Số phận của nhà độc tài Nicolae Ceausescu, cai trị Rumani gần một phần tư thế ky, và vợ ông ta (Bà Elena), đã kết thúc ra sao?
Xin mời đọc
bài dưới đây:
pv
Targoviste, Rumani, thứ hai 25 tháng 12, 1989
11 giờ 45 sáng. Hai chiếc trực thăng quân sự đáp xuống trại
lính tại thị trấn Targoviste, cách thủ đô Bucharest 120 km về phía bắc. Đây là
một thị trấn ảm đạm, chuyên sản xuất thép, xây dựng theo thiết kế thô kệch được
các nhà độc tài cộng sản từ Stalin trở đi
ưa chuộng.
Từ chiếc trực thăng lớn, xuất hiện sáu tướng lĩnh quân đội
mặc quân phục mới cáu, trĩu nặng giây tua vàng và huy chương. Theo sau là ba sĩ
quan cấp dưới thuộc Bộ Tham mưu Quân đội Rumani, và một nhóm bốn nhân viên dân
sự khác.
Một người, có vẻ cao cấp nhất, bắt đầu lớn tiếng ra lệnh
ngay khi phái đoàn đáp xuống, sau chuyến bay dài 30 phút từ thủ đô. Đó là ông
tướng đầu bạc, 53 tuổi, Victor Stanculescu, đại diện của chính phủ lâm thời Mặt
trận Cứu nguy Tổ quốc. Vào lúc này, chính phủ mới vẫn chưa kiểm soát được toàn
cõi Rumani.
Sáng hôm đó, tướng đầu bạc được lệnh thi hành một nhiệm vụ
khẩn cấp, cần một ít tế nhị nhưng thật nhiều thô bạo, đó là tổ chức cuộc xét xử
Nicolae Ceausescu, nhà độc tài đã cai trị Rumani gần một phần tư thế kỷ, và vợ
ông ta, bà Elena.
Mới ba ngày trước, ông bà đã phải bỏ chạy khỏi thủ đô, trong
khi quần chúng phấn khích đón mừng cách mạng. Chỉ vài giờ sau, họ đã bị bắt và
giam giữ tại trại lính ở Targoviste trong khi số phận của họ được quyết định
tại Bucharest.
Lực lượng trung thành với Ceausescu, mật vụ Securitate, vẫn
đang chiến đấu để đưa ông trở lại vị trí Chủ tịch. Chính quyền cách mạng, lúc
đó chưa được củng cố, cuối cùng đã quyết định phải nhanh chóng đưa Ceausescu ra
xét xử để chứng minh cho dân chúng cả nước Rumani biết ai đang thực sự nắm
quyền.
Ông tướng đổi chiều
Stanculescu được chọn để thi hành nhiệm vụ dọn dẹp này. Cao
ráo, lịch lãm, ông được biết đến như một người khéo léo, tinh khôn. Trong chế
độ cũ, tới tận ngày 22 tháng 12, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng là
một người bạn lâu năm của gia đình Ceausescu, một thực khách thường xuyên tại
Cung Chủ tịch, và là một trong những nịnh thần chủ chốt trong triều đình
Ceausescu. [Ngày 22 tháng 12, Stanculescu lên làm Bộ trưởng Quốc phòng, thay
Tướng Milea vừa chết. Ông là người khuyên Ceausescu thoát thân bằng trực
thăng.]
Ông rất nhanh nhạy thấy được gió đã đổi chiều, và là một
trong những sĩ quan quân đội cao cấp đầu tiên về phe cách mạng. Ngoài khả năng
thức thời nhạy bén, ông còn có tài tổ chức công việc kỹ lưỡng. Ông mang theo từ
Bucharest các thẩm phán, công tố viên và luật sư biện hộ cần thiết cho phiên
xét xử. Stanculescu cũng tận tình quan tâm đến những chi tiết khác: Trên chiếc
trực thăng thứ hai vừa đáp là toán lính dù từ một đơn vị tinh nhuệ, được chọn cẩn
thận vào sáng hôm đó để làm đội xử bắn. Và trước cả khi thủ tục pháp lý diễn
ra, ông tướng cũng đã cẩn thận chọn xong địa điểm xử bắn – một điểm dọc theo
bức tường nhìn ra khoảng sân rộng của trại lính. [1]
Phòng xử và luật sư
‘Phòng xử án’ được chuẩn bị vội vã trong một hội trường tồi
tàn với tường màu gỉ sắt. Năm chiếc bàn mặt nhựa được xếp lại với nhau làm bàn
cho thẩm phán. Chỗ dành cho bị cáo là hai chiếc bàn và ghế được đặt trong góc
phòng. Một khung cảnh nhếch nhác, thiếu hẳn vẻ trịnh trọng thường thấy trong
những sự kiện quan trọng như thế này, nhưng theo cách nhìn của Tướng
Stanculescu như thế cũng đã đủ.
Quá giữa trưa một chút, khi phái
đoàn từ Bucharest bước vào phòng xử, hai bị cáo đã ngồi sẵn ở đó, có hai lính
canh đứng kèm hai bên.
Mới ba ngày trước, Nicolae và Elena Ceausescu còn là cặp vợ
chồng được khiếp sợ nhất và căm ghét nhất nước. Họ có quyền sinh sát với hơn 23
triệu dân Rumani. Họ điều hành một đất nước công an trị tàn bạo nhất Châu Âu.
Truyền hình và báo chí trong nước hàng ngày đều phải ca tụng họ như những á
thần thực sự.
Nhưng giờ thì họ hiện nguyên hình là một cặp vợ chồng già,
cáu kỉnh, lẫn lộn, mệt đừ, sợ hãi, hay rì rầm cãi vặt. Họ mặc đúng bộ quần áo
đã mặc lúc bỏ trốn khỏi thủ đô. Ông thì áo khoác dài bằng dạ màu đen, bên trong
là bộ vét xám đã nhàu, nhìn ông như già hơn tuổi 71 của mình. Bà Elena, lớn hơn
ông một tuổi, mặc áo khoác nâu vàng cổ lông thú, thêm chiếc khăn lụa xanh
choàng đầu, che một phần tóc bạc.
Sáng hôm đó ở Bucharest, luật sư có tiếng Nicu Teodorescu
đang ăn điểm tâm ngày Giáng sinh với gia đình thì nhận được cú điện thoại của
trợ lý tân Chủ tịch Ion Iliescu, ông được Mặt trận Cứu nguy Tổ quốc yêu cầu trở
thành luật sư bào chữa cho Ceausescu. Ông trả lời rằng đây sẽ là “một thử thách
rất thú vị”. Sau khi suy nghĩ một lúc, ông đồng ý.
Lần đầu tiên ông gặp vợ chồng bị cáo là trong ‘phòng xử’ ở
Targoviste, và chỉ có 10 phút để tư vấn cho hai thân chủ. Cuộc gặp không được
như ý. Với quá ít thời gian để chuẩn bị nội dung bào chữa, ông cố gắng giải
thích cho hai thân chủ rằng cơ hội tốt nhất để tránh bản án tử hình là lấy cớ
mất trí. Đề nghị này bị bác bỏ lập tức. Teodorescu kể lại: “Khi tôi đề nghị như
vậy thì họ, nhất là bà Elena, nói rằng như thế là dựng đứng câu chuyện quá
đáng, làm họ thấy bị sỉ nhục nặng nề… Sau đó, ông bà từ chối luôn sự giúp đỡ
của tôi.’ [2]
Phiên tòa
Khoảng 1 giờ chiều, ‘phiên tòa’ bắt đầu. Có năm thẩm phán
quân sự, đều là các vị tướng mang quân phục, và hai công tố viên quân sự. Phiên
tòa được xem là công khai vì có một sĩ quan thuộc cấp quay phim sự kiện này, nhưng
anh được lệnh chỉ ghi hình các bị cáo mà thôi, không được quay cảnh nào có thẩm
phán, công tố viên hay luật sự biện hộ.
Phiên xử kéo dài 55 phút. Nhà độc tài bị lật đổ đã trả lời
với vẻ hằn học trong hầu hết buổi xét xử. Thỉnh thoảng, ông cầm chiếc mũ dạ đen
đặt trên bàn trước mặt đưa lên, rồi ném mạnh xuống như để nhấn mạnh điểm nào
đó. Bà ít biểu cảm hơn, hay nhìn chằm chằm vào khoảng không trước mặt. Thỉnh
thoảng hai người cầm tay nhau và thì thầm, họ luôn gọi nhau là “mình ơi”.
Không có chứng cớ bằng văn bản nào được trưng ra chống lại
họ, cũng không có nhân chứng nào được mời. Ngay từ đầu, Ceausescu đã bác bỏ
quyền xét xử của phiên tòa. Ông lặp đi lặp lại rằng: ”Tôi chỉ công nhận Quốc
hội mở rộng và đại diện của giai cấp công nhân. Tôi sẽ không ký bất cứ gì,
không nói bất cứ gì! Tôi từ chối trả lời câu hỏi của những kẻ đã xúi giục
cuộc đảo chínhnày. Tôi không phải là bị cáo. Tôi là Chủ tịch Nước
Cộng hòa. Tôi là Tổng Tư lệnh của các người! Mặt trận ‘Phản bội’ Tổ quốc ở
Bucharest… đã tiếm đoạt quyền hành!”
Các công tố viên đọc lời buộc tội. Ceausescu làm mặt nghiêm
suốt thời gian cáo buộc:
CÔNG TỐ VIÊN: Đây là những tội ác chúng tôi cáo buộc ông bà,
và yêu cầu tòa án xử tử hình cả hai người:
- Tội diệt chủng.
- Tội tổ chức hoạt động vũ
trang chống lại nhân dân và nhà nước.
- Tội phá hoại tài sản và
dinh thự công cộng.
- Tội phá hoại nền kinh tế
quốc gia.
- Tội tìm cách bỏ nước ra
đi với số tiền hơn 1 tỉ đô-la Mỹ, trong các tài khoản ở ngân hàng nước
ngoài.
Các bị cáo có nghe không? Mời đứng dậy.
CEAUSESCU: (vẫn ngồi) Tất cả những điều đó đều dối trá. Tôi
không công nhận tòa án này!
CÔNG TỐ VIÊN: Ông có biết mình đã bị loại khỏi chức vụ… Chủ
tịch nước hay không? Các bị cáo có biết mình đang bị xét xử với tư cách là hai
công dân bình thường không?
CEAUSESCU: Tôi sẽ không trả lời những kẻ đã tiến hành cuộc
đảo chính này, với sự hậu thuẫn của các tổ chức nước ngoài. Nhân dân sẽ chống
lại bọn phản bội!
CÔNG TỐ VIÊN: Tại sao ông làm những việc vừa kể, đưa nhân
dân Rumani đến tình trạng ô nhục như hiện nay… Ông đại diện đất nước mà sao ông
lại làm cho đất nước đói khổ?
CEAUSESCU: Tôi từ chối trả lời câu hỏi. Tôi không công nhận
các người! Tất cả những lời buộc tội đều dối trá… Tôi nói cho các người nghe,
chưa bao giờ trong lịch sử Rumani đất nước lại tiến bộ như vậy. Chúng tôi đã
xây trường học, đảm bảo có bác sĩ, đảm bảo có mọi thứ cần thiết cho cuộc sống
có nhân phẩm!
CÔNG TỐ VIÊN: Hãy nói cho chúng tôi nghe về số tiền ông
chuyển qua các ngân hàng Thụy Sĩ?
CEAUSESCU: Tôi không trả lời câu hỏi của một băng đảng dám
đứng ra đảo chính!
Elena kiềm chế hơn, phần nhiều im lặng, chỉ trừ khi công tố
viên hỏi: “Người dân Rumani chúng tôi thì không có thịt mà ăn. Vậy mà con gái
bà lại dùng cân bằng vàng để cân thịt mua từ nước ngoài về, thế là sao?” Bà bức
xúc la to: “Các anh dám ăn nói như thế à?” Có một lúc, Ceausescu lên tiếng:
“Làm cho xong vụ này đi” và nhìn vào đồng hồ. [3]
Tuyên án
Toà ngừng họp chỉ trong 5 phút để nghị án. Ceausescu không
chịu đứng dậy lúc các thẩm phán trở lại phòng xử.
Khi tuyên đọc bản án tử hình và tịch thu toàn bộ tài sản của
hai vợ chồng bị cáo, không ai, kể cả chủ tọa phiên tòa lẫn công tố viên, nhìn
thẳng vào họ. Họ im lặng, có vẻ như muốn kháng án.
Chiếu theo luật pháp Rumani, bản án tử hình chỉ được thi
hành sau 10 ngày được ban hành, dù bị cáo có kháng án hay không. Nhưng luật sư
biện hộ Teodorescu đã không nêu lên điều này trong phiên tòa. Rất có thể là
Ceausescu, dù đã kết án tử hình vô số người, không hề biết đến chi tiết này
trong luật pháp. Nhưng dù sao thì đó không phải là một ngày đẹp trời để nói
chuyện pháp lý.*
Công lý đã được thực thi một cách sơ sài, cẩu thả và thô
vụng. Trong phòng xử, tay của Ceausescu bị trói sau lưng bằng dây. Ceausescu
vẫn giữ được vẻ trịch thượng và khá bình tĩnh trong vài phút cuối cùng. Ông nói:
“Kẻ gây ra cuộc đảo chính có thể bắn bất cứ ai họ muốn. Kẻ phản bội sẽ phải trả
lời cho hành vi của mình. Rumani sẽ sống và sẽ biết về sự phản bội của các
người. Thà là chiến đấu trong vinh quang còn hơn sống như nô lệ!” Elena thì
khóc và la hét, đay nghiến đến cùng. Gần như hoảng loạn, bà thét lên: “Không
được trói chúng tôi! Thật xấu hổ, nhục nhã! Tôi nuôi các anh như mẹ. Sao các
anh lại làm thế?!”
Pháp trường, “Đ. mẹ mày!”
Họ được áp tải đi khoảng 40 mét dọc theo hành lang dẫn đến
khoảng sân rộng trong trại lính. Lúc bị dẫn đi, người lính trói tay họ lúc nãy
nói: “Bây giờ, ông bà gặp rắc rối to rồi!” Elena gào vào mặt anh: “Địt mẹ mày!”[i]*
Còn Ceausescu thì bắt đầu hát Quốc tế ca.
Họ dường như không có ý niệm là cuộc hành hình sẽ diễn ra
lập tức, cho đến khi họ ra tới khoảng sân. Lúc đó, ông bà thực sự hoảng hốt. Bà
thét to với ông: “Im đi Nicu! Hình như họ sắp giết mình như giết chó. Không tin
được!” Lời cuối cùng của bà là: “Nếu giết thì hãy giết chúng tôi chung với
nhau.”[4]
Đội xử bắn đã sẵn sàng khi phiên xử diễn ra được một nửa.
Tám lính dù, được chính Stanculescu tuyển chọn và được bay từ Bucharest đến,
không biết nhiệm vụ của mình là gì cho đến khi họ có mặt ở Targoviste. Ba trong
số được chọn để thực hiện hành vi cuối cùng, đó là: Dorin Varlan, Octavian
Gheorghiu, và Ionel Boeru. Trang bị súng tự động AK-47, họ đứng cạnh bồn hoa
chờ cặp vợ chồng đi vào sân.
Lệnh dành cho người xử bắn là không được bắn Ceausescu ở
vùng trên ngực. Vì ông phải được nhận diện qua hình chụp sau khi chết. Không có
lệnh tương tự dành cho bà Elena. Đội hành hình đưa vợ chồng Ceausescu đến đứng
trước bức tường, ông bên phải, bà bên trái. Trông họ thật thảm hại.
Gheorghiu sau này kể lại: “Bà nói họ muốn chết chung, nên
chúng tôi đặt họ đứng cạnh nhau, rồi bước sáu bước lui và sau đó nổ súng. Không
ai ra lệnh bắn, họ chỉ nói làm sao cho nhanh! Tôi bắn bảy viên đạn vào ngực ông
và bắn hết số còn lại trong băng đạn vào đầu bà.” Ông thì oằn người ra sau, sụp
đầu gối xuống đất. Bà thì đổ qua một bên. [5]
Declared dead: Ceausescu's body is examined after he was executed by firing squad
Hỗn độn liền diễn ra. Gần như toàn bộ số binh lính tại căn
cứ hôm đó đều chứng kiến cuộc hành hình. Ngay khi đội xử bắn làm xong nhiệm vụ
thì mọi người trong sân có súng bắt đầu bắn xối xả vào hai xác chết, cho đến
khi chỉ huy căn cứ, Trung tá Mares, ra lệnh ngưng bắn. Nhiều năm sau đó, vẫn
còn dấu vết của hàng trăm phát đạn trên bức tường trong sân và trên khung cửa
sổ cách mặt đất khoảng ba mét.
Danh ảo, xác thực
Hai xác chết được gói trong vải bạt, được chở về thủ đô bằng
trực thăng, với sự canh gác của toán lính dù đã hành quyết họ.
Sau đó, xác được đưa xuống sân bóng nơi tập luyện của đội
bóng đá Steaua Bucharest, nằm ở ngoại ô phía tây nam thành phố. Trong một diễn
biến rợn người, xác của họ bỗng bí mật dời đi nơi khác trong đêm. Các đội tìm
kiếm phải lục lọi toàn bộ khu vực suốt đêm, trước khi tìm thấy xác vào sáng hôm
sau đang nằm gần một mái che trong khu vực sân thi đấu. Điều gì xảy ra cho hai
xác chết trong mấy giờ này đến nay vẫn còn là bí ẩn.
Ngày hôm sau, họ được chôn tại nghĩa trang Ghencea gần đó.
Khi chết, hai ông bà được đặt nằm cách nhau 50 mét, tách biệt bởi một lối đi,
và được đặt tên mới. Người ta lấy hai thập giá gỗ trơn rồi vẽ vội bằng sơn tên
giả của hai ông bà. Nhà độc tài một thời làm người dân khiếp sợ Ceausescu giờ
mang tên Popa Dan, còn vợ ông thì mang tên Enescu Vasile.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment