Saturday, March 9, 2013

Thiếu trách nhiệm khi làm sách cho trẻ?


 

Thiếu trách nhiệm khi làm sách cho trẻ?

Cập nhật: 10:14 GMT - thứ sáu, 8 tháng 3, 2013
Sách 'Bé làm quen với chữ cái' in cờ Trung Quốc cho trẻ Việt Nam
Một loạt sách cho trẻ em bị phát hiện biên soạn cẩu thả từ sách Trung Quốc, nêu bật các vấn đề trong xuất bản sách tại Việt Nam.
Bộ Giáo dục Việt Nam đã phải yêu cầu các nhà xuất bản kiểm tra các nội dung “không phù hợp” sau phát hiện một số sách giáo dục in cờ Trung Quốc.

Các bài liên quan

Chủ đề liên quan

Văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ký ngày 7/3 nói báo chí đã “phản ánh một số nhà xuất bản đã xuất bản và phát hành một số sách có nội dung, hình ảnh không phù hợp với đặc điểm, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam”.
Đến nay ít nhất ba cuốn sách bị truyền thông trong nước phát hiện in cờ Trung Quốc, mà nguyên nhân có vẻ vì sự biên tập cẩu thả.
Trường hợp thứ ba bị phát hiện là tập 2 bộ sách “10 phút cho bé trước giờ đi ngủ” của nhà xuất bản Mỹ Thuật.
Trong sách này, ở mục Yêu Tổ Quốc, bắt đầu bằng “Tổ quốc của chúng ta là Việt Nam. Quốc kỳ của chúng ta chính là lá cờ đỏ sao vàng.”
Phần minh họa có hình lá cờ Việt Nam để trẻ tô màu, nhưng ngay bên cạnh là hình lá cờ Trung Quốc.
Bà Đặng Thị Bích Ngân, Giám đốc NXB Mỹ Thuật, nói với báo Dân Trí: “Mặc dù có lỗi nhưng không quá nặng.”
Theo bà, nhà xuất bản đã “yêu cầu phía đơn vị liên kết thu hồi sách này để khắc phục cho khớp hơn”.
Trước đó, hai cuốn sách khác cũng có lỗi tương tự và đã bị yêu cầu thu hồi.
Báo Tuổi Trẻ tường thuật cuốn Bé làm quen với chữ cái của tác giả Nguyễn Thị Thúy Hà, NXB Đại Học Sư Phạm, in cờ Trung Quốc trong mục đánh vần.
Bộ Giáo dục hôm 7/3 đã đề nghị NXB Đại Học Sư Phạm thu hồi cuốn này.
Một cuốn sách khác dành cho trẻ em chuẩn bị vào lớp một ở Việt Nam cũng in lá cờ Trung Quốc trên bìa sách.
Cuốn "Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ", được dịch lại từ nguồn sách Trung Quốc, đã bị yêu cầu thu hồi.
Sách ‘liên kết’
Hình minh họa
Hình lá cờ Trung Quốc trong cuốn '10 phút cho bé trước giờ đi ngủ'
Theo những người trong ngành xuất bản, đằng sau sai sót của ba cuốn sách là hiện tượng các nhà xuất bản quốc doanh bán giấy phép cho tư nhân để làm sách.
Được gọi là “lĩnh vực sách liên kết xuất bản”, việc biên tập nội dung, trong nhiều trường hợp, hoàn toàn bị thả lỏng, dù Việt Nam không thiếu các cơ quan kiểm duyệt.
Phát biểu với báo Nông thôn Ngày nay, ông Đoàn Tử Huyến, Giám đốc Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông- Tây, nhận định: “Với cách quản lý theo kiểu thủ tục và hình thức như hiện nay thì việc xảy ra tình trạng như cuốn Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ cũng là điều dễ hiểu.”
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Giáo dục Phạm Minh Hạc, trên báo Dân Trí, cho rằng chỉ thu hồi sách “chưa phải là cách giải quyết tận gốc”.
“Các bên gồm tác giả và biên tập, nhà xuất bản và và đối tác liên kết, Cục Xuất bản phải chịu trách nhiệm xã hội rất lớn.
“Càng phải đòi hỏi việc xử lý nghiêm, răn đe cho những người kế tục,” ông Hạc nói.
Hôm 6/3, trao đổi với BBC, nhà giáo dục Phạm Toàn từ Hà Nội cho rằng Bộ Giáo dục - Đào tạo không thể không có trách nhiệm đối với các bộ sách tham khảo ngoài sách giáo khoa.
Ông Phạm Toàn cũng nói thêm, "những người làm cái đó [in bộ sách có cờ Trung Quốc] là thiếu cả nhạy cảm về chính trị và thiếu cả cái tình cảm về dân tộc nữa."
"Cứ cho học kiểu này thì thôi mời Trung Quốc vào dạy hộ còn gì. Nhà giáo Việt Nam phải lo lắng cho con em mình."

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày 13/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link