Thứ hai 10 Tháng Mười Hai 2012
Biển Đông : Người Việt
phẫn nộ trước hành động thái quá của Trung Quốc
Một người biểu tình tại Hà Nội
trương cao khẩu hiệu chống Trung Quốc ngày 9/12/ 2012.
REUTERS/Stringer
Các động
thái hung hăng của Trung Quốc nhắm vào các láng giềng tại Biển Đông, đặc biệt
là đối với Việt Nam, đã khiến người dân Việt Nam phẫn nộ. Bất chấp hành động
cản ngăn của chính quyền, vào hôm qua, 09/12/2012, hàng trăm người đã mạnh
dạn xuống đường tại cả Hà Nội lẫn Sài Gòn để phản đối các hành vi cố tình
gây hấn của Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông. Các cuộc biểu tình tuy nhiên đã
nhanh chóng bị chính quyền giải tán.
Các hành
động nhằm áp đặt chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông trong thời gian một
vài tháng gần đây phải nói là càng ngày càng nhiều, mà đối tượng bị tấn
công càng lúc càng mạnh lại chính là Việt Nam. Phản ứng chính thức của
chính quyền Việt Nam trước các hành động gây hấn công khai đó đã bị nhiều
nhân sĩ trí thức tại Việt Nam cho là không tương xứng với tính chất nghiêm
trọng của tình hình. Điều này lại càng làm gia tăng tâm lý bất bình trong
dư luận, dẫn đến hai cuộc biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn.
Tuy
nhiên theo nhận định của giáo sư Carl Thayer, trả lời câu hỏi của RFI qua
thư điện tử, do một lời cam kết trước đây của chính quyền Việt Nam với
Trung Quốc, cũng như lo ngại trước nguy cơ nổ ra sự cố ngoại giao, chính
quyền đã phải nhanh chóng giải tán hai cuộc tập hợp của người dân. Chuyên
gia tên tuổi về Việt Nam và châu Á tại Học viên Quốc phòng Úc giải thích :
Thayer
: Giới
lãnh đạo an ninh Việt Nam có hai lý do để giải tán các cuộc biểu tình chống
Trung Quốc. Thứ nhất là vào tháng 06/2011, Việt Nam và Trung Quốc đạt đến một
thoả thuận về việc “định hướng công luận”, nói cách khác là kiểm soát các
biểu tình công khai tác hại đến quan hệ song phương. Điểm thứ hai là giới
lãnh đạo an ninh của một quốc gia độc đảng luôn tìm cách làm chủ tình hình
chứ không muốn cho thấy là mình bị động.
Những
người biểu tình (tại Việt Nam hôm qua) chỉ được phép bày tỏ quan điểm trong
một thời gian ngắn mà thôi vì tinh thần yêu nước của họ được (công luận) hậu
thuẫn đáng kể. Thế nhưng các cuộc biểu tình này đã bị giải tán nhanh chóng
để giữ lời hứa với Trung Quốc.
Và
như phát biểu của giới lãnh đạo ngành an ninh từng được trích dẫn, việc biểu
tình chống Trung Quốc gây khó khăn cho đường lối ngoại giao của Việt Nam.
Các cuộc
biểu tình chống Trung Quốc đã nổ ra tại Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc
không ngừng có thêm nhiều hành động quá đáng nhằm khẳng định chủ quyền tại
vùng Biển Đông. Giáo sư Thayer không chút mơ hồ về dụng tâm của Bắc Kinh :
Thayer
: Trung
Quốc đang cho thấy là họ sẽ không chấp nhận phản ứng bất đồng từ phía các
nước nhỏ các nước nhỏ ở Đông Nam Á trên vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển
Đông. Họ đã gây chia rẽ trong nội bộ ASEAN thông qua ‘tay chân’ của họ là
Cam Bốt. Trung Quốc đã cho thấy là họ đặc biệt nhạy cảm trên vấn đề quốc tế
hóa tranh chấp ở Biển Đông.
Các
nhà ngoại giao Trung Quốc cao cấp đã nói với Philippines là họ sẽ tiếp tục
duy trì tàu bán quân sự để chiếm đóng bãi Scarborough Shoal. Trong thực tế,
họ đã sát nhập phần lãnh thổ này của Philippines.
Trung
Quốc đã nói với Philippines là khái niệm “quốc tế hóa” bao gồm các điểm như
nêu vấn đề Biển Đông với những bên không trực tiếp liên quan như Hoa Kỳ,
đưa vấn đề ra trước Liên Hiệp Quốc, và tổ chức các cuộc họp báo công khai về
vấn đề này.
Phần
lớn các cách hành xử của Trung Quốc vừa qua - hộ chiếu mới với bản đồ Biển
Đông, các quy định mới của chính quyền tỉnh Hải Nam, và sự cố cắt dây cáp
(tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam) - có thể được xem là những phản ứng dây
chuyền của việc Việt Nam thông qua Luật Biển.
Một số
chuyên gia đã gắn liền các hành động quyết đoán mới đây của Trung Quốc với
sự kiện ông Tập Cận Bình bắt đầu chính thức lên cầm quyền tại Bắc Kinh. Tuy
nhiên, theo giáo sư Thayer, phải thấy là nhiều hành động quyết đoán đó bắt
nguồn từ các cấp chính quyền địa phương.
Thayer
: Các
hành động của Trung Quốc là hệ quả của việc chính quyền trung ương Trung Quốc
không có năng lực kiểm soát được các nhóm ở cấp tỉnh và địa phương. Tình trạng
đó đã tạo ra tâm lý coi thường lệnh trên, không sợ bị trừng phạt, nơi các
quan chức điạ phương. Họ cho là họ có thể làm tất cả mọi việc để thúc đẩy
đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.
Ông
Tập Cận Bình đã là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc
từ 5 năm qua. Ông đang lãnh đạo một nhóm nhỏ đặc trách các vấn đề Biển
Đông. Ông được thông báo về các diễn tiến, nhưng tôi không nghĩ là cá nhân
ông tán đồng tất cả các sự cố đã diễn ra.
Ông
Tập Cận Bình đang phải giải quyết nhiều vấn đề nội bộ cấp bách, nếu sự cố nảy
sinh ngoài Biển Đông, điều đó có thể buộc ông phải hậu thuẫn cho những lập
trường cố hữu. Các chính quyền điạ phương Trung Quốc như đang đóng vai “chó
nhảy bàn độc” (cấp dưới mà lại muốn thúc đẩy cấp trên).
Cuộc
biểu tình đầu tiên tại Sài Gòn sau 18 tháng
Dẫu sao
thì theo một số nhà quan sát, các hành động lấn lướt quá đáng của Trung Quốc,
kèm theo sức ép của công luận trong nước đã khiến chính quyền không quyết
liệt ngăn chặn biểu tình như trong thời gian gần đây. Rất đáng chú ý là cuộc
biểu tình tại Thành phố Hồ Chí Minh, rốt cuộc đã diễn ra được ngay tại Nhà
hát Thành phố, nơi nhĩ mục quan chiêm của thủ phủ kinh tế của Việt Nam. Lần
sau cùng mà người Sài Gòn biểu tình chống Trung Quốc là vào tháng 6/2011.
Một
trong những nhân vật nổi bật trong cuộc biểu tình này là ông Huỳnh Tấn Mẫm,
cựu lãnh đạo phong trào đấu tranh của sinh viên Sài Gòn trước năm 1975. Ông
đã nhận trả lời phỏng vấn của Thụy My vào hôm qua, sau khi ông tham dự cuộc
mít tinh chống Trung Quốc. Ông trước hết cho biết nội dung các lời kêu gọi
của ông tại cuộc biểu tình
Ông Huỳnh Tấn Mẫm
tại Thành phố Hồ Chí Minh
10/12/2012
by Thụy My
|
|
HTM
: Tôi
chỉ nói có mấy câu. Tại vì không khí lúc đó đông người, người ta nói chuyện
với nhau nhiều, cho nên tôi chỉ nói là : « Hôm nay chúng ta họp tại đây là để biểu thị lòng yêu
nước của chúng ta, chống lại hành động xâm lấn của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Chúng ta đòi hỏi nhà cầm quyền Trung Quốc phải trả lại Hoàng Sa cho Việt
Nam, và yêu cầu không tiếp tục có những hành động đánh phá vùng biển của Việt
Nam ».
Thì cũng
nói ngắn gọn thôi, chung quanh những ý như vậy ; trước cuộc biểu tình nếu
mình nói nhiều quá thì không ai nghe. Rồi sau đó phần thứ hai, phát biểu của
các anh chị khác thì bằng những khẩu hiệu là chính, như là « Việt Nam muôn năm ! »,
« Hoàng Sa, Trường Sa là
của Việt Nam », đòi hỏi nhà cầm quyền Trung Quốc phải ngưng
ngay xâm lấn Biển Đông…Nói chung là các khẩu hiệu đó các anh chị em hô rồi
được quần chúng biểu tình đáp ứng rất nhiều lần.
'Nhà cầm quyền Trung Quốc ngày càng biểu
lộ âm mưu bành trướng'
Chỉ có
điều là có một nhóm trật tự có ý định muốn giải tán, họ xông vào. Nhưng
theo lời giải thích của tôi cũng như là của mấy anh chị em lớn tuổi, thì mấy
anh đó ngừng lại, không tiến vào trên thềm nữa. Trong Nhà hát lớn đi ra thì
có xô anh chị em đứng trên bực thềm, nhưng mấy người phụ trách an ninh cao
cấp chận không cho đụng độ với người biểu tình.
RFI
:
Nghe nói anh cũng bị xô
đẩy phải không ?
HTM
: Không,
tôi không bị xô đẩy gì đâu. Khi người ta lấn xuống thì mình cũng có bước đi
xuống vậy thôi. Những người khác thì có bị xô đẩy, nhưng cũng vài người
thôi, do hàng rào ở trên của mấy anh mặc áo xanh tiến xuống thì cũng có
chuyện đụng chạm những người biểu tình đứng ở trên bực thềm thôi, chứ không
xô xát.
RFI
:
Anh nghĩ gì khi trước
đây là khuôn mặt hàng đầu trong phong trào đấu tranh trước 1975, mà bây giờ
phải xuất hiện trở lại ?
HTM
:
Chuyện xuất hiện trở lại cũng là chẳng đặng đừng. Tại vì thái độ của nhà cầm
quyền Trung Quốc càng ngày càng biểu lộ cái âm mưu bành trướng. Từ việc in
hình lưỡi bò trên hộ chiếu, làm đứt cáp của tàu Bình Minh 2 thăm dò Biển
Đông, rồi đánh ngư dân, đuổi các ngư dân đi vào trong khu vực Hoàng Sa để
đánh bắt cá vân vân, nhiều hành động rất là ngang ngược.
Họ có ý
đồ xâm lấn dần dần, vì họ cho rằng Việt Nam yếu cho nên họ muốn lấn tới, đặt
trước sự đã rồi, cho nhân dân họ thấy rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung
Quốc chứ không phải của Việt Nam. Việc in bản đồ hình lưỡi bò đã có dư luận
thế giới phản đối. Việt Nam đã có những việc làm rất là cụ thể, thí dụ ở
các vùng biên giới người ta tránh việc đóng dấu cái hộ chiếu của Trung Quốc
để họ vào Việt Nam, mà thêm một tờ giấy giống như tờ thông hành.
Thái độ
xâm lấn của họ làm cho người ta không có cách nào khác là phản ứng lại, và
phản ứng của mình trước sự việc vừa qua chẳng qua là bức xúc, thấy rằng không
thể không làm. Không thể không tổ chức biểu tình được, mặc dù có lời yêu cầu
của chính quyền thành phố là không nên biểu tình trong lúc này.
'Biểu tình cũng góp phần vào cuộc đấu
tranh chung'
RFI
: Thưa anh Nhà nước vẫn nói là việc này có Nhà nước lo
rồi…
HTM
: Trong
cuộc đối thoại với Ủy ban Nhân dân Thành phố, với ông Phó chủ tịch Lê Minh
Trí, thì vấn đề đó cũng có nêu lên. Ở đây việc biểu tình là cũng góp phần
vào cuộc đấu tranh chung, bởi vì trong đối ngoại nhân dân, đó là một kinh
nghiệm mà trước đây đã dùng. Vì Đảng và Nhà nước có phản đối thì cũng chỉ về
phía Đảng và Nhà nước thôi, còn về phía nhân dân thì nếu để cho người ta phản
ứng thì mới thấy là nhân dân ủng hộ Nhà nước, ủng hộ Đảng.
Còn nếu
mà ngăn cản thì người ta thấy Đảng và Nhà nước chỉ làm một mình, giống như
là có một cái quyền tối thượng. Thì điều đó là không nên, mà phải để cho
nhân dân nói, để góp phần cho dư luận thế giới thấy rằng ở Việt Nam, nhân
dân Việt Nam có thái độ đối với nhà cầm quyền Trung Quốc một cách rõ ràng,
và không phải chỉ có Đảng và Nhà nước là có tuyên bố phản đối.
RFI
:
Nhiều người rất xúc động vì sự tham gia của anh ?…
HTM
: Thực
ra tôi cũng bức xúc lắm, chứ không phải muốn biểu tình đâu ! Dân chúng rồi
những người quen biết mình, những người mình quan hệ tiếp xúc người ta rất
là bức xúc, phản đối việc mình im hơi lặng tiếng. Phải nói cái điều gì đó
dù cho nước mình có yếu, không bằng họ. Nhưng mà kinh nghiệm của ông cha
mình là trước đây, mỗi lần vua chúa chống xâm lăng thì cũng mời các bô lão,
như Hội nghị Diên Hồng, từ đó thấy ý chí thống nhất của toàn dân để mà đánh
giặc. Đánh giặc thì thắng ! Nói vậy chứ không phải là mình nhỏ bé rồi không
đánh được.
Trong
chiến tranh chống Mỹ cũng vậy, khí tài của mình làm sao bằng Mỹ được, nhưng
nhờ sự phối hợp nhiều mặt, từ ngoại giao, chính trị đến quân sự, mà nhất là
đối ngoại nhân dân của mình mạnh, để cho toàn thế giới người ta có áp lực
chung. Chứ không phải là tự nhiên quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam đâu, cũng
phải có nhân dân Mỹ phản đối…Tôi cũng nói ngay với ông Lê Minh Trí, đối ngoại
nhân dân là không thể thiếu được, và biểu tình cũng là một bộ phận trong đối
ngoại nhân dân.
RFI
:
Chắc anh nhận được sự ủng
hộ về việc tham dự mít-tinh ?
HTM
: Nói
chung là cũng có nhiều anh em gọi điện thoại đến khen ngợi là có góp phần
trong cuộc đấu tranh này. Chứ thực ra tôi bây giờ nghiên cứu về vấn đề tự kỷ,
rồi về bệnh tim bẩm sinh, và những hoạt động từ thiện khác. Còn việc này là
vì bức xúc quá, quần chúng rồi các anh chị em trong phong trào sinh viên cũ
cũng thấy bức xúc, thì phải thể hiện bằng người lãnh đạo trước đây. Chẳng lẽ
mình làm ngơ trước việc quá đáng như vậy, nên tôi đã có tham gia, chứ không
thể bàng quan trước một cái sự việc quá lộ liễu và tàn nhẫn như vậy. Mình cũng
phải tham gia chứ, nếu không coi sao cho được.
RFI
: Dạ,
rất cám ơn anh Huỳnh Tấn Mẫm, lần đầu tiên đã nhận trả lời phỏng vấn của
RFI Việt ngữ về vấn đề này.
Việc ông
Huỳnh Tấn Mẫm đứng ra kêu gọi và tham gia cuộc biểu tình, đã làm cho nhiều
người phấn chấn. Anh Cao Lập - một bạn đồng hành với Huỳnh Tấn Mẫm trước
đây, muốn tham gia cuộc biểu tình hôm qua nhưng bị chận - ghi nhận :
Ông Cao
Lập tại Thành phố Hồ Chí
Minh
10/12/2012
by Thụy My
|
|
CL
:
Anh Huỳnh Tấn Mẫm thì chúng tôi vẫn nói là, anh xứng đáng là một lãnh tụ của
phong trào sinh viên học sinh đô thị. Anh Mẫm đã đi rất sớm và anh có cách
của anh. Tôi và các anh em khác cũng chủ quan là có thể đi hơi trễ, té ra họ
đã chận rất sớm. Anh Mẫm đi rất sớm nên thoát được, và anh cũng đã nhắn tin
cho tôi là « Tôi đã ra
khỏi nhà ». Thì tôi rất là mừng, anh Mẫm đã ra khỏi nhà thì ít
ra các anh em khác không đi được, nhưng có được anh Mẫm, thì coi như cuộc
mít-tinh cũng có thể tổ chức được.
RFI
: Hình
như mấy chục năm nay anh Huỳnh Tấn Mẫm mới xuất hiện trong một cuộc biểu
tình ?
CL
: Chúng
tôi vẫn nghĩ hình ảnh của anh Mẫm rất đẹp, và tiêu biểu cho một thế hệ
thanh niên Việt Nam yêu nước. Hồi xưa cũng vậy, và tôi nghĩ tiếng nói hoặc
hình ảnh của anh Mẫm vẫn có sức thu phục rất lớn đối với sinh viên học sinh
bây giờ.
RFI
:
Mà rất tiếc là cuộc biểu
tình lại bị ngăn chận phải không ạ ?
CL
: Thì
chắc chắn là họ ngăn chận thôi. Ngày hôm qua chính quyền thành phố có mời
các anh Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Tương Lai và Lê Công Giàu lên phòng tiếp
công dân. Đó là cách cư xử mà tôi nghĩ không đúng mực với các anh em. Lên
thì họ cũng nói một cách đàng hoàng thôi, và anh em có trình bày là chuyện
yêu nước thì anh em có quyền bày tỏ, và dù bị ngăn cản thì mọi người cũng sẽ
có mặt ở Nhà hát lớn.
RFI
: Có
lẽ cũng ít ai ngờ là ban lãnh đạo mới của Trung Quốc lại có những hành động
như vậy ?
CL
: Tôi
thì tôi nghĩ không bao giờ Trung Quốc xa rời được bản chất bành trướng, bá
quyền của họ. Lịch sử lâu dài cả ngàn năm của dân tộc chúng ta và ngay cả lịch
sử cận đại, thời gian trước đây khi Trung Quốc giúp chúng ta kháng chiến chống
Mỹ, Trung Quốc đã làm điều xằng quấy đối với đất nước chúng ta rồi. Thì tôi
nghĩ họ không bao giờ thay đổi. Dù ông Tập Cận Bình xuất hiện như thế nào,
dưới hình thức của một con bồ câu hay một con chim ưng, thì bản chất vẫn là
một con chim ưng thôi, vẫn xâu xé thịt của các loại chim khác thôi !
|
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment