Ngồi Hong Váy Ướt
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012-12-08
Nhà văn Võ
Thị Hảo vừa cho phát hành tập truyện ngắn có tựa “Ngồi hong váy ướt” tại Pháp.
Tập truyện này gồm 17 truyện mang nhiều đề tài xã hội mà tác giả đã quan sát
cũng như cảm nghiệm trong nhiều năm.
Hình do nhà văn Võ Thị Hảo gửi cho RFA
Nhà văn Võ Thị Hảo
Bị
cấm xuất bản trong nước
Trước tiên
nhà văn cho biết sự khó khăn sau khi tác phẩm được in ra và phát hành tại hải
ngoại vì vậy bạn đọc Việt Nam khó thể cầm cuốn sách trên tay để cảm nhận công
trình mà tác giả mài miệt trong nhiều năm qua:
Nhà văn
Võ Thị Hảo:
Ra mắt bạn đọc ở Việt Nam rất khó, không biết bao giờ mới thực hiện được trước
tình hình cấm đoán như thế này.
Cũng có nhiều người nhắn tin hay điện tới để hỏi
thăm và chia sẻ là thích cuốn sách. Việc xuất bản chính thức cho bạn đọc tại Việt
Nam thì tôi không biết đến bao giờ.
Mặc Lâm: Thưa, chị có thể cho
biết yếu tố nào trong tác phẩm khiến chị nghĩ rằng không thể xin được giấy phép
xuất bản trong nước?
Nhà văn
Võ Thị Hảo: Yếu
tố quan trọng nhất để nhà nước không cho xuất bản thì tôi nghĩ rằng do tôi đã
viết về những vấn đề như tham nhũng.
Truyện ngắn
tên là “Người chăn bò thần thánh” rất mạnh mẽ. Thật ra truyện này trước
đây đã xuất bản rồi nhưng phải bỏ đi một số đoạn. Bây giờ trong lần xuất bản tại
Pháp thì những đoạn bị cắt trước đây được bù đắp vào. Bên cạnh tham nhũng là vấn
đề cải cách ruộng đất nữa. Ở Việt Nam không có một văn bản nào thành văn và
không ai chịu trách nhiệm về vấn đề này cả.
Chỉ biết rằng
khi một tác phẩm văn học cũng như báo chí đi qua các nhà kiểm duyệt thì hoặc là
họ cắt đi hoặc là họ cấm không cho xuất bản. Những điều mà họ cảm thấy đụng đến
sự thật mà ai cũng né tránh. Các vấn đề đòi hỏi về tự do, nhân quyền cho con
người mà họ gọi là vấn đề nhạy cảm. Nó nguy hiểm ở chỗ bây giờ người Việt Nam
lo sợ cho sự an toàn của mình tới mức không biết đâu là giới hạn, là biên giới
nữa.
Mặc Lâm: Ngay cái tên của tác
phẩm cũng đã khác lạ và đầy khiêu khích, phải chăng đây cũng là một yếu tố khiến
cho Cục xuất bản không cho tác phẩm ra đời tại Việt Nam?
Nhà văn
Võ Thị Hảo: Thật
ra nhiều người nghe cái tên “Ngồi hong váy ướt” tưởng là cái gì đấy sexy lắm
nhưng mà không phải.
Đây là một người đàn bà ngồi đợi một cái gì đấy tưởng là
hy vọng, tưởng là cái gì đó đẹp đẽ mà mình đã tìm thấy. Cái mà ta hy vọng và tưởng
đã tìm thấy những gì khao khát suốt đời, mong muốn suốt đời và ta hy vọng vào
nó nhưng cuối cùng thì hoàn toàn không phải.
Nó trượt qua
ta và đó là một kẻ mù lòa. Đấy là truyện “Ngồi hong váy ướt”. Một sự thất vọng,
thất vọng kinh khủng và nỗi đau đớn của những con người chờ đợi, hy vọng rồi cuối
cùng là một đòn giáng cho những con người ấy. Tại vì mọi người có suy nghĩ là ở
Việt Nam hiện nay cứ nói một câu thì người ta lại nghĩ ngay đến chuyện sex. Đụng
đến những vấn đề giới tính và quá nhạy cảm với vấn đề đó.
Người ta trốn
nỗi bất bình, trốn nỗi sợ hãi trong những câu bàn tán rất tục tĩu hoặc là về
sex để người ta quên rằng mình đang sống hèn, đang quá sợ hãi, và người ta quên
mình đang sống ở cái dạng như là vô loài.
Mặc Lâm: Chị có thể nói rõ về
hai từ “vô loài”. Nó phải được hiểu như thế nào?
Nhà văn
Võ Thị Hảo:
Đây là từ các cụ ngày xưa được hiểu là mất nhân phẩm. Xếp vào loại gia súc cũng
không được mà cũng chưa đủ để xếp vào người. Hiện nay tình trạng vô đạo đức và
xã hội trở nên loạn tại Việt Nam thật ra do con người ta bị o ép, quá sợ hãi để
đến lúc chính mình bị mất nhân phẩm lúc nào không biết.
Mất nhân phẩm
đầu tiên khi mình quên rằng mình là con người, được hưởng những cái quyền xứng
đáng của con người. Phải hưởng nhưng phải làm bổn phận đối với bản thân mình để
sống cho ra con người. Thứ hai nữa là quên bổn phận đối với cộng đồng, đối với
xã hội là mình cần phải lên tiếng để bảo vệ làm sao cho mình sống ra con người.
Người ta
quên điều đó và trốn vào sự tục tĩu chẳng hạn. Đôi khi trốn vào cái gì đó để cười
nhằm quên nỗi đau đớn trong lòng để dần dần đánh mất nhân phẩm, sống theo cách
sống vô loài. Đó cũng là nội dung của “Ngồi hong váy ướt” mà rất nhiều người tưởng
rằng truyện đó nhằm nói về sex. Tôi muốn tạo một phản đề cho nên khi đọc truyện
rồi mới biết nó thuộc dạng nào.
Nhà
văn phải có lương tâm
Bìa tập truyện ngắn ấn hành tại Pháp
(Tranh của Võ Thị Hảo).
Mặc Lâm: Ở Việt Nam rất nhiều tác giả không thể in sách mình trong
nước mà phải gửi ra ngoài để in. Nhìn chung rất ít người thành công vì số lượng
sách bán ra không kiểm soát được, thứ nhất, hai nữa không chia sẻ trực tiếp với
độc giả qua các buổi ra mắt sách. Riêng tác phẩm này chị có hy vọng thành công
hơn những cuốn khác hay không thưa chị?
Nhà văn
Võ Thị Hảo: Tôi
nghĩ rằng thành công lớn nhất của một nhà văn, của một người viết không phải
anh ta được xưng tụng một cách rầm rộ tại đâu đó.
Chúng ta có
thể đã xem những cuốn sách được xưng tụng rầm rộ ở Việt Nam lâu nay, vậy thì chất
lượng của chúng như thế nào, và ai hiểu họ, ai là công chúng của họ? Bây giờ rất
nhiều người viết luôn luôn chối từ, muốn trốn tránh trách nhiệm làm một công
dân, làm một con người, làm một người viết.
Trốn tránh
thực tại, trốn tránh việc viết làm sao cho đúng với lương tâm của mình. Tôn trọng
sự thật và viết về nhân văn cho con người, cho con người Việt Nam cũng như cho
con người nói chung. Đó là trách nhiệm lớn nhất mà một nhà văn phải làm, thế
nhưng vẫn có rất nhiều người trốn tránh, muốn kiếm tiền, muốn được xưng tụng và
tưởng thưởng ngay tại xứ sở này.
Tôi nghĩ
thành công trước nhất của một nhà văn là anh ta phải có lương tâm. Thứ nhất phải
có tài năng, thứ hai phải có lương tâm.
Những cuốn
sách được viết với tài năng, trách nhiệm, lương tâm, ca tụng sự thật và ca tụng
nhân phẩm con người… tôi nghĩ rằng có thể một lúc nào nó chìm đi vì nó bị cấm
đoán bị xé bỏ, bị thiêu đốt thậm chí với các người viết họ bị hành hạ hay bị giết
chết. Nhưng thành công của văn chương nằm ngoài sự xưng tụng của một nhóm người
hay một thể chế nào đó.
Bởi vậy tác phẩm của tôi không được in trong nước mà lại
in ở nước ngoài thì người Việt hải ngoại tuy không quan tâm đến đất nước nhưng
tôi nghĩ, nếu được chia sẻ của một số người thì như thế đã là thành công rồi và
thời gian sẽ sàng lọc lại tất cả.
Mặc Lâm: Rõ ràng nhà nước
không thể xé bỏ hay cấm đoán tác phẩm này vì nó vượt ra tầm với của họ… nhưng
tác giả của nó giống như một con chim đang ở trong lồng, chị có nghĩ rằng thay vì
xé bỏ và cưỡng bức tác phẩm thì họ sẽ áp dụng lên chính bản thân chị hay không?
Tôi nghĩ thành công trước nhất của
một nhà văn là anh ta phải có lương tâm.
Nhà văn Võ Thị Hảo
Nhà văn
Võ Thị Hảo:
Tôi nghĩ tất cả đều có thể. Thế nhưng cũng như tôi đã nói, mình chỉ sống một kiếp
này thôi và cái điều tự thưởng cho mình là gì?
Chắc là được ngẩng đầu lên làm một
con người. Mình không thể làm một con người sống “cận người” được.
Bởi vậy phần
thưởng lớn nhất của con người là mình hãy tự làm cho mình không ai có thể làm
thay mình cả. Hãy ngẩng đầu lên để có thể nhìn thẳng vào mọi người.
Trong khi có
người từ chối trách nhiệm của một nhà văn để lẩn tránh nó thì mình hãy tự lãnh
lấy cái việc ấy vì đã trót cầm bút.
Không sợ và
cứ thế mà đi ở giữa đời thôi, đến đâu thì đến. Lâu nay tôi đã không biết sợ nữa.
Không phải vì mình không yếu đuối nhưng vì mình yếu đuối đến mức không biết sợ
thế nào cho đủ cả. Chỉ biết ngẩng đầu sống cho một kiếp, một kiếp không tính bằng
sự dài ngắn mà tính bằng sự nếm trải.
“Ngồi
hong váy ướt”
là một bức tranh xã hội hiện tại và sự mù lòa của nhân gian được phô bày trong
một quán cà phê chiều mưa đông Hà Nội. Người ta khiêu dâm, tỏ tình, cãi lộn, đập
phá và chửi rủa. Cây cối đen thẫm, quắt vặn trong tuyệt vọng.
Cả con người, vật
và cây cối trước sau cũng bị ung thư bởi nước độc và bầu trời độc. “Đến những
cánh én cũng không thể thoát khỏi một bầu trời nhừa nhựa khói thải, bụi và
giăng mắc những con mắt đục lờ, đỏ sọc máu, chớp đảo qua lại từ Tây sang Đông,
từ Nam chí Bắc”.
Những quý bà
Kén và quý ngài Kén được bọc lạnh lùng trong thứ kén dệt bằng sợi thép. Và người
đàn bà, nhảy múa chân trần rớm máu, thăm thú cho hết những phận người, những cảnh
sắc hỗn độn, vô loài và thê lương.
Cô bị ướt đẫm
mưa lạnh, vào quán ngồi hong váy ướt, tìm chút hơi ấm.
Cô nhìn thấy một người
đàn ông từ đằng kia góc phòng và cô chờ đợi, hy vọng đó là người đàn ông đàng
hoàng, mạnh mẽ, mơ ước của cả cuộc đời cô. Anh ta đi đang hướng về phía cô mà
bước tới. nhưng anh ta đi qua cô, đâm sầm vào bức tường, trượt ngã, tóe máu.
Hóa ra đó là một người mù! Cuộc chờ đợi vô vọng của cô diễn ra trong tiếng cười
ngất của những Người Kén. Cây gậy dò đường của người mù văng ra bên chân tường.”
Nhà văn Võ Thị Hảo. Photo courtesy
of blog Võ Thị Hảo.
Ngồi hong váy ướt là tập truyện ngắn
gồm 17 truyện.
- Ngọc
Anh sang sông viết về một người đàn ông là nạn nhân và chứng nhân những tội
ác trong Cải cách ruộng đất. Hơn nửa thế kỷ sau, người đó vẫn tiếp tục là nạn
nhân trong chính thời đại mà ông đã góp phần xây dựng nên. Ông đến nhà xác,
không mang nổi những oan khuất lên trời, với hình ảnh về người cha đã bị giết
chết trong Cải cách ruộng đất vẫn mãi lấy bút lông chấm vào mạch máu đã bị cắt
của mình mà viết lên trời xanh.
- Bùa
viết về không khí âm u tù đọng quanh khu thành cổ, thời xưa từng vang tiếng nhã
nhạc nhưng nay chỉ còn hiệu lệnh “câm” được viết lên không gian. Nước không chảy
và mây không bay. Những người ngồi ăn phở “bốc mả” trong tiếng khóc hờ quặn ruột,
dưới vầng trăng như con mắt bất mãn rọi xuống thế gian.
Mặt nước thành cổ phẳng
lặng như được niêm phong bằng keo và quyết không mở miệng dưới bất kỳ trận động
đất nào.Yêu quái lâu này không biết ăn phải cái gì mà bỗng lớn phổng lên, dạ
dày rỗng tuếch, ăn gỏi người không biết no…
- Người
chăn bò thần thánh viết về tham nhũng. Những nông trường viên bị buộc phải
tự xẻo thịt và máu của họ đắp vào đàn bò viện trợ đã bị ban giám đốc nông trường
cùng những kẻ thân thích xẻo hết thịt. Và khi đàn bò được đắp bằng thịt của các
nông trường viên, lũ tham nhũng lại tiếp tục xà xẻo. Bây giờ thì chúng uống máu
và ăn thịt người.
- Rồng
là một trong những truyện ngắn lột trần sự giả dối những oai phong lẫm liệt
trong hình ảnh rồng và sự mục nát, lạc hậu của thể chế này. Cái con rồng được
đưa ra để làm thần tượng và niềm kiêu hãnh ở Hà Nội ấy thực ra đã bị lũ mãng xà
và lũ rắn mượn xác và hút kiệt xương tủy. Trong tòa nhà ấy có một con rồng, có
mào và vây cánh đủ lệ bộ nhưng đã bị ăn mòn tận xương tủy.
Dưới cái đầu rồng đó
lúc nhúc rắn…. Con vừa mới nở trông như sên như vắt. Con lớn hơn trông giống
lươn.
Con lớn nữa oằn oại vặn mình, cái mõm ngoác ra hút chặt vào đốt sống cổ, cái
lưỡi của nó ăn vào dòng tủy đã khô kiệt của con rồng .Nó chuyển động bằng thân
thể và nọc độc của loài rắn, trong một tòa nhà tròn ngày đêm lia những luồng mắt
kiểm soát và hăm dọa ra xung quanh khiến tất cả đều bị nhiễm độc và con người
quanh đó trở nên điên loạn, đến trẻ con cũng biết thắt cổ tự tử và người sống
thoi thóp khò khè trong chiếc thòng lọng thít cổ không cho chết cũng không cho
sống.
Tòa nhà tròn
bí hiểm như những lỗ châu mai. Đó là cung điện của loài rắn. Những hốc mắt sâu
hoắm, đen như lỗ huyệt, cứ chằm chằm kiểm soát mọi người.. Nó là ngôi nhà xoáy ốc,
đi mãi loanh quanh vẫn chôn chân chỗ cũ, trống rỗng cũ kỹ mà không rêu phong nổi,
thượt ra như một xác chết mà không chôn nổi. Ngôi nhà phả mùi hôi tanh của giống
rắn đói khát suốt ngày nằm ườn đợi lột xác. “Đó là cái mùi của những mảng da
đang tự chết đi, bị đẩy một cách không thương xót ra khỏi một thân thể còn sống.
Những mảng da dày, bao bọc, từ giã kiếp sống, vừa bong ra lại vừa phải áp vào một
cách ghê tởm với một cơ thể trơn ướt, vừa hình thành đã ngoằng ngoèo, lạnh lẽo,
bị nguyền rủa”.
- Hội ngộ
có ba nhân vật chính: người đàn bà chồn, người đàn ông cụt đầu có chiếc cổ đi
chơi và đôi chân cắm giữa bãi lầy thành phố, ngập ngụa giòi bọ và rắn rết, chốc
chốc anh ta lại cứ nhầm rằng mình đã thành một con giòi hoặc một con rắn.
Một
con ong thợ nhạt mùi tổ, bị ong chúa huy động cả một đàn ong thợ hàng vạn con
rùng rùng bay đi tìm diệt kẻ dám mang mùi lạ. Cuộc hội ngộ của họ đánh thức những
cánh tay, những đầu những bả vai nhớ nhau, gọi tìm, phương Bắc phương Nam.
Cuôc
hội ngộ mà chẳng hề hội ngộ bởi sự tan nát, vỡ vụn của tâm hồn và thể xác, sự bất
lực và đớn hèn của những người vốn có sức mạnh nhưng lâu ngày sống trong bùn lầy
nên cứ ngỡ rằng mình chỉ là một con giòi hoặc một con rắn..
Bìa của tập truyện
chính là bức tranh sơn dầu của tác giả, mang tên Hội ngộ, thể hiện sự rã rời
đau đớn không nơi nương thân ngay trên đất nước của chính mình của người VN.
- Cô bé
bão tuyết nói về một mối tình trên Internet. Một mối tình cháy bỏng lời lẽ
yêu đương và lãng mạn da diết mong đợi ngày về gặp nhau.
Khi gặp, “cô bé bão
tuyết” lại là một hàm râu quai nón. Buổi chiều rỗng và đêm cũng rỗng. Nhưng những
cảm xúc họ đã dành cho nhau là có thật. Cả hai đều rơi nước mắt thương xót cho
chính mình.
- Dã
nhân: Bàn tay của loài khỉ cũng đủ các đường sinh mệnh, trí đạo, duyên
tình… nhưng những con dã nhân này đang ngày đêm bị đám quan chức trọc phú, trộm
cướp công quỹ, tiền dự án, ăn chơi vô độ, man rợ vô độ, dùng kiếm phạt ngang đầu
ngay khi chúng còn sống để moi óc ra ăn. Lương tâm của con người lên tiếng.
- “Lưỡi họa
mi” nói về bầu trời được làm bằng nhựa cứng vít chặt xuống đất. Những đám
mây bị nhai nuốt bởi những khẩu súng thần công hiện đại, rồi chui ra ở hậu môn
của súng, bị buộc phải sống và mang hình hài của giun, sâu và bọ cánh cứng
nhung nhúc.
Chúng là con của Mẹ Súng. Chúng thích ăn thịt người. Chúng đi tìm
giọt máu của con họa mi duy nhất sót lại và bay trên bầu trời. “Cái vật duy nhất
trước mắt Trinh chỉ là bầu trời bằng nhựa cứng đang văn vắt xanh nhức mắt ở
trên cao.Không một câu chuyện nào.
Không một giọt nước mắt, một sợi lông mi, một
làn môi, một hơi thở dài. Một cái nhíu mày, một nụ hôn khẽ lướt. một bàn tay khẽ
vuốt, một sợi lông chim... Không.
Không một
chiếc lá vô tình rơi. Không một nụ hồng tàn úa vớt vát cuối ngày. Không một tiếng
gọi cha gọi mẹ. Không một lời mở gọi người tình về e ấp ve vuốt ở trong tay.
Không. Không
và không.”
Mẹ Súng buộc nhà khoa học phải
điều khiển khẩu súng cứ ba mươi giây lại quét qua bầu trời để giết chết những
đám mây và con họa mi còn sót lại, nhưng nhà khoa học, sua gần một thế kỷ bị bắt
buộc và phục tùng, đã tự làm vỡ tim mình để cứu lấy con họa mi cuối cùng. Giọt
máu họa mi biến thành người bay, giữa màu mây rực rỡ.
- Nghịch
tử như một bản cáo trạng về bạo lực gia đình và thói quen phục tùng, nô lệ
bạo lực đã trở thành một tội ác. Người cha thường xuyên đánh đập, tra tấn vợ và
con để bù lại cho sự đớn hèn và nhục nhã bởi ông ta sợ hãi, bị lép vế và bất lực
ngoài xã hội. Đứa con trai ngoan hiền đã giết chết người cha sau nhiều lần ông
ta đánh đập mẹ cậu gần chết.
Tòa án xử tử hình cậu bởi sự phẫn nộ mù quáng của
một xã hội quen nô lệ hóa người khác, buộc người khác phải chịu đựng không giới
hạn sự áp bức của kẻ bề trên và kẻ có địa vị mạnh hơn.
Ngay cả mẹ cậu, người lẽ
ra phải biết ơn cậu vì chỉ có cậu bênh vực và cứu bà trong những cơn lúc bị người
chồng hung hãn hành hạ, thì cũng chỉ vì muốn giữ thể diện, muốn được thừa nhận
là người vợ hiền thục, và không chịu nổi sức ép của cộng đồng mà lên tiếng chống
lại đứa con mình. “ Bởi vì, thà nô lệ.
Thà nhục nhã. Thà bị đánh đập chà đạp
đêm ngày, còn hơn là mạo hiểm và chấp nhận rủi ro. Đó là đạo của mẹ và cộng đồng
của mẹ ». Đó là bi kịch khốn khổ của những người không được làm người và không
biết làm người.
-
Đường về trần, Lửa lạnh, Ngựa hoang, Bờ vai trong đêm mưa, Ở trọ buồng gan
…cũng là những truyện ngắn mang tính lập thể, bí ẩn, nằm trong lối viết mang
tính ma mị và huyền hoặc đặc trưng của tác giả.
Nhìn chung, mỗi truyện ngắn
mang rất nhiều lớp ngữ nghĩa và nhiều khúc xạ hình tượng, trong đó, sự mù lòa của
xã hội Việt Nam, khát vọng tự do, sự mãnh liệt của tư tưởng giảỉ phóng con người
khỏi sự nô lệ hóa của thể chế tàn bạo và giả dối, và trong xã hội đó, tình yêu
bị trượt hẫng, bị giễu cợt trong một hiện thực mù lòa…
Theo
dòng thời sự:
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment