh tế cũng như chính trị.

Thật vậy, quyết tâm dân chủ hóa không phải chỉ có ở các “thế lực thù địch”, những thành phần dân chủ chung quanh bà Aung San Suu Kyi mà còn ở một bộ phận đang hiện diện trong chính quyền Tổng Thống Thein Sein. Tôi đọc bài chính luận của tờ báo duy nhất bằng tiếng Anh một cơ quan ngôn luận chính thức của chính quyền xuất bản ngày 2/8/2012, phổ biến tại các khách sạn Yangon:

” Đã từ gần 1 năm nay, xu hướng dân chủ hóa đất nước đã trở thành thực tế. Dân chủ chính là cơ sở căn bản đảm bảo cho các quyền tự do, bình đẳng và công lý của công dân. Dân chủ là trục chính của chính sách mở cửa hiện nay, chính sách thân thiện với các nước cũ và mới trên thế giới. Nhưng tự do phải song hành với kỷ cương, pháp luật. Người thừa hưởng các quyền tự do không được lạm dụng làm tổn hại đến quyền tự do của kẻ khác. Tự do không có kỷ luật chỉ dẫn đến hoặc chuyên quyền hoặc vô chính phủ. Học đường sẽ phải làm nhiều việc để chuyển tải đến tuổi trẻ hôm nay ý nghĩa của tinh thần kỷ luật trong chế độ dân chủ. Sẽ không có dân chủ nếu tinh thần tự giác và lòng tôn trọng kỷ cương pháp luật không song hành”.

Một bài chính luận khác hôm sau cũng trên tờ báo trên ngày 3/8/2012:

” Xứ sở của chúng ta đang dự phần trong công cuộc phát triển liên tục của một xã hội tri thức đa dạng, một thế giới đang nhanh chóng bước lên phía trước, một thế giới mà vai trò của sự hiểu biết là hàng đầu so với quá khứ. Tuy nhiên, công cuộc dân chủ hóa đòi hỏi phải thực hiện cải cách sâu rộng cho từng lĩnh vực, từng ngành nghề có khả năng giúp chính phủ thay đổi cấu trúc cho phù hợp với một xã hội dân chủ. Đất nước đang đứng trong xu thế phải phát huy các khả năng học thuật, các thế lực chuyên ngành để một giai cấp trung lưu có cơ hội xuất hiện vươn lên có kỷ năng chuyên nghiệp đủ sức mạnh và ảnh hưởng đưa tổ quốc chúng ta bước vào thời đại hoàng kim của thể chế dân chủ, góp phần hòa nhập vào ASEAN và thế giới phát triển. Theo cách nhìn này, các bộ liên quan sẽ phải chuẩn bị kế hoạch hợp lý nhằm nâng cao trình độ người dân, đặc biệt cho giới trẻ. Chẳng hạn Bộ Khoa học Công nghệ phải có kế hoạch hành động đẩy công nghệ quốc gia lên ngang tầm quốc tế. Việc đầu tiên là phải nâng cao chất lượng đào tạo của Đại học Yangon và Đại học Mandalay thành những trung tâm tinh hoa ngay năm học sắp bất đầu trong ngày tháng tới…”.

Miến Điện và Việt Nam

Miến Điện ngày nay giống như Việt Nam của những năm cuối 80 đầu 90 giờ phút của sự thai nghén công cuộc đổi mới. Có mặt tại Việt Nam những năm ấy, tôi chưa hề đọc được trên báo Nhân Dân hay ngay cả trên những tờ khác có chút khoản cách với chính quyền, những chính luận thuộc loại này.  Bởi vậy, theo cảm nhận của tôi, cục điện dân chủ hóa ở Miến Điện có một cái đà rất vững chắc, rất toàn diện, không nửa vời, không do dự… Có một sự công hưởng khá hài hòa giữa phe đối lập và một bộ phận đổi mới đang vươn lên nắm quyền lực trong chính quyền.

Việc đôi co giữa phe bảo thủ tham quyền cố vị và các thành phần cấp tiến là không tránh khỏi, nhưng cơ hội cho công cuộc dân chủ hóa thực sự và toàn diện là điều rất rõ nét hiện nay.

Tôi miên man suy nghĩ mãi với sự so sánh. Tại sao Miến Điện đang đi trên đường đổi mới toàn diện thì Việt Nam sau hơn hai mươi năm phát động đổi mới nay phải vật lộn với bước thứ hai: kết hợp giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Mọi việc vẫn còn phía trước và đổi mới chính trị vẫn còn đang ngủ say? Tại sao Miến Diện đã không quá gian nan đi thẳng vào con đường của tương lai còn Việt Nam ta lại vẫn cứ loay hoay giậm chân tại chỗ?

Theo tôi việc tìm ra lý do không có gì là khó.

Chế độ độc tài quân phiệt của Miến Điện tuy nói là chế độ xã hội chủ nghĩa Phật giáo nhưng thực chất là một chế độ độc tài thiên hữu kiểu Franco bên Tây ban Nha những năm 40-50 hay Pinochet bên Chi Lê những năm 70. Cũng như xã hội công giáo tại Tây Ban Nha hay Chi Lê, xã hội gốc Phật giáo của Miến Điện chưa bị xáo trộn, hư hại, tổn thương quá trầm trọng. Gia đình các tướng lĩnh Miến Diện vẫn đi viếng chùa, cúng dường thờ Phật. Ngược lại, vì chiến tranh liên tục, vì những quyết sách cải tạo sai lầm đấu tranh giai cấp, xã hội Việt Nam đã phải hoàn toàn bị lột xác trong chế độ toàn trị cực tả bắt đầu từ 1945 cho tới ngày nay. Tất cả những hệ giá trị công dân có tính độc lập truyền thống, tôn giáo hay dân sự  đều bị triệt tiêu hay ít ra bị lủng đoạn cho đến đường tơ kẻ tóc, từ thành thị đến thôn quê, từ đồng bằng đến vùng cao vùng sâu… Khi nhận thức có sai lầm thì đã quá muộn màng. Khi tư duy bị sa mạc hóa thì việc đâm chồi nẩy mầm phải cần hàng thế kỷ mới khôi phục lại được… Đây chỉ là vài đề đạt sơ khởi. Rất cần những nghiên cứu dài hơi cho sự so sánh này trong tương lai vậy.

Xin nói thêm một chi tiết nhỏ thôi để thấy sự khác biệt. Trên lộ trình từ Yangon đến Kyaiktiyo dài trên 180 km, xe buýt chở chúng tôi đã phải ngừng lại tại hàng quán ven đường để khách du lịch giải lao. Đây là những quán ăn bình dân thông thường của người đi xe đò. Tôi chú ý bàn nào cũng có một hủ mắm tôm. Té ra mắm tôm cũng là thức ăn gia vị thông thường của người Miến Điện. Tuy nhiên, trong những ngày chính quyền quân phiệt Miến Điện đàn áp khủng khiếp phe đối lập, tôi chưa bao giờ nghe nói công an Miến Diện liệng mắm tôm vào cửa nhà bà lãnh tụ phe đối lập Aung San Suu Kyi với mục đích hạ nhục và bôi nhọ bà. Còn tại Việt Nam, hành động này rất phổ biến, người dân đã thấy, quốc tế đã biết từ lâu…

Bà Aung San Suu Kyi và tương lai

Sau 24 năm bà Aung San Suu Kyi đã trở lại Châu Âu và tại nhiều nước khác nhau, Na Uy, Thủy Sỹ, Pháp, Anh.. Bà đã được tiếp đón nồng hậu như một thượng khách, một đại diện cho tinh hoa nước Miến Điện.


Ngỏ vào nhà bà Aung San Suu Kyi tại thành phố Yangon. Ảnh của tác giả

Người phụ nữ mãnh mai với thần kinh sắt đá này là một ân huệ của Đức Phật đã ban cho dân Miến Điện, là một cơ may quý giá cho tiến trình hòa hợp hòa giải dân tộc của đất nước Miến Điện.

Những năm tháng tù đày, quản thúc chẳng những không làm bà nhụt chí mà đã tôi luyện bà trở thành một nhà lãnh đạo kiên cường bất khuất với niềm tin sắt đá vào vào công bằng, lẻ phải, công lý, vào những giá trị chân chính vĩnh hằng của thế giới văn minh ngày nay: dân quyền, dân chủ, dân sinh.

Những lời tuyên bố của bà trong chuyến công du Châu Âu là kết tinh của những thao thức suy tư đã cô đọng qua năm tháng và khi thốt ra trước đám đông, người nghe được, nhất là những người trực thuộc các dân tộc có thân phận giống như dân tộc Miến Điện, không thể không có những ấn tượng đồng tình, đồng cảm sâu sắc:

Hãy nghe phát biểu của bà khi được nhận giải

Nobel  ngày 16/6/2012 tại Na Uy:

“Bất cứ nơi nào sự đau khổ bị làm ngơ thì ở đó sẽ có mầm mống của xung đột…”.

Nhưng với tôi những phát biểu sáng giá nhất nằm trong tiểu luận “Tự do khỏi nỗi khiếp sợ”của Aung San Suu Kyi. Xin phép trích ra đây vài đoản khúc:

“Không phải quyền lực làm cho tha hóa, mà chính là sự khiếp sợ. Sự khiếp sợ đánh mất quyền lực làm tha hóa những kẻ đang nắm trong tay quyền lực và sự khiếp sợ bị quyền lực trừng phạt làm tha hóa những người đang nằm dưới tay quyền lực”.

“Cuộc cách mạng rốt ráo là cuộc cách mạng trong tinh thần, được khai sinh từ niềm tin trí tuệ về nhu cầu cần phải thay đổi các thái độ và các giá trị – những thứ định hình tiến trình phát triển của một dân tộc. Một cuộc cách mạng chỉ tập trung vào thay đổi các chính sách của nhà nước và các thể chế, với mục tiêu cải thiện các điều kiện vật chất, sẽ chỉ có rất ít cơ hội thành công thực sự”.

“Suối nguồn của lòng can đảm và sự vững vàng trước bạo quyền vô hạn độ thường là lòng tin son sắt vào các giá trị đạo đức thiêng liêng kết hợp với sự hiểu biết lịch sử”.

“Chính khả năng tự cải biến và sửa sai là yếu tố quan trọng nhất phân biệt con người với con vật”.

Lời tuyên bố cuối trên đây chính là lời mắng mỏ đanh thép và thằng thừng dành cho những kẻ độc tài chuyên quyền tại Miến Điện. Nó như một âm vang của một câu viết tương tự của Karl Marx:

“Chỉ có loài cầm thú mới dửng dưng trước nỗi khốn khổ của đồng loại để chăm sóc cho bộ lông của mình”.

Nhưng có lẽ các tướng lĩnh Miến Điện vẫn còn biết xấu hỗ. Họ đã không dùng những biện pháp hạ cấp để trả thù bà. Bà vẫn trường tồn và nay họ đang tự cải biến còn bà thì nay đã là thành viên sáng giá của Quốc Hội Miến Điện.

Khả năng tự cải biến là gì vậy? Ở Việt Nam nó có tên là khả năng “tự diễn biến”.  Mà tự diễn biến ở Việt Nam là tư duy của “thế lực thù địch” là “phản động”.

Cái khác nữa với Miến Điện là tại Việt Nam, khả năng biết xấu hỗ đã gần như bị tuyệt chủng.

Chỉ còn lại là sự vô cảm triền miên trước nỗi đau cùng cực của dân tộc, của con người…

Nguyễn Đăng Hưng

Viết từ Yangon ngày 3/8, viết xong tại Sài Gòn ngày 9/8/201


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-21/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link