Chủ
nhật 09 Tháng Mười Hai 2012
Một thế cân bằng
địa chính trị mới
Một
khu khai thác khí đá phiến ở Pennsylvanie, Hoa Kỳ
Nina
Berman / NOOR
Minh
Anh
Với trữ lượng
dồi dào và chi phí sản xuất rẻ, trong chính sách năng lượng của mình, Hoa Kỳ
cho là khí đá phiến có thể thay thế cho nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
Báo Financial Times của Anh Quốc nhận định rằng, một khi không còn cần đến dầu
hỏa của vùng Vịnh nữa, Mỹ có thể sẽ từ bỏ vai trò cảnh sát biển quốc tế trong
khu vực mà họ nắm giữ từ nhiều thập niên qua. Thế nhưng điều này lại có thể gây
phiền toái cho Bắc Kinh.
Cách mạng khí đá phiến rất có thể sẽ làm thay đổi diện mạo năng lượng trên toàn cầu. Liên quan đến chủ đề này, tuần san Courrier International trích đăng bài nhận định của Financial Times qua hàng tựa « Một thế cân bằng địa chính trị mới ».
Theo học thuyết quân sự của Carter vào năm 1980, Hoa Kỳ có thể sử dụng vũ lực trong trường hợp cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của mình tại vùng Vịnh. Và học thuyết này đã được Mỹ áp dụng từ nhiều thập niên nay, nhằm bảo vệ con đường hàng hải huyết mạch nối liền các nước dầu hỏa vùng Vịnh với phần còn lại của thế giới.
Nhưng giờ đây, chính sách này đang dần thay đổi. Các cuộc chiến mệt mỏi tại Afghanistan và tại Irak, khủng hoảng tài chính năm 2008, suy thoái và thâm thủng ngân sách ngày càng lớn đã hướng Washington quay về thực tại. Công luận ngày càng ít hào hứng với một chính sách đối ngoại theo kiểu gây hấn.
Theo phân tích của Financial Times, nhờ vào việc sử dụng rộng rãi phương pháp nứt vỉa thủy lực, Hoa Kỳ từ chỗ thâm hụt khí đốt trở thành thặng dư, và xem đây như là một ngành công nghiệp mới. Hiện tại, Mỹ là quốc gia có sản lượngdầu và khí gia tăng nhanh nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ còn phát triển dự án khai thác dầu ở vùng nước sâu tại vùng vịnh Mêhicô và gia tăng việc sản xuất khí đá dầu. Nếu kể thêm việc khai thác cát bi-tum tại Canada, vùng Bắc Mỹ đã có thể đủ tự cung cấp cho nhu cầu của chính mình. Như vậy, điều này có lẽ làm biến đổi hoàn toàn vai trò mà Mỹ đang nắm giữ trên thế giới.
Vấn đề hóc búa cho Trung Quốc
Financial Times nhận định rằng nếu như Hoa Kỳ ngày càng giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu bên ngoài, thì ngược lại nhu cầu của Trung Quốc ngày càng tăng. Hiện tại, hơn 50% lượng dầu hỏa tiêu thụ tại vùng châu Á – Thái Bình Dương là nhập từ vùng Trung Đông. Bên cạnh đó, Trung Quốc ngày càng phải đối diện nhiều với những bất ổn trong vùng Vịnh.
Ông John Mitchell, chuyên gia về các vấn đề năng lượng cho Hội tham vấn Anh Quốc Chatham House, giải thích rằng “do phần lớn lượng dầu cung cấp vận chuyển qua eo biển Ormuz là cho châu Á, đảm bảo an ninh cho nguồn cung cấp không còn liên quan đến Hoa Kỳ nữa. Giờ đây, đó sẽ là vấn đề của riêng châu Á”.
Như vậy, nếu Hoa Kỳ không còn giữ vai trò sen đầm quốc tế nữa, vậy thì ai bây giờ? Trung Quốc ư? Financial Times trích dẫn nhận định của các nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh vẫn chưa đủ khả năng để đảm nhận vai trò này. Nếu so sánh về mặt tương quan lực lượng, năng lực của hải quân Trung Quốc vẫn còn xa mới sánh bằng với Mỹ. Hoa Kỳ sở hữu đến 11 tàu sân bay, trong khi đó Trung Quốc chỉ mới có một, vừa được tung ra vào hồi tháng 9 rồi.
Một số chuyên gia khác còn cho rằng, vấn đề đảm bảo an ninh hàng hải cũng có thể trở thành một đồng tiền trao đổi trong bối cảnh quan hệ Trung – Mỹ. Cũng theo ông John Mitchell, trong trường hợp một khủng hoảng mới xảy ra tại vùng Vịnh, Washington có thể sẽ chấp nhận bảo đảm an ninh cho việc giao hàng, với điều kiện Bắc Kinh phải có một số nhượng bộ. Chẳng hạn như yêu cầu Trung Quốc phải có thái độ đúng đắn trong các vụ tranh chấp lãnh thổ với các nước đồng minh của Mỹ tại Đông Á như Đài Loan, Nhật Bản và Philippines.
Thế nhưng, cũng có nhiều chuyên gia loại bỏ khả năng Hoa Kỳ rút quân khỏi vùng Vịnh. Ông David Goldwyn, giám đốc Văn phòng tư vấn Goldwyn Global Strategies, tiên lượng rằng, dù lượng nhập khẩu có thể giảm nhiều, nhưng Hoa Kỳ vẫn có thể bị lung lay trong trường hợp giá dầu thô bùng phát. Và hiện vẫn chưa có nguồn nhiên liệu nào có thể thay thế dễ dàng dầu hỏa trong ngành vận tải. Vì vậy, Mỹ vẫn phải tiếp tục duy trì sự hiện diện của mình tại vùng Trung Đông và tiếp tục bảo vệ các tuyến đường hàng hải cũng như các điểm chiến lược như eo biển Ormuz chẳng hạn.
Financial Times trích kết luận của ông Ed Morse, phụ trách nghiên cứu về nguyên liệu cho Citigroup cho rằng, “dù gì đi nữa, trong một thế giới luôn phải đối mặt với nạn khủng bố và cuộc chiến Internet, thì biên giới của Hoa Kỳ là toàn cầu”.
Tại Syria, chiến tranh cũng là một thương vụ làm ăn tốt
Trong khi nội chiến và các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt lên Syria đang làm xáo trộn mọi hoạt động kinh tế và đời sống của thường dân, thì đấy lại cơ hội cho bao nhiêu kẻ trục lợi. Liên quan đến chủ đề này, tuần san L’Express có bài phóng sự đề tựa “Syria: Chiến tranh cũng là một thương vụ làm ăn tốt”.
Theo L’Express, xăng dầu ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ tại Syria. Để nuôi sống gia đình đông đúc, nhiều ông bố đã chuyển thành những kẻ mua đi bán lại. Họ mua nhiên liệu từ các đường dây buôn lậu lớn và bán lại với giá cao gấp 2 hay 3 lần.
Nạn khan hiếm nhiên liệu còn làm cho nhiều lãnh vực kinh doanh khác nở rộ theo như xe gắn máy hay máy phát điện. Ông Abou Ali, chuyên kinh doanh trong lĩnh vực này, nói với L’Express rằng, máy phát điện giờ đây là vật dụng không thể thiếu cho các gia đình, kể từ khi điện bị cúp 20 giờ mỗi ngày. Công việc kinh doanh Abou Ali phất lên nhanh chóng đến mức ông đã mua lại cửa hàng gốm sứ của người hàng xóm kế bên.
L’Express cho biết, ngoài nhiên liệu và máy phát điện ra, thị trường chợ đen không bỏ sót một lãnh vực nào, kể cả nguồn thực phẩm cơ bản nhất. Người ta dễ dàng nhận ra những đoàn người dài dằng dặc trước các tiệm bánh mì. Những người nào vội vã hay quá sợ khi phải xếp hàng lâu trên vỉa hè (do các tiệm bánh mì là mục tiêu cho các đợt dội bom của chính phủ), họ có thể mua lại từ những con buôn nhỏ với giá cao gấp ba, bốn lần so với giá chính thức.
Kinh doanh thực phẩm cũng thu hút sự chú ý của những kẻ tham lam, biết trục lợi và có tổ chức. Các thương gia và các nhà buôn lẻ đầu cơ các nguồn thực phẩm cơ bản như đường hay gạo, rồi sao đó đẩy giá lên. Chúng còn liên kết với các nhóm có vũ trang để chuyển hướng giao hàng hay như kiểm soát việc phân phối để kiếm lợi hoặc để mua chuộc lòng dân, theo như quan sát của vị giáo sư về hưu. Theo ông, các tổ chức trợ giúp và cứu tế do các thân hào địa phương hay các phong trào chính trị thực hiện “bị nghi ngờ khai thác sự khốn cùng của dân nghèo và các nạn nhân nhằm củng cố quyền lực”.
Thế nhưng, theo L’Express, có lẽ nghề tài xế taxi hay xe buýt mini đường dài là ngành kinh doanh béo bở nhất. Trong bối cảnh chiến sự nóng bỏng ở phía bắc, ngày nào cũng có người muốn tìm cách chạy thoát khỏi đất nước đến các quốc gia láng giềng như Liban, Thổ Nhĩ Kỳ. Các chủ phương tiện đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh. Chuyến đi chở người, chuyến về thì chở tã, thuốc lá hay thuốc men. Cứ mỗi chuyến đi như vậy, một tài xế xe có thể kiếm được khoảng 300 euro/ ngày, tương đương với mức lương của một tháng.
Tuy nhiên, “thuyền to thì sóng lớn”. Đó cũng là một ngành buôn mạo hiểm nhất. Nguy hiểm đến từ mọi phía. Từ việc có thể bị hứng bom bất ngờ cho đến phải đối mặt với các băng cướp trên đường đi. Nếu xui xẻo gặp phải cướp, tiền chuộc dao động từ 5000 cho đến 10000 euro, kết quả của những tuần lao động vất vả.
Cuối cùng, L’Express kết luận, con cá càng lớn thì các thành viên gia đình cũng như chính bản thân nó càng có nguy cơ bị bắt cóc cao. Tại miền bắc Syria, các băng đảng đua nhau cướp bóc tài sản trong các nhà xưởng, cửa hàng hay các ngôi nhà bỏ trống, rồi bán lại cho các trung gian. Nếu như quang cảnh kinh tế đất nước đang bị mất mát nhiều, thì ý nghĩa kinh doanh vẫn tồn tại mãi.
Tây Ban Nha: Một lương hưu cho cả ba thế hệ
Theo truyền thống, cha mẹ giúp đỡ con mình tự đi trên chính đôi chân của họ. Rồi đến lượt mình, một khi đã trưởng thành, con cái phải chăm sóc cha mẹ. Thế nhưng, giờ đây, khủng hoảng kinh tế tại châu Âu đang làm đảo lộn truyền thống lâu đời đó. Về chủ đề này, Courrier International dẫn lại bài viết đăng trên báo El Pais, nhật báo có uy tín nhất tại Tây Ban Nha, qua hàng tựa: “Tây Ban Nha. Một lương hưu cho cả ba thế hệ”.
Tờ báo lấy ví dụ điển hình bà Isabel N. 52 tuổi. Cho đến năm rồi, bà đã sống chung với cậu con trai 29 tuổi, làm nghề thợ nề, bị thất nghiệp và cô bạn gái của anh ta tại Denia, thuộc tỉnh Alicante, phía đông Tây Ban Nha. Nhưng đến năm 2009, đến phiên bà cũng bị mất việc. Nhờ vào tiền trợ cấp và tài xoay sở, bà đã có thể giữ được chỗ ở bằng cách thương lượng lại tín dụng bất động sản và hạ được tiền trả nợ tín dụng tháng từ 500 xuống còn 250 euro. Bất hạnh thay là tập đoàn tài chính chỉ chấp nhận thương lượng lại nợ, nhưng không chấp nhận xóa nợ. Và căn hộ của bà đã bị tịch thu. Cuối cùng, con trai bà phải ra đi tìm việc làm ở nước khác, còn bản thân bà phải quay về sống chung với người mẹ 80 tuổi tại Madrid.
Tờ báo viết rằng “trong xứ mù, kẻ chột làm vua. Và tại một đất nước ngày càng nghèo, thì những người về hưu đã trở thành một kiểu lá chắn trước làn sóng khủng hoảng”. Thất nghiệp bắt đầu lan sang nhiều thế hệ. Khi mới xảy ra khủng hoảng, chỉ có giới trẻ trong độ tuổi ba mươi phải quay về sống chung với bố mẹ, thì giờ đây, đến lượt những người lao động độ tuổi 40. Bởi vì, trong bối cảnh hiện nay, chỉ những người về hưu là tầng lớp có mức thu nhập ổn định nhất.
Theo nghiên cứu “Khủng hoảng và rạn nứt xã hội” do Quỹ La Caixa công bố hồi tháng 11 vừa qua, số hộ gia đình Tây Ban Nha mà tất cả các thành viên trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp trong năm 2010 đã về sống chung với một người về hưu trên 65 tuổi chiếm đến 7,8%. Tỷ lệ này đã tăng lên nhiều so với năm 2007, và cao hơn so với các nước như Anh, Pháp hay Đan Mạch. Bản nghiên cứu nhận thấy rằng “trong tình hình khủng hoảng, lương hưu đã trở thành nguồn thu nhập ổn định hơn là lương làm việc”.
Tuy nhiên, bài báo cũng nhìn nhận mặt tích cực của hiện tượng. Khủng hoảng giúp đoàn tụ các gia đình. Không những, bởi vì con cái về sống chung với cha mẹ, mà người già cũng buộc phải rời các nhà dưỡng lão quá tốn kém để trở về với con cái. Xã hội Tây Ban Nha đang quay về với thời đại xa xưa, thời kỳ mà nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà. Dĩ nhiên, nhiều thế hệ thì phải có nhiều quan điểm khác nhau, đó là điều không thể tránh. Nhưng cũng có người cho rằng đấy cũng là dịp để hòa giải những bất đồng với cha mẹ.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment