Sunday, March 30, 2014

Người Việt tại Nhật và những nỗi ê chề!



Người Việt tại Nhật và những nỗi ê chề!
Vũ Đăng Khuê
tamthucviet.com
March 30, 2014
Kẻ thì “Chỉ là một thiểu số thôi chứ có biết bao nhiêu cái tốt của người Việt sao không thấy nói, tốt thì phô ra xấu phải che lại chứ”. Người thì: “Cái gì cũng vừa vừa phải phải, chiếm 40% trong tổng số 100% về thành tích ăn cắp thì che cái nỗi gì, không biết nhục à?”. Chuyện qua chuyện lại và nổ lớn trên đài ngoại quốc như BBC, báo chí trong cũng như ngoài nước, trên các mạng cá nhân FaceBook suốt dạo này là vì….
Phát lệnh bắt giữ
Ngày 27/2 vừa qua, tự nhiên cái tờ báo “phải gió” Sankei (đứng hàng thứ 5 trong các đại nhật báo tại Nhật) lại đưa 2 bản tin đầy nhức nhối: cảnh sát Nhật phát lệnh bắt một tiếp viên hàng không Việt Nam vì nghi ngờ chuyển đồ ăn cắp. Trước khi vào chuyện xin tóm tắt về mẩu tin “phải gió” này.








Cuối năm ngoái, cảnh sát đã bắt giữ 4 thanh niên Việt Nam trạc tuổi hai mươi mấy đã “chôm” những mỹ phẩm nổi tiếng của Nhật như Shiseido và quần áo của hãng Uniqlo tại các cửa tiệm trong thành phố Tokyo. Theo lời khai thì những“hàng hóa” này đã được gửi đến nhà 1 phụ nữ Việt Nam 30 tuổi. Đầu năm nay, cảnh sát đã bắt giữ luôn người phụ nữ này vì đã đóng gói và gửi các đồ ăn cắp đến một khách sạn gần phi trường Kansai, nơi các tiếp viên nghỉ tạm đợi chuyến trở về. 

Theo dõi một thời gian, cảnh sát đã thấy có những thùng hàng ghi tên địa chỉ người nhận là các tiếp viên hàng không, sau đó thì những thùng hàng trở thành thùng không được vứt tại các bãi rác, còn “nội dung” trong thùng thì “nằm gọn” trong hành lý của các tiếp viên. 

Vì là nhân viên phi hành đoàn nên sự kiểm soát hành lý không chặt chẽ, phần lớn chú ý vào ma túy, vũ khí nên các món hàng này trót lọt và định kỳ bay về “quê hương” yêu dấu và được giao cho em gái của phụ nữ VN 30 tuổi đã nói ở trên ở Hà Nội và sau đó phân phối khắp nơi. Nằm cạnh ngay trụ sở của Hàng Không Việt Nam của Hà Nội 36 phố phường là một dãy phố trưng bày những loại hàng xách tay* này nhiều nhất.

Một nhân viên ngoại giao người Nhật cho biết ông thấy những món hàng này còn để nguyên bảng giá, và biết ngay là đồ ăn cắp, vì ở Nhật sau khi mua hàng, tất cả các bảng giá đều được tháo ra.






Mỹ phẩm của Nhật và cửa hàng bán mỹ phẩm xách tay *

Mỹ phẩm Nhật Bản rất được người Việt yêu thích, năm 2013 Nhật đã xuất cảng sang Việt Nam 534 tấn hàng mỹ phẩm, tăng 5 lần so với 10 năm về trước và bị đánh thuế 10% nên những món hàng ăn cắp được nồng nhiệt chiếu cố vì giá…..quá phải chăng.

Riêng trong tháng một đầu năm nay, tỉnh Fukuoka đã bắt 5 nhóm trộm cắp người Việt. cũng dính líu vào loại buôn bán này. .
Theo thống kê của Bộ Cảnh Sát hôm 27/3 cho biết, trong năm 2013, số vụ tội phạm do người ngoại quốc gây ra là 9.884, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc 4.047 người, kế là Việt Nam 1118 người và thứ ba là Hàn Quốc với 936 người.

Nhưng tính riêng số 
vụ ăn cắp thì Việt Nam đứng đầu bảng chiếm 40%
Cũng theo thống kê này, số vụ phạm tội của người Việt Nam ở Nhật Bản đã tăng gần 60% trong 9 năm qua, từ 713 người bị bắt hồi năm 2004 lên 1.118 người năm 2013.
Quí vị nào đọc được tiếng Nhật thì có thể tham khảo 2 link dưới đây
--------------------
*“hàng xách tay”, “mỹ phẩm xách tay”…, không mang ý nghĩa thông thường là hàng và mỹ phẩm xách bằng tay mà là hàng, mỹ phẩm…. từ nước ngoài đem về.
--------------------
Thi hành pháp lệnh
Trưa và chiều ngày 26/3/2013, các đài truyền hình Nhật Bản đã truyền liên tiếp bản tin  cảnh sát Tokyo còng tay một nữ tiếp viên hàng không VN tên Nguyễn Bích Ngọc (25 tuổi) tại phi trường Kansai vì tình nghi vận chuyển đồ ăn cắp.

 Theo cảnh sát thì tháng 9 năm ngoái, Ngọc đã đem 21 áo jacket nhận của một thiếu phụ Việt Nam 30 tuổi, chuyên thu mua đồ ăn cắp (trị giá 120.500 yen bị 2 du sinh ăn cắp tại một tiệm quần áo ở Tokyo) từ khách sạn đến phi trường Kansai bằng xe bus dành riêng cho nhân viên hãng hàng không để mang về VN. 

Ngoài ra, từ tháng 6 năm ngoái Bích đã đem về nhiều món hàng tổng cộng khoảng 3 triệu yen, mỗi món thì được “thù lao” từ 200 yen đến 400 yen…, Bích cũng khai: “việc mang đồ này do viên cơ phó rủ rê và chính ông ấy đã giới thiệu tôi và các tiếp viên khác với người một người phụ nữ Việt Nam sống tại Nhật” và “nhân viên hãng hàng không của chúng tôi vẫn làm như thế để cải thiện thêm cuộc sống”, nhưng đương sự vẫn chối nói:không biết là đồ ăn cắp. 

Cùng ngày, cảnh sát đã khám xét trụ sở của Hàng Không Việt Nam tại Tokyo (Chiyoda), đã và sẽ “làm việc” với 20 nhân viên làm việc tại đây và đặc biệt yêu cầu 1 phi công phụ và 4 tiếp viên khác mau chóng ra trình diện vì 5 người này dính líu vào chuyện chuyển đồ ăn cắp nhất là viên phi công phụ, người đã đưa đường dẫn lối cả bọn vào đường tội lỗi. Lại phi công phụ!

Cũng xin nói thêm là từ khi xảy ra những “sự cố” này, các hàng “xịn” từ Việt Nam mang theo ngả này về đâm ra “vắng” hẳn, các “chủ tiệm” đã phải xin lỗi khách hàng vì “hàng chưa về kịp” dù đã nhận trước “tiền đặt cọc”. Quí vị có thể tìm hiểu thêm chi tiết tại link dưới đây.
Hẳn quí vị còn nhớ vào cách đây gần 5 năm, ngày 17/12/2008, cảnh sát Nhật bắt quả tang phi công phụ Đặng Xuân Hợp khi toan tính đem mớ hàng ăn cắp về VN. Sau gần 3 tuần điều tra, ngày 9/1/2009, Đặng Xuân Hợp đã bị viện kiểm sát của Nhật khởi tố. Trong quá trình điều tra, ĐXHợp đã “thành khẩn” nhận tội và còn khai thêm: biết được job béo bở này qua sự .... giới thiệu của một cấp trên và không phải chỉ có mình mà hầu như tất cả các đồng nghiệp tôi đều “nhất trí” với job thơm phức này. 

Cũng theo lời khai thì ĐXHợp, ngoài vụ vận chuyển 27 món hàng trộm cắp từ sân bay Kansai về VN vào tháng 7-2008, Đặng Xuân Hợp từng vận chuyển khoảng 30 máy video cassette kỹ thuật số và một số hàng hóa khác về VN bằng đường hành lý xách tay vào cuối tháng 1-2008 và còn... nhiều nhiều nữa. 
 





Đặng Xuân Hợp – Nguyễn Bích Ngọc - Các nữ tiếp viên xinh đẹp của HKVN (nhưng trong túi xách tay hay vali chứa cái gì thì ai biết….chết liền!) 

Tưởng cũng nên biết, mỗi ngày Hàng Không Việt Nam có khoảng 10 chuyến bay khứ hồi từ Hà Nội và Sàigon đi/đến các sân bay ở 4 thành phố Tokyo, Osaka, Nagoya, Fukuoka của Nhật Bản. Mỗi chuyến bay thường có 4 tiếp viên hàng không cùng 2 phi công trưởng, phi công phụ. Tỉnh nhẩm trong đầu ta sẽ thấy cứ mỗi một ngày có xỉu xỉu cả tấn hàng được chuyển từ Nhật về Việt Nam theo ngả này, vì trên nguyên tắc, mỗi nhân viên phi hành được mang theo 1 vali gửi (tối đa 32 kg) và 1 hành lý xách tay nhưng thật ra là “museigen” (vô giới hạn) vì là máy bay….. nhà. Rùng mình 

Cảnh cáo?

Ngày 27/3 vừa qua, một thông báo được cho là của công ty MKO thuộc Nghiệp đoàn Osaka Com gửi tới nhắc nhở các “Thực tập sinh” và “Kỹ thuật viên” người Việt đang làm việc tại Nhật bằng 2 thứ tiếng Nhật-Việt. Đẹp mặt chưa!
 
















































Mánh mung ăn cắp
Bình thường thì ba cái chuyện này không làm tôi quan tâm vì thực ra, chuyện người Việt ăn cắp đã có lâu lắm rồi, chẳng có gì là mới lạ, con số phần trăm lúc đó cũng rất ư là khiêm nhượng khi so sánh với các nước bạn “láng giềng”, lần này thì thú thật: “lạnh mình” với con số 40% nên xin “góp với bao la” một chút về “mánh mung ăn cắp của người Việt Tại Nhật”. 

Dù chỉ là thiểu số xấu xí nhưng cũng đã làm người Việt gục mặt dù ta có cả một đa số đàng hoàng. Tôi không phải là nhà tâm lý học chuyên phân tích, tôi cũng không phải là kẻ có “thẩm quyền” để luận tội bất cứ ai, tôi chỉ nghĩ rất đơn giản: Ăn cắp là chuyện xấu, dứt khoát không nên và lẽ dĩ nhiên ăn cắp trong tình trạng không cần phải ăn cắp… như ở Nhật thì càng không thể tha thứ.

Kể từ khi người Việt được chấp thuận định cư (1983), người tị nạn từ các trại Đông Nam Á như Mã Lai, Hồng Kông, Thái Lan, hoặc đang tạm trú tại các trại tị nạn tại Nhật được chính phủ đưa vào 3 “trung tâm xúc tiến định cư”: Yamato (Kanagawa), Shinagawa (Tokyo), Himeji (Hyogo). 

Tại đây, mọi người sẽ qua một khóa huấn luyện tiếng Nhật, học cách hòa nhập vào đời sống Nhật, nhanh thì 6 tháng và lâu thì 1 năm. Sau khi học xong, “trung tâm xúc tiến định cư” sẽ tìm công việc thích hợp để mọi người khởi sự cuộc sống tự lập và người Việt đã có mặt trên toàn nước Nhật.

Tệ nạn ăn cắp… bắt đầu xuất hiện từ đây nhưng vẫn còn lẻ tẻ. 
Có nhiều đối tượng mà “phe ta” thường nhắm tới:
1/ các cửa hàng bách hóa, quần áo, mỹ phẩm, đồ điện v.v…
2/ các máy pachinko
3/ các loại xe gắn máy, xe ủi, máy cày….
4/ các máy tự động bán nước ngọt, thuốc lá
5/ đám đông (móc túi)
6/ các máy điện thoại công cộng (dùng thẻ gọi điện thoại đã (改造“cải tạo”)
v.v…..
Đối tượng (2) và (6) thì chỉ một mình là đủ, còn (1), (3), (4) và (5) thì phải có người “hiệp lực”, thế là những “nhóm” được thành hình “hoạt động” song song với “cá thể”.











Bảng cảnh cáo ăn cắp của sở cảnh sát Omiya Higashi dán trong một siêu thị ở Saitama.
Và hình ảnh 2 thanh niên mặc áo cờ đỏ sao vàng bị bắt vì tội ăn cắp

Tại các cửa hàng
Đúng với giao ước ban đầu, “mày canh, tao lấy”. Sau khi đã xác nhận bốn phương tám hướng, các “cắp thủ” thường chọn những góc khuất, lấy những món đồ nhỏ đang để trên kệ chẳng hạn như phấn, son, cao dán salonpas, thuốc bổ, thuốc tây, đồng hồ, nữ trang, máy hình….. thồn vào một cái túi hay một cái cặp, bên trong được lót bằng một miếng giấy bạc để khi ra khỏi tiệm sẽ không bị còi báo động “vang vang”, vì hầu hết những tiệm bán hàng đều trang bị ngay cổng ra vào hệ thống kiểm soát là hai khung sắt đặt cách nhau khoảng 1 thước, trước khi ra ngoài tiệm thì phải đi qua hai khung ấy, nếu có đồ nào chưa tính tiền thì hệ thống báo động sẽ vang lên.

 Đối với những món đồ như máy hình, đồng hồ, nữ trang, notebook…. được khóa ngay vào kệ và có kèm còi báo động, thì “quân ta” “khéo léo” dùng kìm cắt khóa rồi dùng một miếng tape dán ngay trên cái còi báo động, thế thì “còi” sẽ bị “câm” ngay. Các siêu thị bán thực phẩm thì thường không có hệ thống báo động là 2 khung sắt nên “quân ta” cứ tự nhiên giống như khách, chất đầy đồ lên xe đẩy và lừa dịp đẩy ngay ra cửa thẳng đến bãi đậu xe.

Ngoại trừ những trường hợp chôm cho riêng mình xài, còn những “hàng” lấy được sẽ qui tụ về một mối, rồi từ đó sẽ “chia sẻ” cho “đồng hương xung quanh”, “đồng bào ruột thịt ở quê nhà” hoặc “những nước bạn láng giềng” với giá hữu nghị.
Lấy một trường hợp điển hình cho dễ hiểu: giả thử một bao gạo 10 ký, giá thị trường 4000 Yen, sẽ có người thu mua với giá khoảng 1800-2000 yen, rồi người này để lại cho “đồng hương” với giá 2800-3000. Hình thức “chia sẻ” này tại các chung cư qui tụ nhiều người Việt rất phổ biến. Camera, máy chụp hình, thuốc cao salonpas v.v… cũng được phân phối tương tự.
Pachinko










Máy Pachinko và hộp đưng bi thắng xếp từng dãy. Ham chưa!

Pachinko là một trò giải trí của Nhật hầu như người nào cũng đã nghe qua dầu chưa “thử” bao giờ. Nó là một chiếc máy, bên trong lồng kính được trang hoàng đủ kiểu trông rất bắt mắt. Trước hết, bạn phải bỏ tiền ra để mua những viên bi. Sau cho bi vào hộc bi và vặn cần, bi sẽ “tung bay” trong lồng máy. Nếu bi lọt vào lỗ trong lồng kính làm các đóa hoa nở, thì bi sẽ tuôn ra nhiều hay ít tùy theo lỗ chính hay lỗ phụ. 

Nếu may mắn mà bạn thắng có nghĩa là “đả chỉ” (máy không còn bi để tuôn ra nữa) (1 máy giới hạn từ vài ngàn viên viên đến vô hạn), bạn có thể dùng những phần bi thắng đổi bất cứ gì bạn muốn, vì trong tiệm Pachinko có chỗ đổi hàng giống y như một siêu thị nhỏ, cái gì cũng có. Hoặc không muốn đổi đồ thì có thể đổi tiền, nhưng không được đổi tiền trong tiệm, vì luật Nhật không cho phép, bạn sẽ nhận được một vài món tượng trưng như hộp nước hoa, rồi đem hộp này ra ngoài để đổi thành tiền tại một cái chái vừa nhỏ, đủ cho việc đổi tiền được đặt ngay gần tiệm. 

Lẽ dĩ nhiên tiền bạn mua bi để chơi sẽ đắt hơn tiền bạn bán bi. (Thí dụ: 100 yen bạn mua được 25 viên, 1 viên là 4 đồng, nếu bạn bán lại chỉ được hơn 1 đồng chút xíu). Lẽ thường thì chơi trò này thì “mang đầu máu” nhiều hơn là thắng, vì chỉ là hình thức giải trí. Pachinko là kỹ nghệ chính phủ Nhật thu thuế nhiều nhất không thua gì thuốc lá, rượu bia. Tuy thế đối với….. “quân ta”, nhất là “sư phụ” của “quân ta” là hung khùng Trung Quốc, “mày” có tinh vi tới đâu “tao” cũng có cách trị. Có nhiều cách và dưới đây xin trình bày 1 cách.

Nguyên tắc thắng là làm sao búng cho bi vào lỗ và hoa nở thì bi sẽ ào ra. Thế thì chỉ việc tìm cách chận không cho hoa đóng lại là xong thôi. Dễ quá. Đầu tiên các sư phụ dạy phải dùng đồ nghề là 2 miếng sắt mỏng, 1 miếng dùng để mở và 1 miếng dùng chặn không cho hoa khép lại. Lừa lúc không ai để ý, nhanh tay đút 2 cái cây vào khe hở dưới hộc đựng bi. Nếu set đúng mà khi bi bay vào lỗ đã mở sẵn, thì bi sẽ ào ra như suối, chỉ vài phút là đèn đỏ báo động máy đã bị Knock Out. Nhưng kiểu này phải cao tay lắm chứ không thì dễ bị lộ. Có bao nhiêu “dân chơi” đã bị múm vì trò này. 

Đến một dạo, có một loại máy mới ra đời, và máy chỉ có 1 lỗ. Nếu bi vào lỗ này thì coi như máy sẽ “thua” phải nhả hết phần đạn trong máy. Máy tên là “nhất phát” (Ippatsu 一発). 

 “Mánh lới” dùng đồ nghề trở nên vô dụng. Không biết có ai dạy hay do “quân ta” nghĩ ra một phương pháp mới: “dùng nước miếng”, vừa chơi vừa nhai kẹo cao su để cho có nhiều nước miếng, cứ vài phút lại “nhổ” vào tay một bãi rồi trải đều lên dàn bi nằm trong hộc, khi viên bi dính nước miếng được búng lên sẽ chạm điện rồi chạy lung tung, xác xuất lọt vào lỗ rất cao và thế là máy “đả chỉ”. Cứ một tiệm làm chừng vài máy xong ta đi tìm tiệm khác có máy tương tự. 

Ở Kanto hết chỗ làm ăn vì tiệm đã đổi máy, “quân ta” di chuyển xuống Kansai hoặc đến tít cả miền Bắc nước Nhật để tìm loại máy tương tự. Mướn một chiếc xe và một người tài xế chở 4 “búng thủ” đi khắp nơi tìm tiệm. “Lương” của tài xế (cũng người Việt Nam) rất ư là hậu hĩnh, bao ăn bao uống, bao ở mà hầu như toàn là khách sạn trong vòng 1 tháng, nếu thắng lớn sẽ trên dưới 500,000 ngàn. 

Còn thu nhập của các “búng thủ” thì chắc phải thêm một số 0 nữa.
Nhưng những “đại gia” này cũng không kéo dài cuộc sống đế vương được bao lâu, trừ một thiểu số còn để dành tiền về quê…. xây nhà, mua đất, còn hầu hết thì nướng sạch vào ma túy, lần lượt rủ nhau nằm “đếm lịch” tại các khách sạn sang trọng xung quanh có… hàng rào điện tử.. 

Chôm xe gắn máy







Honda dream – Hardley
Thuở đó, Việt Nam ta Honda dream rất nổi tiếng, mua theo giá nhập cảng chính thức thì quá mắc, thôi thì ta mua chui vậy. Nơi cung cấp hàng 100% không đâu khác hơn là từ Nhật Bản. Cứ 2, 3 tên một nhóm, mướn một chiếc xe hộp xung quanh được bao phủ bằng bạt vải, không thể nhìn thấy bên trong có những gì, đêm đêm rong ruổi trên khắp nẻo đường, cứ thấy Honda dream thì dừng lại và hì hục đưa lên xe, còn những loại khác thì “có cho ông cũng đéo lấy” (“quân ta” dán miếng giấy có nội dung này trên một chiếc xe không phải dream trong một kho xe chứa đồ ăn cắp chuẩn bị đem đi, mà người viết đã chứng kiến tận mắt). 

Ngoài ra, còn xe HarleyDavidson cũng rất là có giá. 

Có một dạo nạn mất Harley tại Tokyo đã lên đến mức báo động. Bộ Cảnh sát nhập cuộc và bắt được không biết bao nhiêu nhóm hầu hết là “quân ta”. Câu hỏi đặt ra, hàng độc này sẽ tuồn về Việt Nam hay đâu đó bằng cách nào?

Xin kể một trường hợp điển hình: “quân ta” mướn một bãi, xung quanh là rừng núi không có nhà cửa, rồi đặt một container hàng ngay dưới “các tàng cây xanh lá”. Ban đêm, các nhóm cứ rong ruổi khắp nơi tìm hàng, được hàng thì đem đến nơi đã được chỉ định, cất “hàng” vào “tủ”, xong nhiệm vụ, liên lạc với chủ xị: “bữa nay cho vô đó 2 con”, trưa hôm sau thì chủ xị đến check, hẹn gặp nhau đâu đó thanh toán tiền nong, rồi chủ xị “huy động” xe tải chở hàng về bãi khác. 

Tất cả hàng được “thồn” vào trong tận cùng của một container, còn phía ngoài toàn là “rác”, có nghĩa là những đồ phế thải như TV, tủ lạnh, máy giặt v.v…. 

Container đầy hàng đó sẽ được chuyển đến bến tàu để xuất cảng về Việt Nam, Hồng Kông…. dưới danh hiệu: hàng phế thải xuất cảng. Hải quan Nhật cũng chỉ kiểm tra cho có lệ, không lẽ phải moi từng thứ một, và hàng cứ thong dong vượt đại dương. Đã có “bỏ nhỏ” liên lạc trước nên khi thuyền cập bến quê nhà, sẽ có người chờ sẵn làm mọi thủ tục nhận lãnh đưa về nơi an toàn rồi phân phối đi khắp nơi.

Máy bán đồ tự động (Rút máy)



















Đối với các máy tự động thì “quân ta” học được “kỹ xảo” nghe nói từ hung khùng Trung Quốc. Dùng một giấy bạc 1000 yen cắt làm 3, xong nối lại bằng băng keo, một đầu có gắn một sợi giây để kéo ra kéo vào. 

Ban đêm, “quân ta” tìm đến những máy tự động vắng người. “Mày canh, tao rút”, chia nhiệm vụ xong xuôi. “Tao” sẽ cho tờ giấy bạc vào nơi bỏ tiền và kéo ra kéo vào cho đến khi hiển thị số tiền trên máy, từ đó ta rút lại “đồ nghề” cất vào túi và bấm vào một món hàng nào đó, chẳng hạn một lon coca giá là 120 yen, máy sẽ cho ra một lon coca cùng 880 tiền thối. Rồi ta cứ lập đi lập lại cho đến khi máy hết tiền thối. Xong 1 máy, đôi ta lại đi tìm con mồi khác. 

Cách đây vài chục năm, đã có một bài báo phân tích về “mánh mung” này sau khi bắt được mấy người Việt đang “hành nghề”, cũng có một bài báo khác loan tin bắt được vài người Việt vì tội “rút máy”, nhưng không bắt lúc hành nghề mà phát giác lúc đương sự vào ngân hàng đổi từ tiền đồng sang tiền giấy, hình như là 500.000 yen vừa tiền 100, 10 yen (khoảng 6000 miếng). Ngân hàng thấy khả nghi vì đổi quá nhiều tiền cắc, nên báo cho cảnh sát và câu chuyện bại lộ. 

Các hãng bán nước, bán thuốc lá…. bằng máy tự động không những thiệt hại vì mất tiền, mất đồ nên phả thay toàn bộ máy, chứ nếu không thì lại có ngày lãnh đạn tiếp.



Móc túi
Đối với các máy tự động thì “quân ta” học được “kỹ xảo” nghe nói từ hung khùng Trung Quốc. Dùng một giấy bạc 1000 yen cắt làm 3, xong nối lại bằng băng keo, một đầu có gắn một sợi giây để kéo ra kéo vào. Ban đêm, “quân ta” tìm đến những máy tự động vắng người. “Mày canh, tao rút”, chia nhiệm vụ xong xuôi. “Tao” sẽ cho tờ giấy bạc vào nơi bỏ tiền và kéo ra kéo vào cho đến khi hiển thị số tiền trên máy, từ đó ta rút lại “đồ nghề” cất vào túi và bấm vào một món hàng nào đó, chẳng hạn một lon coca giá là 120 yen, máy sẽ cho ra một lon coca cùng 880 tiền thối. Rồi ta cứ lập đi lập lại cho đến khi máy hết tiền thối.

 Xong 1 máy, đôi ta lại đi tìm con mồi khác. Cách đây vài chục năm, đã có một bài báo phân tích về “mánh mung” này sau khi bắt được mấy người Việt đang “hành nghề”, cũng có một bài báo khác loan tin bắt được vài người Việt vì tội “rút máy”, nhưng không bắt lúc hành nghề mà phát giác lúc đương sự vào ngân hàng đổi từ tiền đồng sang tiền giấy, hình như là 500.000 yen vừa tiền 100, 10 yen (khoảng 6000 miếng). Ngân hàng thấy khả nghi vì đổi quá nhiều tiền cắc, nên báo cho cảnh sát và câu chuyện bại lộ. 

Các hãng bán nước, bán thuốc lá…. bằng máy tự động không những thiệt hại vì mất tiền, mất đồ nên phả thay toàn bộ máy, chứ nếu không thì lại có ngày lãnh đạn tiếp. 

Có những toán móc túi chuyên nghiệp từ Việt Nam sang, cư ngụ tại các khách sạn nằm trước các nhà ga lớn hoặc có đường Shinkansen, rồi “len trong đám chợ đông người” dở trò móc túi. Quả thật, mấy tay này siêu thật. Chỉ một chuyến ra quân như vậy cũng tìm được vài chục cái ví, trừ hết chi phí, ăn chơi thoải mái còn đem về “quê” một số tiền khá lớn xây….. nhà, xây khách sạn.

Thẻ gọi điện thoại “cải tạo”
Nghe chữ “cải tạo” thấy giật mình, vì nó nhắc đến nỗi ám ảnh kinh hoàng của hàng triệu quân dân cán chính miền Nam lúc miền Nam đổi chủ. Không phải đâu. Tiếng Nhật có nghĩa là sửa đổi, thay đổi thôi.









Điện thoại công cộng và thẻ…. cải tạo

Công ty NTT có phát hành 2 loại thẻ để gọi điện thoại thường có 2 giá 500 yen, 1000 yen bằng máy điện thoại công cộng. 

Gọi được 50 lần (500 yen), hoặc 105 lần (sẽ ít hơn nếu cuộc nói chuyện dài), dùng hết thì mua thẻ khác, nhưng “quân ta” cũng mua thẻ khác nhưng nơi “phát hành” lại là những ông Iran hay Trung Quốc nào đó, giá rẻ hơn nhiều (200 yen một thẻ) mà còn gọi được vô thời hạn. Thẻ được các “nhà phát minh “dùng một miếng tape có từ tính dán chồng lên những cái lỗ được bấm mỗi lần gọi xong. “quân ta” thường dùng cho các cuộc gọi… viễn liên.

Chịu không thấu vì lỗ quá, NTT đã phải thay cách thiết kế thẻ cũng như “cải tạo” hệ thống điện thoại công cộng.
-----------------------
Theo thống kê của Sở Cảnh sát thời đó thì những trò trên đây chỉ ở mức độ mà một nhà chuyên môn nói là một hiện tượng tự nhiên của xã hội. Số người Việt đến Nhật dưới dạng tu nghiệp sinh, du học sinh càng ngày càng tăng. 

Nhưng kể từ năm 2011 số lượng du học sinh Việt Nam sang Nhật Bản dưới tất cả mọi hình thức đã tăng khoảng hơn 4.000 người, năm 2012 là 6.000 và năm 2013 lại tăng gấp đôi lên đến trên 10000 người chiếm vị trí thứ 3 trong danh sách những nước có nhiều sinh viên sang du học ở Nhật Bản nhất. Từ đó, phát sinh vô số kể vụ ăn cắp mà phần lớn là du học sinh, “đạt” con số báo động 40% này.

 Đó chỉ là những vụ chẳng may không “thành công” bị bắt tại trận, chắc chắn sẽ còn rất nhiều những vụ “may mắn thành công” không kể xiết. Đương nhiên tính cách làm ăn qui mô hơn vì có sự tiếp tay của các người có điều kiện ra vào nước Nhật nhiều lần trong đó có không ít tiếp viên của hãng hàng không Việt Nam.

Tờ báo Sankei chỉ đề cập sơ qua về những hàng được Việt Nam mến chuộng là Shiseido, Uniqlo, nhưng thực ra danh sách dài lắm từ mỹ phẩm, thuốc tây, đồ điện. 
Bên nhà sẽ đặt hàng và bên này sẽ cung cấp đầy đủ và các ông các bà hay đi đi về về sẽ là người chuyển lại ăn hoa hồng. Tất cả đều giao thiệp trên email, skype v.v….
------------------
Từ lúc Nhật Bản có chế độ thâu nhận thực tập sinh (実習生trước gọi là Nghiên tu sinh 研修生) sang Nhật học nghề, thì số người muốn đi rất nhiều, lý do chính là vì kinh tế, lẽ dĩ nhiên cũng có lý do học nghề. Để được một visa vào Nhật, những người này thường phải qua một cơ quan trung gian, cơ quan này sẽ giới thiệu cho một công ty Nhật và làm mọi thủ tục cần thiết.

 Ngoài thủ tục “đầu tiên” cho công ty và các cơ quan liên hệ, nếu không có tiền, nhiều người phải thế nhà thế cửa để bảo đảm mình chắc chắn sẽ quay về.

Sang đến Nhật làm với tư cách học nghề thì mức lương rất khiêm tốn, có tiện tặn lắm cũng chỉ đủ xài cho mình, vì thế dù biết sẽ bị mất số tiền thế chấp, có nhiều trường hợp giữa chừng, hoặc đợi hết “giao kèo” trốn ra ngoài làm việc vì dù sao thu nhập cũng cao hơn so với tình trạng thực tập sinh. Nếu không bị bắt giữa chừng về tội “ở lậu” thì ở càng lâu “làm chui” thì càng có nhiều tiền, khi trở về nước thì dư sức chuộc nhà chuộc cửa, hoặc tham gia vào các nhóm ăn cắp.

Còn du học sinh thì còn thê thảm hơn, qua những trung tâm môi giới quảng cáo rầm rộ bố láo bố lếu đầy rẫy tại Việt Nam nào là: đến Nhật vừa đi làm vừa đi học sỉu sỉu cũng kiếm trên 10 lá, nào là mùa hè, mùa đông nghỉ dài thì thu nhập trở thành gấp đôi, gấp ba….. Thế là bố mẹ chạy đây chạy đó để con mình xuất dương du học, vừa học cho mình, vừa giúp cho gia đình.

 Nhưng sang đến nơi thì vỡ mộng, muốn tìm được số tiền như lời quảng cáo thì phải làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, về đến nhà thì đừ người sức đâu mà học rồi ngày đến lớp cứ lần lần thưa thớt đưa đến tình trạng không tham dự đủ giờ học và sở nhập quốc sẽ không gia hạn cho ở tiếp. Muốn được ở lại mà đi học thì chỉ có con đường gần nhất là….. ăn cắp.

Trên đây chỉ là một mảng xấu của người Việt tại Nhật gọi chung là ăn cắp (setto-
せっとう), còn nhiều mảng khác cũng không kém phần trầm trọng như việc buôn bán ma túy, nghiện ngập, kết hôn giả, làm hôn thú giả, con giả…. để nhập cảnh Nhật hoặc dùng bằng lái xe giả để đổi thành bằng thật…. hiện đang là tầm ngắm của sở cảnh sát và sở nhập quốc, nói ra thì quá dài, xin hẹn một dịp khác.
Muốn biết thêm chi tiết về ăn cắp, quí vị có thể vào link của web dưới đây có thể rõ hơn…. chút nữa, đủ để “tái” người.
------------------
Một người bạn Nhật coi như trong gia đình khi đọc bài báo Sankei hỏi: “Tại sao lại có tình trạng ăn cắp của người Việt như thế này? Hơi quê, tôi định trả lời: Tại vì hàng Nhật bày ra trước mắt, dễ ăn cắp quá mà, nhưng kịp ngưng vì nhớ lại trong một phiên tòa ở Việt Nam vào ngày 25/12 năm ngoái, khi ông tòa tuyên án tử hình một bị cáo tên Trúc (20 tuổi) về tội cướp của rồi còn chặt tay nạn nhân, thì mẹ và chị bị cáo bù lu bù loa chửa đổng: Một lũ nhà giàu hùa nhau đẩy thằng Trúc bị tử hình, ai kêu đeo hột xoàn, đi xe tay ga chi cho nó chém. 

Nó đâu có giết người, đâu có ai chết mà xử tử, một bản án vô nhân đạo”.hoặc Tao biết con tao bị tử hình thì tao chuẩn bị dao giết con Thúy (nạn nhân bị chặt tay, cướp của) tại tòa”. Tôi ừ à rồi lảng sang chuyện khác vì thú thật tôi không biết trả lời sao, sự việc này khiến tôi suy nghĩ: cách trồng người, dựng người… của cái gọi là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bây giờ đã hỏng, giống như một chiếc xe lao xuống dốc không phanh. Phải dứt khoát, mạnh dạn làm lại từ đầu.

Trước khi chấm dứt bài này, xin kể quí vị một câu chuyện vui không liên quan đến chuyện ăn cắp nhưng có dính dáng đến các tiếp viên hàng không Việt Nam.

Muốn gì cũng có
Tôi biết có một người mà tôi đã từng thông dịch giúp cho anh ta khi anh ta gặp tai nạn xe cộ, đang sống ở Gunma, nơi người lao động, tu nghiệp khá nhiều. Khoảng mươi năm trước tôi tình cờ gặp lại. Nói chuyện chào hỏi xong, anh ấy hỏi tôi:
-        Bác còn nhớ thịt chó không?
Sự thực thì lúc còn ở bên nhà tôi cũng có ăn chút chút, nhưng bây giờ thì thấy ghê ghê làm sao ấy. Nhưng tôi hỏi tới:
-        Nhớ chứ, ủa ở Nhật có tiệm thịt chó à?
-        Bây giờ bác muốn ăn gì chả có. Chó chính gốc Việt Nam 7 món: chả nướng, nhựa mận, dồi, luộc, nướng, sườn xào, xáo ninh nóng hổi thơm phức. Hay là bác muốn thưởng thức lòng heo tiết canh?
-        Ông làm sao mà có?
-        Bác chỉ cần cho nhà em biết trước 2 tuần, em sẽ nhờ “chúng nó” mang sang.
-        “chúng nó” nào?
-        Bọn tiếp viên Hàng Không Việt Nam đấy.
À thì ra thế. Tôi còn được nghe là có một gia đình làm đám hỏi cho con cần nguyên một heo quay to và vài con heo quay sữa, trầu cau, bánh hỏi….tất cả đều được cung cấp đầy đủ qua đường hàng không này, vừa nhanh vừa tiện.
-        Bác có muốn ăn gì mà ở đây không có, bác cho em biết, bảo đảm bác vừa lòng.
Tôi cám ơn anh cho qua chuyện vì nghĩ đến “kỹ nghệ thực phẩm kinh hoàng” của Việt Nam mà ớn lạnh. Thôi thì
Ta về ta tắm ao “ta”
Có gì ăn đó nhưng mà…. anshin  (an tâm)
---------
Xin phép ngưng ở đây
Vũ Đăng Khuê
------------------------
Sáng nay 30/3, khi vừa gửi bài này đi, tôi có bật TV đang giới thiệu về việc sân bay Haneda Nhật Bản mở thêm 40 đường bay quốc tế, trong đó có cảnh các đàn anh đàn chị đang “dạy” đàn em tiếp viên hàng không về cách xử sự, đối ứng với khách hàng...., bên dưới có chạy hàng chữ “Kore wa Nihon no kao” (Đây là những khuôn mặt của Nhật Bản). Tôi vội tắt TV và không dám xem nữa. 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link