Tuesday, December 11, 2012

Nạn Bắt Nạt Ở Học Đường


 

 

Nạn Bắt Nạt Ở Học Đường

(12/092012)

Tác giả : Vi Anh

Một tin nhỏ nhưng là một vấn đề lớn. Tin PM News ngày 5 tháng 12 của truyền hình VHN-TV cho biết “Học sinh gốc Việt tự tử vì bị bắt nạt. David Phan, 14 tuổi, học sinh trường trung học Bennion Jr. High School ở Taylorsville, Utah, dùng súng tự sát ngay trước các bạn học mới đây, là do bị bạn học bắt nạt.

“Hôm Thứ Năm tuần trước, em David được nhà trường cho về nhà sớm. Một tiếng rưỡi sau, em trở lại góc đường ngay trường học, và dùng súng tự bắn vào mình, ngay trước học sinh của trường.”

“Cô Vy Lake, một người họ hàng của nạn nhân nói, David bị bắt nạt mấy năm qua. Những học sinh bắt nạt David theo em về tận nhà, chọc ghẹo và ném đồ vật vào em. Đến khi hết chịu nổi, David đánh lại những học sinh bắt nạt em, và có vấn đề với trường học.

“Tại đám tang David Phan hôm Thứ Ba, bà Phượng, mẹ của nạn nhân, cho biết “rất đau buồn khi chuyện xảy ra, cho tới bây giờ vẫn chưa hết bàng hoàng.”

“Bà Phượng nói thêm: “Qua chuyện này, tôi muốn nói rằng mọi người nên để ý, đừng để con mình bị bắt nạt. Mỗi khi đi học về, nên hỏi con mình có bị bắt nạt không.”

“Tuy nhiên, gia đình cũng không muốn đổ lỗi cho bất cứ ai, mà chỉ muốn mọi người ý thức tình trạng bắt nạt trong trường học, và nên có thiện cảm hơn với học sinh khác.

“Hiện một quỹ mang tên “Anti-Bullying Foundation in Memory of David Phan” vừa được thành lập và mở tài khoản tại ngân hàng Wells Fargo, nhằm chuẩn bị cho các hoạt động xã hội chống bạo hành học đường. Taylorsville là một thành phố thuộc Salt Lake County, Utah, có gần 60,000 cư dân.”

Thiết nghĩ, vụ tự sát bằng súng trước trường của một học sinh trung học đệ nhứt cấp người Mỹ gốc Việt, mới 14 tuổi này – đây không phải là một chuyện nhỏ của một em học sinh bị bắt nạt, của một thiếu niên thuộc một sắc tộc thiểu số Việt Nam trong xã hội đa văn hoá, đa chủng tộc Mỹ. Mà đây là một chuyện lớn, có thể nói rất lớn liên quan đến gia đình, học đường và xã hội là ba yếu tố cấu thành một nền giáo dục tốt.

Bên cạnh việc cầu nguyện cho linh hồn em David Phan được siêu sinh, tịnh độ trên cõi vĩnh hằng, người sống nhứt là người Mỹ gốc Việt thiết nghĩ cần rút kinh nghiệm để hy vọng một trường hợp đau thương như vậy không xảy ra nữa.

Trước nhứt về phía gia đình phải kiên quyết bảo vệ con em với học đường và xã hội. Súng của gia đình, người lớn phải cất dấu, khoá kỹ, ngoài sự hiểu biết, tiếp xúc của trẻ em.

David bị bắt nạt mấy năm qua. Mà gia đình có lẽ bận rộn làm ăn, coi đó là việc nhỏ, và có thể vì rào cản ngôn ngữ nên không khiếu nại yêu cầu nhà trường và cảnh sát có biện pháp tích cực ngăn chận.

Kế đến là nhà trường thiếu trách nhiệm. Một kiểu trả lời lấp liếm, đùa đẩy trách nhiệm sau vụ tự sát xảy ra. Ông Ben Horsley, phát ngôn viên Học Khu Granite, mới nói giới chức trường học vẫn giữ liên lạc với David sau khi nghe em báo cáo “bị bắt nạt cách đây nhiều năm.” Rồi lại đánh lạc hướng, “Cố vấn trong trường sau đó thường xuyên liên lạc với David vì có một số vấn đề riêng tư khác của em,” và đổ tội cho người chết không có thể biện minh được, “Dù vậy, David không bao giờ báo cáo bất kỳ trường hợp bị bắt nạt nào khác, và cho biết mọi chuyện bình thường.”

Nạn bắt nạt ở học đường gây nhiều hậu quả trầm trọng ở đâu cũng có. Nó không những gây hậu tự sát mà còn bạo hành tàn sát hàng loạt nữa.

Ở Mỹ có học sinh, sinh viên Mỹ bị bắt nạt dươi nhiều hình thức, uất hận dồn nén bộc lộ thành hành động xách súng vào trường bắn giết bừa bãi, nhiều vụ chấn động công luận và lương tâm người Mỹ.

Nạn bắt nạt cũng xảy ra ở các nước thuộc văn minh Đông Phương như Đại Hàn nữa. Tháng 12 năm ngoái cậu học sinh 13 tuổi tên là Kwon đã nhảy lầu tự tử tại một khu chung cư ở thành phố Daegu.

Em Kwon để lại một thư tuyệt mạng, trong đó kể rằng em bị các bạn cùng lớp bắt nạt rất tàn tệ. Trong cuộc điều tra sau đó, hai học sinh đã thừa nhận tội đánh và sỉ nhục Kwon trong nhiều tháng liền. Các em này bị phạt tù 40 tháng và 36 tháng.

Án lịnh còn buộc thành phố Daegu yêu cầu trường học của Kwon, hiệu trưởng, giáo viên của em và cha mẹ của hai học sinh bắt nạt phải cùng trả 130 triệu won (gần 115.000 USD) bồi thường cho cha mẹ của Kwon. Còn chánh quyền trung ương, thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang-Sik tuyên hứa chính phủ quyết tâm chấm dứt nạn bạo lực trường học và sẽ trừng phạt nặng những nhà quản lý giáo dục nào định che giấu các vụ vi phạm.

Xã hội Mỹ là một xã hội pháp trị, tán trợ giáo dục, quí trọng, bảo vệ lớp trẻ. Theo luật vị thành niên là “cháu biện lý”, đụng các em một cái là tội hình, trường hợp gia trọng đối với những người có nhiệm vụ bảo vệ các em như cha mẹ, bảo mẫu, giáo chức. Trợ cấp con nhỏ theo án toà mà không làm là tội hình. Xe bus chở học sinh chớp đèn đỏ, giương bản stop ra cho học sinh lên xuống mà xe tới lui không ngừng chờ là bị phạt vi cảnh loại nặng, và v.v..,

Luật pháp đòi hỏi người nhà phải đưa ruớc học sinh tới trường, tới nơi xe bus của trường. Tạo một cơ hội bằng vàng để người nhà xem các em có gì buồn phiền hay không và tâm tình với con cháu là núm ruột của mình. Trường học có hội phụ huynh học sinh, có hội sinh viên, cho sinh viên tham gia tiếng nói trong việc điều hành trường sở.

Vì giáo dục không bao giờ thành công, không bao giờ có kết quả mong muốn là đào tạo học sinh, sinh viên thành con người toàn diện trí, đức, thể dục nếu tương quan gia đình học đường và xã hội bị lỏng hay đứt.

Theo khoa sư phạm, gia đình là môi trường trẻ em xã hội hoá đầu đời. Trường học là nơi kế tiếp. Và xã hội là người được gia đình và học đường giáo dục phát huy hiệu quả của nền giáo dục. Xã hội vì thế phải đầu tư và yểm trợ cho giáo dục.

Nhưng trong tương quan ba bên đó, gia đình là quan trọng nhứt. Khi đi học, số thời gian một học sinh/sinh viên ở nhà nhiêu lần hơn ở trường học. Và khi đi làm ở xã hội cũng thế, gia đình là nền tảng của xã hội, tổ ấm của học sinh, của ngươi đi làm. Tiếng nói đầu đời của một con người, tiếng ba má xuất phát ở đây.

Người Mỹ gốc Việt di tản sang Mỹ cách nước nhà nửa vòng trái đất, lạ nước, lạ cái, tiếng Việt độc âm, tiếng Mỹ đa âm. Nhưng người Mỹ gốc Việt là một sắc tộc hòa nhập nhanh và thành công là nhờ gia đình, theo nhận định của những nhà xã hội học Mỹ.

Không có sự nghiệp nào thiềt tha, cốt yếu của con người Việt hơn sự nghiệp gia đình. Con cái là cốt lõi, là núm ruột của người Việt, nhứt con nhì mới của.

Mua tần bán tảo, cực khổ làm việc ngày đêm, nhịn ăn nhịn mặc là để nuôi con, cho ăn học nên người. Muốn con ăn học nên người, không phải chỉ chọn trường tốt, trường hay đâu mà theo dõi việc học, tìm hiểu tâm tình, chia xẻ, thông cảm, và nếu cần đấu tranh cho con cái như gà mẹ chống lại diều hâu.

Để kết thúc bài này xin mượn lời của hiền mẫu của em David Phan là Bà Phượng. Bà nói “Qua chuyện này, tôi muốn nói rằng mọi người nên để ý, đừng để con mình bị bắt nạt. Mỗi khi đi học về, nên hỏi con mình có bị bắt nạt không.”

 

 

 

 
 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link