Friday, March 8, 2013

Đảng Cộng sản Việt Nam chia rẽ dân tộc


Đảng Cộng sản Việt Nam chia rẽ dân tộc


PV Quốc Doanh


Không phải như những lời vẫn tự tuyên bố và ca ngợi, Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang gây chia rẽ dân tộc trầm trọng.

Một câu nói điển hình cho tư duy chia rẽ dân tộc thời gian gần đây của ông Lê Doãn Hợp lúc đương chức Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông, chia giới truyền thông thành lề phải và lề trái.

Xưa nay chưa thấy ai cố tình chia rẽ một giới làm nghề đến mức độc địa như thế, để trong giới nghi kỵ, miệt thị nhau. Ghê gớm đến mức, ông Hợp nghỉ hưu rồi nhưng cái hố chia rẽ do ông tạo ra vẫn liên tục bị đào sâu hơn, rộng hơn, nhiều hơn, nhất là bởi một số người dựa thế lực ở “lề phải”.

 Đáng trách những người ngày đêm say sưa đào hố chia rẽ, thì càng không thể quên tội lỗi của người tạo ra cái hố ấy. Nhưng ông Lê Doãn Hợp dám làm điều ác mà vẫn yên vị cho đến lúc nghỉ hưu, thậm chí bây giờ vẫn thỉnh thoảng lên giọng dạy đời ở “lề phải” đâu đó, cũng do cái tổ chức đã đào tạo, nuôi dưỡng, cất nhắc ông là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ lâu rồi, Đảng Cộng sản ViệtNam đã chia rẽ nát vụn dân tộc này bởi những hố đào sâu trong tư tưởng, tổ chức. Hồi nào quy kết “thành phần giai cấp” đến mức khủng khiếp, cha con, vợ chồng, anh em đấu tố giết hại nhau như trong cải cách ruộng đất; từ sau ngày 30/4/1975 thì chia rẽ “cách mạng với nguỵ quân nguỵ quyền”, “căn cứ cách mạng với vùng tạm chiếm”, thậm chí trong phe cách mạng cũng có “tập kết với nằm vùng”, “trước năm 1975 và sau 1975”.

Dần dần là “con dân với con lãnh đạo”, “đảng viên với không đảng viên”, “trong nước và có yếu tố nước ngoài”, sự chia rẽ đến mức mơ hồ quy chụp “diễn biến hoà bình”, “tự diễn biến” làm cho xã hội vô cùng ngột ngạt. Người Việt sống trên đất nước ViệtNam độc lập mà bức bối hơn ngày xưa sống dưới chế độ thực dân phong kiến.

Sự chia rẽ dân tộc kinh khủng đã tạo ra một bộ phận hèn nhát, cúi luồn trong “phe ta” leo lên các tầng nấc lãnh đạo, đẩy sang phía “phe địch” những người có tư duy độc lập, sáng tạo. Và cái “phe ta” ấy lan tràn như cỏ dại (Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi – Nguyễn Trãi) để bây giờ, đất nước khủng hoảng toàn diện, mục nát từ trên xuống dưới.

Một nền kinh tế có quốc doanh và tư doanh, hồi nào Đảng Cộng sản ViệtNam gắn cho quốc doanh cái sứ mệnh điên rồ là phải tiêu diệt tư doanh.

Vượt qua sự thù địch nghiệt ngã, tư doanh khẳng định được là động lực phát triển đất nước, thì Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không rời được cái tư duy o bế quốc doanh, vẫn cho nó là động lực phát triển trên nghị quyết, khiến cho cái cái hố sâu chia rẽ nền kinh tế mãi không khoả lấp được. Một nền kinh tế yếu ớt rất cần đoàn kết, chung sức để phát triển mà ở lĩnh vực nào cũng đầy nghi kỵ, hầm hè nhau, chờ dịp là giành giật của nhau giữa quốc doanh với tư doanh.

Một số quốc doanh biến tướng thành sân sau của ai đó, một số tư doanh nấp được quyền lực của ai đó trong Đảng Cộng sản ViệtNam càng làm cho nền kinh tế ViệtNam đầy mờ tối. Rồi quân đội và công an cũng được tự do làm kinh tế với súng đạn và còng số 8 trong tay; cơ quan tình báo, phản gián cũng làm kinh tế; biến lĩnh vực kinh tế thành lĩnh vực nguy hiểm.

 Câu nói “thương trường là chiến trường” nếu PV Quốc Doanh tôi nhớ không lầm, lan tràn ở nước ta qua một bộ phim của Trung Quốc, đó là một câu dịch không đúng nghĩa gốc nhưng thực sự đã biến “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” của nước ta trở thành một chiến trường khốc liệt.

Ông Đặng Thành Tâm, chủ một doanh nghiệp tư doanh từng được đánh giá là người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán, năm ngoái mơ về “cái máng sứt” thời vô lo cũng như trước nữa, hài kịch quốc doanh làm nên bi kịch cuộc đời bà Trần Ngọc Sương, Giám đốc Nông trường Sông Hậu, là điển hình cho những rủi ro và bất hạnh trong làm kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Không biết có nơi đâu trên trái đất này, giới truyền thông và giới kinh doanh trong một nước lại bị chia rẽ và trở thành khinh rẻ lẫn nhau như ở nước ta bây giờ?

Nhiều năm chia rẽ dân tộc, Đảng Cộng sản ViệtNam đã tạo ra một sự chia rẽ mà Đảng không muốn và không ngờ nhưng đã lừng lững xuất hiện: Chia rẽ Đảng với dân, chia rẽ đảng viên với lãnh đạo Đảng. Dẫn chứng ở đây không thể kể hết. Hồi nào nghĩ xấu về Đảng cũng không dám, bây giờ nói oang oang giữa chợ. Hồi nào, xưng danh đảng viên nói dễ lọt tai dân, nay gặp dân ít dám xưng danh đảng viên. Làn sóng phê phán phát biểu ở tỉnh Vĩnh Phúc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang diễn ra, cho thấy sự kính nể đối với lãnh đạo Đảng không còn bao nhiêu. Tổng bí thư khi nghỉ hưu bị coi thường thì đã có nhưng còn đương chức mà bị phản đối mạnh mẽ thì ông Trọng là trường hợp đầu tiên. Không hoàn toàn do bản thân ông, còn do Đảng Cộng sản ViệtNam không còn được tôn trọng.

Hồi trước, Đảng Cộng sản Việt Nam từng có lúc thi hành chủ trương chia rẽ dân tộc sai lầm, nhưng tình trạng đất nước chiến tranh, người dân sẵn sàng gác lại quyền tự do để theo Đảng chống xâm lược, thực hiện một mục tiêu cao cả mà Đảng đi đầu; nay đất nước đã hoà bình gần nửa thế kỷ mà Đảng vẫn đòi dân hy sinh quyền tự do cho quyền lãnh đạo của Đảng là không thể được! Đảng chỉ có thể duy trì quyền lãnh đạo bằng cách tôn trọng quyền tự do của dân, để đạt được mục tiêu cao cả bây giờ là dân giàu nước mạnh!

Khăng khăng duy trì các chủ trương chia rẽ dân tộc, đã đến lúc Đảng Cộng sản ViệtNam bị dân tộc cô lập. Lực lượng Công an chưa bao giờ bị dân khinh thường, hễ có dịp là đánh như từ hồi “chỉ biết còn Đảng còn mình”.

Lực lượng Quân đội từ khi sửa lời Bác Hồ nêu lên hàng đầu “Quân đội ta trung với nước” thành “Quân đội ta trung với Đảng” thì dân cũng dần dần quay lưng. Một vài nơi, Công an và Quân đội đã cầm súng chống lại nhân dân, như ở Tiên Lãng, Văn Giang. Gần đây, báo Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân có nhiều bài lớn tiếng mạt sát “một bộ phận” xã hội.

 Một tư tưởng được “một bộ phận xã hội” chia sẻ, không thể là suy thoái đạo đức. Nhiều bộ phận xã hội tập hợp nên xã hội, và đó chính là nhân dân, lực lượng vũ trang hoảng hốt mạt sát và đòi chĩa súng vào “một bộ phận nhân dân” thì sẽ đi đến đâu?

Nên PV Quốc Doanh tôi, một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, hy vọng qua đợt lấy ý kiến toàn dân về sửa đổi hiến pháp năm 1992, lãnh đạo Đảng nghiêm túc lắng nghe mọi ý kiến của nhân dân để hàn gắn lại khối đại đoàn kết dân tộc. Không cho phép cổ xuý tư tưởng chia rẽ dân tộc, đặc biệt không gây thêm chia rẽ Đảng với dân, với mọi bộ phận của xã hội.

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2013

Q.D.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link