Wednesday, March 6, 2013

Nợ xấu Trung Quốc lại gia tăng tới mức báo động


 

Nợ xấu Trung Quốc lại gia tăng tới mức báo động





 

Trụ sở của Ngân hàng trung ương Trung Quốc, Bắc Kinh (REUTERS)

Trụ sở của Ngân hàng trung ương Trung Quốc, Bắc Kinh (REUTERS)


Tổng kết hai nhiệm kỳ thủ tướng, ông Ôn Gia Bảo chủ yếu đề cập đến những thành quả kinh tế sáng chói. Trong khi đó, trị giá chứng khoán bốn ngân hàng Nhà nước Trung Quốc trên sàn chứng khoán Hồng Kông giảm 20 % trong hai tuần lễ. Nợ khó đòi của ngành ngân hàng liên tục tăng lên trong 5 quý liên tiếp, đạt mức cao nhất kể từ năm 2004. 

Trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội, thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nêu lên rất nhiều những điểm son trong nhiệm kỳ thứ nhì trải dài từ 2008 đến 2012 : tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 9,3 % ; tổng sản phẩm nội địa đã được nhân lên gấp đôi trong vỏn vẹn 5 năm. Đang từ 26 600 tỷ nhân dân tệ nhảy vọt lên thành 51 900 tỷ (tương đương với 8 300 tỷ đô la Mỹ). Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong cùng thời kỳ tăng đều đặn ở nhịp độ hơn 12 %/năm. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ra nước ngoài tăng 25,5 % hàng năm.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo không khỏi tự hào là bất chấp tác động khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu, Trung Quốc từ năm 2008 đến 2012 vẫn tạo được công việc làm cho 59 triệu dân cư ở thành phố; thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng gần 10 % một năm.

Chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho người thừa kế Lý Khắc Cường, ông Ôn Gia Bảo khẳng định là trong hai nhiệm kỳ thủ tướng vừa qua, chính quyền của ông đã « đặt nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội với một tầng lớp khá giả ngày càng đông ».

Lãnh đạo Trung Quốc thận trọng dự báo là tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay sẽ ở vào khoảng 7,5 %. Lạm phát là 3,5 % và tỷ lệ thất nghiệp là 4,6 %. Tuyệt nhiên không thấy thủ tướng sắp mãn nhiệm Trung Quốc đề cập đến rủi ro tài chính đang đe dọa hệ thống ngân hàng của nền kinh tế đứng thứ nhì trên thế giới.

Núi nợ khó đòi

Vào lúc tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất kể từ 13 năm nay, báo cáo được công bố ngày 01/03/2013 Cơ quan điều tiết các hoạt động ngân hàng Trung Quốc cho biết, nợ khó đòi trong quý 4/2012 tăng thêm hơn 14 tỷ nhân dân tệ (2,3 tỷ đô la) đạt mức kỷ lục gần 493 tỷ.

Đành rằng, theo thống kê chính thức của Bắc Kinh, tỷ lệ nợ khó đòi trung bình của các ngân hàng Trung Quốc hãy còn ở mức rất an toàn, chưa đầy 1 %. Chính xác hơn, tỷ lệ đó là 0,95 % vào tháng 12/2012. Thêm vào đó các ngân hàng của Trung Quốc vẫn làm ăn có lời.

Hiềm nỗi theo như nhận xét của nhiều chuyên gia, những báo cáo về các hoạt động của ngân hàng Trung Quốc dù được coi là « tươi sáng » vẫn không đủ để trấn an các nhà đầu tư. Bởi không ai biết rõ núi nợ của Trung Quốc là bao nhiêu. Mà chỉ biết rằng các ngân hàng xứ này đang phải trực diện với hai mối rủi ro.

Một là những khoản tín dụng đã cấp do « chỉ thị » từ chính quyền trung ương hoặc địa phương để tài trợ những dự án đầu tư khổng lồ mà không ai biết gì hơn về hiệu quả kinh tế hoặc khả năng thanh toán của người đi vay.

Rủi ro thứ hai là nợ của khu vực tư nhân : để mở rộng hoạt động khu vực này đã đi vay tín dụng của các ngân hàng « không chính thức » với lãi suất rất cao. Khi tăng trưởng chựng lại hàng loạt các doanh nghiệp đã bị khánh tận. Đứng trước những núi nợ không tài nào trả nổi, một số chủ nhân đã tự sát, một số khác đã bỏ lại tất cả sau lưng chạy trốn ra nước ngoài.

Theo thẩm định của báo tài chính Mỹ, Financial Times hệ thống ngân hàng « không chính thức » của Trung Quốc hiện tại đã cấp tới 3,2 tỷ đô la tín dụng cho tư nhân – tương đương với 40 % GDP của cả nước.

Đâu là những nguyên nhân dẫn đến « núi nợ » của Trung Quốc hiện nay ? Đâu là tác động khi nợ xấu đánh sập hệ thống ngân hàng Trung Quốc ? Từ trường hợp của nền kinh tế thứ nhì thế giới ta có thể rút ra được những bài học nào về chính sách quản lý các khoản nợ mà tới nay không ai biết chính xác là bao nhiêu ? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa lần lượt trả lời các câu hỏi trên.

Dùng sâm, nhung để kích thích kinh tế

Nguyễn Xuân Nghĩa : Về bối cảnh và để nói cho ngắn gọn thì mô hình tăng trưởng của Trung Quốc là uống sâm để đạp xe cho mạnh vì nếu xe chạy chậm thì sẽ đổ. Nhưng, vấn đề xã hội là các đảng viên cán bộ thì uống sâm, còn công nhân viên và dân nghèo mới là người đạp xe.

Sự thật kinh tế của Trung Quốc là lãnh đạo tại trung ương và nhất là các tỉnh đều ra sức tăng trưởng sản xuất bằng cách bơm tiền ngân sách và tín dụng ngân hàng vào các dự án đầu tư, chủ yếu là đầu tư cố định. Ngân khoản bơm thêm vào kinh tế như vậy được coi là nâng đà tăng trưởng và quả là có tạo ra công ăn việc làm cho một dân số quá đông.

Nhưng đấy là liều thuốc bổ như sâm nhung mà thật ra bất công vì các dự án này đều khai thác một tài nguyên do nhà nước quản lý là đất đai. Đó là sâm nhung cho đảng viên cán bộ ở mọi cấp khi họ lấy đất đai và tiền bạc của nhà nước phát triển khu vực bất động sản để rồi người nào cũng thành chủ nhà, chủ đất. Tình trạng tham ô và bất công ấy không thể kéo dài và được thế hệ lãnh đạo thứ tư thấy ra, như thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nói tới và muốn cải sửa từ năm 2007.

Nhưng có hai động lực cản trở việc cải sửa này. Thứ nhất là sự cưỡng chống của các đảng bộ địa phương vì họ trục lợi nhờ lề lối làm ăn như vậy. Thứ hai là nạn tổng suy trầm toàn cầu từ các năm 2008-2009 và sau đó khiến xuất khẩu của Trung Quốc bị thu hẹp. Kinh tế mà sa sút thì thất nghiệp sẽ tăng cùng nguy cơ động loạn xã hội. Mà lợi tức quá thấp của người dân, là những kẻ đạp xe, không thể kích thích được sức tiêu thụ nội địa để bù vào sự thất thâu của xuất khẩu.

Vì vậy, từ cuối năm 2008, lãnh đạo Trung Quốc đã trở lại nếp cũ là bơm thêm gần 500 tỷ đô la từ ngân sách và mấy ngàn tỷ khác từ tín dụng ngân hàng để nâng mức đầu tư. Hậu quả là họ thổi lên bong bóng địa ốc và chất lên một núi nợ mà thế hệ lãnh đạo đang lên thay sẽ phải giải quyết.

Bong bóng địa ốc

Nguyễn Xuân Nghĩa : Quốc vụ viện của ông Ôn Gia Bảo mất ba năm xoay trở với nạn bong bóng mà không xong cũng vì biện pháp kích thích tăng trưởng như ta vừa nói ở trên. Trong khi các đại gia kiếm lời nhờ lấy đất với giá rẻ và thu về với giá cao từ các dự án này thì dân chúng vẫn thiếu nhà loại bình dân và rẻ tiền để che thân. Đấy là một vấn đề không nhỏ.

Từ năm 2008 đến nay, người ta ước lượng rằng tổng số nợ công và tư của Trung Quốc đã lên tới 200% của tổng sản lượng. Mà đây chỉ là số ước tính thôi chứ thật ra là bao nhiêu thì không ai biết, kể cả các cơ quan chức năng của Trung Quốc. Và cái gọi là nợ của tư nhân thật ra gồm cả các khoản nợ của công ty đầu tư do chính quyền địa phương lập ra để vay các ngân hàng của nhà nước ở địa phương.

Nói về lượng thì, theo lời cảnh báo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế và Quỹ Tiền tệ, khi tín dụng tăng quá mạnh và trong nhiều năm liên tục thì kinh tế có thể bị khủng hoảng tài chính. Sở dĩ có sự cảnh báo vì tình trạng tín dụng gia tăng tại Trung Quốc đã vượt mức độ nguy ngập của Hoa Kỳ hay Nhật Bản, Nam Hàn và Tây Ban Nha trước khi mấy xứ này bị khủng hoảng.

Chúng ta gặp khuôn khổ quản lý quái đản và mờ ảo của Trung Quốc từ năm 1994 lồng trong yêu cầu kích thích kinh tế của năm 2008.

Từ việc cải cách ngân sách năm 1994, 31 tỉnh không được quyền gây bội chi để tài trợ dự án địa phương mà phải chuyển số thu về trung ương và được trung ương phân bố lại theo yêu cầu. Từ đấy, các đảng bộ địa phương giải quyết lấy nhu cầu tạo ra công ăn việc làm cho cư dân thuộc quản hạt và một trong nhiều giải pháp chính là lấy đất của địa phương để phát triển dự án và báo cáo lên trên thành tích tăng trưởng rất cao mà nhiều khi cũng rất ảo. Nhân tiện, đảng viên cán bộ cũng kiếm lời rất nhiều nhờ giá đất nên càng gây bất mãn cho dân chúng. Cuối năm 2008, nhu cầu kích thích kinh tế càng thúc đẩy các tỉnh theo chiều hướng này.

Thế rồi vì không được gây bội chi mà cũng chẳng có quyền phát hành trái phiếu để có tiền phát triển dự án, các địa phương lập ra công ty đầu tư manh danh nghĩa là tư nhân ở địa phương để vay tiền các ngân hàng cũng của nhà nước ở địa phương. Cái khuôn khổ quản lý mờ ảo ở đây là chi nhánh của ngân hàng thương mại nhà nước và của cả ngân hàng trung ương tại địa phương đều nằm dưới sự điều động của đảng bộ địa phương và địa phương nào cũng thi đua phát triển dự án đầu tư để tạo ra công việc làm và báo cáo thành tích lên trên trong khi vẫn trục lợi ở dưới.

Hậu quả là các địa phương mắc nợ các ngân hàng của nhà nước ở địa phương, mà nợ đến mức nào và xấu tốt ra sao thì không ai rõ. Một con số được cơ quan Roubini Global Economics tại Mỹ đưa ra tuần qua là các tính đến năm ngoái, các địa phương có thể mắc nợ cỡ 2.800 tỷ đô la.

Song song, còn phải nói đến một ngân hàng đang nổi tiếng thế giới là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc với số tín dụng cấp phát tại các nước đang phát triển đã vượt Ngân hàng Thế giới. Đấy là định chế thi hành chính sách bành trướng của nhà nước mà riêng tại Trung Quốc thì đã bơm ra số tiền tương đương với hơn hai ngàn tỷ đô la cho các dự án đầu tư loại cố định như xây dựng hạ tầng. Các ngân hàng thương mại bèn nương theo ngân hàng thuộc diện chính sách này mà phát hành trái phiếu để lấy tiền hùn hạp và tạo ra phép lạ rất ảo của Trung Quốc.

Nợ ảo và mối hiểm nguy

Nguyễn Xuân Nghĩa : Các ngân hàng đều huy động vốn từ ký thác của người dân. Vì hoàn cảnh bất trắc và mạng lưới an sinh rất mỏng về y tế và hưu bổng, người dân xứ này có sức tiết kiệm rất cao, bằng 40% lợi tức của họ. Rồi vì chẳng có ngả đầu tư nào khác để gìn giữ nguồn tài sản ấy, họ ký thác vào ngân hàng dù lãi suất chẳng là bao nhiêu và thực tế là mấp mé số không nếu giảm trừ ảnh hưởng của lạm phát.

Tính nhẩm cho dễ nhớ thì trong những năm 2007 trở về trước, kinh tế Trung Quốc có tăng trưởng được một đồng thì do đi vay một đồng tín dụng. Từ năm 2008 trở về sau thì phải đi vay ba đồng mới làm kinh tế tăng trưởng được một đồng. Đấy là yếu tố gọi là không bền vững mà lãnh đạo xứ này nói tới. Nhưng, vì chế độ quản lý và thực tế là trưng thu đất đai, một phần ba các khoản nợ này lại trút vào các dự án bất động sản và thổi lên bong bóng địa ốc. Khi bóng bể thì khối nợ xấu sẽ tiêu tan và ngân hàng cùng các công ty đầu tư của địa phương sẽ theo nhau vỡ nợ.

Khi kinh tế và xã hội dư dôi phương tiện sản xuất, như còn lực lương lao động hay công xuất chưa khai thác hết, thì nếu có bơm tiền từ ngân sách hay ngân hàng để kích thích sản xuất, dù rằng vào loại dự án không sinh lời hoặc có giá trị kinh tế thấp, người ta vẫn còn tạo ra của cải và cả tiền thuế để gây ra ảo tưởng sinh động và tăng trưởng. Nhưng nếu lực lượng lao động đã cạn hoặc nhà máy đã chạy hết công xuất mà vẫn cứ bơm tiền vào thì người ta gây ra lạm phát, là sắc thuế nặng nhất đánh trên dân nghèo.

Trung Quốc có dân số rất cao và cứ sợ thất nghiệp nên đã nhắm mắt đầu tư bất kể phẩm chất và doanh lợi để có cái tiếng là công xưởng của thế giới. Nhưng vì chính sách mỗi hộ một con từ năm 1978, dân số của xứ này bắt đầu chậm đà gia tăng và sẽ giảm dần. Ngay trước mắt thì đã thấy nạn khan hiếm lao động và công nhân đòi lương bổng cao hơn. Vì vậy, càng bơm tiền thì sẽ càng gây thêm lạm phát – là chuyện sẽ xảy ra. Và vì xuất cảng khó tăng mà tiêu thụ nội địa của thành phần trung lưu chưa kịp thay thế, tình trạng tăng trưởng ngoạn mục trong quá khứ sẽ hết.

Đấy là lúc núi nợ sẽ sụp đổ và có thể sụp rất nhanh. Cả thế giới cứ nói đến tình trạng kinh tế u ám của các nước Tây phương, nhưng tình hình của Trung Quốc còn đáng ngại hơn nhiều, và khối dự trữ ngoại tệ trị giá hơn ba ngàn tỷ đô la sẽ không chống đỡ nổi. Sau cùng, phản ứng của người dân khi đã bị cướp đất rồi mất việc và tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng lại tan ra mây khói, phản ứng đó là một ẩn số đang ám ảnh những người lãnh đạo thuộc thế hệ thứ năm.

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-22/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link