Tuesday, March 5, 2013

Ngà voi : Trung Quốc lộ diện là căn nguyên khiến voi Phi châu bị tàn sát


 

 
PHÂN TÍCH - 
Bài đăng : Thứ hai 04 Tháng Ba 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 04 Tháng Ba 2013

Ngà voi : Trung Quốc lộ diện là căn nguyên khiến voi Phi châu bị tàn sát

22 xác voi bị săn bắn trái phép tại Khu bảo tồn sinh thái Garamba ở Cộng hòa Dân chủ Congo (REUTERS /DRC Military)
22 xác voi bị săn bắn trái phép tại Khu bảo tồn sinh thái Garamba ở Cộng hòa Dân chủ Congo (REUTERS /DRC Military)

Trọng Nghĩa  RFI

Kể từ hôm qua, 03/03/2013 và kéo dài cho đến ngày 14/03/2013, Hội nghị CITES (Công ước Quốc tế về Buôn bán Động thực vật Hoang dã) đã khai mạc tại Bangkok. Đại diện gần 180 nước trên thế giới sẽ thảo luận về các đề nghị nhằm tăng cường việc bảo vệ động-thực vật hoang dã trên toàn cầu, trong đó có việc bảo vệ loài voi đang có nguy cơ bị tận diệt vì nạn săn bắn trái phép để lấy ngà.
Giới bảo vệ môi trường quốc tế không ngần ngại nêu bật Trung Quốc là nguồn gốc chủ chốt đẩy loài voi vào tình trạng tuyệt chủng. Tình trạng nguy ngập đối với loài voi trên thế giới, và nhất là tại châu Phi đã được CITES nêu bật : Cho dù trong năm 2011, số lượng voi trên lục địa này bị săn bắn để lấy ngà đã tăng lên khoảng 25.000 con, dự báo cho năm 2012 còn đáng ngại hơn rất nhiều. Theo Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên WWF, hiện nay, trên toàn châu Phi, đàn voi ước tính chỉ còn khoảng 470.000 con.
Vì sao nên nỗi ? Đối với các chuyên gia, câu trả lời đến từ nhu cầu ngà voi đang tiếp tục gia tăng tại châu Á, đặc biệt là tại Trung Quốc, nơi tập trung khoảng 70% nhu cầu trên toàn cầu, điểm đến chủ yếu của các luồng buôn lậu ngà voi trên hành tinh. Trả lời phỏng vấn của AFP vào cuối tháng 02/2013, ông Tom Milliken thuộc tổ chức phi chính phủ Traffic, một mạng lưới giám sát động vật hoang dã, đã khẳng định: « Trung Quốc hiện là thị trường ngà voi chính vào lúc này. »
Theo các quan sát viên, trong hàng thế kỷ qua, ngà voi được xem là một trong những biểu tượng của sự cao sang trong xã hội Trung Quốc. Phú quý sinh lễ nghĩa, đà tăng trưởng mạnh mẽ và đều đặn của nền kinh tế thứ hai trên thế giới đã hình thành ra một tầng lớp nhà giầu mới, bao gồm hàng triệu người tiêu dùng đang tìm kiếm mua ngà voi chạm khắc hoặc là để thể hiện sự giàu sang của mình, hoặc để làm quà biếu.
Quỹ quốc tế về bảo vệ động vật IFAW trụ sở tại Canada đã ước tính rằng trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2011, giá của ngà voi đã tăng lên gấp ba. Còn CITES thì ghi nhận là trong một thập niên qua, giá một ký ngà đã tăng từ 100 đô la lên thành 2000 đô trên thị trường chợ đen. Đây là một sức hấp dẫn đáng kể cho giới buôn lậu.
Sự kiện nhu cầu từ Trung Quốc làm ngà voi tăng giá không chỉ khiến cho loại voi bị tàn sát ở châu Phi, mà còn gián tiếp nuôi dưỡng chiến tranh trên lục địa này. Một số nhóm võ trang ở miền bắc Cameroon và Cộng hòa Dân chủ Congo đã can dự vào những vụ sát hại voi ở qui mô lớn, bán ngà lấy tiền mua súng đạn.
Theo báo Mỹ Wall Street Journal số ra hôm qua, nhân một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tháng 12/2012, nhiều người trong giới ngoại giao và các nhà hoạt động đã xác định rằng có họ có bằng chứng là quân du kích thuộc lực lượng gọi là Quân đội Kháng chiến của Chúa đã săn bắn voi tại Congo lấy ngà bán đi để lấy vũ khí và tiền mặt.
Chính quyền Bắc Kinh đã phản ứng như thế nào trước tình trạng nêu trên khi biết rằng Công ước CITES mà Trung Quốc là thành viên, đã nghiêm cấm việc buôn bán ngà voi vào năm 1989, một bước ngoặt lịch sử đã giúp giảm bớt tình trạng voi bị tàn sát.
Trong lãnh vực này, thái độ của Bắc Kinh đã ít nhiều bị phê phán vì không giống như các nước khác, Trung Quốc đã cho phép bán lại ngà voi được mua trước khi lệnh cấm quốc tế có hiệu lực. Mặt khác, vào năm 2008, Trung Quốc cũng đã được Công ước CITES đặc biệt cho phép mua một khối lượng ngà voi để làm cạn kiệt thị trường chợ đen, và các mặt hàng dự trữ này được bán với một chứng chỉ xác minh xuất xứ kèm theo.
Lẽ dĩ nhiên, luật lệ kể trên có kẽ hở và một đại diện tổ chức WWF tại Bắc Kinh cho rằng : « Vấn đề chính là làm sao thực thi luật chống buôn bán ngà voi bất hợp pháp ». Theo IFAW, lượng ngà voi buôn lậu tại Trung Quốc cao hơn gấp sáu lần lượng ngà voi được buôn bán hợp pháp. Và một nửa trong số các cửa hàng bán ngà voi hợp pháp cũng cung cấp các mặt hàng buôn lậu. Đó là chưa kể đến hàng ngàn vật dụng bằng ngà được rao bán trên các trang web tại Trung Quốc.
Đối với giới bảo vệ môi trường, chỉ có việc nghiêm cấm hoàn toàn việc buôn bán ngà voi, cả trên quốc tế lẫn quốc nội mới có thể hạn chế được việc loài voi bị tàn sát. Thái Lan, nước chủ nhà của hội nghị CITES lần này, vào hôm qua đã cam kết điều đó. Câu hỏi là liệu Trung Quốc – « gốc rễ » chính của tình trạng này có đồng ý hay không ?


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày 13/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link